Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Tặng Phẩm Cứu Trợ

  

Thư của em... Gia Định:

Em là trưởng ban xã hội trong lớp. Để góp phần giúp đỡ đồng bào nạn nhân bão lụt miền Trung, em được cử ra quyên các bạn. Cũng có người sốt sắng đóng góp. Nhưng cũng có người tỏ ra những cử chỉ làm cho em tủi lòng lắm chị ơi. Có bạn cầm tờ hai chục liệng vào mặt em mà nói:

- Này, bố thí...

Vừa nhặt tờ giấy bạc lên, nước mắt em vừa ứa ra.

Em có xin cho em đâu mà họ nỡ đối xử như vậy! Có bạn lại chỉ trích là em bày đặt thu tiền để "lấy của người làm phúc cho ta". Hoặc xỏ xiên: "Kiếm chác được gì không?". Em buồn quá, muốn từ chức cho rồi, chị ạ...

Trả lời:

Chị hoàn toàn cảm thông với em. Danh ngôn có câu rằng: "Kẻ nào vì ngu dốt mà vô tình làm điều lỗi, thì lỗi đó sẽ được giảm bớt". Hành động của mấy người kia đã cho chúng ta thấy rõ rằng họ kém suy nghĩ và lòng dạ nhỏ nhen.

Nói tới cứu trợ, chị lại nhớ đến một lần, trên hành lang thương xá Tam Đa, chị đã gặp một cảnh thật cảm động.

Bữa đó, có một nhóm sinh viên học sinh đi quyên, có tặng một cuốn thơ nữa thì phải, tình cờ chị bước ngang qua, nghe tiếng cười rộn rã, bèn đứng lại xem. Chị có cái tật là thích mọi người cười. Cho nên thấy có đám đông cười là không thể bỏ qua được. Thì ra đám học sinh đang vừa cài lên vai áo một bà cái huy hiệu, còn bà thì đang vừa nhét tiền vào hộp, vừa nói cám ơn. Cô học sinh duyên dáng:

- Tụi cháu cảm ơn bà mới phải!

Nhưng bà khách vừa cười vừa lắc đầu:

- Ơ! Cô bé lầm rồi nhé. Tôi phải cảm ơn chứ. Nhờ có các cô, tôi mới có cơ hội đóng góp chút đỉnh vào công cuộc từ thiện này. Tôi chỉ đóng góp có chút xíu, trong khi các cô hy sinh cả ngày lang thang lếch thếch đi khắp nơi, mệt mỏi biết là bao. Mà phần đóng góp của tôi chỉ là chút tiền, trong khi các cô đóng góp chính thời giờ trong cuộc đời, phần đóng góp thật quí báu và không có gì sánh bằng được, ngoại trừ sự yên ổn và hãnh diện của chính các cô.

Mấy cô bé được ca ngợi, bèn buồn buồn tâm tình:

- Bà ơi! Chưa có ai nói với chúng cháu như bà. Nhiều người tránh tụi cháu như tránh hủi. Họ tìm cách lẩn trốn, vừa thấy tụi cháu cười cười tiến lại là mặt họ đã lạnh như tiền, quay ngoắt về phía khác, làm nụ cười của chúng cháu trở nên hết sức vô duyên. Hồi nãy còn có một ông vừa ném ra tờ giấy bạc vừa gay gắt: "Cứu trợ quái gì! Thôi, các cô cứ cầm lấy bỏ túi, lát ra tiệm kem ăn là tiện hơn cả. Đỡ mất công moi trong hộp". Chúng cháu không bao giờ vô tư cách như thế. Nhưng làm sao mà giải thích cho họ hiểu. Hầu hết đều liệng tiền ra với vẻ mặt khinh khỉnh đầy tính chất bố thí. Tụi cháu tủi thân và cũng mắc cỡ ghê, muốn dẹp luôn, mang trả ban tổ chức cái hộp này rồi về nhà nghỉ cho khỏe bà ạ.

