Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

CHƯƠNG IV, V, VI_NHÓM LỬA


Lan Hương


Sàigòn, ngày… tháng… năm…      


  Chị Lan Hương mến,

Hai tuần rồi, không thấy chị về, ba má và bọn em mong chị ghê vậy đó. Ba má bảo em viết thư hỏi thăm chị xem tại sao thế ? Có bận việc gì chỉ cũng phải viết thư về cho gia đình yên tâm chứ ! Nếu thu xếp để về được cuối tuần này thì hay lắm, em có chuyện muốn hỏi ý kiến chị đó.

Tiện đây, em kể lại chị nghe câu chuyện đã khiến em phải suy nhgĩ không ngơi suốt mấy ngày nay. Chị đọc và suy nghĩ rồi khi về, cho em biết ý kiến nhé !

Chị nhớ Dũng chứ ? Con trai bác Sơn ở Cần Thơ đấy ! Em nhớ thì dường như chị mới tiếp xúc với hắn có hai ba lần gì đó thì phải ! Có một lần, chị đã nói với em : con người của Dũng như mang nặng một hoài bão nào đó… Chị nhận xét thật đúng, hắn có một nếp sống định hướng và rất tin tưởng vào hướng đi của mình. Hôm nọ, mấy ngày sau khi từ chối lời mời hợp tác với ban Four Stars của chúng em, hắn mời em và con Lan Phương cùng đi thăm một cô nhi viện, nơi mà hắn và người bạn tên Nhật đang hoạt động. Lan Phương bực mình vì lời từ chối của hắn, nó không chịu học với hắn, từ chối luôn chuyến đi. Phần em, thực sự, em cũng bực mình không kém – làm sao vui được khi có kẻ khác làm phật ý mình, mà ý mình nào phải là ý có hại cho hắn – nhưng vì lịch sự, vả, em muốn xem hắn định toan tính gì ? Em nhận lời đi cùng hắn. Thằng Tuấn, con Lan Anh cũng có mặt trong chuyến đi này. Dũng và Nhật mới đến Sàigòn, và bọn hắn cũng mới đến cô nhi viện Từ Tâm này đâu hai ba lần, vậy mà bọn trẻ ở đó đối với bọn hắn thật thân mật như đã quen biết nhau từ lâu. Bọn hắn chung tiền mua bánh, kẹo đến chia cho bọn trẻ, hát cho bọn trẻ nghe, dạy bọn trẻ hát, bày trò chơi với bọn trẻ. Nhật có tài kể chuyện rất hấp dẫn, hắn kể những chuyện lịch sử khô khan mà bọn trẻ nghe say mê. Chính em, đôi lúc, em đã thấy mình như bé nhỏ hẳn, như trở lại cái tuổi lên mười, mười một, cái tuổi say mê những chiến công oanh liệt của anh hùng dân tộc. Dũng không nói, Nhật cũng không nói rõ, nhưng em biết, ý bọn hắn muốn được em giúp một tay…

Chắc chị chưa quên những ý tưởng của em ngày xưa. Cho đến bây giờ, em vẫn còn cho những ý tưởng đó là đẹp. Em hình dung lại những tối nhàn hạ cách đây hai năm, khi chị còn đang học sư phạm và em đang sửa soạn thi phần nhất, em với chị hay ra ngồi trên ghế xích đu trước vườn tâm sự, vẽ vời mộng ước cho nhau nghe. Chị em mình cùng có những ước vọng thật đẹp. Chị em mình cùng thấy tương lai là một màu xanh tràn đầy hy vọng, cùng tưởng chừng khi lớn lên, sẽ làm được những việc phi thường, cải tạo hoàn toàn cái xã hội đau thương này… Rồi lớn lên, ngày chị ra trường, ngày em thi phần hai… Chị bắt đầu chán nản vì phải va chạm với thực tế ngoài đời, em cũng khởi sự buồn bực, nếu không muốn nói là bất mãn trước sự thực. Em cho rằng lý tưởng chỉ là không tưởng. Lập Four Stars, em muốn tạo cho mình một tên tuổi, em cũng muốn đưa đẩy mình vào những giờ phút tìm quên. Em chưa đến nỗi có ý tưởng như một số bạn bè : còn sống ngày nào, cứ hưởng thụ ngày ấy, nhưng cũng gần như vậy. Lý tưởng của chị em mình tưởng chừng đã chắp cánh về hẳn miền dĩ vãng…

Sau chuyến đi thăm cô nhi viện với Dũng, bỗng nhiên, em thấy những mộng đẹp ngày xưa đang vỗ cánh bay về. Bao nhiêu lần em muốn khuất phục Dũng, rồi cuối cùng, em chịu thua hắn. Lần này, hắn đã gieo vào lòng em một chút tin tưởng, rằng mình vẫn có thể làm được những gì mình cho là cao đẹp và ước muốn làm được. Em sắp thua hắn rồi chị ạ… Sắp thua vì em thấy rằng rồi em sẽ phải chọn lựa, một đàng là thụ hưởng tìm quên, một đàng là dấn thân hành động. Dù sao, em cũng phải học, em không thể ôm đồm cả hai…

Viết thư này đến chị, viết những ý nghĩ của em đến chị, em mong chị đọc với tâm hồn của chị em mình hai năm về trước…

Chị cố thu xếp để về cuối tuần này. Em mong lắm. Chúc chị an vui.

