Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

CHƯƠNG I, II_THẰNG BÉ THỢ RÈN


Một chút sử liệu  


 SỬ CHÉP RẰNG: Khi vua Nhân Tông nhà Trần hội các vương hầu ở Bình Than để bàn việc chống giặc, Trần Quốc Toản bấy giờ mới có 15, 16 tuổi cũng theo ra Hội. Vì còn nhỏ tuổi nên không được ra dự bàn, Quốc Toản căm tức vô cùng, trong tay cầm quả cam bóp vỡ nát ra lúc nào không biết .

Khi tan Hội, ai nấy về sắm sửa binh thuyền. Quốc Toản về nhà cũng tự họp những người thân thuộc, sắm đồ khí giới, mang lá cờ đề 6 chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân”, rồi đem quân đi đánh giặc. Đánh chỗ nào quân giặc cũng phải lùi.

Trần Trọng Kim            
(trích Việt Nam Sử Lược, trang 143)


 CHƯƠNG I

Những mẩu chuyện nửa kín nửa hở...


Đây là một buổi chiều năm Giáp thân (1284) vào tiết trọng đông. Bóng tối đổ xuống rất mau. Chỉ một thoáng lũy tre bao quanh làng Khê Thượng đã chìm hẳn vào bóng đêm sâu thẳm.

Lũ trẻ vừa chơi trận giả đã tản mác về làng. Trên đỉnh Gò Cụt duy chỉ còn thằng Ân đương lững thững cất bước đi xuống. Con đường mòn hiện ra trước mắt Ân một vật trắng vừa ngắn vừa mờ mờ… Nhưng mỗi bước thằng Ân đi, vật trắng đó lại lùi xa mãi thêm ra.

Đầu nặng về suy nghĩ nên bước chân thằng Ân cũng nặng như có đeo đá. Ít ngày nay Ân thường hay ngơ ngẩn như vậy. Chỉ những lúc chơi đùa, chạy nhảy, hò hét, đánh nhau đến sưng bươu mày mặt trong những trò chơi trận giả, bè bạn Ân mới thấy nét mặt Ân vui tươi lên chút ít.

Nhưng nào Ân có được rộng rãi thì giờ chạy nhẩy suốt ngày. Nó còn phải kéo bễ hoặc quai búa (1) đỡ cho mẹ nó. Nhất là từ bốn năm hôm nay anh Cả Đức bận đi chợ xa giao hàng.

Gia đình thằng Ân làm nghề thợ rèn cũng như phần đông dân làng. Nghề đó lưu truyền từ đời kiếp nào không ai nói rõ cho Ân biết. Nó chỉ biết làng nó ít ruộng cày lắm. Dân làng hầu hết sống lam lũ nhờ ở đôi cánh tay và miệng bễ có đỏ lửa mới mong đầy được nồi gạo.

Những đứa trẻ trong làng vào trạc tuổi Ân, độ mười bốn mười lăm đều đã phải rời bỏ mấy tiếng Chi, Hồ, Giả, Giã để tập nghề. Tuy vậy chúng không quên thừa dịp rảnh tay đàn đúm với nhau ở Gò Cụt chơi đùa cho thỏa thích.

Từ độ quan Tiết Chế (2) hội vương hầu và sĩ tốt tại Đông Bộ Đầu (3)  truyền hịch, tiếng vang đi khắp nước, bọn trẻ làng Khê Thượng cũng bắt đầu có những trò chơi tập trận. Và cũng vì mải mê trò chơi đó, bỏ cả đe, bễ chúng đã nhiều lần bị nhừ đòn. Nhưng không vì thế mà chúng chịu bỏ cái mộng làm ông tướng có cờ, có quạt, có gươm, giáo oai vệ.

Ân là đứa trẻ ham mê nhất trong những đứa trẻ ham mê. Nhưng nó cũng là đứa trẻ dễ buồn nhất trong những đứa trẻ nọ.

