2
Chàng thanh niên đã giúp ông
Chánh số tiền nhỏ là cậu Nguyễn Thành Liêm, con ông bà Nguyễn Thành Hưng, chủ
hiệu Thành Hưng ở đường Bona, Saigon. Ông bà
Thành Hưng có hai căn phố lầu, từng dưới để buôn bán tạp hóa, từng trên để ở.
Ông bà hiếm hoi, chỉ sinh được một người con là cậu Nguyễn Thành Liêm đó mà
thôi. Năm nay, cậu được 17 tuổi, và cuối niên học vừa rồi cậu đã đậu Thành
chung. Thấy cậu quá lo học hành nên yếu sức, ông bà cho phép cậu đi với một
người bạn cùng lớp ra Hà nội, nghỉ ngơi chơi mấy tháng hè, vì ông bà có người quen
ở đó. Hai cậu đi xe lửa ra Hà nội, ngày ngày dắt nhau dạo chơi xem phong cảnh.
Cả hai đều hiếu học, muốn nghe, muốn xem cho biết những cảnh đẹp, những nguồn
lợi phong phú của nước nhà, nên hai cậu đã đi xem mỏ than ở Hòn gai, Đông triều
và ra ngắm cảnh ở vịnh Hạ Long.
“Đi cho biết đó biết đây”. Chuyến đi chơi này, hai cậu đã học hỏi được nhiều điều
hữu ích. Sau một tháng rưỡi ở đất Bắc, hai cậu bàn nhau đi lần vào miền Trung,
ghé xem một vài nơi danh tiếng rồi về nhà. Cậu Liêm viết thơ tin cho cha mẹ hay.
Rồi cả hai đi xe lửa về Vinh. Ở Vinh, hai cậu đi Bến Thủy xem nhà máy làm diêm
(hộp quẹt). Hai cậu thấy những khúc cây bồ đề to tướng, xe ra từng mảnh nhỏ bé,
cho đến khi dán nhãn hiệu lên bao, bôi lân tinh vào cạnh bao, nhất nhất đều làm
bằng máy, hai cậu xem không chán mắt. Ở Vinh vài ngày, hai cậu lấy vé xe lửa về
Đồng Hới.
Đồng Hới có sông Nhật Lệ, có
những cồn cát trắng thoai thoải dọc theo bờ sông, trồng đầy phi lao. Những
người thích yên tĩnh, chiều chiều thường ra đây, ngồi trên làn cát trắng, lặng
nghe tiếng thông reo, phóng tầm mắt nhìn mặt biển vô tận lăn tăn gợn sóng. Đồng
Hới lại có một di tích lịch sử : Lũy Thầy. Lũy Thầy là một tiền đồn do sáng
kiến ông Đào Duy Từ xây lên trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Nhờ có lũy nầy
mà quân chúa Nguyễn đẩy lui được lực lượng tấn công vũ bão của quân chúa Trịnh.
Người dân thời bấy giờ nhớ ơn ông Đào Duy Từ, nên gọi là Lũy Thầy.
Từ giã Đồng Hới, hai cậu đi
Huế. Huế là nơi Vua và triều đình ở. Huế có sông Hương dịu dàng như cô gái
hiền, có núi Ngự đầy cây thông đẹp, có Nam Giao, có những lăng tẩm xây cất
theo lối xưa, ở giữa những phong cảnh âm u tịch mịch. Huế cũng có những phố xá
buôn bán, nhưng không sầm uất. Huế lúc nào cũng nghiêm trang, yên lặng, cổ
kính.
Hai cậu ở lại Huế gần một
tuần lễ rồi mới đi Đà Nẵng. Và ở đây, cậu Liêm
đã tình cờ gặp cha con ông Chánh. Tối hôm đó trong phòng trọ ở khách sạn, Liêm
kể cho bạn nghe câu chuyện hồi chiều, rồi bảo:
- Anh Minh nè, phải chi anh
thấy hai đứa nhỏ con ông Chánh, chắc anh sẽ thích lắm. Tội nghiệp hai đứa nhỏ
tánh tình đơn sơ, dễ thương, đã phải mồ côi mẹ, lại phải đi xứ xa làm ăn! Chà,
nếu má tôi có hai đứa nhỏ như vậy, chắc bả thích lắm!
Cậu Minh mỉm cười:
- Thế sao hồi chiều, anh
không nói đại chuyện đó với ông ta xem sao?
Liêm thở dài:
- Mình thích thì nghĩ vậy,
chớ biết lòng dạ họ ra sao? Vả lại biết má tôi có chịu không nữa chớ! Thôi,
chúng ta bàn qua chuyện khác : bây giờ tụi mình về đường bộ hay đường thủy?
