Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

CHƯƠNG VI_MÁI NHÀ XƯA


CHƯƠNG VI


Chuyến đi Thủ Thiêm như một cuộc dạo chơi. Tôi chọn ngày chúa nhật để đến với Dì Agnès. Ngày chúa nhật là ngày của Chúa. Dì Agnès là tôi tớ Chúa nên tôi tin tưởng cuộc gặp gỡ giữa tôi và Dì sẽ không làm tôi bối rối như hai lần trước, lần gặp ông chủ bút báo Quê Hương và nữ ca sĩ Đan Thanh. Với tâm trạng vững vàng đó, tôi yên lòng qua bắc Thủ Thiêm. Từ bến đò lên tôi đáp xe lam đến tu viện.

Nhà của các Dì kế cận bên thánh đường, các giáo hữu thuộc phái nữ đi hành hương có thể xin ở lại tĩnh tâm một vài ngày. Tôi thấy không có gì phải hấp tấp, nên thản nhiên như một khách hành hương từ xa đến, tôi xin được tá túc đến sáng hôm sau.

Mấy hôm vận động ở Saigon tôi cảm thấy mệt. Bởi vậy sau bữa cơm trưa thanh đạm dùng chung với mấy nữ tín đồ khác, tôi về hội quán nơi dành riêng cho khách thập phương ngủ một giấc thật ngon.

Trước bữa trưa, trong khi chờ đợi giờ cơm, tôi dạo chơi một vòng trong vườn tu viện. Vườn cây thật đẹp được chăm sóc kỹ lưỡng, đường lối sạch sẽ, quang cảnh u trầm tĩnh mịch.

Nhìn sang bên sân thánh đường, giữa mấy nhóm thanh niên đi cắm trại tôi chợt nhận ra mái tóc rối bồng của Chương. Có thể tôi nhầm vì bị ám ảnh.

Sau giấc ngủ khỏe khoắn tôi thơ thới đi tìm dì Agnès, gặp một dì phước trẻ tôi hỏi thăm. Dì nói:

- Em đã có gặp dì Agnès rồi mà!

- Dạ, chưa! Em không biết dì ấy ở đâu và cũng chưa rõ mặt dì nữa!

- Thì dì giữ cổng là dì Agnès đó.

Té ra trước khi bước chân vào khuôn viên của tu viện tôi đã gặp dì Agnès mà không hay. Dì ngồi ngay ở căn phòng đầu nhà, sát bên cổng vào. Tôi tới tìm dì ngay, dì đang ngồi khâu trên chiếc ghế dài kê ngoài hiên.

Thấy tôi tới, dì nhướng mắt qua cặp kính lão nhìn tôi mỉm cười, và thu dọn giỏ khâu cho tôi ngồi ké xuống. Tôi gợi chuyện:

- Dì chịu khó quá. Dì đang khâu gì vậy?

Dì Agnès đặt mảnh vải khâu dở xuống:

- Dì may quần áo cho mấy em cô nhi mặc. Ngồi rảnh dì kiếm việc ra làm cho đỡ buồn vậy thôi.

- Hồi trẻ chắc dì đi nhiều nơi lắm, dì nhỉ?

Dì gật đầu, giọng nói thật hiền hòa:

- Phải, Dì đã đi nhiều nơi lắm. Bề trên sai Dì đi giúp nơi nào là Dì đi nơi ấy. Chắc con muốn hỏi chuyện Dì để tìm một ý hướng phải không? Có nhiều cô gái như con thường vẫn đến hỏi han về những công việc tông đồ Dì đã làm.

Dì nhìn tôi dò xét:

- Có bao giờ con có ý định dâng mình cho Chúa không con?

Tôi bối rối nhìn dì:

- Dì... nói sao?

- Nghĩa là con có muốn làm một nữ tu như Dì không?

Câu hỏi của Dì thật đột ngột, có lẽ đó là thói quen thánh thiện của Dì. Có thể Dì đã tìm thấy nguồn hạnh phúc vô biên trong cuộc đời tu trì nên gặp ai Dì cũng mong cho họ được thứ hạnh phúc siêu nhiên đó. Nhưng câu hỏi của Dì quả đã làm tôi bối rối.

Tôi sinh ra đã là con cái Chúa, vì cứ theo như lời cô tôi thuật lại và căn cứ vào tấm ảnh thánh ghim trên mép chăn phủ bọc tôi thì cha mẹ tôi phải là người ngoan đạo.