Tại sao lâu nay thằng Ân thường có vẻ mặt buồn ? Bạn bè nó muốn biết lắm, nhưng không thể rõ nguyên nhân vì sao.

Ân lại là đứa trẻ kín đáo. Tuy được chúng bạn rất mến vị nể, Ân không dễ dàng thổ lộ nổi lòng cho ai hay.

Nhưng cứ xét tình hình cái không khí nghiêm trọng trong làng ít lâu nay thì hình như thằng Ân đã buồn vì không được người lớn chú ý đến nó trong những công việc hệ trọng của nó.

Thằng Ân cảm thấy dạo này có một không khí bí mật bao trùm lên khu làng nhỏ bé, tiều tụy của nó và ngay cả gia đình nó nữa.

Bố, mẹ Ân và Cả Đức, anh ruột Ân thường thì thào to nhỏ bàn bạc chuyện gì Ân không hay. Có khi thật khuya, mãi quá nữa đêm cho đến lúc Ân díu mắt, ngủ thiếp đi mất hoặc có khi Ân bừng tỉnh mở mắt, ánh sáng ban mai đã le lói qua cánh liếp, nó vẫn thấy bố, mẹ và người anh cả châu đầu vào nhau chuyện trò.

Những câu chuyện nửa kín, nửa hở ấy nhen một ngọn lửa tò mò âm ỉ trong lòng thằng Ân. Ngọn lửa ấy mỗi ngày lại cháy to và Ân càng khao khát muốn biết như khi nó thèm khát một món ăn vừa lạ miệng, vừa quí vừa đắt tiền vậy.

Thằng Ân lập tâm mon men đến gần những cuộc bàn bạc đó.

Thì… lập tức mọi người đều im bặt và anh Cả Đức đuổi ngay Ân đi chỗ khác. Có lẽ chính vì thế mà thằng Ân buồn và thường có vẻ mặt suy nghĩ.

*

Ân dừng chân trước cổng tre. Cánh cổng đã đóng chặt sớm hơn thường lệ. Ân đoán chắc trong nhà đã có khách hoặc anh nó đã trở về.

Nhanh nhẹn nó chui qua hàng rào dâm bụt, chỗ lỗ hổng con Mực vẫn chui ra chui vào.

Ân rón rén đi bằng đầu ngón chân, nhẹ nhàng như một con mèo, tiến đến bên cạnh cửa, ghé mắt nhìn vào trong nhà.

Dưới ánh đèn nhựa chám cháy bập bùng, nó thấy rõ mấy ông bác, ông chú nó và mấy ông già cùng xóm. Họ đều là những tay “tay kìm” cừ khôi trong phường. (4)

Bà bạn mẹ Ân ngồi têm trầu trên cái chõng tre bên cạnh.

Thằng Ân dỏng tai lắng nghe, tuy không rõ lắm, nó cũng góp nhặt được những tiếng rời rạc gần như vô nghĩa :

“Sát Đát, đại vương… Bình Than” và mấy tiếng gằn mạnh của cụ Cả Bình, trùm phường như : “Phải làm cho nhiều ! Cứ rèn thật lực, cứ cung cấp, cứ chuyển vận cho khéo, cho kín là được…”

Rồi tiếng mọi người ào ào nhắc lại: “Phải cứ rèn cho nhiều thật lực vào là được”.

Bỗng có tiếng động sột soạt phía hàng rào. Ân vội nhẩy phắt lại sau một cái cột, ngồi thu hình gọn lỏn như một con chuột nhắt.

Cũng từ lỗ hỏng góc hàng rào, nơi cửa riêng của con Mực, một người đương lom khom chui vào.

Người y to lớn, nên chui vào có vẻ khó khăn. Thằng Ân thích chí sắp bật lên tiếng cười vì nó tưởng chỉ mình nó biết dùng cái lối đi riêng bí mật ấy.

Người to lớn đứng lên phủi áo, thở phào một tiếng, rồi hối hả bước nhanh qua sân. Y khẽ gõ vào cánh cửa gỗ hai tiếng ngắn, rồi lại hai tiếng ngắn, như một ám hiệu.

