Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Một Chút Hương Thừa Của Tết



1

Buổi sáng người đó lại đi vào xóm. Một sự viếng thăm tầm thường như vậy, nhưng lại rộn ràng hơn cả sự viếng thăm của một ông bộ trưởng. Có cả tiếng kèn tây nổi lên bài “Ly rượu mừng” và sau đó hàng trăm cặp mắt đều đổ dồn ra từ các khung cửa để dòm người khách lạ nhưng quen. Và cuối cùng, một bầy trẻ nhỏ, trước thì chỉ vài ba đứa, sau đông đảo dần, kéo nhau đi theo bước chân của người. Chúng nó líu lo hát theo bài nhạc đang được thổi kèn tây, bài “Ly rượu mừng” quen quá, ai cũng biết cả. Và tiếng kèn đó đang được người khách thổi với điệu bộ rất vui tươi. Chỉ bằng điệu bộ thôi, người ta nhìn vào và đoán là ông ta đang vui. Và tiếng kèn, nghe cũng hân hoan nữa. Thế thôi. Còn sau cặp kính đen ngòm kia, chẳng ai thấy được gì. Ông ta đã mất đi phương tiện thông thường và cao quý‎ nhất để diễn tả niềm vui: đôi mắt. Cả xóm này quen gọi ông ta là “ông già mù thổi kèn tây” thật giản dị. Chẳng mấy ai thắc mắc ông ta từ đâu đến, người ra sao, và cũng không ai hỏi ai rằng vì sao mà ông ta biết quá nhiều bản nhạc để thổi kèn như thế. Mỗi lần đi vào xóm là ông ta thổi một bài mới. Chỉ biết rằng người dân lao động thật dễ dãi, nghe xong bài “Ly rượu mừng” bèn bỏ vào chiếc lon đeo trước ngực ông ta những đồng tiền kẽm.

Chỉ riêng thằng Quốc là không gọi ông ta bằng cái tên “ông già mù thổi kèn tây”. Vì trước đó đã có lần nó đến gần ông ta và nhận thấy rằng ông ta chưa già. Thật đơn giản. Nó cũng không gọi cây kèn tây, vì có khi nó cũng nghe ông ta thổi những bài dân ca nữa. Trong đầu thằng Quốc, thật sự chưa có danh hiệu nào để gọi người ấy cả. Nó cũng không muốn nghĩ đến người ấy như một kẻ hành khất. Người ấy không bao giờ mở miệng xin bố thí. Thằng Quốc biết rằng, kẻ xin ăn là một kẻ không làm việc gì cả, nhưng nhận ở người khác tiền bạc và thức ăn để sống. Nó hiểu một cách sơ sài như thế, theo định nghĩa của nó, nhưng đủ để phân biệt người thổi kèn này với một người ăn xin. Vì ông ta đã kiếm được tiền nhờ những bài nhạc. Đi từ đầu xóm đến cuối xóm, ông ta đã trổi ít nhất ba khúc hát. Và những người nghe – những thính giả dễ tính của xóm lao động cũng đâu có khác gì những người giàu sang bỏ tiền đến phòng trà để nghe ca sĩ hát. 

Sự so sánh ngộ nghĩnh ấy làm cho thằng Quốc có ý‎ nghĩ ông khách này là một người nghệ sĩ. Phải gọi ông ta như thế dù ông không bao giờ xuất hiện trên sân khấu hay trên máy “ti-vi”. Thằng Quốc thích chạy theo ông ta để nhìn thật kỹ những ngón tay ông ta bấm trên thân cây kèn để “làm ra những nốt nhạc”. Và nó cũng khoái nhìn ông ta phùng to hai má để thổi ra những âm thanh. Hôm nay ông thổi bài “Ly rượu mừng” chán rồi thổi bài “Đón xuân”. Thằng Quốc ghét mấy bài nhạc mừng xuân lắm, nhưng nó vẫn chạy theo ông ta vì một sự thân mến nào đó có sẵn từ lâu. Nó cũng không trách ông ta được vì hôm nay là mồng năm Tết. Đối với người lao động của xóm nó, Tết chỉ có hai ngày thôi. Đến mồng ba là má nó đã thức sớm để đi bán trở lại. Nhưng với tụi trẻ con thì Tết có nghĩa là những ngày mà chúng còn được ở nhà, được ngủ đến chín mười giờ sáng và còn được chạy rong từ đầu trên đến xóm dưới để chơi bầu cua và đốt những cây pháo lẻ. Vì vậy đến mồng năm vẫn còn là Tết, đến mồng sáu mồng bảy vẫn còn là Tết. Người nghệ sĩ này có lẽ cũng biết như vậy. Và thằng Quốc bật cười khi nghĩ rằng ngày trước có lẽ ông ta cũng được nghỉ Tết đến mồng tám mồng chín mới đi học.

