Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

CHƯƠNG III_CUỘC ĐỜI THƠ ẤU CỦA VUA HỀ SẠC-LÔ


CHƯƠNG III


Người ta mang chúng tôi đi trong một chiếc xe chở bánh về cái ngôi nhà ngày xưa, nơi tôi đã thấy cha tôi băng ngang qua vườn dạo nào. Chính người đàn bà đã sống với ông ngày ấy mở cửa ra đón chúng tôi. Dù có vẻ gì mệt mỏi, buồn rầu, bà ta coi cũng xinh đẹp, lớn người và cân đối với đôi môi dày, cặp mắt giống như mắt hươu, ánh nhìn sầu thảm. Khoảng tuổi của bà có lẽ vào độ ba mươi và tên bà là Lu-i (Louise). Bà bảo chúng tôi ông Sa-pơ-lanh không có ở nhà. Nhưng sau những thứ nghi thức thông thường và ký vào các giấy tờ đủ loại, chúng tôi được giao cho bà Lu-i, rồi được bà đưa vào trong phòng khách. Khi chúng tôi vào, một đứa trẻ nhỏ đang ngồi đùa chơi một mình trên thảm, trạc chừng bốn tuổi và thật xinh đẹp với những mắt lớn u tối, tóc nâu đầy những gút quăn. Đó là con trai của bà Lu-i, đứa em cùng cha khác mẹ với tôi.

Gia đình này sống trong hai căn phòng và dù phòng trước có những cửa sổ khá lớn, ánh sáng cũng lọt vào đó lờ mờ như trong một bể nuôi cá. Mọi vật đều có vẻ buồn như bà Lu-i. Những giấy dán tường đượm một vẻ buồn, bàn ghế đượm một vẻ buồn và con cá măng độn rơm ở trong tủ kính đã nuốt con cá măng khác to ngang cỡ nó để lộ chiếc đầu ra khỏi mõm cũng có vẻ buồn một cách thảm hại.

Trong gian phòng cuối bà Lu-i đặt một chiếc giường nhỏ cho anh em tôi. Anh Sít-nê thấy quá chật đề nghị được ngủ ở trên đi văng phòng khách. Bà Lu-i bảo:

- Ngủ đâu cứ đợi người ta sẽ bảo cho biết.

Sau câu nói ấy có sự yên lặng thật là khó chịu và chúng tôi quay trở lại phòng khách. Ở đây người ta không tiếp chúng tôi một cách niềm nở và điều ấy chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên. Chúng tôi đến để báo cô người ta và lại là con của một người vợ đã bị ruồng rẫy. Hai anh em tôi ngồi yên, chẳng ai nói một lời nào, vừa nhìn bà Lu-i dọn bàn cho bữa tới. Bà quay sang bảo anh tôi:

- Mày giúp chút việc coi xem. Đem cái thùng kia múc đầy than đi.

Rồi quay sang tôi bà bảo:

- Còn mày đến tiệm chạp phô ở gần cửa hiệu Nai Trắng mua một hào thịt bò muối.

Tôi rất sung sướng được tránh khỏi không khí ngột ngạt ấy, bởi tôi bắt đầu sợ hãi và hối hận đã rời khỏi nhà trường. Lát sau, cha tôi trở về và ông đón tiếp chúng tôi một cách nồng nhiệt. Ông có vẻ gì hấp dẫn và tôi đã bị lôi cuốn một cách đặc biệt. Trong những bữa ăn tôi để tâm nhìn từng mỗi cử điệu của ông, quan sát cách ăn của ông và cách cầm dao cắt thịt như ta cầm cây bút chì. Và trong nhiều năm về sau tôi vẫn bắt chước y hệt như ông.

