CHƯƠNG I
Tôi ngạc nhiên thấy trước nhà vắng ngắt. Cửa hàng không người trông coi,
chiếc xe sinh tố nằm chơ vơ. Giờ này chắc mẹ tôi đi chợ chưa về, nhưng
còn con Lộc ?
Tôi nhìn chiếc xe honda. Tôi đã nhờ con Lộc lau hộ từ lúc sáng
khi tôi xin phép mẹ đến nhà một người bạn gần đây, giờ vẫn còn đầy dấu
vết của vũng nước bùn trên đường về mà lúc sáng sớm đi lên chợ lấy bánh mì, xe tôi
cán phải. Cọng cỏ dính trong căm bánh xe sau, nước bùn đọng vết nơi vành
bánh thành những hình bán nguyệt, chùm chìa khóa tôi bỏ quên; tất cả
còn y nguyên.
Thế này thì quá lắm rồi. Không lau xe cho tôi thì còn có thể
tha thứ được chứ còn bỏ cửa hàng, bỏ xe sinh tố thì quả là con bé lớn
mật. May là vào lúc này, tuy đã hơn mười giờ mà trời còn lạnh nên bãi
Dâu vắng người, chứ không kẻ gian muốn hành động chẳng mấy khó. Nhất là
chiếc honda của tôi với chùm chìa khóa còn nằm trong ổ khóa sẵn sàng.
Tôi vào nhà trong tìm con Lộc. Nhưng phòng khách, phòng ngủ rồi
nhà bếp đều không thấy nó. Tôi đi lên gác, cố ý bước nhẹ để hy vọng bắt
gặp tại trận xem con bé đang làm gì ?
Con Lộc đứng quay mặt vào kẹt tủ quần áo kê sát tường đang làm gì đó. Tôi bước mạnh chân. Con bé giật nẩy mình quay lại.
Tôi hỏi ngay :
- Mầy giấu cái gì trong đó vậy? Lộc !
Lộc ấp úng:
- Đâu… đâu có gì... anh Hai !
- Vậy chứ mầy làm gì trên này?
- Em...
Tôi quát:
- Giấu gì trong đó? Đưa tao xem mau!
Con bé vẫn chối dài:
- Đâu có…
- Mầy lì hả? Được! Tránh ra để tao lục soát thử...
Lộc bậm môi nhìn tôi. Chừng như nó đang suy tính lợi hại. Tôi nói thêm:
- Mầy có biết tội của mầy nặng lắm không? Bỏ cửa hàng không
trông coi, quên lau xe cho tao, giờ tao hỏi lại không chịu khai... Ba
tội đó tao mách mẹ thì mày có mà nhừ đòn...
Rồi tôi tiến tới phía con bé. Biết không thể giấu được nữa, con bé đành nói:
- Anh Hai... em xin lỗi anh Hai... để em đưa...
Giọng của nó thật thảm hại. Tôi nói:
- Biết điều vậy thì tao châm chế cho...
Con Lộc nhìn tôi một lần nữa trước khi quay vào trong kẹt tủ
lấy ra một vật. Tôi hồi hộp nhìn: Một cái sắc tay phụ nữ. Lộc trao cái sắc cho tôi, nói:
- Anh Hai tha cho em một lần nghe anh Hai... Anh Hai đừng mách mẹ...
Tôi đáp :
- Để xem đã!
Rồi đón lấy cái sắc tay, tôi mở ra. Cái sắc bằng da đen bóng
loại đắt tiền này chứa những món giá trị không ngờ. Tôi tròn mắt ngạc
nhiên. Bên trong cái sắc có một xấp giấy năm trăm mới tinh, một xâu chìa
khóa, một tấm căn cước, một tấm danh thiếp và một lọ nước hoa bé tí
xíu.
Tôi trừng mắt nhìn con Lộc. Trong trí tôi lại nhớ những ngày
trước kia khi trong nhà tôi còn những đứa trẻ hành nghề ăn cắp, móc
túi... Tôi gằn giọng:
- Thế này thì mày quá lắm rồi! Muốn trở về đường cũ phải không? Mau khai thật! Giật cái sắc này của ai? Ở đâu? Hồi nào?
Con Lộc xanh mặt đáp:
- Không phải vậy đâu anh Hai... anh Hai nghi oan cho em rồi, em đâu dám giật của ai...
Tôi quát:
- Chứ làm sao mầy có được?
- … Của một bà khách vừa ghé lại uống nước bỏ quên...
- Của một bà khách?
