Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

CHƯƠNG IX, X_BIỆT THỰ HOÀNG LAN



CHƯƠNG IX

BẤT ĐỒNG Ý KIẾN GIỮA LAN VÀ TUẤN


Chiều hôm đó, Lan và Tuấn đang học bài thì bỗng tiếng chuông cửa reo vang. Lan hoảng hốt kêu lên :

- Có khách, anh Tuấn ơi, có khách ! Tụi mình phải trốn đi mới được, không thì thế nào bà cũng bắt xuống chào cho mà coi.

Vốn quen sống với thiên nhiên nên Lan và Tuấn rất ngượng nghịu khi phải ra chào khách của bà. Hai em chỉ sung sướng khi được chạy nhảy tung tăng ở những nơi vắng vẻ, yên lặng như bãi biển hoặc bờ suối. Ra chào khách và ngồi cạnh bà cho khách hỏi chuyện là cả một cực hình đối với hai em. Những khi hứng chí, Tuấn thường so sánh mình với Lỗ-Bình-Sơn trên hoang đảo và Lan với chú Sáu, người giúp việc của Lỗ-Bình-Sơn. Nhiều khi cả hai lại ước ao được sống biệt lập trên một hòn đảo để thoát khỏi cái nạn tiếp khách người lớn. Giá phải bạn của bà có con cháu bằng cỡ Lan và Tuấn thì còn vui, chứ đàng này toàn là các bà các cụ lớn tuổi, chẳng biết phải đối đáp với các cụ ấy ra sao !

Tuấn đã bắt đầu xếp sách vở lại thì Lan thò cổ ra ngoài cửa sổ nhòm xuống nhà và reo lên mừng rỡ :

- Ơ, gia đình ông bà Ân đó mà. Thế thì mình ở lại nhà đi, anh Tuấn nhé. Có cả năm đứa con trai bên ấy sang chắc nói chuyện vui lắm. Vào chào ông bà Ân thì mình đâu có ngượng và đâu có sợ mình giống hai đứa “mọi” con chỉ quen sống trong rừng rú thôi.

Tuấn lắc đầu tỏ vẻ không tin tưởng mấy. Nhưng Tuấn chưa kịp trả lời thì tiếng chị Ba giúp việc đã vẳng lên :

- Chú Tuấn ơi ! Cô Lan ơi !

Nghe tiếng gọi, Lan và Tuấn trèo qua cửa sổ và tuột xuống đất.

- Cụ gọi cô chú đấy. Chao ôi ! Sao mà tóc cô Lan rối bù như thế này ? Còn áo thì nhăn nheo như chưa ủi nữa !

Lan vô tư lắc đầu. Em không hay để ý tới cách phục sức của mình mấy. Em chỉ cần mặc quần áo sao cho sạch là đủ.

Chị Ba lại nói tiếp :

- Ăn mặc thế này không được đâu, cụ mắng chết ! Để tôi dẫn cô Lan lên thay quần áo đẹp và chải đầu rồi hãy vào chào khách.

Tuy bực dọc, nhưng Lan và Tuấn cũng ngoan ngoãn theo chị Ba đi sửa soạn.

Khi Lan và Tuấn áo quần tươm tất bước vào phòng khách, bà cụ mỉm cười hãnh diện nhìn hai cháu. Hai em khoanh tay lễ phép cúi chào ông bà Ân và cô Hiền. Bà Ân vuốt tóc Tuấn và hôn lên trán Lan, trong lòng bà rạt rào thương cảm cho hai trẻ bất hạnh bị mồ côi từ nhỏ.

Chào hỏi xong xuôi, hai em lại ngồi cạnh bà. Lan không rời mắt khỏi khuôn mặt dịu hiền của bà Ân từ khi em bước chân vào phòng. Em thắc mắc tự hỏi : “Lạ thật, rõ ràng là mình có gặp bà Ân ở đâu rồi…, nhưng không biết ở đâu nhỉ ?”

