Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

CHƯƠNG IV_MÁU ĐÀO NƯỚC LÃ


IV


Ban đầu tôi định đi thẳng vô trường xin nước uống, vậy mà khi đến nơi rồi tôi lại chùng chình không dám. Tôi sẽ gặp bà Đốc hay bọn học trò? Sẽ gặp thầy tôi? Chết mất! Tôi không đủ can đảm nhìn mặt thầy tôi. Chưa chi, tôi đã tưởng tượng ra cái vẻ kinh ngạc đầy hờn trách của thầy tôi, chắc thầy tôi sẽ hỏi khi thoạt thấy mặt tôi: "Sinh! Sao con bỏ học?". Mới nghĩ đến đó tôi đã nghẹn cứng cổ rồi. Tôi đã đi dọc theo bờ tường, vòng về phía lớp học tôi năm ngoái. Tường cao quá, tôi chẳng thấy gì, nhưng tiếng giảng bài của thầy tôi vượt qua tường, bay thẳng vào tai.

Vẫn cái giọng hiền hòa, ấm áp ấy! Chắc thầy vẫn mặc cái áo xuyến đen mông mốc ấy? Chắc thầy vẫn mang đôi guốc gỗ tróc cả sơn ấy? Thầy ơi! Con đây! Sinh đây! Con cách thầy có một bức tường thôi! Làm sao con thấy thầy được? Làm sao để thầy biết rằng con ao ước được nhìn mặt thầy biết là chừng nào? Làm sao thầy hiểu được rằng con muốn sà vào lòng thầy mà khóc, khóc cho hả để thầy vuốt tóc và lau nước mắt cho con? Sao con không đàng hoàng đi vào cửa chính gặp thầy? Nào con làm gì nên tội?

Còn cái thơ... trời! Tôi vụt nhớ đến cái thơ tôi nắn nót viết cho thầy, tôi đã xé đi và vứt vào thùng rác. Thầy, con đâu phải vô ơn bạc bẽo, nhưng con còn gởi thơ đó làm chi, khi mà thơ chưa tới tay thầy thì con đã phải vĩnh viễn rời bỏ nhà trường! Uổng công thầy dạy dỗ con, khuyến khích con, lo cho con cái buộc, cất công đến nhà cậu mợ con thuyết phục hai người để con được đi học. Bao nhiêu là công khó của thầy?

Ơi! Cái buộc! Vậy mà con cứ ngỡ là cái buộc đủ sức cột con lại nhà trường! Sự thật thành ra khác hẳn...

Nước mắt dâng lên, trào ra dòng dòng và tôi không hề có ý ngăn giữ như từ trước nay tôi thường làm vậy. Tôi mặc nó chảy dài, ướt đẫm má tôi. Tôi nhắm nghiền hai mắt, gục đầu vào tường, khóc lên rưng rức, hả hê, thích thú, vừa cảm thấy thích thú vừa ngạc nhiên thấy mình không ấm ức như những lần khóc thầm, khóc trộm trước nay. Chắc vì bao nhiêu khổ sở dồn nén được "tuôn" ra hết?

Rồi vụt cái tôi băng mình chạy, không quay đầu lại vì y như có tiếng thầy tôi đuổi gấp sau lưng:

- Sinh! Sao con bỏ học?

*

Thình lình, trong lúc đang băng mình chạy tôi nghe có tiếng rất quen thuộc gọi tên tôi giật giọng. Không kịp nghĩ ngợi, không kịp nhận ra tiếng đó của ai mà hai chân tôi chậm lại. A! Con Cúc! Con đó là con quỉ. Nó cùng học một lớp với tôi năm ngoái. Lẻo mép và ác không tưởng tượng. Tôi hối vì trót dừng chân, song muộn quá. Nếu tôi biết là nó gọi thì đã chạy luôn rồi.

- Ê, Sinh! Về hồi nào vậy?

- Mới về sáng nay.

- Sao về chi vậy?

- À... tại...

Thấy tôi ấp úng, nó hỏi dồn:

- Bộ nghỉ hè rồi sao? (cười) Nói chơi, có buộc mà sao bỏ học vậy?

- Cậu tao đau, tao về thăm.

- Láo (nó lại cười và "xùy" lên một tiếng) láo toét!

- Láo cái gì? Cậu tao đau thì...

- Ờ! Thì tao biết chuyện ổng đau rồi. Mà mầy bị bắt về luôn chớ không phải về thăm...

Đúng là con quỉ: cái gì nó cũng biết! Tôi gân cổ, cãi.

- Bậy, ai nói vậy?

- Úi chà! Còn giấu chớ!

