Ông
“thày võ” đã ngừng “tay chân”. Ông bơi nhẹ nhàng vào góc hồ bằng thủy tinh
trong suốt. Nhìn tứ phía người ta đều dễ dàng thấy một bày cá xiêm con lố nhố
bơi lượn thảnh thơi. Nhưng thật ra còn có một ông cá xiêm già xanh mun, vừa là
cha vừa là thày, đang tận tụy rèn luyện võ nghệ cho bày con đã được bốn tháng.
Dưới
ánh mắt nghiêm khắc của ông cụ, bọn trẻ chuyên cần tập luyện từng cái quẫy
đuôi, vặn mình… không dám xao lãng. Cũng không dám gây gổ và cắn lộn với nhau.
Vì bao nhiêu sức lực tiềm tàng đã bị trút cả vào những giờ tập dượt. Ông cụ
khoan khoái chỉ lại tôi cách né một cái xắn của anh tôi sao cho gọn gàng. Tôi
toát mồ hôi dù mình đang ở dưới nước. Chỉ sợ ông dùng cái mỏ phi thường cốc vào
đầu một cái thì có mà chết. Xem cái mỏ ông cụ bắt khiếp. Gì mà mang, vi… đầy
vết sẹo, cái mỏ đã tà rồi nhưng chắc là chai cứng. Ông cụ vẫn mang những chiến
tích đầy hãnh diện, những cái thẹo tạo nên huyền sử, tạo nên tên ông: “Siêu tàu
ngầm”. Ông vẫn tự hào rằng chưa thua bao giờ. Nhưng tôi và các anh em biết chắc
chắn rằng ông thua một người. Đó là mẹ tôi. Những ngày sau khi sanh chúng tôi
ra còn bé li ti, nằm trong những cái trứng và nổi nhờ đám bọt khí của ông cụ,
mẹ tôi vừa đói, mắt thì mờ. Mẹ tôi thèm ăn chúng tôi làm sao ấy. Thế là hai ông
bà cãi nhau, đánh nhau một trận. Có lẽ vì nhường, ông cụ thua. Vậy là chúng tôi
phải chết sao, nghĩa là chui trở vào bụng của mẹ tôi à. May thay cậu tiểu chủ
đã dùng vợt lưới vớt mẹ tôi ra mang đi một nơi để bồi dưỡng riêng. Từ đó tình
mẫu tử chấm dứt. Giá có gặp lại mẹ, anh em chúng tôi không làm cách nào nhận
ra. Đó là hậu quả của sự hữu sinh vô dưỡng. Ngược lại chúng tôi rất yêu mến cha
chúng tôi. Chúng tôi cám ơn ông đã bảo
vệ cho chúng tôi rất nhiều. Ông đã nhịn đói theo nhặt từng cái trứng bị chìm
xuống đáy bồn thủy tinh. Ông nhẹ nhàng ngậm từng đứa thiếu hơi, phun lên trên
đám bọt trắng bên trên mặt nước cho chúng tôi dễ thở. Không lúc nào ông để sót
chúng tôi. Và ông phân biệt tài tình với lũ lăng quăng, lũ trứng nước. Tội
nghiệp thay, những ngày chúng tôi còn bé, ông nhịn đói vì sợ nuốt lầm chúng tôi
với mồi ăn. Như vậy đó làm sao không thương yêu, trìu mến ông. Khi chúng tôi đã
đủ sức, ông lại còn dạy võ nghệ để phòng thân sau này. Ông dạy chúng tôi phân
chia giờ giấc, ăn ra ăn, học ra học, chơi ra chơi… Học thì phải chú tâm mà học,
để mai sau hữu dụng… Tránh cho chúng tôi phung phí sinh lực tuổi trẻ vào những
cuộc tranh hùng, gây gổ vô lối… Đôi khi ông cụ rất bực mình trừng trị thẳng tay
mấy đám giành ăn. Ông cụ phạt hai đứa tham ăn phải một mình ngốn cho hết mười
hai con lăng quăng đầu (sắp thành muỗi). Đứa nào bị phạt cũng phải ngán, lè
lưỡi, trợn mắt lùi vào trốn ở dưới mớ rễ của cái sen Nhật Bản. Lè lưỡi vì đầy ứ
tới miệng. Trợn mắt vì no quá, vả lại mắt chúng tôi lúc nào trông cũng dữ dằn, bậm
trợn vì không mí. Còn trốn là bởi vì cái bụng chương ướng, xấu xí. Nhỡ “đứng”
lớ ngớ, anh em người ta bơi thì có mà đụng vỡ bụng. Và eo ơi! Chúng tôi rất sợ
cái chết. Cái chết âm thầm mà không có ai phát giác, cách một đêm cái xác chết
sẽ dậy mùi thúi không thể chịu được. Ông cụ đã từng cho biết, gia đình cá tàu
bay chết vì tham ăn. Đó là những cái chết được nhắc đến với sự mỉa mai và chê
cười.
