Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

CHƯƠNG III_MƯA NGUỒN


CHƯƠNG III


Phúc giật giây chuông rồi đứng đợi ngoài cổng. Người nữ tu mở cổng, nhận ra Phúc mỉm cười:

- Cậu đến thăm bé Mai ? Mời cậu vào ngồi chờ một lát, xong giờ ôn lại bài em sẽ ra ngay.

Như mọi lần đến thăm Mai, Phúc ngồi đợi trong phòng khách. Anh nhặt một tờ tạp chí trên mặt bàn, lật coi vài trang nhưng tâm trí lơ đãng không nhớ rõ mình đã đọc những gì. Anh hơi hối hận vì đã ba tuần nay chưa vào thăm Mai. Chẳng hiểu “con nhỏ” ra sao ? Con bé có còn nét mặt ủ ê, rầu rĩ khiến Phúc phải đem lòng thương hại, luôn luôn tìm lời an ủi ? Nhớ lại, Phúc thấy từ ngày Mai được gửi vào tá túc ở đây, mỗi lần Phúc tới thăm Mai, hoặc đón Mai về nhà chơi, cô bé như càng có vẻ câm nín, buồn bã hơn. Ở đây, dĩ nhiên Mai không thiếu thứ gì. Em được chăm sóc tử tế như mọi nữ sinh lưu trú khác, cùng chung giờ chơi, giờ học. Kể được như vậy cũng là may phước lắm. Nhưng Mai vẫn buồn nỗi buồn tha hương, tâm trí lúc nào cũng tưởng nhớ đến con đường đồi đưa xuống lòng thung lũng, ở đó có ngôi nhà của bà cháu Mai nằm giữa một thôn xóm hiền hòa.

Luật sư Bình, khi gặp Mai dịp Mai được Phúc đón về nhà thường quệt nhẹ ngón tay lên má Mai, trong khi chân ông vẫn vội bước, lơ là hỏi:

- Thế nào bé, bằng lòng chứ ?

Và không đợi câu trả lời, ông biến nhanh vào phòng giấy đang có khách ngồi chờ, hoặc ra cửa leo lên chiếc xe hơi đã đậu sẵn ngoài sân. Còn Phúc anh rất ít khi giờ rảnh nên không thể tới thăm Mai luôn. Anh bận lo học. Còn hai mảnh bằng tú tài phải vượt qua mà sang niên khóa tới anh đã phải thi phần một rồi ! Phúc thở dài: Hai năm nữa nếu không trượt kỳ nào, mình còn phải dọn thi vào Đại học nữa ! Dĩ nhiên anh sẽ… vào trường luật, vì ba anh muốn thế.

Viễn tượng về một tương lai có bảo đảm đã được hoạch định trước chẳng có gì hào hứng. Phúc lẩm bẩm: “Học gì cũng được miễn là làm vừa lòng ba má !”

Anh gấp cuốn tạp chí lại, quẳng trả lên mặt bàn. Mai vừa bước ra, mừng rỡ thấy Phúc:

- Em không ngờ anh tới thăm. Dì phước không nói rõ là anh đến !

Ngồi xuống cạnh Phúc, Mai trả lời các câu hỏi của anh và kể anh nghe những chuyện trong lưu xá. Mai cũng cho Phúc biết tình trạng của bà ngoại:

- Chân ngoại em vẫn chưa lành, còn phải bó bột. Bác sĩ cấm không cho em vào thăm ngoại mỗi ngày, vì cô y tá mách với bác sĩ là lần nào em ra về ngoại cũng khóc, khiến cơn sốt lại gia tăng. Cô ấy bảo em nói nhiều quá, mà quanh đi quanh lại vẫn chỉ bấy nhiêu chuyện.

Mai nhún vai tiếp:

- Cô ấy đâu có hiểu nỗi băn khoăn của bà cháu em, và tình trạng ấp chúng em như thế nào đâu !

Phúc dịu dàng hỏi:

- Chắc em mong được về nhà lắm nhỉ ?

Mai ứa nước mắt:

- Còn phải nói gì nữa !

Hình ảnh con mèo mun nằm cho con bú trước hiên nhà, đàn gà con kêu chiêm chiếp ngoài sân và tất cả cảnh sắc quen thuộc của thôn ấp lại hiện rõ trong tâm trí Mai. Cô bé nhớ ray rứt màu xanh của đồng cỏ trải rộng dưới chân đồi, hàng thông reo vi vút, con suối uốn khúc len lỏi dưới lòng thung… Và Thái nữa. Anh con trai cục mịch, mới cách đây có vài tháng đã lớn phổng lên, sức vóc vạm vỡ khác hẳn vẻ thư sinh của Phúc đang ngồi trước mặt Mai. Thái thật tốt bụng. Anh đã coi Mai như một đứa em gái bé bỏng cần được sự che chở... Nhưng Thái cũng bị nhiều mặc cảm, nên thường có những thái độ vụng về, khó hiểu. Như mới đây, Thái đã lặn lội hơn mười cây số tới thăm Mai, chưa hàn huyên hết câu chuyện thì đã đột ngột bỏ đi chỉ vì Mai đã vô tình nhắc đến tên Phúc. Đối với Mai, Phúc là một người anh bao dung, tế nhị. Tuy nhiên cách xử sự của Phúc có lẽ chỉ do lòng bác ái thúc đẩy mà thôi. Thái đã ghen tị với Phúc, điều đó kể cũng vô lý, song có hiểu rõ hoàn cảnh của Thái mới thấy anh thật đáng thương. Thái không còn bà con thân thuộc ngoài gia đình mẹ nuôi là bà Cửu. Thái nặng lòng với ấp Tân Lập, song mọi người tuy không nói ra vẫn coi Thái như một kẻ ăn đậu ở nhờ, một thứ con nuôi lạc lõng. Thái chỉ tìm thấy tình thương chân thật nơi ông Sáu Trực, và Mai. Vì vậy Thái quý mến, chiều chuộng Mai như bất cứ một người anh trai nào có một cô em ngoan ngoãn.

