Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

CHƯƠNG I, II_NHÀ THƠ LÃNG TỬ


CHƯƠNG I  

MỘT CHUYẾN DU LỊCH

Tâm Sứt huýt gió một hơi dài, trao trả bé Thơ tấm hình :

- Trời ơi ! Công viên đẹp vô cùng là đẹp ! Nhưng tiếc rằng chỉ có một mình bé Thơ được mời ra chơi thôi. Có ai mời chúng tôi đâu !

Cô nhỏ nheo nheo cái mũi, chìa tay cho bạn :

- Thì các anh cứ đọc bức thư này đi đã nào.

Tâm Sứt chộp lá thư mở ra, đọc lớn :

- “… Ờ, ờ… Thơ có ý kiến hay đấy. Rủ các bạn trong băng “Khu Ba Chuông” cùng ra Biên Hoà. Vi nhớ ra rồi. Các anh : Chiêm, Trí, Tâm, Bình ở cùng hẻm với Vi hồi trước đó mà. Đúng rồi ! Mình thưa chuyện với ba má, ba má đã bằng lòng. Có điều, căn nhà gọi là rộng nhưng chứa từng ấy người thì không đủ. Cũng may, ba Vi hiện có một tấm vải “tăng” dầy và lớn lắm. Loại vải “tăng” vẫn dùng để đi cắm trại ấy. Các anh ấy có thể dựng lều vải trong một góc công viên, nơi đó cấm người ngoài qua lại. Như thế không còn ngại ai đến làm phiền nữa, há Thơ ! Vậy Thơ nhớ rủ các anh ấy cùng đi cho vui nghe !”

Tâm Sứt trao lá thư lại cho bé Thơ :

- Nếu vậy thì thú quá ! Để tôi về xin phép ba má cho phép đi du lịch mới được. Cắm trại trong một khu công viên, dưới bóng cây mát rượi thì còn gì thú vị cho bằng.

Bé Thơ reo lên :

- Đó ! Tôi biết trước là thế nào các anh cũng chịu hết mà. Bình Trọc, anh Chiêm thì sao ?

Bình và tôi đồng thanh :

- Đi ! Tiếc rằng Trí, “sếp” của chúng mình lại đi Đà Nẵng.

Tâm Sứt vui vẻ kết luận :

- Băng “Khu Ba Chuông”, hướng Biên Hoà trực chỉ ! Chỉ còn lo về xin phép ba má nữa thôi ! Ha, ha ! “Sếp” Trí của chúng mình vắng mặt thì… ráng chịu.

Bé Thơ cười thật tươi :

- Làm gì các bác lại chẳng cho phép ! Tụi mình ai nấy kỳ thi cuối năm vừa qua đều xếp hạng từ ba đến sáu cả. Đi nghỉ mát, cắm trại như Sói con, các bác còn cầu nữa à…, ở đó mà lo !

Rồi nhìn tôi, cô nhỏ nhướng cao đôi chân mày :

- Nhớ đem theo cả con Ca Phi nữa nghe anh Chiêm !



CHƯƠNG II
  
NHÀ THƠ LÃNG TỬ

Biên Hòa, ba cây số !

Thế là chúng tôi đã tới đích. Khởi hành tại Saigon từ hồi sáu giờ sáng, Tâm, Bình và tôi chễm chệ trên ba chiếc xe đạp chất đầy vật dụng, đạp xe gần như suốt cả ngày. Trời nắng như thiêu như đốt. Trên xa lộ, xe cộ ngược xuôi như mắc cửi. Con Ca Phi ngoan ngoãn ngồi trong chiếc thùng gỗ do tôi đóng lấy, bắt dính vào phía sau xe đạp, thè lưỡi thở hồng hộc. Thỉnh thoảng nó lại rít lên : “Nắng quá ! Sắp đến nơi chưa ? Sao lâu quá vậy ?”… Tôi tưởng như nó muốn nói như thế.

Cầu Biên Hòa kia rồi…

Sau khi băng qua cầu, ba anh em chúng tôi tới ngoại ô xứ bưởi.

Bình Trọc hớn hở :

- Kia ! Tụi mình ghé vào quán cà phê kia, giải khát và rửa mặt mũi chải chuốt tóc tai một cái đã chứ.

