Ngày em ra chào đời là ngày huy hoàng nhất đối với Ba Mẹ từ mấy năm nay. Mẹ đã hằng chắp tay nguyện cầu trong khi Ba yên lặng tưởng đến một khuôn mặt Ba hằng mơ ước, một khuôn mặt đáng yêu với đôi mắt to tròn đen lay láy ngỡ ngàng, đôi tay bụ bẫm vòi vĩnh, và đôi môi mỉm cười thơ ngây. Ba nghĩ Ba sẽ hôn lên đôi má phính hồng của em, sẽ gọi em bằng cái tên thực xấu để ông bà đã khuất đừng "bắt" mất em của Ba, nhưng cũng phải là cái tên yêu dấu nhất để muôn đời cho Em nhớ tới quê hương mộc mạc hiền lành. Ba lựa chọn, bàn bạc với Mẹ. Cả hai có lúc cãi nhau, nhưng chỉ cùng nghĩ đến một mầm sống đang vươn lên trong lòng Mẹ.
Trước khi Em mở mắt, đem tiếng khóc đầu tiên của mình ra làm quà cho cuộc đời, Mẹ đã thức bao đêm, tỉ mỉ cắt những chiếc áo tương đối đẹp nhất của mình để may áo quần tã lót cho con. Mẹ lo trữ sẵn than củi, dầu nóng để hơ ấm cho con mỗi khi gió đông về quấy rối. Mẹ tháo gối bông của Mẹ để may cho con mẹ một chiếc mền mỏng nhẹ và một chiếc gối hình bán nguyệt thực dễ yêu. Mẹ may bao tay để con mẹ mỗi lần khóc lẫy khỏi cào rách khuôn mặt non nớt, và những đôi bao chân xinh xắn để con mẹ khỏi thấy lạnh vì gió máy. Những hôm ngồi sàng gạo, Mẹ lựa những hạt nào lớn nhất, trông ngọt ngào nhất để dành đấy sau này nấu cháo cho con. Những lúc đêm khuya, Mẹ đặt tay lên bụng, mỉm cười lắng nghe mầm sống đang chỗi dậy cựa quậy trong lòng.
Còn Ba, sau những buổi cày, những chiều tưới nước suốt đám cải non, Ba đem dao ra vườn, chặt tre, vót, cặm cụi đan cho con Ba một chiếc nôi xinh xắn với bốn tao nôi, treo giữa nhà mà ngắm, mà tưởng tượng. Ba ra công làm việc với hy vọng lợi tức sẽ tăng hơn, để con Ba ra đời không thiếu thốn một thức gì.
Đến ngày em ra đời rồi đấy. Em quả không thiếu một tí gì. Em có đủ hết, Ba, Mẹ, Quê Hương, và Tình Thương Vô Tận. Em không những có đủ, em có thừa cơ. Em chỉ thiếu mỗi cái tên thực kêu, nhưng quê hương em mộc mạc, tên em hào nhoáng làm gì. Ba Mẹ em đồng ý gọi em là Bé. Em bé bỏng thật. Trong tay Mẹ, trong ánh mắt ấm áp của Ba, và giữa quê hương xanh hương lúa, Em thấy mình như chìm đi trong nỗi sung sướng ngọt ngào. Với tình thương của Ba Mẹ, Em nghĩ chả bao giờ Em đền đáp được. Còn quê hương Em, tuy đối với Thế Giới bao la, quả vô cùng nhỏ bé. Tuy thế, với riêng em, thực là mênh mông. Mỗi trưa hè oi ả, Em nằm trong lòng Mẹ, nhìn trời xanh ngăn ngắt, Em thấy trời mới lớn làm sao. Trời kia bao bọc quê hương Em đấy, thế thì quê hương Em phải lớn biết ngần nào. Tai em nghe Mẹ cất tiếng ru:
À ơi, ru em, em ngủ cho rồi
Để Mẹ đi chợ (à) mua vôi ăn trầu
Mua vôi (thì lại) chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu Chợ Dinh.