Nhưng ngay lúc đó, bà Ân nói với bà nội Lan là bà chưa đặt chân về vịnh Hạ Long này lần nào từ khi đứa bé gái độc nhất của hai ông bà bị tử nạn khi đi chơi suối.

Nghe vậy, Lan tự nhủ thầm : “Thế thì chắc không phải rồi ! Chắc tại trông bà ấy giống hình bà tiên trong truyện Lọ Lem nên mình cứ tưởng có gặp ở đâu hay đã trông thấy rồi”.

Ông Ân ngỏ lời xin lỗi bà nội hai trẻ vì cụ Thành không thể thân chinh qua cám ơn được. Cụ đã tật nguyền lại quá buồn khổ vì cái chết của cụ bà nên không được khoẻ lắm. Sau khi chôn cất cụ Nga, cụ Thành không muốn rời biệt thự Tố Nga để đến ở cùng với ông bà Ân. Vì vậy, ông Ân phải xin đổi về vịnh Hạ Lọng. Ông sẽ gởi hai cậu lớn vào một trường nội trú ở Hải Phòng cho ăn học.

Thấy bọn trẻ ngồi lơ đãng và lộ vẻ chán nản, bà cụ bảo Lan và Tuấn dẫn chúng ra ngoài vườn chơi. Được lời như cởi tấm lòng, tất cả các em đều sung sướng bước ra vườn. Vừa ra đến ngoài là chúng đã ríu rít nói chuyện. Bốn bé trai lớn – Trung, Hiếu, Nghĩa và Dũng cứ vây quanh Tuấn mà kể hết chuyện này đến chuyện kia. Còn Lan thì ôm lấy bé Hùng mà nựng. Em bày đủ trò cho bé chơi và làm bé cười khanh khách luôn miệng.

Khi cô Hiền ra gọi các cháu sửa soạn đi về, thấy vậy hỏi :

- Cháu yêu trẻ con lắm phải không ?

- Thưa cô, cháu thương chúng lắm. Cháu ước ao có một em trai như bé Hùng.

Anh Hồng vừa ra tới nơi, nghe thấy bèn cười trêu :

- Tuấn nó mà nghe Lan nói vậy chắc nó bực tức lắm đó.

- Không đời nào, Lan vội cãi, Anh Tuấn biết là bao giờ em cũng thương anh ấy nhất sau bà nội mà.

Rồi em phụng phịu :

- Anh Hồng cứ chọc em hoài à !

Vừa lúc đó Tuấn đi tới chỗ Lan đứng. Nghe thấy vậy, Tuấn trìu mến nhìn em !

Trước khi ra về, bà Ân căn dặn Lan và Tuấn :

- Khi hai bác dọn về đây, các cháu nhớ sang chơi với các em luôn nhé.

- Vâng ạ, chúng cháu sẽ sang luôn.

Chiếc xe vừa ra khỏi cổng, người ta bỗng thấy bóng dáng lom khom của vú già in lên nền trời đỏ tía. Vú nhìn theo cho tới khi chiếc xe khuất sau chân đồi, mỉm một nụ cười đanh ác và mỉa mai. Không biết vú đang nghĩ gì… Rồi với vẻ đắc thắng trên khuôn mặt nhăn nheo móm mém, vú nhắc đi nhắc lại :

- Nếu các người biết là ta có kho tàng quí ấy, thì bao nhiêu tiền các người cũng phải bỏ ra mua cho bằng được.

Trong xe, bà Ân đã trông thấy bóng dáng đen xậm của vú già trên đỉnh đồi. Bất giác bà ôm bé Hùng vào lòng như để che chở. Bà nói với chồng :

- Mình ơi, lại bà cụ đó nữa kìa ! Sao thấy bà đó tự nhiên em sợ quá hà…

Nhưng ông Ân đã mỉm cười trấn an :

- Có anh bên cạnh che chở cho em và các con đây, em đừng sợ.

*

Tối hôm đó, Lan và Tuấn không ngớt bàn tán về cuộc viếng thăm của gia đình ông bà Ân. Mỗi em nghĩ một khác về cuộc thăm viếng này.