Sau một lúc nghỉ mệt, ba anh em tôi được ông chủ quán đưa vào chỉ chỗ rửa mặt. Tôi theo chân Bình Trọc vào rửa mặt chải đầu cẩn thận hơn mọi khi. Lần này, ngoài bé Thơ ra, còn có Tường Vi, cô bạn mới. Chính bé Thơ nhiều khi cũng đã trách chúng tôi : “Các anh chỉ ham đùa nghịch, ăn mặc quần áo bê bối quá trời !”. Tâm Sứt vào rửa mặt sau cùng. Nó vặn vòi cho nước chảy đầy chậu men, gục luôn cả mặt vào làn nước mát rượi.

Bé Thơ ra Biên Hòa từ hai ngày trước, hẹn sẽ ra đón bọn tôi ở bùng binh Cộng Hòa. Hỏi, ông chủ quán cho biết là gần đến nơi rồi. Cứ theo đại lộ hai bên trồng toàn me lớn là đến công trường Cộng Hòa.

Sau khi trả tiền, cám ơn ông chủ quán, ba đứa chúng tôi nhẩy lên xe.

Bình Trọc dẫn đầu đoàn “cua rơ”. Nó chợt giơ tay reo lớn :

- Ê ! Bé Thơ kia rồi ! Đứng bên cột đèn xanh đỏ đó.

Tâm Sứt và tôi dừng chân đạp, cứ để cho xe theo đà lướt đi. Khi hết trớn, cả ba anh em cùng xuống xe, dắt bộ từ từ tiến lại. Bé Thơ dắt theo cả Tường Vi. Sau khi được giới thiệu, chúng tôi đưa mắt ngó cô bạn mới. Tường Vi thấp nhỏ hơn bé Thơ, ít thôi, nhưng nước da nâu hồng khỏe mạnh chứ không trắng bệch như bé Thơ. Tuy có vẻ rụt rè nhút nhát hơn, nụ cười trên môi Tường Vi thật tươi, thật đáng mến. Bé Thơ láu táu, trong khi cả bọn cùng từ từ tiến bước :

- Thơ và Tường Vi nóng ruột quá ! Sao các anh lâu thế ? Hai đứa đã lo ghê đi !... Sắp tới nơi rồi. Gần tới công viên nơi ba Tường Vi làm việc rồi đó.

Tay dắt xe, chúng tôi vừa đi vừa đưa mắt thích thú ngắm phong cảnh Biên Hòa, ngẩng mặt đón làn gió mát từ phía sông thổi tới. Con Ca Phi xuống khỏi xe từ lúc nào, nhẩy quẩng bên bé Thơ.

Sau khi băng qua một con lộ lớn trải đá, Tường Vi chợt lên tiếng :

- Đây, công viên đây này ! Các anh thấy thế nào ? Thích không ?

Sau một chầu đạp xe gần suốt ngày dưới trời nắng như đổ lửa, trên xa lộ đầy bụi bậm, sặc sụa khói xe, chúng tôi được đứng dưới vòm cây xanh mát mẻ, tĩnh mịch. Quả thật bé Thơ đã nói đúng khi ca tụng vẻ đẹp của cái công viên thuộc thị xã Biên Hòa này. Màu xanh lá cây dịu mắt khiến con Ca Phi thích thú, lon ton chạy lên trước, lăn mình trên thảm cỏ êm. Bé Thơ khẽ la :

- Ê, Cá Phi ! (Bé Thơ và các bạn, ngay cả tôi cũng thế, nhiều khi tinh nghịch cứ gọi con Ca Phi là Cá Phi) Cá Phi ! Lại đây !... Trong này cấm chó đi lang thang à nghe !

Tôi liền xích cổ con Ca Phi vào đầu dây da. Cả bọn đi vào một lối tráng nhựa, tới một khu rợp bóng mát dưới vòm lá phượng vĩ xanh um. Quanh một đống cát lớn, bên mấy cây đu, cầu tuột, ngựa gỗ, các em nhỏ đang đùa giỡn, leo trèo, chạy nhẩy tung tăng. Tường Vi giải thích :

- Đây là khu dành riêng cho các em nhỏ. Trước kia đông lắm, bây giờ đã vắng bớt rồi đó. Một số đông theo gia đình ra bờ biển hoặc lên núi nghỉ mát.