- Ai thèm giấu chi? Thăm cậu tao xong, tao...

Cúc bĩu môi, giọng nó dài ra:

- Còn giấu nữa! Hứ! (Nó vỗ một tay vào ngực) Tao biết hết rồi, Sinh ơi! Tao biết hết...

Tôi cáu tiết lên song còn làm bộ cứng:

- Mầy biết gì?

- Biết mợ mầy ác chứ biết cái gì? Còn làm bộ…

- Mắc gì làm bộ? Đồ con gái nhiều chuyện.



- Không làm bộ! Ha! Không làm bộ (lần này giọng nó thấp xuống ra vẻ thân mật và bí mật) Sinh ơi, tao thương mầy quá, mầy dại quá!

- Dại cái gì?

Tôi chột dạ, ngứa ngáy như có con gì cắn sau lưng. Cúc nghiêm nghị:

- Mầy có buộc đàng hoàng chớ tốn kém gì của họ mà họ bắt mầy về. Sao mầy không biết nói? Sao để họ bắt về "làm mọi" hoài vậy?

Tôi hoa mắt lên, sùi bọt mép vì giận, vì câu nói tai ác đó rất đúng với ý nghĩ của tôi. Tôi không nói tiếng nào, giang thẳng cánh, nghiến răng tát mạnh một cái vào mặt nó rồi cắm đầu chạy biến.

Được một quãng ngắn, tôi dừng lại hổn hển thở, nửa khổ sở, hối hận, nửa bằng lòng vì mình đã có gan trị một con quỉ cái! Con quỉ mà trước nay tôi chỉ biết sợ hãi và né tránh.

Cơn đói lại dậy lên, lần này nó như bào như nạo trong ruột tôi, y như có bàn tay vô hình nào chẹn lấy bụng tôi, ấn mạnh xuống một cái làm tôi đau thắt rồi thả ra, rồi lại đè ấn xuống. Tôi đau lặng người đi.

Mắt tôi hoa lên, tay chân rã rời, bủn rủn song tôi còn kịp thấy cổng nhà hiện ra ngang tầm mắt.

Bóng chiều đã ngã, nhưng tôi không chút vội. Tôi dừng bên vệ đường rồi ngồi phệch xuống và tựa vào thân cây cho đỡ mệt. Đột nhiên tôi nhận ra đó là cái thân cây tôi đã dựa khi vác chuối về nhà, gặp thầy tôi vào buổi sáng chúa nhật nọ.

Tôi muốn khóc song hình như không còn nước mắt.

Tôi thấy dửng dưng, không sợ hãi, không lo âu, cũng chẳng chút buồn rầu hay hy vọng. Chán nản dâng ngập lòng tôi khi lên bộ, còn bây giờ thì tôi trơ ra như gỗ đá vô tri.

Tôi nằm xoài xuống, ngửa mặt nhìn trời. Trời xanh thẫm, những cuộn mây trắng nhẹ nhàng trôi giạt về một góc theo hướng gió. Tôi bỗng ao ước mình được trôi dạt bềnh bồng như đám mây kia.

Gió hiu hiu thổi. Trời đất bao la như vậy mà tôi không có một chỗ dung thân? Hay là tôi bỏ đi, đi biệt? Vô rừng cho cọp ăn thịt hay đi bất cứ nơi nào cũng được.

Ừ! Thì một mình! Lúc nào cũng một mình thôi! Không mẹ cha, bạn bè, không họ hàng thân thích. Đi xin? Ăn cắp? Làm bất cứ thứ gì cũng được, được tất. Không cần biết, miễn hít thở được chút tự do, dù có chết cũng cam. Tôi đã quá khổ, chẳng thiết tha, sợ hãi bất cứ một cái gì chờ đợi tôi ở ngày mai.

Được rồi! Tôi sẽ... nhưng lạ chưa... tôi không nghĩ tiếp được nữa, giấc ngủ kéo đến, hai mắt tôi ríu lại…

*

Chưa bao giờ tôi ngủ được một giấc ngon lành như vậy (trọn đêm trước tôi cứ phải chập chờn cảm thấy mình bị bao vây trong một đêm sâu, dày và dài khủng khiếp). Tôi đánh một giấc thẳng cánh từ nhá nhem cho đến lúc gà gáy sáng vang lên từng loạt. Ngủ đói thật nhẹ nhàng, khỏe khoắn. Vành trăng hạ tuần chênh chếch, vàng ệch, mỏng tanh và cong vòng, y như một bên lông mày của chị Mai, lửng lơ trên nền trời lờ mờ nhàn nhạt. Sao thưa thớt và cũng như ngái ngủ, ít chớp nháy hơn đêm qua. Ðêm qua sao nhiều không tả được, nhiều chi chít trông tựa lũ trẻ lau nhau, lóc nhóc; còn đêm nay thì y như mấy bà già chán chường che miệng ngáp dài.

