Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Người Nữ Kiệt

 

Ánh hoàng hôn dần tắt chỉ còn le lói một màu đỏ ửng sau rặng đồi. Cả thôn trang chìm trong yên lặng. Nhà nhà đóng cửa kín mít. Cảnh giã gạo vui chơi dưới trăng đã mất hẳn từ khi quân Minh dựa vào cớ "Phù Trần Diệt Hồ" để rồi nhân dịp đó đặt nền đô hộ trên giang sơn đất Việt. Chúng vung tiền ra mua chuộc bọn tham quan và bọn này dựa vào thế lực ngoại bang lại càng lộng quyền: Cướp phá giết oan người vô tội...

Không thể nhịn nhục được, từng đoàn người đã đứng lên khởi nghĩa. Họ hoạt động âm thầm và bí mật, ước mong có ngày diệt được bọn cướp nước tham tàn.

Sương chiều phủ lạnh. Từ cuối chân trời bỗng hiện ra hai bóng kỵ mã, một trẻ một già. Đôi tuấn mã song song cất bước. Người trẻ là một thanh niên nhỏ nhắn, tóc búi cao. Đôi mày vòng nguyệt hiện rõ ra trên đôi mắt đen huyền điểm hai làn mi cong vút, thêm vào đó, sống mũi dọc dừa, đôi môi đỏ tợ son đã làm cho thanh niên có vóc dáng một thiếu nữ. Tuy nhiên cặp mắt huyền của chàng sẽ quắc sáng lên đối với kẻ nào dám diễu cợt.

Đến bìa rừng, thanh niên khẽ hú lên vài tiếng. Người đi cạnh chàng khẽ hỏi:

- Chẳng hay công tử quyết định thế nào về câu chuyện hồi chiều trong quán dịch?

Thanh niên không đáp, chỉ bồn chồn cố giương mắt nhìn trong bóng đêm và chắc lưỡi:

- Ta nóng lòng quá. Nếu trễ ắt sẽ hiểm nguy.

Lời chàng vừa dứt thì một đốm sáng nhỏ đã di chuyển đến gần. Một tên quân cầm đèn khẽ cung kính thưa:

- Xin Công tử theo tôi.

Thanh niên và lão già xuống ngựa lặng lẽ theo sau tên quân. Qua lùm cây rậm rạp và u tối, họ đến trước một ngôi nhà nhỏ khuất trong rừng sâu.

Tên quân khẽ nói:

- Xin Công tử vào. Tướng công đang nóng lòng đợi.

Thanh niên xô cửa bước vào. Bên trong ngồi chính giữa là một vị võ quan râu tóc đã hai màu nhưng vẻ hào khí hiện rõ trên nét mặt. Hai bên là những vị tướng lãnh oai nghi và chăm chú nghe những lời bàn của lão quan.
 
Thanh niên cung kính thưa:
 
- Con là Trần Anh Thư xin phủ phục trước cha và kính chào liệt vị...
 
Vị lão quan cười khà:
 
- Giỏi lắm, ta có lời khen con gái cưng ta đó.
 
Chàng thanh niên đỏ mặt. Trần lão nói tiếp: 

- Kế hoạch của cha thế nào? Con hãy trình bày cho cha tỏ.

- Thưa cha thành công cả. Quân ta đã làm cho bọn phản quốc Phan Huy vỡ mật. Nhưng... thưa cha, hồi chiều nầy con có nghe trộm được của hai tên quân Tàu nơi quán dịch. Theo chúng thì quân Minh đã khám phá ra nơi ẩn náu bí mật của ta và sẽ đốt phá rừng nầy nội trong đêm nay. Con vội phi ngựa về đây và mong cha quyết định.

Vị lão quan có vẻ trầm ngâm. Lão đưa mắt quan sát thủ hạ của mình. Nét bối rối hiện rõ trên mặt Trần Như, một vị tướng hữu công, nhưng hắn đã vội đứng lên:

- Thưa chủ tướng, theo ngu ý thì ta hãy ở lại đây cho chúng một bài học cùng phát huy uy danh của đảng.