Chợt, bé Thơ khẽ nắm cánh tay tôi lắc lắc :

- Anh Chiêm và các anh có thấy ông “chàng híp-pi” tóc dài, đỏ như râu bắp kia không ? Đó, ông ta đang ngồi ngó bọn con nít chơi đùa đó ! Hôm qua Thơ cũng đã thấy ông ta ở đây rồi ! Thơ có nói chuyện với ông ta nữa mà. Kỳ lắm !... Hình như là một nhà văn hay thi sĩ gì đó ! Ông ấy ngâm thơ hay lắm. Giọng ngâm, chu choa, nghe buồn thật là buồn ! Để sáng mai, nếu ông ta còn ở đó, Thơ sẽ dẫn các anh tới, nghe ! Hay lắm ! Nhất là anh Chiêm, chắc anh khoái phải biết. Thơ biết anh chỉ thích những kẻ nào có vẻ khác người thôi, đúng thế không nào ?

Người đi không , người đẩy xe, chúng tôi đi tới cuối công viên. Giữa đám cây to, đa số thuộc loại cây móc, cao lớn, cành lá buông rũ mát rượi, tọa lạc một căn nhà rộng lớn coi rất lạ mắt. Mái nhà lợp ngói ta. Vách tường bằng cát tông dầy sơn trắng. Đặc biệt sàn nhà lại ở cao cách mặt đất có tới hơn một thước. Ba hàng trụ vuông xi măng, tổng cộng mười lăm cột, chống đỡ ở dưới. Thì ra người ta cố ý cất theo kiểu nhà sàn như thế, dành cho giám thị công viên, vừa làm chỗ ở vừa tiện có chỗ chứa những cây nhỏ, sắp xếp hàng loạt mấy trăm cây dưới gầm sàn.

Ở đây vắng vẻ tĩnh mịch, lại thêm vườn cây xanh tốt, khiến tôi tưởng chừng như đang đứng trước một mái nhà sàn của đồng bào thiểu số thuộc sắc tộc Mán Cao Lan tại vùng Tuyên Quang Bắc Việt. Ảnh đã được chụp trên nhiều tấm dán trong cuốn “an-bum” của gia đình, hồi ba tôi còn làm việc tại ngoài ấy. Tôi còn nhớ cả mấy câu thơ ông ghi trong quyển lưu niệm, dưới một tấm hình chụp nhà sàn của đồng bào Mán Cao Lan :

“Đây là cảnh :

Trâu đeo mõ

Chó leo thang

Người ở nhà sàn

Đựng nước ống nứa”


Ở đây không có trâu đeo mõ, nước không đựng trong ống nứa mà lại chứa trong những cái lu to tướng đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng bằng mủ cao su xếp thành hàng dưới sân. Nhưng để leo lên nhà, người và súc vật phải dùng thang như thường. Có điều khác : thay vì những cái thang làm bằng hai ống tre, then ngang sơ sài, ở đây cầu thang bằng gỗ chắc chắn, sơn xanh.

Nơi hàng ba, trên đầu cầu thang, má Tường Vi chợt xuất hiện. Vừa bước xuống, bà vừa reo lên vui vẻ :

- A, các tay đua xe đạp ở Saigon đã tới đây hả ? Trời ơi ! Chết nắng mất thôi ! Mau mau vào trong nhà cho mát đi, các cháu.

Bên ngoài trông thì thế, bước vào mới thấy bên trong rộng rãi vô cùng. Bàn ghế đều kê sát vách, sàn nhà bằng gỗ nhẵn nhụi, để trống, chính giữa trải một chiếc chiếu lớn. Một cái mâm trên xếp có tới năm, sáu trái bưởi bóc sẵn, múi trắng bong, tép bưởi mòng mọng những nước. Má Tường Vi bảo chúng tôi ngồi ăn bưởi giải khát. Nhỏ Vi vui vẻ, thân mật, quý mến chúng tôi thế nào, ba má nhỏ cũng thế, có phần ân cần, săn sóc hơn là khác.

