Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Lá Thư Bảo Đảm


Tan học Tôi đạp xe về. Không khí thành phố ngột ngạt, nóng bỏng...

Vứt chiếc xe dưới chân cầu thang, tôi lững thững lên gác thì tiếng bà chủ nhà gọi giật tôi lại:

- Cậu Hoài, có giấy lãnh thư bảo đảm đây này.

Tôi quay lại, ánh mắt rực sáng, tâm trạng buồn chán tan biến. Tôi chạy xuống đỡ mảnh giấy trắng trong tay bà chủ nhà rồi leo vội lên gác, quên cám ơn...

Tờ giấy lãnh thư bảo đảm đến, xáo trộn hẳn nhịp sống độc điệu của tôi. Một niềm vui thành hình tròn trĩnh. Là một thằng học trò ở trọ, sống xa gia đình, tôi đã phải kéo lê những ngày sống cuối tháng nặng chịch chờ tiền trợ cấp. Nhận được hai, ba lá thư của gia đình gọi về quê nghỉ hè, tôi từ chối với lý lẽ: lợi dụng những ngày nghỉ để ôn lại bài vở và vì kỳ thi đã gần đến. Sự thật năm nay tôi muốn ở lại Sàigòn để thực hiện một vài dự tính mà trong năm học việc đèn sách đã chiếm hết thời giờ rảnh rỗi. Trong lá thư hồi âm, tôi xin thầy mẹ tôi gửi tiền trợ cấp sớm và không quên ghi vài hàng tái bút về khoản tiền "tẩm bổ để lấy sức học thi"! Chờ đợi Cuối tháng, rồi tháng tiếp theo đã qua hơn một nửa, tôi vẫn không nhận được một lá thư nào của gia đình. Tôi sống trong mong đợi băn khoăn, trong khắc khoải và trong... tủi nhục.

Tới trường, giờ nào tôi cũng "chạm trán" với tên thư ký mặt nặng, lạnh, lầm lỳ, lúc nào cũng kè kè quyển sổ đóng học phí. Văn phòng đã hai lần gọi tôi lên cảnh cáo: nếu không đóng đủ tiền học cuối năm, nhà trường sẽ không chịu trách nhiệm về hồ sơ thi. Mặc dầu tôi rất hiểu câu "châm ngôn" căn bản của học sinh thời nay là "tiên học phí, hậu học văn" (!) nhưng biết làm sao khi mà tiền trợ cấp gửi vào muộn, khi mà mỗi buổi sáng tôi phải cầm hơi bằng nước... lọc!

Trở về nhà, mỗi lần gặp bà chủ, tôi lại được nghe câu "điệp khúc" nhắc khéo tiền thuê căn gác:

- Cậu Hoài thế nào, có về ngoài đó nghỉ hè không đấy? Tôi thì bận quá chả đi đâu được. Lát nữa lại phải lóp cóp lên đàng kia thu xếp tiền nong cho xong. Gớm cái con mẹ đó sao mà "giai" thế, nợ người ta có mấy trăm bạc mà cứ khất lần mãi. Rõ chán!

Dĩ nhiên tôi hiểu ý nghĩa câu nói của bà. Tôi lại năn nỉ và hứa sẽ trang trải món nợ trong ít ngày nữa.

Qua mụ hàng cơm, những lời hứa hẹn của tôi cũng đã trở nên mỏng manh, hão huyền. Mụ dọa sẽ không nấu cơm tiếp cho tôi nữa. Mấy ngày hôm nay, vừa thấy tôi bước vào quán, mụ vội quay gót vào nhà trong. Đứa con gái giúp việc giả cúi xuống sửa lại cái khăn bàn. Những thái độ này không xa lạ với tôi. Chúng chỉ xuất hiện vào quãng thời gian chậm trả tiền cơm. Biết thân biết phận, tôi cứ lặng lẽ ngồi vào chiếc bàn cũ kê trong góc tường. Đứa con gái giúp việc đến, nói không thèm ngó tôi:

- Bà chủ bảo tôi nói với cậu cho tiền cơm tháng trước.

- Nhờ cô nói lại cho tôi chịu một vài hôm nữa. Cô cứ ghi sổ rồi tôi sẽ "thanh toán" sau.

Đứa con gái giúp việc miễn cưỡng dọn cơm cho tôi: một chén nước mắm ớt, mấy miếng thịt mỡ, tô canh loãng, đĩa cơm trắng.