Cánh cửa liền kẹt lên một tiếng, mở hé ra. Ánh sáng nhựa chám bập bùng hắt ra bên ngoài, hằn rõ bóng người lạ to lớn rung rinh đổ dài trên sân đất.

Nhờ ánh lửa, thằng Ân nhớ mang máng ra có gặp người khách lạ nọ một hai lần, đâu ở trên chợ huyện vậy.

Cánh cửa, khép kín ngay lại giấu biến người khách lạ vào bên trong. Không khí bí mật của gian nhà lại bao phủ thêm một tấm màn bí mật.

Thằng Ân không thể bỏ lỡ cơ hội mặc dầu đôi mắt nó đã díp lại đòi một giấc ngủ.

Ngọn gió lê lướt thướt trên bùm tre sạc sào, thỉnh thoảng lùa vào đôi ống quần ngắn cũn cỡn của Ân như muốn giục nó đi ngủ. Nhưng tính tò mò đã đốt lửa ấm trong lòng nó. Nó kiên gan bò lại khe cửa chỗ dễ nhìn nhất, để nhìn vào.

Người khách lạ lực lưỡng, râu ria xồm xoàm, hẳn có mang cả một điều bí mật quan trọng lại cho cuộc họp. Tất cả mọi người đều hướng cả vào y, lắng nghe y nói.

Y nói rất khẽ hầu như không thành tiếng và chỉ phều phào qua kẽ môi như gió. Mọi người phải chụm đầu cả lại gần y mới nghe nổi.

Thằng Ân thấy tấm tức trong lòng. Nó tưởng như mỗi tiếng y nói ra là đã có năm, mười cái tai hứng lấy mất sạch không để lọt một âm thanh nào ra ngoài. Nên dù tai thằng Ân có thính như tai hươu, cũng đành chịu không nhặt nhạnh được vài tiếng như lúc nãy nữa.

Nhưng Ân cũng không chịu hẳn. Không nghe được bằng tai, nó nghe bằng mắt vậy. Điều nó chú ý đến trước tiên là vẻ mặt mọi người đều sửng sốt, lo sợ. Bà Bản ngồi bên mép phản thỉnh thoảng lại kéo vạt áo lên thấm nước mắt. Già Bản, bố của Ân cũng bối rối hiện rõ trên nét mặt. Tay già run run cầm mồi lửa để rơi xuống đến ba lần vẫn chưa hút xong điếu thuốc lào.

Thằng Ân đã nhìn thấy rõ sự quan trọng của câu chuyện.

Nó vụt nghĩ đến Cả Đức.

Hay anh Cả làm sao ? Nhưng đi chợ giao hàng như mọi khi thì còn có gì nguy hiểm ?

Tuy nghĩ vậy thằng Ân bỗng cũng lo sợ lây. Vì nếu không, sao mẹ nó phải khóc và bố nó lại bối rối nhường vậy? Thằng Ân thầm cầu khẩn Trời, Phật phù hộ cho anh nó, cho gia đình nó tránh khỏi được tai nạn.

Giữa lúc ấy cuối ngõ vang lên tiếng chó cắn. Một đêm trời tối như mực, rét căm căm vào cái thời loạn này, tiếng chó sủa trong đêm vắng, nghe thật ghê rợn.

Những tiếng xì xào trong nhà bỗng im bặt. Nhọn đèn nhựa chám bỗng tắt phụt đi.

Thằng Ân chợt nghĩ đến những câu chuyện “giặc Đuôi Sam” vào các làng cạnh Phủ hiếp tróc đàn bà, con gái, cướp của, giết người do những người làng đi chợ Phủ về kể lại mà ghê sợ.

Một lát sau tiếng chó sủa đã dứt. Khu làng lại trở nên yên tĩnh, đìu hiu; lá tre lay động xạc xào trên mái rạ lại nghe đã rõ mồn một.