Lan thì rất sung sướng vì gặp được ông bà Ân và cô Hiền mà em rất ngưỡng mộ. Còn Tuấn thì vui vẻ không kém vì được gặp những bạn trai cùng tuổi để bàn bạc về việc học.

Tuấn đăm chiêu tâm sự với Lan :

- Lan à, học với thầy Sơn anh thấy không thu thập được nhiều vì thầy đã đứng tuổi lại không theo sát với chương trình học mới nên chỉ dạy những gì học sinh học cách đây đã mấy năm rồi. Về giảng văn thì anh thấy khá hơn Trung và Hiếu bên bà Ân, nhưng về toán thì dùng sách quá cũ nên anh không được học hỏi những điều mới ra cho chương trình năm nay… Thấy mình thua kém về môn này, anh buồn quá. Nếu mà anh thi tú tài chậm thì khó mà vào trường hải quân được.

Ngừng một lát, Tuấn rầu rầu tiếp :

- Trung kém anh một tuổi mà có vẻ giỏi hơn anh nhiều. Nếu học chung chắc Trung sẽ vượt anh xa.

Lan đánh một câu triết lý :

- Còn anh thì đứng hạng nhì. Hạng nhì là khá lắm rồi còn gì nữa. Anh nhiều tự ái quá à ! Tại sao lại cứ phải đứng hạng nhất mới được cơ !...

- Đối với Lan thì thứ hạng không quan trọng chứ đối với anh là trai thì lại khác. Làm trai phải học giỏi mới làm nên được chứ. Anh chỉ cầu mong bà nội hiểu rằng anh cần được vào trường học.

- Nhưng muốn đi học thì anh phải vào nội trú tận Hải Phòng cơ. Lại phải xa bà, xa em và xa nhà nữa !

- Anh biết chứ. Nhưng nhớ nhà thì nhớ, anh cũng phải lo học cho nên người và nối nghiệp ba. Trung và Hiếu bên bác Ân được gửi vào trường đấy.

- Thôi anh Tuấn ơi ! Anh đừng đi nhé ! Ở cả năm ở đây một mình em buồn chết.

- Thế thì anh nói với bà gửi em vào học trường nội trú riêng cho nữ sinh vậy nhé.

Lan dẫy nẩy :

- Không bao giò em vào nội trú đâu ! Em không chịu được đời sống tù túng trong bốn bức tường đâu ! Em quen chạy chơi ngoài bãi biển bao la cả ngày và không bị gò bó rồi. Nếu bắt em suốt ngày phải học và chơi theo tiếng chuông reo, đi ngủ đúng giờ đúng giấc hàng ngày thì em phát điên lên mất !

- Lan à, em nhầm rồi. Cuộc sống này không thể kéo dài mãi mãi được. Nếu ba mẹ còn thì chắc ba mẹ đã gửi anh em mình vào trường lâu rồi. Ở đây cả đời chắc chúng ta sẽ trở thành những kẻ dốt nát và vô dụng. Em nên nhớ thầy mình vẫn thường dạy câu :

“Ngọc kia chẳng chuốt chẳng mài,

Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.

Con người ta có khác gì,

Học hành tấn tới, ngu si hư đời.”


Chúng mình may mắn không ngu dốt thì phải ráng học hành, sau mới ra giúp đời được chứ. “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời” là câu châm ngôn in trên các quyển vở mình dùng hàng ngày mà em quên sao ?

Lan buồn bã ngồi nghe, lặng thinh không nói câu nào. Tuấn lại tiếp :

- Lan biết không, từ khi nói chuyện với Trung và Hiếu, anh chỉ mong được đi học cùng tụi nó thôi.

Lan oà khóc :

- Thế là anh không thương em phải không ? Ba mẹ đã mất rồi, còn có hai anh em mình côi cút, nay anh lại bỏ em mà đi thì em sống với ai ? Bà nội đâu có thời giờ mà chơi với em cả ngày như anh vậy… Thôi, em lạy anh đó, anh đừng đi xa nhé ! Anh đừng xin bà vào trường nhé, anh Tuấn nhé !

