Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2024

Cuộc Diễn Binh Âm Thầm

Đấy là một đoàn quân áo đen. Họ đen không chỉ ở bộ áo quần mà cả ở mặt mũi tay chân nữa. Nghĩa là họ đen từ đầu cho tới cuối, từ đôi mắt đen long lanh cho tới đôi giày xi đen bóng. Đôi cánh tay - ồ, mà nếu được gọi nó là đôi cánh tay nhỉ? Thôi... thì ta cứ tạm cho là vậy đi - rắn chắc mang một đôi găng cũng màu đen nốt. Ở người họ rặt một mầu đen, đen tuyền. Họ đi âm thầm nối đuôi nhau cả hàng hàng lớp lớp người không sao đếm xuể. Chao ôi, họ không đi về cùng một phía mà họ còn xuôi ngược nữa. Này nhé, yên nghe em kể: em vừa trông thấy hai người trong bọn họ dừng lại chuyện trò với nhau vui vẻ lắm. Tiếc có mỗi một điều là em không nghe được họ nói với nhau những gì để kể lại cho bạn bè trong cánh đồng cỏ non đang chăm chú nghe! Mà thôi... mình cũng không nên nghe chuyện của người khác làm gì nhỉ, bạn nhỉ? Tò mò là thói xấu mà. Bạn có đồng ý với em không nào?

Thế nào? Bây giờ các bạn có vui lòng xích lại gần nhau, nhường cho em một chỗ ngồi be bé, được không hở bạn bè em trong gia đình Tuổi Hoa trên quê hương yêu dấu của chúng ta? Nhường cho em một chỗ ngồi, cho em nhập bọn với!

Em từ xa mới đến đây. Để rồi em kể bạn nghe cuộc hành trình của em từ miền Trung nghèo khó đất cày lên sỏi đá. Nhưng đấy là chuyện để... hạ hồi phân giải, bây giờ thì em tiếp tục câu chuyện "Cuộc diễn binh âm thầm" đã nhé! Ấy, gọi thế cho có vẻ to tát chứ thực sự thì những người này họ làm việc âm thầm lắm! Mà họ cũng nhỏ bé như tiếng nói nhỏ bé của họ vậy đó! Thì em đã chẳng kể với các bạn là em không thể nào nghe thấy tiếng nói của họ mà.

Đoàn quân chuyển mình dưới ánh nắng vàng nhạt, họ đi trên một bức tường cũng mầu vàng nhạt nốt, ấy! Đố các bạn đoán coi họ là ai mà "thiện nghệ" đến mức đó vậy? Những thân hình nhỏ bé vội vã băng trên bức tường thành thẳng đứng. Chắc là đôi chân của họ có "hấp khẩu" (nghe có lạ không nhỉ? Em nghe các anh lớn của em học bài vạn vật, hay ê a những đoạn như vầy: "Chân và bụng thằn lằn có hấp khẩu nên thằn lằn bò trên tường được". Vậy thì... trí tưởng tượng của em nó nghĩ ra những điều em đã viết trên kia đấy). Em tò mò nhìn ngắm, quan sát từng bước chân của họ. Gớm khiếp, làm cái gì mà ùn ùn kéo nhau đi đâu đông dữ vậy? Chắc... các người đi di cư há? Ừ mà có lẽ đúng đấy, mỗi lần họ kéo nhau làm một cuộc "diễn binh âm thầm" là bà nội em chép miệng thở than: "Ấy, sắp có mưa lớn rồi đó! Cái giống ấy mà bồng bế nhau lên cao thì thế nào cũng có lụt lội". Ấy... bây giờ thì đến rặt một bọn người khuân vác". Em gọi thế là vì em thấy họ ôm một gói gì trăng trắng, chắc lại là những bao gạo, những bao bột mì, lạ một điều là khiêng đồ vật cồng kềnh thế kia mà những bước chân của họ vẫn thoăn thoắt. Thỉnh thoảng lại... "cốp", ấy, lại đụng nhau rồi, họ phân trần với nhau - có lẽ thế - tí xíu rồi vui vẻ tiếp tục công việc của riêng mình. Họ từ đâu tới, và họ đi về đâu, ôi chao làm sao em biết được. Có điều là em biết họ ở rất gần em và đến một nơi cũng chẳng thể gọi là xa nơi em cư ngụ được.
 
 
Trong một loáng, chừng mươi phút, em lơ đãng nhìn con mèo Mi-nu vờn quả bóng mầu sặc sỡ thì em nghe bé Thúy, em gái út của em, kêu lên: "Ủa, mấy con "kín" đen của em nó bỏ đi đâu hết rồi hả anh Phúc?" Rồi con nhỏ làm lộ hết "bí mật quân sự" của em rồi, định giấu các bạn đến phút cuối mà nhỏ Thúy phá hỏng "kế hoạch" của người ta mất (?). Em giận quá, nhíu mày lại gặng hỏi bé Thúy: "Sao bé dám gọi "đoàn quân áo đen" của anh là "mấy con kín" hở? Xời ơi, nhớn thế rồi mà còn nói ngọng kìa! Quê thấy mồ! Còn "đoàn quân áo đen" hở? Nó diễn binh xong thì nó đi về nhà nó chứ đi đâu mà cũng hỏi".

Nhỏ Thúy ngơ ngác, đôi mắt to đen của nó tròn xoe lên, con bé giật giật lấy tay em: "Hở  anh? Mấy con "kín" của em đâu rồi? "Nó" nào đi về nhà hở anh? Nói em nghe mấy!"

Ấy, lại cũng là con "kín". Người ta là "kiến" hẳn hoi cơ mà? Phải chi em là thầy giáo của bé Thúy, mà bây giờ là giờ tập đọc thì em sẽ cho nó hai cái hột gà về tội sửa tên người khác, dù "người" đó là những... con kiến đen hiền lành thường hay âm thầm diễn binh qua những bức tường vôi vàng nhạt của nhà em.


PHÚC BỬU      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 125, ra ngày 15-3-1970)


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>