Lúc thằng Quốc cười, là đúng ngay lúc người ấy dứt tiếng bài “Đón xuân”. Vì đứng nghiêng nên nó thấy dường như đôi mắt của ông ta nhướng lên sau cặp kính. Dường như ông ta có ý‎ hỏi “Ai cười thế?”, nhưng ông không nói gì cả. Mà một thằng bé trong đám trẻ con đông đảo ấy lên tiếng:

- Đứa nào cười vậy?

Và một đứa đáp:

- Thằng cu Quốc.

Rồi một đứa nữa:

- Thằng con ông Thượng sĩ Hạc.

Đám trẻ con bỗng xôn xao lên, vì thằng Quốc quả thật đang “nổi sùng”. Nghe động đến tên ba nó, nó đỏ mặt lên, và tìm cho được đứa nào đã dám hỗn hào như vậy. Nó túm lấy cổ áo thằng bé kia, hầm hừ:

- Ai cho mày thèo lẻo, hở mày?

Thằng bé kia toét miệng ra cười, đưa cả hàm răng sún nham nhở ra. Thằng Quốc bực mình, trả đũa:

- Còn mày, mày là con của…

Nó im bặt, rồi tự nhiên buông thằng bé ra. Đám trẻ chờ đợi xem một màn ẩu đả, bỗng chưng hửng vì thấy thằng Quốc xìu mặt xuống. Hầu hết trong xóm này, đứa nào cũng muốn cho thằng bé kia bị đánh. Nhưng thằng Quốc thì không. Dù sao thằng bé đó cũng nhỏ con hơn nó, thua thiệt hơn nó và hay bị hiếp đáp. Quốc không muốn nói tiếp “Mày là con của ông hút” vì nó sợ thằng bé sẽ khóc. Thằng bé láu cá thế nhưng lại hay nhè. Nếu danh hiệu “thằng con ông Thượng sĩ Hạc” làm cho Quốc hãnh diện thì tiếng “con của ông hút” lại khiến cho thằng bé nọ xấu hổ. Thôi, chẳng nên mỉa mai thằng bé làm gì. Quốc nghĩ thế rồi làm thinh luôn.


2

Buổi trưa người thổi kèn ngồi trên thềm nhà của thằng Quốc, lặng lẽ đếm tiền lấy ra từ chiếc lon đeo trước ngực và cất hết vào túi. Mọi lần, ông ta chỉ vào xóm nó như một người đưa thư, thổi mấy bài kèn và đi khỏi. Lần này ông lại ngồi nghỉ ở đây. Một dịp tốt để cho Quốc đến gần. Buổi trưa, khi bọn trẻ con tò mò và lười biếng đã về nhà ăn cơm, Quốc se sẽ đến gần ông ấy. Bây giờ nó mới nhìn kỹ hơn gương mặt của người, và nó giật mình. Chưa có ai giống ba nó như vậy. Từ hai năm nay rồi, thằng Quốc tưởng như hình ảnh ba nó đã phai mờ trong trí nhớ ngây thơ, nay bỗng nghe như ba nó sống lại, thật mạnh mẽ, thật linh hoạt, gấp trăm ngàn lần bức hình thờ trên chiếc tủ cao để trong góc nhà quạnh quẽ. Nó đứng sững nhìn người thổi kèn. Người này có lẽ lớn tuổi hơn ba nó nhiều lắm. Nước da sạm đen hơn và nét mặt cứng cỏi hơn. Và cuộc đời của ông ấy, có bi hùng như cuộc đời của ba nó không? Sau đôi mắt kính đen kia, có những nỗi niềm gì? Thằng Quốc bỗng thấy hơi se lòng. Nó muốn tỏ một cử chỉ thân ái, nhưng nó biết rằng sẽ vô ích vì ông ấy không thấy gì đâu. Nó ấp úng gợi chuyện:

- Bác ơi!... Sao bác không về nhà?

