Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Ảo Ảnh Một Nhà Sư


Trong một tiểu quán gần thành phố Nagoya có một nhà sư đang ngồi lẩm bẩm cầu kinh.  

- “Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật! Đức Phật thiêng liêng! Đệ tử xin dâng lên Người lời tôn kính!”

Đó là một nhà sư đi quyên giáo, nhưng lúc ấy chưa có ai để ý đến sự hiện diện của nhà tu hành này.

Nhà sư vóc người nhỏ bé, đầu trọc, khuôn mặt vàng võ, gầy gò nhưng vui tươi, thể hiện đầy vẻ từ bi bác ái.

Cũng trong tửu quán, lúc đó có một võ sĩ thất nghiệp, chàng ta đi lang thang khắp nước để kiếm việc làm. Đời chàng ví như một lãng tử giang hồ, phiêu bạt, không có định hướng nơi đâu. Chàng võ sĩ này tuổi độ tứ tuần, dáng người to lớn, khuôn mặt xương xương, nước da đem sạm và nhăn nheo, tính tình thì khô khan và nóng nẩy; chứng tỏ vì sự nghèo nàn và cuộc sống khổ sở hằng ngày vật lộn mà sinh ra.

Chàng ta đến quán này để nghỉ chân và ăn uống. Vì chờ lâu sốt ruột, chàng vỗ tay gọi hầu bàn. Anh bếp ở nhà dưới trả lời vọng lên, rồi vội vã lấy thức ăn mang lên, nhưng hắn lại đứng ngần ngừ ở cửa, vì không biết nên mang món ăn đến bàn người nào trước.

Nhà sư mau miệng nói:

- Hãy mang cho nhà chiến sĩ đã, vì ông ấy đến trước tôi, và có lẽ có việc cần hơn tôi.

Chàng võ sĩ vội lễ phép nói:

- Không, hãy mang cho vị tu sĩ trước. Người là ông Thánh sống đáng được tôn trọng hơn kẻ võ sĩ giang hồ này.

Cả hai cùng nhún nhường, rồi cùng đứng dậy chào nhau một cách rất cung kính.

Hai người vừa ăn cơm với măng tre, vừa nói chuyện với nhau rất là thân mật, vui vẻ. Chàng võ sĩ cho nhà sư biết tên mình là Tajima Shume. Họ đã cho nhau biết là cả hai cùng đi Kyoto theo đường Tokaido, con đường rất đẹp, trên bờ biển phía đông. Tuy mỗi người ở một nơi đến, lại trở thành đôi bạn đồng hành trên con đường thiên lý, nên họ cùng nhau kết bạn cho khỏi đơn độc trên đường trường.

Họ không phải bận rộn về hành lý. Chàng võ sĩ chỉ có vài bộ y phục với đôi kiếm. Nhà sư thì chỉ có một khăn gói đeo trên vai, trong đựng mấy bộ quần áo cũ và một cái khăn tay nhỏ buộc túm bốn góc.

Họ vui vẻ bàn luận với nhau về những cảm hứng ở dọc đường.

Đức độ của nhà sư đã giúp cho ông ta dễ dàng thưởng thức cảnh vật ở hai bên đường. Ông ta đã tự quên mình để cảm hóa với vạn vật.

Về phần Tajima Shume, vì có một kinh nghiệm riêng, hiểu rộng về trường đời; nên những câu chuyện của chàng có một giá trị về khía cạnh khác.

Mỗi người đều lấy làm may mắn vì đã gặp một bạn đường đáng mến.



Hai hôm sau khi hai người quen nhau, Tajima Shume bắt đầu kể cho nhà sư biết dĩ vãng của chàng, những cá tính của các sứ quân mà chàng đã theo giúp, những thành tích chiến đấu của chính chàng hay của các bạn đồng đội trong những cuộc tranh chiến.

Nhà sư không bình phẩm gì về những câu chuyện chiến thắng hay chiến bại, luôn cả những chuyện sát nhân trong khi anh ta tận tụy hy sinh để phục vụ cho chúa. Ông biết rằng: theo thuyết nhà Phật ông không có quyền sát sinh hoặc làm đau khổ bất cứ một giống gì. Nhưng ông không có quyền đòi hỏi thuyết ấy ở mọi người. Mỗi người đều theo một định mệnh nên họ có quyền làm theo sở thích riêng. Sau khi chết, mỗi người đều tái sinh làm kiếp người hay súc vật. Mỗi người phải sống nhiều kiếp luân hồi. Nhưng tất cả sẽ cải thiện dần cho lên đến cõi Nát Bàn, nơi đó con người đã biến hết mọi tính ích kỷ. Tất cả mọi người, sinh vật một ngày kia sẽ hoàn toàn như Phật. Cho đến cả những vật vô tri, những hạt bụi, hạt cát cũng có ngày có thể trở thành Phật…