Rồi Em bắt đầu tập nói. Chữ đầu tiên thoát khỏi vành môi thơ ngây, em đã dành trọn cho hai người Em thương nhất: "Ba! Mẹ!". Mỗi lần nghe Em bập bẹ gọi mình, Ba Mẹ đồng chạy đến bên Em. Mẹ cúi xuống, bồng em trên tay, hỏi giọng âu yếm: "Gì đó, con chó con của Mẹ gọi Mẹ làm gì đó? Đói hả? Đói ăn hả? Con tôi hư quá!" Em "hư" thế mà Mẹ vẫn đặt trên trán em, má em mấy cái hôn thật kêu. Những tiếng nói đầu tiên của Em thực ngọng nghịu tức cười. Mỗi lần Ba hỏi: "Con có thương Ba không?". Em chúm môi, tủm tỉm cười trả lời: "Xương!". Ba Mẹ cùng phá lên cười lớn: "Xương với lại da, con tôi chả thương bố mẹ nó tí nào!". Em đỏ mặt vùng vằng hờn dỗi. Nhưng hờn dỗi làm chi? Chính Ba Mẹ yêu thích khát khao được nghe em trả lời bằng giọng nói ngập trẻ thơ ấy cơ mà. Nếu không thế, sao Ba lại bắt chước em mà hỏi lại: "Con có (xương) Ba không?"
Đến lúc em bắt đầu nói sõi, trong nhà không lúc nào ngớt tiếng Em líu lo. Hôm nào em trở mình, ít nói, ít cười, Ba Mẹ thấy căn nhà lạnh lùng hẳn, thiếu vắng hẳn. Sự im lặng ấy làm Ba Mẹ lo lắng ra mặt. Ba bỏ buổi cày và Mẹ thôi không sàng gạo, ương cây nữa. Nụ cười chỉ nở lại trên môi Ba Mẹ khi nào mắt em thôi nhắm nghiền mệt mỏi, và môi em lại cất lên, dòn dã và líu lo như chim khuyên.
Khi Em lớn hơn tí nữa, mỗi chiều đem cơm ra cho Ba đang ở ngoài đồng, Em đã nghịch ngợm trèo lên đụn cát cao, nhìn ra xa. Mắt Em thấy tận biển ngời xanh, và phía bên này, cây rừng mướt rượt. Em thấy quê hương em giàu quá, đẹp quá. Những thức Em ăn hằng ngày, chẳng như mầm từ lòng đất đấy sao? Nào gạo thơm, nào khoai sắn ngọt ngào, những món ăn giản dị mà quen thuộc, thương yêu lạ lùng. Em cũng chẳng bao giờ thấy rét, vì quanh năm, làng Em hứng gió tự muôn phương, khi gió nồm rát mặt, lúc gió bấc lạnh căm. Em dường như quen đi với thời tiết thay đổi bất ngờ ấy.
Như bất cứ một đứa trẻ con Việt Nam ở nông thôn nào khác, Em để tóc ngắn, da mặt sạm đen và đi chân trần. Giày, mũ, với Em, là những thứ xa xỉ, vướng víu. Em sống và lớn lên ở đồng quê, Em thân với Thiên Nhiên và sống với Thiên Nhiên như thể không có không được. Em không lo nghĩ, không ganh tị, không mơ ước cao xa, vì chung quanh Em không có gì cho Em phải so sánh. Tất cả mọi người ở đây đều phải đổ mồ hôi làm việc, để cuối mùa đem về cho gia đình những bồ đựng đầy lúa mát mắt, có phép mầu xoa dịu hết nỗi nhọc nhằn suốt mấy tháng trôi qua. Tất cả bạn bè Em đều ăn mặc quê mùa, cũ kỹ. Các Em chơi cùng nhau, học cùng nhau. Trò chơi của các Em không tốn gì nhiều, chỉ tốn công chút xíu. Các em gạch lên đất nâu nhẩy lò cò, các Em kiếm đất sét, nặn những con vật ngộ nghĩnh, hoặc chặt tre nhỏ làm diều, thả ngoài đồng những chiều lộng gió. Các Em chỉ tốn sức nhưng thật vui khi đuổi bắt nhau, chơi ú tim, chơi giật cờ. Và mỗi lúc bóng tối sắp đổ lên ngôi làng nhỏ, cả bọn tiếc rẻ chia tay nhau, hứa với nhau: "Mai nhớ tới nghe!". Giấc ngủ Em mang nhiều mộng. Em sẽ giật mình, sẽ đấm tay xuống giường, sẽ ú ớ. Ba Mẹ sẽ lo lắng chỗi dậy nhìn Em. Nhưng có sao đâu, Em đang lớn đấy thôi.