Ông
cụ đang thong thả nhấp một mẩu đuôi con trùn chỉ. Thuốc bồi bổ sinh lực công
hiệu của gia đình cá đá chúng tôi đấy. Ông giật mình, há hốc mồm bơi nhanh đến
đám đông.
-
Này, thằng ba, thằng tám, có buông ra chưa, giở chứng gì đó?
Anh
ba tôi và anh tám đang “phùng mang trợn má” nhưng vẫn không nghe lời ông cụ.
Hai anh bận cắn, giữ chặt hai đầu rong xanh. Một tiếng “bựt” vang nhẹ. Sợi rong
đứt đôi nhưng vẫn còn vẻ ẻo lả lượn lập lờ. Tụi nhóc con ào ào lên, hoan hô anh
tám đã thắng cuộc thi kéo co. Ông cụ ngơ ngẩn rồi cũng phá lên cười:
-
Hi hi, ha ha… Hi hi… Hi hi…
Rồi
nhiều tiếng cười vang lên. Đại khái lâu lâu có những chuyện hiểu lầm vui vẻ như
trên.
Những
ngày vui thì qua mau, bây giờ tìm nơi đâu…
Khi
chúng tôi đã cứng cáp và đậm màu, anh em chúng tôi bị bắt đi mỗi người một nơi.
Tôi sống một giang san riêng biệt. Đó là một lọ thủy tinh dài một tấc. Riêng
tôi một cõi nhưng rõ là cảnh đời tù túng chật chội. Chật chội thiếu hẳn chỗ để
tôi múa may quay cuồng cái mớ võ nghệ ngày xưa. Cả ngày tôi chỉ việc ăn, ngủ…
Lặn xuống, trồi lên cùng mấy cọng rong. Mấy cọng rong tù tội như tôi, gớm chúng
sinh sản mau quá. Mỗi tuần cứ bị người ta vớt bớt ra. Tôi chỉ nhìn thấy ánh
sáng một mặt thôi. Hai bên hông bị ngăn bìa dày, màu trắng. Màu trắng buồn nản
và lạnh lùng. Khi bức màn trắng thình lình được rút mất, tôi giận dữ nhìn đối
tượng mờ mờ qua màn nước và hình như có hai lớp thủy tinh dày. Một cái bóng đen
to tướng cũng đang sôi động y như tôi. Qua lăng kính nước và thủy tinh, tôi
nhìn sự vật một cách méo mó. Cộng thêm quãng đời bực bội, tôi muốn làm một cái
gì.
Máu
me hăng lên (lâu rồi không dùng để tập võ) tôi xông tới xắn ngay vào cái bóng
đang mang vẻ khiêu khích sau khi múa nhanh mấy thế võ làm oai. Cái đà lao nhanh
của tôi, hại tôi. Cái mỏ tôi ê ẩm, tưởng chừng gãy hết hàm răng. Lũ lăng quăng
còn sống sót trong lọ cũng phải giật mình. Chúng nằm im mặc sóng nhẹ lao xao.