Khi bà Lu-i bảo với cha tôi là anh Sít-nê phàn nàn chiếc giường quá hẹp, cha tôi bảo anh ngủ trên đi văng bằng sắt. Sự thắng thế ấy của anh Sít-nê làm bà Lu-i càng thêm oán ghét và bà càng ngày càng tỏ ra thật cay nghiệt đối với anh ấy. Thường xuyên bà cứ phàn nàn về anh cho cha tôi nghe. Nhưng dù trông bà khó chịu, buồn thảm, bà không bao giờ đánh tôi cũng không  hề đe dọa tôi lần nào. Nhưng vì bà không thương anh Sít-nê nên tôi gờm sợ bà lắm. Bà lại uống rượu khá nhiều, điều đó càng làm tôi sợ nhiều hơn. Khi bà say rồi bà có dáng vẻ của người lạc lõng, mất trí. Bà mỉm nụ cười thích thú và nhìn đứa con xinh đẹp của bà rồi vừa chửi nó vừa nói những lời dơ bẩn và tục tĩu nhất. Tôi cũng không hiểu vì sao tôi không hề có sự tiếp xúc nào với đứa bé ấy. Dù là anh em cùng cha khác mẹ, tôi nhớ hình như tôi cũng chưa từng trao đổi với nó một lời nào cả, và tôi hơn nó độ chừng bốn tuổi. Đôi khi bà Lu-i uống rượu say và ngồi yên lặng với một vẻ mặt thật là khó thương, khiến tôi lại sống trong cơn khiếp sợ lạ lùng. Nhưng anh Sít-nê lại chẳng thèm để ý gì đến bà. Thường thường anh trở về nhà rất trễ. Còn tôi, người ta buộc hết học phải về ngay để chạy đây đó mua những thức này thức khác và làm công việc lặt vặt trong nhà.

Bà Lu-i đưa tôi đến học trường thành phố, điều này cũng làm cho tôi thay đổi phần nào, bởi sự hiện diện của nhiều trẻ khác khiến tôi cảm thấy bớt nỗi cô đơn. Vào ngày thứ bảy, chúng tôi chỉ học buổi sáng, nhưng cái ý nghĩ buổi chiều ở nhà lau sàn, chùi dao và cái hình ảnh của bà Lu-i say sưa bí tỉ khiến tôi cảm thấy chẳng thích thú gì trong cái thời khoảng được nhàn rỗi đó. Trong khi tôi lo chùi cho sáng mấy con dao thì bà tiếp một bà bạn, nhậu vào, trở nên khó chịu nhiều hơn, thở than vì phải săn sóc chúng tôi mà bà coi như là một việc làm hết sức bất công. Tôi nhớ có nghe bà nói : “Với cái thằng này (muốn ám chỉ tôi) nghĩ cũng còn được, nhưng cái thằng kia là một đống rác cần đem gởi vào một nhà trừng giới… Hơn nữa, nó cũng không phải là con của anh Sác-li (Charlie)”. Lối bà nhục mạ anh Sít-nê tôi làm tôi sợ hãi và thật chán nản. Tôi đến nằm dài buồn thảm trên giường, không sao ngủ được. Lúc ấy tôi chưa tám tuổi nhưng đó là chuỗi ngày dài nhất và buồn bã nhất của cuộc đời tôi.

Vào một buổi chiều thứ bảy, trong lúc cảm thấy bải hoải tinh thần như thế, tôi nghe điệu nhạc vẳng ra từ một căn phòng nào đó xuyên qua cửa sổ của căn phòng cuối, bản nhạc là một hành khúc Ái Nhĩ Lan, kéo dài giữa những tiếng la náo động của những đứa trẻ và những tiếng cười của những đàn bà bán dạo. Bao nhiêu sự sống hầu như thản nhiên trước sự đau khổ của tôi, thế mà tiếng nhạc xa dần tôi lại thầm tiếc không được tiếp tục nghe nữa. Ở một tiệm nước cách đấy không xa tôi nghe tiếng nói của những khách hàng vào giờ khép cửa, những kẻ nhậu say hát hò, những câu điệp khúc một thời phổ biến. Khi anh Sít-nê về trễ thường thường thì anh vẫn đi về trễ anh đến lùng ráp một lần trong cái tủ đựng đồ ăn trước khi vào ngủ. Điều đó khiến bà Lu-i nổi giận và vào một tối nhậu say bà bước vào phòng lôi hết chăn phủ ở trên giường anh, bảo anh phải cút đi ngay. Nhưng anh Sít-nê chừng như chờ đợi việc xảy ra thế. Lập tức, anh thò tay vào dưới gối rút ra một lưỡi dao nhọn ba khía, đó là cái vặn nút chai mà anh đã mài nhọn mũi từ lâu. Anh nói:

- Nào lại gần đi, thử xem tôi có dám đâm cái này vào ngực bà không.

Bà ta lùi lại, hết sức kinh ngạc:

- Thằng quỉ, nó định giết tôi.