Cánh cửa dụt dè hé mở, bật lên một tiếng động ngắn, khô.

Từng bóng người lách ra. Họ bước thoát ra sân, chui qua lối đi của con Mực, ra đường.

Thằng Ân lẻn vào gian buồng mẹ theo lối cửa ngách. Nó kéo cái chiếu rách chùm lên đầu, giả vờ như đã ngủ say.

------------------------- 
(1) Quai búa : đập búa lớn (búa tạ) trên miếng sắt đỏ. Một người thợ cái (thợ rèn, thợ chánh) tay cầm kìm kềm miếng sắt nung, tay đập búa con làm dấu cho búa tạ đập xuống. Một danh từ của thợ rèn.

(2) Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được phong : Tiết Chế Thống lãnh Thủy lục Tam quân vào tháng 10 năm Quí Mùi (1283)

(3) Phía Đông sông Nhị Hà thuộc huyện Thượng Phúc, gần Hà Nội

(4) Phường : tiếng thời xưa chỉ một nhóm người, một số gia đình tụ tập ở cùng một khu vực và cùng làm một nghề, có những liên hệ tinh thần và vật chất với nhau.



CHƯƠNG II

Bóng ma trên Gò Cụt...


Vừa nghe tiếng gà gáy, Già Bản đã ngồi nhỏm dậy. Gió bên ngoài, rít trên những ngọn tre rào rào, thỉnh thoảng lại lách qua kẽ liếp lùa vào trong nhà lạnh ngắt.

Đêm tháng Chạp thật dài, Già Bản thao thức mãi không ngủ được. Trong lòng Già ít hôm nay luôn luôn thấy bồn chồn. Đêm nào Già cũng chỉ mong cho chóng sáng.

Từ ngày Cả Đức bị giặc bắt đi mất tích, đêm nào vợ chồng Già cùng đứa con cũng làm việc cho đến khuya mới đi ngủ và sáng dậy thật sớm để tiếp tục việc làm, cũng như hầu hết các thợ bạn trong phường.

Già Bản quên ăn, quên ngủ để làm. Nỗi đau đớn của Già hầu như chỉ có thể đem trút ra trên mặt đe, trong những nhát búa và cuối cùng dồn hết cả vào con dao, lưỡi mác, lưỡi gươm, ngọn giáo, do vợ chồng già và đứa con già làm ra. Thực vậy, trong đời Già, chưa lúc nào Già ham công việc, yêu công việc như dạo này.

Nhấc cái điếu cầy dựng ở góc liếp, Già Bản rịt thuốc vào nõ, bật mồi lửa, rít một hơi dài ròn tan. Khói thuốc tỏa ra trước mặt người thợ già một lớp sương khói, cũng như cặp mắt buồn thảm của lão chứa chấp một nỗi buồn đau đớn, khôn nguôi.

Già Bản khẽ đến giường lay thằng Ân dậy. Thằng bé ngái ngủ tuy đã ngồi khoanh chân ở góc giường, nhưng mắt vẫn lim dim, ngại rét chưa buồn bước chân xuống đất.

Vừa lúc đó, từ cuối thôn vang dậy tiếng búa reo leng keng trên mặt đe…

Già Bản ho sù sụ lên một hồi, miệng lẩm bẩm:

- Lò nhà Phó Cửu đã làm rồi đó Già nhìn quanh nhà rồi chép miệng Bà lão mới loanh quanh ở đây mà đi lúc nào cũng chẳng hay.

Ngoảnh lại thấy thằng con vẫn còn ngồi bó gối, Già vớ chiếc áo bông cũ rách của mẹ nó vứt cho nó.

- Áo đấy, mặc vào rồi làm đi! Ngủ chưa chán mắt ư con?

Già Bản lại bên vỗ nhẹ vào vai thằng Ân cho nó tỉnh ngủ, giọng âu yếm:

- Nhóm lò đi con, muộn rồi! Mày không nghe tiếng búa nhà Phó Cửu đấy à?

