Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Tuổi Hồng Hoang


Tôi là đứa con gái không đẹp mà cũng không xấu. Ai bảo là Đẹp thì cái Đẹp trong quan niệm họ hơi bao dung. Nhưng ai cho là Xấu thì cái Xấu của họ cũng thật quá rộng rãi. Có người đã phê bình tôi rằng: nhìn xa thì coi cũng được, mà lại gần thì quả không xấu. Tôi bằng lòng với cặp mắt này nhất. Tuy vậy cũng có nhiều người gọi tôi là Người Đẹp và tôi đã nhận với cả tấm thịnh tình của họ. Với tôi, không mai mỉa gì lắm, và riêng họ cũng không tự dối lòng: phái yếu, đàn bà hay con gái đã là người Đẹp. Tôi không buồn lòng và họ cũng không nói ngoa chút nào.

Trong gia đình, từ bên Nội đến bên Ngoại, ai cũng bảo: "Con Duyên rồi sau sẽ sướng. Nó vô tâm. Cái gì cũng cười". Mà quả thật tôi hơi dễ cười. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó chứ đâu phải tự nhiên tôi phá lên cười được. Phải là một câu nói diễu. Một khúc truyện vui. Một bản mặt hài hước... có trăm ngàn lý do để làm tôi cười và cuối cùng là không biết cũng cười. Người ta bảo là "cười trừ", còn tôi thì cho là "cười vô tội". Me tôi vẫn bảo cười lắm coi chừng vô duyên. Mặt có nhiều nếp nhăn và mau già. Ngày xưa, con gái chỉ cười ngậm kim. Tôi đã thắc mắc:

- Cười ngậm kim là gì Me? Vừa cười vừa ngậm kim, kim lọt vô bụng đâm lủng ruột còn gì?

Me tôi giải thích:

- Cười ngậm kim là ý nói con gái không có cười lớn. Mỉm miệng một tí thôi. Dù có ngậm cây kim ở môi, nó vẫn không rớt xuống.

Tôi chưa kịp thêm ý kiến thì em tôi đã chen vào:

- Me nói vậy chứ con chưa thấy ai cười trọn vẹn như chị Duyên cả.

Nghi, em tôi vẫn phàn nàn vì nó không có cái cười toàn vẹn như tôi. Theo nó thì cuộc đời tôi vẫn sẽ vui vẻ và sung sướng vì nụ cười trọn vẹn trời sinh và khuôn mặt vuông của tôi. Đây là kinh nghiệm của Me tôi truyền lại cho nó: đàn ông, đàn bà có cằm vuông sẽ sung sướng, có tiền có của. Theo ý Me tôi khuôn mặt thon đẹp hơn khuôn mặt vuông. Với dáng người mảnh dẻ, nước da trắng xanh, tóc nhiều và dài: đó là vẻ đẹp thanh bai và quý phái. Nhưng nó mỏng manh, không thực và sẽ khổ vì tình duyên hay không được thọ. Tôi và em tôi thì rất lấy làm tiếc không có được vẻ trang trọng, tiên cảnh đó. Tôi thuộc loại người "ăn được ngủ được", mạnh bạo và ồn ào. Con Nghi vẫn than phiền là nó vẫn bị mệt tim và nhức đầu chóng mặt mỗi khi nghe tôi nói chuyện. Dù rằng nó thường ca ngợi với đám bạn nó "Chị Duyên nói chuyện sống động y như thật. Tao không thích coi Tivi hay đọc truyện mà chỉ thích nghe và nhìn chị ấy kể lại thôi..."

Trong nhà, có tôi là ồn ào từ nhà dưới lên nhà trên. Tôi đi tới đâu là tiếng cười nói tới đó. Lũ em nhỏ vẫn thích tôi hơn Nghi vì tôi gần tụi nó quá. Tôi biết đủ chuyện, từ "Cây tre trăm đốt", đến "Astro Boy" con người Robo kỳ lạ. Từ "Công Chúa ngủ trong rừng" đến "Bam Bi" con nai vàng ngơ ngác... Có một lần, lên nhà thăm bà Dì. Dì tôi mới gặp đã vừa cười, vừa bảo:

- Hôm qua, mưa to quá.

Tôi đỡ lời:

- Dạ, dưới nhà cũng vậy, sấm sét nhiều lắm.