Mến,      
Em trai của chị
TRÍ        

*

Người tài xế quay lại hỏi :

- Thưa cô, biệt thự Trần Long ?

Tôi giật mình, gấp lá thư của Trí lại :

- À… vâng… Biệt thự Trần Long… Sắp đến rồi đó ông à… Đó, căn biệt thự có cái cổng sắt xanh lá cây…

Chiếc taxi dừng lại trước cổng. Tôi trả tiền rồi bước khỏi xe, tiến đến bên cổng. Chưa kịp bấm chuông gọi, em gái út tôi, Lan Anh, đã trông thấy, chạy vội ra mở cổng. Nó tíu tít hỏi thăm :

- Chị Hương, sao lâu quá chị không về ? Ba má và tụi em ở nhà mong chị ghê vậy đó !

- Chị có việc bận quá…

- Bận đến nỗi không viết thư về được nữa ?

- Trách oan chị rồi đấy… Làm gì lại bận đến thế. Nhưng vì công việc không ước chừng được thời gian, cứ định viết thư nhưng lại sợ xong việc thình lình, chị về được thì thành ra lá thư… là lá thư vô duyên mất !

Trí lấp ló nơi cửa sổ phòng học. Thấy tôi, nó mừng rỡ chạy ra. Trí đỡ hộ cái va li nặng. Nó trách Lan Anh :

- Mầy hư quá đi thôi, sao không xách hộ chị Hương ?

Lan Anh :

- Tại em thấy chị Hương về, em mừng quá, em quên chứ bộ…

Trí :

- Em mong chị quá chừng, nhưng chị về hôm nay thì hơi đáng tiếc một chút…

- Sao vậy ?

- Dũng về Cần Thơ thăm bác Sơn từ chiều qua rồi… Chiều ngày kia hắn mới xuống…

- Ừ, thế thì tiếc thật…

Lan Phương chạy ra :

- Có quà cho em không đó chị Hương ?

Tôi cười :

- Gớm, mới gặp mặt đã đòi quà rồi… Chị không quên đâu… Mà này, má với thằng Tuấn đâu rồi ?

Trí :

- Sao chị chỉ hỏi má với thằng Tuấn ?

- Thì ba làm gì chị không biết giờ này ông còn đang ngủ khò…

Trí cười :

- Chị nhớ dai quá… Em tưởng xa nhà rồi chị quên mất cái tật sáng chủ nhật thức dậy trễ của ba rồi chứ !

- Làm sao quên được em. Nhớ nhiều hơn nữa là khác. Nhất là vào những lúc ở không, nhớ nhà đến phát khóc được… Ờ, mà em chưa cho chị biết, má và thằng Tuấn đâu không thấy ?

Lan Phương :

- Thằng Tuấn đang học…

Tôi lắc đầu :

- Cái thằng đến thành… con mọt sách mất thôi… Còn má ?

- Má đang… mà kìa, má ra kìa !

Má tôi bước vào phòng khách. Tôi chạy lại ôm chầm lấy má. Má tôi hỏi :

- Sao kỳ này ở trên ấy lâu thế con ?

- Con có việc bận bất ngờ má à… Chắc má mong lắm… Con xin lỗi má nghe má…

- Lỗi phải gì, thấy con về là má mừng rồi… Dạo này con hơi gầy đó nghe…

Trí :

- Phải đấy, chị dạo này hơi gầy đấy… Chị bận việc gì vậy ?

- Chút nữa rồi chị sẽ kể cho em nghe. Bây giờ, để chị đi rửa mặt cái đã chứ…

*

Vắng mặt Dũng, có đáng tiếc thật đấy, nhưng nhờ thế, chị em tôi dễ dàng trò chuyện, tâm sự hơn. Trong thư, Trí viết hỏi ý kiến tôi về hai con đường mà nó đang phân vân chọn lựa. Tôi không trả lời thẳng câu hỏi đó khi nó lập lại với tôi. Tôi kể cho nó nghe công việc đã cầm chân tôi ở lại Bình Dương hai tuần nay :

- Chi tiếp tay với một đoàn hướng đạo lo giúp đỡ một số dân tị nạn chiến tranh tại một làng nọ. Chị lãnh phần ghi chép lý lịch, công việc dễ dàng lắm nhưng dân tị nạn đông quá, nhiều người lại không biết chữ, gây khó khăn quá…

Trí ngắt lời tôi :

- Chị chưa trả lời câu em hỏi ?

