Trời tối lúc nào tôi không hay. Khi thằng Bính đứng dậy, phủi quần,
cúi xuống lượm mấy đồng bạc cắc dính đầy bụi đất cất vào túi, ra vẻ muốn
nghỉ chơi, tôi mới chợt biết nắng đã tắt từ lâu. Đôi mắt của chị Thúy
hiện ra trong tôi, trừng trừng, gay gắt. Tôi thấy gai gai lạnh và tưởng
tượng đến chiếc roi mây mỗi lần chị quất vào tôi là mỗi lần tôi đau quay
quắt. Tôi khều tay Bính:
- Nghỉ chơi hả, tao cũng vậy, tối rồi.
Tức thì lũ trẻ nhao nhao lên, phản đối:
- Ê, chơi ngang hả, nghỉ sao được?
- Thằng Bính với thằng Quốc ăn rồi muốn chạy hả?
- Chơi thì chơi cho tới cùng nghe mấy bạn.
Tôi nhìn thằng Bính cầu cứu. Nó bối rối, nói bừa:
- Không phải tao nghỉ ngang nhưng tối rồi, mai chơi tiếp đi.
Có một tiếng chửi thề trong bọn trẻ, một đứa xông lại nắm cổ áo thằng
Bính. Thế là cả lũ ào ào khoa tay múa chân. Tôi và thằng Bính quýnh
quá, đấm cho mỗi đứa mỗi cái tháo thân. Bọn trẻ nổi sùng, chúng không có
ý đánh tụi tôi nhưng bị đánh trước, chúng xông vào nắm tóc tôi và thằng
Bính, giật mạnh. Tôi bị một đứa đá đầu gối vào bụng, té bật xuống đường
đau điếng. Thừa dịp, tôi lồm cồm ngồi dậy chuồn ra khỏi đám đông, bỏ
chạy. Thằng Bính trông thấy, la lên choi chói:
- Ê Quốc, mày bỏ tao hả? Quốc, Quốc, đồ hèn.
Đồ hèn! Tôi biết, bỏ thằng Bính một mình chống với những bốn đứa là
tôi hèn lắm. Nhưng tôi sợ cặp mắt của chị Thúy hơn là sợ mang tiếng hèn.
Tôi cắm đầu chạy thẳng.
*
Về đến nhà, tôi thấy chị Thúy đang sắp những chiếc áo quần vào một chiếc va-li. Nghe tiếng chân tôi, chị quay lại, nhăn mặt:
- Thằng ôn con đi đâu bây giờ mới về? Sao không đợi khuya rồi về luôn? Đói hả?
Tôi lấm lét nhìn quanh, chợt thấy nhà vắng lặng lạ. Mọi ngày giờ này
là má tôi đứng đợi tôi về học và cốc khẽ vào đầu tôi những lần tôi ham
vui đánh đáo về trễ. Hôm nào má tôi không đứng đợi là hôm ấy tôi bị chị
Thúy cầm sẵn roi, đợi tôi bước vào cửa là giáng vào lưng tôi hai roi đau
điếng:
- Cho mày hết đi đánh đáo nè!
Vậy mà hôm nay tôi chẳng thấy má đâu, chị Thúy cũng chẳng đánh tôi nữa. Và ba, và chị Hiền? Tôi rụt rè hỏi:
- Má đâu chị Hai?
Chị Thúy ngừng tay:
- À, má đi sanh rồi, đi hồi trưa lận. Mà tao cho mầy hay, má mới sanh con trai đó. Phen này cho mầy hết làm le.
Tôi mừng rỡ, reo lên:
- A, em trai.
Nhưng tôi ngưng ngay khi kịp nghe tiếng “làm le”. Tôi có làm gì quá
đáng để chị Thúy cho rằng tôi làm le? Trong gia đình, tôi tuy là con
trai duy nhất nhưng không có gì đặc biệt. Ba má thương tôi vừa phải,
không cưng chiều cũng không ghét bỏ. chị Hiền thương tôi chừng mực, tuy
dịu dàng, trìu mến nhưng sao tôi thấy chẳng đậm đà. Và tôi đã lép vế
trước chị Thúy dữ dằn cau có. Chưa một lần nào chị có cử chỉ hoặc lời
nói có vẻ thương yêu tôi. Tôi chẳng biết làm nũng, làm phách với người
thân như những đứa con cưng ở gia đình khác. Mỗi ngày tôi hứng ít nhất
hai roi do chị Thúy. Vậy tôi đã làm le ở chỗ nào, và làm le với ai?