Tôi ngạc nhiên thấy mình rất tỉnh táo, khỏe và lạ kỳ nhất là không thấy đói chút nào.

Tôi bắt đầu lo ngại về cái tội "ngủ lang" đêm nay. Chắc cậu mợ không dung tha cho đâu. Tại làm sao "nhà" ngay trước mặt đó mà không về? Lại nằm đây mà ngủ chớ? Rõ là tôi có máu đứng đường rồi! Không còn chệch đi đâu nữa.

Nghĩ đến những lời nhiếc nhóng đó, tôi lại uất, lại nghẹn, lại thấy tức dội trong lồng ngực. Thốt nhiên, máu tôi như sôi lên và sự quyết định đến rất bất ngờ, nhanh chóng: đáng lẽ chỉ còn một quãng ngắn nữa là đến nhà, tôi quay lưng về hướng "nhà", đi thẳng.

Tôi không cần biết mình đi đâu. Cốt từ nay khỏi thấy đàn bồ câu no đủ hơn tôi, khỏi thấy đàn chó dữ được cưng dưỡng hơn tôi. Tôi là người sao tôi thua cả chúng?

Gió sớm quét lên người tôi lành lạnh, tôi chợt nghe trong người nhẹ lâng như mọc cánh: từ nay chẳng ai chửi bới cha tôi nữa, không ai lôi mẹ tôi ra mà tỏ lời thương hại nữa. Tôi khỏi thấy những nét mặt đanh ác, không chịu những trận đòn tóe máu, nhất là khỏi nghe những lời nói ray rứt, cay độc làm tôi đau tê điếng hơn cả những lằn roi! Tôi còn muốn gì hơn???

Tôi đi đây! Đói ư? Rách ư? Lạnh ư? Khổ ư? Được! Tôi chịu được tất! Tôi chịu được tất! Tôi chẳng sợ một thứ gì tất. Sá gì những thứ đó? Tôi đương đầu được tất. Ngay sự chết cũng không đủ sức làm tôi đổi ý, chùn chân. Chết? Càng tốt! Tôi sẽ sớm gặp mẹ tôi và lần này tôi quyết chẳng để bà vuột khỏi tay tôi nữa. Tôi sẽ níu cứng vạt áo mẹ tôi, không rời ra nửa bước, ngay cả lúc mẹ tôi đi vào nhà tiêu. Rồi xem!

Dưới ánh sáng nhờn nhợt của sao thưa và của vành trăng cong như hàng lông mày của người tôi ghét, tôi cứ đều chân bước.


 Trí khôn của tôi bảo tôi phải đi gấp ra khỏi vùng này, đến một nơi nào không ai biết đến uy thế của cậu tôi. Có vậy may ra tôi mới có được chỗ nương thân. Đành rằng từ nay tôi sẽ phải đổ mồ hôi để có cái ăn, đem sức vóc của số tuổi mười một mà làm việc mới có cái mặc; nhưng những người biết cậu tôi sẽ không ai dám chấp chứa tôi đâu, tôi biết thế. Tôi vừa nghĩ ngợi vừa đều chân bước.

Trời sáng dần, sáng rõ.

Tôi lại thấy mỏi chân và nghe đoi đói. Chân tôi chậm lại...

Thình lình, có tiếng kêu lên:

- Tránh ra chút, nhỏ!

Tôi vội vàng né sang một bên nhường lối. Một người con gái gánh hai thúng ngô luộc to tướng từ sau lưng tôi trờ tới. Dáng chừng mới vớt ra khỏi nồi nên dù tôi thấy chị ta đậy kỹ mà hơi nóng vẫn bốc lên làm ấm cả lưng tôi. Mùi thơm quyện trong không khí ban mai đưa lên tận mũi làm nước dãi tôi ứa ra đầy miệng. Tôi thở dài, ngầm ước: giá mình được một...

Chị gánh bắp bỗng kêu lên một tiếng: "cha", đặt gánh xuống, ngồi bệch xuống lề đường, bên bờ cỏ, lật bàn chân lên tìm kiếm, săm soi. Ra chị ấy dẫm phải gai. Chỉ một nháy tôi đã bắt kịp chị và cũng ngồi cạnh đó, không phải mục đích để nghỉ mà để ngửi cho đỡ đói... và bớt thèm.

Chị vừa nhổ được cái gai ra, vừa nặn máu vừa thổi phù phù vào gang bàn chân. Thổi xong, chị ấy quay ra nhìn tôi một cách chăm chú làm tôi đâm ngượng.