Thằng Ân không đáp, đưa tay lên quệt ngang miệng, lau chỗ rãi nhớt ra hai bên mép trong giấc ngủ ngon vừa qua.

Nó lừ đừ đứng dậy, uể oải xúc than hoa trong bồ ra đổ thành đống xuống ven lò.

Nó gác vài que đóm trên miệng lò, bỏ vào đấy một miếng nhựa chám rồi bật mồi lửa, châm đốt. Ngọn lửa bùng cháy lên sèo sèo, sáng bừng một khoảng nhà lợp lá thấp lè tè và ám khói đen xạm.

Thằng Ân phủ mớ đóm và vài thanh củi mảnh lên trên ngọn lửa cho bén. Lửa bám vào củi cháy lắc rắc. Hai bàn tay nó gạt nắm than hoa kín vào miệng lò. Ngọn lửa bị ủ kín trong mớ than, tấm tức, rẫy rụa như muốn toài ra ngoài.

Thằng Ân trèo thoắt lên thùng gỗ, cầm hai cán bễ kéo lên kéo xuống nhè nhẹ…

Hơi từ trong bễ lùa ra phì phì. Ngọn lửa có đà lại bùng lên phụt qua kẽ than, bật ra ngoài những tia lửa đỏ ối.

Chỉ một chốc mớ than trên miệng lò đã rực màu hồng.

Già Bản rít thêm mồi thuốc nữa rồi mới ngồi xuống cái ghế gỗ.

Già treo siêu nước vào cái quang sắt lủng liểng trên đống than hồng, tay cầm ngọn chổi dong nhúng nước quét những hạt than vương vãi vun gọn vào miệng lò.

Xa gần chung quanh lúc đó tiếng búa đập trên đe đã vang dậy ròn rã.

Có tiếng từ xa trong chân núi vang lại, có tiếng gần ngay ngõ vang lên, phá tan bầu không khí tịch mịch của một buổi sớm mai lạnh lẽo.

Lắng tai nghe tiếng búa khua chung quanh, mắt Già Bản vụt sáng lên, cặp môi khô khan, răn rúm khẽ nhếch lên một nụ cười tràn đầy tin tưởng.

Già Bản rở hai, ba thanh thép vùi trong đống than hồng vui vẻ bảo con:

- Kéo nhanh tay tí con ! Hôm nào rồi tao cho theo đi xem mặt ông tướng trẻ tuổi. Dễ người ta cũng không lớn hơn mày bao nhiêu đâu con ạ!

Già chép miệng, nhìn về phía chân núi đột khởi giữa khung cửa, nói tiếp:

- Thế mà người ta đã giúp được cho Nước mình bao nhiêu rồi đấy! Còn mày, mày chỉ ăn với ngủ thôi!

Mặt đương buồn thỉu, nghe bố nói đến “ông tướng trẻ tuổi”, đôi mắt thằng Ân sáng ngời lên, lanh lẹ lạ thường.

Hai tay nó kéo ống bễ đã nhanh và đều hơn trước.

Già Bản khẽ nhích thanh thép lên, thấy đã đỏ đều, liền vớ lấy chiếc búa con gõ nhẹ xuống mặt đe ba cái.

Nhanh như cắt, thằng Ân bỏ bễ, nhấc chiếc búa tạ lên.

Nó choãi hai chân ra, nện búa xuống thanh thép, đều đặn theo nhịp búa hiệu của bố.

Âm thanh phát ra từ hai cái búa một lớn, một nhỏ gieo xuống mặt đe gang, nghe vang vang và nhịp nhàng như một điệu nhạc.

Thanh thép thu dọn dần bề ngang nhưng lại ruỗi dài ra, uốn cong cong đã ra hình một lưỡi gươm.

Thanh thép nguội dần, xám lại và cứng ngắc. Búa tạ của thằng Ân giáng xuống đã thấy trối tay, Già Bản khẽ ngả cái búa con trên mặt đe. Thằng Ân biết điệu, quẳng búa cái xuống đất đánh bịch, chạy lại kéo bễ lên phùn phụt.

