Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Cái tên, ôi sao mà rắc rối thế?


CƯỜI LÀM DUYÊN

Đây là một nụ cười nhỏ mà có lần, Mương Sao tình cờ được chứng kiến. Hôm ấy, Mương Sao đi thi lấy bằng lái xe, môn thi đầu tiên là luật đi đường. Các thí sinh đứng dồn đám chờ được gọi tên vào phòng thi. Ngài giám thị lật bảng danh sách ra đọc tên từng quý vị thí sinh bằng một giọng sang sảng. Một lúc, ngài kêu:

- Cô Nguyễn Ngân Khánh!

Trong đám thí sinh một tiếng có vang lên, rồi một… nam thanh niên chen ra. Thế là có một tràng cười ồ vui vẻ. Ngài giám thị nhìn chàng Nguyễn Ngân Khánh mà khẽ lắc đầu trong lúc chàng ta cười mím chi xã giao. Chàng Khánh vào phòng thi rồi. Một lúc sau, ngài giám thị lại gọi:

- Ông Lê Phước Sang!

Lại một phen bé cái lầm! Cô Lê Phước Sang ỏn ẻn bước ra vừa đính chánh:

- Cháu con gái mà bác!

Đám đông lại được một phen cười no nê. Ngài giám thị lắc đầu lia lịa mà rằng:

- Tên với họ! Rõ chán!


TRĂM HOA ĐUA NỞ

Vâng, xin thưa cùng bà con, quả thật, tên với họ, rõ chán! Nhưng, đôi khi chính nó lại… rõ hay, và nếu đi sâu vào vấn đề hơn một tí, thì có khi lại… rõ lạ nữa cơ! Một lúc nào đó, buồn lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm… họ tên (nhại cải lương đấy nhé), bà con sẽ có thể phát giác được nhiều chuyện rất là hay ho, và lạ lùng nữa. Lấy thí dụ điển hình là Mương Sao đây, một tên cận thị 4 độ, gầy như cây tăm và yếu như cây sậy, hơi tếu và hay cười (kể cả cười trừ), học thức thì bằng một bàn tay và kiến văn chỉ có một dúm nhỏ, thế mà Sao này còn tìm được vài điều lý thú khi tò mò sưu tầm và tìm hiểu những cái tên, cái họ của người mình. (Huống chi là bà con nhỉ – khoái chưa –). Nhận xét đầu tiên của Mương Sao là : quả, rừng tên, họ của người mình là một vườn hoa muôn vẻ, muôn sắc, muôn màu.

Thế bây giờ, bà con cùng đi viếng cái vườn hoa tên họ này cùng Mương Sao nhé!


NÓI LẠI CHO RÕ

Trước hết, tưởng cũng nên xác định một tí về các danh từ. Hẳn bà con cùng công nhận HỌ và TÊN rất khác nhau. Thí dụ ngay Mương Sao đây, bà con có thể hiểu là Sao này họ Mương, tên Sao. Một bà con khác, Nguyễn Văn Hai chẳng hạn, thì họ là Nguyễn, đệm là Văn và tên là Hai. Thế nhưng, rắc rối một cái là người mình hầu hết đều không chịu phân biệt rõ như vậy. Bà con thử tưởng tượng một vụ đối thoại ngắn:

- Cô tên gì?

- Thưa, Trần Thị To Tướng!

Đấy, bà con nghe rõ nhé, một người hỏi : “cô TÊN gì?” một người đáp “ “tôi TÊN LÀ Trần Thị To Tướng”. Hóa ra chữ TÊN ở đây lại bao gồm cả họ, chữ đệm và tên.

Do đó, để dễ thông cảm với nhau, và để cho có dân tộc tính một tí, trong phạm vi bài này, Mương Sao xin được dùng chữ TÊN theo kiểu của cô Trần Thị To Tướng trên đây. Bà con chấp nhận cho chứ?


