Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Thầy Giáo Tắc Kè


Vì nghịch ngơm định hại bầy cá vàng nên gã Thạch sùng con bị táp đứt đuôi. Gã đau đớn và quá xấu hổ, trốn lì trong “nhà” cả tuần không dám ló cái mặt vênh váo mọi khi ra với ai.

Ngày chí tối gã cứ cố liếm mẩu đuôi còn lại, mà than:

- “Ước gì đuôi ta được lại dài ra và đẹp hơn xưa!”

Mẹ gã không biết làm sao hơn, cứ tặc lưỡi mà rầy con.

Nhưng mụ có phần nào an tâm vì từ nay thằng con sẽ ru rú ở nhà, có chường mặt đi phá phách cũng còn lâu, chờ cái đuôi mọc ra thêm.

Chú Nhện lại nghĩ khác, chú cho rằng : “Nhàn cư vi bất thiện”, nên tìm thầy dạy học cho gã Thạch sùng. Mụ Thạch tính toán, dạy kèm thì chắc chẳng có ai, vả lại mụ làm gì có của nhiều để chi phí. Thôi đành cho gã Thạch sùng đi học như các trẻ khác vậy.

Việc đó thì dễ ợt, mà cũng khó. Dễ là vì xưa nay vốn có ông thầy giáo Tắc kè dạy học trò hỗn tạp đủ trình độ. Khó là vì ông ở xa, ở tận đòn dông và xa nhà lá kế bên nhà mẹ con Thạch sùng trú ngụ. Coi vậy mà ông chọn học trò lắm cơ, đứa nào nhắm không được, ông ta giao trả ngay. Làm như thể là thầy võ chọn đệ tử không bằng.

Gã Thạch sùng nghe nói tới chuyện học hành thì thích lắm. Nhưng sáng ngày, bao nhiêu chí khí và tấm lòng hăng hái vội vàng kia bay đâu hết. Gã nì nằn không chịu theo mẹ gã, gã khóc bù lu, bù loa làm như thể sắp sửa đi lên đoạn đầu đài.

Chú Nhện bật cười mà rằng:

- Con trai gì mà nhát gan, vả lại mày mà “nhỏ không học, lớn mò sao ra muỗi”. Thôi chịu cực chịu khó cho mở mang đầu óc với mọi loài cháu ạ.

Mãi rồi mụ Thach hứa có “quà” cho gã, gã mới rụt rè bò theo mẹ. Thật là ngày khai trường có nước mắt y như những buổi học của các chú bé con loài người hay làm nũng mẹ.

Lễ ra mắt của mụ Thạch thật đơn sơ, với cục cơm nguội và ba mạng ruồi nhặng. Thầy Tắc kè gật gù bảo:

- Được rồi, bà cứ giao con cho tôi dạy dỗ, tính tình nó còn xét sau…

Thạch sùng cúi đầu vào lớp. Vào đến lớp gã mới thấy mình sợ sệt là vô lý. Gã nhìn quanh bè bạn: tám thằng Gián nâu, ba thằng Gián sọc, mười con Nhện tro, hai anh Nhện xám, bốn chú Tò vò, một thằng Ong bầu và hai anh Thạch sùng vàng lườm… Thầy giáo dạy đủ mọi môn thích ứng cho mỗi loài. Thầy vẫn chưa nói đến gã Thạch, gã ngồi vơ vẩn nghinh mọi đứa, nhìn mọi chỗ… Đang chỉ cho hai anh Nhện lười biếng cách đan lưới, thì bỗng có tiếng động rù rù, thầy giáo Tắc kè đưa đôi mắt mà hai mí lộ, có hằn nếp như đôi kính không gọng, nhìn ra, và đập “chân” mắng:

- Lại lũ quỉ này đi học trễ. Sao, hôm nay đi lấy mật tận đâu?

Mười hai cái mỏ nhọn lau nhau. Thầy lại phải rày để một tên Ong ruồi trả lời cho rõ ràng:

- Thưa thầy, hôm nay chúng con phải xây nhanh chỗ tổ bị “người ta” bắn phá. (Trẻ con bắn bì giấy với sợi thun ấy mà).

- Đủ mọi lý do, thôi cho tụi bây về chỗ ngồi.

- Dạ… dạ, cám ơn thầy…

Lũ Ong xôn xao vào hàng ghế trống ở cuối lớp, chúng chen chúc  đụng vào gã Thạch. Gã Thạch sừng sộ gây ngay:

- Này này, tụi lười biếng không có con mắt sao?