Không biết sự đói thèm của tôi biểu lộ cách nào mà chị kia nhận ra, lên tiếng:

- Ưng ăn bắp hả?

Tôi không dám trả lời, chị ta tiếp:

- Ưng thì mua ăn đi, em! Chị bán rẻ cho, bán mở hàng. Tao ưng bán cho con trai, con trai mau mắn.

Vừa nói chị vừa lật ngửa cái trẹt đậy trên thúng ngô, kéo mấy tàu lá chuối qua một góc, mùi thơm và làn hơi lại có dịp bốc lên tưởng điếc cả mũi tôi! Tôi quay đầu phía khác, tránh mùi thơm và chớp mau hai mắt cho hai giọt nước rụng nhanh kẻo chị ta trông thấy.

Trông dáng bộ thẫn thờ của tôi, chị tò mò:

- Sao vậy em?

- Em không có tiền.

Tôi buột miệng trả lời.

- Đồ yêu! Làm bộ... mặt mũi vậy mà la không có tiền. Ưng ăn chực phải không?

Chị đậy sập cái trẹt lại, vùng vằng tra đòn gánh lên vai, không quên nguýt tôi một cái sau câu nói.

Được mấy bước chị ta đặt gánh xuống ôm chân xuýt xoa. Tôi vẫn ngồi yên không nhúc nhích.

- Nhỏ, lại biểu nè!

Chị kêu lên nhưng tôi giả vờ không nghe, không thèm "lại" chi hết.

- Em con ai?

-…

- Nhà ở đâu?

-…

- Đi đâu vậy?

Tôi không nín được nữa:

- Đi làm ăn. Chị hỏi chi?

- Đi "làm ăn"? Quỉ thần ơi! Bộ tướng như con cò hương mà nói đi làm ăn... Bộ em không có cha mẹ gì sao?

- Sao không có?

- Cha mẹ em đâu?

- Chết.

Tôi trả lời gióng một. Chị ấy lại kêu lên:

- Chết? Tội chưa! (giọng chị càng dịu dàng hơn) Em đói bụng không?

Tôi không trả lời câu hỏi mà lại:

- Hỏi chi? Tôi không có tiền mà.

Tôi nói thế xong rồi đứng phắt lên, dợm bước đi. Bụng nghĩ : "toàn tụi lẻo mép" trong lúc nhớ lại những lời con Cúc hôm qua. Chị chồm người tới, vói nắm tay tôi lại:

- Ngồi đây! Chị lấy bắp cho ăn, em! Tao chưa bán mở hàng, mà thôi... (chị tắc lưỡi một cái y như kẻ định làm liều) kệ nó, không cần.

Và chị vục tay vào thúng ngô, lôi ra hai trái đưa cho tôi, âu yếm nói:



- Ăn đi em! Tội nghiệp! (như nói một mình) Bây lớn mà mồ côi, (với tôi) em có biết chữ không!

- Dạ biết. (tôi vừa nhai nhồm nhoàm vừa trả lời).

- Giờ em tính đi đâu?

- Đâu biết đi đâu, cứ đi đại, tới đâu thì tới.

- Ý, không được đâu, lang thang như vậy lấy gì mà ăn? Ngủ ở đâu?

- Em ngủ ngoài hiên nhà họ, ngoài bụi, cần gì?

- Rồi lấy gì mà ăn?

- Em đi ở mướn...

- Mẹ ơi! Bằng củ khoai mà nói nghe ngon lành không? Mày làm được giống gì?

- Cái gì mà tôi làm không được?

Đáng lẽ xưng em nhưng tôi hơi tức vì chị ấy kêu tôi bằng mày nên xưng tôi.

Chị tròn mắt lên, tôi biết chị không tin, nói luôn:

- Thật mà, tôi quen khổ rồi, tôi ở với người ta...

- Sao không ở nữa?

- Họ hành hạ quá, chịu hết nổi, chị à!

- Thằng em tao bằng mày, tinh là ăn với phá không, phải chi... phải chi...

- Phải chi làm sao chị?

- Phải chi nhà có của, tao đem mày về nuôi liền. Nhà chị cũng nghèo quá, em ơi!

Câu sau cùng chị thấp giọng xuống làm tôi vừa xúc động vừa sung sướng, vì thấy trên đời này còn có người thương mình, tuy vậy, tôi làm bộ chững chạc nói:

- Không sao đâu, em kiếm việc được mà. Lo gì.

- Mà em nhỏ xíu vậy, ai thèm thuê?