Mai quay đi gạt thầm giọt lệ đọng trên khóe mắt. Phúc ái ngại hỏi:

- Để hôm nào rảnh, anh đưa Mai về thăm nhà một hôm.

- Thật nha anh ? Nhưng hôm nào anh mới rảnh ?

Phúc suy nghĩ rồi đáp:

- Chúa nhật này nghe. Anh sẽ xin phép ba má anh đón Mai về từ chiều thứ bảy. Sáng chúa nhật mình đi sớm. Anh sẽ chở Mai bằng xe gắn máy. Chịu không ?

Mai tươi hẳn nét mặt:

- Dạ chịu !

- Vậy không được buồn, không được khóc nữa nhé !

- Dạ. Em cám ơn anh lắm. Nhưng…

- Còn gì nữa ?

- Anh có nghe ông Tỉnh trưởng nói gì về việc cứu trợ cho ấp em chưa ?

Phúc lắc đầu và vội giải thích:

- Việc cũng khó chứ không phải dễ như mình tưởng đâu. Phải qua bao nhiêu thủ tục này nọ. Ba anh chỉ có thể cố gắng trong phạm vi chức vụ ông thôi. Còn Hội Đồng hàng tỉnh, rồi còn tùy ở công quỹ nữa chứ ! Theo ba anh nói thì chính quyền còn hàng trăm việc phải lo chứ không riêng gì việc cứu trợ cho một xóm bị hư hại vì thiên tai mà thôi.

- Thế sao dân trong ấp không tự lo liệu lấy, anh nhỉ ?

Câu hỏi này Mai đã đặt ra nhiều lần, hỏi cả Phúc lẫn Thái. Nhưng cả hai đều không trả lời được rành rọt tại sao ? Lần này Phúc nêu thử một giả thuyết:

- Có lẽ họ sợ mất số tiền trợ cấp của chính phủ, nếu họ tự kiến thiết lấy, cho nên họ còn chờ quyết định của chính quyền đã rồi mới bắt tay vào việc. Chắc chẳng bao lâu nữa họ sẽ trở về, chứ không lẽ bỏ nhà cửa vườn tược cho hoang phế hay sao !

Mai nghĩ đến những người đã di cư lên tỉnh, lên quận. Họ sẽ quen dần với nếp sống cám dỗ của thị thành rồi không muốn trở về với mảnh vườn của họ nữa. Những người ấy Mai coi họ như những kẻ đào ngũ, không đáng tin cậy, chỉ còn tín nhiệm vào những người ở lại, những người tha thiết cố bám lấy mảnh đất quê hương, với những tập tục lưu truyền của cha ông mà thôi.

Nghĩ đến những người ở lại, Mai không khỏi nhớ đến Thái. Cô khẩn khoản bảo Phúc:

- Hôm nào đưa em về ấp thăm nhà, anh cho em lên núi tìm anh Thái nhé !

Phúc nhíu cặp lông mày:

- Thái nào ? Phải cái anh chăn bò, muốn giữ Mai lại để săn sóc đó không ?

- Dạ, phải.

- Mai có vẻ quý mến anh ta lắm nhỉ ?

- Em coi anh ấy như anh của em.

- Thế còn anh ? Anh không phải là anh của Mai sao ?

Mai mỉm cười nhìn Phúc:

- Dạ, anh cũng là anh của em vậy. Nhưng anh khác anh Thái…

- Tại sao ?

- Vì ngoài ông Sáu và em ra, anh Thái không còn nguồn an ủi nào khác.

- Hắn mồ côi à ?

Mai gật đầu:

- Em chỉ biết anh ấy được bà Cửu nuôi từ nhỏ. Bây giờ lớn lên bà Cửu định cho anh ấy lên tỉnh học nghề, nhưng anh không muốn rời mảnh đất đã nuôi dưỡng anh từ nhỏ. Anh yêu nghê chăn nuôi, nên em chắc thế nào anh ấy cũng xin theo học nghề này.

- Có trường dạy chăn bò nữa à ?

- Không hẳn thế. Nhưng là chăn nuôi các loại gia súc và trồng trọt…

- À phải ! Anh có nghe nói đến trường Nông Lâm Súc ! Nếu vậy chắc Thái cũng sắp đi xa rồi ?

Mai lắc đầu:

- Còn một vài năm nữa anh ấy mới đi. Hiện giờ anh tập sự với ông Sáu Trực.

Mắt Mai ngời sáng:

- Anh Thái biết nhiều thứ lắm cơ và tính nết cũng dễ chịu nữa. Em mong anh và anh Thái trở thành bạn hữu với nhau thì sung sướng biết mấy !

Phúc cười:

- Thái còn thù anh, nên chưa chắc hắn chịu làm quen với anh đâu.

- Sao vậy anh ?

- Mai không nhớ là chính anh đã can thiệp để đưa Mai vào bệnh viện, rồi bây giờ tạm trú trong lưu xá này à ? Thái, hắn đâu có bằng lòng !

Mai nhớ lại thái độ của Thái hôm mưa lụt, và mới cách đây vài ngày ngoài vòng rào lưu xá nên buồn bã ngồi im.