- Ê, làm tàng hả, tên này ở đâu mà lại vào lớp đây?

Gã Thạch sùng lượng sức, chấp cả bọn gã cũng không sợ. Gã liếc mắt nhìn thằng Ong bầu ở bàn trên. Thằng Ong bầu vẫn chăm chỉ vào bài học mới. Thầy Tắc kè dạy Ong bầu cách lấy phấn hoa bằng những bàn chải răng cưa có sẵn trong các chân của Ong bầu.

Mấy con Nhện cũng tỉ mỉ từng mối tơ, chúng lôi từ bụng ra những sợi mỏng manh, chúng học đan. Bốn anh Tò vò và mười một thằng Gián thì láy mắt với nhau, sừng sộ lại liền:

- À, thằn lằn cụt đuôi xấc láo, lát nữa bọn ông cho mày biết tay.

Gã Thạch sùng nhìn lại đuôi mình và tức nghẹn hơi. Thì ra nãy giờ học trò nhìn lại đuôi cụt của gã mà chế diễu, chớ nào ai sợ sệt gì gã đâu. Lại lũ Gián,sao mà thật giống tính tình tụi Gián con hàng xóm của gã ghê. Tụi đó cũng là quân “đầu đường xó chợ”, chỉ mỗi cái trường xa mà đành thất học.

Nhưng tụi Gián này, Tò vò, Ong ruồi… có học sao mà thích sinh sự vậy kìa? Hay tại cái mặt ngông nghênh của mình?

Mà nghĩ cho cùng chỉ có gã Thạch là to đầu nhất lớp, vì cái đuôi cụt mà gã mất cái oai đi, chớ chẳng phải tại gã vào học sau mọi đứa. Gã Thạch hầm hừ chỉ chờ giờ ra về. Ngồi lớp phát chán. Thầy Tắc kè dạy gã những điều mà gã tự cho là rành rẽ và biết cả rồi.Chuyện gì gã cũng bắt chước làm đúng hết, nhưng cái tiếng “Tắc kè, tắc kè…” gã nhại hoài vẫn khác và nó cứ nhanh nhanh nghe “tặc, tặc”… như nói cà lăm.

Tụi Tò vò hôm nay không chịu mang theo đất để đóng tổ nên thầy Tắc kè cho học trò về sớm. Thằng Ong bầu vù ngay khỏi lớp. Cái thằng coi lù đù mà siêng năng, lo về để thực hành bài học ngay, anh chàng lo hút nhụy hoa và lấy phấn. Hai anh Nhện xám đã rủ nhau đi chơi. Hai tên nầy chưa muốn về vội. Lũ hồi nãy bao gã Thạch lại:

- Thằng cụt đuôi, hồi nãy mày nói gì chúng ông?

Một gã Ong ruồi vênh cái mỏ hất hàm hỏi. Gã Thạch hơi ngán, đứng dừng lại:

- Chúng mày muốn gì, định ăn hiếp tao hả? Còn lâu! Xuống tới đất rồi biết tài cao thấp.

Tò vò, Gián, Ong… châu đầu bàn tán:

- Kệ để nó xuống tới đất đã, rủi đánh nó ở đây thầy hay thì chết đòn cả lũ.

Và gã Ong ruồi làm le:

- Được, mày xuống đất mau đi rồi tụi tao tính cho.

Tụi Tò vò, tụi Gián phi thân vù vù xuống trước. Gã họ Thạch không có cánh để bay, lần theo vách lá, cột nhà. Gã móc hai chân trước, lộn người xuống sau, từng đoạn đường cho lẹ, hay như người ta làm xiếc, vừa để trổ tài với tụi nghịch. Bỗng đâu nghe vút mấy cái, gã họ Thạch giật mình suýt rơi. Nhìn ngoái lại thì ra tụi Ong ruồi đánh lén, gã họ Thạch lẩn mình vào kẹt lá dừa tuột nhanh như rắn trườn. Gần tới đất, thấy bọn kia hờm sẵn gã buông người đánh phịch xuống đầu lũ Gián. Ba tên Gián đang ngó ngược lên, thấy gã sầm sầm rơi xuống mà tránh không kịp, bị đè lên la “oai oái”. Không kịp đỡ tay, gã họ Thạch đã phóng tới ngậm ngay cánh của một tên Tò vò. Tên Tò vò hoảng hốt vùng vẫy để thoát thân, quên cả chích cho gã Thạch một cái, như gã thường bắt sâu mỗi ngày. Tụi Ong ruồi đã đến nơi, chúng quạt cánh phành phạch áp đảo tinh thần gã Thạch. Gã Thạch không nao núng nhưng phải buông ra để vật lộn với mấy thằng Gián bên ngoài. Tên Tò vò thoát cái cánh khỏi miệng gã Thạch, đứng ngoài không tiếc lời nguyền rủa. Tụi Gián nhẹ như giấy làm sao đọ sức với gã Thạch được trong nháy mắt bị quật nằm ngửa, mấy chân chòi chòi không khí, anh nầy phải giúp anh kia mới lật úp lại được. Tụi Ong ruồi hơi yếu trợt cả ra ngoài. Nhưng không may cho gã Thạch, một tên lại nhè chỗ nhược của gã Thạch mà châm vào. Đó là chỗ đuôi cụt chưa lành. Gã họ Thạch đau đớn rú lên, phải bỏ ngay lũ Tò vò ra.