- Nhỏ thì nhỏ, miễn em biết làm công việc thôi chớ, kể gì lớn nhỏ?

- Khó lắm! Ai biết gốc gác em ở đâu? Ai tin em, lỡ...

- Thì em đi xin, đi ăn cắp, sao cũng được, không cần.

- Chết!

Chị kêu lên, lấy tay bịt miệng tôi lại, thêm: "Đừng nói bậy, em!" Tôi không nín được nữa, bật lên khóc. Chị khóc theo...

- Chết cha! (chị vụt kêu lên, thảng thốt) Trưa rồi. Thôi, chị đi chợ. Tội quá!

- Chị đừng lo, em không chết đói đâu.

- Ừ! Thôi, em đi đi! Ăn bắp nữa không? (chị thò tay vô thúng đưa tôi hai trái nữa, tôi muốn từ chối nhưng cái đói mạnh hơn, làm chủ ý muốn tôi) Nhỏ! Cố kiếm công chuyện làm ăn, chuyện gì cũng được, cực khổ mấy cũng được, cùng lắm thì đi xin, chớ đừng ăn cắp, nghe không?

- Dạ, em nghe rồi. Thôi chị đi bán kẻo trưa.

Chị lại tấm tức khóc, vừa khóc vừa tra gánh lên vai, dợm bước đi nhưng rồi lại đặt gánh xuống, bước lại gần tôi, dặn:

- Lỡ như không có công chuyện gì thì em cứ ra chợ P. mà tìm chị, thế nào cũng gặp chị, rồi tính sau, chớ đừng đi bậy, nghe em? Nhớ chưa? Chợ P...

- Dạ, em nghe rồi. Em nhớ rồi.

Chị trù trừ một giây rồi gật gù ra vẻ bằng lòng, tra đòn gánh lên vai. Tôi đứng lặng nhìn theo: bước chân chị càng lúc càng mau, ý chừng để bù lại chỗ thì giờ cà kê trò chuyện với tôi. Thỉnh thoảng, tôi thấy chị kéo vạt áo lên, chắc là để lau nước mắt? Chiếc đòn gánh cong oằn, nhún nhảy theo nhịp chân của chị, song chị không quay lại nhìn tôi lần nào nữa.

Tôi thấy lòng xao xuyến, buồn rầu như vừa mất đi một cái gì quí lắm mà tôi khó lòng tìm thấy.

Tôi thở dài, ngồi xuống, tiếp tục ăn cho xong. Cạp hết hột rồi tôi hút chất nước trong cái cùi bắp. Nước ngọt như có đường trong đó vậy. Hút một lát nước trong cùi bắp cũng hết nhẵn, tôi ngó quanh chẳng thấy ai, liền nhai luôn cả mấy chiếc cùi. Nhịn đói trọn ngày hôm qua, ăn chừng đó đâu đủ no mà làm bộ, kén chọn nỗi gì, kia chứ?

*

Trọn sáng đó, tôi đi đến đâu cũng bị nhìn bằng những con mắt nghi kỵ và nghe những lời tương tự như sau:

- Bộ tướng mày làm lụng gì được mà thuê?

- Làm sao tin mày được?

- Trẻ ranh, cút đi! Ui chao! Cái đời chi mà loạn, quỉ ranh lẫn lộn với người, khó lòng phân biệt.

- Giả đò đi... giả đò đi... không có ai là "chớp" đồ đạc của người ta...

Nếu tôi có mở miệng kêu gọi đến lòng nhân thì lại nhận được những cái lắc đầu quầy quậy:

- Thôi ôn con! Tao thương mày mà có ai thương tao không? Hay là…

Tôi cầu khẩn xin được ở làm việc, ăn cơm không, vẫn không ai chịu nhận, không ai tin và tệ hơn nữa: không ai kiên nhẫn để coi tôi trổ tài làm việc cả.

Tôi đành tiếp tục đi. Cho đến xế chiều thì tôi hết dám bước vô cửa nhà ai để xin ở nữa. Chắc mình phải đi xin rồi. Tôi nghĩ một cách tự nhiên, không chút buồn, tủi và không mảy may hối hận về hành động liều lĩnh của mình. Tôi đã quá xa đường về nhà cậu, tôi đã thoát tất cả những khổ nhục, dù đói, khổ và không biết ngày mai ra sao, tôi vẫn hài lòng.

Khi mặt trời ngả bóng, thì tôi biết rằng tôi đã vô tình chọn con đường lên núi, xa rời miền biển. Càng hay! Mình sẽ hái trái cây ăn đỡ, đến đâu hay đó. Gió núi thổi nghe hun hút, tôi rùng mình một cái, nghe ơn ớn lạnh, nghĩ đến đêm nay không biết ngủ nhờ ở đâu, tôi lại lạnh thêm.

