Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Mùa Xuân Nguyễn Huệ

KỊCH LỬA TRẠI


NHÂN VẬT THEO THỨ TỰ TỪNG MÀN

MÀN I :

– Thầy Khóa
– Vợ Thầy Khóa
– Toán lính Mãn Thanh (từ 3 đến 5 người)

MÀN II :

– Quang Trung Hoàng Đế
– La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp
– 2 Võ Tướng
– 4 lính hầu
– 1 lính gọi loa
– Quân Quang Trung (càng đông càng tốt, 3 người họp thành một tổ, mỗi tổ có 2 người khiêng võng cho một người)

MÀN III :

– Tôn Sĩ Nghị
– 2 Tướng Mãn Thanh
– Lê Quýnh
– 2 người dân Việt
– 2 lính hầu
– 2 lính thám báo

MÀN THỨ NHẤT
(Xảy ra tại kinh thành Thăng Long)

(Bắt đầu vở kịch, thầy khóa đang ngồi đọc sách ở cạnh án thư, vợ thầy khóa ngồi may vá ở gần đó. Ánh nến leo lét, chập chờn)

TIẾNG HẬU TRƯỜNG : Mùa hạ năm Đinh Mùi (1787), vâng mật chỉ của Lê Chiêu Thống, Ngự sử Trần Danh Án cải trang làm lái buôn đi lọt qua biên ải để sang đất Mãn Thanh xin cầu viện. Cuối thu năm Mậu Thân (1788), Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị cầm đầu 20 vạn quân rầm rộ tiến vào Thăng Long, ào ào như thác lũ, thế dữ như hùm beo. Tình cảnh nhân dân xứ Bắc lúc đó thật vô cùng khốn khổ. Luôn mấy năm mất mùa, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, có người phải đào củ chuối ăn thay cơm, luộc cỏ ăn thay cháo, nay lại thêm 20 vạn hùm beo xứ Bắc đổ xuống, đi đến đâu cũng cướp bóc giết người, oán khí ngùn ngụt bốc tỏa trời Nam, tiếng dân ta thán che mờ hai vầng Nhật Nguyệt…

(Trống chiêng nổi lên rộn rã kèm theo tiếng người hò reo ồn ào, hỗn loạn).

VỢ THẦY KHÓA : (buông rổ khâu, chạy lại phía cửa nghe ngóng rồi quay vào) Khổ quá! Thật sống ở kinh đô mà như nằm ở trên dầu sôi lửa bỏng. Nay nó cướp phá chỗ này, mai nó giết chỗ kia. Rồi không biết đến khi nào đến lượt mình đây.

THẦY KHÓA : (thở dài, buông sách ngồi trầm ngâm, một lát) Tình cảnh này thì đến phải bỏ Thăng Long mà về Kinh Bắc thôi. Ở đây thì lợi về cái mặt học hành thi cử đấy, nhưng… đất nước loạn ly, dân tình khổ ải, quê hương chịu muôn cảnh đau thương tàn phá, nói ra sợ mình buồn, chứ cả tháng nay tôi đọc sách thánh hiền mà như thấy muôn ngàn cảnh ngang trái, nhẩy múa trên từng hàng chữ, như thấy những ý tưởng cao siêu của tiền nhân biến thành muôn ngàn dao sắc cứa xé tâm can. (đập quyển sách xuống bàn) Thôi tôi quyết rồi. Thân làm trai nam nhi mà ngồi yên đọc sách lúc nước nhà nguy biến thì soi gương thấy hổ thẹn, khoanh tay ngồi nhìn đồng bào lầm than khổ ải thì ra đường không dám ngẩng mặt nhìn ai. Bọn hàng thần lơ láo nhà Lê đã cam đành thân phận trâu chó dưới gót giặc, há mình cũng ngồi yên để đành phận tôi đòi ngoại bang phương Bắc sao?

VỢ THẦY KHÓA : (xua tay) Chết! Chết! Mình ăn nói phải nên giữ lấy lời. Quanh đây có biết bao nhiêu là tai mắt của bè lũ nhà Thanh. Xẩy mồm xẩy miệng chẳng ích gì mà mang họa đến thân.

THẦY KHÓA : (hậm hực) Nhưng tức lắm không thể nhịn được.