Phúc đột ngột hỏi:

- Thái có xuống thăm Mai lần nào chưa ?

Mai đỏ mặt ấp úng:

- Chưa !

Cô bé đã nói dối vì không muốn Phúc biết rõ Thái đã giận dỗi bỏ đi khi nghe Mai nhắc đến tên Phúc. Để che giấu sự bối rối, Mai nói:

- Hôm nào anh cho em về thăm nhà, anh phải tìm gặp anh Thái với em nhé. Anh hứa với em đi, anh Phúc !

Phúc nắm lấy bàn tay Mai, thẳng thắn đáp:

- Ừ, anh hứa sẽ làm theo ý Mai.

*

Sáng chủ nhật, hai anh em khởi hành từ sáng sớm mang theo một giỏ thức ăn.

Ngồi trên xe gắn máy, phía sau lưng Phúc, Mai nao nức như người đi xa trở về nhà, chỉ mong cho chóng tới nơi. Động cơ chiếc xe máy nổ ròn nghe thật vui. Xe chạy bon bon trên đường nhựa xuyên qua các nương bãi xanh tươi rồi tiến dần vào vùng đồi núi. Con hương lộ đưa xuống thung lũng len lỏi giữa hai triền cây cỏ rậm rạp. Nhiều đọt lá non từ sườn đồi chìa ra, Mai tưởng có thể với tay ngắt được khi xe vượt ngang qua. Cô bé thấy lòng nhẹ phơi phới và bỗng cười lên thích thú.

- Cười gì thế Mai ?

- Em mừng quá, anh ạ ! Sắp tới nơi rồi !

Phúc thông cảm nỗi mừng của Mai, nhưng cũng gắt nhẹ:

- Vui mừng gì cũng ngồi yên đi. Đừng có nhấp nhổm ngã cả hai đứa bây giờ!

Yên được một lát, Mai lại khúc khích:

- Anh nghe gì không anh Phúc ?

Phúc nhìn lên nền trời xanh hỏi:

- Nghe gì đâu ?

Mai chỉ tay xuống ven đồi:

- Dưới này kia. Tiếng suối chảy róc rách đó, anh nghe không ?

Phúc như vui lây với Mai, gật đầu đáp:

- Nghe. Nhưng sao chưa thấy nó nhỉ ?

- Xuống hết con dốc này mới thấy nó. Anh cho xe ngừng lại ở cuối dốc nhé.

- Chi vậy ?

- Mình đi lối tắt về cho chóng anh ạ.

Xuống hết đường đồi, Phúc hãm xe lại. Mai nhảy xuống, chạy đến đứng sát vệ cỏ. Cách đó dăm thước con suối nhỏ đang rì rào dưới gốc những cây si, những khóm lau sậy mọc ven bờ, hoặc tung bọt đùa giỡn với các tảng đá chắn ngang. Lòng suối nông cạn, thấy rõ cả lượt đá nhẵn nằm dưới mặt nước độ vài gang tay.

Giòng suối thật hiền lành. Nó đang chảy xuống lòng thung, len lỏi qua các thửa đất xanh tươi, màu mỡ. Nơi nào nó chảy qua cảnh sắc cũng thật là ngoạn mục, cho nên nó đã được đặt tên là Suối Mơ. Vậy mà không ai ngờ được giòng suối nhỏ bé hiền lành đó đã có lần gây nên tai họa làm ngập lụt cả một thôn ấp.

Đứng bên bờ suối, Mai ngẩn ngơ suy nghĩ. Cô bé rời vệ đường lúc nào không hay, cũng chẳng để ý đến Phúc đang vất vả dắt xe xuống. Nghe Phúc càu nhàu Mai mới quay lại. Phúc nói:

- Đường tốt không đi, đi lối này phải dắt xe còn cực hơn.

Mai chống chế:

- Lối này gần và thích hơn anh ạ. Anh thấy suối ở đây có đẹp không ?

Thấy mặt Phúc chưa hết cau có, Mai vội nói:

- Anh dựa xe vào gốc cây kia, rồi khóa lại để đó, ở đây anh khỏi sợ ai lấy trộm. Anh em mình ngồi nghỉ đây một lát. Qua bên kia bờ suối là thấy ấp Tân Lập rồi.

Phúc làm theo lời Mai, rồi lẳng lặng đứng nhìn giòng suối chảy. Ánh nắng lọt qua tàng cây rắc những đốm sáng vàng lung linh trên mặt đất màu nâu sẫm và lăn tăn trên khoảng nước nhuộm màu xanh lục ở ven bờ. Phía bên kia, bờ suối phơi mình rạng rỡ dưới ánh nắng. Mảnh trời xanh lơ phản chiếu xuống mặt nước trong veo thấy rõ cả những cụm mây trắng lững lờ trôi.

Phúc bỗng gật gù:

- Đẹp thật !

Mai mừng rỡ:

- Đẹp ghê chứ anh ? Suối Mơ mà lỵ !

Nhưng Phúc như không để ý tới lời nói của Mai. Anh lẩm bẩm:

- Một bức họa đầy màu sắc, giá có “hắn” ở đây chắc “hắn” vừa ý lắm.

Mai ngơ ngác:

- Anh nói gì thế anh Phúc ?

- Anh đang nhắc đến một người bạn mới

- Anh Thái phải không ?

Phúc quay lại nhìn Mai:

- Không ! Anh chưa gặp lại Thái nên chưa biết Thái đối với anh thế nào ? Còn người bạn này anh mới quen chiều hôm qua, lúc anh đến lưu xá đón Mai

……….