“Ủa! Lạ vậy kìa!” Tôi thử lại lần nữa và rước thêm sự đau điếng. Tôi thoáng
nghe tiếng người nói chuyện:
-
Gồ chưa! Cá con mau lớn ghê, rồi tao đem đi đá cùng hết xóm.
-
Chắc con này chỉ giống như con “Siêu tàu lặn” hồi xưa.
-
Ừ! Để rồi tụi mình đặt cho nó cái tên khác, tên tài tử gì mà đấm đá ác liệt
trong phim “Đường Sơn đại huynh” đó.
À,
thì ra họ nhắc đến cha tôi. Không biết bây giờ người ở đâu? Có gặp lại mẹ tôi
chưa? Và còn các anh em tôi, trôi giạt tận phương nào? (Sau này tôi được biết
anh em tôi bị bán cả, chỉ chừa lại có mình tôi mà thôi, hình như tôi sẽ là “cá
giống” như cha tôi).
Được
thả qua cái thau, rộng lớn đấy, nhưng không hợp ý tôi chút nào. Gì mà nghe mùi
xà bông, mùi “ten” của nhôm, lại thêm thành thau màu trắng đùng đục nữa chứ.
Cái màu trắng mà tôi chúa ghét. Tôi cũng thử đảo quanh một vòng thăm thú chỗ ở
mới coi.
-
Ơ! Lạ chưa, thằng kia mày cũng lạc vào đây à?
Lại
thêm một mống cá khác cũng được cho vào thau, ngông nghênh nào kém chi cái tánh
lấc cấc của tôi. Nó vênh mặt trả lời:
-
Ừ tao đi chơi. Mày làm gì mà ở đây?
-
Tao đến trước, chỗ này tao chiếm hết, mày đi chỗ khác chơi.
-
Còn lâu, bộ mày du côn hả, tao đánh mày một trận.
-
Ngon ta, cho mày hay, ông có võ đây này, “bố” ông dạy lâu rồi mà chưa có dịp
dùng. Thời may…
Chúng
tôi quần thảo với nhau chán phèo như vậy gần nửa ngày. Nhưng các khán giả tí
hon thì thích thú lắm, có cả tiếng vỗ tay reo hò. Cho đến lúc hai đứa chúng tôi
không hẹn mà cùng câu hai cái mỏ đã te tua với nhau. Đứa nào cũng có vẻ ngầm
bảo : “Ai mà ít hơi hơn sẽ thua”. Và chúng tôi ra sức lôi nhau xuống tận đáy
thau không cho địch thủ trồi lên. Xem một hồi, các khán giả đã lấy một cái chậu
to khác ụp lại, bỏ mặc chúng tôi. Hai võ sĩ đang điên cuồng trước chiến thắng
còn xa vời.
Thằng
oắt kém già dặn hơn tôi. Chừng ba phút,
nó đã thở hồng hộc. Chịu không nổi, nó giựt cái mỏ lại, vung vẩy với tôi để
ngoi lên mặt nước lấy thêm hơi. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi nhì nhằng cắn ngang
đuôi nó kéo xuống. Quá mệt, thằng oắt bỏ mẩu đuôi, để ngoi lên thở. Tôi cũng
rướn lên nhanh hớp mấy hơi dài. Vừa chuồi xuống, tôi lại tấn công thằng oắt tới
tấp. Nó tránh né không kịp, đành chào thua, quay đầu lẩn mất. Nhưng chạy đi đâu
cho thoát, dù nó có tìm cách búng mình lên cố vượt khỏi thau nước. Tôi rượt
thằng oắt chạy vòng vòng, cái màu xanh lè giận dữ của nó, nay vì sợ hãi đã biến
thể lợt nhách thành màu trắng tái. Nghỉ mệt một hơi, tôi lại cố rượt thằng oắt.
