Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Mạng Người Là Quý


Cách đây không lâu lắm, có đôi vợ chồng kia vì không thích sống nơi đô thị nên làm một gian nhà lá biệt cư ở một vùng hẻo lánh. Họ nghèo lắm, nghèo nhất trong những kẻ nghèo song họ vẫn hài lòng với cuộc đời lương thiện, đơn giản của mình. Người chồng đi làm thuê cho những nhà khá giả còn người vợ thì chăm sóc tỉ mỉ một số cổ thụ tí hon rồi lâu lâu đem bán cho những người thích chơi cây cảnh.

Cổ thụ tí hon! Cái tên thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn, vì đã là cổ thụ tức là thứ cây sống lâu to lớn sao lại tí hon? Song quả thực có thứ cổ thụ tí hon, bởi loài người là một sinh vật khôn ngoan, họ có thể dạy dỗ, uốn nắn những sinh vật khác, ngay cả loài ác thú họ cũng khuất phục được như ý muốn, huống hồ là uốn nắn hình dáng loài cổ thụ theo một kích thước mà họ ưa thích, không mấy khó khăn.

Song không phải ai cũng có thể tạo được một cây cổ thụ tí hon như ý muốn, tuy nhiên, nếu có tiền, người ta có thể đạt được ước muốn bằng cách bỏ tiền ra tậu lấy thứ mình ưa.

Vợ bác Tô Nam vốn khéo tay và kiên nhẫn. Công việc trồng cổ thụ tí hon có khi còn mang lại một số lợi tức lớn cho vợ chồng bác hơn cả nghề đi làm mướn công nhật của chồng: nay nhà này, mai nhà kia, không có nghề nghiệp nhất định: khi thì lợp nhà, cày ruộng, khi thì hái củi, đốt than; đôi lúc lại chèo thuyền đánh cá.
Thoạt tiên, bác gái trồng những cây này vào chậu nhỏ, đợi cho rễ tiêu thụ hết các chất bổ dưỡng trong đất rồi dời cây sang chậu lớn hơn – lớn hơn chút ít thôi – Lần này, khi cây lớn lại thay chậu lần nữa, song không bón phân. Nuôi cây cầm chừng trong điều kiện thiếu thốn như thế làm cho rễ cây chết bớt đi một phần; cùng một lúc bác buộc các cành cây lại với nhau giữ cho thân cây lớn chầm chậm, càng chậm càng tốt. Theo kinh nghiệm của song thân bác ngày xưa thì với cách đó, họ đã cung cấp rất nhiều cây cổ thụ tí hon cho những kẻ cầu kỳ ưa chơi cây cảnh. Và dĩ nhiên, với một số người ưa thích thứ cây cổ thụ tí hon này, thì chúng cũng quí báu như những nhà sưu tầm đồ cổ tìm được những lọ hoa, chén trà từ đời Tống, đời Minh.

Vợ chồng bác Tô Nam không có mụn con nào; vì vậy sự chăm bón cây cổ thụ để sinh nhai trở thành một thú vui đối với vợ chồng họ. Họ chăm sóc cây như người mẹ chăm sóc con. Thật ra, ban đầu chỉ mình bác gái chăm sóc cây thôi. Nhưng dần dà, ngày một, ngày hai, bác trai cũng đâm lây tính vợ. Có những chiều mưa đông dai dẳng đôi vợ chồng ngồi bó gối nhìn những cây tí hon xinh xắn trước sân, với chút hân hoan và hãnh diện.

Năm chục năm hơn đã trôi qua. Đôi vợ chồng già càng nghèo thêm vì sức yếu, họ không còn đắc lực trong việc cung cấp cổ thụ tí hon cho khách hàng như trước nữa. Tuy nhiên, họ vẫn sống bình yên, thoải mái cạnh nhau và cạnh ba cây cổ thụ mà họ đặc biệt gia công chăm sóc còn hơn chăm con mọn. Đó là ba thứ cây khác nhau: một cây trắc bá diệp, một cây thông và một cây phong.

Rất nhiều người khách ngỏ ý muốn mua ba cây ấy với một giá đắt, rất đắt, song họ đã cương quyết một cách nhã nhặn, chối từ. Họ không thể làm đẹp lòng khách mua cây bằng cách bán chúng đi, dù họ công nhận là họ sẽ được một số tiền lớn ngang với một gia tài nho nhỏ đủ để đôi vợ chồng già no ấm suốt những ngày còn lại, khỏi vất vả như trước nay. Song họ đã trót coi ba cây đó như ba đứa con, làm sao người ta có thể ham lợi để bán cả con đi!


Mùa đông năm đó trời lạnh hơn bao giờ hết. Đã nhiều ngày, vợ chồng ông Tô Nam phải ăn cháo thay cơm. Họ đã quá già, nên không thể xông pha ra mưa gió như trước, lúc họ còn trẻ tuổi. Cho đến một hôm, trời lạnh cóng tê da, bao nhiêu củi than họ dành dụm trọn mùa đông đã hết mà hạt gạo cuối cùng trong cái vại đất cũng đã hết rồi. Họ chỉ còn một mớ khoai khô, phải chia ra, mỗi ngày một dúm nhai lót dạ cho qua cơn đói.

Bỗng một hôm kia, vào lúc sáng sớm, họ nghe có tiếng gõ cửa cấp bách bên ngoài. Vợ chồng nhìn nhau chia chung một ý nghĩ: “Ai còn có đủ can đảm để quấy rầy họ lúc này?” song họ cũng đứng lên, run lập cập ra mở cửa.

