Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

Ký Ức Ngày Xanh

 

Tôi  không biết trí nhớ con người vận hành ra sao. Tôi cũng chẳng quan tâm đủ để đi tìm tòi, nghiên cứu về nó. Thế nên tôi chỉ có vài khái niệm cá nhân sơ sài, rằng khi còn quá nhỏ, trí nhớ chúng ta có thể chưa hình thành, và khi ta lớn lớn hơn chút nữa khi não bộ bắt đầu phát triển, thì trí nhớ ta có lẽ chỉ nhớ những điều nó muốn nhớ. Nếu không thì tại sao có những điều ta lại nhớ khá rõ ràng dù sự việc xảy ra đã rất lâu, nhưng những việc xảy ra gần đây hơn thì ta lại chẳng nhớ gì cả?

Điều đầu tiên trong đời tôi còn nhớ tới tận bây giờ lúc tôi chỉ khoảng hai tuổi, đó là lần đầu tiên tôi biết nhận diện ra má tôi, trong số nhiều gương mặt phụ nữ đang đi tới đi lui trên căn gác ọp ẹp, là nhà tôi lúc đó. Tôi còn nhớ mình nằm trên bộ ván gỗ, tay ôm chiếc gối ôm, nhìn ra má và tự nói với mình rằng, kìa là má mình đó, cái người phụ nữ hiền hậu nhứt trong số những người kia, đó là má mình! (Nhưng càng về sau tôi càng thấy rằng ý kiến đầu đời đó của tôi chỉ là một ảo tưởng, hay ảo giác, ảo ảnh gì gì đó thì cũng rứa, vì càng về già má tôi càng  dữ, nhất là sau khi ba tôi qua đời! Chắc khi ba tôi còn sống, má tôi chỉ giả bộ hiền hậu làm màu để ba tôi thương mà thôi! Hí hí!  Sau này có lần một anh thanh niên chắc làm việc quanh xóm nói với tôi rằng, bà cụ hiền quá nhỉ! Lúc đó lòng tôi rất muốn nói với anh ta rằng, tại anh không biết bà cụ đó thôi!)

Điều thứ hai tôi còn nhớ được về tuổi ấu thơ của mình, là khi má tôi đưa cho tôi bình sữa uống dở của thằng em út, và tôi đã cố leo lên cái bàn gỗ cao để nằm "măm măm" chỗ sữa thừa đó một cách ngon lành. Từ đó về sau, hễ bé út nằm bú sữa trên bộ ván gỗ là tôi sẽ ra nằm ngay bên cạnh, chỉ chờ nó lơi tay  buông bình sữa ra một chút thôi là tôi sẽ giành ngay lấy để uống nốt! Thật là đáng xấu hổ, vì  làm chị mà không biết thương em, lại đi giành ăn của em mà không biết mắc cỡ. Nhưng lúc đó có lẽ tôi còn quá nhỏ, và nhà tôi lúc đó có thể cũng nghèo.

Trước đây khi cả nhà còn đông đủ, tôi thường hay ví gia đình tôi giống như Nhà Mẹ Lê trong truyện ngắn của Thạch Lam:  một bầy nheo nhóc, lăn lóc như những củ khoai lang; nhưng chỉ với ý hài hước, bông đùa thôi chớ không có ý gì khác. Điều thứ ba tôi còn nhớ nổi về thuở nhỏ là ban đêm, tôi ngủ chung với má, em út, và anh trai kế, trên bộ ván tôi đã nhắc tới ở trên. Anh tôi rất đẹp trai, nhưng khi ngủ lại rất xấu nết. Có lần khi đang ngủ, tôi còn bị anh tôi trong vô thức đạp té lăn xuống sàn! Tôi cứ nằm  đó trên sàn gác gỗ, tai nghe tiếng bầy muỗi háu đói vo ve, cảm thấy cái lạnh dần thấm vào người, nhưng nhất quyết không chịu nhúc nhích, vì có ý chờ má tôi thấy thiếu vắng tôi sẽ đi kiếm rồi ẵm tôi lên. Nhưng chờ mãi chẳng thấy động tịnh gì, tôi bèn tự lồm cồm bò lên giường ngủ tiếp. Từ đó về sau, tới giờ ngủ là tôi sẽ kiếm chỗ nằm cách anh kế tôi càng xa càng tốt, để khỏi bị mất giấc ngủ một cách phũ phàng lần nữa. 