Chiều qua trên đường đến lưu xá đón Mai, ngang qua một ngôi nhà xinh xắn, kiểu biệt thự, Phúc gặp một thiếu niên cưỡi xe gắn máy, từ trong cổng đi ra. Thiếu niên lớn hơn Phúc độ một vài tuổi, cầm tay lái bằng một tay. Tay còn lại cắp tới nách một gói dẹp, hình chữ nhật, được bọc bằng giấy dầu kỹ lưỡng. Phía sau yên xe, có buộc một túi vải, nắp túi căng phồng, để lộ những dụng cụ của một họa sĩ.

Ngẫu nhiên, Phúc và người thiếu niên nọ song hành trên cùng một con đường. Tới khúc quẹo ở cuối phố để tránh một xe hơi phía trước trờ tới, thiếu niên lạng tay để rớt bọc giấy xuống đường, chiếc xe loạng choạng cũng ngã theo. Phúc vội hãm xe mình lại, tới giúp anh ta đứng dậy.

- Có sao không anh ?

Thiếu niên phủi quần áo lắc đầu:

- Cám ơn anh, tôi không hề gì. Nhưng…

Anh ta bỏ dở câu nói, chạy vội đi nhặt bọc giấy nằm trên mặt đường. Hai chiếc xe gắn máy đã được Phúc dựng kế bên vỉa hè. Thiếu niên ôm chiếc gói lại, run tay mở sợi dây buộc, và gỡ lần giấy gói lôi ra mấy tấm tranh sơn dầu. Anh lật qua lật lại từng khung vải, rờ tay trên mặt sơn, thấy không tấm nào bị hư, rách, mới thở ra khoan khoái:

- May quá, chỉ mới bị hư lần giấy bọc ngoài.

Phúc nói:

- Mấy bức tranh khá đẹp, nếu bị rách thật là uổng.

Thiếu niên gật đầu đáp:

- Phiền nhất là nếu bị hư tấm nào, tôi không còn thì giờ và hứng thú để vẽ lại nữa.

- Chính anh vẽ mấy bức này đấy à ?

Thiếu niên cất tiếng cười vui vẻ:

- Anh bạn không tin tôi vẽ phải không ?

Phúc cười đáp lại và tránh trả lời bằng một cử chỉ tế nhị. Anh nghiêng đầu ngắm bức tranh còn trên tay thiến niên, và cũng xem xét toàn diện con người anh ta nữa. Phúc nhớ lại lúc gặp thiếu niên ở cổng nhà đi ra, ngôi nhà kiểu biệt thự có trồng hoa trước sân; bóng dáng bà mẹ đứng trong hiên nhìn theo; tất cả không phù hợp mấy với bộ áo vải “nghèo nàn” tuy rất sạch sẽ anh ta đang mặc. Bộ quần áo nếu nhận xét của Phúc không lầm nói lên cái lam lũ của những người thợ làm trong công xưởng, chứ không phải cái bê bối đầy nghệ sĩ tính của các nhà họa sĩ. Nhận xét ấy làm Phúc phân vân nhìn lại bức tranh trên tay anh ta. Những vết sơn quệt trên mặt vải với những nét cọ thật mạnh dạn đặt màu nọ kế bên màu kia rất hòa hợp, nhưng những nét sơn nổi từng mảng, hoặc dày cộm, trông gần có vẻ như nhem nhuốc, loạn xạ màu sắc.

Dường như muốn Phúc thưởng thức tài nghệ của mình, thiếu niên đem dựa mấy bức tranh lên hàng rào trước mặt, rồi thân mật kéo Phúc đứng lui lại sát vỉa hè:

- Coi tranh sơn dầu, phải đứng xa một chút mới thấy hay.

Quả nhiên những nét vẽ nhem nhuốc, bết màu trở nên linh hoạt vô cùng. Bức tranh thứ nhất vẽ hai con thuyền đậu trên bến vắng, bức thứ hai một cây cầu tre bắc ngang con lạch đi vào xóm nhà lá và bức thứ ba là những bông hoa lan mọc bên gốc cây già.

Phúc ngắm từng bức, không khỏi gật gù khen:

- Đẹp thật ! Anh định đem những bức tranh này đi đâu thế ?

- Tôi đem đến Trụ sở Nguồn Vui. Chủ nhật tuần tới chúng tôi khánh thành trụ sở. Tụi tôi hợp lực nhau để trang hoàng phòng hội.

- Hôm khánh thành chắc long trọng lắm nhỉ ?

- Dĩ nhiên, sẽ có cả các vị trong chính quyền đến dự.

- Anh cho phép tôi đến họp mặt với được không ?

- Tôi cũng đang tính mời anh nhập bọn với tụi tôi cho vui. Tôi sẽ giới thiệu anh với các bạn. À, nhưng tên anh là gì nhỉ ?

- Phúc ! Nguyễn Hữu Phúc !

- Còn tôi là Vũ văn Kiệt !

Phúc giúp Kiệt gói các tấm tranh lại. Anh còn muốn hỏi Kiệt nhiều điều. Ít lâu nay anh thấy có cảm tình với những người bạn đồng tuổi, nhưng ở hoàn cảnh khác nhau và tò mò muốn tìm hiểu thêm về họ… chẳng hạn như Thái chăn bò…

Phúc và Kiệt lên xe tiếp tục nốt quãng đường. Phúc hỏi:

- Hồi nãy, thấy anh ở trong nhà đi ra. Tôi cũng thường đi qua con đường này mỗi ngày mà ít khi gặp anh ?

