Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

CHƯƠNG III_ĐẤT NGHỊCH


CHƯƠNG III


Trăng rãi trên cánh đồng cỏ một màu sáng bạc. Lùm cây, cụm cỏ rải rác soải dài tới sát chân ngọn đồi thấp. Một con cú mèo, chốc chốc lại “hú” lên một tiếng sầu thảm. Âm thanh khan đục vẳng trong không trung như tiếng rên của một người ốm nặng.

Trên nấm mồ mới đất còn xốp, người ta đã trồng một cây thánh giá, ghi trên một mảnh gỗ bào nhẵn nhụi bốn chữ LÊ THỊ CHI LAN. Bên dưới là hai giòng chữ số chỉ hai năm cách nhau không xa lắm: 1951-1972. Quanh chân nấm mộ, người ta đã xếp những viên đá tảng màu trắng. Thoáng trông, có cảm tưởng như một luống đất mới sẵn sàng để gieo hột trồng hoa. Chiều đến, khi mặt trời sắp khuất sau rặng núi phía xa, tiếng chuông chiêu mộ trầm buồn vẳng trong không khí, người ta lại khép chặt, cài then kỹ lưỡng tấm cánh cửa có song sắt ra vào nghĩa địa như có ý ngăn cấm mọi người nằm kia, nương theo tiếng chuông ngân, vượt cổng sắt lần mò về cõi dương trần.

Làng Trung Quyết, dưới ánh trăng vằng vặc đã say ngủ. Trong cảnh vật im lặng, chỉ có tiếng nước từ máy nước nhểu ra róc rách.

Trong đêm thanh vắng, vẳng lên tiếng nói của Giậu:

- Vâng, vâng ! Cháu phải đi với bác chứ. Cháu chỉ đợi có thế thôi mà !… Có điều, tại sao bác lại không cho cháu xách súng theo ?

Ông Lê Phi lầm lũi bước đi, không nói một tiếng. Thực ra ông cũng chẳng có gì cần phải giấu giếm, chẳng có gì phải ngại có người trông thấy. Mà liệu có ai bắt gặp được cái giờ khắc đêm hôm khuya khoắc như thế này ? Nhưng, bản tính thận trọng cố hữu, ông men theo bóng tối dưới các mái hiên nhà, nhẹ nhàng tiến bước. Từ lúc chạng vạng, ông chờ đợi mãi giây phút này. Giây phút dân làng đã chìm sâu trong giấc ngủ ngon.

Căn nhà của ông Hai Bé đẹp nhất làng. Căn nhà độc nhất có thêm một tầng gác rộng. Lê Phi dừng bước nơi trước cửa, khẽ gại vào cánh gỗ. Thời gian ánh chớp, cánh cửa đã mở toang. Hai Bé vẫn chờ đợi ông từ lúc nào.

Người đàn ông bước vào, cất giọng trầm trầm:

- Đừng buồn tôi nghe, anh Hai

- Đâu có. Tôi đã chẳng sẵn sàng phụ anh một tay đó sao ? Có điều… tôi chỉ xin anh chớ…

Hai Bé không nói hết câu. Lời nói đang trôi, tới đó, đột nhiên tắt nghẽn. Nhưng không sao, ông Lê Phi đã đoán được ý bạn:

- Anh Hai cứ yên tâm. Tụi tôi chỉ dẫn nó đi thôi mà.

Hai Bé khẽ chép miệng:

- Nếu đúng là hắn thì... chậc, chậc. Ắt là sẽ rắc rối lắm đấy.

Lê Phi trừng mắt:

- Tại sao ?

- Gã này hiện đang nổi tiếng. Tôi thấy hình hắn in trên báo luôn luôn. Rồi sẽ rùm beng lên, mệt lắm.