- Cậu dùng tạm, trưa nay cậu ra hơi muộn...

Câu "công thức": "cậu ra hơi muộn, thức ăn nguội cả rồi, ăn vào chả bõ bị... dịch tả" hoặc "cậu ra hơi sớm, thức ăn chưa chín kịp" được dùng để hạn chế bữa ăn và để cảnh cáo sự chậm trễ trả tiền của tôi. Tấn hài kịch này tái diễn hằng ngày và chỉ chấm hết khi tôi nhận được thư bảo đảm gửi tiền trợ cấp. Tôi không oán trách, kêu ca. Đồng tiền đã bịt miệng tôi lại. Những ngày này tôi sống thật sự với ý nghĩa "ăn để mà sống"!...

Nhưng hiện tại, tôi sung sướng. Niềm vui, hy vọng của lần này lớn hơn, mạnh hơn những lần trước tôi nhận được thư bảo đảm. Tấm bưu phiếu sẽ giải quyết tất cả, êm đẹp... Quá yêu đời, tôi có cảm nghĩ tôi là thằng con trai sung sướng nhất...

Hôm nay một ngày gần cuối niên học, ngưỡng cửa của một mùa hè tươi đẹp, tôi sẽ đi lãnh lá thư bảo đảm đựng cuống bưu phiếu. Tôi sẽ có tiền. Bà chủ nhà sẽ niềm nở với tôi. Trong bữa, ngoài ba món thường lệ tôi có quyền gọi thêm thứ khác. Tôi sẽ không còn nằm ẹp trên căn gác nóng như hỏa lò, châm liên tiếp những mẩu thuốc lá đen để đốt thời gian cuối tuần. Tôi sẽ tặng người bạn gái bé nhỏ một món quà đặc biệt.

Mân mê giấy lãnh thư bảo đảm, tôi hát một điệu ca của "Tình Yêu và Tuổi Trẻ". Căn gác trọ chật hẹp đổi mầu: sáng và rộng rãi hơn mọi ngày...

Thay quần áo xong, tôi xuống đường. Niềm vui của tôi đạt đến cao độ: những bước chân nở hoa, có nhạc đệm ; cuộc đời đầy màu hồng màu xanh, có ánh sáng mặt trời, có mùa xuân... Tôi bước đi, đầu ngẩng lên, mắt nhìn thẳng. Bà chủ nhà đang giặt quần áo, thấy tôi đi ngang, dừng tay cười ròn tan. Bà đã đi vào niềm vui của tôi: bà thừa biết mỗi lần tôi ra nhà Bưu-điện là mỗi lần bà có thêm tiền:

- Cậu Hoài đi chơi phố đó hả?

- Dạ, cháu đi lãnh... bưu phiếu. À, thưa bà, chiều nay cháu định sẽ đưa bà tiền nhà đầy đủ cả hai tháng.

- Úi chà! Người nhà với nhau mà cậu cứ vẽ, khi nào đưa chả được. Tối nay cậu về sớm dùng cơm với vợ chồng tôi nhá.

- Cám ơn bà, tối nay cháu bận mất rồi; xin bà để cho hôm khác.

Tôi mỉm cười sau câu nói. Giá ngày nào bà chủ cũng "tử tế" như vậy thì dễ thương biết mấy! Tôi nhảy lên xe, đạp mạnh. Việc đầu tiên của nửa ngày còn lại là đi ăn cơm trưa. Bước vào quán, tôi bắt gặp lại những thái độ khinh nhạt của mụ chủ. Đứa con gái giúp việc dọn bữa cho tôi:

- Cậu đến hơi sớm, thức ăn...

- Không sao, cô cho tôi một chai bia lớn.

Hai con mắt của đứa con gái giúp việc mở tròn, to. Tôi không cần tìm hiểu cảm giác qua nỗi kinh ngạc đó. Hiện tại tôi còn bận với niềm vui riêng của tôi. Tôi bắt đầu cầm đũa. Mụ chủ quán tiến lại, kéo ghế ngồi đối diện với tôi. Sau mấy câu kêu ca thức ăn đắt đỏ, mụ "hỏi xin" tôi tiền cơm. Vừa chìa mảnh giấy lãnh thư bảo đảm, tôi vừa hứa với mụ sẽ trang trải xong món nợ chiều nay. Mặt của mụ nở ra. Mụ cười, nói khen tôi "có duyên, đẹp trai, lịch sự, đứng đắn, học giỏi". Mụ vẫy tay ra hiệu bảo đứa con gái giúp việc bưng thêm cho tôi một đĩa thịt nạc. Sức mạnh của hơi đồng tiền quả thật ghê gớm. Nó có đủ mãnh lực mầu nhiệm thay đổi tính tình, hình dáng con người trong giây khắc. Tôi thầm nghĩ ngay trên lãnh vực sân khấu, người ta cũng không thể tìm gặp được những diễn xuất tài tình đến thế, nhưng trong cuộc đời mọi người đều "đóng kịch" một cách rất tự nhiên, sâu sắc, rất "chỉnh", rất khôn khéo... Đồng tiền đã bóp méo tất cả!