Từ ngày Già Bản mất một cánh tay là Cả Đức, thằng Ân được chính thức nhận chức phó hai, thế chân anh nó.

Già Bản xúc thêm bát than đổ vào miệng lò, lẩm bẩm:

- Hừ! Cái thời buổi loạn lạc có khác, sinh ra lắm cái lạ, Gò Cụt từ mười năm nay đã vắng cả ma quỷ, bây giờ lại hiện lên vô số là ma…

Điềm này rồi dân xã mình lại khó làm ăn đây!

Thằng Ân nghe bố nói, khẽ mỉm cười có ý không tin:

- Ma thực ư bố? Mà bố có thấy tận mắt không đã, hay lại cũng nghe người ta nói…

Già Bản gắt lên:

- Tao không thấy thì sao? Mày không tin thì tối nay thử đi mà xem!

Thằng Ân thè dài lưỡi ra, cổ rụt lại, kêu lên:

- Eo ôi, các vàng con cũng chịu! Nghe thấy cũng đã rởn gai ốc lên rồi…

Già Bản bật cười, mắng yêu con:

- Mày rõ thật vô vị, chẳng bì với thằng anh…

Nhắc đến một người khuất mặt, Già Bản biết mình lỡ lời, và cũng tự thấy cần lảng sang câu chuyện khác. Chậm rãi, Già kể một câu chuyện mà có lẽ Già đã kể đến hơn chục lần:

- Ngày xưa quan Đô Thống đem chém một tên tướng giặc ở đấy. Sau nó cứ lùi lũi hiện về luôn vào những đêm mưa gió, hay tối tăm. Dân xã mình mới gọi là Gò Cụt. Chả là có con ma cụt đầu mà…

Hồi ấy, có mình tao là dám lên xem thôi, còn chẳng có thằng nào dám mò lên sốt! Thế mà rồi về cũng phát sốt bỏ cơm mất mấy ngày đấy con ạ.

Già thở dài:

- Nhưng bây giờ tao có tuổi rồi, chẳng hoài hơi mà mò mẫm đi cho rét mướt…

Thằng Ân mỉm cười:

- Thế sao bố vừa nói bố thấy tận mắt?

Già Bản hơi lúng túng:

- Thì… tao cũng đứng ở đầu làng thấy mà… Mày cứ hay hỏi lôi thôi mãi! Người ta nói thì cứ biết mà nghe… Kìa thôi cháy mất!

Trên đống than hồng những chùm hoa thép trắng xanh bay phụt lên. Hai bố con mải chuyện “Ma Gò Cụt” suýt để cháy mất thanh thép.

Có tiếng chân dừng ngoài cửa. Cánh cửa liếp xịch mở, tách ra một lối đi nhỏ. Bà Bản gánh một mớ sắt cong queo bước vào. Bà có dáng mệt nhọc.

Mặt bà lại hơi biến sắc. Hơi thở của bà dồn dập, chừng bà vừa trải qua một cơn lo sợ nào vậy.

- Sao về muộn thế, bà nó? Già Bản đứng lên ân cần hỏi vợ.

- Muộn gì! Suýt nữa là mất cả gánh. Tôi vừa lạy, vừa khóc, vừa xin hết điều chúng nó mới cho đấy. Hồi này cái “Quân Đuôi Sam” ấy nó ngặt lắm rồi. Tôi thấy vô khối người đi mua sắt như mình, vừa bị bắt lại vừa bị đánh nữa ngay trước mặt đấy! Ra chúng nó cũng biết người mình rèn những “của” ấy để đánh lại chúng nó!

Già Bản thở dài, thấp giọng:

- Làm gì chúng nó chả biết! Khốn, ngay trong đám người mình cũng còn có một vài đứa vô sỉ đi theo chúng nó, làm chó săn thì cái gì mà chúng nó chẳng biết! May mà cái số ấy không nhiều và cũng còn có nhiều người thiết tha đến Đất, đến Nước của ông cha, chứ không thì mất nước rồi chứ chẳng chơi!...