BIẾT QUA VỀ NHỮNG CÁI HỌ MỘT TÍ

Chẳng nói thì các bà con cũng biết, ngày nay, mỗi khi có một tuổi hoa khóc oe oe là hai đấng cha mẹ phải khai sanh cho tuổi hoa oe oe liền. Khai sanh có nghĩa là khai báo sự ra đời của một đứa trẻ, nhưng hiểu một cách bình dân, khai sanh chẳng qua chỉ là một vụ đặt tên không hơn không kém. Đặt tên thì phải có họ, chữ đệm và cái tên. Người mình theo phụ hệ nên a lê, họ của con phải là họ của cha. Suy ra, họ của cha là họ của ông nội, họ của ông nội là họ của cụ-ông nội…

Những cái họ thì sao? Bà con để ý một tí là có thể làm một bảng lược kê đầy đủ các họ của người mình để viết một bài… đăng báo Tuổi Hoa được rồi. Ở đây, Mương Sao chỉ xin nói sơ qua : những cái họ quen thuộc là : Nguyễn, Trần, Lê, Lý… Kế tiếp : Hoàng, Đặng, Võ, Dương… Hiếm hơn : Trang, Âu, Mạc, Hà…

Nếu sắp hạng thì họ Nguyễn là họ vô địch đương kim về số đông. Bất cứ nơi nào, bà con cũng thấy họ Nguyễn chiếm đa số. Nào là Nguyễn Văn, Nguyễn Phúc, Nguyễn Hữu, Nguyễn Thị, Nguyễn… lung tung. Thế tại sao họ đó lại chiếm đa số vậy? Mương Sao thấy có hai lý do chính:

1 – Họ Nguyễn nguyên là một cái họ của người Trung Hoa, và những người mang họ này đều là những người thuộc hạng cùng đinh khố rách của xứ mệnh danh là “con trời”. Trong thời gian nước ta bị Bắc thuộc, người Trung Hoa đã bắt dân ta đổi họ, mang họ Nguyễn với ý khinh thị. Từ đó tới nay, con cháu họ Nguyễn sinh sôi nẩy nở nhiều đến mức vô địch là phải.

2 – Lệ của các vua nước ta xưa vẫn hay ban thưởng các quan lại hay những người có công bằng cách cho những người này được cải thành họ của nhà vua. Thí dụ Lê Lợi đã ban cho ông Nguyễn Thân họ Lê khi ông này tình nguyện liều mình cứu Lê Lợi thoát vòng vây của giặc Minh. Bây giờ, hầu như mọi người Việt Nam chỉ còn biết cái tên Lê Lai mà quên hẳn cái tên Nguyễn Thân của vị anh hùng này. Trở lại vấn đề, dòng họ trị vì gần nhất tại nước ta là họ Nguyễn Phúc cũng không thể tránh lệ ấy. Đó cũng là một lý do giải thích sự đa số của họ Nguyễn.

Kết luận về phần này, Mương Sao xin được góp thêm một chút ý : ngày nay, bởi có quá nhiều chi phái của một họ, bởi sự không chính thống của một họ, và cũng bởi sự không lập gia phả, cái họ đã mất dần vai trò liên lạc thân thuộc của nó. Nghĩa là, cái họ mất dần tầm quan trọng gia tộc nhiều đời mà chỉ còn nối kết được 5, 6 đời hay hơn một chút nữa mà thôi.


HÌNH THỨC CỦA CÁI TÊN

Mới xem qua thì có thể bà con sẽ kết luận rằng có cả trăm ngàn hình thức của cái tên, nhưng thật sự thì không nhiều như thế đâu, mà chỉ có vài hình thức chính như sau:

1 – Tên hai chữ : 1 chữ là họ và 1 chữ là tên. Thí dụ : Hồ Ân, Lý Nhị.

2 – Tên ba chữ : thông thường nhất là gồm họ, chữ đệm, tên. Trong ba chữ này, thông thường, con trai đệm bằng chữ Văn và con gái đệm bằng chữ Thị. Thí dụ : Nguyễn Văn Ngọt, Trần Thị Chua.

3 – Tên bốn chữ : Thí dụ : Ngô thị Huyền Trân, Đinh Quang Anh Vũ.

4 – Cuối cùng, hơi hiếm một chút là những cái tên dài hơn bốn chữ : thí dụ : Công Tằng Tôn Nữ Tuyết Hoa.


NỘI DUNG CỦA CÁI TÊN

Các bậc cha mẹ tha hồ mà trăm hoa đua nở để đặt tên cho con cái. Do đó, Mương Sao đã phải một phen điêu đứng khi cố gắng phân loại nội dung, nói cách khác, ý nghĩa của sự đặt tên đó.

