Suốt năm năm làm học trò tiểu học tôi có thật nhiều chuyện đáng nhớ. Đó là những kỷ niệm ngát hương thơ ấu, mà không bao giờ tìm lại được. Thuở nhỏ vụng dại, vui vẻ nô đùa, học hành trong một ngôi làng. Trường có hai hàng bàng bóng mát, cột cờ trồng đủ thứ hoa. Chúng tôi quây quần trong một lớp học mấy chục đứa với ông thầy khả kính. Biết bao nhiêu chuyện vui buồn đã xảy ra mà có lẽ mai sau sẽ không quên được đâu.
Năm tôi học lớp nhất, vào dịp cuối năm trường có tổ chức một buổi liên hoan. Có cả văn nghệ, đủ thứ ca hát, kịch, vũ... Hôm đó phát phần thưởng cho các học sinh khá trong kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt. Thế là vừa qua kỳ thi, mùa đông đến trường tôi rộn rịp hẳn lên. Từ lớp năm cho tới lớp nhất đâu đâu cũng thấy vẻ hân hoan trên mọi gương mặt. Cả trường chuẩn bị cho buổi Tất niên thật xôm tụ.
Tuần lễ trước đó, thầy Lộc dạy lớp tôi nói:
- Năm nay lớp nhất được ông Hiệu trưởng giao cho một vở kịch lịch sử.
Thế là cả lớp nhao nhao, sách vở bút thước đẩy vào tận hộc bàn, hỏi liên tiếp làm thầy trả lời không kịp.
- Kịch gì vậy thầy? Phải Hai Bà Trưng không?
- Thích quá. Kịch lịch sử hay một cây!
- Diễn kịch Ngô Quyền đánh quân Tàu ở sông Bạch Đằng, thưa thầy.
Thầy Lộc mỉm cười, đợi bọn tôi bàn tán một hồi. Bọn con gái thích kịch Hai Bà Trưng, bà Triệu để được cưỡi voi giả, cầm gươm phất cờ thật oai. Bên con trai thích được làm vua mặc áo long bào, hét ra lửa. Đợi một lát cho vẻ hớn hở lắng bớt trên mặt bọn học trò, thầy từ tốn nói:
- Chúng ta diễn kịch vua Quang Trung đánh quân Thanh dịp tết chiếm thành Hà Hồi và Ngọc Hồi.
Chúng tôi à ra thích thú. Thằng Tốt vỗ tay, tức thì bọn con trai đồng loạt vỗ tay rầm rầm, có đứa còn vỗ bàn, vỗ chân lục cục làm bình mực gần đổ. Bên con gái có vẻ không hưởng ứng mấy, vì thấy vở kịch không có vai nào cho con gái cả. Thanh, trưởng lớp đứng lên hỏi:
- Thưa thầy, ai làm vua Quang Trung ạ?
Thầy Lộc nhìn anh Thanh mỉm cười. Tôi biết ngay anh Thanh nhắc khéo thầy, chứ trong lớp này ai xứng nhất so với anh. Thầy nhìn kỹ bọn con trai xong tuyên bố:
- Trò Thanh làm vua Quang Trung, trò Hành làm Tôn Sĩ Nghị, trò Quới làm Sầm Nghi Đống.
Chúng tôi cười ầm. Chả là Quới và Hành là người Trung Hoa, bán hủ tiếu ở chợ. Thanh đáng lẽ làm quân Thanh thì được làm vua Quang Trung. Tôi thấy anh sung sướng ra mặt, cả Quới và Hành cũng có vẻ vui nữa.
Sau đó thầy Lộc nhìn mặt đám học trò con trai để chọn làm quân ta hay quân Thanh. Đứa nào mập mạp, mắt ti hí thì chắc chắn làm quân Tàu, còn đứa nào cao ráo, dũng cảm thì làm quân ta. Dĩ nhiên phải như vậy, kết quả quân ta mặt mũi bảnh bao sáng sủa.
Xui cho tôi, hồi đó tôi hơi mập mạp lại lùn nhỏ nữa nên bị làm quân Tàu phù chán quá, làm quân Tàu thì chưa lên sân khấu đã cầm chắc bại trận trong tay. Tôi muốn bỏ cuộc, trốn. Nhưng hôm đó tôi được phần thưởng nên phải có mặt. Đành làm quân Tàu vậy.
Bọn con gái được chọn để vũ. Thế là huề, phe nào cũng có nơi để khoe khoang tài nghệ. Được mặc quần áo đẹp như công chúa, thoa son đánh phấn. Được múa kiếm oai hùng. Còn tôi, sau đó may mắn được chọn trong ban hợp ca. Ban này lên trình diễn đầu tiên. Thế cũng hách chán.
Thầy bắt mỗi đứa phải có gươm bằng gỗ, vua quan thì được phát gươm riêng. Lại phải kiếm nón cũ cắt cụt bớt, sơn phết lại. Quân Tàu sơn nón đen, quân ta nón vàng, viền đỏ. Mấy đứa làm quân ta thật sướng, được đâm vào người quân Tàu, được reo hò chiến thắng. Quần áo lại mới, còn quân Thanh toàn mặc lại quần áo cũ.
Ba tôi làm ở garage của sở, nên làm cho tôi thanh gươm thật đẹp. Gươm bằng nhôm, sáng bóng, có cả chuôi gắn nơi lưng quần. Bọn bạn thích lắm, gươm của tôi hách nhất nước mà lỵ. Đánh nhau nghe rợn người chứ đâu phải như gươm gỗ cọc cạch.