VỢ THẦY KHÓA : Thời buổi này cái thân phải giữ lấy làm trọng. Nếu chưa có hoàn cảnh đem tài năng ra thi thố thì thà nhắm mắt bịt tai, chịu thu mình nhỏ lại mà đọc sách chờ thời còn hơn là tức khí nói răm ba câu chẳng ích gì mà uổng đến tính mạng một cách vô ích.

THẦY KHÓA : Thời cơ! Cứ ngồi khoanh tay mà chờ đợi thời cơ thì thân này tàn, chí này nhụt mà đất nước này cũng đành tiêu diệt dưới gót giầy của lũ sài lang. Nay ở đàng trong tôi nghe thế lực của Bắc Bình Vương mỗi ngày một thêm lừng lẫy, anh hùng hào kiệt bốn phương qui tụ về đó rất đông. Chẳng chóng thì chầy thế nào Vương cũng đem quân ra Bắc để giải ách thống trị nhục nhã này cho quốc gia, dân tộc. Tôi tuy tài hèn sức mọn nhưng thiết tưởng bổn phận của bất cứ người trai thời loạn nào cũng là phải đóng góp cái phần nhỏ mọn của mình vào Đại Nghĩa… (im lặng)… Mình nghĩ sao…

VỢ THẦY KHÓA : Vậy mình tính vô miền trong thật đó sao?…

THẦY KHÓA : Tôi đã suy tính kỹ càng. Chẳng còn cách nào khác để thoát khỏi kiếp sống tôi đòi, khốn khổ này…

VỢ THẦY KHÓA : (thở dài) Chí mình đã quyết, tôi cũng chẳng dám can ngăn. Hiềm nỗi mình đi rồi, tôi thân gái một mình, bơ vơ biết chỗ nào nương tựa!

THẦY KHÓA : Vì thế tôi mới bàn rằng mình tạm lánh qua Kinh Bắc tìm nơi nương náu. Đến lúc mình chắc chắn có chỗ an thân rồi thì tôi sẽ kiếm cách vô Nam. Ở đây bè lũ Mãn Thanh như bầy lang sói, thân sống trên đất nước quê hương mà không khác gì kiếp cá chậu chim lồng, sống chết không biết lúc nào, thật là đáng căm giận…

(có tiếng đập cửa cấp bách và tiếng ồn ào)

VỢ THẦY KHÓA : Chết! Cái gì thế mình? (Tiếng quân Mãn Thanh : Mổ cở, mổ cở, mau lên)

THẦY KHÓA : Quân Mãn Thanh! Thôi, tai họa đã xẩy ra đến với gia đình ta rồi… (cánh cửa bật tung và quân Mãn Thanh ùa vào).

Quân Mãn Thanh I, II, III : Ha ha… Tàn pà… tàn pà… hẩu lớ… xinh lớ… tốt lớ… (một tên xông lại toan ôm chầm lấy vợ thầy khóa)

THẦY KHÓA : (quát) Quân cẩu trệ chớ làm càn! (lôi vợ lùi về phía sau mình)

Quân Mãn Thanh I : Hà… Cái lị muốn chít hả… (xông lại định gạt thầy khóa ra)

THẦY KHÓA : (đẩy vợ chạy vào nhà trong rồi hét lên) Ngừng tay lại quân súc sinh. Tao dù yếu đuối cũng thề chết với chúng mày (lật chiếu lên rút ra một thanh gươm)

(Quân Mãn Thanh rút đao ra, ẩu đả hỗn loạn, một lát thầy khóa bị đâm chết)

Quân Mãn Thanh I : Tâu giồi… Cái tin tàn pà chại tâu giồi… (xông vào tìm, bỗng rú lên thất thanh)

(Theo tay chỉ của tên Mãn Thanh I, cả bọn cùng nhìn lên và cùng thất thanh kéo nhau bỏ chạy)

(Vợ thầy khóa đã thắt cổ tự vận, xác treo ở trên xà gỗ gần đó).