Tiếng rú của gã Thạch khiến mười cô Nhện tro cũng hết hồn. Các cô này có tật ra về cứ hay ở lại để ăn quà vặt mãi mới thả dần sợi tơ tới đây. Vừa đi các cô còn đu đưa, nhún nhẩy. Các cô định thử lại bài toán của thầy Tắc Kè : “Nhện thả được một thước tơ thì co lại nửa thước. Một phút nhện thả được một thước tơ. Hỏi trong bao lâu nhện xuống tới đất…”. Các cô làm toán hoài vẫn không tìm ra đáp số. Ngày nào các cô cũng thử tới, thử lui… e thầy Tắc kè nói gạt chăng. Các cô thấy đánh nhau thì cũng ú ớ la lên rồi phăng nhanh mối tơ rút trở lại lên cao. Lũ Tò vò nhìn thấy bỗng hoảng sợ. Chúng sợ là phải, các cô nầy có thêm tật mách lẻo, không khéo các cô lại trở vào lớp mách thầy thì nguy. Rồi chúng bảo nhau dông mất. Làm Thạch sùng ngơ ngác không hiểu vì sao chúng đang thắng thế lại bỏ cuộc. Gã thất thểu lê cái đuôi đau về nhà. Mẹ gã vẫn chưa thấy đến đón.

Gã kể lại trận đánh nhau “oai hùng” cho chú Nhện nghe, không quên kết luận một câu:

- Cháu định tung cái đuôi thần lực lên để đập tụi nó một trận thì chúng hoảng hồn chuồn mất. Tại mấy con bé Nhện nhát gan.

Chú Nhện không buồn, chú ôn tồn khuyên gã:

- Này cháu, cháu đi học chớ nào phải đi đánh lộn. Nên nhường nhịn một chút là hơn, ai cũng là anh em cả mà. Mới ngày đầu mà đã có chuyện lộn xôn, coi chừng thầy Tắc kè… đuổi thì khổ cháu ạ.

Gã Thạch tiu nghỉu, không biết gã thấm thía câu trên hay vì chú Nhện không tán dương lời ba hoa láo khoét của gã (?).

Gã bỏ qua chuyện đó, hỏi chú Nhện rằng:

- Chú, ngày xưa còn bé, chú có đi học không? Chớ cháu thấy đi học buồn lắm chú ạ.

- Kìa, sao lại than như vậy? Ngày xưa chú cũng đi học như cháu.

- Chú học ở đâu?

- Chú học thầy Tắc Kè í. Nhưng chú bị đuổi học phải bỏ dở nửa chừng. Bây giờ chú lấy làm ân hận. Phải chi hồi đó đừng ham chơi, qua ngày tháng chú lớn dần, phải đi làm ăn mưu sinh, không thể nào trở lại tiếp tục việc học được.

- Hi hi, chú cũng đánh lộn rồi bị thầy giáo đuổi học.

- Bậy nào, tại chú học ngu mà còn hay quên.

- Ngộ quá ta, ngu cũng bị đuổi nữa à?

- Ừ, cháu không biết chứ khi thầy dạy đan lưới, ổng ra mẫu từng ô hình bầu dục như vảy của ông ấy. Nhưng quái, chú đan hoài nó cứ thành hình bát quái.

- Đúng rồi, tụi học trò Nhện tụi nó vẫn đan hình bát quái mà.

- Ừ, đan kiểu đó là thói quen của nhà Nhện, nhưng lưới đan kiểu ấy hơi thưa, khó bắt ruồi muỗi.

- Thì chú vẫn sống nhờ cái lưới loại ấy mà.