Tôi nhìn sâu vào mắt Trí :

- Chị vừa trả lời với em rồi đó…

- Em… em chưa hiểu rõ…

- Ý nghĩa việc làm của chị hai tuần nay có khác gì ý nghĩa việc hoạt động của Dũng ở cô nhi viện Từ Tâm…

Giọng em tôi trầm trầm :

- Em hiểu chị muốn nói gì rồi…

Tôi nói với cảm tưởng rằng mình đang ở địa vị một giáo sư Sử Địa và em trai tôi, đang là đứa học trò ngoan :

- Kinh nghiệm cho chị thấy rằng ở tuổi còn cắp sách đến trường, trong đà hăng say, nếu có những ước vọng đẹp, hãy cố gắng thực hiện đi. Đừng để dành đến khi ra đời như chị… Ra đời rồi, thật khó cho mình làm những gì mình muốn làm…

Trí hơi cúi đầu. Tôi thấy bờ môi em tôi mím lại. Dường như nó đang bị dằng co dữ dội giữa hai ngã đường và vẫn chưa quyết định được. Thốt nhiên, tôi nhớ đến những tối cách đây hơn hai năm, khi chị em tôi còn xây bao mộng đẹp, những mộng ước của tuổi trẻ Việt Nam đang muốn dựng lại căn nhà Hồng Lạc…


Nhật

Là bạn thân của Dũng, tôi hiểu nó hơn ai hết. Mời Trí đến thăm cô nhi viện Từ Tâm, một đàng Dũng muốn đem việc làm của mình ra để cho Trí thấy rằng lý do nó từ chối hợp tác với ban Four Stars là chính đáng, đàng khác, Dũng muốn lôi cuốn Trí vào hoạt động của mình.

Dũng nhận xét về Trí như sau : một thanh niên có chí hướng nhưng đứng trước sự thật bất như ý, đã chùn chân, thu mình vào nếp sống an nhàn. Dũng ước ao sẽ đem việc làm của mình ra hầu gây một niềm tin nơi Trí. Nó thích được là cái gạch nối liên kết những tuổi trẻ có tâm hồn đẹp.

Chính tôi, tôi cũng là người đã bị Dũng lôi cuốn. Chúng tôi học chung lớp nhau từ đệ thất, nhưng đến năm đệ nhị, chúng tôi mới thân nhau. Chính trong những ngày học thi đầy lo âu, chúng tôi đã tâm sự với nhau rất nhiều. Và Dũng đã tỏ lộ ý hướng của nó cho tôi biết : nó say mê một con đường xây dựng. Dũng rất thích một câu chuyện. Chuyện căn nhà mục nát, xiêu vẹo nọ giữa cơn bão lớn. Kể chuyện này, giọng Dũng đầy say mê :

- … trong căn nhà đó, có những người bi quan, nghĩ rằng trước sau gì căn nhà cũng sụp đổ, vội đi tìm một chỗ trú an toàn. Nhưng cũng có nhiều người không nghĩ thế, họ đã ra tay sửa chữa, chống đỡ căn nhà. Những người này thật đáng cổ võ, khích lệ. Nhưng có một điều đáng tiếc : Sửa chữa, chống đỡ căn nhà cũ, họ lại không chịu nghĩ đến việc xây dựng một căn nhà mới ; hoặc nếu có nghĩ đến, phần đông lại chỉ muốn mình làm bức tường, cái cột, mái ngói, cánh cửa của căn nhà, chứ ít ai chịu làm hòn đá vụn nơi chân móng…

Ý hướng của bạn tôi nhắm vào việc dựng xây căn nhà Việt Nam mới. Hẳn nhiên, đó chẳng phải là ý nghĩ độc quyền của Dũng, mà có thể, đã có rất nhiều người đã nghĩ tương tự thế. Nhưng nghĩ, nói là một chuyện. Có dám làm những gì mình nghĩ, mình nói hay không, đó mới là quan trọng…

Từ thuở đệ nhị, tôi đã mê say với ý hướng của Dũng. Suốt một năm đệ nhất, chúng tôi sống trong những ước vọng tuyệt vời, trong giấc mơ sẽ thực hiện được những gì mình mong ước. Môi trường trung học chỉ giúp chúng tôi trau dồi tài năng, nuôi luyện ý chí. Chúng tôi cùng hẹn nhau khi bước chân lên đại học, chúng tôi sẽ thực hiện những ước mơ đó. Cả hai cùng muốn ở Cần Thơ để dễ hoạt động, nhưng cả hai đều gặp cản trở của gia đình, may mà lên đây, chúng tôi lại ở gần nhau. Chúng tôi đã bắt đầu việc thực hiện giấc mơ xưa bằng những buổi thăm viếng các cô nhi viện…

Tiếng Dũng vang lên :

- Sao ? Mầy thấy hy vọng không ?

Tôi hỏi lại nó :

- Hy vọng chuyện gì ?

- Chuyện Trí !

- Tao thấy ít hy vọng lắm… hắn ta chưa xiêu lòng đâu…

- … nhưng ít ra mình cũng gợi lại trong tâm tưởng hắn những gì tốt đẹp mà bấy lâu nay hắn đã lãng quên… Tao nghĩ như vậy cũng là tốt lắm rồi… Mà thôi, mình tập bài “Tập tầm vông” đi chứ !