Tôi không để ý đến tiếng "Vâng" của con Lộc, liếc xem tấm căn cước. Tôi lẩm nhẩm:
- Nguyễn Tuyết Hồng.
Bà khách tên Hồng, năm nay ba mươi tám, có một vẻ mặt thật quý
phái. Tôi chú ý đặc biệt đến đôi mắt của bà ta. Đôi mắt buồn mà đẹp lạ
lùng và có vẻ như rất quen thuộc.
Con Lộc vừa ghé bên tôi để nhìn, vừa nói:
- Bà ấy ghé uống nước rồi lúc ra đi, bỏ quên lại. Em vừa đem
lên đây định mở ra xem có những gì thì anh Hai bắt gặp... anh Hai tha
cho em một lần nghe anh Hai... anh Hai mà mách mẹ thì mẹ đánh em chết...
- Sao thấy người ta bỏ quên mầy không kêu lại trả?
- Em có thấy liền đâu mà kêu lại! Lúc bà ấy lên xe đi rồi, em ra lấy ly đem rửa em mới thấy.
- Bà ấy đi xe hơi à?
- Vâng. Bà ấy lái xe lấy. Bà ấy đeo đôi găng tay bằng nhung đen thật đẹp đó anh Hai... chắc nhà giàu...
Nghe con Lộc nói, tự nhiên tôi lại đưa mắt nhìn vào hình bà
Hồng trên tấm căn cước. Tôi hình dung ra bà ta đang ngồi trên xe hơi với
đôi găng tay bằng nhung đen như con Lộc mô tả.
Có tiếng một đứa bé gọi mua hàng. Tôi nói :
- Mầy xuống bán hàng đi. Rồi tao tính cho.
Lộc còn chần chừ. Nó nói :
- Anh Hai đừng mách mẹ chuyện này nghe anh Hai...
Tôi gật đầu. Bấy giờ, con bé mới yên tâm xuống bán hàng. Còn
lại, tôi đem chiếc sắc tay lên bàn, lấy xấp giấy năm trăm ra đếm thử.
Quả là một số tiên lớn : mười lăm ngàn đồng!
Ánh mắt tôi chạm phải tấm danh thiếp, tôi lẩm nhẩm đọc :
- Bà quả phụ Võ Hữu Danh, nhũ danh Nguyễn Tuyết Hồng. Địa chỉ...
Tôi ngạc nhiên trước địa chỉ của bà Hồng. Tôi có đứa bạn ở cùng
đường với nhà bà Hồng nên những nhà gần đấy, tôi biết cũng khá rõ. Nếu tôi
nhớ không lầm thì nhà bà Hồng là một căn biệt thự dành làm nơi nghỉ mát của
một thương gia người Trung Hoa ở Sàigòn. Bà Hồng là người nhà của
thương gia này hay bà mua lại căn biệt thự?
Có tiếng xe hơi phía trước nhà tôi. Tôi bước ra cửa sổ nhìn
xuống. Tay tôi chợt run lên, buông rơi tấm danh thiếp, sững sờ nhìn
người thiếu phụ đang từ trên chiếc xe du lịch bước xuống. Nhờ đã biết mặt bà Hồng qua tấm
hình của bà trong căn cước, tôi biết thiếu phụ đang tiến lại phía con Lộc
chính là bà ta.
Bà Hồng với vẻ mặt đầy lo âu đang hỏi con Lộc:
- Cháu à, cháu cho bác hỏi thăm điều này nhé! Lúc nãy bác có
ghé đây uống nước và bỏ quên cái sắc tay, cháu có giữ thì cho bác xin
lại… Bác hứa sẽ thưởng cháu ít tiền ăn quà...
Tôi thầm lo cho con Lộc. Tim tôi nhảy thình thịch, hồi hộp theo dõi câu trả lời của nó. Con bé đáp:
- Thưa bà... con không thấy gì cả... Có lẽ bà bỏ quên ở nơi nào khác rồi.
Bà Hồng đầy vẻ thất vọng :
- Bác nhớ rõ ràng sau khi rời nhà hàng Hoàng Mạnh ở bãi Sau,
bác chỉ ghé lại đây uống nước... Chẳng lẽ bác lại bỏ quên ở đằng ấy...
Con Lộc :
- Thưa bà... Hay là bà trở lại nhà hàng Hoàng Mạnh tìm xem sao ?