- Tôi bận đi làm từ sáng sớm, chiều tối mới về tới nhà. Tôi làm việc cho một nhà thầu xây cất…

- Anh giữ việc gì ở đó ?

- Thợ sơn ! Còn anh ? Chắc anh còn đi học ?

- Vâng.

Kiệt muốn biết Phúc học lớp nào, nhưng để tránh câu hỏi sống sượng, anh gợi:

- Chắc mệt lắm nhỉ ?

Phúc vui vẻ tâm sự:

- Năm nay tôi thi Tú Tài phần 1. Vài tháng nữa mà rớt thì sang năm phải học lại, và chưa biết đến khi nào mới xong toàn phần để vào đại học. Ngán quá !

Kiệt gật đầu:

- Tôi hiểu.

Phúc chưa kịp ngạc nhiên về sự hiểu biết của Kiệt thì anh ta đã tiếp:

- Tôi may hơn anh, nên năm ngoái đã đỗ xong phần 1.

Kiệt hãm chậm xe lại vì hai người đã tới một ngã ba:

- Tôi rẽ ngã này. Nhớ chủ nhật sau, nếu rảnh, đến họp bạn với tụi này nhé.

Kiệt phác một cử chỉ từ biệt, rồi phóng xe vào ngã rẽ để mặc Phúc ngỡ ngàng thêm.

……

Đứng bên bờ suối Phúc chợt nhớ lại cuộc gặp gỡ với Kiệt. Mai phụng phịu nói:

- Gặp ai cũng không bằng anh Thái. Anh phải làm quen với anh Thái trước cơ.

Phúc cười dễ dãi:

- Thì lát nữa gặp Thái, anh sẽ làm quen ngay ! Tụi mình qua bờ bên kia thôi, Mai ạ. Nhưng qua bằng lối nào đây ?

Mai thả chân xuống giòng nước mát lạnh. Cô bé hơi rùng mình, dò dẫm vài bước trên các phiến đá nhẵn ngập nước, rồi hăng hái nói:

- Mình lội qua suối ! Anh coi nè, nước chỉ tới cổ chân em thôi. Mà mát ghê anh Phúc ơi ! Anh lội thử xuống mà coi !

Không đợi Phúc trả lời, Mai vén ống quần lội qua lòng suối. Bàn chân Mai làm tung tóe những giọt nước và Mai cất tiếng cười thích thú.

Sang tới bờ bên kia. Mai chạy vượt lên, lẩn mình vào hàng cây rậm. Qua khỏi rặng cây ven suối là tới khoảng đất trống. Đứng đây có thể nhìn bao quát được ấp Tân Lập quây quần trong một khu lòng chảo. Mai đứng sững người khi thấy thôn xóm hiện ra phía dưới. Mát Mai mở rộng nhìn những ngôi nhà xiêu vẹo, sụp đổ từng mảng, không thốt được nên lời. Mãi đến khi Phúc tới gần bên, Mai mới run run giọng nói:

- Không thể nào ngờ được !… Kia là thôn xóm của em sao ?

Mai nhắc lại: “Không thể nào ngờ được” ! Và đưa tay lên che mắt như không muốn phải nhìn cảnh tượng hoang tàn trước mắt.

Phúc dìu Mai xuống con đường mòn thoải dốc vào thôn:

- Xuống tận nơi coi xem cho biết. Anh tin là nhà Mai không bị hư hỏng nhiều lắm đâu.

Từ ngả đường mòn vòng vào thôn, phải qua một nghĩa địa. Những nấm mộ ở đây để tránh trâu bò có thể dẫm lên đều được đắp bằng đá ong. Nhiều ngôi mộ còn được xây cất cẩn thận như những ngôi nhà nhỏ, vừa một khoảng nằm cho những người đã khuất. Thế giới yên nghỉ im lìm bên cạnh một thôn ấp vắng lặng càng như tăng thêm vẻ cô liêu. Mai đến bên mộ cha mẹ. Hồi còn ở nhà, Mai thường ra đây ngồi tâm sự với cha mẹ dưới lòng đất, và mơ mộng với mây với gió trong khoảng đất trời quạnh quẽ. Giữa hai nấm mộ, Mai nhận thấy chiếc lọ sành được kê đứng ngay ngắn, có cặm những bông hoa nhài thơm ngát. Mai thầm nghĩ:

- Hoa còn tươi, chắc có người mới cắm.

Mai nghĩ ngay đến Thái, và không chờ Phúc, cô hấp tấp chạy vội vào ấp.

*

Phúc tìm thấy Mai đứng im lặng trước cổng nhà. Khi biết Phúc tới sau lưng, Mai đẩy cánh cổng gỗ bước vào sân. Ngôi nhà của bà cháu Mai có vẻ vẫn còn nguyên vẹn. Trước mái, một giàn hoa thiên lý lá xanh nõn leo dọc hàng hiên. Bên thềm cửa, hai cây hồng gai trổ đầy bông đứng gác hai bên. Giọng Mai trở nên hứng khởi:

- Mọi sự vẫn y nguyên, không có gì thay đổi.

Như sợ đánh thức sự im lặng bao phủ, Mai rón rén bước lên thềm. Chiếc khóa cửa vẫn để nguyên chỗ cũ, giấu trong một hốc tường.

Mai vừa toan mở cửa chợt nghe có tiếng động nhỏ, vội lui lại hoảng hốt:

- Hình như có ai trong nhà ?

Phúc gật đầu:

- Có, nhưng không phải người. Mai coi kìa !