Tôi với tay lấy cây đàn. Tội nghiệp cây guitare cũ của tôi, đã mấy lần định đem đi đánh lại lớp verni sờn loang lổ mà rồi bận việc này, việc nọ quên đi.

Dũng hát :

Tập tầm vông, tay không tay có

Tập tầm vó, tay có tay không

Tay nào có ? Tay nào không ?

Tay nào có ? Tay nào không ?


Tôi tiếp :

Tập tầm vông, tay không tay có

Tập tầm vó, tay có tay không…


Vừa hát, tôi vừa chỉ vào một trong hai tay của Dũng. Dũng thôi đàn, cười bảo tôi :

- Bài này, mình bày trò chơi được đấy !

- Hẳn là phải được rồi. Cứ chia bọn trẻ làm hai, bên này hát đố thì bên kia trả lời. Bên nào thua sẽ phải trả lời lần nữa và cứ thế tiếp tục…

Tôi cười, vẽ vời trong óc những hình ảnh vui vẻ. Dũng :

- Mầy đã xin phép chưa ?

- Rồi ! Tao mới gặp ông Trưởng Khóm sáng nay. Vừa trình bày xong, ông ta đã vui vẻ cho phép…

- … miệng thôi chứ gì ?

- Ừ, thì khẩu lệnh thôi chứ ở trong xóm làm gì có giấy tờ với ấn ký…

- Rồi mầy có xin trợ giúp phương tiện gì không ?

- Không, nhưng ông ấy tự ý cấp phương tiện…

- Gì ?

- … cho mấy anh lính đằng đó đi loan báo khắp xóm hộ mình.

- Thế thì tốt quá !

- Địa điểm là sân cỏ trước trụ sở khóm, xem cũng khá rộng…

Dũng bỗng nổi hứng, hắn cất giọng :

- Hy vọng đã vươn lên…

Nét mặt rạng tươi và niềm tin của Dũng khiến tôi thấy hăng hái quá !

*

Giữa tôi và Dũng, không chuyện gì nó giấu tôi cả. Bạn tôi có cái tật mà tôi cho là đáng yêu vô cùng : không bao giờ giữ kín một mình bất cứ chuyện vui buồn gì, dù nhỏ nhặt đến đâu.

Dũng kể cho tôi nghe về Lan Phương, em gái Trí. Nó kết luận :

- Cô bé giận dai kinh khủng !

Tôi đùa :

- Sao mày không “vuốt giận” người ta đi !

Dũng lắc đầu :

- Mấy lần định làm quen rồi đó chứ… nhưng…

- … hỏng chuyện phải không ?

Dũng cười không đáp. Tôi hỏi :

- Rồi sáng chủ nhật này, “nàng” có đáp lời mời của mày không ?

- Chưa biết nữa… nhưng theo tao, có đến chín mươi chín phần trăm là Lan Phương không dự rồi…

- Mày luôn luôn là đứa lạc quan, thế mà lần này, sao sớm bi quan thế ? “Chàng” ?

Dũng nhếch mép khó hiểu :

- Với mấy cô thì cũng nên… bi quan là vừa !

*

Nhưng Dũng đã đoán sai. Sáng chủ nhật, Lan Phương có mặt và lại có mặt trước cả Trí, Tuấn, Lan Anh nữa !

Trên sân cỏ rộng, lũ trẻ trong khóm được loan báo, đã tề tựu đông đủ. Hai đứa tôi chạy đôn chạy đáo sắp xếp chỗ ngồi cho chúng (hẳn là ngồi trên cỏ rồi). Ông Trưởng Khóm thật tốt bụng, phái hai nhân viên đến giúp chúng tôi giữ gìn trật tự. Vì ngoài đám trẻ, dân xóm thấy lạ, cũng kéo nhau đến dự khán nữa. Quả là ngoài dự tính của chúng tôi.

Lan Phương đến bên Dũng. Dũng tròn mắt :

- Lan Phương đấy à ?

Lan Phương :

- Chứ không phải em thì còn ai nữa ? Em đến để giúp các anh một tay chứ ! Anh Trí, Tuấn, Lan Anh có chút việc bận, họ sẽ tới sau…

Tôi pha trò :

- Ai bận gì thì tôi không biết chứ anh chàng Tuấn thì nhất định là… bận học rồi !

Lan Phương cười không đáp. Dũng, sau những phút ngạc nhiên đầu, đã thích nghi ngay với sự thật, dàn xếp công việc :

- Vậy thì Lan Phương giúp bọn anh việc này nhé. Em là gái, ăn nói chắc chắn là có duyên hơn bọn anh rồi. Em làm ơn đến chỗ mấy người lớn sắp xếp chỗ của họ cho gọn gàng một chút được không ?

Lan Phương le lưỡi :

- Chắc em không dám đâu…

- Thử một phen xem nào ! Nhớ lựa lời nói cho khéo nghe !