Vừa nói Lan vừa lay lay Tuấn, vẻ mặt cầu khẩn. Tuấn vuốt tóc em an ủi :

- Lan à, em còn ngây thơ quá. Em chưa hiểu sự học cần thiết như thế nào. Anh cam đoan với em là đến nghỉ hè anh về chơi thì còn vui gấp mười hàng ngày anh ở cạnh em nữa kìa.

Thấy Lan vẫn còn thổn thức, Tuấn giảng giải :

- Anh phải học hành đàng hoàng để trở thành sĩ quan hải quân như ba vì thi Tú tài khó lắm. Học với thầy Sơn thì không đủ sức đỗ đâu. Thi mà rớt thì anh chỉ thành một kẻ vô dụng, ăn bám vào gia đình. Lúc đó cả tương lai của dòng họ Trần sụp đổ. Chỉ còn mình anh để nối nghiệp mà anh làm thế thì có tội với tổ tiên lắm.

Và em đùa cho Lan vui :

- Lúc ấy chắc tượng đức Thánh Trần sẽ cau mày chứ không mỉm cười đâu.

Nghe thế, Lan đang khóc cũng phải bật cười. Trí óc giàu tưởng tượng của Lan đang phác họa ra hình ảnh bức tượng đang cau mày giận dữ. Eo ơi ! Chắc trông sợ lắm nhỉ ?

Thấy vậy, Tuấn hy vọng tiếp :

- Lan nói với cô Hiền xin bà nội cho anh đi học nhé. Cô Hiền mà xin hộ thì chắc được.

Nụ cười vô tư tắt ngay trên môi Lan. Em bỗng cau mày, dậm chân tức tưởi :

- Không ! Em không nói đâu ! Anh chỉ thích đi xa thôi. Anh chẳng thương em chút nào cả. Giá phải ba mẹ còn sống thì đâu đến nỗi nầy ! Thôi, anh đừng nghĩ đến việc đi học nữa đi.

Tuấn lắc đầu thở dài ngao ngán. Làm sao cho Lan hiểu là mộng ước thành sĩ quan hải quân là một giấc mơ thiêng liêng, là truyền thống hào hùng của dòng họ Trần bây giờ ? Lan mà không hiểu em thì còn ai hiểu em nữa ?...

Tuy vậy, tối đó Tuấn cũng lái câu chuyện sang việc học hành và xin bà cho vào trường. Em mới thốt ra câu hỏi là bà nội đã từ chối ngay. Cụ bảo em còn nhỏ quá chưa cần vào trường vội, để vài năm nữa rồi hãy hay. Bây giờ học thầy Sơn là đủ rồi. Thông minh như Tuấn thì theo kịp các bạn có khó gì.

Đêm đó, Tuấn thao thức nằm khóc thật lâu. Trong nhà không ai hiểu em cả, không ai hiểu chí làm trai đối với em quan trọng tới mực nào… Cứ nghĩ đến ông Ân là nước mắt Tuấn lại trào ra. Ông Ân thật là một người cha lý tưởng, hiểu con cái và lo cho tương lai các con. Em thấy mình thật bất hạnh vì thiếu sự săn sóc của một người cha.. Bà nội thì đã già, lại quá thương cháu nên không muốn em đi xa là phải !

Nằm trằn trọc mãi, Tuấn bỗng nghĩ ra một cách để lung lạc bà. Tháng sau, ông bà Ân dọn về biệt thự Tố Nga, em sẽ nhờ ông Ân xin với bà cho đi học cùng với Trung và Hiếu bên đó. Chắc bà sẽ nể mà nhận lời. Vả lại, vốn là một người cha hiểu con, ông Ân sẽ biết tìm lời khôn khéo thuyết phục bà và giúp em thực hiện mộng hải hồ. Em mỉm cười ngâm nga :

“Đã mang tiếng đứng trong trời đất,

Phải có danh gì với núi sông”.