Đường bộ thì ghé Nha Trang chơi ít ngày. Còn đường thủy thì đi thẳng về Sàigòn.
Chiều nay tôi xuống hãng Năm sao, họ cho biết, sáng ngày mốt, lối 11 giờ, sẽ có
chuyến tàu thủy đi Sàigòn.
Minh nhỏm dậy:
- Sáng ngày mốt có chuyến
tàu thủy đi Sàigòn hả? Thế thì tụi mình đi tàu thủy về cho rồi. Tôi nhớ ba má
tôi quá, chỉ muốn về không muốn đi đâu nữa!
Liêm đồng ý:
- Thôi được rồi, sáng mai
mình đi lấy vé rồi dọn đồ về.
Sáng hôm sau, hai cậu dắt
nhau xuống hãng tàu Năm Sao mua vé đi Sàigòn. Chiếc tàu hai cậu sẽ đi, từ Hải
Phòng vào cập bến Đà Nẵng đã hai ngày nay. Tàu bỏ xi măng xuống bến và lấy hàng
ở đó đi : những chồng nón cao hơn người đứng, sắp đầy cả bến, đợi chuyển xuống
xà lúp đem ra tàu.
Đôi bạn đi một vòng quanh
thành phố, ghé vào Bưu điện đánh dây thép tin cho cha mẹ hay ngày mình lên tàu
thủy, rồi trở về phòng trọ. Qua đêm cuối cùng trên đất Đà Nẵng, hai cậu dậy rửa
mặt, ăn điểm tâm rồi thong thả đi ra bến tàu. Các hành khách đứng đợi không
đông lắm. 9 giờ, hành khách trình giấy xong, xà lúp đưa mọi người ra tàu. Một
chiếc thang dài đặt dựa vào hông từ dưới lên trên boong tàu. Nhân viên quan
thuế khám xét hành lý mọi người, rồi kẻ trước người sau, xách hành lý trèo lên
thang. Ở xa, chỉ thấy chiếc tàu lớn, chứ không lượng được, khi lên boong tàu
mới thấy tàu lớn thật. Bề dài 80 thước, bề ngang chừng 20 thước. Tàu chia ra
nhiều hạng : hạng nhất ở trên hết, rồi đến hạng hai, hạng ba, hạng tư ở gần
dưới gầm tàu. Mỗi từng có nhiều phòng, có lối đi hẹp. Nếu không có bảng chỉ dẫn
chắc không biết lối mà ra. Liêm và Minh đi hạng nhì. Cả hai ở chung một phòng.
Phòng không rộng lắm, nhưng đầy đủ tiện nghi. Có bàn viết, chỗ rửa mặt, tủ đựng
đồ đạc v.v… Giường nằm thì một cái ở trên, một cái ở dưới. Nhận phòng xong, bỏ
đồ vào khóa cửa lại, cả hai kéo nhau đi xem tàu. Hai người cứ đi mãi xuống tận
gầm tàu, rồi quanh quẩn đi lên boong tàu. Lần đầu tiên được quan sát tận mắt tổ
chức một chiếc tàu thủy, cả hai vui thích lắm. Nhân viên quan thuế khám xét
chiếc tàu xong, họ vừa xuống xà lúp, thì thủy thủ kéo thang lên và cần trục ở
phía lái tàu cũng kéo neo lên. Chân vịt tàu bắt đầu quay mạnh, đẩy nước xoáy về
phía sau tàu cuồn cuộn, chiếc tàu từ từ ra khơi. Tàu ra cách bờ độ vài hải lý,
quay mũi về phía nam và bắt đầu chạy nhanh hơn. Đứng trên boong tàu, nhìn cảnh
trời biển bao la, Liêm và Minh cảm thấy mình bé nhỏ lại. Vì mới đi biển lần thứ
nhất, nên tàu chạy một lúc, cả hai thấy choáng váng trong người, vội vàng về
phòng nằm. Bữa cơm trưa hôm đó, cả hai bỏ không ăn, nằm ngủ miết cho tới chiều
mới dậy. Thấy người dễ chịu hơn, cả hai lại lên boong tàu chơi. Cảnh mặt trời
sắp lặn, đẹp lạ lùng. Ánh mặt trời chiếu lên những tia nắng sau cùng một màu
vàng nhạt, mông lung, phản chiếu xuống mặt biển gợn sóng những vệt sáng lăn tăn
chạy dài vô tận… Chuông tàu đổ hồi báo hiệu
giờ cơm tối. Liêm và Minh vội vã xuống tầng nhì. Phòng ăn rộng rãi, đèn điện
sáng trưng. Hành khách nhiều người say sóng, chỉ có một ít người đi ăn. Ăn uống
xong, cả hai lại trở lên boong tàu chơi. Trời lúc này đã tối hẳn. Đêm nay không
có trăng, bầu trời vẩn một ít mây đen. Cảnh vật im lặng, chỉ nghe tiếng chân
vịt chạy đều đều, và tiếng nước vỗ ì ầm vào mạn tàu. Sương rơi xuống hơi lành
lạnh, hai người về phòng nằm ngủ. Vào khoảng nửa đêm, cả hai đều giật mình ngồi
dậy, vì chiếc tàu lắc lư quá và tiếng sóng vỗ vào mạn tàu mạnh lắm. Minh vội
khoác thêm áo chạy ra một lúc rồi trở về bảo Liêm:
- Liêm ơi, có bão lớn, biển
động mạnh lắm. Tàu phải đi rất chậm!