Nhà cửa thưa thớt dần, cỏ cây dày đặc lại. Gió lao xao trên đầu tôi làm tôi bất giác ngẩng nhìn lên: dưới nắng chiều vương sót lại, những đọt cau và một cây thánh giá quét vôi trắng trên nóc nhà thờ lấp lánh như chào mừng tôi làm tôi thấy hy vọng đang tàn, đang chực tắt ngấm trong lòng tôi vụt lại lóe lên. Đột nhiên, tôi thấy mình ấm lại và hăng hái lên một chút. Tôi phải vô đây, may ra... Ờ! Biết chừng đâu?

Ấy, nghĩ như vậy mà rồi khi chân càng lại gần nhà thờ thì tim tôi càng thình thịch đập, một nỗi lo lắng, sợ hãi xâm chiếm lấy tôi, tôi nguội dần ý định. Tôi sợ bị đuổi ra, sợ người ta nghi ngờ, sợ người ta biết rõ tông tích, sợ... ôi! Sao tôi sợ nhiều thứ thế?...

Sau cùng, tôi thu hết can đảm vào chân, bước thẳng lại hiên. Một bà già bước ra, tay xách cái nồi đồng, tay bưng rá gạo, cất giọng khàn khàn, hỏi:

- Đi đâu? Nhỏ?

Gớm, mặt bà trông nhăn nheo như trái táo khô, người như vậy chắc không biết thương xót ai đâu
tôi nghĩ bụng sao tôi không gặp một người con gái như chị bán bắp hồi mai? Sao chị ấy lại nghèo quá như vậy chớ? Hay là những người có lòng tốt đều nghèo khổ hết? Khốn khổ thân tôi chưa?...

- Ủa, đi đâu sao hỏi không nói, thằng kia?

- Dạ, thưa bà...

- Cái gì đó bà Năm? Có ai tới phải không?

Một giọng đàn ông trong trẻo vang lên cắt đứt lời tôi, rồi trên bậc thềm chỗ cửa hông nhà thờ một ông cha cố bận áo đen dài phủ kín cả chân vừa xuất hiện.

Đây là lần đầu tôi thấy một ông cha cố người mình. Thường thường tôi thấy những cha cố người Tây, trông giông giống ông Công Sứ và ông nào cũng làm tôi sợ hãi hơn là kính nể. Râu ông nào cũng dày như tóc, mắt thì xanh lơ, mũi khoặm, giọng nói tiếng mình rất ồ ề khó nghe; đặc biệt ông nào cũng to lớn đồ sộ làm tôi thoạt nhìn là run lên. Tôi cứ tưởng tượng là ông sẽ giẫm nát ngướu tôi ra nếu tôi lớ quớ lại gần mà ông không thấy. Ông Cha Cố! Hình ảnh đó là hình ảnh đáng sợ đối với tôi, ma quỉ đưa đường dẫn lối làm sao mà tôi lại lọt vào đây, trời hỡi!

Chỉ nguyên một cái tên nghe đã dữ rồi: vừa làm Ông, vừa làm Cha, vừa làm Cố chớ ít ỏi gì sao?

Ông Cha Cố này coi bộ hiền hơn, nhưng trước sau gì vẫn là một ông cha cố! Cái áo chùng đen rộng thùng thình đó là biểu hiệu của cái gì tối tăm, bí mật, rất đáng sợ, đáng ngờ mà tôi không hiểu nổi, chỉ lờ mờ cảm thấy thế.

- Dạ thưa cha, có thằng nhỏ nào lạ hoắc lạ huơ...

- Con đi đâu? Hỏi ai?

Ông cha cố lại gần tôi, ôn tồn hỏi:

- Dạ, thưa ông cha cố, con đi kiếm việc làm.

- Kiếm việc làm? Con mấy tuổi?

- Dạ, thưa ông cha cố, con mười một tuổi.



- Khổ chưa! Mười một tuổi gì mà đẹt quá vậy, con? Cha mẹ con đâu?

- Dạ, thưa ông cha cố...

- Đừng có thưa ông cha cố nghe không? Thưa cha được rồi, con!

- Dạ, con không còn cha mẹ, cha mẹ con bị chìm ghe chết hết...

- Chúa ơi! Tội nghiệp chưa...

Bà Năm chen vô một câu, coi bộ bà tin tôi lắm, song ông cha cố thì không.

- Con nói thật không? Hay là chơi hoang trốn học...

- Dạ, thưa cha, con không có trốn học, con nói thật...

- Cha mẹ con tên gì? Ở đâu?