Anh Sít-nê nói bằng giọng kiểu cách:

- Đúng vậy, tôi sắp giết bà.

- Đợi ông Sạc-li trở về coi nào.

Nhưng cha tôi ít khi về nhà lắm. Tôi còn nhớ lại một chiều thứ bảy ông và bà vợ đã nhậu say mèm và cũng không hiểu tại sao chúng tôi cùng ngồi với vợ chồng người chủ phố trong cái phòng khách của họ ở nơi tầng dưới. Dưới ánh đèn hơi, cha tôi có vẻ xanh xao một cách thảm hại và đang lúc có những điều buồn bực trong lòng ông cứ lầm bầm trong miệng không dứt. Đột nhiên ông thọc tay vào túi áo lôi ra cả một nắm tiền, ném mạnh xuống đất, những đồng tiền vàng tiền bạc chạy loạn khắp nơi. Tác động của sự việc ấy thật là lạ lùng. Chẳng ai có một cử chỉ nào cả. Vợ người chủ phố ngồi yên với một vẻ mặt khó thương nhưng tôi bắt gặp mắt nhìn soi bói của bà dõi theo một đồng tiền vàng ngoằn ngoèo chạy vào dưới chiếc ghế bành đặt tại góc phòng. Mắt tôi cũng theo dõi nó như thế. Thấy mọi người cứ như chết sững cả, tôi tự bảo mình tốt hơn là nên tìm lượm số tiền bị vung vãi đó. Bà chủ phố và những người khác bắt chước tôi nhưng cũng không dám hành động một cách ngang nhiên dưới cặp mắt nhìn đe dọa của cha tôi.

Vào một thứ bẩy, sau giờ tan học, tôi trở về nhà không thấy ai hết. Theo như thường lệ thì anh Sít-nê suốt ngày đi đá bóng tròn và bà chủ phố bảo cho tôi biết rằng bà Lu-i dẫn con đi đâu từ lúc sáng sớm. Phản ứng đầu tiên của tôi là thấy nhẹ nhàng vì như thế là tôi khỏi lau nhà và khỏi chùi dao. Tôi đợi khá lâu để được ăn trưa nhưng rồi tôi phải ngạc nhiên tự hỏi phải chăng thiên hạ đã bỏ rơi mình. Rồi càng về chiều cũng vẫn không thấy ai cả. Chuyện gì đã xảy ra đây? Gian phòng có một vẻ gì đáng sợ và sự trống rỗng của nó làm tôi khiếp hãi. Tôi đã bắt đầu thấy đói cồn cào. Nhìn trong tủ đựng đồ ăn, không còn chút gì. Khó lòng chịu đựng lâu hơn cảnh tượng của những chiếc cửa mở rộng trong cảnh vắng không, và quá sầu não tôi ra khỏi nhà lang thang suốt cả buổi chiều nhìn ngắm người ta bày bán trong các chợ búa gần đấy. Rồi tôi lang thang trong các đường phố có nhiều cửa hàng, ném những tia nhìn thèm khát vào trong tủ kính của những gian hàng thực phẩm, trong đấy những thịt heo quay, bò nướng, những củ khoai màu vàng óng tẩm trong nước “xốt” hấp dẫn lạ thường. Tôi bỏ nhiều giờ coi mấy người bán thuốc dạo rao hàng, quang cảnh khá nhộn nhịp ấy giúp tôi quên được phần nào cơn đói đang giày vò mình và cái thảm cảnh hiện tại của tôi.

Khi tôi về nhà thì trời đã tối. Tôi gõ vào cửa nhưng không nghe ai trả lời. Người ta đi hết cả rồi. Quá đỗi khốn khổ tôi đến một góc phố vắng cách đấy không xa ngồi xuống vệ đường, nhìn xem thử có ai trở về không. Tôi thật mệt nhọc và khổ sở, tự hỏi anh Sít-nê tôi bây giờ ở đâu. Gần khuya, đường phố vắng người, chỉ có lang thang vài kẻ bộ hành về trễ trong đêm. Tất cả ánh đèn trong các cửa tiệm dần dần tắt hẳn, trừ các ánh sáng nơi nhà bào chế và những tiệm nước. Tôi thấy tuyệt vọng hoàn toàn.