Liêm lo lắng:
- Liệu có sao không anh?
Minh trèo lên giường nằm
lại:
- Thật là lo hão huyền. Bão
lớn thật, nhưng thấm gì với chiếc tàu nầy, chỉ có điều là tàu lắc lư làm mình
khó chịu một chút thôi!
Đột nhiên, Liêm nghĩ đến
chiếc ghe cha con ông Chánh đi, bây giờ không biết tới đâu, có tránh được cơn
bão kinh khủng nầy không? Liêm thao thức mãi đến sáng không thể nào ngủ lại
được. Vừa mờ sáng, Liêm dậy rửa mặt, thay áo chỉnh tề, lên boong tàu tìm gặp vị
Thuyền trưởng trình bày về chiếc ghe có lẽ bị nạn. Ông Thuyền trưởng là người
rất nhân đạo, vừa nghe qua, ông vội truyền cho nhân viên phụ trách dùng kính
viễn vọng tìm xem có chiếc ghe nào đang bị bão không. Một lát sau, ông được báo
cáo : “Có một chiếc ghe đang ở vị trí tây bắc, cách chiếc tàu nầy độ 5 hải lý.
Mặt biển bị sương mù nhiều, nên không được rõ lắm, nhưng chắc một điều là cột
buồm ghe đã bị gẫy, và trong ghe lố nhố nhiều người”. Lập tức, ông Thuyền
trưởng ra lệnh cho viên hoa tiêu quay tàu lại phía tây bắc, đồng thời thông báo
cho hành khách biết. Trong ống viễn vọng, chiếc ghe bị nạn mỗi lúc một rõ thêm
: Nước vào gần đầy ghe, mọi người cố sức tát ra. Đàn bà, trẻ con ôm nhau khóc
la inh ỏi. Thấy có tàu gần tới, ông chủ ghe cột một chiếc khăn trắng vào đầu
sào giơ cao lên làm hiệu cầu cứu. Gần đến chiếc ghe, ông Thuyền trưởng ra lệnh
dừng tàu lại, rồi cho thả xuống nước ba chiếc thuyền máy, 12 thủy thủ dùng
thang dây xuống thuyền, mở máy chạy lại gần chiếc ghe. Họ cho hai chiếc thuyền
áp lại hai bên mạn ghe, rồi đỡ từng người qua thuyền. Cậu Liêm muốn xuống
thuyền máy để coi có cha con ông Chánh trong ghe đó không, nhưng ông Thuyền
trưởng không cho, cậu đành đứng trên boong tàu nhìn theo. Khi chiếc tàu đến
gần, cậu xin phép xem vào kính viễn vọng, cậu sung sướng la lên, vì thấy ba cha
con ông Chánh có ở trên ghe. Lúc nầy bão đã dịu hẳn, người trong tàu đổ xô lên
boong để xem chiếc ghe bị nạn.
Cậu Minh cũng lên đứng cạnh Liêm. Liêm chỉ cho
Minh xem cha con ông Chánh mình đã gặp, lúc nầy đã sang bên thuyền máy. Ông chủ
ghe xin cho kéo chiếc ghe theo tàu để đem vào Nam sửa chữa. Ông Thuyền trưởng
chấp thuận, các thủy thủ dùng dây sắt buộc chiếc ghe vào tàu. Vài ba người trai
bạn ở lại trong ghe tát nước ra cho hết. Chuyến
đi nầy chủ ghe bị thiệt hại nặng, nhưng cũng còn may là cứu được cái xác ghe.