Trái lại cô tôi người nuôi dưỡng tôi sau này chỉ theo lễ giáo của tiền nhân: thờ kính tổ tiên và chăm lo làm điều thiện chứ không theo hẳn một tôn giáo nào. Ngày lễ Giáng sinh cô dắt tôi đi nhà thờ, hân hoan mừng ngày Chúa ra đời. Tết đến, cô lại đi chùa lễ Phật và xin xăm. Cái đạo sống của cô tôi, dạy tôi trở nên một người hiền lương, chứ không hẳn là tín đồ của một đạo giáo. Tôi rất kính trọng các bậc tu hành. Họ là những người bỏ lòng dục để sống cuộc đời siêu phàm, dâng hiến con người họ cho một lý tưởng cao siêu. Giá ở vào một trường hợp khác, do một người khác hỏi tôi câu đó chắc tôi đã lăn ra mà cười.

Nhưng đây lại là Dì Agnès.

Tôi ấp úng trả lời:

- Thưa Dì, con chưa bao giờ nghĩ tới điều ấy, con chỉ đến đây để hỏi Dì... về những nơi Dì đã đi.

Được dịp khơi lại những kỷ niệm xa xưa, Dì kể lể:

- Ừ, Dì đã săn sóc những người mắc bệnh phong ở Tuy Hòa, lên miền cao nguyên giúp việc truyền giáo cho các người thượng Rhađê, và về dạy học cho một trường tiểu học ở Nghệ An.

- Dì ở Nghệ An lâu không?

- Lâu. Hồi đó địa phận Xã Đoài có mở một trường sở khá lớn. Dì phụ trách dạy các em tiểu học được ba năm, thì chiến tranh nổi lên. Dì mới xuống tàu vô trong này. Chuyến đó dì xuýt chết vì tai nạn.

- Dạ, con biết!

Tôi sợ Dì đắm hồn trong kỷ niệm, rồi cứ mải mê kể lể những điều tôi không cần biết nên sốt ruột cắt ngang. Dì Agnès thốt giọng ngạc nhiên:

- Con cũng biết vụ ấy à?

- Vâng, con biết, vụ chiếc tàu Bạch Phượng bị đắm trong một đêm giông bão. Dì nói cho con nghe đi Dì. Lúc ấy Dì đi có một mình thôi phải không?

- Trên tàu còn đông người khác nữa con ạ.

- Không, con muốn hỏi là lúc ấy Dì có cùng đi với ai nữa không?

- À, Dì đi một mình. Nhưng khi lên tàu Dì gặp Dì Stéphanie, người Hòa Lan. Dì Stéphanie đáp tàu từ Hải Phòng vào Saigon để chờ về nước.

- Có ai giao cho Dì giữ dùm một đứa nhỏ nào không?

Dì Agnès lắc đầu:

- Không, mà tại sao con hỏi Dì như vậy?

Tôi nghẹn họng mất một lát, rồi mới gặng hỏi thêm:

- Nhưng trên tàu chắc có trẻ con nữa chứ Dì nhỉ. Dì có săn sóc chúng không?

Dì lắc đầu:

- Bọn con nít thì đã có cha mẹ chúng lo. Phần Dì còn phải giúp Dì Stéphanie vì Dì ấy yếu quá, bị say sóng nằm liệt một chỗ.

Tôi thở dài, chán ngán, song vẫn cố vớt vát:

- Trên tàu, có cả người Việt mình, Dì có tiếp xúc với họ không?

- Có chứ, nhưng ít thôi, vì Dì không có thì giờ. Xem nào? Dì nhớ là đã có nói chuyện với vợ chồng ông Võ quốc Oai quê ở Gò Công.

- Dì vừa nói đến ông bà Võ quốc Oai?

- Phải, bà ta là một thiếu phụ rất phúc hậu, còn ông ta là một thương gia hay kỹ nghệ gia gì đó.

- Họ có con không Dì?

- Hình như không có thì phải vì Dì không nghe họ nói đến.

Tôi thở dài:

- Ồ!

Dì Agnès trầm ngâm nghĩ ngợi; cũng như một số người cao niên thường nhớ lại những việc đã qua, Dì Agnès tiếp:

- Dì nhớ có một cặp vợ chồng người Bắc. Người vợ ở vú cho một gia đình nào đó, còn người chồng thì đâu như vô làm công nhân cho một đồn điền của người Pháp ở trong này. Hai vợ chồng người này có bồng theo một đứa bé.