Thình lình tôi nghe tiếng nhạc vang lên. Khúc nhạc say sưa không biết chừng nào từ quán Nai Trắng vẳng lại lan truyền âm thanh vui nhộn trên cả khu vực vắng vẻ. Đó là bài hát “Cây kim ngân hoa và con ong” do một tay nhạc tài tình điều khiển trên dương cầm nhỏ, đệm theo giọng kèn. Từ xưa đến giờ tôi chưa từng để ý đến nhạc khúc êm đềm nào cả nhưng bản nhạc này sao mà du dương thơ mộng đến thế, vui vẻ và đầy nhiệt tình, ấm áp vỗ về khiến tôi quên được nỗi niềm tuyệt vọng và tôi băng ngang qua đường tìm đến nơi có tiếng nhạc vang ra. Tôi thấy người chơi dương cầm mù lòa, giương những hố mắt trống rỗng và một người khác có một vẻ mặt đần độn, chán chường, sử dụng cây kèn.

Bản nhạc kết thúc mau quá và sau khi các nhạc công đi rồi đêm tối lại càng buồn thảm chừng nào. Mệt nhọc, chân tay mỏi rời, tôi lội ngược về đến nhà, không tự hỏi rằng bây giờ đã có ai chưa. Tôi chỉ muốn mỗi một điều là được đi nằm. Nhưng trong lúc ấy tôi thấy lờ mờ hình bóng một người đang băng qua vườn vào nhà. Đó là bà Lu-i với đứa con nhỏ chạy trước. Tôi rất kinh ngạc thấy bà bước đi khập khiễng và bà nghiêng hẳn một bên. Ban đầu tôi đoán bà đã bị thương nơi chân trong một tai nạn nào đó, nhưng rồi tôi mới nhận rõ là bà nhậu say bí tỉ. Từ trước tôi chưa bao giờ nhìn thấy những người say sưa đi đứng xiêu vẹo như thế. Tôi nghĩ giữa cái tình trạng bà ta như thế tốt hơn mình đừng nên chường mặt ra và hãy cứ đợi bà ta vào nhà xem sao. Lát sau, bà chủ phố đi tới và tôi đi vào với bà. Trong khi tôi rón rén bước lên cái cầu thang không có ánh đèn, hy vọng có thể đi ngủ mà không ai chú ý đến thì bà Lu-i từ đâu hiện ra lảo đảo ở trên bực thang. Bà nói:

- Mày vào đây để làm gì? Ở đây đâu phải nhà mày.

Tôi đứng lặng câm, không biết nói gì. Bà tiếp:

- Mày không được ngủ đây nữa, tối nay. Tao chán bọn mày quá rồi. Cút đi. Cả mày và cả thằng anh mày nữa. Để cha bọn mày lo lắng cho bọn mày đó.

Không lưỡng lự một phút, tôi quay người lại bước xuống cầu thang, ra ngoài. Tôi không còn mệt nhọc nữa, tôi như lấy lại sức lực. Tôi đã từng nghe cha tôi là người khách hàng của một quán rượu cách đó non một cây số và tôi tiến về hướng đó hi vọng tìm gặp ông. Nhưng tôi đã thấy bóng ông tiến lại, nổi bật dưới ánh đèn đường. Vừa khóc thút thít, tôi nói:

 - Bà ấy không cho con vào, chắc bà đã uống nhiều rượu.

Chúng tôi lại đi về nhà và tôi nhận thấy bước chân cha tôi cũng đi lảo đảo. Ông mở cửa phòng khách bước vào, đứng đấy yên lặng với vẻ đe dọa và nhìn vào bà Lu-i. Bà ta cũng đứng bấu tay vào thành lò sưởi, loạng choạng ở trên đôi chân. Ông hỏi:

- Tại sao không cho chúng vào?

Bà ta nhìn ông với vẻ sợ hãi rồi hạ giọng nói:

- Anh nữa, anh muốn đi chơi nơi nào thì cứ việc đi.

Thình lình cha tôi với tay cầm lấy cái bàn chải áo khá nặng để trên tủ nhỏ gần đấy ném mạnh vào bà. Bàn chải đập thẳng vào má của bà. Đôi mắt của bà nhắm lại rồi bà té nằm bất tỉnh dưới đất như bà tiếp nhận với niềm an ủi sự rơi vào trong quên lãng.