- Ậy, học trò thì phải nghe lời dạy của thầy làm đúng bài học. Nhưng ngày chí tối, chú cứ đan thô thiển các lưới loại ấy. Thầy bảo: “Mày cứ hoài cái điệu đó, còn lâu tơ mới hữu dụng như lưới đánh cá. Vả lại tơ mày chả bao giờ bền và xài được như tơ tằm.”

- Ừ nhỉ, sao tơ tằm lại có ích quá ta!

- Nhưng có ích cũng khổ cháu ạ, tằm bị người ta giết để lấy tơ dệt vải may áo quần. Còn xem chú đây, tơ giăng ngông nghênh chả ai thèm để ý. Nhờ đó mới có cái ăn và sống còn.

Đố ai biết được cái lý của thầy Tắc Kè hay của Nhện đúng hơn (?).


Ngày mai Thạch Sùng vẫn gan lì đi học, lần này gã đi một mình. Mẹ gã vẫn chưa hay chuyện gã đánh nhau.

Tụi Nhện kháo với nhau và ngán gã lắm. Tụi du côn kia tuy có cánh và thắng thế hơn cũng phải gờm gã. Những ngày học đều đặn trôi qua, chúng vẫn không thân nhau, vẫn còn e dè trong sự giao thiệp. Gã Thạch Sùng học đủ cách, trườn, bò, chạy nhảy, và leo ngược, leo xuôi, chui kẹt v.v… Thầy Tắc kè còn chỉ gã cách giả ngủ để bắt mồi, dạy tránh xa những cạm bẫy của loài người… Cả những kẻ thù trong thế giới côn trùng, và nhất là mèo và trẻ con độc ác. Bạn bè gã không dám gây sự với gã nữa nhưng tụi nhãi vẫn thích châm chọc khuyết điểm của gã.

Gã Thạch sùng tức tối vì cái đuôi cụt mà không biết phải đối phó ra sao. Vì ra về bọn chúng cứ dùng phương tiện riêng mà chuồn thật lẹ, hát “vè” để châm chọc và cười nghiêng ngả với nhau. Chỉ có bọn Nhện là không dám mà thôi, vì nổi giận lên gã Thạch có thể ăn tươi nuốt sống chúng ngay.

Cho đến một ngày kia đuôi gã mọc dài ra như cũ. Thoạt trông ai cũng đều cho là xấu xí. Cái phần cũ thì đen và có ngấn, hơi to. Cái đoạn mới lại trắng mềm và nhỏ hơn, biết nay là chỗ nối chắp. Nhưng chẳng thà có còn hơn không. Gã đã có thể tự hào dùng cái đuôi đó để đập vung bên này, bên kia… như ngầm khoe khoang, như dọa nạt lũ bạn: “Tao lại có cái đuôi thần lực, chẳng khác nào cá sấu lên bờ…” Lũ Tò vò, Gián, Ong ruồi, Ong bầu, cả mấy cô Nhện, anh Nhện chẳng chút ngạc nhiên còn quay mặt khinh thầm rằng gã đã cụt đuôi một lần còn chưa tởn. Cũng vào lúc ấy gã Thạch khám phá ra một sự việc mà mãi đến nay gã mới hay. Ấy chính là thầy Tắc kè bị thọt một cẳng sau. Bởi vì gã thấy lũ bạn lâu lâu lại giả bộ khập khiễng, gã tưởng chúng chọc gã, nào ngờ…

Một hôm, thầy Tắc kè đang dạy lũ Tò vò bện đất đắp tổ thì bị rơi từ trên cột nhà xuống đất. Thầy khó nhọc leo lên, cái chân bị thọt ngày xưa mà thầy cố sửa bước đi cho khéo nay đau trở lại, không thể giấu giếm ai được. Tụi học trò sướng quá, được phép kéo nhau ra về sớm, chúng cứ việc rong chơi cho đúng giờ mới về nhà. Chỉ có gã Thạch ở lại săn sóc thầy.

Thầy Tắc kè ngậm ngùi bảo gã:

- Không sao! Chỉ tại cái chân yếu sẵn, con cứ về sớm đi, mai thầy khỏi liền.

Nhưng nhìn lại vết thương thầy đau đớn và lại chảy máu, gã không đành lòng, gã muốn làm một cái gì…

- Hay thầy để con đi xin tổ Tò vò về làm thuốc…

- Không được đâu, vì tổ Tò vò nướng lên, tán nhuyễn ra… người ta dùng để rơ lưỡi, trị bịnh đẹn… không cầm máu được…

- À có cách rồi! Trứng Nhện, phải, trứng Nhện dùng được.