Ông Ninh vừa ăn bưởi vừa cho biết : vì lẽ tấm vải “tăng” để lâu ngày không dùng đến, mục nát cả, ông đã quyết định dành cho “bọn khách Saigon” một gian nhà rộng trước đây vẫn để ương cây. Ông vui vẻ nói :

- Các cháu ăn rồi theo bác đi coi !

Nhà ương cây tọa lạc trên một bãi phẳng rộng, mặt tiền có hàng rào dâm bụt xanh tốt che khuất. Mái lợp bằng lá gồi, vách ván, sàn bằng đất nện, nhưng mới được xếp trải lên một lớp gạch đỏ tươi. Bên trong rộng rãi thoáng khí nhờ bốn ô cửa sổ, bốn bức sáo làm bằng những thanh tre cật che thêm bên ngoài, cuốn lên thả xuống được dễ dàng. Ông Ninh khoát tay chỉ một vòng :

- Hôm qua bác đã tra nhớt cào mấy cái trụ cửa sổ, cột dây mấy tấm sáo. Buổi chiều có ánh nắng hắt, các cháu buông sáo xuống là tha hồ mát. Sáng nay em Tường Vi, cháu Thơ trần lực xếp gạch để mấy anh em nằm cho sạch và đỡ hơi đất đó.

Bà Ninh, má Tường Vi chỉ tay vào góc nhà, tiếp theo lời chồng :

- Để nấu nướng, bác đã đem xuống cho các cháu mượn hai cái bếp dầu hôi kia. Có cần hỏi han về cách nấu nướng thì cứ…

Bình Trọc láu táu nói ngay :

- Dạ, cám ơn bác. Cháu vốn là một tay hoả đầu quân cừ khôi. Nấu cơm dẻo, đánh “sốt” cà chua và tráng trứng khá lắm, thưa bác !

Vợ chồng ông giám thị cười vui :

- Vậy thì tốt ! Thôi, ba anh em hãy lo chỗ ăn chỗ nghỉ đi nghe ! Có cần thêm cái gì nữa cứ bảo bé Thơ hoặc Tường Vi cho hai bác biết.

Gian nhà ương cây thật rộng, nhưng mái lợp lá gồi hơi thấp, có vẻ nóng đấy nhưng vẫn còn hơn Saigon nhiều lắm. Càng nghĩ, tôi lại càng phục bé Thơ bỗng dưng lại có ý kiến rủ tụi tôi đi du lịch ra đây. Còn gì thú vị cho bằng sống giữa thiên nhiên, da thịt dược tắm gội trong bầu không khí trong lành mát rượi, dưới bóng cây, giữa đám thú vật… Giữa đám thú vật của rừng xanh ? Đúng như thế ! Cái Sở Thú xinh xinh ở rất gần căn nhà ương cây, ngay bên kia hàng rào trúc cách nơi chúng tôi ở chưa đầy 20 thước.

Sau khi xếp ba lô, túi dết gọn ghẽ đâu vào đấy, chúng tôi theo Tường Vi và bé Thơ chạy ra xem nai, hoẵng trong vườn, ngắm đàn cá chép vàng tung tăng bơi lội trong bể nước trong xanh, dưới đám rong rêu tươi mát. Vịt, le, hàng đàn thong thả lướt êm êm trên mặt nước. Thỉnh thoảng chúng lại chổng đuôi thẳng lên trời, hụp đầu bắt mồi. Vui chân, muốn đi nữa, nhưng mặt trời đã xế, chúng tôi ai nấy đều bụng đói như cào.

Bình Trọc, tay đầu bếp, tuyên bố :

- Chúng mình có nhiều thức ăn lắm. Để tôi vào sửa soạn làm hoả đầu quân. Tụi mình mời Tường Vi, bé Thơ ở lại tổ chức một bữa tiệc ngoài trời cho vui, nghe !

Tường Vi sung sướng reo lên :

- Vậy thì tuyệt lắm !

Trong chớp mắt, bàn tiệc được bầy biện ngay trước gian nhà ương cây, trên bãi cỏ xanh mịn. Gọi là bàn tiệc cho oai một chút. Thực ra đó chỉ là một cái khung bằng gỗ, vẫn úp lên luống gieo hột, trên phủ rơm, che cho mát các cây con, nay bỏ đi không dùng nữa. đặt hai ba miếng cát tông lên là đã được một cái bàn tươm tất.

