Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Tuổi Thơ Thật Đáng Quí

 

 Các em thân mến,

Vừa đây, có vài em viết thư cho chúng tôi ước ao làm người lớn. Làm người lớn sướng lắm chứ, nào được mọi thứ tự do như tự do muốn làm gì thì làm khỏi phải cha mẹ la rầy, ngăn cấm, nhất là tự do tiêu tiền. Làm chủ nhiệm, chủ bút sướng ghê!

Không đâu các em. Tuổi thơ mơ mộng của các em là thời đẹp nhất trong đời người. Các em được tự do nô đùa, không phải nghĩ đến cuộc sinh sống, các em được sống trong tình thương, trong sự trìu mến của mọi người, nhất là của gia đình. Người lớn không có mọi thứ tự do như các em tưởng đâu và trước khi được tự do tiêu tiền, người lớn cần phải làm việc nhiều, vất vả nhiều.

Tuổi thơ là tuổi đáng mến. Tương lai đầy huy hoàng đang chờ đợi các em. Khoa học mỗi ngày mỗi tiến bộ sẽ giúp ích cho các em nhiều hơn. Các em sẽ được hưởng các tiện nghi mà người lớn chúng tôi không còn thì giờ để nhìn thấy. Những ngày sắp tới, biết bao sự phát minh, tìm tòi sẽ làm cho đời sống các em được sung sướng hơn, chẳng hạn các em sẽ được đi du lịch khắp các nước dễ dàng như các em hiện giờ đi chợ hay đi học vậy. Các em sẽ ít bịnh tật hơn, sống lâu hơn. Nếu có bịnh các em chỉ cần ngậm một viên thuốc ngọt như cục kẹo là khỏi ngay.

Vả lại, các em ngày nay thông minh hơn và lanh lợi hơn các trẻ đồng tuổi cách đây hai ba mươi năm.

Khổng Tử khi xưa cũng công nhận kẻ sinh sau thật đáng sợ.

Một hôm ngài đi dạo cùng học trò, gặp một đứa bé lấy gạch vụn xây thành cản lối đi. Ngài bảo: Cháu tránh chỗ cho xe ta qua. Đứa bé đáp: Từ xưa đến nay, xe phải tránh thành, chớ thành nào lại tránh xe. Khổng Tử nói: Cháu còn trẻ, sao ăn nói quỷ quyệt thế? Cậu bé lại đáp: Con thỏ sinh ra ba ngày biết chạy, con cá ba ngày biết lội, con người ba tuổi thì có trí khôn, sao ngài lại cho cháu là xảo trá? Khổng Tử hỏi: Hiện giờ cháu ở đâu, cháu tên gì? Cậu bé trả lời: Cháu ở nơi quê mùa, cháu tên Thác, họ Hạng. Khổng Tử liền mời: Vậy ta muốn cùng cháu đi dạo chơi quanh đây, cháu bằng lòng không? Hạng Thác thưa: Nhà cháu còn cha nghiêm cần phải thờ, mẹ hiền cần phải nuôi, có anh lành cần phải theo, các em nhỏ cần phải dạy, có thầy sáng cần phải học, có rảnh đâu mà đi rong chơi với ngài. Khổng Tử lại tiếp: Vậy trên xe ta có sẵn bàn cờ, ta cùng cháu đánh chơi vài bàn cho vui. Đứa bé đáp: Thưa ngài, vua ham cờ bạc thì nước loạn, chư hầu ham cờ bạc thì việc chính bế tắc, sĩ nho ham cờ bạc thì bỏ luống việc học, kẻ làm ruộng ham cờ bạc thì bỏ buổi cày... Thác này thật chẳng dám vâng lời ngài. Khổng Tử liền nói: Ta muốn cùng cháu bàn việc bình thiên hạ, cháu vui lòng chăng? Hạng Thác lại đáp: Thiên hạ làm sao bình được mà ngài khéo hỏi: hoặc vì có núi cao. hoặc vì có biển rộng, hoặc vì có giai cấp ; bình núi cao thì chim chóc còn chỗ đâu mà ở, bình biển thì tôm cá chết hết còn gì, dứt hết giai cấp thì lấy ai chỉ huy, lấy ai sai khiến? Khổng Tử thấy cậu bé giỏi quá. bèn hỏi thêm nhiều câu khó khăn gấp mấy mươi lần, cậu bé đều trả lời trôi chảy cả. Ông định lên xe đi, cậu bé nói: Nãy giờ, ngài hỏi cháu bất cứ câu nào, cháu cũng trả lời đầy đủ. Giờ đây, xin ngài cho cháu hỏi lại ngài vài điều cho rộng điều hiểu biết. Cháu nhờ ngài giải thích giùm cháu con ngỗng, con vịt nhờ đâu mà nổi được, chim hồng chim nhạn nhờ đâu mà kêu được, cây tùng cây bá nhờ đâu mà xanh tươi suốt bốn mùa? Khổng Tử đáp: Ngỗng vịt nổi được là nhờ chân vuông, hồng nhạn kêu được là nhờ cổ dài, tùng bá xanh tươi luôn là nhờ ruột chắc. Cậu bé có vẻ không thỏa mãn, nói: Cháu sợ không phải vậy đâu. Cá tôm đâu có chân vuông, sao cũng nổi, con muỗi nào có cổ dài, sao vẫn kêu, giống tre và trúc rỗng ruột sao vẫn xanh tươi luôn? Thôi, xin ngài cho biết trên trời có mấy ngôi sao? Khổng Tử liền nói: Chúng ta hãy bàn việc dưới đất cho dễ cháu à! Cậu bé hỏi ngay: Được! Cháu xin hỏi ngài dưới đất có bao nhiêu nhà? Khổng Tử không trả lời, lại nói: Đấy là chuyện xa vời, cháu hỏi việc trước mắt đây thôi. Cậu bé đồng ý: Vâng, vậy lông mày có mấy sợi? Khổng Tử ngán quá, lật đật bước lên xe, nói với học trò: Hậu sinh khả úy.

Các em thân mến,

Các em nên tự hào, đã sanh sau đẻ muộn. Bao nhiêu người, từ thượng cổ đến ngày nay, đều làm việc cho các cháu được sung sướng.

Vậy các cháu hãy cố gắng học hành, vâng lời cha mẹ cùng thầy dạy, ráng trở nên người hữu dụng, tương lai tốt đẹp đang chờ đón các em.


Thân mến,                  
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 11, ra ngày 24-10-1971)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>