Ánh mắt khuyến khích của Dũng đã khiến Lan Phương vui vẻ đi làm nhiệm vụ. Một lúc sau, Trí, Tuấn, Lan Anh và đặc biệt, có cả Cường và Huy cùng tới. Tôi và Dũng tiếp đón tất cả và mời họ tiếp tay. Dũng bảo nhỏ với tôi :

- Lạ quá Nhật à ! Toàn ban Four Stars kéo đến giúp bọn mình dù rằng mình chỉ mời anh em Trí ! Họ có hảo ý thật sự hay đang toan tính gì đây ? Sao tao lo quá !

- Tao cũng đang thắc mắc… Nhưng thôi, cứ lo việc đi, tới đâu, mình sẽ liệu bề đối phó đến đó…

Mọi việc xong xuôi, Dũng tiến đến mời ông Trưởng Khóm ra trước đám đông ngỏ vài lời giới thiệu. Tôi chạy ra giữ trật tự đám trẻ đang trò chuyện ồn ào. Ông Trưởng Khóm nói :

- Thưa bà con trong khóm, cùng các em, hôm nay, tôi hân hạnh xin giới thiệu với bà con và các em một nhóm bạn trẻ có thiện chí, anh bạn Dũng, anh bạn Nhật và các bạn của hai anh. Những người trẻ này sẽ xin phép được sinh hoạt chung với mọi người suốt buổi sáng hôm nay…

Trong lúc ông Trưởng Khóm giới thiệu chúng tôi, Dũng chờ đợi đến phiên mình trình bày, tôi ngồi xem lại bản chương trình thảo sẵn.

Những tiếng vỗ tay rào rào khi ông Trưởng Khóm nói dứt. Dũng mời ông về chỗ rồi tiến ra. Về phương diện ăn nói trước đám đông, Dũng có vẻ mạnh dạn và tự nhiên hơn tôi nhiều, nó nói thật chững chạc :

- Chúng tôi, một số người trẻ, với khả năng và một chút thiện chí, hôm nay, đứng ra tổ chức buổi sinh hoạt này không ngoài mục đích đem lại cho các em trong xóm những giờ phút giải trí thoải mái, tập nếp sống cộng đồng, ôn học những gì đã thu gặt ở nhà trường, hướng tâm hồn về nguồn tộc Việt Nam…

Tôi chuẩn bị đàn, so dây cẩn thận. Lúc Dũng nói xong, giữa tràng pháo tay tán thưởng, tôi bước ra làm nhiệm vụ. Bài hát tôi giới thiệu đầu tiên là bài “Hỏi tên” :

- Anh sẽ hát trước một lần, sau đó các em sẽ cùng hát theo…

Đám trẻ át giọng tôi :

- Bài hát có dài không anh ?

- Rất ngắn và rất dễ !

Bài hát ngắn và dễ này đã gây không khí sôi động ngay từ đầu. Dũng hợp sức với tôi điều khiển đám trẻ. Tiếng hát của chúng vang lên :

Này người bạn tên chi cho tôi biết để gọi này

Này người bạn tên chi ?


Tôi hoặc Dũng sẽ chỉ một em trong bọn. Em đó tự giới thiệu tên mình. Tất cả lại hát tiếp :

À người bạn tên chi, tôi đã biết để gọi rồi

Chào người bạn thân yêu…


Với những tên có vần bằng, cả bọn thay chữ “chi” bằng tên đó, vào câu cuối cùng, cả bọn sửa lại là “Chào người bạn tên…”. Nhiều cái tên vần trắc khó gọi, nhưng một lúc quên biệt, đám trẻ đem ghép vào và bài hát bị trở ngại ngay. Nhưng cũng chính những trở ngại đó đã làm cho sự vui vẻ gia tăng. Một lúc cắc cớ, tôi chỉ ngay Dũng :

… này người bạn tên chi ?

Bị bất ngờ, Dũng buột miệng :

- Nhật !

Liền đó, nó bụm miệng, đính chính ngay :

- Ý quên ! Dũng !

Đám trẻ và mọi người cùng cười ồ !

Dũng cười theo mọi người. Nụ cười mà tôi nghĩ, không phải là nụ cười thẹn, nhưng là nụ cười sung sướng. Vì chúng tôi đã tạo được niềm vui hoà đồng với mọi người.

Sau bài “Hỏi tên”, chúng tôi bị đám trẻ “Hỏi bánh kẹo” lại. Dũng chạy lăng xăng lo chia bánh, kẹo. Four Stars, Tuấn và Lan Anh giúp chúng tôi khá đắc lực. Chỉ một loáng, mấy gói bánh kẹo lớn do tôi và Dũng chung nhau mua đã cạn sạch. Lan Anh nhanh trí, giữ lại cho chúng tôi mỗi người được một viên kẹo hoặc một cái bánh để gọi là… có phần !

Dũng hát “Trường làng tôi”, rồi sau đó, Lan Phương hát “Viễn du”. Một em trong đám trẻ, hứng chí xin ra hát “Cái nhà là nhà của ta” với sự phụ hoạ của hàng… mấy chục giọng khiến tiếng đàn tôi trở thành vô duyên quá chừng !