Tôi quyết tâm hạ sát nó. Tôi thầm nghĩ, học võ bí truyền bao nhiêu công phu mà
không giết được nó sao. Tôi đã lầm, cái bầu máu nóng, cái tính cuồng sát của
tôi sau này đã làm hại tôi, gây ra một vụ khiến tôi ân hận suốt đời.
Mấy
đứa bé người ta khi dẹp cái chậu đã đậy, bắt gặp trận chiến đã ngã ngũ. Cậu bé
chủ tôi hân hoan ra mặt. Cậu đặt tôi cái tên nghe thật xi nê: “Lý Tiểu Long”.
Cậu được quyền “bắt xác”, nghĩa là lấy luôn con cá bị bại trận. Tội nghiệp địch
thủ của tôi. Thằng oắt bỗng nhút nhát không ngờ. Nó cắm cúi lủi trốn mọi nơi.
Nhưng nó vẫn bị vớt ra và bị vứt cho con mèo tam thể ăn điểm tâm. Còn tôi, cậu
bé mang thả vào một cái hũ sành tối như bưng. Dưới đáy hũ có một lớp đất sét.
Thì ra cậu cho tôi nghỉ dưỡng sức. Cậu chăm nom tôi ra vẻ là một ông bầu đang
cho “võ sĩ dinh dưỡng” chờ ngày “lên võ đài” tung hoành các trận kế tiếp. Mỉa mai thay vô tình
tôi bị lợi dụng mà tôi nào có hay biết, tôi còn lấy đó làm sung sướng và hãnh
diện ra mặt.
Tôi
vẫn phùng xòe diệu võ dương oai, làm le với vài anh cá phướng. Khi ấy tôi đã
lành lặn và được thả vào cái lọ chật chội ngày nào. Mấy anh cá phướng hoặc diện
bộ áo đỏ chói lụng thụng, hoặc màu cam, màu tím… đều có vẻ nể nang tôi. Họ thẫn
thờ xếp áo khi nhìn thấy tôi phô trương bộ áo xanh lục, sậm màu với những vết
sẹo còn trông rõ. Tôi còn dọa cả bày cá tàu chẳng gọn tí nào với bộ quần áo màu vàng hay màu
đen. Bọn này rất giỏi nhịn nhục, thoáng thấy tôi thì lẩn mặt. Nhưng mấy cái mồm
tàng hoạc của chúng cứ táp táp hoài, ý hẳn chửi lén tôi chăng? Tôi mà sang được
cái bồn vuông của bọn nó thì phải biết. Tôi nhìn thấy cái giang san bọn cá
kiểng mà thèm thuồng. Ước gì tôi được vào đó để làm vua một cõi. Tôi sẽ làm chủ
những cụm san hô, một tòa lâu đài bằng sứ, vài vỏ ốc lạ và đẹp cùng những cọng
rong đủ hình dáng. Tôi lại còn bắt nạt được lũ cá vàng phải cung phụng lăng
quăng, trứng nước hay vụn bánh mì khô quết trứng cho tôi những bữa ăn. Ôi càng
nhắc càng nhễu nước miếng!
Những
ngày bị giam hãm làm tôi bực bội, hết dợt võ lại ăn ngủ. Tôi chán quá đi thôi,
nếu không có những trận đấu sau này. Lần lượt tôi đụng độ với nhiều địch thủ
lợi hại. Càng dữ dằn với tôi, tôi càng say máu đào, lầm lì chiến đấu. Lúc nào
tôi áp dụng ngón cuối cùng là “câu mỏ”, tôi đều chiến thắng. Tôi tự hào không
kẻ nào dài hơi bằng tôi. Tôi rượt năm, bảy địch thủ chạy dài. Lần nào tôi cũng
mang phần đánh cuộc lớn lao về cho cậu bé. Cậu bé vẫn thản nhiên cho vào gia
tài riêng con diều, cái vụ, hộp bút chì màu, cuốn truyện… hay… tệ nữa, những
đồng bạc leng keng, cậu dùng tiền để mua thêm cá… v.v… Danh tiếng của tôi lừng
lẫy hẳn lên, hơn cả biệt danh “Siêu tàu ngầm” của cha tôi khi xưa. Bây giờ tôi
là một người khác, một kẻ du côn, đánh mướn… Một thứ Thiên Lôi, sai đâu đánh
đó… Không biết phân biệt phải trái. Tôi hung hăng, gặp bóng địch thủ là cấu
liền. Tôi quên cả những lời cha tôi dạy bảo, và điều lệ cấm ngặt của môn phái.