MÀN THỨ NHÌ
(Kịch xẩy ra tại Bàn Sơn, nơi Quang Trung lên ngôi Hoàng Đế)

TIẾNG HẬU TRƯỜNG: Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788) thể theo lời yêu cầu của ba quân, Bắc Bình Vương lập đàn Nam Giao ở Bàn Sơn, phía Nam núi Ngự Bình để tế cáo trời đất rồi làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng Đế lấy niên hiệu là Quang Trung nguyên niên. Ngày 29, Hoàng Đế thúc quân ra tới Nghệ An để chiêu mộ thêm binh mã. Trong vòng không đầy 10 ngày, dân chúng nô nức tình nguyện đầu quân, tổng cộng trên mười vạn người. Ngày 15 tháng chạp, trước toàn thể ba quân, dưới ánh sáng rực rỡ của muôn ngàn ánh đuốc soi tỏ cả một góc trời Nam (Đuốc thắp sáng vòng quanh lửa trại), giữa muôn ngàn tấm lòng sôi sục một hai thề liều chết vì non sông tổ quốc, Quang Trung Hoàng Đế xuất hiện trước ba quân để làm lễ xuất quân (chiêng trống rộn rã)

LÍNH GỌI LOA : Ba quân chú ý! Ba quân chú ý! Hoàng Đế giáng lâm! Hoàng Đế giáng lâm!...

(4 lính cầm đuốc chạy lên kỳ đài. Hai võ tướng tiến lên trước đứng hai bên. Hoàng Đế tiến lên sau, chiêng trống lại nổi lên rộn rã trong tiếng tung hô : Vạn tuế… Vạn vạn tuế…)

LÍNH HẦU : (chạy vào quì) Muôn tâu Hoàng Đế… Có La Sơn Phu Tử xin bệ kiến.

QUANG TRUNG : Cho mời vào…

LA SƠN PHU TỬ : Ẩn sĩ núi La Sơn vâng chiếu chỉ xin ra mắt Hoàng Đế…

QUANG TRUNG : Tiên Sinh khá bình thân. Trẫm sở dĩ triệu Tiên Sinh tới đây hôm nay là cốt để cùng Tiên Sinh họp bàn việc quốc gia đại sự. Nay trẫm muốn đem quân ra đánh gấp Bắc Hà, việc đó nên chăng?

LA SƠN PHU TỬ : Quân Thanh tuy đông và mạnh, nhưng ỷ thế làm càn, dân chúng càng ngày càng thêm oán thán. Lại thêm Sĩ Nghị kéo quân qua đây, chẳng đánh mà cũng chiếm được Thăng Long, hàng thần nhà Lê thì lơ láo cam phận tôi đòi, khiến quân tướng nhà Thanh kiêu càng sinh kiêu, khinh bỉ người Nam lại càng thêm khinh bỉ, do đó tất chẳng đề phòng. Nay Chúa Thượng đem quân ra đánh gấp, lòng dân đã có, thế giặc lại đang chểnh mảng, trên hợp ý trời, dưới hợp lòng dân, tôi chắc chỉ trong vòng mười ngày là chiếm được đất Thăng Long.

QUANG TRUNG : Lời của Tiên Sinh thật hợp với ý của ta. Đêm nay ta ra lệnh xuất quân vội vã cũng là do cái dụng ý đó…

LA SƠN PHU TỬ : (bái tạ lui ra).

QUANG TRUNG : Hỡi ba quân! (Hậu trường dạ ran) Trong vòng trời đất, chia theo phận sao Dực, sao Ngưu, Nam phương và Bắc phương vẫn riêng một non sông. Người Mãn Thanh không phải nòi giống ta, tất là khác lạ. Nay 20 vạn quân Thanh ùn ùn kéo qua Thăng Long, đi đến đâu cũng vơ vét của cải cho đầy túi tham, giết người như ngóe cho thỏa lòng dạ sài lang, hỏi ai là người nước Nam mà không căm phẫn, hỏi ai là con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo mà không thấy lòng sôi sục hờn căm. Vậy muốn trừ cái ách cho cả dân, cả nước chúng ta có đồng lòng đánh đuổi quân Tàu hay không? (tất cả hậu trường : ĐỒNG LÒNG) Ta mang quân ra Bắc chuyến này để trừ cái họa cho dân cho nước. Các quân sĩ muốn mưu cuộc thắng bại phải cùng với ta một lòng. Nếu kẻ nào không tận tâm chiến đấu hoặc ăn ở hai lòng thì lập tức chém đầu để nghiêm quân lệnh. (Toàn thể hậu trường : XIN TUÂN LỆNH). Ta với ba quân năm nay không ăn tết theo định kỳ. Mồng bẩy tháng giêng ta sẽ vào thành Thăng Long ăn tiệc khai hạ. Quân sĩ có đồng lòng với ta như thế không? (Toàn thể hậu trường : ĐỒNG LÒNG) Vậy chúng ta lên đường. Ba người họp thành một tổ, thay phiên mà võng nhau. Ta hẹn cho trong vòng năm ngày phải ra tới đất Bắc để đánh vào Thăng Long!

