Mặt trời vừa khuất sau rặng cây, ánh nắng dịu dần và tắt hẳn trên ngọn cây sầu đông trước cửa nhà. Một vài cơn gió nhẹ khẽ đong đưa hàng sầu đông và từng chiếc lá rời cành bay là là trong khoảng không rồi nhẹ đáp xuống đất, từng chiếc lá và từng chiếc lá cứ tiếp tục rơi. Trên cao, một vài cụm mây trắng nhẹ nhàng bay ngang và cứ thế bay mãi...! Em khẽ chép miệng "Buổi chiều hôm nay sao mà đẹp quá" Chợt giật mình em kêu lên "Sắp thu rồi đấy! Chóng ghê!" Thế là em đã về đây được 3 năm rồi đấy. Nhớ ngày xưa khi bố em còn sống, cứ đến gần thu là mẹ em rọc lá, gói bánh, làm bánh v.v... Bố em đi làm về ăn cho xong bữa cơm không kịp xỉa răng, ngồi cặm cụi lo vót, gọt rồi uốn tre để làm từng chiếc lồng đèn xinh xinh với nhiều hình chim cò ngộ nghĩnh. Em mang lại cho bố cây tăm xỉa răng và ngồi xuống phụ giúp bố dán lồng đèn. Những chiếc lồng đèn với nhiều mầu sắc như tình bố thương con. Mà quả thật vậy, trong những năm bố em còn sống, năm nào gia đình em cũng lo ăn mừng Tết Trung Thu thật lớn và vui vẻ. Đối với những tâm hồn còn non nớt và ngây dại như chúng em, Tết Trung Thu thật đẹp và thật vui. Thế mà bây giờ, khi bố đã chết... Mắt em cay cay khi nghĩ đến Tết Trung Thu sắp tới của lũ em, của em, một đàn con nheo nhóc bạc phước kể từ ngày cha mất.
Bố em mất đi cách nay đã 3 năm. Kể từ ngày bố mất, mẹ dọn nhà từ Cần Thơ về đây, vất vả ngày hai buổi đi làm cho một công sở của chính phủ để mỗi tháng được vài ngàn nuôi đàn con thơ dại. Riêng em mới có 14 tuổi đầu, cái tuổi còn măng sữa ; đáng lẽ em phải được cái diễm phúc như chúng bạn ngày hai buổi cắp sách đến trường. Nhưng em đã phải nghỉ học ở nhà trông em, nấu cơm, còn dư thời giờ thì cùng đứa em trai gánh thuê từng đôi nước để được vài chục cho lũ em ăn quà sáng.
Thu sắp về, em không biết làm sao để có tiền mua vài chiếc bánh, vài cái lồng đèn xếp cho lũ em lúc Tết Trung Thu sắp về. Em hy vọng rằng từ đây đến đó sẽ có thêm nhiều mối kêu nước và em sẽ rán nhận tất cả để có tiền mua cho chúng thật nhiều quà Trung Thu cho chúng mừng. Nghĩ đến đây, em thích thú mỉm cười vì tin chắc rằng dưới suối vàng hồn bố cũng mãn nguyện ngậm cười khi thấy con gái lớn của bố đã làm tròn bổn phận của người chị cả đối với lũ em thơ.
Mải suy nghĩ vẩn vơ trời đã sẫm tối mà thau đồ còn đầy, em hối hả giặt thật nhanh để còn kịp vào phụ mẹ chiên bánh đem bỏ mối.
*
Em tỉnh dậy giữa mùi ê te nồng hăng hắc của bệnh viện và giữa tiếng khóc nức nở của mẹ. tiếng kêu đau thương "Chị Hai... Chị Hai..." của lũ em nhỏ dại. Ngơ ngác một giây, em sực nhớ lại tất cả mọi việc, nhìn xuống thấy đôi chân băng bột trắng xóa. Bé út Hải thấy em mở mắt vội rời lòng mẹ và chạy a lại kêu em bằng những tiếng ngọng nghịu "Chị... ai... chị... ai!" Em nấc lên choàng ôm lấy bé và òa khóc. Em nhớ lại: lúc sáng này khoảng 7 giờ bác Sáu ở đầu ngõ kêu em gánh cho 12 đôi nước.
