Tăng nện mạnh gót "Săng đan" trên nền đất. Tiếng lộp bộp vang lên rồi tắt ngay trên sân trường khiến Tăng thêm bực tức.
Từ nãy lúc biết mình rơi cặp, Tăng nhảy lên xe quay lại tìm, Tăng còn có tư tưởng hài hước coi mình như một nhà hiệp sĩ đi giải thoát cho một giai nhân đang lâm nguy. Sau khi bao lần thất vọng vì hình ảnh chiếc cặp nằm ở một góc đường rồi góc sân trường chỉ là một ảo tưởng, Tăng thấy lo sợ. Nét mặt giận dữ của ba hiện lên làm Tăng khổ sở. Tăng nhăn mặt lại. Bỗng nhiên Tăng thấy cáu mình, cáu tính lơ đễnh của Tăng. Mặt Tăng như mếu. Tăng muốn khóc cho hả cơn tức nhưng nước mắt đọng trong lòng con mắt không ra.
Có tiếng đi trên cầu thang gác xuống. Tăng vội đổi luôn nét mặt. Tăng liếc mắt nhìn: hai anh bạn ở lại học bây giờ mới về. Tăng thấy nỗi bực dọc tăng lên vì hai người phá mất sự bực dọc của mình vừa rồi.
Một người hỏi:
- Mất gì đấy Tăng?
Tăng gượng gạo đáp cộc lốc:
- Mất cặp!
Cả hai tiếng cười phá lên khi tiến tới Tăng. Tăng nắm chặt bàn tay lại, co lên, hằn những bắp thịt hình thoi, gân xanh nổi như cọng rau muống nhỏ. Tăng toan đấm vào mặt một người rồi muốn ra sao thì ra, nhưng chợt trông thấy họ đều to hơn mình, Tăng rụt lại, dằn sự tức giận, cánh tay Tăng buông thõng xuống như cũ, nhưng bàn tay vẫn nắm chặt. Tăng quát khẽ:
- Cười gì?
Thấy bạn cáu, hai người không cười nữa. Một người giảng giải:
- Chúng tớ cười cái dây chằng của cậu, đứt chứ gì? Chiếc dây từ đời tám hoánh nào!
Nhìn chiếc dây cao su đen kịt đã chảy, Tăng thấy họ nói đúng. Tăng không cáu họ nữa nhưng lại bực mình vì chiếc dây. Tăng nghĩ tức cả ba nữa. Chiếc dây chằng cũ quá, gần đứt mà ba chưa mua chiếc khác. Tăng bỗng thất ngột nghẹt bực tức dù Tăng biết sự bực của mình vô lý, chiếc dây chưa đứt, chỉ có cặp rơi...
Tăng có cảm tưởng như mình vừa ở trong bếp nóng ra. Bao nhiêu nỗi bực dọc lắng xuống hết. Tăng lẩm nhẩm lại câu nói dối. Tăng nghĩ tới lúc ba nhận lỗi, Tăng mỉm cười. Nhưng nụ cười không bao giờ đậu lâu cả, một nỗi lo sợ nhẹ tới với Tăng, nhỡ ba biết Tăng cắt đứt dây rồi nói dối ba, tội nặng lắm. Tăng tự an ủi: biết thế nào được, và Tăng lại mỉm cười.
Nhưng đến nhà thì Tăng bắt đầu lo. Tăng dắt xe chậm chậm vào.
Có tiếng ba hỏi:
- Đi đâu bây giờ mới về?
Tăng không đáp chờ câu thứ hai, Tăng thấy lòng mình trống rỗng ; Tăng giơ tay che ngực vì sợ ba biết tiếng tim mình đang kêu thình thịch.
Không thấy Tăng trả lời, ba im lặng nhưng bỗng ba đổi sang hốt hoảng liền ngay:
- Kìa! Cặp mày đâu rồi?
Chỉ đợi thế, Tăng vừa kéo xe đạp giật lùi ra cửa vừa giả vờ kêu to:
- Thôi chết rồi! Rơi mất cặp rồi! Ơ, đứt dây chằng rồi!
Nói xong, Tăng thấy có vẻ giả tạo, không tự nhiên. Tăng cảm thấy nửa như vui mừng, nửa như lo sợ, cảm giác kỳ lạ đó khiến Tăng như ngứa ngáy chân tay. Có cái gì đè nén ngực Tăng. Con đường ra cổng tự nhiên dài quá. Tăng muốn chạy mau khỏi cổng, nhảy lên xe rồi muốn đi đâu thì đi cho tan cái cảm giác này.
Chiếc xe vừa tới cổng, ba Tăng đã gọi giật lại:
- Này Tăng, vào đây!
Tiếng gọi làm Tăng mất ngay cảm giác kỳ lạ đó. Giọng ba êm dịu, không gay gắt như mọi khi. Bây giờ hình như nó chìm xuống trong lòng, nhưng một nỗi lo ngại tràn lên. Một tràng cười ròn rã của mọi người làm Tăng thêm hoang mang ngơ ngác. Tăng biết có sự lạ. Tăng chờ đợi. Tim Tăng đập mạnh hơn và Tăng thấy mồ hôi nhỏ giọt sau lưng áo.
Có tiếng lê sền sệt dưới gầm giường lẫn với tiếng ba vọng ra:
- Hừ, đi nói dối cha, về nhà nói dối chú, chả cặp là gì đây? Có đứa nó bảo mày để quên, nó mang về!
Tiếng ba Tăng vừa dứt, Tăng không ngơ ngác nữa, vì đã biết sự thật, nhưng cùng một lúc ba cảm giác đến với Tăng. Bực tức vì bị người bạn đùa một vố đau, buồn cười vì cảnh buồn cười của mình và ngượng ngùng vì bị bắt quả tang nói dối. Ba cảm giác đó hòa trộn lẫn nhau khiến Tăng muốn nguyền - rủa người bạn, nhưng không dám, Tăng muốn cười để che giấu sự ngượng nghịu, nhưng Tăng đoán cười bây giờ sẽ gượng gạo lắm, Tăng lại không cười. Tăng muốn cãi lý với ba nhưng không biết cãi làm sao. Ba cảm giác đó cứ tăng mãi lên hòa trộn vào nhau thêm làm Tăng đứng đờ người như khúc gỗ, mặt đỏ rần.
Bây giờ tim Tăng không đập mạnh nữa, nhưng Tăng biết mồ hôi sau lưng, trong mình, đang chảy xuống nhiều, nhiều hơn bao giờ hết...
THƯƠNG TÂM
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 72, ra ngày 1-7-1967)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.