(Toàn thể hậu trường đồng ca bài VUA QUANG TRUNG. Trong khi ấy, quân Quang Trung từng tốp 3 người khiêng võng, cáng đi vòng quanh đống lửa nhiều lần cho đến khi bài hát chấm dứt…)


MÀN THỨ BA
(Cảnh tư dinh của TÔN SĨ NGHỊ)

TIẾNG HẬU TRƯỜNG : Ngày mồng ba tết năm Kỷ Dậu (1789), kinh đô Thăng Long tiếng pháo mừng xuân chen lẫn tiếng súng. Trong lúc muôn vạn hùng binh của Quang Trung Hoàng Đế vượt mọi gian nan trèo đèo lội suối từ Nam tiến ra Bắc thế mạnh như thác đổ, thì 20 vạn quân Thanh say sưa cùng rượu nồng dê béo.

TÔN SĨ NGHỊ : (lảo đảo bước vào, theo sau là tướng sĩ hầu) Vui lắm, say lắm, hảo a…

CHÚNG TƯỚNG : Tướng công say rồi, xin tướng công về trướng an nghỉ.

LÊ QUÝNH : Phải vậy đó. Xin Tướng Công hãy tạm dừng cuộc vui đến ngày mai. Bên triều đình An Nam chúng tôi còn dành rất nhiều thú vui để giải sầu cho Tướng Công mong bù đắp cho Tướng Công cái sầu của kẻ mùa xuân lữ thứ…

TÔN SĨ NGHỊ : Hay lắm! Hay lắm! Khá khen cho vua tôi nhà Lê biết ăn ở trung hậu, nhớ ơn quân sĩ nhà Đại Mãn Thanh phải vất vả, khó nhọc rời xứ sở qua đây để gìn giữ an ninh giùm cho đất Việt. Vậy thì còn gì vui nữa cứ bầy ra đây cho ta thưởng thức. Ta chưa say mà… (chập choạng) Ui cha…

LÊ QUÝNH : (săn đón) Đó… Tướng Công say thật rồi.., Để tôi xin dìu Tướng Công vô an nghỉ (quì xuống định cởi giầy cho Tôn Sĩ Nghị)

TÔN SĨ NGHỊ : (đạp vào mặt Lê Quýnh) Đã bảo ta không say. Đồ cẩu trệ, hãy mau mau bầy trò ra cho ta giải trí bằng không thì mất đầu bây giờ…

LÊ QUÝNH : (líu lưỡi) Dạ… Dạ… có ngay… có ngay… (lồm cồm bò dậy, quát) Bay đâu… Truyền đem đèn nến đốt thêm cho sáng tựa ban ngày để Tướng Công thưởng thức trò vui cho rõ ràng đa… (hậu trường DẠ ran)

TÔN SĨ NGHỊ : Tốt lắm! Tốt lắm!...

Người dân Việt I : (đội đèn đi vào)

TÔN SĨ NGHỊ : Hà hà… Trò gì đây? Nhà ngươi biết làm cái trò gì?

LÊ QUÝNH : Thưa Tướng Công. Mụ này chỉ xứng đáng cái chân đội đèn cho Tướng Công nhìn rõ mà thôi.

TÔN SĨ NGHỊ : Uổng quá. Người đẹp như vậy mà đội đèn thì uổng quá!

LÊ QUÝNH : (cười ha hả đắc chí) Vậy là Tướng Công chưa có biết giá trị của người An Nam chúng tôi. Còn nhiều, con gái nước tôi còn đẹp hơn thế này nhiều. Xin Tướng Công cứ bình tâm, có sá chi cái thân phận tôi đòi chỉ đáng đội đèn, xách nước này…

TÔN SĨ NGHỊ : (sung sướng cười) Khen!... Khen cho nhà ngươi thật xứng bậc trung thần của nhà vua họ Lê. Nay mai Chiêu Thống sang chầu, ngươi nhớ nhắc ta đề nghị ban thưởng và thăng chức cho, nghe!...