Nhìn theo tay Phúc, Mai mừng rỡ reo:

- Trời, chúng xinh quá !

Trên mái ngói, ba chú mèo con, mình trắng và nâu đang chiếu những cặp mắt xanh sợ hãi nhìn xuống, và trên nóc mái, mẹ chúng đang ngồi lim dim sưởi nắng.

- Miu !

Nghe gọi, con mèo mẹ mở mắt, nghiêng đầu nghe ngóng:

- Miu ! Mun ! Mun Mun ?

Mai lập lại bằng tên gọi của nó. Con vật cong lưng mừng rỡ. Nó thong thả bước lại phía máng xối và leo xuống.

- Nó nhận ra em rồi !

Tiếng reo mừng của Mai làm mấy con mèo con hoảng hốt bỏ chạy, nhưng mẹ chúng vẫn điềm nhiên tiến lại phía cô chủ. Mai ôm sát nó trên ngực, hoan hỉ:

- Nó vẫn chưa quên em !

Bồng con miu trên tay, Mai định trở lên bực thềm vào nhà. Nhưng Phúc đã cản lại:

- Khoan đã, vách tường bị nhiều chỗ nứt rạn. Mai để anh coi thử có nguy hiểm không đã.

Phúc đi một vòng quanh nhà, rồi trở về bảo:

- Phía sau vách đã được chống kỹ bằng gióng gỗ. Mai có thể yên tâm vào trong nhà được.

Mai thận trọng đẩy cánh cửa. Bên trong mọi vật đều đã được thu dọn, lau chùi sạch sẽ. Trong bếp đống củi khô xếp gọn một góc bên mấy đầu rau. Trên mặt bàn kê sát vách tường, có đặt một cái giỏ đựng đầy trứng.

- Ồ, trứng gà ! Em còn một đàn gà nữa !

Mai đặt con miu xuống, mở cửa bếp ra sân sau, lớn tiếng gọi:

- Cúc cúc ! Cúc cúc !

Đàn gà vỗ cánh chạy lại, bụi mù cả một góc sân. Mai ngạc nhiên đầy thích thú:

- Em không ngờ có đàn gà đông thế. Anh Thái đã lót ổ cho chúng ấp… Nếu không có anh Thái trông nom giúp, chắc chúng chết lâu rồi, và nhà cửa đâu còn được như thế này !

Nhìn giỏ trứng trên bàn Mai bỗng nảy ra một ý kiến:

- Anh đói chưa, anh Phúc ? Anh em mình ăn sáng ở đây luôn nghe. Anh thích ăn trứng không ?

Phúc cười, gật đầu. Bữa ăn được sửa soạn như một trò chơi. Mai mở trạn lấy đĩa bát, và đập trứng vào một tô sành quậy thật đều. Phúc nhóm lửa. Mai đặt chảo lên bếp, chờ mỡ sôi đổ trứng vào và cuộn lại; khúc trứng chín vàng dưới cặp mắt chăm chú của Phúc. Lúc Mai súc trứng ra đĩa, nóng hổi và thơm phức, Phúc gật gù khen:

- Anh chưa thấy miếng trứng nào ngon bằng!

Mai đỏ mặt sung sướng:

- Ngoại em dạy em làm đó… Giá có ngoại em ở đây…

Nỗi hân hoan trong lòng Mai đột nhiên tan biến. Lửa cháy trong bếp, ánh nắng vàng ngoài sân, con mèo Mun kêu nho nhỏ dưới chân và đàn gà xáo xác trước thềm bỗng gợi lên những nuối tiếc khôn nguôi. Mai buồn bã thở dài:

- Ngoại chẳng có ở đây !

Ngôi nhà của ngoại, Mai đang trú ngụ dưới mái che chở của nó. Tuy bị rạn nứt một vài chỗ, nhưng nó còn đứng vững, cửa ngõ còn nguyên, vẫn che mưa che gió được. Ngọn lửa cháy trong bếp thơm mùi nhựa thông như thủa nào, chỉ thiếu có bóng ngoại là không khí trong nhà trở nên đầm ấm.

Bây giờ thì ngoại nằm liệt trên giường bệnh viện, giữa bốn bức tường trắng xóa, không khí ngạt mùi bệnh hoạn, thuốc men.

Mai nghẹn ngào:

- Ngoại ơi ! Con thương ngoại, nhớ ngoại quá !

Phúc dỗ dành:

- Rồi ngoại em sẽ về. Em hãy nghĩ đến nỗi vui mừng của ngoại khi bà thấy ngôi nhà còn nguyên vẹn. Thôi nín đi Mai, đừng khóc nữa. Em nên tìm gặp, cám ơn Thái, phải hơn !

Phúc đã nhắc đến tên Thái thật đúng lúc. Nụ cười tươi lại trên môi, Mai đưa khăn chậm khô ngấn lệ, gượng nói:

- Phải đấy. Anh ăn đi, rồi đưa em đi gặp anh Thái !

*

Hai anh em dừng chân, đứng thở, cả hai đã leo tới một triền núi cỏ mọc xanh tốt. Rải rác trên triền cỏ rộng, những con bò lông màu vàng sậm đang thảnh thơi gặm cỏ. Cao hơn chút nữa nằm tựa bên một thân cây lớn, có căn nhà gỗ, nơi ở của ông Sáu Trực và Thái.

Mai chỉ tay lên một hình thù bất động ngồi bên cửa:

- Ông Sáu đó. Anh Thái chắc cũng chỉ quanh quẩn đâu đây.