Mừng rỡ, em nuốt vội bát cơm chiên rồi quảy gánh thùng đi ngay, vì sợ không kịp giờ đi bỏ mối bánh chiên tối qua. Người ta hẹn 9 giờ mà bây giờ chỉ còn khoảng tiếng rưỡi đồng hồ nên em hấp tấp gánh đôi thùng nước cố gắng đi thật nhanh cho kịp giờ. Bất ngờ lúc ngang qua một vũng nước do cơn mưa đêm qua đọng lại thì: "Soạt...!" Em rú lên và khụy xuống, đôi nước trên vai đổ xuống tung tóe trên mặt đất. Lúc đó, trước khi ngất đi, em nghe có nhiều người nói lao xao và những tiếng khóc ré lên văng vẳng ngân dài. Đầu hoa lên, chân tê cứng, trước mắt em những hào quang tóe ra, rồi một khối đen sì chụp lấy em, em bất tỉnh. Bây giờ tỉnh lại em thấy người đau nhức khó chịu, chân thì cứng ngắc ; em có cảm tưởng rằng bắt đầu từ bây giờ cái chân yêu quí, một phần thân thể của em không còn cử động được theo ý em muốn nữa. Tuy thể xác em đang đau đớn, nhưng những cái đau đó không đau bằng cái chua xót và đau đớn của tâm hồn một người chị cả không làm tròn bổn phận đối với đàn em khờ dại. "Cái ngã" bất chợt vì vô ý của em đã làm cho bao tia hy vọng được ăn bánh và chơi đèn lồng đêm Trung Thu của lũ em nhỏ tiêu tan thành mây khói. Em cảm thấy oán giận mình hơn vì 1 phút bất cẩn đã làm tan tác bao giấc mộng của lũ em và cũng đã đập tan niềm hy vọng có tiền mua quà Trung Thu cho em của một người chị cả. Em càng xé ruột hơn khi tưởng tượng ra đêm Trung Thu, đàn em nhỏ bé của em đứng vào một xó tối nhìn theo các bạn chúng vui đùa với đèn, với bánh trên tay, trong một cặp mắt thèm thuồng và mơ ước. Đang miên man trong vùng chua xót, tiếng mẹ cất lên kéo em về với thực tại, "Thôi con đừng buồn nữa mà khổ hơn con ạ! Nếu lỡ con có bề gì thì mẹ sẽ sống sao đây...?"
Mẹ nghẹn ngào nức nở vì cảm động dâng trào. Lúc lâu, nén cho cảm xúc lắng xuống, mẹ tiếp:
- Mẹ vừa mới lãnh lương đây con. Mẹ vừa lãnh tiền ra khỏi cửa, được tin gọi mẹ chạy vội về nhà rồi vào đây. Thôi nghèo lỡ cho nghèo luôn con ơi! Mẹ cũng rán trích ra vài trăm mua bánh ngọt cho lũ trẻ để chúng ăn mừng đêm Trung Thu ; còn đèn lồng mẹ cũng sẽ mua cho mỗi đứa một cái. Thôi cũng xong rồi ; con đừng buồn nữa nhé! Con buồn mẹ cũng khổ lắm con ơi!
Tủi thân em òa khóc, tiếng thằng Sơn vang lên càng làm cho em tủi thân hơn:
- Thôi mẹ à, đừng mua bánh và đèn cho tụi con nữa. Để dành tiền đó mua thuốc cho chị Hai con đi mẹ! Có thuốc chị Hai mới mau lành bệnh và mạnh khỏe để dìu dắt tụi con nữa chứ.
Thằng Sơn vừa dứt lời thì cả lũ nhao nhao lên: "Phải đó mẹ, để dành mua thuốc cho chị Hai con đi mẹ!" Em nhìn mẹ, mẹ nhìn em, nước mắt hai mẹ con chảy dài, giọt lệ nóng trào dâng nghe mặn như tình thương gia đình thật đậm đà hương vị.
Bố ơi! Bố ở đâu? Bố có nghe những lời của em con vừa nói đó không! Chúng khôn trước tuổi, vì cái nghèo và khổ gây ra đó bố ạ! Con chắc bố không nghe vì bây giờ bố đâu có bên chúng con nữa???
Trung Thu! Ôi một đêm Trung Thu thật bất hạnh cho những đứa con mất cha, những đứa trẻ của những gia đình nghèo. Chắc chắn rằng Trung Thu của chúng nó không bánh, không đèn, nhưng chúng nó vẫn không buồn vì bao giờ chúng cũng còn có phước hơn bất cứ những đứa trẻ bạc phước, không cha, không mẹ, không gia đình, không tình thương ; bởi vì chúng còn có tình thương mẹ, tình thương chị, tình thương em, để mà dựa vào nhau cùng sống.
Ôi! Nồng nàn và cao quí thay cho tình thương gia đình dù nghèo nhưng vẫn đượm mến yêu!
Em nhắm mắt lại mơ màng và tưởng như có muôn ngàn tình thương đan thành một tấm lưới dầy bao phủ em ; và chợt trong một tiềm thức nào ẩn hiện, em bắt gặp nụ cười tươi của bố em như thầm mãn nguyện, vì vợ và con của người đã biết thương nhau...
NGUYỄN THỊ BÌNH
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 185, ra ngày 15-9-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.