Thấy chồng tức giận và nói hơi to, bà Bản lo sợ:

- Kìa, ông nó hay chửa! Làm gì mà nói to thế nào! Nhỡ ra… thì sao?

Bà lảng sang chuyện khác, vừa nói vừa cười:

- Ấy, thấy người ta đi đường nói chuyện ma ở Gò Cụt mà lúc về tôi phải đi vòng mãi về phía làng Bái, không dám đi lối cũ nữa đấy!

Già Bản nhìn thằng Ân như có ý phân trần. Già vớ cái ấm nước đưa lên miệng tu một hồi, rồi quay sang nói với vợ:

- Tôi nói thằng Ân nó không tin! Tối nay bà dắt nó ra cổng làng chỉ cho nó xem …

Bà Bản nhìn con, cười:

- Vía bảo nó củng chẳng dám. Có họa là… tối đến lại đi tìm chỗ ngủ cho kín…

Thằng Ân không nghe mẹ nói. Nó đương có điều gì suy nghĩ trong lòng…

*

Cứ chập tối, khi trông không rõ mặt người, là làng Khê Thượng đã đóng chặt cửa ngõ lại. Người lớn không dám đi ra ngoài đã đành. Ngay trong nhà người ta cũng hối nhau đi ngủ sớm. Trẻ con không được rì rầm đùa nghịch. Trừ những ông già, bà cả không thể ngủ sớm được, là còn được phép ngồi trầm ngâm bên bếp lửa sưởi ấm và cũng để vẩn vương suy nghĩ về cái thời tao loạn này…

Bóng đêm trong những ngày cuối đông như quánh đặc lại, và có chứa chất biết bao điều quái dị. Nghe tiếng gió đuổi nhau đập rào rào trên mái rạ, họ rùng mình kéo chăn chùm kín đầu rồi hình dung đến những bóng ma đuổi nhau nô rỡn trên các ngọn tre làng.

Gia đình Già Bản cũng vậy, từ khi có chuyện Ma đồn đại trong làng, cũng nghỉ việc sớm, không dám rèn khuya như trước nữa.

Thằng Ân tối nào cũng mò sang bên người anh con bác ở thôn Giếng ngủ cho đỡ sợ. Riêng mình Già Bản đêm nào cũng đặt siêu nước trên miệng lò, nấu uống một mình, cho đến lúc mỏi mệt mới chịu đi ngủ.

Gò Cụt cách làng Khê một cánh đồng. Vào đêm tối lại càng rùng rợn. Từ hồi có tên giặc bị chém trên đó, dân làng có dựng một miếu thờ để oan hồn của nó đừng về quấy nhiễu.

Miếu thờ đặt dưới gốc một cây đa xum xuê bóng lá. Tuy là miếu thờ nhưng hàng năm, người thủ từ chỉ lên đó thắp hương đặt lễ có một ngày, nhằm đúng ngày tên giặc đó bị hành quyết. Thế nên Miếu thờ, hòa hợp với cảnh âm u của cây đa, địa thế lẻ loi của khu gò, càng trở nên tĩnh mặc và đầy rẫy vẻ ghê rợn.

Đêm đó vào lúc làng Khê đã đẫy giấc; Gò Cụt bỗng lố nhố mấy bóng đen. Trong miếu bỗng lòe lên một ánh lửa. Ngọn lửa bén vào mấy cành củi khô kêu lắc rắc. Cảnh vật nhờ đó đã đỡ vẻ hoang lạnh và tĩnh mịch. Những bóng đen nho nhỏ, chui cả vào trong Miếu và ngồi bệt xuống bên cạnh đống lửa.Ngọn gió lùa vào Miếu lay ngọn lửa bập bùng, hẳn những bóng đen rung rinh trên mặt tường rêu xanh ẩm mốc.