Trong tâm hồn chất phác của người đàn ông khoác khẩu súng săn, kiến thức, sự hiểu biết về một tài tử sân khấu, một ngôi sao trên vòm trời điện ảnh, thật lờ mờ, chẳng có gì rõ rệt. Tuy nhiên, Lê Phi cũng cảm thấy ông bạn già của mình có lý. Sắc mặt nghiêm trầm, ánh mắt bình tĩnh như một người đã cân nhắc chu đáo hậu quả việc mình sẽ làm, ông thong thả đáp:

- Liệu có rùm beng bằng cái chết của cháu Chi Lan ? Phải vậy không anh Hai? Hậu quả sẽ ra sao tôi không muốn nghĩ đến vội. Nhưng cam đoan với anh, tôi sẽ thu xếp đâu vào đấy. Không lo xáo trộn gì quá lắm đâu. Thế nào, anh Hai, dẫn tụi tôi lên chứ.

Ba người, nhẹ như ba cái bóng, khẽ bước lên cầu thang. Mấy bậc gỗ rít lên ken két, nhưng không gây nhiều tiếng động.

Tiếng Hai Bé, kèm theo ngón tay chỉ:

- Đó, anh cứ vào. Cửa không khóa, không cài chốt gì đâu.

Bàn tay to lớn của ông Phi nắm trọn quả đấm sứ xoay nhanh một vòng. Một hất khẽ, cánh cửa mở toang. Chiếc giường lớn màu gỗ nâu bóng, trải nệm trắng tinh, chiếm gần hết nửa căn phòng. Ông Hai Bé giơ cao ngọn đèn dầu lửa. Ánh sáng hắt bóng mấy người đứng sừng sững in đậm nét lên vách tường.

Trọng Minh chớp mắt lia lịa. Đang say ngủ, giật mình thức giấc, ngót 10 giây đồng hồ sau, chàng trai mới tỉnh hẳn. Đồng thời, anh nhận thức rõ tình hình, thấy ba người, rõ rệt nhất là ông Lê Phi, cao lớn, lực lưỡng đứng bất động dưới chân giường, khẩu súng săn hai nòng chĩa lăm lăm. Chàng tài tử điện ảnh khẽ la:

- Các ông định làm gì đây ?

Tiếng ông Lê Phi:

- Đi dậy ! Tôi đến tìm anh !

- Nếu tôi không chịu thì sao ?… A, ông Hai Bé, ông làm ơn tống cổ mấy người này ra ngoài kia đi !

Giậu sáp lại gần. Gã cảm thấy đôi bàn tay ngứa ngáy. Chớp mắt, những ngón tay dùi đục đã túm chặt ngực áo của người ngồi trên giường:

- Ra ngoài ? Hừ ! Mày có nghe rõ không, hả ? Tụi tao bảo mày đi dậy !

Và, cũng trong thời gian ánh chớp, bàn tay phải của Giậu quạt một cái thật nhanh. Trọng Minh vung tay đỡ cũng thật nhanh, đồng thời, nhảy xuống khỏi giường nằm. Giọng anh hơi run, có lẽ vì giận hơn là vì sợ:

- Lạ quá ! Tôi chẳng hiểu gì cả ! Nhưng, nếu anh muốn đập lộn thì…

Ông Lê Phi quát lên giật giọng khiến mọi người giật thót mình, khựng cả lại:

- Làm cái gì thế ? Giậu !… Mặc quần áo đi cậu kia !

Trong bộ pi-da-ma lụa mỏng kẻ sọc, Trọng Minh cảm thấy hơi lạnh. Cử chỉ thoáng đôi chút ngượng nghịu trước tia mắt người đàn ông đứng tuổi trang phục giản dị, nhưng thật chững chạc… tay cầm súng. Chàng ta không sợ, lại còn cảm thấy vững tâm là đằng khác. Trọng Minh biết chắc rằng ông Lê Phi đến đây không phải để giết anh. Hoặc ít nhất cũng là… chưa giết vội. Anh bình tĩnh cất tiếng hỏi:

- Ông là ba của Chi Lan ?

- Đúng !

- Vậy thì được, để tôi mặc quần áo ! Và sẵn sàng đi theo các ông, nhưng với một điều kiện: cho tôi biết trước là đi tới chỗ nào ?

- Tới nhà tôi ! Chúng ta có chuyện cần nói !