Ở giường sắt mé bên kia, ba tôi vẫn đang nghe radio trong bóng tối. Tôi vẫn còn nhớ mãi bài hát Việt Nam Hùng Tiến của Thẩm Oánh, chắc được dùng làm nhạc hiệu cho một chương trình nào đó, thường xuyên được phát vào cùng một giờ, khi tôi bắt đầu thiu thiu ngủ, nhưng tai vẫn nghe loáng thoáng bản hùng ca đó, thật hay khiến tôi ghi nhớ tới tận bây giờ:

Đây là lúc Quốc Dân hùng tiến Cờ Việt từ nay phơi phới ngang trời cao Vì giang sơn máu pha tô sông đào Hồn muôn anh dũng vết thương nay quyết liền Bao thời u buồn Nhà Việt lầm than nguy khốn Nào ai con cháu Tiên Rồng Một lòng vì giống nòi Nam Quốc dân ơi ta cùng tiến lên đi Nước non đang chờ gót nam nhi Vời trông ngàn xưa đời bao danh tướng Quyết mau ta hùng cường...

Vì má tôi bận buôn bán, không thể tự tay chăm sóc con cái, nên tụi tôi mỗi đứa đều có vú nuôi riêng. Một hôm khi trời vừa sập tối, U Già, vú nuôi của tôi, tay dắt tôi, tay kia ẵm thằng út vô hẻm chơi. Vừa mới quẹo vô hẻm, U Già đã hỏi tôi rằng, bé Lan có thương u không! Lúc đó tôi chỉ biết rằng mình phải trả lời hoặc là Có hoặc là Không, nhưng tôi lại không hiểu ý nghĩa của hai chữ đó (lúc đó tôi còn nhỏ xíu mờ!) nên tôi trả lời đại là Không cụt lủn. Ai dè U Già vì tự ái hoặc buồn giận nên đã bồng thằng út chạy tuốt sâu vô hẻm, bỏ mặc tôi một mình vừa khóc ầm ĩ vừa chập chững  chạy theo, càng đi xa càng lạc lối về. Cứ thế tôi vừa đi loanh quanh trong xóm vừa khóc hu hu, mặt mũi tèm lem nước mắt. Giá như lúc đó tôi lớn khôn hơn chút nữa thì tôi chỉ cần quay 180 độ là đã thấy ngay đầu hẻm, gần nhà. Dù gì đi nữa thì trong lúc cố chạy theo U Già, tôi đã tình cờ đi ngang qua nhà bà cụ bán gạo và tạp hóa như than củi, xà bông, đèn cầy... mà má tôi vẫn mua theo kiểu suốt tháng ghi sổ, cuối tháng tính sổ trả nợ một lần cho tiện. Chị Hai làm công cho bà vì vẫn đến nhà tôi giao gạo nên chị biết mặt tôi, đã dắt tôi về "cố quận" trao trả tận nơi yên lành, không bị xây xát gì. Sau này nghe các anh tôi kể lại rằng, U Già, người Huế, tuy là phụ nữ nhưng hay uống rượu; và u chỉ thương một mình tôi thôi chớ không quí ai khác trong gia đình tôi. Chuyện! Vú nuôi của đứa nào thì chỉ thương đứa đó thôi là đúng rồi, bàn cãi gì nữa?