Sau đây là vài nhận xét của Mương Sao, chắc chắn là không đầy đủ, nhưng hy vọng là những nhận xét đúng:

Cách đặt tên thông dụng nhất là cách đặt tên 3 chữ với họ của người cha, con trai thì đệm Văn, con gái : Thị. Sau đó là tên. Cái tên (tức là chữ thứ ba) có thể chỉ thứ tự (Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu…), chỉ một loại hoa nếu là con gái (Huệ, Cúc, Lan, Mai, Hồng…), chỉ một loại cây (Bách, Tùng, Trắc…), hoặc là một chữ rất xấu nếu đứa con khó nuôi hoặc trường hợp cha mẹ hiếm hoi, đặt tên đẹp sợ thánh thần quở hay bắt nó đi (Cực, Còi…). Có những vị mang máu tếu, đặt tên con trong những khai sanh thì đẹp, nhưng lại đặt thêm một cái tên khác để gọi ở nhà, chẳng hạn, Mương Sao có quen với gia đình kia có bốn đứa con được gọi tên ở nhà lần lượt là : Đần, Đù, Ngu, Độn. (Mà lạ thay, anh chàng tên Đần lại là một học sinh xuất sắc). Những vị khác thích gọi con cái mình bằng tên gọi của một số loài vật như : Ngan, Ngỗng, Cò…

Những chữ đệm Văn (con trai), Thị (con gái) ngày nay có khuynh hướng bị bạc đãi, người mình dùng những chữ khác để thay thế. Chính vì vậy, nhiều HỌ mới được phát sinh. Chẳng hạn ông Lê văn Ân đặt tên con trai là Lê Hòa Hiệp. Ông Lê Hòa Hiệp có con, đặt tên là Lê Hòa Bình, Lê Hòa Thanh, Lê Hòa Nhạc. Các con ông cũng đặt tên con mình là Lê Hòa gì đó. Như vậy, có một họ mới được sinh ra : họ Lê Hòa. Những thí dụ tương tự : họ Nguyễn Phúc, họ Trần Lê (Lê là họ của người vợ), họ Ngô Lê…

Những cái tên (chữ thứ 3) cũng cần được thay thế bằng hai chữ để tạo ra hình thức mới : tên họ của một người gồm đến 4 chữ.

Ý nghĩa của những cái tên thì quả là nhiều, Mương Sao ghi nhận được một số:

- Địa danh : Lê thị Nha Trang, Võ Biên Hòa. (Xin được mở dấu ngoặc ở đây : có lần, Mương Sao đọc trên báo thấy có cái tên (Họ) thị Nghĩa Trang, nghe mà rợn mình).

- Theo một nghĩa riêng : Cường Tráng, Hồng Phước, Hạnh Phúc…

- Có những khán giả mộ điệu cải lương, lấy ngay tên đào kép đặt cho con mình : Nguyễn thị Thanh Nga, Lê Hùng Cường… chẳng hạn.

- Một gia đình ở Mỹ Tho có 12 người con có tên ghép thành một câu : Công, Thành, Danh Toại, Phỉ, Chí, Nam, Nhi, Bia, Truyền, Tạc, Để (cho bà con biết, Phỉ là bà Năm Phỉ, Nam là bà Bảy Nam, hai kịch sĩ cải lương nổi tiếng đó).

- Nhiều người đặt tên con tiếp nối một cách khác : thí dụ : Lý văn Hoài, Lý Hoài Mộng, Lý Mộng Bích, Lý Bích Ngọc, Lý Ngọc Điệp…

- Có những vị lấy ngay tên của những bậc anh hùng mà đặt cho con mình : Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ…

- Có vị lấy ngay tên mình đặt cho con : thí dụ ông Trần văn Đôn là cha của tướng Trần văn Đôn.

Đến đây, chắc bà con đã thấy rõ là cái tên cái họ của người mình đúng là trăm hoa đua nở rồi chứ? Và cũng bắt đầu thấy nhức đầu rồi? Vậy để thay đổi không khí, Mương Sao xin nói đến một phần khác.


BÀI THƠ CỦA VUA MINH MẠNG

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuận
Thế Thụy Quốc Gia Xương

Một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt? Vâng! Đúng là một bài thơ. Và là bài thơ của vì vua thứ nhì triều Nguyễn Phúc. Có bà con sẽ hỏi : Bài thơ này thì dính dáng gì đến đề tài? Mương Sao xin thưa là dính dáng lắm đấy. Vì đây không những là 1 bài thơ, mà còn là một bảng ấn định cho hoàng tộc đặt tên con cháu nữa. Theo đó, vua Minh Mạng sẽ đặt tên các con có chữ Miên, các cháu của ông thì trong tên sẽ có chữ Ưng, chút của ông có chữ Bửu, chít của ông có chữ Vĩnh…

Lật lại Việt sử và đối chiếu với bài thơ trên, bà con sẽ thấy nhiều điều thích thú:

1 – MIÊN : Vua Thiệu Trị là con vua Minh Mạng, tên Miên Tôn.