Tôi toan bịa ra hai cái tên, song ngay lúc đó tôi bỗng xây xẩm mặt mày phải dựa vào bức tường cho khỏi ngã, ông thấy vậy, vội vàng hỏi:

- Con làm sao vậy? Hả?

Tôi muốn thưa rằng tôi không làm sao cả, tôi đói và mệt quá thôi... song tôi chỉ nấc lên, nước mắt trào ra, mồ hôi nhơm nhớp ở lưng, ở trán, ở tay tôi và tôi run bây bẩy. Ông hoảng hốt, kêu bà Năm rối rít:

- Bà Năm! Mau coi! Coi sao thằng nhỏ...

Tôi thoáng nghĩ, rất mau: chắc mình chết quá! Rồi tôi lịm đi, chẳng biết đất trời chi nữa.

*
 
Tôi tỉnh lại và nhớ dần mọi chuyện một cách khó khăn. Mơ hay sự thật?

Mình chưa chết? Bỗng tôi nghe có tiếng đàn bà nói:

- Cha đừng lo, thằng nhỏ trúng gió sơ vậy mà, can gì đâu.

- Ủa, chớ sao hồi nãy ông Lý Trung nói nó đói?

- Dạ, thì đói chứ sao, hễ đói thì bụng trống, dễ bị gió độc nó nhập vô...

- À, ra vậy đó. Tôi chỉ sợ nó bị bịnh gì, chớ còn...

- Không sao, cha đừng lo, để nó tỉnh cho nó ăn cháo...

- Ý, đừng bà Năm, đừng cho ăn cháo. Cho nó cốc sữa đi, bà Năm.

Bà Năm nhăn nhó.

- Sữa làm chi, ăn cháo tốt rồi. Để dành sữa cho cha chớ.

- Đừng tiếc mà, bà Năm, (ông cha kỳ kèo) cứ quấy sữa cho nó, tôi đau ốm gì mà phải để dành sữa...

- Dạ! Bà Năm dạ một cách miễn cưỡng.

Tôi đã nhớ và hiểu ra mọi chuyện. Tiếng nói chuyện lại vang lên:

- Tội nghiệp nó, bà Năm.

- Dạ!

- Đừng nói nặng nó nghe không?

- Dạ!

- Đừng đuổi nó đi nghe không?

Coi bộ bà Năm tức lắm, bà nói:

- Chúa ơi! Cha tưởng con là bà chằn chắc? Bộ con không biết thương người sao?

- Không! Là tôi nói phòng vậy thôi.

- Cha cứ đi ngủ đi, mai đi sớm. Con không ăn thịt nó đâu mà cha sợ. Chỉ lo đây rồi cha cưng dưỡng nó quá, nó lại leo lên cổ con mà ngồi như thằng Cu Lân mà chớ.

Ông cha cố cười to lên và bà Năm cũng cười theo. Tôi hí hửng trong lòng, lắng nghe hai người nói chuyện.

- Cha nhứt định lập trường sao?

- Thì tôi đã nói với bà Năm hồi năm ngoái rồi mà, hỏi gì lạ vậy?

- Con chỉ sợ cha mệt thôi, cha tu hành, phận sự cha là lo phần hồn thôi chớ. Chuyện học hành, chuyện phần xác thì có... nhà nước họ lo, mắc gì cha gánh cho cực thân?

- Bà Năm đừng nói vậy. Cứ khoanh tay ngồi chờ nhà nước thì con nít vùng hẻo lánh này dốt nát đến chừng nào? Kỳ này tôi nhất định xin cho được cái giấy phép mở trường...

- Cha lo chuyện phần hồn...

- Vậy chớ bà Năm nói cái nào là phần hồn, cái nào là phần xác đâu, chỉ coi?

Bà Năm tặc lưỡi một cái, không trả lời. Im lặng. Tôi đợi mỏi trở mình nhè nhẹ. Ông cha reo lên:

- Bà Năm! Coi thằng nhỏ... nó rục rịch kìa!

Nhưng bà Năm chưa đến gần tôi, ông đã đến đặt tay lên trán tôi và nhìn tôi bằng đôi mắt hiền từ:

- Con có khoẻ không? Con sốt đây mà...

- Dạ, con khỏe rồi.

- Con uống sữa không?

Không đợi tôi trả lời, ông day qua bà Năm:

- Cho nó uống sữa đi, bà Năm.

Bà Năm vội vàng đi pha sữa. Tôi muốn ngăn lại, xin ăn cháo song nghĩ rằng mình còn có cả một đời để ăn, không vội.