Người thổi kèn hơi xoay đầu để định hướng tiếng nói, và ông mỉm cười:

- Bác không có nhà.

- Bác ở đâu?

- Bác ở khắp nơi.

Người thổi kèn sửa lại gọng kính và hỏi:

- Trưa rồi, cháu không ngủ sao?

Thằng Quốc trố mắt nhìn. Ông ta biết đã đến trưa? Nó tự hỏi như thế và tự chế nhạo mình. Nếu đêm đến người ta ngủ và biết bao giờ là sáng để thức dậy, thì người nghệ sĩ sống trong sự tối tăm kia cũng biết bao giờ là trưa để tạm ngưng lao động vậy chứ. Thằng Quốc lắc đầu:

- Cháu không ngủ trưa. Bác đã ăn gì chưa?
 

- Có. Bác ăn bánh mì rồi. Nhà cháu… ở đâu?
 

- Cháu ở trong nhà này.

Người thổi kèn như muốn nhớm đứng dậy, nói:

- Bác ngồi đây, có phiền ba má cháu không?
 

- Má cháu đi bán ở ngoài chợ, chiều mới về. Còn ba cháu…

Người kia lại ngồi yên, chờ nghe tiếp câu nói. Thằng Quốc cúi đầu, giọng nhỏ lại:

- Ba cháu chết rồi bác ơi.

Có một lúc yên lặng trải qua. Thằng Quốc ngồi xuống bên người thổi kèn. Nó nhìn “cây kèn tây” vàng óng ánh đặt bên cạnh ông ta, bất chợt nó đưa tay sờ nhẹ vào cây kèn. Hơi đồng lạnh ngắt. Nó nghe tiếng người thổi kèn hỏi nhẹ như gió:

- Ba cháu còn trẻ hay đã già?
 

- Ba cháu còn trẻ, bác. Ba cháu chết trận năm kia.

Người thổi kèn bỗng gỡ cặp kính ra. Thằng Quốc thấy rõ một đôi mắt – không còn là một đôi mắt, mà chỉ là hai hố sâu được che lại bằng những vết sẹo nhăn. Thằng bé bàng hoàng. Gương mặt của người thổi kèn hết giống ba nó. Ba nó có một đôi mắt rất tinh anh và chan chứa yêu thương. Đôi mắt đó đã nhắm lại và yên ngủ đời đời. Nhưng nó không cảm thấy sợ sệt người đàn ông kia. Ông có một vẻ gì như là qu‎ý mến nó. Một cử chỉ ái ngại nào đó hình như đang biểu lộ trên gương mặt đã mất mát quá nhiều.


- Phải cháu là… “thằng con ông Thượng sĩ Hạc” hồi sáng không?
 

- Sao bác biết?
 

- Bác nghe giọng cháu nói, quen quen. Người ta gọi cháu như vậy luôn?

Thằng Quốc cúi đầu, nói giọng không buồn không vui:

- Hồi ba cháu còn sống, mấy người quen thân kêu cháu như vậy. Hồi ba cháu mất, cả xóm đều kêu cháu như vậy. Cháu không biết họ thương hay ghét cháu.

Người thổi kèn mỉm cười:

- Họ thương cháu đấy!
 

- Sao bác biết?
 

- Ba cháu có làm điều gì xấu không?

Thằng Quốc ngẩng lên, nói mau:

- Không. Ba cháu hiền lành lắm. Ba cháu đi lính. Ba cháu chết trận.