Nắng lên, nhưng trời như chiều lòng chúng tôi, dịu mát. Chúng tôi bắt đầu trò chơi học hỏi. Dũng ra điều lệ :

- Các anh sẽ đặt câu hỏi để các em trả lời. Ai cũng được quyền trả lời hết. Muốn trả lời, các em chỉ việc giơ tay lên. Sau một số câu hỏi, các anh sẽ chọn một em xuất sắc nhất để trao phần thưởng…

Bọn trẻ nhao nhao lên :

- Phần thưởng gì vậy anh Dũng ?

- Nhiều không anh Dũng ?

Dũng khoa tay :

- Chút nữa rồi các em sẽ biết mà. Bây giờ anh bắt đầu nhé !

Đám trẻ ngồi im lặng đợi nghe. Xem Dũng chẳng khác nào một ông thầy. Nó cất tiếng :

- Đây là câu thứ nhất : Hình dáng nước ta thế nào ?

Bọn trẻ đua nhau giơ tay và trả lời :

- Giống chữ ét sờ…

Dũng cười thật tươi :

- Các em giỏi quá đi !

Bọn trẻ :

- Em đáp trúng nghe anh ! Anh nhớ ghi tên em nghe anh !

- Em nữa anh ơi !

- Em nữa…

Dũng quay sang tôi :

- Mầy làm phận sự đi chứ !

Tôi lấy giấy bút ra làm… giám khảo. Tôi hỏi :

- Đâu nào, em nào đáp trúng đâu, cho anh biết tên đi ?

- Hoà !

- Thanh !

- Lộc !

- Ý ! Thằng Lộc ăn gian anh Nhật ơi ! Em thấy hồi nãy nó đâu có trả lời…

Dũng đặt câu hỏi thứ hai :

- Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày nào ?

Lần này thì chỉ có hai đứa giơ tay. Thằng Hoà :

- Mồng mười tháng ba…

Thằng Thanh :

- … âm lịch.

Dũng :

- Đúng lắm ! Mồng mười tháng ba là ngày Giỗ tổ Hùng Vương… Các em khác đã nhớ chưa ? Nào ! Các em lập lại xem nào !

Bọn trẻ rập theo nhau :

- Giỗ tổ Hùng Vương, mồng mười tháng ba…

Câu thứ ba :

- Lê Lai tên thật là gì ?

Bốn năm đứa tranh nhau :

- Nguyễn Thân !

Thằng Thanh “trả bài” :

- Lê Lai tên thật là Nguyễn Thân, nhờ lập được công trận, Lê Lợi mến thương ban cho họ Lê và đổi tên là Lê Lai…

Câu thứ tư :

- Vậy thì ngày giỗ của Lê Lai ?

Bọn trẻ lặng thinh. Thằng Hoà nửa muốn giơ tay, nửa lại không. Chừng như nó biết nhưng không chắc ý. Tôi hỏi :

- Em Hoà nói thử xem nào ?

- Dạ… hăm mốt tháng tám…

Dũng vỗ tay :

- Giỏi quá… Làm sao em biết vậy ?

- Dạ, tại em nghe nói “Hăm mốt Lê Lai, Hăm hai Lê Lợi” mà hai mươi tháng tám lại là giỗ Trần Hưng Đạo, vậy thì Lê Lai phải hăm mốt tháng tám…

Tôi :

- Các em khác có biết câu “Hăm mốt Lê Lai, Hăm hai Lê Lợi” không ?

- Dạ có !

- Em biết từ… khuya lận !

- Nhưng có em nào biết chuyện Lê Lai cứu Chúa rành rọt không ?

Thằng Thanh đưa tay :

- Em biết !

- Vậy thì em ra kể cho các bạn cùng nghe nhé !

Thanh có vẻ “khớp”, nhiều lúc tôi phải đỡ lời cho nó đỡ ngượng. Sau đó, những câu hỏi sử địa lại được đặt ra. Bọn trẻ có câu trả lời được, có câu không. Ở những chỗ có thể kể chuyện được, tôi không bỏ lỡ cơ hội… Và kết quả, Hoà được chấm là đứa xuất sắc nhất ! Dũng công bố phần thưởng :

- Phần thưởng của em Hoà gồm có năm cuốn tập một trăm trang…

Bọn trẻ vỗ tay mừng cho bạn.

- … một hộp phấn màu…

Lại vỗ tay reo hò.

- … và đặc biệt…

Dũng nhỏ giọng cố ý để bọn trẻ chú ý ;

- Đặc biệt, em Hoà được thưởng thêm… một tràng pháo tay của mọi người. Nào, xin tất cả cho một tràng pháo tay…

Tiếng vỗ tay vang dội làm mặt thằng Hoà đỏ bừng. Tôi đem phần thưởng của Hoà ra, nhờ ông Trưởng Khóm trao lại cho nó. Thằng bé đón lấy. Ông Trưởng Khóm vui vẻ chìa tay cho nó bắt. Hoà vụng về nắm lấy tay ông trong tiếng hò reo của bọn trẻ.