Ba phút sau, Trọng Minh đã mặc xong chiếc áo sơ mi và cái quần dạ xám. Và khi Giậu giơ cánh tay thô bạo xô mạnh anh ta ra phía cửa, Trọng Minh đã thầm nghĩ: “Thật may, thằng “phu gạo” này lại không cầm súng”. Tay cầm đèn, ông Hai Bé đi dẫn đầu. Tia mắt loang loáng quét một vòng thật nhanh, ông Lê Phi bước xuống sau rốt, ngón tay trỏ đặt nhẹ lên cò súng.

Trong đầu óc chàng trai tên Nguyễn Trọng Minh lại hiện lên cuộc đối thoại với viên hương quản mới hôm qua đây. Thì ra mọi lời nói của ông ủy viên Cảnh sát đều đúng cả. Dân chúng tại đây vốn sống biệt lập, cách rất xa với thị dân nơi đô hội, chối bỏ mọi tiện nghi của văn minh, gần như lùi hẳn lại với thời cổ xưa hoang dã. Thời gian mà, để chống lại với thiên nhiên, con người chỉ trông nhờ vào sức mạnh của bắp thịt hai cánh tay và chút tia sáng yếu ớt của tâm linh trí óc.

À, thế ra đúng thật! Nhận xét của hương quản Đặng Sâm đã đúng khi ông cho chàng biết là Lê Phi nghi chàng có dính líu vào cái chết của Chi Lan, con gái ông. Vì hiếu kỳ nhiều hơn vì lo sợ, Trọng Minh băn khoăn tự hỏi: “Thật ra mình có gì thực sự dính líu, có gì thực sự trách nhiệm về cái chết oan uổng của cô gái đó không?” Tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó không phải là việc làm trong phút chốc.

Hai Bé đưa tay đẩy cánh cửa. Đêm đã khuya lắm. Ba người bước ra. Trọng Minh đi đầu, Giậu đi giữa. Sau cùng là ông Phi.

Được vài bước, vừa đi, Trọng Minh vừa ngoái cổ lại:

- Coi chừng ! Tôi kêu lên bây giờ đó !

Ông Phi quắc mắt:

- Anh kêu là tôi nổ súng tức khắc ! Đừng bức bách tôi phải làm cái việc đó, nghe !

Chàng rể phụ họa:

- Ờ, đừng có bức bách tụi này, mất công lắm ! Lợi chút chút thì giờ còn lại, sám hối đi là vừa.

Trọng Minh quay đầu sang ngó Giậu lúc đó đã bước lên ngang hàng:

- Anh là gì với ông này ?

Giậu cau mặt, hai vết nhăn trên trán hằn sâu xuống. Anh ta ngậm miệng. Ông Phi trả lời thay:

- Giậu, chồng chưa cưới của Chi Lan đó !

Trọng Minh khẽ gật đầu:

- À ! Thế đấy ! Ờ, ờ, tôi hiểu rồi ! Chi Lan là vị hôn thê của anh !… Phí quá!

Hai nắm tay vĩ đại của Giậu vẫn nắm chặt từ bao giờ. Chàng ta lùi lại một chút, đấm vút ra rất nhanh, trúng mạng sườn người vừa thốt câu nói trên. Trọng Minh có cảm giác hơi thở mình đứt khúc. Chàng vừa giơ tay đã thấy mũi súng săn ngóc lên. Hai lỗ mắt đen ngòm tỏa hơi thép lạnh. Lê Phi trầm giọng ra lệnh:

- Có thôi đi không ? Cả hai người ! Tới nhà rồi đây ! Còn cả một đêm nay để nói chuyện mà. Đi đâu mà vội ! Nếu cần, cả ngày mai, đêm mai nữa.

Giọng nói hằn học đượm mùi đe dọa chết chóc, khiến Trọng Minh hối tiếc là đã để họ dẫn đi. Và tại sao chàng lại không kêu cứu ? Vì nhiều lẽ. Các bạn đều ở xa, các nhà xung quanh cửa nẻo đóng kín mít và vì… ông Lê Phi lúc nào cũng sẵn sàng lẩy cò súng. Trọng Minh cố gắng nghĩ đến chuyện khác, đến Võ Mạnh Tôn chẳng hạn. Và đột nhiên chàng có một ý nghĩ vui vui: Tôn mà vớ được cái “sen” nghẹt thở này để cho vào cuốn phim thì phải biết ! Nghẹt thở lắm ! Và tính chất gây cấn có thể nói là đã tới mức độ tuyệt đỉnh.