Chị Thúy đóng nắp va-li lại xách đi ra cửa:
- Tao ra với má cho con Hiền về, ở nhà đó.
Tôi chạy theo:
- Cho em ra thăm má với.
Chị Thúy vung tay, nạt:
- Ở nhà coi nhà, mai mầy mới được đi.
Tôi lủi thủi ra sân đứng đưa mắt trông theo. Má sanh em trai! Má sanh
em trai! Tôi sẽ có một đứa em trai. Và địa vị của tôi trong gia đình ắt
sẽ thay đổi ít nhiều. Tôi không hiểu tại sao chị Thúy không có một chút
tình yêu thương trìu mến gì với tôi cả. Chị luôn tìm cách đánh đập tôi.
Chưa một lần chị hỏi han chuyện học hành, bè bạn. Chưa một lần nào chị
nắm lấy tay tôi, dắt tôi đi đây đó. Sự sợ hãi khiến tôi xa lánh chị, tôi
nhập bọn với lũ trẻ trong xóm đánh đáo, đá banh. Và chị Thúy ghét bỏ
tôi hơn. Hơn một lần chị đã mắng tôi:
- Đồ con đầu đường xó chợ.
Những lần chị Thúy và chị Hiền nói về tuổi nhỏ, hai chị say sưa ôn
lại cho nhau nghe những ngày thơ ấu ở Đà lạt. Những nhà hoa, cửa kính;
những trường lớp, bạn thầy; nhưng tuyệt nhiên không ai nhắc đến tên tôi.
Tôi cũng không thể nào hình dung nổi Đà lạt như thế nào. Thành phố ấy
như quá xa lạ đối với tôi. Trong trí óc tôi mù mờ, tôi chỉ thấy thoáng
hiện những hàng dừa xanh ngắt, một bãi biển cát trắng phau, những ngọn
hải đăng sáng quắc và còn nhiều thứ nữa tôi không tài nào nhớ được nhưng
không phải là những cây thông cháy đỏ, những mặt hồ mù sương. Niềm
hoang mang chớm dậy trong tôi. Một lần, tôi đem điều này hỏi má. Má tôi
nhẹ nhàng cười, nói:
- Hồi nhỏ con khó nuôi, má gửi con cho chú Bảy ở Nha Trang nuôi giùm.
Tính tôi ham chơi, dễ quên. Tôi không để ý đến sự chừng mực của ba
má, chị Hiền; sự ghét bỏ của chị Thúy. Đôi lúc tôi tự nghĩ có lẽ mình
hoang hay phá nên bị chị ghét. Mỗi lần nghĩ đến chị Thúy, tôi thấy rõ
ràng hai con mắt chị cau lại, dữ dằn, đuôi mắt chị dài ra có vẻ nham
hiểm lạ lùng. Tôi yêu đôi mắt của chị Hiền. Khi chị han hỏi tôi, đôi mắt
của chị như cười, sáng ngời, lóng lánh.
Tựa lưng vào cổng rào, tôi ngồi ngủ gật, đợi ba đi làm về.
*
Tôi không có em để bồng, không có em để chia sớt tình thương. Em bé
tôi mất 15 hôm sau ngày đem về nhà. Em tôi bị bịnh khi còn quá nhỏ. Má
tôi và chị Hiền khóc biết bao nhiêu. Ba tôi buồn bỏ cả cơm nước. Chị
Thúy tỏ vẻ đăm chiêu nhưng vẫn tàn tệ với tôi. Và tôi, tôi không còn
nguồn hy vọng đầy ắp trong tôi ngày em chưa chào đời.
Những ngày sau đó, má thường kéo tôi vào lòng, lồng tay vào mái tóc khét mùi nắng của tôi:
- Chẳng có thằng con trai nào ở với má hết.