Em đang lớn nhưng em còn quá bé để giúp Ba những công việc nặng nhọc. Quê hương khô cằn khiến Ba phải đổ biết bao mồ hôi để tưới lên, cho Em chóng lớn, cho Mẹ đỡ vất vả nhọc nhằn. Cuộc sống sẽ êm đềm hơn, sẽ bình thản hơn, nếu không có tiếng súng, phải, nếu không có CHIẾN TRANH. Những khuôn mặt đằng đằng sát khí, những vũ khí lạ lùng buốt lạnh khiến Em có cảm tưởng đang ở trong vùng địa ngục khi em nghĩ đến khuôn mặt Thiên Thần của Ba Mẹ và bạn bè Em.
Rồi một ngày, ngôi làng nhỏ bé, năm bên bờ biển miền Trung của Em cũng bị lôi cuốn vào làn sóng chiến tranh. Nhà em rực lửa, tai em nghe tiếng đạn nổ liên hồi, tiếng người kêu khóc. Mùi khét lẹt của thuốc súng, của lửa khiến Em sợ đến lịm người. Suốt một đêm nằm yên trong lòng Mẹ, Em quên cả cái lạnh của sương. Em thấy yên tâm trong tay Mẹ, nhưng lạ lùng thay, Mẹ khóc. Khi đưa tay lên mặt Mẹ, em thấy mặt Mẹ đẫm nước. Tội nghiệp Mẹ của Em quá. Có bao giờ Em thấy Mẹ khóc nhiều thế đâu. Em khóc theo Mẹ. Mẹ vỗ vào lưng, ôm chặt Em đến nghẹt thở. Mẹ nói nhỏ: "nín đi con, mẹ thương!", nhưng nước mắt mẹ lại làm ướt cả tóc em.
Lúc bình minh ló dạng, Ba mới dắt Em vả Mẹ ra khỏi hầm. Bây giờ tiếng súng đã yên, chỉ còn khói bốc lên từ dãy nhà cháy rụi. Mắt Em ngơ ngác nhìn căn nhà mình, căn nhà nhỏ bé, thương yêu của Em giờ chỉ là một đống tro tàn, với những đoạn tre cháy dở nằm ngổn ngang. Em không làm sao nhận được căn phòng nhỏ, nơi em hằng đêm nằm ngủ say với rất nhiều mộng màu hồng. Em không sao nhận được kia là chiếc sân nhỏ em đã từng cùng bạn bè nô đùa dưới ánh trăng xanh. Tất cả hiện ra xa lạ quá, như thể em đang ở một nơi nào đó, một nơi nào em chưa hằng nghĩ tới và chưa hề nghe nói đến. Cây khế xanh mướt với trái chua đã từng quyến rũ Em trèo lên mỗi trưa oi nồng giờ chỉ còn là một vết tích khói ám, tiêu điều. Em chưa hiểu rõ thế nào là khổ, thế nào là tiếc, nhưng Em bắt đầu hiểu thế nào là nỗi nhớ nhung. Em đột nhiên nhớ khung nhà cũ của Em, với chiếc chõng tre già, với sân đất nện yêu dấu. Mùi tranh cũ, mùi ẩm mốc của đất ướt bỗng nhiên trở nên một hương vị rất quý giá. Em hít mãi vẫn nghe thấy mùi khét lẹt thật buồn.
Bên cạnh em, mẹ đứng lặng người, khóc không thành tiếng. Ba đang lui cui tìm những vật còn sót. Nhiều thứ cong queo, trông buồn cười. Ba gom được ít nồi soong cũ, một ít tre chưa cháy, mấy cái kiềng sắt. Chợt Ba cúi xuống, lượm lên một sợi thừng cháy dở, mân mê trong tay. Em nhận rõ lắm, đó là mẩu dây trong bốn tao nôi đã ru em kẽo kẹt hồi Em còn bé. Em chợt nhiên như nghe đâu đó tiếng hát của mẹ dịu dàng vang trong không khí nồng buổi trưa hè.