Lê Khang, có vẻ trầm tĩnh:

- Theo tôi thì ta nên tránh đi tìm cơ sở khác vì "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Chẳng hay liệt vị có đồng ý không?

Trần Như tức giận:

- Là vị tướng tài như ông, tại sao lại phải sợ chúng, ta cứ ở lại thử sức với chúng xem sao.

- Nhưng bên ta lực lượng còn yếu. Vả lại...

Trần lão can ngăn:

- Ta đã quyết định, phải lập tức rời khỏi nơi đây. Ta sẽ gặp nhau tại đồi phía đông thành phố. Hãy lên đường, Anh Thư theo cha...

Trần Như tức tối đứng lên ném một cái nhìn thù hằn về phía Lê Khang.

Đoàn người vừa ra khỏi rừng ít lâu thì ngọn lửa đã bắt đầu bốc lên. Tiếng cây khô gẫy răng rắc. Thú rừng chạy tán loạn trước tiếng cười thỏa mãn của quân Minh.

Dân chúng quanh rừng ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra...

*

Người ta không hiểu hai cha con họ từ đâu đến nhưng chỉ biết rằng từ khi có chiếc quán này thì phong cảnh nơi đây đã khác hẳn. Khách tới lui tấp nập, phần đông là bọn lính Tàu.

Người chủ quán là một ông già quắc thước, điềm đạm và hiền hậu. Người con lão nghe đâu tên là Thị Tần, đảm nhận công việc thu tiền cho quán. Nàng đúng là một trang tuyệt sắc giai nhân. Chiếc khăn mỏ quạ làm tôn thêm nước da trắng mịn của nàng làm các anh lính Tàu mê mệt. Quán nàng đóng cửa rất sớm. Khi vầng dương đã khuất hẳn sau dãy núi xa thì cha con lão đã dọn dẹp xong xuôi. Rồi lão cùng người con gái ra đi. Người ta không biết họ đi đâu nhưng đoán rằng họ đi mua sắm gì đó. Vì mê sắc đẹp của Thị Tần và cũng muốn mua chuộc lòng lão chủ quán nên bọn quân Minh để yên cho họ ra đi mà không xét hỏi.

Hôm nay, như thường lệ, tửu quán vẫn đông nghẹt thực khách. Tiếng cười nói vang lên cùng tiếng khua của ly chén. Một người khách vừa xuất hiện nơi của. Đó là một tráng sĩ, lưng đeo trường kiếm, đôi mắt đảo quanh tìm chỗ ngồi. Chàng tiến đến chiếc bàn nơi góc quán. Sau khi gọi tửu bảo lấy rượu, chàng dúi một quan tiền vào tay hắn:

- Ta thưởng công ngươi.

Tên tửu bảo cười híp mắt rồi lụp xụp vào trong. Như hiểu ý, Thị Tần bỏ quầy hàng lui gót. Nàng hỏi tên tửu bảo:

- Có việc gì thế?

- Thưa tiểu thư, anh em Lê Phong, Phan Nhị bị bắt cả rồi, bọn quân Tàu sắp đến quán ta.

- Ta phải vào báo cho cha ta mới được.

- Còn con thì ra dọn cửa hàng phải không tiểu thư?

- Ừ, ngươi cứ ra đi.

Vừa đi, Anh Thư vừa lẩm bẩm:

- Có lẽ nào?

Không mấy chốc đã đến phòng Trần lão, vì chính ông chủ quán là Trần lão còn thiếu nữ chính là Anh Thư. Nghe Anh Thư thưa trình, Trần lão khẽ cau mày:

- Chắc hẳn trong hàng ngũ ta có kẻ bội phản.

- Thưa cha đúng như vậy, và con nghi là... Trần Như tướng quân.

- Có lẽ nào?

- Vừa rồi... con có để ý đến một gã lái buôn ngồi trong góc quán. Gã có gương mặt giống Trần Như và cứ nhìn con chầm chập.