Tôi chẳng hiểu được gì, tôi không là con trai của má đây sao?
- Quốc, thằng Quốc đâu?
Tiếng kêu the thé của chị Thúy sau nhà bếp vọng lên, tôi giật mình
chạy vội xuống. Chị Thúy sắc mặt hầm hầm, tay cầm chiếc roi lăm lăm:
- Quốc, tao biểu mày coi chừng cơm sôi thì kêu tao, mày bỏ đi đâu để cơm khét? Nè! Đánh đáo nè! Đáo nè!
Tôi bị hai roi điếng hồn khi chưa kịp phân trần. Tôi há hốc mồm nhìn con mắt chị dài ra đanh ác. Chị Hiền sau hè chạy vào:
- Chị Thúy đánh nó hoài, em nói má cho coi. Dù gì nó cũng là em mình.
Chị Thúy trợn mắt:
- Em ai? Em của mày hả? Đồ ở đâu vô ăn hại.
Tôi bịt tai chạy lên nhà, chị Thúy vừa nói ai thế? Tại sao luôn luôn
chị xem tôi như người dưng xa lạ? Trong chị, không có một chút tình cốt
nhục nào hay sao?
Đi ngang qua phòng má, tôi nghe tiếng thì thầm trò chuyện. Tính tò mò
nổi lên, tôi dừng lại nghe. Tôi hé mắt nhìn vào khe ván hở, má tôi đang
đối diện với má thằng Bính sang thăm. Giọng má nghẹn ngào:
- Sau con Hiền, tôi sanh liên tiếp mấy đứa con trai nhưng đều bỏ hết.
Biết số mình không nuôi được con trai, bà cháu mới xin thằng Quốc về
nuôi. Kể cũng tội, ba nó đi lính chết, má nó cũng chết vì buồn nhớ, lúc
đó nó mới 3 tuổi, chúng tôi mới xin về. Lần này sanh cháu trai, tôi hy
vọng nhiều nhưng cũng không được.
Tôi quị xuống chân tường lúc nào không biết. Đầu óc tôi căng cứng,
nhức nhối như muốn vỡ toang. Thôi rồi, tôi chỉ là con nuôi của ba má,
không có ruột thịt gì với chị Thúy, chị Hiền. Thảo nào ba má, chị Hiền
thương tôi vừa phải, chị Thúy gay gắt, ghét bỏ tôi. Tôi là con nuôi! Tôi
là con nuôi! Vậy mà từ nhỏ đến giờ, tôi vẫn đinh ninh mình là máu thịt
của ba, của má. Ba má ruột của tôi đã chết. Nước mắt tôi chảy dài. Lần
đầu tiên đứa con trai 12 tuổi biết khóc. Trong trí óc tôi lờ mờ thoáng
hiện những hàng dừa xanh mát, một bãi cát trắng phau, những con tàu trên
biển. Phải rồi, ngày nhỏ tôi đã ở đấy, không phải ở Đà lạt, với ba má,
với chị Thúy, với chị Hiền.
Tôi chạy ra lu nước rửa mặt. Chị Thúy trông thấy, trố mắt nhìn:
- Lần đầu tao thấy mày khóc, làm bộ hả?
Tôi như uất ức, bỗng dưng hét lớn:
- Chị Hai, em không chịu chị nổi nữa đâu.
Chị Thúy hét:
- Không chịu được thì đi đâu đi đi.
Tôi chạy vào đến phòng, thở hồng hộc. Phải rồi, tôi sẽ đi. Khi biết
ra rằng tôi chỉ là con nuôi, tôi thấy không còn thương mến, không còn
kinh sợ chị Thúy nữa. Nhưng còn ba má, chị Hiền, tôi vẫn còn quyến
luyến, yêu thương. Đó, những khuôn mặt tôi ghi sâu từ tuổi nhỏ đến bây
giờ. Nhưng tôi sẽ đi, đi một lần cho biết. Tôi sẽ đi Nha Trang, biết đâu
ở đó, tôi còn một người chú, hay một người dì? Máu giang hồ vặt nổi dậy
trong tôi, tôi sẽ đi. Tôi lục cặp lấy giấy ra hí hoáy viết:
“Chị Thúy,
“Chị đuổi em, em xin đi. Em đã biết em chỉ là con nuôi của ba má. Em
hứa sẽ không để cho ba má và chị Hiền biết rằng em đã biết em là con
nuôi. Chị cứ nói với má là em theo lũ nhỏ bỏ nhà đi rồi. Em đi đây chị
Thúy ạ.