Quang cảnh thôn làng về đêm, dưới ánh trăng im lìm, “tĩnh” như một bức tranh thủy mạc. Chỉ có mấy điểm “động”: ba bóng người đổ dài trên mặt đường đi.

Khi sắp bước vào nhà, cả ba người không một ai trông thấy Đặng Sâm, ông Ủy viên Cảnh sát. Họ Đặng đứng khuất trong góc tối. Không phải tình cờ mà viên hương quản lần mò tới đây trong giờ phút này. Ông ta đoán chắc là đêm nay thế nào cũng có biến cố gì xảy ra.

Lẽ ra Đặng Sâm đã định nói cho bọn Lê Phi biết nhiều dấu vết quan trọng có thể rọi chút ánh sáng vào tấm màn bí mật bao phủ cái chết của Chi Lan. Nhưng nghĩ sao, ông lại tự nhủ: nên thong thả, chờ đợi một chút để coi.

Ông Lê Phi vẫn nhớ như in lời đã hứa với vị linh mục: “không bao giờ kết tội một người mà không nghe y tự biện hộ”.

Biện hộ ! Để cho bị can biện hộ ! Rồi biết đâu qua lời biện hộ của bị can, người cha lại chẳng biết được sự thật. Sự thật trăm phần trăm. Cái sự thật ông vừa muốn biết lại vừa e ngại đó. Ông linh cảm rằng hình như ông không hiểu gì mấy về đứa con gái mà ông rất cưng chiều đó. Đúng như thế ! Thử hỏi: về sở thích, về mộng tưởng, nguyện vọng của đứa con gái cưng ấy, ông đã biết được những gì ? Nói thẳng ra là ông chẳng biết gì hết. Chẳng biết một chút gì đời sống nội tâm của nó cả. Rồi, giờ đây cái sự “chẳng biết” ấy, biết đâu lại không là một thành phần cấu tạo nên “sự thật” trong cái chết của Chi Lan? Linh giác mẫn tiệp của Lê Phi điều khiển tia mắt ông chiếu lên mặt Giậu, rồi loáng rất nhanh lên sắc diện Trọng Minh. Tự động, một sự so sánh ngấm ngầm nổi lên.

Ông Phi nhớ lại đã nói với con gái: “Con đã đến tuổi lấy chồng rồi đó !”. Tuy chỉ là một câu nói thường thôi, nhưng biết đâu đó lại là một cái lệnh? Ông cũng không hề ép buộc Chi Lan, nhưng khi lựa chọn, thử hỏi ai đã lựa chọn? Con gái ông, hay chính ông, và lý do thúc đẩy ông lựa chọn đã rành rành ra đó !… Đất tai canh tác của hai nhà kế cận nhau. Rồi Giậu lại cần cù, chăm chỉ làm ăn. Một ý nghĩ loáng nhanh trong trí óc người cha đau khổ: “Thì ra chính mình đã gián tiếp đòi hỏi cho bằng được cái gật đầu ưng thuận của nó!”

Buột miệng, ông Lê Phi cất tiếng:

- Đến kỳ cùng … Chúng tôi sẽ đi đến kỳ cùng ! Thế nào cậu cũng phải nói bằng hết.

Gian nhà trần thấp lè tè, xà, rui lâu đời đã đen bóng khiến Trọng Minh có cảm tưởng như đang sống trong một thời cổ xưa nào đó chỉ có được ở trong tiểu thuyết. Làng Trung Quyết vẫn chưa có điện. Cây đèn dầu lửa để trên mặt tủ buýp phê vặn hơi lớn. Làn khói đen mỏng mảnh, nhọn hoắt, bốc cao, rung động. Vùng ánh sáng bao quanh vàng vọt, bệnh hoạn.

Gã trai tên Giậu hầm hừ:

- Bác cứ để cháu ! Nó không nói là không xong.