Trong khi đó, ở phòng bên Lan đang vẫy vùng trong một cơn ác mộng. Em thấy bà gửi mình vào một trường nội trú rất khe khắt. Em lạc lõng trong đám trẻ ngoan ngoãn mặc đồng phục và khổ sở khi phải ngồi thật yên lặng trong giờ học. Em hoảng hốt kêu lên nhưng họng em như cứng lại và không tiếng kêu nào thoát ra được. Chân tay em cứng đờ, không động đậy nổi ! Em cố vùng vẫy, la hét và cuối cùng giật mình tỉnh dậy thấy… mình nằm trên giường trong biệt thự Hoàng Lan ! Thì ra cả câu chuyện khủng khiếp kia chỉ là một cơn ác mộng…


CHƯƠNG X

 GÃ THỌT HĂM DỌA
 

- Anh Hồng ơi, anh có thấy Tuấn đâu không ?

- Không… Ôi chao, tội nghiệp chưa ! Tuấn nó đi chơi mà không rủ em đi cùng à ? Để bé Lan của anh phụng phịu thế kia kìa !

Lan hớt hải đi tìm Tuấn. Em phải kể cho Tuấn nghe câu chuyện “ghê gớm” này mới được ! Cách đó độ nửa tiếng, một kẻ lạ mặt trông có vẻ gian ác đã đón em ở chân đồi và nhờ em cho hắn gặp vú già. Em chỉ cho hắn chỗ vú vẫn thường ở rồi lên phòng làm bài.

Nhưng một lát sau, khi em nhìn ra cửa sổ tìm “nguồn cảm hứng” để làm luận, em bỗng thấy gã lạ mặt đang giơ tay hăm doạ vú già trong khi vú cứ khăng khăng không trả lời gã. Thỉnh thoảng vú già lại gục đầu vào tay tỏ vẻ mệt mỏi, chán chường.

Thế là Lan hấp tấp chạy xuống tìm Tuấn để rủ Tuấn ra xem gã lạ mặt định giở trò gì. Lan rất thương vú nên em không đành để vú bị ai hăm doạ.

“Thôi, tìm Tuấn không được thì đi một mình vậy”, Lan nghĩ thầm. Em can đảm gọi Vàng và Mực rồi lại gần kẻ lạ mặt.

Vừa tới nơi, Lan nghe thấy tên đó nói với vú :

- Tao cần “xìn” (1) lắm. Mày mà không đưa cho tao, tao sẽ có cách bắt mày phải đưa. Mày bảo mày cạn tiền hả? Láo ! ở đây người ta quá tử tế với mày, tháng tháng cho mày tiền mà ! Hừ, họ mà biết là mày chẳng đáng được đối xử tử tế tí nào, thì không biết họ nghĩ sao ?

Lan nghe vậy tức quá vội nhảy qua chiếc hàng rào thấp và lại gần vú già. Hai con chó chồm tới kẻ lạ mặt đánh hơi làm hắn sợ quá lùi lại một bước. Hắn quay sang phía Lan, bực tức nói :

- Giữ chó lại đi.

Lan nghiêm mặt nhìn hắn :

- Ông muốn làm gì vú già, hả ?

Gã kia thấy vẻ mặt cương quyết của Lan, vội dịu giọng :

- Chẳng làm gì cả, cô ạ… Gớm, sao cô bảo vệ vú già thế ? Cô thương vú lắm à ?

- Tôi thương vú lắm, vừa nói, Lan vừa bá lấy cổ vú già.

Gã lạ mặt cười lên hô hố và mỉa mai nói :

- Ha ha… mụ già được hai đứa sinh đôi bảo vệ ghê quá nhỉ. Thế mà mày chả đáng chút nào cả.

Lan bực tức nhìn hắn :

- Ông muốn gì ? Ông là ai ? Chưa bao giờ tôi thấy ông ở vùng này cả.