Bà Hồng nhìn con Lộc như muốn tìm ở nó một biểu lộ giả dối. Có lẽ bà nghi ngờ con bé. Nhưng rồi cuối cùng, bà cũng đành nói :
- Thôi, cảm ơn cháu nhé. Bác trở lại bãi Sau xem sao...
Con Lộc cất tiếng chào bà Hồng rồi lặng nhìn theo bà ta đang
lên xe, mở máy. Đợi bà Hồng đi khuất hẳn, con bé mới nhún vai, le lưỡi.
Nó liếc lên và thấy tôi. Nó nói :
- Bà khách đó anh Hai !
Tôi xuống dưới nhà đến bên Lộc. Con bé lại le lưỡi nói :
- Bà ấy hỏi em có thấy cái sắc tay không? Em sợ quá… May mà trả lời được… Em nói không thấy.
- Bà ấy đi tìm đằng nhà hàng Hoàng Mạnh rồi phải không?
- Dạ.
Tôi chép miệng :
- Tội nghiệp bà ta!
Con Lộc ngập ngừng :
- Anh Hai... rồi cái sắc, anh Hai tính sao?
- Cái sắc tay à? Tao tính... sẽ đem trả lại cho bà ta.
Lộc có vẻ sợ:
- Rồi bà ta biết là em... thì sao ?
Tôi cười :
- Mầy yên tâm đi. Tao sẽ nói là tao thấy cái sắc tay này ở đằng nhà hàng Hoàng Mạnh...
- Có vậy em mới yên tâm được... còn...
- Gì nữa?
- Anh Hai có... cho mẹ biết không?
- Chắc có!
- Rồi anh Hai nói thế nào?
Tôi biết con bé sợ tôi mách mẹ chuyện nó bỏ cửa hàng lén lên gác xem cái sắc tay của bà Hồng một mình. Tôi nói cho nó yên tâm:
- Tao chỉ nói rằng bà ta bỏ quên, mầy thấy và đưa lại cho tao thôi. Được không?
Lộc lí nhí đáp :
- Dạ được!Anh Hai thương em quá!
Tôi bật cười vu vơ. Tôi dặn Lộc :
- Ở đấy bán hàng đi, chiều nay tao đem trả người ta cho.
Rồi chỉ chiếc honda, tôi nói :
- Lau hộ tao chiếc xe nữa nghe !
Lộc cất tiếng dạ rồi đi tìm giẻ lau xe. Tôi trở lên gác, bỏ tất
cả những món đồ của bà Hồng vào sắc cho bà ta. Vừa xong thì mẹ tôi về.
Tôi tần ngần suy tính một chút rồi đem chiếc sắc tay của bà Hồng xuống dưới nhà gặp
mẹ tôi.
Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi:
- Cái sắc của ai vậy con?
Tôi không đáp mà trao cho mẹ cái sắc tay của bà Hồng. Tôi nói :
- Mẹ mở ra xem thử đi !
Mẹ tôi đón lấy cái sắc, vừa cười vừa bảo tôi :
- Hôm nay sao con có vẻ bí mật thế? Nào! Xem có gì nào ?
Mẹ tôi mở cái sắc ra. Mẹ kêu lên ngạc nhiên :
- Trời ơi ! Tiền ở đâu mà nhiều thế này?
Tôi trả lời :
- Có một bà khách ghé lại uống nước rồi bỏ quên, con Lộc trông
thấy thì bà ta đã đi xa, nó đưa lại cho con... Con... con định sẽ đem
trả lại cho người ta... Mẹ thấy có nên không?
Tôi hồi hộp đợi phản ứng của mẹ tôi. Mẹ nói :
- Nên chứ! Con tính vậy là phải. Nhưng làm sao con biết bà ta ở đâu mà đem trả ?
Tôi thở phào nhẹ nhõm, giải thích :
- Bà ta có tấm danh thiếp trong đó, con đã xem địa chỉ rồi, cũng gần nhà một thằng bạn của con...
Mẹ tôi nói: "Thế à" rồi lấy trong cái sắc ra tấm danh thiếp của bà Hồng, tò mò xem.
Bỗng nhiên, tôi thấy mặt mẹ tôi biến sắc. Bờ môi mẹ run run đọc :
- Bà quả phụ... Võ... Hữu... Danh...
Tôi ngạc nhiên hỏi :
- Sao vậy mẹ?
Như không nghe tôi hỏi, mẹ tôi lẩm nhẩm đọc một mình :
- Bà quả phụ Võ Hữu Danh, nhũ danh Nguyễn Tuyết Hồng...
Rồi sau đó, mẹ lấy tấm căn cước của bà Hồng ra xem. Mẹ bật thốt lên :
- Thôi đúng rồi !