Người thổi kèn nói như vỗ về:

- Vậy thì là họ thương cháu. Họ nhắc đến tên ba cháu là họ thương ba cháu. Cháu phải hãnh diện khi nghe gọi như vậy.

Thằng Quốc cảm thấy thỏa mãn. Nó bỗng nghĩ đến biệt hiệu “thằng con của ông hút” và tội nghiệp thằng bé suý‎t gây lộn với nó hồi sáng. Nhà nó ở cuối xóm, và chỉ là một ổ chuột hẹp và tối. Ba nó hút thuốc phiện. Mẹ nó cũng hút. Mẹ nó chết trước ba nó, vì thuốc. Chẳng một ai trong xóm lấy đó làm lạ. Hình như cũng chẳng ai thương xót. Mẹ nó chết giữa khuya và mấy cha con nó đã phải ngủ chung với cái xác chết cho đến sáng, vì căn nhà ổ chuột chỉ vừa đủ đặt một cái giường – một điều khủng khiếp đối với thằng Quốc nhưng với những người trong nhà ông hút thì đó là sự dĩ nhiên. Ngày hôm sau, một chiếc hòm gỗ được khiêng vào và khiêng ra khỏi xóm ngay. Đám ma giản dị và mau lẹ không ngờ. Từ đó chỉ còn lại ông hút. Ông hút tiếp tục hút và mấy đứa con tiếp tục sống khổ sở, tiếp tục đi xin cơm của hàng xóm và tiếp tục bị bọn trẻ hiếp đáp. Đời sống của cái gia đình thảm hại đó chỉ có thế mà thôi. Đôi khi thằng Quốc tẩn mẩn nghĩ rằng nếu rủi nó phải là con của ông hút thì sao nhỉ? Chắc nó sẽ khổ sở và tủi nhục lắm. Ông hút còn sống sờ sờ đó nhưng chẳng làm được việc gì với cái hình hài như xác ve. Lũ con có cha cũng như không. Cha nó không nuôi được chúng nó và cũng không có một chút gì để cho chúng nó lấy làm hãnh diện. Người thổi kèn nói đúng, thằng Quốc phải sung sướng với cái tên “thằng con ông Thượng sĩ Hạc”, một ông Hạc đã chết, và con của ông ấy có quyền hãnh diện.


3

Buổi chiều thằng Quốc phải ra dọn hàng cho mẹ nó ngoài chợ. Người thổi kèn tiếp tục dạo trong xóm để thổi những khúc ca xuân. Nhưng ông hứa là sẽ đợi thằng Quốc về để thổi cho nó nghe những bài nhạc thúc quân – một điều mới lạ mà thằng Quốc được biết trưa nay. Người thổi kèn chưa bao giờ thổi loại nhạc đó cả. Và thằng Quốc biết thêm rằng người chẳng phải chỉ là người nghệ sĩ lãng du suốt bốn mùa, mà đã có lần người ra đi giống như ba nó. Đã có lần người tạm quên thú vui chơi. Và đôi mắt – đôi mắt thảm thương của người, là dấu tích của một cuộc đời xông pha. Trưa nay người đã kể chuyện cho thằng Quốc nghe như người cha kể chuyện cho một đứa con. Người chưa có một đứa con để cho nó hãnh diện. Chưa có đứa con nào nghe người thổi những bản nhạc hùng hồn. Thằng Quốc sẽ là đứa đầu tiên.
   
Thu dọn hàng xén cho mẹ xong, thằng Quốc lén chạy đi xem khắp chợ. Chợ mồng năm chưa đông đủ, lại là buổi chiều nên vắng như những ngày đầu Tết. Thằng Quốc dừng lại trước hàng đồ chơi con nít. Chỉ có hàng này là hoạt động suốt năm. Thằng Quốc không mê những món xe, ngựa, súng, pháo… nhưng lần này nó phải dán mắt vào hàng. Nó nhìn không chớp mắt một cây kèn đồng. Cây kèn nhỏ vừa tay của nó quá! Tự nhiên nó nghĩ đến người mù thổi kèn trong xóm. Nếu ông ấy dạy cho nó một bài nhạc thúc quân… a, thích thú làm sao! Nó sẽ tập thổi thật rành, đến ngày giỗ ba nó, nó sẽ thổi lên trước bàn thờ của ba nó. Tiếng nhạc sẽ quyện vào ánh sáng của hai ngọn nến trắng, lan ra cùng với khói hương. Ba nó sẽ “nghe” và hài lòng. Mẹ nó sẽ lắng nghe và sẽ khóc. A, nếu mà nó có được một cây kèn…

- Đi chỗ khác chơi, nhỏ!