Trần lão chưa kịp nói gì thì có tiếng gõ cửa.

- Ai đấy?

- Lê Khang!

- Cứ vào.

Nơi cửa hiện ra một thanh niên. Đó là người đã cho tên tửu bảo quan tiền và khôn khéo kẹp vào đấy lá thư. Trần lão lên tiếng:

- Việc ta giao cho tướng quân thế nào?

- Thưa chủ tướng thành công cả. Đức Bình Định Vương Lê Lợi tỏ vẻ sung sướng lắm. Ngài còn nói: nếu được chủ tướng về phục vụ dưới cờ, ắt là quân Minh sẽ đại bại.

Trần lão vuốt râu, cười khà:

- Thật là vinh hạnh cho ta. Ngài có dặn điều chi không?

- Thưa, ngài hứa sẽ cho sứ giả đến thăm chủ tướng cùng bàn về vấn đề ấy ngày mai.

- Được, tốt lắm.

Có tiếng gõ cửa gấp rút và tiếng tên tửu bảo:

- Thưa lão gia... nguy rồi! Quân Minh đang tiến đến đây. Chúng chỉ còn cách một dặm đường mà thôi.

Trần lão khẽ cau mày:

- Hừ, lại bọn giặc cỏ. Thôi tướng quân và con hãy tẩu thoát. Cha ở lại cản chúng rồi sẽ theo sau.

Anh Thư ngần ngừ:

- Nhưng...

- Con phải xem đó là thượng lệnh. Hãy đi ngay vì thì giờ cấp bách lắm rồi.

Đợi cho bóng hai người đã khuất dạng, Trần lão lẩm bẩm:

- Tội nghiệp con gái ta chưa được hưởng một phút vui sướng nào trong tuổi hoa niên. Nhưng quê hương đã gọi biết làm thế nào hơn.

Như sực tỉnh, Trần lão vội vã gom góp đồ đạc. Nhưng không còn kịp nữa vì có tiếng quân Tàu đập cửa.

- Chủ quán, mở cửa.

Biết đã muộn, Trần lão lui vào góc phòng tuốt gươm thủ thế.

Trông lão lúc ấy như một vị võ tướng sắp lâm trận.

- Mở cửa...

- Tên súc sanh và con tiện tỳ đã trốn thoát rồi. Hãy lục soát thật kỹ.

Trần lão bừng giận:

- Tên phản quốc. Thế mà từ lâu ta đã lầm mi ; ta đã nuôi ong tay áo.

Trần Như cười ha hả:

- Ha... ha... ha nhờ thế mà ta mới có cân đai, áo mão. Theo nhà ngươi để rồi chết trong rừng già ư? Ngươi nên biết rằng từ lâu ta đã thù hận ngươi, oán ghét ngươi nên mới bí mật đầu hàng Minh triều. Lần trước nhờ có Lê Khang mà ngươi thoát chết thì lần nầy nhờ ta ngươi cũng sẽ an toàn nếu ngươi thuận chỉ cho ta sào huyệt của ngươi...

- Quân vô loại. Hãy đỡ lưỡi kiếm của ta.

Trần lão hươi gươm. Trần Như khẽ phất tay. Bọn lính Tàu đã sẵn sàng. Nhưng thanh gươm của Trần lão tung hoành như chỗ không người khiến chúng núng thế. Hào khí bốc đầy lên mặt, lão hăng say giết từng tên giặc. Nhưng "mãnh hổ nan địch quần hồ"... Sau một hồi giao chiến vì sức già suy yếu, Trần lão ngã gục máu nhuộm đỏ cả người. Bọn lính Tàu ập vào đánh đập túi bụi trả thù cho các đồng đội. Trần Như mỉa mai:

- Lão già ngu xuẩn, hãy ở đó mà chờ tử thần đến rước. Ta đi đây.

Chiếc quán bị đốt cháy. Lửa đỏ bùng lên, ngập sáng một góc trời...