Ngả người trên chiếc ghế, tôi uống từng ngụm bia nhỏ. Nước lạnh thấm vào huyết quản làm dịu những tế bào căng nóng. Đứa con gái giúp việc thỉnh thoảng nhìn tôi mỉm cười. Sao tôi ghét bộ mặt vô duyên đó thế! Bộ mặt chứa đầy sự đểu giả. Bộ mặt phì nộn, đen, láng bóng mồ hôi dầu cắm trên một khối thịt lùn, béo, thô lỗ! Nhìn nó, tự nhiên tôi đem một ý nghĩ về Tạo Hóa. Nếu Hóa Công không phải là một nhân vật tinh nghịch thì cũng là một "người" hết sức khôi hài: tại sao Hóa Công có thể "nghĩ" ra được một bộ mặt "khiêm nhượng tột độ" thế kia để đặt vào một loài tượng trưng cho cái đẹp, cho hiền dịu, tế nhị, cho yếu ớt: Đàn bà?

Nó lại nhìn tôi cười toe toét; mắt híp lại, môi trệ xuống, miệng méo xệch đến tận mang tai. Mấy ngày trước nó thường khinh bỉ, rủa thầm tôi "đồ ăn quịt, đồ nghèo mà ham". Tôi câm lặng. Nó xấu xí nhưng nó có quyền làm thế vì lúc đó tôi không có tiền. Bây giờ tôi sắp lãnh bưu phiếu, nó cười làm lành. Nhưng tôi vẫn bắt gặp được trong hành động cười của nó tất cả sự bỉ ổi, giả dối, trơ trẽn, nham nhở...

Bỏ dở ly bia, tôi đứng dậy đi ra.

Chạy xe ngang tiệm hớt tóc, tôi tạt vào. Đã gần ba tháng nay tôi mới lại tới đây. Gã thợ cạo phải tỉa, xén một hồi lâu cho tóc bớt rậm mới dùng "tông đơ" hớt. Tôi hơi ngượng, nhưng cảm giác này tắt sớm. Gã thợ cạo luôn miệng khen tóc tôi đẹp, đen mượt, nằm sát. Gã cám dỗ tôi uốn, ép, sấy cho giống... tài tử! Để trả lời, tôi giục gã hớt nhanh, không cần cạo mặt. Cuộc đời còn nhiều điều đáng nghĩ hơn là mái tóc.

Khi gã hớt tóc xong, tôi móc chiếc ví cũ ra trả tiền. Một tập giấy biên lai giặt ủi rơi xuống đất. gã thợ cạo cúi xuống nhặt trả lại tôi, cười tủm phơi bộ răng vàng khói thuốc.

- Bao nhiêu, ông?

- Cậu cho 45 đồng.

Tôi đưa cho gã hai tờ giấy hai chục mầu đỏ và một đồng bạc kẽm mười đồng, số tiền cuối cùng của tôi dành dụm để đề phòng khi chiếc xe "giở chứng" hoặc thỉnh thoảng "đáp" chuyến xe "lam" đặc biệt đi thăm Nga, người bạn gái dễ thương.

- Dạ, cậu chờ tôi một chút tôi đi đổi tiền lẻ.

Nghĩ tới quãng thời gian ngắn còn lại để đi đến Bưu Điện, hơn nữa khi vui người ta thường trở nên đại lượng, tôi chép miệng:

- Thôi biếu ông luôn.

Gã thợ cạo mỉm cười cám ơn, tay vân vê hai tờ giấy bạc:

- Lần sau mời cậu... lại chơi!

Ở tiệm hớt tóc ra, tôi đạp xe trực chỉ đến nhà Nga. Nàng đi học. Tôi viết mấy chữ để lại:

"Nga, chiều nay xin phép Ba, Má đi chơi với Hoài nghe. Chúng mình sẽ đi xem chớp bóng, rồi ăn cơm tiệm, chịu không?"