Năm đứa chúng tôi ăn uống vui vẻ. Nhưng sự hân hoan cũng không khiến chúng tôi quên được phần nào mệt mỏi.

Bé Thơ, Tường Vi về rồi, ba anh em sửa soạn đồ ngủ. Con Ca Phi, theo thói quen, nằm dài bên cạnh tôi, lim dim đôi mắt. Mặc dầu mệt mỏi, nhưng vì tiết trời nóng quá, tôi vẫn không tài nào nhắm mắt ngủ được. Tâm Sứt nằm tại góc đằng kia cũng trằn trọc cựa mình luôn. Riêng Bình Trọc, vừa đặt mình chưa đầy năm phút, nó đã xoạc hai cẳng, há miệng ngáy khò khò.

Đồng hồ bên nhà Tường Vi điểm mười một giờ. Đôi mắt tôi vẫn mở thao láo. Con Ca Phi nhận thấy thế, liền đứng lên thè lưỡi liếm vào mặt tôi như có ý nói : “Trời nóng quá, hả cậu Chiêm ! Tụi mình ra ngoài dạo mát đi !”.

Thế là tôi và Tâm Sứt rón rén ngồi dậy. Ca Phi theo bén gót. Tâm Sứt cười vui :

- Phải đấy, tụi mình ra vườn đi dạo một vòng đi ! Trời sáng trăng đẹp lắm.

Tôi quàng dây da vào cổ con Ca Phi đề phòng trường hợp nó phát giác ra một con nai hay hoẵng nào xổng chuồng, lồng lên săn đuổi, gây xáo trộn thì phiền lắm.

Dưới ánh trăng vằng vặc, cây lớn trong vườn sừng sững trông không khác những bóng người khổng lồ đứng gục đầu im lặng trên thảm cỏ êm mịn như nhung.

Tâm Sứt và tôi đặt bước đi hết nửa khu vườn, đến gần một lối đi tối mò mò. Trên cao, tàn lá giao nhau che khuất ánh trăng. Chợt con Ca Phi kéo mạnh làm chiếc dây căng thẳng, đồng thời cất tiếng gầm gừ trong cổ họng. Chắc nó đánh hơi thấy một con gì chăng ?... Công,… hoẵng… hay gì đó. Không có lẽ ! Bầy hoẵng vẫn ở nguyên bên trong hàng rào, cửa rào đóng kín. Công, vịt, le, cò, trĩ, đều đua nhau về tụ họp trong tổ.

Không hiểu sao, con Ca Phi vẫn trì kéo, lôi mạnh tôi quẹo tay mặt, hướng về một bụi rậm.

Tâm Sứt nói khẽ :

- Đi theo nó coi, Chiêm ! Chắc nó đánh hơi thấy cái gì lạ rồi đó.

Kéo tuột tôi đi theo chừng bốn năm bước, chợt, con Ca Phi đứng sững lại, cất tiếng sủa : gầu, gầu !... Đôi mắt nó chiếu thẳng vào bụi rậm. Lá cành tại đây bỗng rung động mạnh. Chợt, một bóng người nhô lên, lủi thật nhanh về phía sau một thân cây lớn gần đó. Giật thót mình, tôi đứng sững, tay nắm chắc sợi dây da cột giữ Ca Phi. Người đàn ông, cái bóng ấy đúng là một người đàn ông, vẫn im lìm nấp phía sau thân cây. Có Ca Phi lực lưỡng ở bên cạnh, tôi mạnh dạn tiến lại gần.

Người lạ kêu lên, giọng run run ra chiều sợ hãi lắm :

- Ấy chớ ! Chớ ! Chớ ! Đừng thả con chó khổng lồ ấy ra nhá. Đừng, đừng ! Tôi… tôi có làm gì đâu nào !

Ông ta lộ vẻ sợ hãi thực sự. Tôi liền trấn an :

- Ông đừng sợ ! Chó có xích đây mà !