Cuộc sinh hoạt lại tiếp tục với các bài hát, các trò chơi vui…

Mồ hôi tôi bắt đầu nhỏ giọt. Trán Dũng cũng lấm tấm, lưng thì ướt nhẹp. Nhưng nụ cười nở mãi trên môi Dũng, trên môi tôi, trên môi mọi người.

Không biết mọi người nghĩ gì, nhưng tôi chắc, Dũng đang nghĩ như tôi : đang nghĩ đến dự định sắp tới… ước mơ của chúng tôi…


Lan Phương

Four Stars lại thất bại thêm lần nữa. Ngày mới gặp Dũng, tôi đã thấy mến anh qua giọng hát, qua tư cách và sự đối xử khéo léo của anh với mọi người. Quý mến anh, tôi mong anh trở thành một người bạn thân. Quý mến anh, tôi mong anh nhận lời hoạt động chung với Four stars. Thế mà anh đã từ chối. Buổi trình diễn ở nhà hàng Tiên Cảnh rồi sự sắp đặt để giới thiệu anh, tất cả đã được anh trả lời bằng chuyến đi thăm cô nhi viện Từ Tâm ! Lúc đầu, tôi còn cho là anh ỷ tài, anh hợm mình ; nhưng bây giờ, tôi đã hiểu, anh có một con đường đi của riêng anh.

Nhưng nếu anh có con đường riêng anh, anh muốn lôi kéo anh Trí theo anh, chẳng lẽ Four Stars chịu thua. Chưa bao giờ tôi thấy anh tôi xuống tinh thần như dạo này. Anh tôi nói :

- Có lẽ tao phải nghe lời chị Lan Hương mất…

Tôi giận run lên :

- … để theo Dũng chứ gì ? Bộ anh muốn xoá bỏ cái tên Four Stars mà bấy lâu nay anh em mình đã tốn bao công lao tạo dựng lên sao ?

Lời khích động của tôi có hiệu quả ngay. Anh tôi mím môi lại, mắt sáng lên :

- Xoá bỏ tên Four Stars ? Không ! Không đời nào…

Giọng anh dịu xuống rồi im bặt. Tôi nói :

- Đằng nào thì anh cũng phải chọn lựa. Nhưng em tin là anh không nỡ bỏ Four Stars…

Anh tôi dõi mắt về phía trước ;

- Có thể nào mình vừa làm việc này, lại làm cả việc kia được không ?

- Anh định bắt cá hai tay ?

- …

- Em không tin là anh đủ sức…

- Tao không đủ sức thì cả Four Stars…

- Nghĩa là sao ?

- Nghĩa là có một điều kiện giữa hai bên : Dũng gia nhập vào ban nhạc để lập Five Stars, và ban nhạc mới này sẽ vừa hoạt động tên sân khấu nhà hàng, vừa hoạt động trên sân cỏ…

Ý kiến của anh Trí được đưa ra bàn cãi. Cuối cùng, bốn người trong ban cùng đồng ý với nhau về ý kiến đó. Và tất cả đã làm một việc ngoạn mục : cùng tham dự buổi sinh hoạt với Dũng để tỏ cho anh thấy rằng, Four Stars lúc nào cũng quý mến anh, lúc nào cũng cố gắng hoà đồng với anh.

Để rồi cuối cùng, khi anh Trí bày tỏ ý định :

- … Four Stars chúng mình sẽ thành Five Stars, và mình sẽ làm lại từ đầu với số vốn nghệ thuật đảm bảo…

Dũng đã lắc đầu thẳng thắn từ chối ngay :

- Tôi xin thay mặt Nhật thành thật cảm ơn các anh và Lan Phương đã giúp sức chúng tôi trong buổi sinh hoạt vừa qua. Nhưng với đề nghị vừa rồi, tôi tự thấy mình khó thể kham nổi cả hai việc. Vả lại, nếu chỉ là những cuộc sinh hoạt thế này thôi, thì có lẽ tôi đã dễ quyết định. Đằng này, chúng tôi còn đang tiến đến một việc khác, đòi hỏi nhiều cực nhọc và thì giờ hơn…

- Việc gì thế anh Dũng ?

- Chừng ít lâu nữa rồi mọi người sẽ biết…

*

Với một người thích làm hơn nói, chúng tôi chỉ còn biết chờ xem Dũng sẽ làm gì ? Tôi để ý từng hoạt động của Dũng, hẳn nhiên, anh không hề hay biết. Nhưng cho đến giờ, tôi vẫn chưa hiểu rõ hoạt động sắp tới của anh là gì ? Có điều, trong những ngày qua, sao tự dưng trong tôi, hình ảnh buổi sinh hoạt chung với Dũng và Nhật cứ lởn vởn không rời. Lòng tôi như có một cảm kích lạ. Tôi nhớ lại những tiếng vỗ tay sau khi Dũng hát hết bản, sau khi Nhật, Dũng hợp ca vừa dứt… Không có những tiếng bis như khán giả đã dành cho ban chúng tôi, mà là những lời khen trẻ con rất thành thật ;

- Anh Dũng ca “chì” quá !