Tôi đến bên mẹ :
- Chuyện gì vậy mẹ ?
Mẹ tôi bỗng nhìn tôi thật lâu. Tôi ngạc nhiên quá sức, không
hiểu vì sao mẹ tôi lại có thái độ kỳ lạ như thế? Một lúc lâu, mẹ tôi mới
nói :
- Hòa ạ! Mẹ xin con một lần này nhé!
- Sao mẹ lại nói thế? Có gì mẹ cứ dạy con, con xin nghe.
- Không! Mẹ xin con thật đó. Mẹ xin con hãy để mẹ tìm cách trả cái sắc tay lại cho người này chứ con đừng nên đem trả...
- Sao thế mẹ.
- Mẹ chưa tiện giải thích ngay bây giờ... Điều cần nói là mẹ không muốn con gặp mặt bà Danh... Bà Nguyễn Tuyết Hồng...
Tôi nắm tay mẹ nài nỉ :
- Con hứa sẽ nghe theo lời mẹ, nhưng mẹ cũng nên cho con biết nguyên do chứ.
Mẹ tôi hỏi lại :
- Con hứa chắc là con nghe theo lời mẹ yêu cầu?
- Vâng, con hứa chắc. Mẹ cho con biết chuyện đi mẹ.
Mẹ tôi im lặng. Tôi hồi hộp chờ. Thời gian như bị trì kéo lại, trôi nặng nề. Cuối cùng, mẹ tôi nói:
- Con theo mẹ lên gác, mẹ sẽ kể cho con nghe tất cả.
*
Không bao giờ tôi có thể ngờ rằng thuở nhỏ, tôi đã
từng bị bắt cóc ! Theo lời mẹ tôi cho biết thì trước kia gia đình ông bà
Danh ở trên Sàigòn và mẹ tôi là người giúp việc cho gia đình ấy. Bà
Hồng kết hôn với ông Danh từ năm mười tám đến năm hăm ba vẫn chưa có một
mụn con. Năm ấy thì mẹ tôi mang thai tôi. Ba tôi làm phu xích lô, cực
nhọc, nắng mưa đã khiến ba tôi lâm bệnh và từ trần trước ngày mẹ tôi
sinh tôi hơn hai tháng. Trong cơn túng quẫn, khó khăn của mẹ tôi, ông bà
Danh đứng ra lo lắng mọi việc. Ông bà lo ma chay cho ba tôi, sau đó, lo
việc sanh nở cho mẹ tôi nữa. Mẹ tôi cho là mình có phước lắm mới gặp
được ông bà chủ tốt bụng như thế.
Chẳng ngờ khi tôi được hơn tháng, ông bà Danh mới để lộ manh tâm. Ông bà ngỏ ý với mẹ tôi rằng ông bà muốn mẹ tôi bán con cho ông bà. Ông bà hứa sẽ nuôi nấng tôi tử tế với điều kiện mẹ tôi được một số tiền lớn để đi xa làm ăn, cấm không được trở về nhìn con nữa! Lòng nào mẹ tôi ưng chịu. Ông bà Danh dụ dỗ mãi không được, bày kế sai người bắt tôi đem giấu đi một nơi. Ông bà nói rằng đằng nào mẹ tôi cũng mất con. Nếu bằng lòng theo điều kiện của ông bà thì tôi được nuôi nấng nên người, bằng ngược lại, số phận tôi sẽ không một chút bảo đảm. Mẹ tôi thương con, sợ tôi bị khổ, đành nhẫn nhịn, vờ nhận lời. Ông bà Danh mừng rỡ cho đem tôi trở về. Ngay tối hôm ấy, mẹ tôi lén trộm một số tiền lớn rồi bỏ trốn ra Vũng Tầu.