Người bán hàng đồ chơi quát bên tai thằng Quốc làm nó giật mình. Có một ánh mắt dường như khinh thị nhìn nó. Nó lùi lại vài bước và bỗng cảm thấy xấu hổ. Trong túi nó không có lấy một đồng, nó không có quyền hỏi giá cây kèn – và nếu biết giá, cũng chưa chắc nó đã mua được. Nhưng màu đồng sáng quắc vẫn hấp dẫn nó quá. Nó đánh liều, hỏi:

- Ông cho cháu coi cây kèn đồng.

Người bán hàng xoa cái bụng úc núc, nhìn nó xoi mói:

- Có tiền không?
 

- Dạ… cháu có.

Người kia cười khẩy và đưa chiếc kèn ra. Thằng Quốc cầm lên ngắm nghía. Nó nuốt nước bọt và toan đưa lên miệng…

- Ấy ấy! Đừng thổi…

Người bán hàng la lên và giật cây kèn lại. Giọng nói của ông ta ra vẻ khinh thị hơn:

- Mua không? Ba trăm đồng.

Thằng Quốc ngần ngại lắc đầu, nghe nóng bừng cả mặt mày. Cây kèn được trả về chỗ cũ. Thằng Quốc quay đi và gặp ngay thằng con của ông hút đứng bên cạnh. Thằng bé chạy theo, hỏi:

- Ê Quốc, mày thích cây kèn đó hả?

Thằng Quốc đi nhanh hơn, trả lời:

- Ừ. Nhưng mà tao không có tiền mua đâu. Thôi, tao về hàng của má tao.

Thằng bé vẫn nói bên tai Quốc:

- Tao cũng thích cây kèn đó nữa. Bữa ba mươi Tết, tao suýt…
 

- Mày suýt gì?
 

- Sém tí nữa tao “chộp” được cây kèn. Tại ông già đó tinh mắt quá thấy kịp…

Thằng Quốc cau mày:

- Ổng có bắt mày không?

- Tao chạy. Chắc hôm nay ổng quên mặt tao rồi.
 

- Mày ghê quá! Đừng có ăn cắp chứ!

Thằng bé nọ bĩu môi:

- Ai có tiền thì mua mà chơi. Ai không có tiền thì đi ăn cắp.
 

- Ai dạy mày như vậy?
 

- Tao biết vậy.

Thằng Quốc đứng lại, nhìn kỹ thằng bé. Nó nhận ra rằng cả hai đứa nó đều xoan xoan bằng nhau. Chưa có đứa nào quá mười tuổi. Nhưng thằng bé này khôn ranh chẳng ai ngờ. Nó có nhiều ý tưởng kỳ khôi quá. Cả trên gương mặt non nớt kia dường như cũng có sắp đặt nhiều mưu kế. Thằng Quốc nói buồn buồn:

- Tao không tiền nhưng tao không nghĩ chuyện ăn cắp.
 

- Xạo! Mày ngu quá! Ai dạy mày vậy?

Tới lượt thằng bé này hỏi lại. Thằng Quốc quay mặt đi, nói một câu mà nó biết là rất sáo:

- Ba tao dạy, má tao dạy là phải sống trong sạch.

Thằng con ông hút cười khinh khích và bỏ đi. Quốc lang thang một mình trên hè chợ. Chợ vắng tanh. Tự nhiên lòng Quốc buồn một cách kỳ lạ.