*

Đêm đã về khuya. Ánh trăng thượng tuần nhợt nhạt chiếu trên nền trời không sao. Hai bóng đen âm thầm tiến bước. Bóng thứ nhất khẽ cất tiếng:

- Không hiểu cha tôi ra sao, tôi lo quá tướng quân ạ.

Bóng thứ hai không đáp. Họ đã đến quán dịch. Quang cảnh điêu tàn hiện ra.

- Trời ơi! Chúng đã đốt quán.

Hai bóng đen sờ soạng trong đêm. Nhờ ánh trăng nhợt nhạt, họ đã tìm ra xác của Trần lão, toàn thân bị cháy nám. Anh Thư khóc òa:

- Cha ơi!

Lặng người đi trong niềm xúc động, Anh Thư chỉ kêu lên được hai tiếng "Cha ơi". Lê Khang để yên cho nàng khóc. Chàng đang suy nghĩ miên man về những ngày sắp tới. Có tiếng Anh Thư:

- Tướng quân hãy phụ với tôi một tay. Tôi sẽ để cha tôi nằm yên trong lòng đất mẹ. Xin Tổ quốc hãy minh chứng cho lòng của Anh Thư. Tôi sẽ trả thù cho cha tôi. Tôi sẽ phanh thây thằng Trần Như phản bội.

Đôi mắt nàng long lên sáng quắc. Lê Khang khẽ nói:

- Nếu hồn lão tướng có linh thiêng xin phù hộ cho non sông mau được thái bình. Ta đi thôi, tiểu thư...

*

Nhìn những thoi vàng đỏ chói, Trần Như sung sướng cười vang. Hắn vừa được Minh triều thưởng một xe vàng bạc vì đã có công giết Trần lão, tức là nhổ một cái đinh trước mắt cho nhà Minh.

Bỗng... một tên quân bước vào:

- Thưa ngài, có một thường dân đòi vào diện kiến, hắn nói có việc cần kíp lắm.

- Dẫn hắn vào cho ta.

Trần Như dịu giọng:

- Có việc gì mà ngươi tìm ta?

Người dân quê vừa vào lập bập, run rẩy:

- Thưa... ngài... Con có... thấy Trần... Anh Thư và Lê... Khang.

Đôi mắt Trần Như sáng lên:

- Ngươi nói thiệt chớ?

- Dạ... con đâu dám... dối... ngài làm chi... Hiện giờ họ đang đi về phía rừng tây. Người con gái có... đôi mắt đẹp và người con trai... dáng điệu uy nghi.

Trần Như đứng lên:

- Được, ta tạm tin lời ngươi. Nhưng, muốn được dễ dàng, ngươi phải dẫn đường cho ta. Nếu quả lời ngươi nói đúng ngươi sẽ được thưởng.

- Dạ, con xin hết lòng với ngài.

Lát sau, Trần Như cùng 20 tên quân lên đường. Theo sau tên hướng dẫn, họ tiến vào rừng. Trần Như có vẻ sốt ruột:

- Đã đến chưa, sao lâu thế?

- Dạ... chỉ một đoạn đường nữa thôi... Đại quan đừng nóng giận...

Đến một khúc quanh um tùm, người nọ thúc ngựa chạy nhanh rồi mất dạng. Biết là có biến, Trần Như hô to:

- Hãy giữ vững hàng ngũ.

Nhưng không kịp nữa, từng loạt mưa đá, mưa tên bắn xuống. Tiếp theo là lệnh truyền trong trẻo của một thiếu nữ vang lên:

- Anh em ráng bắt cho được tên Trần Như phản quốc.

Anh Thư xuất hiện, gọn gàng trong bộ võ phục. Hai mươi tên giặc đã nằm sóng sượt trên đất, rên siết, quằn quại.

Trần Như trúng tên nơi tay, hắn còn đang loay hoay thì đã bị nghĩa quân trói gô lại. Người dân quê lúc nãy xuất hiện, cười khà:

- Kính chào Trần Như tướng quân.