Hai người cười nói đi lên. Vừa tầm nghe, Mai vui vẻ cất tiếng gọi:

- Ông Sáu ơi ! Ông Sáu !

- Sao không thấy ông ta động đậy chi hết ? Bộ ông điếc hả Mai ?

- Ông Sáu già quá rồi, nên có hơi nghễnh ngãng. Nhưng em nghi ông đang ngủ nên không nghe, không thấy mình.

Ông Sáu ngồi trên chiếc ghế đẩu, hai bàn tay xương xẩu nắm trên đầu cây gậy nhẵn bóng, cặp giữa hai đùi. Đầu ông cúi sát ngực, chiếc mũ vải cũ mèm, vành sụp xuống che kín mặt. Nghe động, con chó trong nhà chạy ra, sủa hoáng lên.

Mai trấn tĩnh con vật:

- Im, Vằn ! Ngoan nào. Mày quên tao rồi sao ?

Tiếng chó sủa và tiếng nói léo nhéo đánh thức ông Sáu dậy. Cặp mắt ngái ngủ của ông mở ra, như không thấy hai người, sắp khép kín trở lại. Mai vội nói:

- Ông Sáu ! Cháu đây nè !

Mai nắm tay áo ông Sáu lắc thêm:

- Anh Thái đâu rồi, ông Sáu ?

Nghe hỏi đến tên Thái, nét mặt già nua của ông già tươi hẳn:

- Thằng Thái ?… Ủa, mày đó hả Mai ? Lúc này mày giống một cô gái tỉnh quá há ! Tao tưởng mày quên mất đường về đây rồi chớ !

Mai cúi mặt:

- Dạ, cháu mới về đây

- Mày đã vô ấp chưa ?

- Dạ rồi !

- Mày thấy hết chớ ?

Ông Sáu thở dài:

- Não lòng lắm phải không cháu !

Nắm tay ông già nổi gân trên đầu gậy. Ông nhìn thật lâu xuống đàn bò đang gặm cỏ trên triền núi và, dưới đó lòng lung thũng tươi mát, ẩn náu một thôn xóm đang đi lần vào hoang phế. Phúc và Mai đứng cạnh ông, e dè câm nín. Ông Sáu chợt chỉ vào Phúc hỏi:

- Ai đây ?

Mai niềm nở giới thiệu:

- Thưa, đây là anh Phúc, con ông Tỉnh Trưởng. Ông Sáu cũng biết ông Tỉnh Trưởng đã giúp đỡ cho ngoại cháu được vào bệnh viện chữa chạy và hiện cháu cũng được ông săn sóc.

Ông Sáu bỗng nhiên nổi giận, ông xì một hơi:

- Phải, ông Tỉnh trưởng là người tốt lắm ! Nhưng ông dở ở chỗ chỉ biết hứa hẹn suông. Thay vì để dân trông đợi vào trợ cấp của chính phủ, sao ông không khuyến khích, đốc thúc họ tự kiến thiết lại nhà cửa của họ ! Làm như xưa kia, những người đầu tiên tới đây lập cư cũng chỉ biết ngửa tay chờ đợi ! Không, ông cha mình đã tự lực xẻ đường, phá rẫy, đã trầy da tróc vẩy mới lập nên một thôn xóm trù phú như vầy ! Thời ấy, họ đồng tâm hiệp lực với nhau, thương yêu giúp đỡ nhau, nên dù ai có việc gì tỉ như xây một ngôi nhà, phá một thửa đất, chỉ cần có lời mời là cả xóm thay nhau đến giúp. Chớ đâu như bây giờ, chẳng ai chịu giúp đỡ ai !

Phúc đỏ mặt vì những lời chỉ trích của ông Sáu. Anh biết ba anh đã gặp nhiều khó khăn, cần phải vượt qua từng chặng thủ tục, và vì thế mà tình trạng chờ đợi cứ kéo dài. Nhưng anh cũng thông cảm nỗi cực lòng của ông Sáu, nên nhẹ nhàng nói:

- Ba cháu đã nhiều lần khuyến khích dân ấp khởi công tái thiết lại nhà cửa, với số trợ cấp nhỏ do quỹ tỉnh đài thọ. Nhưng chẳng ai chịu nghe vì ngại mất số tiền cứu trợ của trung ương có thể được nhiều hơn. Thực khó vô cùng… khi ai cũng cho mình là hữu lý.

- Hữu lý ?

Ông Sáu gầm lên. Chiếc gậy ông cầm nơi tay vung tròn, đe dọa:

- Hữu lý gì cái bọn để chết một xóm làng ? Hừ, thời buổi này mà ! Còn ai thiết tha với nguồn gốc, quê hương nữa đâu !

Giọng ông trầm lại chua xót:

- … Một thôn trang đẹp như thế… mà bây giờ… đâu còn nghe, còn thấy những cảnh đầm ấm, êm đềm thuở trước !

Ông Sáu đưa tay lên trán, che kín mắt như thể không muốn nhìn cái cảnh tượng làm ông xót xa, rồi buông tay, chán nản, ông đổi giọng:

- Cậu và cháu Mai tới đây có việc gì ?

Mai đáp:

- Cháu muốn gặp anh Thái

Ông Sáu thở dài:

- Nó buồn lắm. Tội nghiệp !… Thằng nhỏ thiệt tốt !

Phúc gợi:

- Anh ấy đã sửa dọn lại nhà cửa của Mai thật chu đáo.

- Cậu thấy chứ, hả ?