Thế là gã Thạch hí hửng ba chân bốn cẳng chạy ngay về nhà xin chú Nhện. Chú Nhện buồn cười, vì chú làm gì mà có trứng. Gã Thạch tiu nghỉu. Phải tìm cách khác. Và gã đi hỏi thăm mấy cô bạn học Nhện. Mấy cô nầy cũng không có nhưng các cô sốt sắng đi tìm các bà dì, bà cô… mà xin giùm.

Nhện một bầy và gã Thạch sùng lũ lượt kéo nhau thăm thầy, đưa ổ trứng, hai miếng trăng trắng như bông gòn bằng đồng bạc chì, ở giữa là những tổ trứng nhện non đã nở rồi. Thuốc ấy cầm máu thật hay, thầy Tắc kè đã đỡ nhiều. Thầy cám ơn lũ học trò có lòng tốt. Nhất là gã Thạch. Bọn chúng ngồi lại nghe thầy kể kỷ niệm xưa. Cái thuở mà thầy còn trai tráng, lành lặn… tha hồ tự do chạy nhảy trong vườn. Chẳng may một hôm thầy bị trẻ con lầm với rắn mối. Chúng liệng gạch đá, ném thầy tơi bời. Thầy tuy nhanh chân nhưng bị trúng một mảnh thật to ở chân trái sau.

Thầy phải dùng đến cách nghi trang, da thầy biến ra đủ màu, lúc thì nâu để tiệp với thân cây, lúc thì xanh để tiệp với màu là… nhờ đó mà thoát chết… Rồi thầy thôi đi giang hồ, ẩn náu mà dạy học trò sinh sống qua ngày. Gã Thạch rất tiếc đã không thể học cách biến dạng qua làn da như thầy Tắc kè được. Và thầy Tắc kè cũng chịu thua. Thầy chỉ điểm thêm cho các bản năng của từng đứa học trò tinh vi thêm mà thôi, chớ thầy cũng không có phép lạ nào để dạy gã Thạch giăng tơ, hay Nhện hút mật v.v…

Thầy khuyên học trò đừng chế nhạo tật xấu của mọi người chung quanh, chẳng có gì hay ho khi ta vui cười trên sự đau khổ của người khác, đó chính là một tật xấu tinh thần vậy. Bọn Nhện đã hiểu và rất vâng lời, gã Thạch thì hoan hô hết mình. Chả gì gã cũng có thời kỳ bị cụt đuôi, trông thật dị hình. Gã dọa thêm lũ Nhện:

- Đứa nào mà còn bắt chước thầy đi khập khiễng, mai mốt Trời phạt sẽ có tật luôn, rồi đi ngang chàng như cua vậy.

Gã cũng chưa biết con cua ra sao, gã chỉ nghe thầy Tắc kè dạy cho biết mà thôi. Nhưng nghe vậy, các cô Nhện và hai anh Nhện cũng sợ rụt đầu, rụt cổ lại.

Từ đó, mấy gã Nhện và mấy cô Nhện chăm học hơn, không lý gì đến bọn Tò vò, Gián, Ong… cả. Bọn nầy cũng không dám chọc ghẹo thầy giáo lẫn gã Thạch vì gã Thạch dạo nầy đã lớn và trông đáng sợ hơn.

Đánh nhau lần nữa, chắc có sự đổ máu và chết chóc. Không chừng kẻ bại trận còn chịu làm mồi cho kẻ chiến thắng nữa là khác.

Gã Thạch cũng không còn mặc cảm với cái đuôi cụt nay đã thành chắp nối hai phần. Gã còn tự hào rằng không con thằn lằn nào có cái đuôi như gã cả. Và gã rất ghét ai dám hỗn hào, nói lén cái xấu thọt cẳng của thầy Tắc kè. Gã đã thấu hiểu quan niệm: “Cái xấu tốt không chỉ ở hình thức bề ngoài, mà có giá trị hay không là ở tấm lòng. Vả chăng: có tật ắt có tài.”

Thầy Tắc kè đã không tài mà lại dạy và điều khiển lũ học trò quá quắt và ô hợp nầy sao (?). Và chúng ta hãy chờ xem gã Thạch sùng thì có tài gì, ích lợi cho ai… Thầy Tắc kè không có những ý nghĩ như vậy, thầy chỉ biết làm tròn bổn phận của thầy mà thôi. Dù cho có vướng phải cái nghề bạc bẽo, hao tổn… là dạy học…


THÁI LYNH LĂNG  


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 55, ra ngày 10-9-1972)

Bìa của Vi Vi : Thư Viện Thiếu Nhi
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>