Năm má tôi vừa mới sinh thằng em út, vừa phải  trải qua một cuộc giải phẫu, vừa mắc phải bịnh nan y, mà vẫn phải hàng ngày buôn bán nuôi gia đình, nên bà rất mong tới giờ nghỉ trưa để được nghỉ ngơi chút ít. Nhưng vì còn nhỏ, tính lại hay nhõng nhẽo, bám váy mẹ, nên thấy bà lên gác nghỉ, tôi mừng lắm. Trước khi giở trò khóc nhè, nhèo nhẹo đòi bồng bế, tôi đã cẩn thận (hay láu cá?) nhìn qua lỗ thông gió ngó lên nhà trước, khi thấy ba tôi không có mặt ở nhà, tôi mới yên tâm cất bài ca mè nheo, khóc lóc, đòi được má để ý; vì nếu không tôi đã bị ba tôi cho ăn roi, vì ba tôi vốn nổi tiếng (hay khét tiếng?) là rất dữ đòn. Mệt nhọc thêm khi nghe tôi khóc lóc, má tôi mũ ni che tai, quay lưng vô vách; nhưng bà càng làm thinh, tôi càng khóc dữ. Được một lát thấy nhõng nhẽo suông không mục đích chẳng mang lại kết quả gì, tôi bèn quay sang đòi uống nước. Lúc này má tôi mới cất giọng gọi chị bếp. Chị bếp nói nước hết rồi chị phải đi nấu nên tôi phải chờ. Thêm một màn khóc lóc nghe mà muốn "đứt guột" khi chị bếp mang lên ly nước sôi còn nóng hổi. Tôi nhừa nhựa kéo dài giọng kêu gào, nước nóng quá, nóng quá. Và chị bếp lại phải một phen mỏi tay quạt cho ly nước nguội hẳn. Thật ra, nước non đâu phải thứ tôi cần. Tôi chỉ muốn được má nựng nịu thôi, nên những thứ mà tôi luôn miệng đòi hỏi chỉ là những cái cớ. Tội nghiệp cho những người xung quanh tôi, phải chịu đựng cái khó tính trái nết của tôi lúc bấy giờ.

Có lần anh em tụi tôi tụ tập hết lên trên tấm phản để chơi một trò chơi do anh hai tôi mới sáng tác, tên là Cẩm Nhung. Thời đó chẳng ai là không biết vụ việc cô vũ nữ Cẩm Nhung bị tình địch tạt acid, kể cả lũ con nít tụi tôi. Đứa bị làm Cẩm Nhung sẽ đứng dưới đất, cố quơ trúng những đứa trên giường, đứa nào né không kịp, bị quơ trúng sẽ bị bắt phải rời giường xuống đất làm Cẩm Nhung thay thế cho đứa kia. Đang chơi hào hứng, tôi bèn "xí" để xuống nhà xin má tôi kẹo ăn.Tôi ra dấu gọi má, lúc bà đang cùng với ba tôi thù tiếp rất đông khách khứa. Nghe tôi ỉ eo xin xỏ, bà bèn lấy hộp kẹo tây ra cho tôi một viên. Nhưng vừa đi lên cầu thang gỗ vừa bóc vỏ kẹo thì có lẽ vì trời mưa, bậc thang gỗ trơn trợt khiến tôi xém té nên đã đánh rơi chiếc kẹo lọt qua khe những bậc thang rồi rớt xuống thùng rác dưới gầm cầu thang! Trở xuống xin má tôi viên khác nhưng bị bà lắc đầu từ chối, tôi đành tiu nghỉu lên chơi tiếp trò Cẩm Nhung, khi về vẫn chẳng có chút xíu kẹo nào y như lúc ra đi! Gần đây tôi có coi một đoạn clip chiếu một bà má tây đang tiếp khách bị thằng con quấy rầy, xin bánh ăn. Sau khi cho con thứ nó muốn, bà má tây kia còn thòng theo một câu, đừng làm phiền má nữa! Kết luận:  Đông hay Tây, con nít đều như nhau!