LÊ QUÝNH : (quì mọp xuống chân Tôn Sĩ Nghị) Kẻ bầy tôi trung thành xin muôn vàn cảm tạ công đức trời bể của Tướng Công, kẻ hèn này xin ghi tâm khắc cốt…

TÔN SĨ NGHỊ : (đạp Lê Quýnh ngã ngửa ra) Thôi! Lẹ lên đi! Có trò vui gì thì mau bầy ra, kẻo thì giờ là vàng bạc, chơi Xuân đi không Chúa Xuân chóng già…

LÊ QUÝNH : (lồm cồm bò dậy) Bay đâu… Hãy đem thêm đồ rượu thịt vào đây, để Tướng Công vừa nhắm vừa thưởng thức trò vui của bầy tiên nữ An Nam sắp sửa trình diễn…

Người dân Việt II : (đội mâm rượu thịt đi vào) Xin Tướng Công hãy dùng thêm rượu…

(Bỗng có tiếng chiêng trống, thanh la nổi lên ồn ào)

TÔN SĨ NGHỊ : Cái gì thế?...

Tướng Tàu I : Thưa Tướng Công, đó là dân chúng vui mừng đón xuân sang. Suốt ba ngày hôm nay, không lúc nào là kinh đô ngớt tiếng pháo…

TÔN SĨ NGHỊ : Hay lắm! Cho chúng nó vui đi, nô đùa thỏa thích đi, để thấy dưới quyền chăm sóc của ta, trăm họ được hưởng thái bình… (quay sang Lê Quýnh) Đâu… Còn tiên nữ An Nam của nhà ngươi đâu, sao không thấy chúng nó vào đây cho ta thưởng lãm?…

LÊ QUÝNH : Đêm còn dài, thời gian đối với Tướng Công còn vô tận. Xin hãy cạn chén rượu nồng này để cho chúng nó sửa soạn kỹ càng trước khi ra mắt Tướng Công.

TÔN SĨ NGHỊ : (cầm lấy ly rượu ngửa cổ uống một hơi) Thôi đấy nhé… Ta say lắm rồi. Ta say lắm rồi… (chiêng trống lại nổi lên ầm ĩ xen lẫn với tiếng reo hò) Ủa chúng nó làm gì mà huyên náo thế kia… Chúng bay ra coi thử xem có chuyện gì…

Lính thám báo I : (chạy sộc vào) Chí nguy… Chí nguy…

TÔN SĨ NGHỊ : Cái gì?… Ai cho nhà ngươi tự tiện vào đây?…

Lính thám báo I : Thưa Tướng Công… chí nguy… quân… quân… nhà…

TÔN SĨ NGHỊ : (quát lên) Đồ súc sinh hèn nhát. Có nói thẳng cho ta nghe không hay muốn mất đầu. Đại hùng binh Mãn Thanh có một tên yếu đuối như nhà ngươi thật là nhục nhã…

Lính thám báo I : Dạ… thư… ưa… Tướng Công… Công tôôôi… xin… xi… in nói… Quân… quân…

TÔN SĨ NGHỊ : Bay đâu! Đem chém thằng này cho ta… (lính dạ ran, xông lại xách cổ tên lính thám báo lôi đi)

Lính thám báo I : (líu lưỡi) Thưa… thưa… Tư… ớng… Công… quân… (bị kéo đi vào hậu trường. Trong hậu trường có tiếng hô CHÉM! Tiếng lính thám báo kêu ÔI CHAO! Một lát tướng Thanh vào báo : Tuân mệnh Tướng Công, tên đó đã bị chém đầu)

Lính thám báo II : (hớt hải chạy vào) Chí nguy! Chí nguy!...

TÔN SĨ NGHỊ : Lại mày nữa. Có điều gì hãy nói cho rõ ràng. Lúng túng một câu ta chém chết…

Lính thám báo II : Thưa Tướng Công, lửa cháy khắp kinh thành… quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ cầm đầu tràn vào vô số. Đề đốc Hứa Thế Hanh chết trận ở Văn Điển, Thái Thú Sầm Nghi Đống thắt cổ tự vẫn ở Gò Đống Đa… (trong hậu trường nổi lên tiếng thanh la, chiêng trống và những tiếng hô : TIẾN! TIẾN! SÁT! SÁT!)

Toàn thể hậu trường đồng ca bài VUA QUANG TRUNG. Trong khi ấy Tôn Sĩ Nghị và chúng tướng cuống cuồng cổi cả giầy dép xốc quần, xốc áo chen nhau chạy vòng quanh đống lửa rồi chạy vào)


NHẬT TIẾN      


(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Nhâm Tý, 1972)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>