Tôi chỉ là một “con ác thú”, một nô lệ dễ sai bảo trong công việc chém giết lẫn
nhau. Tóm lại, tôi không còn chút gì sót lại của lương tâm.
Cho
đến một hôm, trận đấu mới lại tiếp diễn như mọi lần. Vừa kịp chào địch thủ cho
có lệ, tôi xắn ngay hắn ta một miếng ngay bụng. Địch thủ cũng xắn trả miếng
ngang hông tôi. Quái lạ! Sao địch thủ lại áp dụng tất cả những miếng sở trường
của tôi thế này. Nhưng bà con gì, tôi phải thắng cái đã. Tôi vẫn hăm hở phô
trương tài nghệ, mang cả những đòn giang hồ mà tôi học lóm ở các địch thủ
trước. Địch thủ tôi vẫn bình tĩnh đón đỡ, trông hắn ta không lớn hơn tôi bao
nhiêu, còn có vẻ ốm hơn tôi là khác. Tôi thấy hình như hắn muốn phân trần điều
chi:
-
Này, chú em…
-
Không có chú bác gì, bộ sợ rồi sao, đỡ đuôi nè!
Tôi
lạnh lùng trả lời và cứ tiếp tục quần anh chàng ốm yếu kia. Hắn vẫn tung mọi
thế võ giống hệt tôi để chống trả. Gần nửa ngày trời tôi vẫn chưa làm gì được
hắn. Vì cả hai đứa đều biết rõ mọi đòn thế của nhau. Cho nên hai đứa đều mang
thương tích khắp người.
-
Thôi, tôi xin chịu thua, tha cho tôi…
-
Hừ, đừng giả bộ, mày cũng tài dách mà…
Tôi
tàn nhẫn lừa lúc hắn ta sơ hở, xắn ngay một cú vào mắt. Hắn ta muốn bưng lấy
mặt đang đổ máu mà không biết làm sao, rồi phát rú lên:
-
Trời ơi! Sao tôi không thấy đường vậy nè…
Tôi
cười gằn và lỏn sang phía trái, xắn thêm một cái vào mắt còn lại của hắn ta.
Hắn ta rên rỉ thật to và vùng vẫy chạy trốn. Hắn đã bị mù cả đôi mắt. Tôi vẫn
chưa tha, xông xáo rượt nà. Tôi nhất quyết dùng đến miếng “câu mỏ” dìm chết
địch thủ. Nhưng khi cắn được cái mỏ địch thủ, dìm xuống chưa đầy hai phút, địch
thủ của tôi đã sắp tàn hơi và giẫy nhè nhẹ. Hắn ta quá ốm yếu để trải qua cuộc
chiến khốc liệt, thật, phải nói là tương tàn mới đúng. Và khi địch thủ sắp
chết, tôi buông mỏ hắn ra. Mệt mỏi, tôi lượn lại gần, tôi nhận thấy cái mẩu kỳ
bị đứt phân nửa về bên phải.
Trời
ơi! Anh cả tôi đây sao? Ối cha ơi! Ối là anh cả ơi! Hèn gì anh cả tôi sử dụng
võ của gia đình tôi. Tôi đã điên cuồng, có kịp ngừng thở để nghe anh phân trần
đâu. Tôi đã gây một tội ác tày đình. Làm sao để chuộc tội lỗi to lớn này đây.