Dì tôi ngắt lời:

- Thằng Huy đang ngồi với Dì xem Tivi. Bỗng nó bỏ chạy vào buồng. Hồi lâu không ra, Dì đi kiếm thì thấy nó nằm ở góc giường trùm mền kín mít. Dì tưởng nó đau, nhưng không phải. Nó bảo hồi nãy có sét. Chị Duyên biểu, ai ăn ở ác thì sét đánh chết. "Ban sáng con mở cửa làm kẹt chết con thằn lằn".

Tôi bật cười ngất. Quả thật hôm nọ tôi có kể cho hai chị em nó chuyện Phạm Công Cúc Hoa, và người Dì ghẻ bị sét đánh chết vì đã ở ác với Nghi Xuân Tấn Lực, hai người con chồng.

Thằng Huy ở dưới nhà đi lên, nghe loáng thoáng chạy tới hỏi:

- Phải không chị Duyên? Ai ở ác bị sét đánh chết.

Tôi nghiêm mặt, hạ giọng:

- Mình ở trong nhà không sao. Đi ra đường mới bị chứ.

Nghi và lũ bạn của tôi vẫn cho tôi "ma giáo". Ăn nói lúc ngược lúc xuôi. Riêng nó thì ít khi cãi lại tôi, nó vẫn bảo tôi không bao giờ chịu nhận mình sai. Tôi đã thung dung:

- Lời chị nói là trúng. Đúng chị mới nói. Chị không bao giờ phát ngôn bừa bãi.

Một hôm, đang ngồi học bài tôi bỗng nói:

- Nghi này, chắc mai vô lớp chị phải u sầu một bữa.

Nghi cười:

- Chị sắp đóng màn gì đây?

Cả nhà đều ngó tôi chăm chú, vì tôi có hôm nào buồn bã đâu. Tôi im lặng một lát rồi cười:

- Sáng nay, chị xạo chọc tụi nó cười quá làm chị mỏi cả miệng.

Cả nhà cười rũ rượi. Thằng Quân, em trai nhỏ của tôi, lên tiếng:

- Sao chị không lấy dầu đấm bóp cho đỡ mỏi.

Tôi than phiền một cách thật thà:

- Cười nhiều cũng không tốt. Ê cả hàm không muốn nhai cơm chút nào cả. Mai chị phải làm bộ có chuyện buồn một hay hai hôm mới khá trở lại được.

*

Tôi vẫn ồn ào và phá phách suốt mấy niên học. Nhớ một năm tôi còn để tóc dài lê thê xuống nửa đầu gối. Học trong lớp có ông thầy Toán trẻ. Tụi trong lớp ngay đầu năm đã chia phe đảng và tôi yếu thế chỉ có một phần tư lớp. Ông thầy có cảm tình, thương tôi nhất lớp và tụi nó đã xì xào "ông Toán thương con Duyên. Con Duyên cũng điệu lắm, cứ đến giờ ông là nó xõa tóc ra". Hồi đầu tôi không để ý, nhưng cũng nhận thấy một màn dò xét và theo dõi của nhiều cặp mắt trong lớp. Con Chi, phe đối nghịch, có cảm tình cho tôi biết và khuyên tôi nên cặp tóc lại cho yên thân. Sau khi suy đi tính lại với bọn con Nga tôi quyết định: học bài ông Toán thật thuộc. Làm toán thật nhiều. Về nhà bao nhiêu giở rảnh, tôi đổ dồn vào môn này hết và cứ đến giờ toán là tôi thả tóc ra rất "yểu điệu" và "thướt tha", dù nóng nực hay lạnh lẽo. Lạnh từ khí thế trong lớp mỗi khi tôi lên bảng được 17, 18 điểm. Nóng từ khi trời bên ngoài càng gần hè càng oi bức, cho đến những cơn giận đổ ào của ông thầy khi lũ học trò phe kia quá tăm tối ngòi lửa của phe địch mỗi khi ông Toán đem tôi ra làm gương trong lớp. Thế là tôi thả tóc "nghênh chiến" với "phe địch" cho tàn một niên học. Suốt năm, tôi đã cắn răng chịu nóng nực, giữ cho bộ mặt tươi cười, dễ yêu dù rằng nhiều lúc tôi muốn nổi cơn giận ào ào, mặt mày nhăn nhó như Bà Phù Thủy trong phim "Blanche Neige", vì mang trên lưng cả một trời miền xích đạo. Kết quả, để đền bù lại, cuối năm tôi "ca khúc khải hoàn" chiến thắng "phe địch" với lời ban khen của ông Toán và phần thưởng nhất toàn trường của ông giám đốc.

