Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

Cho Khỏi Chối Tai


 Các em tham dự một trò chơi với chị nhé. Từ giờ đến tối, em lưu ý em và mọi người, khi nói chuyện với nhau, có dùng những tiếng thí dụ như: chị em hỏi em: - "Em đã học bài chưa?" Em trả lời: "Mai em đâu có bài đọc" (đáng lẽ phải nói: "Mai em không có bài đọc, chị à") hoặc em trả lời: "Em đã học bài rồi đó thôi" (đáng lẽ phải nói: "Em đã học bài rồi, chị à"). Hoặc ngay khi người bạn phát biểu ý kiến, thí dụ: "Nước Việt Nam mình có 25 triệu người" Nếu em không đồng ý, có lẽ em sẽ trả lời: "Không! Hồi xưa mới 25 triệu, nay là hơn 25 triệu." Đừng nói vậy. Người đối thoại nghe thấy tiếng "không" là đã bị cụt hứng phần nào rồi. Em trả lời thế này xuôi tai hơn: "Dạ, hồi trước thì 25 triệu, nhưng nay có lẽ đã tăng lên." Người đối thoại rất thích được đồng ý. Nếu họ nói sai mà mình đồng ý, mặc dầu mình biết là sai, mình sẽ bị mang tiếng là nhu nhược, hoặc nịnh bợ (ngoại trừ trường hợp là vấn đề chính trị cần tới thủ đoạn xảo trá). Nhưng nếu mình phản đối gay gắt, thì sẽ có hại cho tình giao hảo, mà lại làm buồn lòng người ta nữa. Trước khi phản đối, hãy đồng ý với người đối thoại về điểm đúng của họ, họ sẽ không có cái cảm tưởng mình luôn luôn chống đối, hoặc tìm cách "hạ" người khác. Trong tình bạn, phản đối bạn là để mong cho bạn tiến bộ, vậy đừng phản đối một cách quá đốp chát làm cho họ mất mặt, học sẽ trở thành địch thủ của mình, và họ sẽ ngụy biện để bảo vệ lập trường của họ, mặc dầu họ biết họ sai, nhưng vì tự ái, và cuối cùng có thể đi tới sứt mẻ. Mục đích của mình tốt, mà vì dùng phương tiện dở, kết quả sẽ trở thành xấu. Cũng ví như người lái đò muốn sang qua một dòng sông sóng lớn, nếu cứ phăng phăng cho đò ra thẳng giữa dòng, thì có thể bị sóng to lật úp xuống mất. Nhưng tay chèo giỏi sẽ khéo léo chèo ngược lên mé trên, rồi nương theo sóng mà đi xuôi xuống thì sẽ cập bến bên kia sông an toàn. Đừng bao giờ lấy làm hãnh diện nói những câu đại khái thế này: - "Tôi mắng vào mặt tên... giữa chỗ đông người mà hắn phải câm miệng" Người khác không trả lời có thể vì họ chán mình quá, họ thấy mình càn dỡ quá, nói năng thô lỗ quá, nên họ im lặng. Đôi khi, im lặng là khinh bỉ, các em ạ. Các bậc hiền giả xưa nay, luôn luôn là những người nói năng từ tốn. Có những em đã hãnh diện khi nói câu này: "Tôi là người chân thật, nghĩ gì nói nấy, chứ không như người khác hèn nhát không dám nói điều mình nghĩ" Không đâu, nhiều khi điều mình nghĩ, nó đáng buồn quá, không nên nói. Thí dụ: Ông bác sĩ không nỡ nói với bệnh nhân là họ sắp chết, đó là vì lòng nhân đạo. Bà mẹ nghèo thương con, nhường phần ăn cho con phải nói dối là đã ăn rồi, đó là vì tình mẫu tử. Gặp người lạ dù họ phát biểu ý kiến dở quá, mình vẫn không cãi lại, chỉ cười thôi, đó là vì phép lịch sự. Biết tâm sự của bạn, không đem kể lể lung tung dù có ai hỏi cũng nói là không biết, đó là vì mình giữ tư cách v.v... Vào những trường hợp trên, sự không nói thật là đúng, là vì người đó đã được hấp thụ nền giáo dục chặt chẽ. Vậy các em sau khi kiểm điểm lại, tìm cách tránh những điều này nhé:

1 - Rán dùng rất ít tiếng "không".

2 - Câu trả lời đừng là câu hỏi vặn lại, (thí dụ chị hỏi: "Em ăn cơm rồi à" em trả lời: "Dạ rồi" hoặc: "Dạ chưa", đừng nói: "Đâu có" hoặc: "Không ăn, chờ chị thì em có mà xỉu luôn". Tối kỵ. Vì người hỏi muốn nghe một câu đáp, chứ không muốn nghe một câu móc lại. Hoặc thí dụ gặp trời mưa, chị nhắc đem theo áo mưa, nếu em có đem theo rồi, em đừng nói: "Em đem rồi, chờ chị nhắc thì có phen ướt hết". Đừng! Lời nói đó sẽ thui chột hết những ý nghĩ tốt đẹp mà mọi người muốn dành cho mình. Em chỉ nói: "Dạ, em có đem theo rồi đó chị", thế là chị đủ yên chí là em đã biết lo chu đáo.

3 - Khi cần phản đối, hãy đồng ý với người đối thoại về điểm nào họ đúng, sau đó thêm những chữ "nhưng", "có lẽ", "tôi cũng có thêm một ý kiến thế này..." v.v... Rán tránh những tiếng quá chắc như "tôi nhất định..." "tôi tin chắc..." "tôi cá..." nếu mình còn muốn giữ hòa khí.

Trong các cuộc đàm thoại, người thắng không nhất định phải là người nói câu cuối cùng, mà là người giữ được bình tĩnh. Khi chia tay, mình muốn gặp lại để nghe người đó nói chuyện nữa, và khi nói chuyện với họ, mình có cảm tưởng như mình sẽ không bao giờ bị mạt sát, phải không các em.


Chị Đ.P.K  
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 60, ra ngày 15-10-1972)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>