À ơi, ru Em, Em ngủ cho say...
Bây giờ Em đã lớn. Tiếng ru ấy chìm đi theo thời gian, và cả tiếng kẽo kẹt nôi đưa cũng bặt tiếng.
Em ngóng nhìn ra xa. Mọi người trong làng Em đang có vẻ vội vã, thu gom những vật còn sót lại sau trận chiến. Em thấy bác Tư đang cầm que tre dài, quơ quơ giữa đám tro tàn. Bác Thi đang khóc lóc, kêu trời. Chị Hương mắt hoe đỏ, ôm thằng Cu lớn trong tay. Bên cạnh chị, xác con gái được quàng bằng khăn trắng. Em không dám nhìn con Gái đâu. Em sợ tối nó hiện về nhát thì Em chết mất.
Em quay nhìn Ba. Hình như mặt trời đã lên cao lắm. Em bắt đầu thấy đói, nhưng không dám vòi vĩnh vì tất cả mọi người dường như quên rằng phải có ăn mới sống được. Em ngồi xuống một viên gạch, lấy tay vẽ những hình ngoằn ngoèo trên mặt đất. Bên kia, mẹ cũng ngồi bệt xuống nền đất sẫm, mắt mẹ nhìn đăm đăm vào căn nhà bị thiêu hủy. Mẹ không nói gì, Ba không nói gì. Nhưng chung quanh em, tiếng khóc vẫn vang vang như chưa hề bị ngắt quãng, như chưa bao giờ dai dẳng đến thế.
Trưa hôm ấy, sau khi lót bụng bằng bát cháo trắng nhạt nhẽo, Em cùng đám bạn kéo nhau ra đầu làng, rồi lại bắt chước người lớn, cầm que tre dài, quơ quơ trong đám tro tàn. Bỗng em nghe tiếng xe chạy rầm rập về phía làng. Em vừa chạy theo lũ bạn, vừa cầm que xoay tít trên đầu. Một đoàn xe nhà binh có đến sáu, bảy chiếc đang tiến vào làng. Mọi người hơ hãi, sợ có một trận đánh nữa. Nhưng may quá, trên xe chỉ chở một số người, đàn ông có, đàn bà có, mặc đồ lính có, mặc đồ thường cũng có nữa. Họ nối nhau đến nhìn từng ngôi nhà, hỏi thăm từng người một. Bọn trẻ tò mò theo sau như đám rước. Em nghe họ nói nhiều lắm, nhưng Em không nhớ, mà Em cũng không hiểu. Chỉ thấy mọi người vội vã gói, cột gia tài bé nhỏ của mình, và kéo nhau leo lên mấy chiếc xe nhà binh. Có người dùng dằng không chịu đi, có người ngồi xổm dưới đất, vò nát đất trong tay mà khóc. Chị Hương nhờ bác Hành bên hàng xóm chôn đứa con gái lớn. Vừa lấp đất, chị vừa khóc kể. Tội nghiệp ghê vậy đó. Thôi, giã từ cô bạn nhỏ, mày ngủ ở đây đi, còn Em, Em phải theo Ba Mẹ rời làng đây.
Khoảng ba giờ chiều, trời còn nắng lắm, nhưng mọi người, kỳ cục thay, lại hối thúc nhau: "Nhanh lên kẻo chiều rồi, nguy hiểm lắm!" Thời gian, tối sáng, thì có gì đáng nguy hiểm đâu? Em thấy người lớn thật vô cùng khó hiểu. Gia đình Em leo lên xe sau cùng. Lúc Ba bồng em lên cho bác Sáu đỡ lên xe, mấy người lính nói với Ba:
- Xe này chật quá rồi, ông chịu khó đi xe trước kia nhé.
Ba nhìn Mẹ, nhìn Em phân vân. Mẹ định nhảy xuống nhưng bác Sáu cản lại:
- Thôi, để chú Hai chú ấy đi xe trước cũng được. Chị với thằng Bé đi xe ni, không răng mô.