Hành động cha tôi khiến tôi bối rối. Một sự thô bạo như thế khiến tôi mất hết tấm lòng tôn kính đối với ông ta. Sau đó, những gì xảy ra, kỷ niệm của tôi thật là mơ hồ. Hình như lát sau khi anh Sít-nê trở về, cha tôi bảo hai chúng tôi đi ngủ rồi ông ra đi trở lại.

Tôi được biết chuyện cha tôi và bà Lu-i có điều cãi cọ với nhau vào sáng hôm ấy vì ông để bà ở nhà cả ngày và đến nơi người anh ruột, chủ nhân của nhiều tiệm nước trong khu phố ấy. Ông có rủ bà cùng đi nhưng cảnh ngộ bà khó xử nên bà từ chối, do đó cha tôi đã đi một mình, và để báo thù trở lại, bà cũng bỏ đi nới khác.

Bà Lu-i yêu cha tôi. Dù tôi còn quá bé nhỏ nhưng tôi cũng cảm nhận được điều đó khi thấy đôi mắt của bà buổi chiều mà bà đứng trước lò sưởi sững sờ vì bị xúc phạm bởi cái thái độ của ông vừa qua. Tôi cũng chắc rằng cha tôi cũng yêu bà ấy. Tôi được thấy những sự kiện chứng minh điều đó. Ông cũng thường tỏ ra dịu dàng, tình tứ với bà, và mỗi buổi tối đi đến hí trường ông vẫn chào bà cẩn thận với những tiếng nói ngọt ngào. Sáng chủ nhật nào không nhậu rượu, ông dùng điểm tâm với chúng tôi, vừa kể lại cho bà nghe những màn diễn xuất của các nghệ sĩ bạn hữu và chúng tôi nghe ông nói một cách say mê. Tôi ngồi quan sát ông như con thú săn rình mồi, thâm nhập từng mỗi cử điệu của ông. Một hôm gặp lúc vui vẻ ông lấy chiếc khăn quấn vào trên đầu và chạy đuổi bắt đứa bé chung quanh chiếc bàn vừa nói : “Ta là vua xứ Thổ Nhĩ Kỳ đây”.

Vào tám giờ tối, trước khi đi đến hí trường ông thường ăn sáu trứng sống đánh trong rượu vang. Ít khi ông dùng những thức ăn khác nặng hơn. Cứ thế mà ông chịu đựng qua ngày. Ông cũng ít khi về nhà và nếu cần phải trở về là để cho tiêu số rượu mà ông đã uống ở các quán.

Một hôm bà Lu-i phải đón tiếp đại diện của Hội Bảo vệ trẻ em chống lại những sự ngược đãi. Điều này làm bà tức giận hết sức. Mấy người này sở dĩ đến vì Cảnh sát đã báo cáo tìm thấy chúng tôi nằm ngủ lúc ba giờ sáng ở bên vệ đường. Đó chính là đêm mà bà Lu-i đóng cửa không cho chúng tôi vào nhà. Cảnh sát đã bắt buộc bà mở cửa để chúng tôi vào.

Sau đó ít lâu, trong lúc cha tôi đi trình diễn ở các tỉnh, bà Lu-i nhận được một lá thư báo tin mẹ tôi đã ra khỏi nhà thương điên. Vài ngày sau, bà chủ phố vào cho biết dưới nhà có người đàn bà muốn gặp Sít-nê và Sạc-lơ. Bà Lu-i nói:

- Mẹ chúng mày đó.

Có một phút giây bối rối, rồi anh Sít-nê vọt xuống cầu thang để nhào trong tay mẹ tôi, còn tôi thì quấn trên đôi gót chân của bà. Chúng tôi đã tìm gặp lại người mẹ ngày xưa, người mẹ dịu hiền, tươi vui đang ôm chúng tôi siết chặt vào lòng.

Bà Lu-i và mẹ tôi cảm thấy lúng túng trong chuyện gặp gỡ nên mẹ tôi bước ra ngoài chờ đợi, trong lúc hai anh em tôi gom nhặt đồ đạc của mình. Chẳng có chút gì thù hận bất bình ở giữa hai bên, vì bà Lu-i tỏ ra hết sức ngọt ngào và cả khi bà nói lên lời chào tạm biệt với anh Sít-nê bà cũng dịu dàng, thân thiện.

_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>