Anh Thư cười mãn nguyện:

- Xin khen tài khôn khéo của tướng quân. Thôi ta về sơn trại kẻo muộn.

Một vài tên quân thừa lúc hỗn loạn trở về báo tin. Bọn lính Tàu đến nơi. Chúng chỉ thấy rừng cây um tùm và số người đang nằm rên siết giữa rừng già im lặng.

*

Đợi cho các tướng hiện diện đông đủ, Anh Thư lên tiếng:

- Dẫn tên Trần Như vào.

Một lát sau, 2 tên quân đã điệu tội nhân đến: Gương mặt Trần Như có vẻ xanh xao sau một đêm mất ngủ. Hắn cúi đầu. Anh Thư gằn giọng:

- Tên phản bội đê hèn!... Mi có điều gì muốn nói nữa chăng?

Trần Như ngước đầu, cố làm ra vẻ hào hùng:

- Đừng nói nhiều lời, giết ta đi!

Mắt Anh Thư long lên. Nàng quăng cho hắn thanh gươm:

- Hãy giữ lấy để so kiếm cùng ta.

Các lão tướng lo ngại. Một vị đứng lên:

- Giết một tên phản quốc cần gì phải nhọc sức tiểu thư. Tôi xin thay thế tiểu thư làm việc ấy.

Anh Thư mỉm cười:

- Xin cảm tạ tướng quân. Nhưng tôi muốn chính tay tôi thanh toán hắn để trả thù cha. Tướng quân đừng lo ngại.

Nàng hất mặt về phía Trần Như:

- Nào sẵn sàng đi, ta nhường mi một đường gươm đấy.

Chẳng nói chẳng rằng, Trần Như chém nhầu. Anh Thư hươi mạnh lưỡi gươm. Lòng thù hận, ý trả thù đã khiến đường gươm của nàng biến ảo khôn lường. Trần Như cũng không kém. Hai kỳ phùng địch thủ gặp nhau bên tám lạng bên nửa cân khiến cuộc so kiếm ngoạn mục vô cùng. Bên ngoài các tướng lãnh cùng quân sĩ đều hồi hộp theo dõi. Tay họ để nơi chuôi gươm. Họ sẽ sẵn sáng tiếp cứu nếu Anh Thư bị hạ. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Ai cũng muốn giành phần thắng về mình. Đường kiếm của Anh Thư bỗng nhiên biến đổi. Ánh thép sáng ngời tỏa rộng như ánh bạc. Mắt Trần Như hoa lên. Hắn không còn thấy gì nữa:

- ... Á...

Tiếng kêu thê thảm vang lên. Đầu Trần Như lăn lông lốc trên cỏ. Quân sĩ reo hò vang dội. Anh Thư thản nhiên tra kiếm vào vỏ.

Sáng hôm sau, đầu Trần Như được treo giữa chợ. Bọn quân Minh thêm một lần táng đởm kinh hồn trước tinh thần bất khuất của các chiến sĩ giòng Lạc Việt.

*

Đêm đã khuya lắm rồi. Con trăng 16 giãi ánh vàng xuống khắp vùng đồi núi. Một đoàn người ngựa âm thầm đi trong bóng đêm. Tất cả đều im lặng. Chỉ có tiếng vó câu gõ đều trên mặt đất tạo thành một âm thanh buồn bã trong đêm khuya. Họ băng rừng, vượt suối lặng lẽ tiến bước.

Họ đã đến nơi dự định. Lúc đó trời đã gần sáng. Đi đầu đoàn người là hai thanh niên trẻ. Họ dừng lại nghe ngóng. Trước mặt họ là một thành trì kiên cố. Họ còn đang ngờ vực thì cánh cửa đã bật mở. Đoàn người tiến vào.

Giữa sân Bình định vương đứng trên một bục cao. Ngài mặc nhung bào, lưng đeo trường kiếm, nét mặt nghiêm nghị hơi cau lại khi nhìn thấy 2 thanh niên đi đầu. Ngài đang mong đợi một người...