Nhờ số tiền lấy được của ông bà Danh, mẹ tôi mua được một căn nhà để ở. Mẹ mở quán nước tạm sống qua ngày. Năm tôi lên hai, tình cờ một hôm có một người quen ghé lại nhà tôi. Người ấy mẹ tôi gọi là chú Tám. Chú Tám có đem theo một đứa trẻ lên mười. Mẹ tôi gặng hỏi, lúc đầu chú nói dối đó là đứa cháu họ theo chú đi chơi, nhưng mẹ tôi nghi ngờ, gặng hỏi mãi, cuối cùng chú đành thú thật đó là đứa trẻ chú đã bắt cóc định đem ra đây tìm chỗ bán lấy một số tiền ! Mẹ tôi nhớ đến chuyện tôi bị bắt cóc và bỗng nảy ra ý định trả thù đời. Mẹ tôi nhận mua đứa trẻ và bắt nó đi ở mướn. Mẹ tôi tính mẹ sẽ lấy lại vốn không mấy chốc và sau đó, tiền lời ngày một sẽ tăng. Nhưng chỉ được nửa năm, đứa trẻ bỏ trốn mất. Bị lỗ vốn, mẹ tôi quyết tìm cách lấy lại. Mẹ tìm cách liên lạc với chú Tám để nhờ chú tìm cho một đứa trẻ khác. Từ đó, mẹ tôi đi dần vào việc làm không mấy lương thiện như tôi đã kể.
Chuyện cái sắc tay của bà Hồng làm mẹ tôi lo lắng. Mẹ sợ tôi non dạ, không biết ăn nói khiến bà Hồng biết được chỗ ở rồi phát giác ra mẹ. Chừng đó, thế nào mẹ tôi cũng bị lôi thôi vì chuyện mẹ đã lấy trộm của bà Hồng một số tiền lớn xưa kia. Cho nên, mẹ tôi định sẽ nhờ một người quen đem trả cái sắc tay cho bà Hồng để tránh rắc rối...
Tôi biết, mẹ tôi thương tôi lắm. Mẹ không muốn tôi phải chịu khổ sở nếu chẳng may mẹ lâm cảnh tù tội.
Nhưng tôi không đồng ý với việc mẹ tôi định nhờ một người quen đem trả cái sắc tay cho bà Hồng chút nào. Tôi nghĩ rất nhiều về câu chuyện vừa được biết. Lúc kể xong, mẹ tôi hỏi tôi :
- Con đã hiểu rõ vì sao mẹ ngăn cản con gặp bà Danh chưa?
Tôi đáp:
- Con hiểu, nhưng sao bấy lâu nay mẹ cứ giấu, không cho con biết chuyện này?
- Mẹ sợ con biết sẽ khiến con bận tâm lo lắng mà xao lãng việc học hành... Lại nữa, mẹ tưởng không bao giờ mẹ còn gặp lại bà Danh nữa chứ... Chẳng ngờ...
Mẹ tôi thương tôi quá. Thời gian phải xa tôi, ắt mẹ buồn khổ lắm. Tôi thấy căm tức và oán giận bà Hồng vô cùng. Đôi mắt đẹp của bà ta vụt hiện ra. Dáng dấp quý phái của bà ta đang vụt hiện ra. Có thể như lời mẹ tôi kể được sao? Bà Hồng có thể tàn ác như thế được sao? Những cảm tình lúc đầu tiên tôi dành cho bà Hồng nhiều bao nhiêu, tốt đẹp bao nhiêu thì giờ này trở nên vơi cạn, tàn úa bấy nhiêu.
Mẹ tôi đã lấy của bà Hồng một món tiền lớn, đồng thời, giữ được tôi đến ngày nay. Tôi cho đó là một sự trả thù đích đáng đối với người đã lập tâm chia rẽ mẹ con tôi. Nhưng tôi còn muốn góp phần trong việc trả thù đó nữa. Tôi chưa biết mình phải làm cách nào, nhưng tôi đinh ninh rằng sẽ có dịp, tôi làm cho bà Hồng biết thế nào là sự đau khổ của một người mẹ phải xa con.
Trong khi chờ đợi cơ hội, trước tiên là tôi phải gặp mặt bà Hồng một lần đã. Tôi đành cãi lời mẹ tôi.
Chẳng ngờ khi tôi được hơn tháng, ông bà Danh mới để lộ manh tâm. Ông bà ngỏ ý với mẹ tôi rằng ông bà muốn mẹ tôi bán con cho ông bà. Ông bà hứa sẽ nuôi nấng tôi tử tế với điều kiện mẹ tôi được một số tiền lớn để đi xa làm ăn, cấm không được trở về nhìn con nữa! Lòng nào mẹ tôi ưng chịu. Ông bà Danh dụ dỗ mãi không được, bày kế sai người bắt tôi đem giấu đi một nơi. Ông bà nói rằng đằng nào mẹ tôi cũng mất con. Nếu bằng lòng theo điều kiện của ông bà thì tôi được nuôi nấng nên người, bằng ngược lại, số phận tôi sẽ không một chút bảo đảm. Mẹ tôi thương con, sợ tôi bị khổ, đành nhẫn nhịn, vờ nhận lời. Ông bà Danh mừng rỡ cho đem tôi trở về. Ngay tối hôm ấy, mẹ tôi lén trộm một số tiền lớn rồi bỏ trốn ra Vũng Tầu.