Má tôi bận rộn, bịnh hoạn như vậy, nhưng vẫn còn một bổn phận nữa bà phải hoàn tất, đó là dạy tôi học đánh vần. Thỉnh thoảng tôi từ trên gác chạy xuống, chỉ vào một chữ nào đó trong cuốn Mẫu Tự (hoặc cuốn Đánh Vần Mau gì đó) có bìa màu cam, và má tôi sẽ lập đi lập lại chữ đó hai ba lần cho thấm vô đầu tôi, rồi tôi sẽ chạy trở lên gác ngồi nhai đi nhai lại chữ đó nhiều lần, miệng gào to những nhóm chữ đánh vần muốn trẹo lưỡi như ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, ngoắt ngoéo...Nhớ lại, tôi thấy má tôi cứ lặng lẽ lê bước quanh nhà làm công chuyện, chẳng nói chẳng rằng, và chỉ mở miệng khi tôi hỏi bài mà thôi. Lúc đó bà đang đau nặng, mà tôi thì còn con nít  nên vô tâm vô tình chẳng hiểu  biết gì.

Lẽ ra tên tôi đã là Phục Linh, tên một món chè, nghe hơi xa lạ nhưng hóa ra chỉ là món sương sáo tầm thường. Trước đây trong các tiệc cưới, người xưa thường có khuynh hướng chọn những mỹ danh nghe thật kêu đặt tên cho những món ăn đãi tiệc như  Mẫu Đơn Rạng Rồng,  Bạch Hạc Hầu Cờ, Kim Long Hí Nguyệt, Uyên Ương Sắt Cầm, Thập Nhị Tiên Du Hải Đảo... mặc dù thật ra quanh đi quẩn lại cũng vẫn là gà vịt tôm cua ta thường ăn hàng ngày, chỉ xào đi nấu lại, thêm mắm dặm muối, trình bày bắt mắt mà thôi!  Lại còn có cả món Rồng Bay Qua Biển hóa ra chỉ là món rau muống xào tỏi! Quay trở lại việc đặt tên cúng cơm cho tôi, một tối chủ nhựt nọ ba tôi dắt "xấp nhỏ" nhà tôi vô Chợ Lớn ăn chè Phục Linh. Nhưng cũng đêm hôm đó, tôi chào đời. Thế là ba tôi vui miệng bàn sẽ đặt luôn cho tôi cái tên Phục Linh làm kỷ niệm, nhưng má tôi thì phản đối kịch liệt, vì xưa nay chẳng thấy  ai lấy tên chè tên cháo làm tên con bao giờ, nhất là cái món chè đó lại đen thui thủi! Thua cuộc, ba tôi bèn đổi ý sang cái tên Phương Lan hình như rất thịnh hành thời bấy giờ! Lần này thì má tôi chấp nhận, dù vẫn còn đó hai mẫu tự đầu P và L gợi nhớ!

Tôi đặt tên cho hồi ký này là Ký Ức Ngày Xanh, chớ không phải là Kỷ Niệm Ngày Xanh vì ký ức thì thụ động, một chiều, nhận sao để y nguyên như vậy lúc ta còn quá nhỏ chưa nhận thức được điều gì; trong khi kỷ niệm cũng là ký ức nhưng chủ động hơn, có phần đóng góp, tương tác, tác động của ta để gìn giữ, duy trì, thương yêu, tưởng nhớ... lúc đã lớn khôn rồi. Dù gì đi nữa, tôi cũng ước giá như mình đã có thể có nhiều hơn những ký ức ngày xanh, chắc là sẽ thú vị lắm!

Về đây đâu phút vui xưa sum vầy. Thềm hoang thêu nắng phượng thắm rơi đầy. Anh có nghe trong lòng thu chết, bao lá khô phai nhạt hương đêm, tan tác bay phiêu bạt dưới trời quên...(Về mái nhà xưa, Nguyễn Văn Đông) 


Trần Thị Phương Lan   
(Bút nhóm Hoa Nắng)     
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>