Khi nó sắp trở về hàng của mẹ nó, bỗng nghe phía hàng đồ chơi có nhiều tiếng xôn xao. Thằng Quốc nghĩ ngay đến thằng bé ban nãy. Nó đoán không lầm. Đến gần thấy người bán hàng đồ chơi đang nhớn nhác nói lắp bắp:

 - Tôi mới quay qua quay lại đã thấy nó chộp cây kèn đồng chạy mất. Nó… chạy ngõ kia kìa… Ai bắt lại giùm! Ối giời!... Mới đầu năm đã lỗ mấy trăm bạc. Rõ chán mớ đời…

Ông ta ngồi phịch xuống chiếc ghế đẩu, xoa xoa cái bụng tròn, ra dáng mệt mỏi. Đôi mắt ông ta bỗng dừng lại ở thằng Quốc. Thằng bé hoảng hồn lùi lại. Nó tưởng nó sắp bị tội thế cho thằng ăn cắp. Người bán hàng hầm hừ:

- Phước cho cái thằng ranh này. May là tao nhìn rõ mặt thằng kia, chứ không thì… khốn đó con!...


4

Buổi tối thằng Quốc gặp lại người nghệ sĩ ở cuối xóm. Ông đã chờ nó để thổi kèn cho nó nghe. Nó dẫn ông về trước sân nhà. Mẹ nó đang gọt những củ cải để làm dưa món ăn Tết muộn. Bà không lạ người thổi kèn đặc biệt này. Nhưng bà hơi ngạc nhiên vì thấy ông ta đi với thằng Quốc. Hai người ngồi xuống thềm nhà. Người nghệ sĩ bắt đầu thổi bản nhạc. Đó là bài tập họp lính. Thằng Quốc khoái chí vỗ tay thật lớn. Dường như mẹ nó cũng vui lây. Người nghệ sĩ sửa lại cặp kính đen trên đôi mắt, hỏi nó:

- Hết bài rồi. Cháu muốn nghe bài gì nữa?

Thằng Quốc cắn môi ngẫm nghĩ. Nó bỗng nhớ ra bài hát gì nghe mang máng như “mờ trong bóng chiều một đoàn quân thấp thoáng…”. Nó hát câu đầu lên cho người ấy nghe. Ông ta nói:

- À! Để bác thổi bài “Chiến sĩ vô danh” nhé!
 

- Đúng rồi bác! Bài “Chiến sĩ vô danh” đó!

Cây kèn đồng sáng lên kỳ lạ. Người nghệ sĩ làm không gian cô đọng lại bằng bản nhạc u buồn. Thằng Quốc nghe se sắt lòng. Trên sân nhà cô quạnh người góa phụ cũng dừng tay, lắng nghe. Khi bài nhạc dứt, thằng Quốc thấy mẹ nó đưa tay gạt nước mắt và bà bỏ đi vào nhà. Nó im lặng ngồi bên người nghệ sĩ. Ông hỏi khẽ:

- Cháu làm gì đó? Bác chẳng thấy gì cả.

Tự nhiên thằng Quốc thấy ngậm ngùi. Nó nhìn cặp kính đen của người và nghe thương vô hạn. Bao năm rồi quen sống trong bóng tối, người đã cam chịu một mình. Có ai hiểu người đang nghĩ gì không? Một quãng đời xông pha đã khép lại. Một quá khứ oai hùng đã trải qua. Chưa có đứa trẻ nào được hãnh diện về một người cha nghệ sĩ chiến sĩ như người cả. Người cô độc và lạnh lùng trong cảnh sống rộn ràng. Người không biết đến mùa xuân, nhưng vẫn thổi những khúc nhạc xuân. Người không biết đến ánh sáng, mà vẫn góp tiếng cho đời thêm rạng rỡ.

- Cháu làm gì đó?

Người ấy hỏi lại. Thằng Quốc đặt tay lên chân người, đáp nhỏ:

- Cháu ngồi đây.

Người nghệ sĩ cười nhẹ:

- Bác sắp đi.
 

- Bác đi đâu?
 

- Về chỗ trú của bác. Ngày mai bác về quê.