Hôm tập dượt, thầy Lộc đã chọn sẵn đứa nào đấu với đứa nào. Trên sân khấu phải có hai cặp đánh nhau túi bụi lúc giao chiến. Tôi đấu với thằng Muôn. Thanh gươm của nó to lớn, dài và nhọn. Tôi phải dặn trước, đánh nhè nhẹ, đừng có đâm mạnh quá đau lắm. Số phận quân Thanh chúng tôi là quăng gươm, té chạy. Lịch sử đã định rồi, ai mà dám cãi. Mà có cãi thì sẽ bị ăn đòn.
Coi vậy mà rồi ngày liên hoan cũng đến, mau ghê. Sân trường rực rỡ cờ xí, đèn đuốc. Những cây bàng như cũng vui hơn, dù mùa đông nhưng lá vẫn xanh kín. Bọn tôi hớn hở vô cùng, chạy lăng xăng rối rít làm như mình là nhân vật quan trọng. Dù gì cũng học lớp nhất, đàn anh mà. Thầy Hiệu trưởng nói hôm nay có cả ông Quận Trưởng và mấy nhân vật cao cấp trên quận xuống dự. Chúng tôi càng thấy buổi lễ quan trọng thêm nhiều.
Hôm đó, sau màn hợp ca chúng tôi vội vã chạy từ sân khấu xuống phòng học lớp ba để sửa soạn vở kịch. Mặc quần áo đời xưa vào, vẽ râu ria trông đứa nào cũng lạ hẳn ra. Quân ta vẽ râu vểnh lên, quân Tàu vẽ râu quặt xuống, hèn nhát. Tôi soi gương và nhìn thấy mình, tức cười quá. Giống như thằng hề múa rối.
Vở kịch bắt đầu bên ngoài. Anh Thanh làm vua thật hách. Râu dài, mặc áo vàng chói ở triều đình, giọng nói sang sảng. Lát sau là cảnh di quân của quân ta. Tụi nó hai đứa khiêng võng, một đứa nằm trong võng, bên trên lủng lẳng bánh tét, bánh chưng. Lần lượt diễn hành qua. Sân khấu ồn ào tiếng nhạc hùng. Tôi hơi run.
Đến khi quân ta tràn vào thành, bọn Tàu phù chúng tôi xuất hiện. Hai bên đánh nhau, la hét như chợ. Tiếng gươm gỗ chạm vào nhau, tiếng chân nện thình thịch xuống sân khấu. Hai phe đứng hai bên cánh gà lần lượt ra. Nhưng tại bọn ra đầu không ăn khớp, thành ra đánh nhau loạn xà ngầu. Bọn chúng tôi hung hăng tràn nhau ra sân khấu. Thằng Muôn ra nãy giờ đang đánh với thằng Sao.
Tôi chạy ra giữa tiếng reo hò tở mở. Tôi rút gươm sáng chói ra. Chẳng biết lúng túng thế nào, miếng nhôm ở quần để xỏ gươm, bỗng theo tay gươm văng ra. Tôi hoảng hốt nhìn, tay thu lại nhưng không kịp. Miếng nhôm quái ác đó rơi xuống hàng ghế danh dự, trúng ngay trán ông ngồi cạnh Quận trưởng. Tôi há hốc mồm ra nhìn, mọi người đều nhìn. May mắn ông đó chỉ bị trầy sơ sơ, lúc đó thằng Nhân đâm vào bụng tôi. Sực tỉnh, tôi phản công lại mạnh mẽ. Thằng Nhân yếu hơn, chạy vòng quanh rồi lùi vào. Đáng lẽ tôi phải chết, nhưng tôi lại hăm hở đấu với tên khác. Chợt nghe loáng thoáng tiếng nói bên cánh gà. Đầu hàng đi chứ, Nghiêm. Giả bộ chết, chạy vô trong đi. Khi đó tôi mới sực nhớ số phận Tàu phù của mình.
Thằng Tâm đâm vào ngực tôi, tôi té xuống quăng gươm và bò vào trong. Xui xẻo làm sao, thanh gươm lại rơi xuống phía khán giả. Lần này rơi trúng một vị phụ huynh. Ông ta giật mình, sau đó cầm gươm cười cười.
Thầy Lộc cú đầu tôi đau điếng. Quả là cái gươm báo hại. May là ai cũng hỉ hả, cũng vui vẻ với chúng tôi nên họ chỉ cười ồ khi gươm rơi xuống. Không khí hào hứng, làm cho ai nấy đều vui.
Khi ra lãnh thưởng, tức cười quá. Chính ông phó Quận bị miếng nhôm văng trúng trán, là người trao phần thưởng cho tôi. Tôi đỏ mặt lẫn run sợ, lí nhí cám ơn. Hình như ông biết tôi, ông xoa đầu tôi tươi cười.
Hú hồn! Tôi mặc bộ quần áo quân Tàu, nón đen, chạy về nhà tôi gần đó cất phần thưởng. Má tôi cười vui sướng, cho tôi tiền mua xá xị uống.
Trở lại, tôi đi giữa đám khán giả. Họ xầm xì, chỉ trỏ. Tôi thấy mấy chuỗi giấy màu phất phơ, như niềm vui đang nở trong lòng.
TRẦN HỮU NGHIÊM
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 66, ra ngày 26-11-1972)