Làn ánh sáng lờ mờ càng in đậm thêm nét mặt trông nghiêm lạnh như nét mặt tượng đá của ông Phi, đào sâu thêm hai hõm má của bà Liên và nhất là khiến bộ mặt của Giậu càng thêm khủng khiếp. Y hệt nét mặt con beo đen chăm chú rình mồi, sắp sửa chồm tới.

Một phiên tòa kỳ dị ! Đúng như thế ! Đúng là một tòa án. Mấy người đúng chung quanh chẳng phải đang xử án đó sao ? Xử án về đêm !

Trọng Minh chợt có ý muốn được nhìn thấy đôi mắt của bà mẹ. Nhưng bà Liên đứng ở một vị trí không thuận tiện. Ánh sáng mờ mờ từ ngọn đèn dầu hắt ra, theo một góc độ xiên xiên, khiến đôi mắt bà mẹ chỉ còn là hai cái lỗ sâu đen tối.

Thiếu phụ đứng thẳng người, im lặng, hai tay bắt chéo, đặt phía dưới ngực. Từ nơi bức tượng hình đau khổ ấy toát ra một cái gì quyết liệt khiến Trọng Minh có cảm giác người đàn bà ấy sẽ đủ khả năng cầm gọn và sử dụng khẩu súng bóng nhẫy kia. Khẩu súng từ lúc nào, vẫn ở trong tay ông Lê Phi, không rời ra một phút.

Người cha hỏi đột ngột:

- Giữa cậu và con Chi Lan nhà tôi đã có sự gì ?

Câu hỏi hết sức bất ngờ khiến chàng trai khẽ giật mình, kinh ngạc... Tiếng trầm trầm lại vang lên:

- Kìa ! Tôi hỏi: có cái gì ? Giữa hai người ?

- Tôi cho rằng chúng tôi đã yêu nhau… Nói đúng hơn: Tôi yêu nàng !

Giậu bật reo khẽ:

- Hai bác nghe rõ chứ ? Hắn nói: tôi “cho là”, tôi “cho là”…

Giọng nói của chàng trai vẫn thản nhiên:

- Vâng ! Kể thì cũng hơi sớm, hơi mau quá đấy ! Nhưng đối với tình yêu chân thật, thời gian nào có nghĩa gì. Chúng tôi đã yêu nhau tha thiết… sau một thời gian gặp gỡ chẳng mấy lâu.

Rồi, đưa mắt nhìn quanh một vòng, chàng trai tiếp lời. Câu nói không ẩn một chút nào ác ý, chỉ có vẻ thành thực, ngạc nhiên:

- Lạ ! Sao Chi Lan lại có thể sống được ở đây nhỉ ?

Ông Lê Phi ngẩng phắt đầu:

- Sao ? Đây làm sao ? Ở đây có cái gì không sống được? Hả ? Có cái gì xấu ở đây? Có cái gì nhục nhã, đê hèn tại đây ? Hả ?

- Dạ, tôi biết thế ! Nhưng thực tình tôi không có ý nói thế mà !

Giậu vẫn để tâm đến câu nói cách đây gần một phút của Trọng Minh:

- Đời nào Chi Lan lại yêu mày !

- Có, nàng có yêu tôi !

Chàng trai thôn dã đứng gần, gần lắm. Khi y vung tay, Trọng Minh muốn tránh cũng không kịp. Dưới mấy ngón tay xít lại đưa lên bịt miệng, chàng có cảm giác hình như đôi môi đã rách nát. Máu rỉ ra khiến chàng thấy nhồn nhột một bên mép. Anh chàng vị hôn phu đứng đối diện thật sát. Gã chờ tên tình địch phản ứng. Gã chỉ mong Trọng Minh trả đòn để có dịp… ra tay. Nhưng chàng trai đã kịp tự kìm hãm. Bàn tay ôm miệng đã nắm lại, lại mở ra. Chàng đã kịp ý thức được rằng: “Nguy lắm ! Hoàn cảnh này mất mạng như chơi !” Vô lý hết sức ! Dĩ nhiên là vô lý hết sức ! Nhưng sự thực thì nó thế đấy!

Giậu gằn giọng:

- Chi Lan chỉ yêu mình tao mà thôi !