Người lạ rời chỗ nấp, xuất hiện dưới ánh trăng. Khi nhận ra chúng tôi chỉ là những chú nhỏ, ông ta thở ra một hơi dài nhẹ nhõm :

- Trời ơi ! Các cậu làm tôi hết hồn ! Cứ tưởng ông Giám Thị !... Ủa, mà sao các chú em lại ở đây trong cái giờ khắc đêm hôm khuya khoắt thế này, hả ? Ban đêm cấm vào vườn kia mà. Các chú em không biết sao ? Hay là các em đã leo trộm qua hàng rào sắt mà vào đấy ?

Người đàn ông vừa nói vừa quay mặt ngó chừng con chó, chỉ sợ nó đớp cho một cái bất tử. Tôi được nhìn rõ khuôn mặt, mái tóc mọc dài che kín gáy, đôi má, cái cằm mọc đầy râu, có tới một tháng chưa cạo. Dưới ánh trăng, râu tóc ông ta đỏ bẻm như râu bắp. Tôi sực nhớ ra, khẽ lẩm bẩm:

- A ! “Ông chàng híp-pi” của bé Thơ ! Đúng rồi !

Khi đã hết sợ, giọng nói của ông ta nghe rất êm tai :

- Con chó Lài giống Đức của chú em đẹp quá ! Tôi quý chó lắm. Nhưng tụi nó lại không ưa tôi. Chó nào cũng thế cả. Chúng nó ghét những người lang thang như tôi. Có lẽ tại bọn lang thang khác với người thường lắm chăng ? Con chó này có dữ không thế hả chú em ?

Tôi nói mấy lời trấn an ông “lang thang”, đồng thời dịu dàng dặn dò con Ca Phi. Ông ta giơ tay khẽ vỗ vỗ lên đầu con chó. Ca Phi thích thú ra mặt, ve vẩy cái đuôi lớn tỏ ý vui mừng.

- À, à ! Tôi nhận ra con chó này rồi ! Hình như hôm nay, vào lúc xế chiều, nó cùng đi với ba chú nhỏ, đẩy ba chiếc xe đạp chất đầy ba lô, sắc tay, và có cả hai cô gái nhỏ thì phải ?

- Vâng, đúng đấy ạ ! Đúng là con Ca Phi này, hai anh em chúng tôi đây, một người bạn trai nữa và hai cô nhỏ bạn đang ngủ trong nhà kia. Chúng tôi còn được phép cắm trại ở đây nữa mà.

- À, thế ra các em quen biết ông Giám Thị. May thật là may, còn tôi, tôi lại cứ phải trốn chui trốn nhủi sau giờ đóng cửa để ngủ lại trong công viên này.

Ông lang thang quay mặt ngắm nhìn thảm cỏ tràn ngập ánh trăng, chìa một bàn tay, miệng lẩm bẩm :

- Khu vườn đẹp quá hả các chú em ! Giờ này không ngắm cảnh mà lại vùi đầu vào ngủ thì thật uổng phí vô cùng. Hai chú em thử nhìn cây lệ liễu kia xem. Nhiều nhà thơ thường ví nhánh lá liễu mềm mại rũ buông như những giòng nước mắt. Lệ Liễu. Hà ! Lệ Liễu ! Danh từ nghe buồn thật. Nhưng tôi, tôi lại cho là lệ liễu, trong những đêm trăng sáng như đêm nay, trông không khác một giòng thác bạc đổ xuống nền đá bằng ngọc bích tức là thảm cỏ xanh kia.

Rồi ông ta quay lại nhìn chúng tôi ;

- À quên, chưa hỏi các chú em : giờ này còn đi lang thang làm gì thế ? Ý chừng các em ra đây ngắm cảnh đêm trăng ? Hồi bằng tuổi hai chú, tôi cũng hay đi dạo một mình trong đêm khuya khoắt. Tuổi trẻ, cái tuổi quý thật. Ta tới kia ngồi cho mát đi, hai chú em !

Ông lang thang cất bước nhắm hướng một chiếc ghế dài bằng đá. Tới nơi, ông ta buông mình ngồi phịch xuống. Lúc này, trăng đã lên cao, tròn vành vạnh, chiếu ánh sáng có thể đọc sách được. Tôi có dịp nhìn rõ mặt ông. Ngó lâu mới thấy là ông ta hãy còn trẻ. Thoáng nhìn cứ tưởng là già vì bộ tóc, hàm râu quai nón bù xù dưới cằm, phủ gần kín đôi má. Đôi mắt ông ta thật sáng, đôi lúc lại thoáng mờ đi lộ rõ vẻ buồn rầu đau khổ vô hạn.