Đón ly sữa trên tay bà Năm, tôi uống cạn một hơi, mặc dù ông cha đứng bên không ngừng nhắc: "Coi chừng, phỏng miệng". Uống xong, tôi tính đứng lên, ông ngăn:

- Con nằm xuống, đang sốt…

Tôi cảm động và hối hận vì mình đã nói dối, muốn thú thật mọi chuyện nhưng rồi lại nghĩ: không nên hấp tấp, thú thật bây giờ cha cố sẽ đem mình về trả cậu. Không! Cứ để thong thả...

- Con biết chữ không?

- Dạ, thưa cha, biết, con có học...

May, tôi ngưng lại kịp. Thong thả, lo gì?

- Con có đi học à?

- Dạ, con mới biết qua mặt chữ...

- Được rồi, cứ ở đây với cha, rồi con sẽ được đi học. Cha sắp có trường.

- Dạ!

- Trong lúc chờ đợi, con phải ngoan, không được cãi lời bà Năm trong lúc cha đi vắng, nghe không?

- Dạ!

- Không được rong chơi, hái phá cây trái ngoài vườn, nghe?

- Dạ!

- Phải tập làm việc, quét sân nhà, lau bàn ghế...

- Dạ, con sẽ làm việc. Con làm được nhiều việc lắm.

- Đừng nói tướng, con làm việc gì mà nhiều lắm?

- Dạ, con xay lúa, gánh nước, xắt chuối heo...

- Không, ở đây không ai bắt con làm những việc nặng nhọc quá sức con như vậy đâu. Chỉ làm những việc vừa sức con thôi. Cần nhất là con phải thật thà, yêu kính bề trên và tin tưởng.

- Dạ.

- Thôi, con ngủ đi! Từ nay con sẽ ở đây với cha, không có đi lang thang nữa. Nhưng con phải nhớ là ở đây không dễ dàng, buông lỏng đâu. Con phải cố gắng để được hay, được tốt. Phải làm việc chớ không lêu lổng được. Mọi người ở đây đều làm việc, chịu không?

- Dạ.

- Chừng có trường thì con sẽ được đi học, nhưng đi học về cũng phải làm việc nữa, chịu nổi không? Ở đây không có nuông chiều, mà chỉ có kỷ luật. Con bằng lòng không?

- Dạ, bằng lòng.

Tôi trả lời, giọng chắc nịch nghiêm trang như người lớn.

- Vậy thì tốt lắm Thôi con ngủ đi.


- Dạ.

Ông cha đứng lên, thổi tắt phụt ngọn đèn.

Bóng tối phủ chụp xuống căn phòng nhỏ, bóng tối êm dịu như lời ru, ngọt ngào như mật. Bóng tối lần này không làm tôi sợ hãi mà làm tôi yên tâm và phấn khởi lạ lùng.


Hình như tôi mang máng cảm thấy thế lần này tôi đã với tay nắm được TÌNH THƯƠNG, tuy tình thương đó do một người mặc cái áo đen rộng thùng thình, có một bề ngoài lạnh lùng bí mật, chứ không dễ dãi, thân thiết, vồn vã như người con gái hồi mai. Tuy tình thương đó không biểu lộ một cách ồ ạt, âu yếm như của một người cha vui, không giống như cử chỉ dịu dàng của người mẹ tốt, tình thương đó không ban phát riêng ai, nó là một tình thương rộng lớn bao la như cây rừng, nước biển và tình thương đó ẩn trong những lời lẽ chừng mực, trang nghiêm, trong kỷ luật, tôi tưởng cũng quí báu vô vàn với đứa trẻ quá nhiều bất hạnh như tôi!

Nào tôi có mong muốn chi hơn nữa? Vì tôi biết từ đây tôi chẳng bao giờ còn phải sống trong những cơn ác mộng, thế chẳng đủ, quá đủ hay sao?


Lần thứ nhất trong những ngày thơ ấu, tôi nằm nghiêng, úp mặt lên gối, thổn thức, rưng rưng khóc vì sung sướng, và cũng lần thứ nhất tôi mường tưởng đến Ngày mai một cách hân hoan tin tưởng.

Vậy mà, suýt nữa tôi nhảy xuống sông, mà suýt nữa tôi... làm mồi cho cá mập, có ghê không? Tôi cười trong bóng tối khi nhớ đến những điều này.

Tôi thấy mình nở bung ra như hạt ngô rang, và tôi đi vào giấc ngủ một cách dung dị, môi chưa tắt hẳn nụ cười, trong bóng tối êm dịu như bàn tay mẹ và tiếng gió rì rào như những lời ru.

 
MINH QUÂN
Hè 66     

Nguồn :  http://tuoihoa.hatnang.com   
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>