Thằng Ân ngồi giữa, hơ tay lên ngọn lửa xuýt xoa:

- Rét gớm, chúng mày ạ! Nó nhìn năm đứa trẻ khác ngồi quanh đống lửa cũng trạc tuổi nó cả, hỏi: đủ rồi đấy nhỉ? Thế nào các đằng ấy, đã quyết chưa nào?

Một đứa gầy đen, tóc vàng như râu ngô nhanh miệng đáp:

- Quyết thì chúng tớ đã quyết, nhưng đằng ấy có biết đường đi đến đấy thế nào không?

Thằng Ân xì một tiếng:

- Đường đi ở mồm chứ ở đâu! Tớ tưởng chúng mình cứ hỏi thăm đến cái khu chiến của Hầu Hoài Văn (1) thì ai mà chẳng biết! Ở làng Bái, bọn anh em thằng Nỏ đã đi cả rồi đấy! Chúng mình không nhanh chân lên rồi… rồi… người ta đủ người không nhận nữa thì rõ hoài!

Thằng bé khác ngồi bên phía thằng Ân, sốt sắng:

- Ừ đi thì đi ngay đi! Người ta đi đánh giặc, mà bọn chúng mình cứ chúi đầu vào đe, vào bễ suốt ngày, chán chết đi ấy!

Đứa bé tóc vàng điềm đạm hơn:

- Đi thì đi, nhưng cũng phải thăm dò cho kỹ đã chứ! Mà tớ nghe bọn thằng Nỏ nó nói: Bây giờ Hầu đã ra lệ: Ai muốn nhập vào quân của Hầu phải tự mang theo khí giới đến. Các đằng ấy có biết tại sao không? Tại vì Hầu thừa người mà lại thiếu khí giới biết chưa?

- Tưởng cái gì khó chứ cái món ấy cũng dễ. Nhà các đằng ấy cũng như nhà tớ hồi này rèn bao nhiêu là binh khí. Chúng ta cứ thủ lấy mỗi đứa một món là được chứ gì?

Thằng bé tóc vàng vẫn điềm đạm:

- Cái ấy đã đành! Thì các đằng ấy không nghĩ ra là chúng mình còn phải qua nhiều trạm gác của giặc rồi mới đến được Gia Bình ư ? Ngộ lỡ chúng nó khám thấy thì sao?

Cả bọn im lặng. Lát sau thằng Ân mới bàn:

- Thế này là tiện. Chúng ta mang đồ nghề đi. Đến đó ta rèn lấy. Mà không nữa thì ta xin Hầu cho anh em chúng ta rèn binh khí cho quân của Hầu, thế mà lại lợi hơn đấy các đằng ấy ạ. Này nhé, bọn anh em chúng mình có sáu đứa? Bất quá có được nhận cả thì quân của Hầu cũng chỉ thêm được có sáu tên. Nếu chúng mình rèn ra được binh khí thì vô khối người không có binh khí bị Hầu loại ra, có phải lại được nhập vào không, các đằng ấy đã thấy lợi hơn chưa ?

Thằng Ân vừa nói đến đó thì cả bọn im bặt lại, lắng tai nghe. Trong đêm vắng vang lên tiếng vó ngựa đập đều từ xa vọng lại mỗi lúc một gần, một rõ.

Thằng Ân vụt đứng lên. Cả bọn đứng bật dậy theo. Thằng Ân oai vệ ra lệnh:

- Đúng “chúng nó” rồi! Chỉ có “chúng nó” mới cưỡi ngựa đi đêm thế này thôi! Các đằng ấy theo lối tắt về ngay, báo cho khắp xóm biết giấu hết đi nhé!

Nói xong, Ân lao mình ra cửa Miếu. Cả bọn lao mình ra theo. Những hình bóng thon nhỏ của chúng lẹ làng lướt vào bóng đêm rồi thoắt mờ hẳn vào đất ruộng…

----------------------- 
(1) Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, một thiếu niên anh hùng đời nhà Trần.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III, IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>