Ông “lang thang” bắt đầu nói chuyện tưởng chừng như hai bên quen biết nhau đã từ lâu lắm. Nhưng tuyệt nhiên ông không nói mình là ai, từ đâu đến và rồi sẽ đi đâu, định làm gì trong cái công viên này. Và công việc ấy quan trọng, cần nhiều thì giờ tới mức phải ngủ lại ?

Ông cho biết là đã có nhiều dịp ra nước ngoài, có lần được ngủ trên bực thềm đền thờ xứ Ai Cập huyền bí, viếng thăm cảnh hoang tàn Đế Thiên, Đế Thích tại Cao Miên, qua Pháp, Mỹ. Ông ca ngợi hang động thạch nhũ đẹp như cảnh tiên tại Vịnh Hạ Long ngoài Bắc.

Ông “lang thang” nói thao thao bất tuyệt. Chúng tôi say mê ngồi nghe, há cả miệng ra lúc nào không biết. Giọng ông dịu dàng, đượm buồn khi mô tả phong cảnh những xứ sở xa xôi. Chắc khi ngâm thơ cho bé Thơ nghe, giọng ông ta cũng buồn rầu như thế. Đột nhiên, ông lang thang ngưng kể, đổi giọng vội vã :

- Ồ ! Quên khuấy mất ! Xin lỗi các chú em ! Đêm đã khuya rồi. Thức lâu quá, không nên. Nhất là ở tuổi hai chú em thì những câu chuyện hay nhất, thú vị nhất phải là những chuyện tự kể cho mình nghe trong giấc mơ. Về ngủ đi nhé các em !... À… à… các chú em quen thân với ông Giám thị lắm hả . Vậy tôi xin hai chú đừng nói với ông ta là tôi ngủ ở đây màn là trời, chiếu là đất… nghe !

Dứt lời, ông lang thang đứng lên, thân mật vỗ nhẹ lên đầu con Ca Phi. Chớp mắt, bóng dáng cao gầy của ông ta đã nghiêng nghiêng ngả ngả đi về hướng lùm bụi, nơi ông đã bị con chó khôn của tôi phá hư giấc ngủ. Tôi và tâm ngơ ngác nhìn theo ông lang thang mất hút dần trong bóng đêm. Quái ! Ông lang thang ! Chính thật ông là ai ? Tên gì, làm gì và ở đâu đến ? Không thể bảo ông là một kẻ hành khất được. Thoáng trông thì không kể, nhưng đã nói chuyện với ông rồi thì không thể nào coi ông như kẻ ăn xin được. Nhưng không hiểu tại sao ông lại tới thành phố Biên Hòa ? Và vì lý do nào ông cứ khoái ở trong cái công viên này hơn tất cả các chỗ khác ?

Vốn có tật hoài nghi, tôi khẽ rỉ tai Tâm Sứt :

- Chắc ông lang thang kể chuyện làm quà để chúng mình đừng mách ông giám thị, ba nhỏ Tường Vi là ông ta ngủ lại trong công viên này đấy mà.

- Chiêm tưởng thế ! Ngủ lại, nhưng ông ấy có làm gì hại cho ai đâu ! Hơn nữa, coi bộ ông lang thang dễ thương đấy chứ ? Chiêm thấy thế nào ?

- Ừ đúng đấy ! Dễ thương thật tình ! Và tội nghiệp ghê !

Cuộc gặp gỡ bất ngờ với ông lang thang khiến chúng tôi hơi bàng hoàng chút đỉnh. Nhưng hai anh em vẫn bình tĩnh quay trở về nơi tạm trú. Và ngay khi đó, không một ai trong hai chúng tôi thoáng chút nghi ngờ rằng, trong những ngày kế tiếp, nhiều sự việc quan trọng sẽ xẩy ra tại đây, trong cái công viên này, nguyên do cũng chỉ vì… sự hiện diện của Nhà thơ lãng tử.

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III, IV
  
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>