Rồi bác cúi xuống Ba:
- Chú Hai qua bên tê đi. Có tui đây, tui lo cho thím với thằng Bé được mà.
Ba tần ngần ôm bọc áo quần, nồi niêu cũ đi về phía trước. Leo lên xe rồi, Ba ngong ngóng nhìn lại chiếc xe đang chở Mẹ và Em mà lo lắng trong lòng.
Bảy chiếc xe nhà binh nối đuôi nhau chạy ra đường chính. Đây là lần thứ nhất Em được ra khỏi làng. Tất cả đối với Em thật mới lạ, này là con đường nhựa thẳng tắp, hai bên núi đồi trùng điệp, cây rừng mướt xanh.
Đoàn xe gia tăng tốc lực. Con đường tuy tráng nhựa nhưng không được phẳng. Em bị nhồi đến mệt nhừ. Trong lúc nắng trên đầu đang đổ xuống mặt, nung đôi mắt đến cay nồng, thì gió thổi ngược làm em muốn ngủ. Em ngước nhìn mẹ, thấy mẹ không nói năng, Em gục vào lòng mẹ, nhắm mắt, thiu thiu.
Ba không ngủ được. Người Ba bồn chồn. Con đường này vốn là nơi tác quái của tử thần, nhất là trong mấy ngày qua. Ba không muốn nghĩ, và dĩ nhiên không mong gia đình mình gặp phải sự không may, nhưng Ba vẫn sợ. Ba xua đuổi nỗi hãi sợ bằng cách nhìn đám người ngồi chung quanh, lắc lư, nhổm lên mỗi lần xe gặp ổ gà, Ba có cảm tưởng đang ở trên một chiếc thuyền con.
Bỗng nhiên một tiếng nổ lớn làm ba giật mình. Xe thắng lại vội vàng. Tiếng gọi nhau ơi ới, rồi tiếng súng nổ. Ba nhổm dậy, nhìn về phía sau. Trời ơi! Xe của Em, của Mẹ bị giật mìn! Chiếc xe nhà binh chứa đầy người lật ngược xuống bờ đường, bốc cháy kinh khủng. Ba như người mê, nhảy xuống xe, định chạy về phía chiếc xe cháy. Ba hét lên như trong mơ: "Trời! Mình! Con!" Có ai níu tay ba lại. Ba vùng vẫy, quên hẳn trên đầu, phía trước, phía sau, đạn réo như mưa...
*
Em đã không còn, Mẹ đã không còn.Một mình Ba theo làn sóng người di cư về thành phố. Ở đó, Ba ghi tên vào đoàn công nhân đi xây nhà cửa kiến thiết lại thành phố. Hằng ngày, Ba làm việc từ sáng đến chiều. Có lúc Ba chuyển gỗ, có lúc Ba đóng đinh, có lúc ba ngồi trên nóc nhà xây dở, nhìn xuống mặt đất, có cảm tưởng mình đã thoát xác. Buổi trưa, Ba dừng tay, ăn cơm cùng với hàng trăm công nhân khác. Giữa khung cảnh xô bồ, Ba thấy lẻ loi lạ lùng. Em không còn, Mẹ không còn. Ba đâu còn ai nữa để nôn nả trở về sau những buổi ra công? Ba thấy dường như Em và Mẹ vẫn còn sống, vẫn ở đâu đó, đang đợi chờ Ba về để cùng hưởng hạnh phúc gia đình. Cũng lúc đó Ba nghĩ như Mẹ và Em chưa hề có trên cuộc đời. Vậy thì Mẹ và Em đã có hay không hề có? Những ý nghĩ ấy làm ba ăn cơm thấy nhạt nhẽo làm sao! Ba ăn, Ba làm, Ba ngủ. Những hành động ấy tự ý đến, tự ý điều khiển Ba. Ba không hiểu mình ăn để làm gì. Những lúc cầm tiền người ta trả cho một số mồ hôi nhỏ giọt hàng ngày, Ba thấy nghẹn ngào. Ba mất nhiều quá. Ba mất nhiều hơn Ba có, Ba không dám oán trách Thượng Đế vì Ba nghĩ, nếu Thượng Đế đã ban cho Ba, thì Thượng Đế có quyền đòi lại. Tuy nhiên nếu lúc Em ra đời, Thượng Đế đã ban cho Ba một niềm êm dịu, sao lúc đòi lại, Thượng Đế lại không thể đặt Ba vào một hoàn cảnh ít chua xót hơn, đớn đau hơn?