2 – HỒNG : Vua Tự Đức là con vua Thiệu Trị, tên Hồng Nhậm.

Một người anh của vua Tự Đức tên Hồng Bảo.

Vua Hiệp Hòa, em Tự Đức, tên Hồng Dật.

3 – ƯNG : Vua Kiến Phúc, con nuôi vua Tự Đức, tên là Ưng Đăng.

Vua Hàm Nghi (vua Tự Đức không con nên nhận ba người cháu là Dục Đức. Chánh Mông, Dưỡng Thiện làm con nuôi. Ông Dưỡng Thiện tức Ưng Đăng, tức vua Kiến Phúc. Ông Chánh Mông có người em tức vua Hàm Nghi) tên là Ưng Lịch.

Vua Đồng Khánh, tức ông Chánh Mông, tên là Ưng Sý.

4 – BỬU : Vua Thành Thái, con ông Dục Đức, tên Bửu Lân.

Vua Khải Định, tên Bửu Đảo.

5 – VĨNH : Vua Duy Tân, con vua Thành Thái, tên Vĩnh San.

Vua Bảo Đại, con vua Khải Định, tên Vĩnh Thụy.

Ngày nay, họ Nguyễn Phúc không còn làm vua nữa nên không biết bài thơ của vua Minh Mạng có còn được áp dụng để đặt tên trong dòng họ nữa hay không. Duy, Mương Sao có biết vài người bạn đồng thế hệ mang tên Nguyễn Phúc Bảo (…), Mương Sao hiểu đó là con của những vị tên có chữ Vĩnh của dòng Nguyễn Phúc. Mương Sao đang chờ, xem những người bạn Nguyễn Phúc Bảo (…) khi có con, có đặt tên con là Nguyễn Phúc Quý (…) hay không?

Chừng nào có tin tức mới, sẽ xin thông báo cho bà con biết sau.


GIẢI THÍCH MỘT CÁI TÊN

Bây giờ là một việc kỳ khôi nhưng không kém phần lý thú, là thử giải thích 1 cái tên xem sao. Rắc rối và khó khăn lắm chứ không dễ dàng đâu bà con ạ. Bà con thử tưởng tượng anh chàng Trần Thế Tử nào đó đang nói chuyện với ba người ban A, B, C.

Trần Thế Tử : Các bồ thử giải thích cái tên của Tử này xem có đúng không nào?

Người bạn A : Thì họ Trần, chữ đệm là Thế, tên là Tử chứ gì?

Trần Thế Tử : Sai bét!

Người bạn B : Thế thì họ Trần Thế, tên Tử, chịu chưa?

Trần Thế Tử : Sai luôn.

Người bạn C : Vậy thì đích thị mi họ Trần, không chữ đệm và tên là Thế Tử vì ông thân của mi hy vọng mi sẽ làm… vua. Đúng chưa?

Đến đây, Trần Thế Tử mới khoái chí cười hinh hích mà rằng:

- Bồ nói thật đúng!

Chưa, chưa hết đâu nghe bà con. Vì đó mới là ý nghĩ của Trần Thế Tử. Trong khi sự thật là khi đặt tên cho con, ông thân của Trần Thế Tử chẳng có mục đích, ý nghĩ, giải thích gì cả. Số là vợ ông tên Thế, ông họ Trần, đẻ thằng con đầu lòng mà chữ nho Tử vốn là con nên ông ghép lại thành ba chữ : Trần Thế Tử : Thế thôi!

Bạn đã khóc thét lên chưa nào: cái tên, nó rắc rối lắm mà!


ĐỐ LÀM DUYÊN

Để kết thúc bài này, Mương Sao xin được đố bà con một câu gọi là để làm duyên văn nghệ. Câu đố rất dễ:

Giả sử, hai chữ Mương Sao là tên trong khai sanh của Sao này, bà con thử giải thích ý nghĩa của hai chữ Mương Sao xem nào?

Tất cả những bà con gửi thư về giải thích đều nhận được thư trả lời đặc biệt của Mương sao, trong đó, chỉ có hàng chữ trả lời câu hỏi này : “Mương Sao, mi là ai?”. Cam đoan bà con sẽ nhận được một bất ngờ. Xin để địa chỉ tòa soạn.


MƯƠNG SAO     


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 195, ra ngày 1-3-1973)

Bìa của Vi Vi : Thoảng hương

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>