Thằng Quốc giật mình:

- Ủa! Bác về quê?

Tiếng cười lại cất lên:

- Chứ cháu tưởng bác không có quê sao? Bác dành dụm những tiền kiếm được đủ mua một 
vé xe.
 

- Bao giờ bác trở lại đây?
 

- Chừng nào bác thấy thích. Không chừng bác ở luôn dưới quê. Bác muốn dừng chân, không đi thổi kèn rong nữa.

Thằng Quốc tiu nghỉu. Nó muốn nói với người ấy rằng nó rất thích thổi kèn, nó muốn học nghề với người ấy. Nhưng thôi. Ông ta sắp ra đi và nó cũng chưa có một cây kèn nữa.

Rồi cũng đến lúc người nghệ sĩ ra đi, vì trời đã quá tối. Mẹ thằng Quốc đứng trên thềm nhà nhìn theo, mắt còn ướt lệ. Thằng Quốc đưa ông ta ra đầu xóm. Nó biết việc đó hơi thừa nhưng nó muốn làm vậy vì chợt nhận thấy ở nó và người nghệ sĩ này có một thứ tình quyến luyến. Nó nói, khi đã ra đến đường cái:

- Cháu chúc bác ăn Tết ở quê vui vẻ.

Người ấy nắm lấy bàn tay bé nhỏ của nó, cười:

- Hết Tết rồi, nhưng bác sẽ ăn Tết muộn vậy. Cháu rán học nhé, thằng con ông Thượng sĩ Hạc.

- Dạ.

Thằng Quốc chỉ biết “dạ” và đứng im nhìn người nghệ sĩ đeo cây kèn đồng trước ngực, quơ gậy bước đi. Màu đồng sáng loáng trong đêm và mất hút. Thằng Quốc buồn bã quay về và lại gặp cây kèn đồng – cây kèn đồng nhỏ trên tay một thằng bé.

- Cho mày mượn nè Quốc.
 

- Ở đâu vậy?

Thằng bé nhe răng cười:

- Còn làm bộ hỏi. Hồi chiều tao “thổi” chứ đâu!

Thằng Quốc e dè cầm cây kèn. Nó nghĩ đến người mù giờ này đã đi mất. Phải chi nó có kèn sớm, giờ này chắc đã thổi được bài “Chiến sĩ vô danh”. Nó muốn chạy theo người, nhưng chân vẫn dán cứng một chỗ. Thôi thì tập một mình vậy. Nó đưa cây kèn lên môi. Cây kèn nhẹ hều. Mặc cho thằng Quốc bấm nốt lia lịa, cây kèn vẫn chỉ phát ra được một tiếng “toe”.

Thằng con ông hút ngạc nhiên khi thằng Quốc trả cây kèn lại:

- Ủa, mày khoái cây kèn này lắm mà?

Thằng Quốc lắc đầu và bỏ đi. Nó chỉ thích cây kèn của người mù, vì cây kèn đó thổi được bài “Chiến sĩ vô danh” làm mẹ nó khóc, làm nó se sắt lòng. Nhưng người mù nghệ sĩ đã đi. Nó vẫn chưa có dịp thổi kèn như ông ấy. Nó tiếp tục sống đời sống của một cậu học trò nghèo, đời sống của “thằng con ông Thượng sĩ Hạc”, con của một người lính đã nằm xuống đời đời. Nó tiếp tục hãnh diện với những người trong xóm mỗi lần nhắc đến tên ba nó và sẽ hãnh diện với ý nghĩ “nghèo vẫn trong sạch” của nó.

Trước sân nhà, mẹ nó vẫn đang gọt những củ cải để làm dưa món ăn Tết muộn. Có tiếng thằng bé con ông hút thổi kèn “toe, toe” khắp xóm. Có tiếng người mù thổi kèn tây nghe mơ màng trong gió – “rừng trầm phai sắc, thấp thoáng tàn canh, hỡi người chiến sĩ vô danh…” – tưởng như người vẫn còn đâu đây.

 
NGUYỄN THỊ MỸ THANH 


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 220, ra ngày 1-3-1974)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>