Trọng Minh ấn nhẹ mùi soa chấm mép:

- Cả một sự lạ ! Không nghe nàng nói đến anh bao giờ hết.

Vừa ngay lúc đó, ngay cả lúc không hy vọng gì còn sống mà ra khỏi nơi này, chàng trai vẫn có được ý nghĩ: “Kẹt quá ! Cơ mầu này thì ngày mai đóng phim làm sao được đây !”

Lê Phi quát lên:

- Cả hai có im miệng đi không, hả ?

Vừa quát, ông vừa túm cánh tay Giậu lôi ra.

Chàng vị hôn phu cau mặt, gỡ tay, gắt ầm lên:

- Bác đang muốn biết có phải vì nó mà Chi Lan treo cổ tự tử chết không, phải không ạ ? Vậy thì bác phải để cháu quần cho nó một hồi nó mới chịu thú nhận chớ.

- Thú nhận ? Thú nhận cái gì ? Thú nhận là đã yêu nàng ? Thì tôi đã nói rồi đó. Và xin các ông nhớ cho một điều: khi đã yêu, người ta không muốn cho người mình yêu bị đau đớn bao giờ. Nhất là đau đớn về thể xác.

Ông Lê Phi trầm giọng:

- Nó mới 18 tuổi đầu, đang thời kỳ vui sống, chạy nhẩy, cười đùa ca hát suốt ngày. Rồi nó sẽ lấy thằng Giậu, sinh con đẻ cái, sẽ cho tôi được bồng ẵm những đứa cháu nhỏ xinh xinh. Đúng lúc đó, thì bỗng dưng cậu ở đâu lù lù tới… Và ngày hôm đó, sự gì đã xẩy ra ? Liệu mà nói đi, nghe rõ chưa?

Trọng Minh:

- Chẳng có sự gì hết ! Bữa đó, chúng tôi không gặp mặt nhau.

- Nói xạo !

Ông Lê Phi ôm mãi khẩu súng dài, ý chừng đã mỏi tay, liền đặt lên mặt bàn. Trọng Minh loáng tia mắt, nhìn rõ. Chỉ một cái giơ tay là chàng có thể lật ngược ngay được thế cờ, chuyển bại thành thắng tức khắc. Nhưng kịp nghĩ lại, chàng ý thức rằng vụ này còn có nhiều điều ly kỳ bí ẩn. Để thong thả xem sao. Liền cất tiếng hỏi người cha cô gái:

- Ông vừa nói rằng Chi Lan sống ở đây vui sướng lắm. Ông làm ơn nói cho tôi nghe ông biết được những gì về nhận xét đó ?

Trọng Minh biết chắc những câu chàng sắp nói tiếp sẽ khiến người cha đã đau khổ lại càng đau khổ thêm nhiều nữa. Nhưng chàng vẫn cứ nói:

- Có điểm quan trọng nhất ông không biết là: Chi Lan bị sống giam hãm gò bó trong chốn này, trong cái thôn làng bé nhỏ ngột ngạt này. Nàng sinh ra để sống một cuộc đời… không phải ở đây. Riêng tôi, khi biết nàng, tôi cảm thấy là tôi đã hiểu được nàng nhiều lắm. Thông minh, nhậy cảm, yêu thương trọn vẹn và thật thủy chung. Đó, con người của Chi Lan là thế đó. Thể xác, phản ảnh tâm hồn, tươi đẹp rực rỡ, hồn nhiên như một đóa hoa trong rừng rậm âm u. Thể xác ấy, tâm hồn ấy, ông nỡ đem phó thác cho tên thô bạo kia. Ông thử tưởng tượng đôi bàn tay ngón dùi đục hung hãn đó sẽ đặt lên người nàng, sẽ vuốt ve thân thể ngọc ngà của Chi Lan. Trời ơi !

Rõ ràng là hai chàng trai đang giành nhau một cô gái… đã chết.

Vất vả lắm, ông Phi mới can được hai người ra. “Thôi đi !” Tiếng quát thét có ý bảo hai người đừng đập lộn nhau nữa hay là để cấm họ ngậm miệng không được nói những lời chua xót như trên. Có lẽ cả hai.