Hai chàng thanh niên đã qua mặt đoàn quân thiện chiến của Bình định vương. Họ đã xuống ngựa. Tuy còn lo nghĩ nhưng Đức Bình định vương vẫn vui vẻ tiếp đón. Một trong hai chàng giới thiệu:

- Tiện nữ hân hạnh được gặp ngài. Và đây là Lê Khang...

Bình định vương sửng sốt. Ngài không ngờ Anh Thư cải trang khéo đến thế. Thế mà ngài cứ ngỡ... Như đoán trước ý nghĩ của ngài, Anh Thư khẽ đáp:

- Xin ngài tha lỗi, tiện nữ phải cải nam trang để tiện đi đường.

Bình định vương vui vẻ:

- Ồ, không có gì, ta thành thật khen ngợi tài cải dạng của cô nương.

Đợi cho mọi người đều an tọa ngài tiếp:

- Ta rất đau buồn khi hay tin Trần lão đã đền nợ nước. Từ lâu ta vẫn ái mộ ngài và mong có ngày tương ngộ. Ta căm giận quân Minh đã nhẫn tâm cướp mất của ta người bạn quí...

Anh Thư cúi đầu. Nàng có vẻ cảm xúc lắm. Bình định vương tiếp:

- Nay, ta đã được cô nương về trợ lực, chắc chắn có ngày bọn chúng sẽ đền tội. Tình đoàn kết của quân dân ta sẽ chiến thắng tất cả. Từ lâu ta đã nghe tiếng cô nương nay mới hân hạnh được gặp mặt.

Anh Thư khiêm tốn thưa:

- Tiện nữ chỉ mong đem chút sức mọn để cứu nước. Xin ngài đừng quá trang trọng khiến tiện nữ ái ngại.

Sau hôm ấy, Anh Thư và các bạn của nàng đã chính thức chiến đấu dưới cờ Bình Định Vương.

10 năm trôi qua... 10 năm gian khổ. Đức Bình Định Vương đã chiến thắng quân Minh. Ngài lên ngôi và phong thưởng cho công thần. Những người mà ngài định phong chức đầu tiên là Nguyễn Trãi, Anh Thư và Lê Khang.

Nhưng... nếu Nguyễn Trãi và Anh Thư chiến đấu dưới cờ Ngài với cùng một mục đích là trả thù cha, đền nợ nước... thì khi vinh hiển, hoàn cảnh 2 người khác biệt nhau. Nguyễn Trãi được phong nhất phẩm công thần còn Anh Thư... đã lặng lẽ ra đi.

Số là trong buổi lễ phong chức công thần, Bình định vương thấy thiếu mặt nàng. Ngài còn đang phân vân thì một tên quân đã vào đệ một bức thư... Không biết trong thư nói gì nhưng khi đọc xong, nét mặt Vương trầm lặng. Thì ra, đó là bức thư từ biệt của Anh Thư. Trong thư nàng viết:

"Đất nước đã được độc lập. Tiện nữ rất lấy làm sung sướng. Sung sướng vì trời không phụ dân tộc ta. Sung sướng vì tiện nữ đã làm tròn lời trăn trối của cha già và đã trả xong nợ nước. Nhưng còn chữ hiếu chưa tròn, tiện nữ đã bỏ mồ cha hoang lạnh, không hương khói. Giờ đây tiện nữ phải ra đi. Đi để làm tròn hiếu đạo. Tấm thân côi cút nầy không biết sẽ ra sao. Ngài đừng tìm kiếm làm chi. Tiện nữ là cánh chim trời bay mãi..."

Tuy vậy, Đức Bình định vương vẫn cho người tìm kiếm. Nhưng vô ích, bóng nàng vẫn bặt tăm. Nàng đã ra đi, đi mãi để lại mối thương tiếc trong lòng Vương đối với người con gái khả ái mà kiêu hùng ấy...


LỆ KIỀU TRANG     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 64, ra ngày 1-3-1967)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>