*

Qua mỗi năm, tôi mỗi biết nhường nhịn hơn và làm thân với mọi đứa trong lớp. Bây giờ nhắc lại chuyện cũ tôi chỉ cười xòa không gây hấn nhau, không ganh ghét nhau. Có lẽ đứa nào cũng thấy sắp qua tuổi học trò rồi. Tôi đang học lớp Mười Hai cuối năm thi Tú Tài II và rồi "bái bai" mái trường. Không biết tôi có đậu không. Và rồi tôi sẽ học gì. Tôi không có một ý niệm rõ ràng về tương lai và định đoạt cho đường mình đi sau này. Tôi chỉ vui cười cho hôm nay và ngày mai. Hết ngày lại đến tối. Bạn bè mỗi năm, mỗi thu hẹp lại. Tôi giờ chỉ chơi thân với con Quyên và con Linh. Con Quyên ở xa và con Linh ở cạnh nhà. Ba đứa tôi chơi với nhau đã sáu, bảy năm rồi. Hai đứa nó vẫn thích nhắc đến "đức tính thiện chí" của tôi mà rũ ra cười Vào tuần thứ hai của một niên học. Ông thầy Việt văn không bắt ai trả bài mà chỉ hỏi, ai tình nguyện trả lời mấy câu hỏi của ông sẽ được điểm cao. Tuần trước, ông giảng bài tôi nghe câu được câu mất vì bận nói chuyện với con bạn ngồi cạnh. Nghe ông "khuyến dụ" tôi không dám lên, theo tôi nghĩ dù sao cũng hỏi trong bài, mà không học, trả lời không trôi thì mắc cỡ. Nhưng con Liên con Anh con Nguyệt lên... câu nào cũng dễ, tôi trả lời được hết, tụi nó được điểm thật cao 17, 18. Tôi thấy "dễ ăn" cũng giơ tay lên bảng.

- Số mình vẫn hên Tôi vừa đi vừa nhủ. Với tất cả sự tự tin tôi để quyển vở ngay ngắn trước mặt ông Việt.

Thật chết rồi kỳ này không còn đất sống nữa. Ông Việt hỏi câu gì, tôi moi trí mãi không nhớ ra 5, 7, 15, 30... rồi 1 phút trôi qua, tôi nghe như cả một thế kỷ. Mồ hôi ra đầy cả trán. Lớp im phăng phắc. Ông Việt nghiêm trang và tôi nghe rõ nhịp tim tôi nhảy như tiếng chày giục giã bên tai. Người tôi nóng bừng chỉ ước ao sao như "Thổ Hành Tôn" chui xuống đất mà đi cho rảnh. Tôi  trả lời lung tung không biết ngừng ở đâu cho phải "Biết vậy thì đừng có lên..." tôi lầm bầm trong đầu. Ông Việt xếp vở ghi gì trong sổ điểm rồi cất giọng "nhẹ nhàng":

- Thôi cho chị về chỗ.

Bước chân tôi nặng cả trăm cân, muốn đạp thủng đất để vùi mình xuống. Giờ ra chơi lũ bạn ùa lên xem sổ điểm.

- 12đ. Không thuộc bài nhưng có thiện chí! Ôi nhục này biết bao giờ mới rửa cho sạch. Tôi ôm mặc cảm với ông Việt cho đến mãi hôm nay.

*

Tôi bây giờ đã người lớn nhiều. Tôi đã biết làm thinh đúng lúc, người ta đã chẳng bảo "im lặng là vàng" đó sao! Tuy nhiên tôi phải thật tâm thú nhận là  chỉ trong ít phút tôi lại phải khua động, ồn ào. Me tôi bảo tôi con nít hơn con Nghi. Nó thua tôi một tuổi nhưng nó đằm thắm, trầm tĩnh, "biết ăn biết nói". Tôi thì cứ "bô bô", nghĩ gì nói nấy chẳng sợ mích lòng ai. Tôi và nó khắc tinh nhưng lại hạp nhau. Lúc tôi lên thì nó xuống. Lúc nó giận thì tôi làm hòa nên hai chị em ít cãi vã nhau. Thường thì hai đứa cùng chơi chung đám bạn. Con Nghi giống tính con Linh Tôi, Nghi và Linh chơi với nhau từ hồi lên Trung học, năm đó tôi mới 11 tuổi, Linh bằng tuổi tôi và con Nghi nhỏ hơn.