Trọng Minh trừng mắt quay nhìn ông Lê Phi:

- Còn “thôi đi” cái gì nữa. Chính ông đã sinh sự lại còn thắc mắc tại sao sự lại sinh. Sao ông không chịu để Chi Lan nằm yên nghỉ chứ ?

- Nó yên nghỉ sao được. Người ta đã giết nó mà.

Trọng Minh cài lại nút áo sơ mi, đưa bàn tay vuốt lại mái tóc. Trước khi nói tiếp, chàng đưa mắt nhìn thẳng mặt người cha:

- Nếu ông khám phá ra sự thật rằng có nhiều người liên đới trách nhiệm về cái chết của Chi Lan, mà trong số người đó lại có cả ông nữa, thì xin hỏi: khẩu súng kia, ông sẽ chĩa vào ai ?

Bà Liên nhận thấy chồng, khi nghe chàng trai hỏi một câu hỏi khó như vậy, đã cau mặt lại như thể người bị một cú đánh thật mạnh trúng chỗ nhược, liền nói chận ngay:

- Mình ! Mình đừng nghe tên đó nói bậy. Y sợ quá nên nói liều đó. Thây kệ ! Nó muốn nói gì cứ để nó nói… Hừ ! Trước kia con bé vẫn sung sướng vui tươi. Chỉ tại hắn bỗng dưng ở đâu lù lù dẫn xác tới nên mới sinh chuyện.

Chiếc đồng hồ treo kiểu cổ buông tiếng tích tắc, tích tắc như càng làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch của bầu không khí âm u. Đứng dựa lưng vào thành lò sưởi, Giậu chăm chú dán tia mắt nhìn vào một điểm nào đó trên mặt đất. Lúc này, bà Lê Phi đối diện với Trọng Minh. Chàng nhận thấy đôi tròng mắt bà mẹ cũng màu nâu như mắt của Chi Lan, một màu nâu huyền ảo, linh động giữa hàng lông mi cong vút.

Ông Lê Phi lẩm bẩm:

- Tôi không như người khác. Tôi chưa hề bảo anh là thủ phạm kia mà ! Nhưng tôi muốn biết sự thực ra sao. Thế rồi, sau cuộc hò hẹn với con gái tôi...

- Tôi đã nói với ông rồi mà. Tôi không gặp mặt Chi Lan. Bữa đó, nhiều đoạn phim phải quay lại, chúng tôi bận làm việc túi bụi suốt ngày mà.

- Anh viện cớ…

- Tôi không viện cớ. Tôi xác định rằng…

Ông Lê Phi thong thả giơ một bàn tay. Giọng nói của ông từ tốn nhưng nhiễm vẻ đắc trí khi thấy Trọng Minh nói dối lòi chuôi:

- Sau khi hò hẹn, anh định chỗ gặp gỡ con gái tôi tại vựa rơm, và anh đã đi tới đó.

- Tôi đã lập đi lập lại nhiều lần rằng…

- Tôi có người làm chứng đây.

- Người chứng ! Quả là một sự lạ !

Dứt lời, Trọng Minh lại tự nhủ: “Thật đúng là một phiên tòa. Một phiên tòa mà các vị Thẩm phán công tố gồm ba người. Tất cả ba người đó lại đều có thành kiến là đã bị chàng xúc phạm. Trên mặt họ, sát khí đằng đằng. Trọng Minh băn khoăn không biết nên ngại cái đầu óc ngang bướng hẹp hòi của Giậu hay thái độ trầm tĩnh nhưng sáng suốt của ông Lê Phi hay… nét mặt lạnh lùng, im lặng, nhưng quyết liệt của bà Liên, vợ ông Phi.

Tiếng người cha vang lên chát chúa:

- Đưa nó vào !

Từ lúc khởi sự cho đến bây giờ, lần đầu tiên mới thấy bà Liên động đậy chân tay. Bà tiến về phía cuối phòng, mở cánh cửa nhỏ. Một cô gái xuất hiện.

Trọng Minh bỡ ngỡ không biết cô gái đó là ai.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>