Buổi chiều hôm nay, Ba lại đến bên bờ rau muống. Bờ rau muống này sắp bị bồi lên để xây nhà. Có lẽ trước kia, bên cạnh bờ cũng có một gia đình sống êm đềm, như gia đình Ba hồi trước. Tuy nhiên, chiến tranh không có thì giờ lựa chọn để tàn phá. Căn nhà lá bị thiêu hủy, và trên đám tro tàn ấy người ta lại sắp sửa dựng xây một căn nhà khác, to lớn hơn, sang trọng hơn, và dĩ nhiên không cần đến rau muống và bờ ao nước đọng có thể gây nên bệnh tật. Ba tìm gặp bờ rau muống và mừng như thể tìm được người bạn thân xa cách đã lâu. Ba biết một mai, bờ rau muống sẽ bị người ta làm mất dấu, như Mẹ, như Em đã mất dấu trên cuộc đời. Vì thế, mỗi chiều Ba tìm đến đây, ngồi lặng nghĩ đến căn nhà nhỏ ở quê làng.
Ba lơ đãng ngắt một đọt non, đưa lên miệng nhấm. Lá rau muống sống, nồng, nhưng Ba không thấy khó chịu. Vị nồng ấy quen thuộc quá, dễ thương quá. Ba làm sao mà quên được hương vị của Quê Hương đây?
- Ê, mày, thổi cao nữa mày. Thôi rồi, tắt rồi.
Giọng một đứa bé có vẻ tiếc rẻ. Ba ngẩng lên. Hai đứa bé trai đang thổi bong bóng. Chúng nó vụng về, thổi mạnh nên bong bóng không lớn mà lại chóng tắt. Ba muốn cười, đứng dậy đến bên chúng.
- Đưa chú thổi cho này. Phải thổi cho to mới đẹp chứ.
Thằng nhỏ có vẻ lạ lùng, không muốn đưa xà phòng cho Ba, nhưng thằng lớn thì vui vẻ nói:
- Chú cũng biết thổi?
Ba lựa một cọng rau muống có vẻ suông nhất, chấm vào xà phòng, đặt cọng rau nghiêng và hơi chúi xuống đất, Ba thổi nhẹ. Bong bóng phồng lớn dần, óng ánh màu sắc, tròn mảnh. Ba ngưng thổi, đưa nhẹ ngọn rau muống lên cao rồi chúm môi, Ba thổi cho bong bóng rời khỏi ngọn rau. Theo đà bay của bong bóng, Ba thổi lên cao, cao nữa. Bong bóng càng được thổi nhiều, càng óng ánh ngũ sắc. Nhưng bởi chỉ là bong bóng xà phòng, dù đẹp bao nhiêu cũng không bền. Trong phút chốc, bong bóng vỡ tan. Ba nhìn bọt xà phòng bắn tung, ngẩn ngơ một giây, rồi cúi xuống thổi tiếp.
Hai đứa bé bắt chước Ba, chăm chú thổi. Những chiếc bong bóng lớn nhỏ, trắng có, màu có, bay vờn quanh Ba như một đàn bướm nhỏ. Thằng lớn nhìn Ba cười. Này Em, Em tưởng Ba đang chơi trò con nít sao? Không, Ba đã sống quá nhiều, biết quá nhiều. Ba đang nghĩ đến tuổi hoa niên của Ba qua quá chóng, Ba đang nghĩ đến những hậu quả ghê gớm của chiến tranh, Ba đang nghĩ tới quê hương sôi máu lửa. Và Ba đang nghĩ đến Tiền Tài, Danh Vọng, Sự Nghiệp và Định Mệnh của mỗi con người...