Họ nhận ra một cụ già, còn già hơn họ nữa, với đầu tóc bạc phơ và bộ quần áo rách nát, thân hình gầy nhom, tiều tụy còn hơn cả họ. Cụ nhọc mệt cố gắng cất lời:

- Tôi khổ quá: tôi chịu đói và chịu rét đã ba ngày nay, tôi không thể nào chịu nổi nữa, tôi đã gõ cửa nhiều nhà trước khi tới đây, song người ta từ chối tấm thân tàn… Nếu ông bà rộng lòng…

Bà Tô Nam ngắt lời cụ già:

- Chúng tôi nghèo lắm, nghèo hơn cụ tưởng, tôi không hẹp bụng song quả thật, chúng tôi không giúp đỡ cụ được gì trong lúc quẫn bách thế này.

- Phải! – chồng tiếp lời vợ – Chúng tôi cũng đang đói rét, đói rét như cụ, tình cảnh chúng tôi không khác cụ chút nào, có lẽ cụ nên tìm nhà khác thì hơn.

Cụ già nhìn chằm chằm vào đôi vợ chồng gia chủ, nhận ra họ không nói ngoa nên cúi chào, lủi thủi quay ra.
Bên ngoài trời lạnh căm căm. Từng cơn gió buốt thốc ào đến, quất những sợi mưa như những ngọn roi dài, sắc và buốt tê da lên mình cụ già khốn khổ. Bà Tô Nam nhìn chồng, ái ngại thở dài:

- Có lẽ chúng ta đã có một hành động xấu. Nếu cụ già kia chết ở dọc đường thì tội chúng ta to lắm đó, ông ơi!…

- Phải! Phải! – Tô Nam nói như rên – Và tôi tin là chúng ta, cả hai chúng ta sẽ hối hận suốt những ngày còn lại, không mong gì chuộc tội…

- Ông ơi! Ta phải làm sao đây? Chúng ta không xấu bụng, chỉ vì chúng ta…

- Tôi cũng không biết làm sao cho phải… Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng dù sao đi nữa, chúng ta cũng còn được có một mái ấm che thân và mấy lát khoai mốc lót dạ… Ta phải gọi ông cụ trở lui…

- Ông nói đúng đó! Ta phải gọi ông cụ trở lui ngay, trước khi quá muộn.

Nhưng ai sẽ đi? Cả hai đều không muốn người bạn già của mình ra ngoài để chịu đựng mưa gió trong lúc này. Người này tranh người kia để được đi. Sau cùng họ cùng đi, vì không có cách nào hơn, ông thì bảo bà ốm yếu hơn mình không thể đội mưa, bà thì rằng ông tuổi tác hơn mình không thể hứng gió.

Họ phải dựa vào nhau, bước thấp bước cao, đuổi theo ông cụ. Cũng không phải vất vả bao nhiêu vì ông cụ kiệt sức, không đi mau nổi. Họ đuổi kịp, thì cũng đúng vào lúc ông cụ ngã sóng soài xuống mặt đường.

Lập tức hai người giúp nhau đỡ ông lão dậy, dìu về nhà mình. Ông cụ run rẩy, hai cái lợi trống trơ va nhau lập cập trông thật thảm thương. Tô Nam bảo vợ:

- Phải đốt lửa cho cụ sưởi ấm, mau lên!

Trong lúc cuống quít, ông quên rằng nhà đã hết sạch củi, không còn gì để đốt. Nhưng người vợ vốn lanh trí, nhìn quanh tìm kiếm và không tỏ ra do dự mảy may, đã dùng búa sả cái trường kỷ độc nhất trong nhà ra, nhóm lửa cho ông cụ sưởi. Người chồng giốc hết nắm khoai cuối cùng trong cái lọ cao cổ đưa cho ông cụ bằng cả hai tay. Một nắm khoai khô, cũ, mốc meo, thật chẳng đáng là bao, song họ đã xử với ông cụ bằng tất cả lòng ưu ái, làm ông cụ cảm thấy ấm áp đôi phần.

Một chốc sau ông cụ tỉnh táo hẳn lại, thì thào cảm ơn gia chủ rồi lại thiếp đi trong lúc vẫn còn run vì chưa hết lạnh.

Hai vợ chồng già nhìn nhau chia chung một niềm sung sướng, hân hoan không tả xiết.

Song họ không sung sướng được lâu: vì cụ già kia cần thêm củi sưởi mà cái ghế trường kỷ là vật duy nhất cung cấp củi thì sắp tiêu biến trong lò. Cái giường thì ông cụ đang nằm. Họ còn đang lúng túng chưa biết tính sao cho ổn thì chợt bốn con mắt cùng chú ý đến ba cây cổ thụ mà họ quí hơn hết, quí như ba đứa con yêu. Tuy nhiên, họ không có thì giờ để suy nghĩ lâu la được nữa. Họ phải quyết định ngay: một là họ chặt ba cây đó chẻ nhỏ mang vào nhà, cho vào lò trước khi những mảnh vụn của cái trường kỷ chưa cháy hết, đặng chúng kịp khô và bắt cháy hầu cứu mạng cụ già. Hai là… là họ tiếc ba cây cảnh quý thì ông già sẽ chết rét trong khoảng vài giờ sau đó.

Nước mắt ràn rụa trên hai khuôn mặt nhăn nheo, họ do dự một chút rồi họ cũng nghĩ thành tiếng nói:

- Mạng người là quý, ta không thể chần chờ.

Mười phút sau, ngọn lửa lại reo vui, những vệt nước mắt loang loáng trên má họ, song họ hoàn toàn sung sướng, vì họ biết rằng họ đã làm một điều đúng với lời dạy của Đấng Từ Bi.


Minh Quân    
     (phóng tác)    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 214, ra ngày 1-12-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>