(Cho chị mở một ngoặc nhỏ ở đây nhé: Chắc các cô cậu bé tốt lành ưa làm việc thiện thì cũng thích đọc Thiếu Nhi rồi đó. Vậy thì: "Các cô sinh viên học sinh dễ thương bữa đó ơi! Có còn nhớ như chị đã nhớ các cô không?")

Kể câu chuyện đó ra đây, là chị mong em hiểu rằng khi em làm việc, chắc chắn sẽ có người tìm đủ cách để chỉ trích, hoặc tìm cách hạ nhục em, vì mặc cảm thua kém, vì ghen tị hoặc vì ngu dốt, không hiểu được tấm lòng của em. Nhưng dầu vậy, em cứ làm, em càng phải làm hơn lên, em ạ. Bởi lẽ đã có người phá hoại, thì người thiện chí phải làm việc nhiều hơn để bù vào chỗ bị phá hoại. Nếu thấy khó khăn mà nản lòng em sẽ không bao giờ làm nên công việc gì cả em ơi. Suốt đời ngồi trên giường, không bước chân xuống đất thì sẽ không bao giờ đạp phải gai, nhưng như thế thì cái chân hóa thành vô dụng, cũng như què. Suốt đời không làm việc, thì không ai chê trách được, nhưng như vậy thì đời sống hóa thành vô dụng mà thôi em ạ. Danh ngôn có câu: "Người ta đã chết nhiều lần trước khi chết thật". Nhiều lần chết trước chính là những lần "chết nhát" cứ sợ cái này, sợ cái kia, không chịu lăn mình vào chốn hiểm nguy. Không phải ở bãi chiến trường mới là hiểm nguy, mà chính miệng lưỡi con người độc ác phun nọc cũng tàn nhẫn, làm cho người khác đau đớn chẳng thua gì bị trúng đạn. Chịu đựng được sự đau đớn đó để thẳng tiến trên đường đời mới xứng đáng là người can đảm em ạ.

Hãy nghĩ đến đồng bào nạn nhân cần sự giúp đỡ mà đừng nản chí em nhé. Những đồng bào nạn nhân của chúng ta thật đáng tội nghiệp xiết bao. Vừa mới mấy ngày trước, tất cả đều đang sống trong gia đình êm ấm, có ai ngờ sau một sớm một chiều, mà nhà cửa bị nước cuốn trôi, thân phận trở thành ăn nhờ ở đậu phải cần tới sự cứu trợ. Thật là đau lòng biết mấy!

Sự trợ giúp của chúng ta sẽ đỡ cho đồng bào chúng ta một phần nào thiếu thốn vật chất, giúp cho đồng bào chúng ta an ủi đôi chút tinh thần và cũng để cho thế giới thấy tình nghĩa keo sơn gắn bó, xót thương lẫn nhau của một dân tộc vẫn tự hào là có bốn ngàn năm văn hiến. Không có lý gì mỗi khi đồng bào chúng ta bị tai nạn giáng xuống, chúng ta dân một nước có nhiều năm văn hiến, lại thờ ơ với sự giúp đỡ, mà nhường cho những nhà hảo tâm ngoại quốc ít văn hiến hơn phải ra tay.

Em đừng buồn nữa nhé, hãy nghĩ rằng: "Chính nhờ những người thiện chí và can đảm, mà tất cả các công trình đã được xây dựng." Em hãy nhiệt thành như em đã nhiệt thành và nếu sau khi đọc những hàng này, em có cảm thông và thương mến chị chút nào, thì em hãy nghĩ rằng đồng bào nạn nhân chính là chị Đ.P.K. của em đấy. Nghĩ đến đồng bào bằng tấm tình thương mến sâu đậm, em sẽ vượt qua được tất cả mọi phiền muộn, em nhé.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 115, ra ngày 30-11-1973)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>