Ước chi cho CHIẾN TRANH và HẬN THÙ cũng như những chiếc bong bóng kia, chóng vỡ tan đi để Thế Giới chỉ còn có MÙA XUÂN.
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 90, ra ngày 1-5-1968)
Buổi chiều hôm nay, Ba lại đến bên bờ rau muống. Bờ rau muống này sắp bị bồi lên để xây nhà. Có lẽ trước kia, bên cạnh bờ cũng có một gia đình sống êm đềm, như gia đình Ba hồi trước. Tuy nhiên, chiến tranh không có thì giờ lựa chọn để tàn phá. Căn nhà lá bị thiêu hủy, và trên đám tro tàn ấy người ta lại sắp sửa dựng xây một căn nhà khác, to lớn hơn, sang trọng hơn, và dĩ nhiên không cần đến rau muống và bờ ao nước đọng có thể gây nên bệnh tật. Ba tìm gặp bờ rau muống và mừng như thể tìm được người bạn thân xa cách đã lâu. Ba biết một mai, bờ rau muống sẽ bị người ta làm mất dấu, như Mẹ, như Em đã mất dấu trên cuộc đời. Vì thế, mỗi chiều Ba tìm đến đây, ngồi lặng nghĩ đến căn nhà nhỏ ở quê làng.
Ba lơ đãng ngắt một đọt non, đưa lên miệng nhấm. Lá rau muống sống, nồng, nhưng Ba không thấy khó chịu. Vị nồng ấy quen thuộc quá, dễ thương quá. Ba làm sao mà quên được hương vị của Quê Hương đây?
- Ê, mày, thổi cao nữa mày. Thôi rồi, tắt rồi.
Giọng một đứa bé có vẻ tiếc rẻ. Ba ngẩng lên. Hai đứa bé trai đang thổi bong bóng. Chúng nó vụng về, thổi mạnh nên bong bóng không lớn mà lại chóng tắt. Ba muốn cười, đứng dậy đến bên chúng.
- Đưa chú thổi cho này. Phải thổi cho to mới đẹp chứ.
Thằng nhỏ có vẻ lạ lùng, không muốn đưa xà phòng cho Ba, nhưng thằng lớn thì vui vẻ nói:
- Chú cũng biết thổi?
Ba lựa một cọng rau muống có vẻ suông nhất, chấm vào xà phòng, đặt cọng rau nghiêng và hơi chúi xuống đất, Ba thổi nhẹ. Bong bóng phồng lớn dần, óng ánh màu sắc, tròn mảnh. Ba ngưng thổi, đưa nhẹ ngọn rau muống lên cao rồi chúm môi, Ba thổi cho bong bóng rời khỏi ngọn rau. Theo đà bay của bong bóng, Ba thổi lên cao, cao nữa. Bong bóng càng được thổi nhiều, càng óng ánh ngũ sắc. Nhưng bởi chỉ là bong bóng xà phòng, dù đẹp bao nhiêu cũng không bền. Trong phút chốc, bong bóng vỡ tan. Ba nhìn bọt xà phòng bắn tung, ngẩn ngơ một giây, rồi cúi xuống thổi tiếp.
Hai đứa bé bắt chước Ba, chăm chú thổi. Những chiếc bong bóng lớn nhỏ, trắng có, màu có, bay vờn quanh Ba như một đàn bướm nhỏ. Thằng lớn nhìn Ba cười. Này Em, Em tưởng Ba đang chơi trò con nít sao? Không, Ba đã sống quá nhiều, biết quá nhiều. Ba đang nghĩ đến tuổi hoa niên của Ba qua quá chóng, Ba đang nghĩ đến những hậu quả ghê gớm của chiến tranh, Ba đang nghĩ tới quê hương sôi máu lửa. Và Ba đang nghĩ đến Tiền Tài, Danh Vọng, Sự Nghiệp và Định Mệnh của mỗi con người...
Ước chi cho CHIẾN TRANH và HẬN THÙ cũng như những chiếc bong bóng kia, chóng vỡ tan đi để Thế Giới chỉ còn có MÙA XUÂN.
TỈ TỈ
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 90, ra ngày 1-5-1968)