Em : Quốc.”
Tôi lén qua phòng chị Thúy, nhét lá thư vào cặp chị xong, tôi phân
vân. Đi đâu bây giờ, và đi bằng cách nào? Xa chị Thúy tôi không cần,
nhưng xa ba má, và chị Hiền, tôi làm sao chịu nổi? Đôi mắt ấm nồng của
ba, đôi mắt dịu dàng của má, đôi mắt cười của chị Hiền trong sáng.
Tần ngần, tôi băng qua nhà thằng Bính vấn kế nó.
*
- Bính này!
- Gì?
- Tao buồn quá.
- Bày đặt hoài, con trai mà buồn?
- Thật mày ạ.
- Vậy mày muốn làm gì cho hết buồn?
- Tao muốn…
Tôi không nói được. Suốt cả buổi chiều, tôi tìm cách khơi chuyện nói
cho Bính nghe về chuyến đi của tôi. Nhưng lần nào tôi cũng ngừng lại
nghẹn ngào, rồi thôi. Thằng Bính vẫn vô tư ném những đồng bạc cắc xuống
đất liên miên. Nắng đã nhạt màu ngoài khóm tre. Có lẽ tôi phải ngủ nhờ ở
nhà thằng Bính mất thôi.
- Bính ơi, Bính!
Chết rồi, tiếng của chị Thúy. Tôi lính quýnh, níu tay Bính:
- Bính, Bính, chị Thúy có hỏi, mày làm ơn nói tao không có ở đây.
Thằng Bính còn ngơ ngác, tôi đã khom người chạy ra sau khóm tre, ngồi nấp. Chị Thúy đi vào, giọng chị như sũng đầy nước mắt:
- Bính à, em thấy thằng Quốc đâu chỉ giùm chị.
Thằng Bính lúng túng:
- Ơ… ơ em không thấy nó.
Tôi nghe rõ chị Thúy khịt khịt mũi, giọng chị dịu dàng, không còn the thé, chanh chua như lúc trưa:
- Chị biết em biết nó ở đâu, Bính làm ơn chỉ chị đi.
Tôi nghe xao xuyến. Nỗi hờn giận chị tiêu tan. Tôi ló đầu ra nhìn.
Chị Thúy đứng đấy, hai vai khòm xuống, dáng nhẫn nhục. Khuôn mặt chị dịu
hiền, không còn cau có, gay gắt. Có lẽ chị đã hối hận. Và chị sẽ thay
đổi. Người chú, người dì tưởng tượng của tôi biến mất. Trong tôi mập mờ
hình ảnh ba, má, chị Thúy, chị Hiền.
Tôi muốn khóc.
Có tiếng sột soạt trong bụi tre. Rồi một chiếc đầu dẹp dẹp nhô ra. Tôi nhảy nhổm, hét dựng:
- Con rắn.
Chị Thúy quay phắt lại:
- Trời ơi, Quốc!
Chị chạy đến ôm lấy tôi, khóc vui sướng. Tay chị xoa mãi đầu tóc khét nắng của tôi, chị thì thầm:
- Quốc ơi, Quốc ơi. Chị xin lỗi em nghe. Ba má không biết em bỏ đi đâu. Em về với chị.
Thằng Bính ngơ ngác nhìn. Tôi không nói được gì. Mắt tôi thật cay và cổ họng thì nghẹn ngào, cứng ngắc.
Bây giờ tôi thấy đôi mắt chị Thúy hết trừng trừng, gay gắt. Đuôi mắt
chị hết dài ra đanh ác. Đôi mắt chị giống mắt chị Hiền, đôi mắt như
cười, sáng ngời, lóng lánh.
Tiên Đài
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 111, ra ngày 1-8-1969)