- Ồ, có chứ ! Cô có gặp tôi một lần ở ngay gần đây mà chắc lâu quá rồi nên cô quên mất. Cả mụ già này cũng quên tôi luôn. Tôi bỏ xứ ra đi từ lâu. Tôi mới trở lại đây được mấy hôm để đòi mụ ta một món nợ xưa… Tôi là bạn với chồng mụ ấy.

- Ông ấy mất đã năm năm nay rồi mà.

- Tôi biết chứ, nhưng tôi cũng muốn gặp mụ này nữa. Gớm, hồi này trông mụ ấy già hẳn đi và hom hem ra.

Lan ngây thơ đáp :

- Mọi người ở đây đối xử tử tế với vú già lắm mà. Nhưng vú lại chẳng muốn nhận gì cả.

- Chắc có một lý do gì cho nên mụ ấy mới không dám nhận đấy chứ…

Vừa nói, hắn vừa nhìn vú già bằng cặp mắt quỷ quyệt và độc ác. Rồi hắn gằn giọng :

- Có một mối lo khiến mụ ấy mất ăn mất ngủ nên người mới xác xơ đi như thế ấy. Chồng mụ còn thiếu tôi tiền và tôi tới đây để đòi món nợ đó…

Một tia sáng hằn học loé lên trong cặp mắt ti hí, gian giảo của hắn.

Lan nghe vậy tức lắm. Em quay sang nói với vú già :

- Vú ơi, đừng đứng đây nữa. Vào trong nhà với con đi. Nếu vú không đủ tiền trả nợ thì cứ nói với bà nội, bà sẽ trả hộ cho. Bà mà biết bác Cả nợ ông này thì thế nào bà cũng trả ngay.

Gã lạ mặt tỏ vẻ khoái trá khi nghe Lan nói thế. Hắn cười khà khà, gật gù :

- À, cô bé nói hay đấy. Tôi sẽ đi gặp cụ chủ nhà và nói chuyện với cụ ấy mới được.

Vú già nghe vậy run lẩy bẩy, toát mồ hôi. Mặt vú xanh mét sợ sệt.

- Không, không, tôi van chú. Chú cứ yên tâm, tôi sẽ trả tiền cho chú.

Lan kéo vú ra phía động đá sau vườn. Thấy gã lạ mặt bước đi khập khiễng, em thương hại nói :

- Ông nực lắm không ? Ông vào bếp đi, tôi sẽ bảo chị Ba cho ông một ly nước chanh tươi, rồi ông đi khỏi đây và đừng bao giờ trở lại nữa nhé.

- Thôi, cám ơn cô. Tôi chỉ cần lấy lại món nợ của tôi thôi… Mụ già nên nhớ là tao ở quán chú Hai Gà… và thế nào trước khi tao ra đi, tao sẽ còn gặp mày nữa.

Khi thốt ra câu cuối, hắn dằn từng tiếng với vẻ mặt đe doạ. Đi được vài bước, hắn bỗng dừng lại nhìn theo Lan đỡ vú già ra chiếc động đá. Hắn lẩm bẩm :

- Thật là đáng thương khi thấy người ta nhầm lẫn như vậy !...

Khi Lan kể lại cho Tuấn nghe vụ gã lạ mặt doạ nạt vú già, Tuấn vội hỏi ngay :

- Có phải hắn thọt chân không ? Chắc chính hắn là người anh trông thấy đang rình rập nhà mình hôm nọ đó.

- Chính hắn rồi ! Hắn trông dữ tợn ghê làm em lo cho vú già quá đi mất thôi. Hắn hẹn vú tới quán chú Hai Gà. Hôm nào vú đến gặp hắn, mình phải đi theo đề phòng bất trắc và bảo vệ vú nhé.

Nhưng nhiều ngày trôi qua mà không thấy vú ra khỏi biệt thự. Lan và Tuấn yên chí rằng, vú đã quên những lời đe doạ vu vơ của gã thọt.

-------------------------- 
(1) Tiếng lóng có nghĩa là "tiền".

_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XI, XII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>