- Anh Nhật hát giống mấy “ông ca sĩ” ghê !

- Cái đàn cũ rích mà coi bộ còn hay ghê chớ !

Hình ảnh ban Four Stars chúng tôi hiện ra tiếp nối, bốn người trong ban với áo quần sang trọng, đúng mode, nhạc cụ trong tay bóng loáng, tất cả rực sáng dưới ánh đèn mầu…

Tại sao những hình ảnh đó không hấp dẫn được Dũng ? Tại sao anh chọn sự thân mật với một đám trẻ con trên sân cỏ mà từ chối tên tuổi với đám đông người lớn thưởng ngoạn ?

Tôi thấy Dũng có vẻ “cứng đầu” quá ! “Cứng đầu” còn hơn tôi nhiều ! Nhưng có lẽ vì thế mà đôi khi, tôi thấy mình thật khó hiểu. Tôi giận anh vô cùng, nhất là lúc anh lên tiếng từ chối gia nhập ban nhạc chúng tôi, nhưng giận anh, tôi vẫn không sao oán ghét anh được…

*

Tuấn hỏi tôi :

- Chị đã biết gì chưa ?

- Biết gì là biết gì ?

- Anh Dũng !

- Sao ?

- Luôn anh Nhật nữa !

- Có gì thì mày nói ngay ra đi, cứ úp úp mở mở mãi… Họ lại tổ chức buổi sinh hoạt nữa chứ gì ?

Tuấn lắc đầu :

- Nếu là chuyện ấy thì có gì là quan trọng… Em có thằng bạn ở cùng xóm với anh Nhật…

Tôi ngắt lời :

- Thì ăn thua gì ?

- Chị để từ từ em nói nào… Thằng bạn em mới kể cho em biết rằng ít hôm nay, có hai thanh niên đi đến nhiều nhà trong xóm để nói chuyện về một ý định của họ…

- Anh Dũng và anh Nhật ?

- Thì họ chứ còn ai nữa. Họ đang đi thăm dò dân xóm xem mọi người nghĩ thế nào về dự định mở một lớp tiểu học miễn phí của họ ?

- Một lớp tiểu học miễn phí ?

Tôi ngạc nhiên vô cùng. Đó là công việc mà hôm nọ, Dũng đã nói là đòi hỏi nhiều cực nhọc và thì giờ ? Mở một lớp miễn phí ! Tôi tưởng chừng chuyện đó chỉ có thể có với trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày xưa… Dũng và Nhật dám làm công việc khó khăn này ?

Tuấn :

- Chị có rảnh không ?

- Chứ mày xem tao có bận gì đâu ?

- Chị theo em sang phòng anh Dũng, em chỉ cho chị xem cái này…

Tôi ngần ngừ. Tuấn :

- Anh ấy đi học rồi… Vả lại, nhà của mình mà ngại gì ?

Rồi không cần đợi tôi đồng ý, Tuấn kéo tay tôi về phía phòng Dũng. Nhà tôi rộng, mỗi người có riêng một phòng. Trong gia đình, nhỏ nhất là con Lan Anh cũng đã mười bốn, ngoài ra, bà bếp rất hiền lành ; không bao giờ có chuyện mất mát đồ đạc. Vì thế, cửa phòng thường bỏ trống không khoá. Tuấn đẩy cửa phòng Dũng, chỉ xuống dưới nền :

- Đó, chị xem !

Trên nền nhà, một tấm giấy cứng khổ lớn được chặn bốn góc bằng bốn vật nặng, trên đó, Dũng viết những hàng chữ bằng bút màu. Đó là tấm bích chương quảng cáo : 



LỚP MIỄN PHÍ

Dành cho các em lớp ba, lớp nhì, lớp nhất

  Do Nhật, Dũng phụ trách, sẽ thu nhận học sinh từ…


Cạnh tấm bích chương là mấy tấm giấy cứng khác và la liệt những cây viết màu, thước, compas…

Tuấn bảo tôi :

- Chị xem, thế này hỏi sao anh ấy không chịu vào ban nhạc với chị và anh Trí !

Tôi không đáp lời Tuấn vì đang mải nghĩ đến việc làm của Dũng. Anh đã bắt đầu một việc khó khăn, tôi còn cho là quan trọng nữa. Mở một lớp miễn phí, tôi biết, anh và Nhật không làm một việc phước thiện, mà hai người bạn này đang hợp sức để gieo rắc tinh thần dân tộc trong tâm hồn của đám trẻ trong xóm. Liệu họ có thành công không ? Trước mắt tôi, tôi thấy hiện ra rất nhiều khó khăn, trở ngại… Cái khó khăn gần nhất là việc học tập của Dũng. Tôi biết rõ là anh rất bận… Nếu chẳng may vì ham hoạt động mà cuối năm nay, anh… Tôi không dám nghĩ tiếp nữa… Sao lạ quá… sao tự dưng tôi lo cho Dũng quá…

______________________________________________________________________

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>