Nhờ số tiền lấy được của ông bà Danh, mẹ tôi mua được một căn nhà để ở. Mẹ mở quán nước tạm sống qua ngày. Năm tôi lên hai, tình cờ một hôm có một người quen ghé lại nhà tôi. Người ấy mẹ tôi gọi là chú Tám. Chú Tám có đem theo một đứa trẻ lên mười. Mẹ tôi gặng hỏi, lúc đầu chú nói dối đó là đứa cháu họ theo chú đi chơi, nhưng mẹ tôi nghi ngờ, gặng hỏi mãi, cuối cùng chú đành thú thật đó là đứa trẻ chú đã bắt cóc định đem ra đây tìm chỗ bán lấy một số tiền ! Mẹ tôi nhớ đến chuyện tôi bị bắt cóc và bỗng nảy ra ý định trả thù đời. Mẹ tôi nhận mua đứa trẻ và bắt nó đi ở mướn. Mẹ tôi tính mẹ sẽ lấy lại vốn không mấy chốc và sau đó, tiền lời ngày một sẽ tăng. Nhưng chỉ được nửa năm, đứa trẻ bỏ trốn mất. Bị lỗ vốn, mẹ tôi quyết tìm cách lấy lại. Mẹ tìm cách liên lạc với chú Tám để nhờ chú tìm cho một đứa trẻ khác. Từ đó, mẹ tôi đi dần vào việc làm không mấy lương thiện như tôi đã kể.
Chuyện cái sắc tay của bà Hồng làm mẹ tôi lo lắng. Mẹ sợ tôi non dạ, không biết ăn nói khiến bà Hồng biết được chỗ ở rồi phát giác ra mẹ. Chừng đó, thế nào mẹ tôi cũng bị lôi thôi vì chuyện mẹ đã lấy trộm của bà Hồng một số tiền lớn xưa kia. Cho nên, mẹ tôi định sẽ nhờ một người quen đem trả cái sắc tay cho bà Hồng để tránh rắc rối...
Tôi biết, mẹ tôi thương tôi lắm. Mẹ không muốn tôi phải chịu khổ sở nếu chẳng may mẹ lâm cảnh tù tội.
Nhưng tôi không đồng ý với việc mẹ tôi định nhờ một người quen đem trả cái sắc tay cho bà Hồng chút nào. Tôi nghĩ rất nhiều về câu chuyện vừa được biết. Lúc kể xong, mẹ tôi hỏi tôi :
- Con đã hiểu rõ vì sao mẹ ngăn cản con gặp bà Danh chưa?
Tôi đáp:
- Con hiểu, nhưng sao bấy lâu nay mẹ cứ giấu, không cho con biết chuyện này?
- Mẹ sợ con biết sẽ khiến con bận tâm lo lắng mà xao lãng việc học hành... Lại nữa, mẹ tưởng không bao giờ mẹ còn gặp lại bà Danh nữa chứ... Chẳng ngờ...
Mẹ tôi thương tôi quá. Thời gian phải xa tôi, ắt mẹ buồn khổ lắm. Tôi thấy căm tức và oán giận bà Hồng vô cùng. Đôi mắt đẹp của bà ta vụt hiện ra. Dáng dấp quý phái của bà ta đang vụt hiện ra. Có thể như lời mẹ tôi kể được sao? Bà Hồng có thể tàn ác như thế được sao? Những cảm tình lúc đầu tiên tôi dành cho bà Hồng nhiều bao nhiêu, tốt đẹp bao nhiêu thì giờ này trở nên vơi cạn, tàn úa bấy nhiêu.
Mẹ tôi đã lấy của bà Hồng một món tiền lớn, đồng thời, giữ được tôi đến ngày nay. Tôi cho đó là một sự trả thù đích đáng đối với người đã lập tâm chia rẽ mẹ con tôi. Nhưng tôi còn muốn góp phần trong việc trả thù đó nữa. Tôi chưa biết mình phải làm cách nào, nhưng tôi đinh ninh rằng sẽ có dịp, tôi làm cho bà Hồng biết thế nào là sự đau khổ của một người mẹ phải xa con.
Trong khi chờ đợi cơ hội, trước tiên là tôi phải gặp mặt bà Hồng một lần đã. Tôi đành cãi lời mẹ tôi.
__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II