Trên đường tới Bưu Điện, chân đạp xe đều đều, đầu óc tôi bận rộn với những "mục du hí" với người bạn gái:

- Nga ơi, tối nay hai đứa mình sẽ đi dạo phố, xem phim Oliver... Bọn con trai sẽ toét mắt khi thấy Nga xinh đẹp đi cạnh Hoài. Chúng mình sẽ vui, thật vui Nga nhỉ. À, phải rồi! Hoài sẽ mua tặng Nga một món quà đặc biệt, một món quà mà Hoài biết Nga thích từ lâu. Hoài đang đi lãnh tiền trợ cấp đây. Thầy Mẹ thương Hoài lắm, ít nhất cũng gửi cho Hoài bốn, năm ngàn để tiêu dùng trong kỳ hè. Nga ơi, người ta bảo tiền không tạo được hạnh phúc, niềm vui; Hoài thấy không đúng hay ít nữa cũng sai trong trường hợp của Hoài. Nếu không có tiền, có lẽ giờ này Hoài đang giam mình trên căn gác trọ chật hẹp, nóng bức. Nếu không có tiền, tối nay chúng mình đâu có được vui vẻ bên nhau, phải không Nga?

Tới Bưu Điên tôi gửi xe ở ngoài.

- Xin cậu cho tiền giữ xe trước.

- ... bao nhiêu?

- Dạ mười đồng.

- ... Tôi không có sẵn... tiền lẻ... Lát nữa ra tôi sẽ trả bà gấp đôi.

Tôi tiến lại phía "guichet" lãnh thư bảo đảm; tim tôi đập mạnh, nhịp thở lệch đi. Tôi sung sướng như người trúng số độc đắc đi ngân khố lãnh tiền. Tôi cũng sắp có tiền để trang trài nợ nần, để tiêu trong kỳ hè... Cuộc đời đẹp quá!

Lão nhân viên, người gầy, khô như chiếc bã trầu, chìa cuốn sổ cho tôi ký tên rồi trao cho tôi chiếc thư bảo đảm dán đầy tem. Đã nhiều lần tôi đi lãnh thư nhưng chưa lần nào tôi hồi hộp cho bằng kỳ này. Nhìn nét chữ lạ tôi hơi ngạc nhiên. Tôi lật úp chiếc phong bì: một hàng chữ màu xanh hiện ra, nhảy múa trước mắt tôi:

"Phiền Hoài trao thư này lại cho Nguyễn-Sỹ-Bạch. Cám ơn nhiều".

Cả không gian đen tối chụp lấy tôi. Những tiếng thét chát chúa nổi lên bên tai, nhức óc. Một vực thẳm mở rộng dưới chân tôi. Hàng chữ tai quái đã bẻ gẫy con người tôi toàn diện. Cổ họng tắc nghẹn. Chân tay run, mềm nhũn. Mồ hôi nhỏ từng giọt, bò trong sống lưng. Tôi đứng chôn chân giữa lòng nhà Bưu điện. Chung quanh người người ra vào tấp nập nhưng tôi có cảm tưởng mình hiện hữu giữa sa mạc. Như người hấp hối trước khi nhắm mắt vĩnh viễn, tôi thấy lại trọn vẹn quãng thời gian quá khứ: Trước mặt tôi, bà chủ nhà, mụ hàng cơm cười hề hề đón tôi về trả nợ. Tôi thấy đứa con gái giúp việc xấu xí nhìn tôi nheo mắt, cười nụ, tiến lại phía tôi với chai bia lớn. Tôi thấy cô bạn gái bé nhỏ của tôi, bụng đói, đứng chờ tôi dẫn đi dạo phố, đi xem chớp bóng, đi ăn cơm tiệm và... món quà đặc biệt. Tôi thấy chiếc xe đạp của tôi với số tiền gửi xe "gấp đôi"... Tôi thấy những tờ giấy bạc bị một cơn gió lốc thổi bay tung tóe...

Tay vân vê chiếc thư bảo đảm nhờ chuyển giao, tôi không biết nên cười hay nên khóc trước ngưỡng cửa của mùa hè, mùa đẹp nhất của tuổi học trò...?


HOÀNG HÀ         
(những ngày tháng học trò)


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 1, ra ngày 5-5-1971)

Bìa của Vi Vi : Vươn tới
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>