Ngày xưa anh cả tôi lúc dợt võ, vô ý để chúng tôi cắn đứt mất nửa cái kỳ. Việc
ấy làm chúng tôi nhớ mãi, tại sao tôi lại có thể quên cái dáng bơi hơi nghiêng
về bên phải của anh tôi. Chỉ vì thế mà anh tôi yếu sức đi, ngày nay mới thảm
bại dưới tay tôi. Lâu quá còn gì, năm sáu tháng dài xa cách. Hình như men vinh
quang, chiến thắng làm tôi mờ mắt, lu cả lý trí không nhận ra người thân trong
nhà. Tôi đã gây ra cảnh tương tàn, “nồi da xáo thịt”. Tôi biết tính anh cả vốn
hiền hòa và hay nhịn nhục các em. Tôi biết anh cả cũng như tôi, bị ép buộc phải
sát hại lẫn nhau. Còn trách ai đây?
Xác
anh cả tôi lờ đờ chờ chìm xuống. Tôi bu lại và khóc hết nước mắt.
-
Anh cả ơi! Ngày chúng mình gặp nhau lại là giây phút chia ly vĩnh viễn. Anh cả
bỏ em bơ vơ sao đành?
Phút
chốc tôi thấy thù ghét cậu bé chủ nhân, thù cái thau nước võ đài. Tôi muốn làm
cái gì để đập phá. Tôi điên cuồng xắn lung tung khắp phía. Tôi nẩy mình búng
lên cao, rơi xuống. Tôi không còn cảm giác đau đớn. Tôi chỉ muốn chết để chuộc
tội. Tôi thèm ăn thật nhiều lăng quăng để vỡ tung cái bụng ra như tụi cá vàng. Hay
đớp những hột nổ mà mấy đứa thật bé chơi nghịch lén bỏ vào lọ của anh nó. Những
hột nổ bắn ra từ những trái nổ thon dài màu đen, ăn vào sẽ nở ra chương cái
bụng lên. Cái chết sẽ đến từ từ. Từ đó tôi sống với niềm ray rứt mỗi lần nhớ
đến cái cảnh anh tôi tiêu hóa dần trong miệng con mèo. Tôi thề không bao giờ
đánh nhau nữa, cho đến ngày nào cậu bé chán chê tôi và thả tôi ra ruộng ngập
nước. Trả lại tôi tự do. Tôi thèm tự do, an bình như nhu cầu ăn và thở vậy… Tôi
sẽ nhịn nhục mọi đối thủ sắp gặp, vì tôi không bao giờ còn là một chú cá xiêm
háo thắng và điên rồ nữa. Tôi trả lại cho cậu bé những tước hiệu nghe thật
kênh, thật chì… Tôi sẽ cố tâm sửa mình và nguyện chỉ luyện võ cho thân thể khỏe
mạnh như lời khuyên bảo của cha tôi. Vì biết đâu một ngày nào đó, vô tình tôi
sẽ gặp cảnh phải chiến đấu một mất một còn với anh em tôi nữa thì sao (?). Lúc
ấy làm sao tôi nhận ra vết tích gì đặc biệt của họ, họ cũng rặc nòi và chả khác
tôi mấy tí. Cùng một bọc trứng mà. Những ngày xưa thân ái lần lượt về. Chú cá
xiêm thân tàn ma dại, sau bao năm tháng mua vui cho trẻ con lặng lẽ bơi, lặng
lẽ nép vào một nhánh rong. Một nhánh rong cũng suốt đời phiêu bạt. Chú cá xiêm
mơ về dĩ vãng, nhưng sẽ quên đi bao kỷ niệm oai hùng có máu lệ chan hòa…
PHAN KHƯƠNG THÁI
(Trích
tuần báo Thiếu Nhi số 66, ra ngày 26-11-1972)
Bìa của Vi Vi : Tuổi vàng |