Anh Tân, anh cả con Linh, hình như thương tôi hơn con Nghi, con Linh. Con Linh vẫn bảo vậy và tôi cũng tự nhận thấy. Riêng tôi, thì anh Tân giống tính hai đứa nó; không ồn ào, dễ cười dễ nói như tôi. Anh Tân là người lớn. Nhưng anh Tân như thích nghe tôi nói chuyện. Nhắc tới anh là tôi nghe cả một sự quí trọng và thương mến. Vạn sự tôi nhờ anh đều làm hết. Anh thân và chìu tôi nhất. Con Nghi, con Linh không ganh ghét gì. Ba đứa tôi thương nhau và cùng quí anh Tân. Hai nhà coi nhau như một nên sân không có rào ngang. Tôi ở nhà là nhà vang tiếng cười, tiếng nói. Sang nhà anh Tân là nhà anh ồn ào hẳn lên. Lũ em anh cũng thương tôi như các lũ nhỏ bên nhà. Anh Tân đã chẳng nói với Me tôi đó sao:

- Duyên đi tới đâu là linh động tới đó.

Tôi bản tính vốn không sợ ai. Tôi sợ chỉ có hai người: Ba Me tôi. Be Me tôi đã biểu là tôi nghe theo không lý luận, suy nghĩ gì cả. Ba Me tôi đã nói là đúng, không thể sai. Nhưng ngẫm nghĩ lại, tôi chợt thấy mình còn sợ Anh Tân nữa. Đã lâu rồi, Anh nói gì tôi nghe nấy, mà có suy nghĩ tôi cũng thấy Anh nói đúng. Nhắc đến anh Tân là phải nhớ đến sự chìu chuộng của Anh. Tôi thích được anh chìu, tôi hay làm nũng với Anh và đó là một điều rất hiếm thấy ở tôi. Tôi vẫn bướng bỉnh và không nũng nịu với bất cứ ai. Ba Me tôi vẫn bảo:

- Con Duyên như con trai. Phải hiền dịu một tí con ạ.

Với Anh Tân tôi vẫn là con gái đấy chứ. Tôi thỉnh thoảng lại tỏ ra ngang bướng để bắt Anh chìu theo, mà nghe vui vui trong lòng.

- Duyên hôm nay khó tính quá.

Anh Tân là một nguồn sông để tôi đổ về bao buồn giận phiền muộn Tôi buồn Tôi giận Tôi bướng đều đổ vào Anh Tân. Có những điều tôi không nói với Ba Me, con Nghi, con Linh, nhưng tôi nói với Anh Tân. Tôi nghe ở Anh Tân cả một sự che chở và bảo vệ, luôn luôn Anh về phe với tôi. Tôi nói với Anh Tân gần hết ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi.

Tôi ít khi mơ mộng. Trong một giây có muôn vàn ý chạy qua trong đầu. Tôi không ao ước cầu xin điều gì như lũ bạn tôi vẫn hằng khấn nguyện. Với tôi, như vậy là quá đủ: gia đình tôi. Ba Me, con Nghi, lũ em sau. Với con Linh, Anh Tân Ngày này qua tháng khác, niềm thích của tôi là vậy. Tôi có nói với Anh Tân điều này và đến hôm nay tôi còn nhớ Anh Tân mỉm miệng cười, nhìn tôi một giây như muốn nói điều gì. Rồi Anh chỉ bảo:

- Duyên ngoan lắm.

Tôi đón nhận ánh mắt của Anh và nghe một nụ hoa tim tím nở trong lòng. Anh Tân thương mình lắm, đừng bao giờ làm anh ấy buồn. Thương. Thương. Tôi chợt nhớ lời Me nói hôm nào: làm con gái đừng thương ai quá. Đến khi họ quên thì ôm mối khổ vào thân.

Con Nghi, con Linh cũng gật gù:

- Thương ai thì mình thương hoài, cho dù họ có quên mình đi chăng nữa.

Tụi nó làm như có kinh nghiệm lắm. Tôi tuy chưa nhận định rõ ràng nhưng cũng cãi:

- Còn con, đã thương ai, nếu họ làm lơ thì con nghỉ chơi liền, không thương nữa...

Cánh hoa vàng ngoài sân đã nở.

Tôi thoáng nghe niềm tinh nghịch.

- Phải nói cho Anh Tân nghe!

"Em thương ai. Nếu quên em, thì em stop liền"


DIỆU PHƯƠNG    


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 2, ra ngày 20-5-1971)

Bìa của Vi Vi : Tô điểm cuộc đời

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>