- Dạ, cháu có vô coi cùng em Mai. Trong nhà, Thái đã cọ rửa sạch sẽ. Ngoài vườn quang đãng, gà qué vẫn đủ… Ông Sáu nghĩ sao chứ theo cháu thôn ấp này mà có được những người như anh Thái thì kể như chưa đến nỗi nào.

Ông Sáu sáng mắt nhìn Phúc:

- Cậu nói phải lắm ! Có lẽ cậu cũng là người biết điều !

Mai gật đầu:

- Dạ, anh ấy tốt lắm, ông Sáu à.

- Ừ, thôi tao cũng tin như vậy. Thỉnh thoảng tao có được tin về ngoại mày, vì thằng Thái vẫn lên thăm.

Mai buồn rầu:

- Cháu cũng có nghe ngoại cháu nói. Nhưng không hiểu tại sao anh ấy chỉ tới thăm ngoại cháu thôi, chứ không đến thăm cháu.

Ông Sáu nhún vai:

- Chắc có lý do sao đó. Mày hỏi nó coi !

Con Vằn nằm phục trước ngưỡng cửa bỗng hộc lên rồi phóng xuống triền cỏ. Nó vừa thấy hai chú bò tơ gây sự với nhau, đang giương cặp sừng đọ nhau chan chát.

Ông Sáu vội quát:

- Cản chúng ra, Vằn ! Đuổi mỗi con đi một nơi !

Nhưng sợ con Vằn không đủ sức can thiệp, ông xách gậy xuống theo. Trước khi rời chỗ, ông chỉ sang triền núi kế cận bảo Mai:

- Thằng Thái nó ở phía bển. Mày sang đó mà tìm.

Rồi ông quay lưng đi xuống, bóng dáng khô cằn, đen đủi dưới ánh nắng bắt đầu gay gắt.

*

Phúc ngồi bệt xuống cỏ, tỏ vẻ mệt nhọc:

- Thôi, Mai ơi, anh mệt lắm rồi, đi không nổi nữa. Mai muốn tìm hắn thì rán đi một mình. Anh chờ Mai ở đây vậy.

Mai quyết gặp cho được Thái, nên khẩn khoản:

- Chịu khó tìm thêm chút nữa đi anh. Tụi mình trở xuống chỗ rặng cây ven suối. Không chừng anh ấy đang tắm rửa ở đó cũng nên.

Phúc đành chiều Mai. Hai người tiến đến rặng cây thưa. Mai chợt nhìn thấy có chiếc áo vắt trên bụi sim lốm đốm hoa tím. Bên dưới, có đôi dép cao-su vứt nằm trên cỏ. Mai cất tiếng gọi:

- Anh Thái ! Anh Thái ơi !

Dừng chân lắng nghe, rồi Mai lại tiếp tục vừa đi, vừa gọi:

- Anh Thái ?

Đáp lại tiếng gọi của Mai, chỉ nghe trong vắng lặng có tiếng động mơ hồ thoáng nhẹ đâu đây. Nhưng khi hai người theo hướng có tiếng động chạy tới thì vừa trông thấy một bóng thằn lằn lẩn nhanh vào hốc đá, hay một cánh chim vụt bay lên cành cao, nghiêng ngó nhìn xuống.

Phúc chán nản:

- Về thôi, Mai ạ.

- Rán thêm chút nữa đi anh !

- Thái ! Anh Thái !

Không một tiếng trả lời.

Hai người ra khỏi rặng cây, đến bên bờ suối. Giòng suối vắng hoe. Nhưng sát mé nước chảy còn rõ dấu chân in trên mặt đất sốp. Mai chỉ những dấu chân:

- Anh ấy mới ở đây. Tại sao lại không nghe tiếng gọi của mình nhỉ ?

Phúc mỉm cười chua chát. Anh chợt hiểu rằng Thái muốn tránh mặt anh. Giá không có anh ở đây chắc hẳn Thái đã đáp lại lời gọi của Mai rồi !

Phúc càu nhàu:

- Hắn có nghe, nhưng không muốn ra mặt đấy thôi. Nếu Mai muốn gặp hắn Mai phải đi một mình.

Mai buồn bực thở dài:

- Có lẽ anh nói đúng !

Phúc bĩu môi:

- Anh không ngờ hắn... thù dai đến thế. Thằng cha này xấu chơi thật.

- Xấu thì em tin là anh ấy không xấu. Nhưng em hiểu tại sao anh ấy lánh mặt rồi! Hôm anh ấy từ giã em…

- Hôm nào ?

Mai đỏ mặt, ấp úng:

- Em… em không nhớ nữa !

Tự nhiên Mai đâm ra bực mình. Cô bé vừa ý thức được mình đã nói dối vì một điều đáng lý chẳng cần phải che giấu. Tại sao Mai không dám cho Phúc biết Thái có đến thăm Mai, và đột ngột từ giã vì hờn dỗi vô lý nhỉ ?

Phúc như không để ý đến sự lúng túng của Mai. Anh hỏi để có câu hỏi vậy thôi, chớ không cần biết. Nên hỏi rồi, Phúc nắm tay Mai lôi đi:

- Thôi, lần này nhất định phải về. Không nên chần chờ nữa, vì đường về cũng khá xa đấy, Mai ạ.

Mai thẫn thờ đáp:

- Vâng ! Tụi mình đi ngả kia

Phúc giúp Mai trèo qua mấy mô đá chắn ngang trước mặt. Tiếng chân của họ khuất dần vào lối đường mòn. Bờ suối im vắng. Ở một cây cao gần đó cành lá bỗng nhiên rung động. Thái từ trên cây tụt xuống, lẳng lặng quay về với đàn bò đang gặm cỏ.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>