- Một đứa bé?

- Ừ. Chị vợ luôn luôn ấp ủ đứa bé đó trên tay. Tội nghiệp, chẳng hiểu họ có thoát khỏi tai nạn khủng khiếp ấy hay không?

- Dì không gặp lại họ sau vụ đắm tầu ấy à?

- Dì không nhớ nổi nữa. Lúc ấy mạnh ai người ấy lo. Dì luống cuống mê loạn cả đi, chỉ biết là mình được sống sót khi được chuyển vào bờ.

Hai giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, Dì mếu máo:

- Chỉ thương hại cho Dì Stéphanie. Dì ấy chìm luôn với chiếc tầu Bạch Phượng.

Tôi đưa nhẹ tay vuốt lưng Dì Agnès như để trấn an Dì. Nhưng tim tôi thì nhảy loạn trong lồng ngực. Tôi tìm thấy sự vui mừng riêng biệt của tôi. Có thế chứ! tôi đã tìm ra, tuy đó chỉ là một hy vọng mong manh, rằng tôi là đứa con gái của một cặp vợ chồng bình dân người Bắc tên là Nguyễn Văn Thành và Đỗ thị Nuôi!

Tôi phải đi tìm ngay hai người và khi tìm ra thì tôi sẽ có một "mái nhà".

Tôi hình dung ngôi nhà gia đình tôi. Ngôi nhà nhỏ bé có hàng giậu bao quanh. Dây bìm bìm leo kín bờ giậu điểm những bông hoa mầu tím nhạt. Mẹ tôi là người đàn bà hiền hậu, cha tôi là người đàn ông chất phác, lam lũ nhưng can đảm.

Giọng nói xúc động của dì Agnès chợt làm tôi tỉnh mộng:

- Dì thấy chuyện này có hơi kỳ!

- Sao, thưa Dì?

- Là tại sao con lại hỏi Dì những câu hỏi vừa rồi?

Tôi cười nhẹ:

- Dì chẳng vừa nói với con là Dì đã quen tính tò mò của các cô gái đến thăm Dì đó thôi!

- Dĩ nhiên! Nhưng đây là những câu hỏi đặc biệt về vụ đắm tàu Bạch Phượng và những người liên hệ như ông bà Võ quốc Oai, cặp vợ chồng công nhân người Bắc... Từ bao năm nay chưa ai đặt những câu hỏi ấy ra với Dì cả. Nay bỗng nhiên liên tiếp hai ngày nay có tới mấy người tới hỏi Dì...

- Ủa?

- Chiều qua, có một người đàn ông nhỏ thó tới hỏi Dì. Thấy hắn có vẻ khả nghi, Dì không trả lời, chỉ nói là Dì đã quên hết... tuy nói thế Dì cũng không mắc tội nói dối, vì sự thực Dì cũng chỉ nhớ lõm bõm vậy thôi... Rồi đến sáng nay...

- Sáng nay? Thì đến lượt con phải không Dì?

- Không! Trước con còn có một người nữa. Dì dậy từ năm giờ sáng, sang nhà thờ dự thánh lễ tới sáu giờ, thì gặp một thanh niên...

- Một thanh niên có mái tóc bồng?

- Ừ. Anh ta hỏi Dì những câu như con đã hỏi Dì.

- Vô lý thật!

- Dì cảm thấy có điều gì kỳ lạ, chứ không vô lý đâu con. Vì thật như thế mà con! Con là người thứ ba hỏi Dì về những câu hỏi như thế.

Dì Agnès nở một nụ cười ngỏ ý từ biệt tôi. Hiểu ý, tôi cám ơn Dì và đứng lên để Dì tiếp tục công việc may vá của Dì.

Tôi ngẫm nghĩ: không hiểu tại sao lại có thêm một người đàn ông nhỏ thó và anh thanh niên tóc bồng xen vào câu chuyện này?

Có một sự trùng hợp nào chăng?

Và đột nhiên tôi cảm thấy lo sợ.

Chiều ấy tôi từ giã tu viện, và cũng bỏ luôn ý định đi Gò Công tìm gia đình ông bà Võ quốc Oai, vì thấy họ không còn liên hệ gì tới tôi nữa.

Tôi quyết định đi tìm tông tích cặp vợ chồng công nhân Nguyễn văn Thành.

_____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>