Thủy thủ trên tàu hạ thang xuống cho những người bị nạn lên tàu. Đồ đoàn họ bị
mất gần hết, nhưng không ai bị thiệt mạng cả. Người nào cũng bị ướt mèm, lạnh
run cầm cập. Liêm và Minh chạy lại đỡ ba cha con ông Chánh đang run rẩy bước
lên. Nhận ra người thanh niên đã cho mình tiền, cha con ông Chánh vui mừng khôn
xiết, nhưng vì lạnh cóng nên ông không nói gì được. Liêm vội vàng dắt tay hai
em Gương Lành, còn Minh đỡ ông Chánh:
- Bác và hai em xuống phòng
hai cháu thay áo xống đã, rồi chúng ta sẽ nói chuyện sau.
Ông Chánh bận quần áo của
Minh rất vừa. Còn hai em Gương Lành phải mặc tạm của Liêm. Tuy anh Liêm nhỏ
người, nhưng đối với hai em, quần áo của anh Liêm cũng quá rộng, mặc thùng
thình như hình nộm. Em Gương mắc cỡ hết sức, nhưng em Lành thì như thường. Cậu
Minh chạy vội xuống chỗ bán hàng mua bánh trái lên cho cha con ông Chánh ăn.
Được ăn no mặc ấm, cha con ông cảm thấy khỏe, và ông kể lại cho hai cậu nghe
cuộc hành trình của cha con ông và người làng trong cơn bão táp kinh khủng vừa
qua:
- Chiều ngày ba cha con tôi
gặp cậu Liêm, thì sáng sớm mai, chúng tôi lên ghe. Ghe ra khơi, vì ngược gió
nên không đi được nhanh. Ghe đi được bằng yên hai ngày, thì đến chiều hôm qua,
lúc mặt trời sắp lặn, thấy trời kéo mây vàng nhiều, chủ ghe sợ sẽ có gió lớn.
Ông căn dặn mọi người đề phòng và bảo trai bạn hạ buồm lớn xuống cho ghe chạy
từ từ. Quả thật đến nửa đêm, gió bắt đầu thổi mạnh, sóng đập vào ghe tưởng vỡ
đôi được. Cột buồm lớn gãy ngay. Mỗi lần sóng đập là nước phủ qua ghe. Chúng
tôi cho trẻ con ngồi một chỗ, còn người lớn thay phiên nhau tát nước ra kẻo
chìm. Đồ gì nặng đều liệng xuống biển cho nhẹ ghe. Trời tối như mực, gió mạnh,
không thắp được chiếc đèn để làm hiệu cầu cứu. Đàn bà con trẻ khóc la, chúng
tôi nghĩ phen nầy chắc chết hết cả. Gần đến sáng thì bão dịu dần, nhưng nếu
không có tàu tới cứu, thì chúng tôi cũng chết đói chết rét!
Cậu Liêm ôm hai em Gương,
Lành vào lòng hỏi:
- Khi đó hai em có sợ chết
không?
Em Lành nhanh miệng trả lời:
- Em chỉ sợ rơi xuống nước
mà lạc mất ba và chị Hai, nên em nắm lấy tay ba và chị Hai thiệt chặt!
Thấy em nhỏ nói đơn sơ, hai
cậu cười nắc nẻ. Cậu Liêm giấu không nói cho ông Chánh biết là nhờ mình mà ông
Thuyền trưởng cho quay tàu lại cứu. Nhưng hôm sau, cậu Minh đã thuật lại cho
ông Chánh hay, ông Chánh cảm động nói lại với chủ ghe và mấy người làng, ai nấy
đều tấm tắc biết ơn và quý mến cậu Liêm.
Ông Chánh xin lên thăm mấy
người làng trên boong tàu. Cậu Minh dẫn ông lên. Cậu Liêm bảo Gương, Lành:
- Hai em lên nằm trên giường
anh mà ngủ cho khỏe, trưa anh sẽ kêu dậy ăn cơm. Bây giờ anh lên boong tàu thăm
mấy người kia một lát.
Cậu Liêm đóng cửa phòng, rồi
đi thẳng lại chỗ bán hàng, mua một xách bánh trái lên phát cho mấy người bị
nạn. Mấy người nầy bây giờ đã nói cười vui vẻ, họ đã được ông Thuyền trưởng và
các thủy thủ giúp đỡ tận tình.
Theo thời khóa biểu, tàu
chạy thẳng về Sàigòn. Ông Thuyền trưởng đã hứa sẽ vận động với nhà cầm quyền ở
Sàigòn giúp đỡ phương tiện cho họ di chuyển ra Phan Thiết.
_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 3