Biết vậy, nên nhà sư cứ chốc chốc lại niệm câu kinh “Nam mô a di đà Phật”! Đôi khi nhà sư cũng giãi bày một vài tư tưởng của ông, một vài lời khuyên răn của đạo Phật và kể cho Tajima Shume nghe vài ba câu chuyện của nhà Phật. Thí dụ: Chuyện một hoàng tử Ấn Độ bị một bà hoàng hậu dâm ô, gian ác, một hôm dùng quyền lực khoét mắt hoàng tử, vậy mà ông hoàng này vẫn tha thứ, không tỏ chút oán hận con người tàn ác. Bởi vì Phật đã dạy: “Nếu hận thù trả bằng hận thù, thì không biết bao giờ cho hết”.

Mấy ngày qua, kể từ khi hai người gặp nhau. Đôi bạn đồng hành trở nên thân thiết hơn. Nhà sư thấy không cần giữ kín nữa, ông bình thản và thân mật nói với Tajima Shume rằng:

- Ông thử đoán xem, cái gói này đựng cái gì mà không bao giờ tôi dám dời nó khỏi người?

- Tôi không biết! Chẳng hay cái đó có quý không?

- Quý lắm chứ.

- Chắc là một tràng hạt mà Thầy đã quyên được ở một ngôi chùa nào chứ gì?

- Không phải.

- Chắc là một quyển kinh có những câu kinh mà Thầy thường kể cho tôi nghe chứ gì?

- Cũng không phải.

Chàng võ sĩ định nói thêm: Đó là cái răng của Phật. Nhưng lại không dám nói đùa thế, sợ nhà sư giận, nên đành chịu.

Bấy giờ nhà sư mới nói rằng:

- Trong cái khăn tay xấu xí này có hai trăm lạng bạc.

Chàng võ sĩ phá lên cười:

- Thầy nói dóc làm gì thế! Nếu thật Thầy có số tiền lớn như vậy đã không vừa đi vừa khất thực, vừa quyên giáo ở dọc đường. Thầy có thể mặc những cái áo đẹp hơn. Và ban đêm chúng ta thay vì nghỉ chân ở những quán trọ tồi tàn nhất thì Thầy đã mời tôi ăn, ngủ tại một khách sạn sang trọng rồi.




Nhà sư càng cười ngất:

- Không, tôi không nói giỡn đâu. Tôi có mang theo hai trăm lạng bạc thật đấy. Nhưng không phải để dành cho chính tôi. Ông có muốn biết sự thật không? Bây giờ chúng ta đã trở thành đôi bạn thân rồi, tôi sẽ nói cho ông nghe mục đích của tôi: Ít ngày nữa tôi sẽ tới đền Ikegami ở Omori. Có lẽ ông cũng biết nơi danh lam ấy?

Tajima Shume gật đầu, sẽ đáp:

- Tôi có biết.

Nhà sư nói tiếp:

- Không nơi nào cảnh vật đẹp bằng nơi đó. Tiết trời êm ả. Tâm hồn tôi khi đến nơi đó thấy thư thái huyền diệu. Bỗng chốc tiếng chuông từ đền Ikegami ngân vang, báo hiệu cho các thiện nam, tín nữ làm lễ cầu kinh. Tôi cảm thấy hơn bao giờ hết, biết ơn đối với Phật. Tôi tự hứa là sẽ đem trọn đời tôi dâng cho Đức Phật. Tôi sẽ dâng Đức Phật một pho tượng bằng đồng. Bao nhiêu năm qua, tôi đi quyên gần khắp nước mong gom góp lấy một số tiền để đúc pho tượng đó. Số tiền đúc tượng hiện đã đủ. Bây giờ tôi đến Kyoto tìm một người thợ đúc để thực hiện ước vọng của tôi.

Cặp mắt đang đăm chiêu của nhà sư khi nói đến câu đó, bỗng vụt sáng lên vì sung sướng. Hình như ông tưởng tượng ngay thấy pho tượng Phật mà ông sắp thực hiện: “Đức Phật ngồi trên tòa sen, chân xếp bằng, tay phải giơ lên ngang vai, lòng bàn tay hướng ra phía trước để ban phúc cho chúng sinh. Trán cao rộng, miệng nở nụ cười tươi, càng biểu hiện ở Đức Phật vẻ dịu hiền, từ bi, bác ái”.

Nhà sư nói tiếp:

- Bây giờ ông đã hiểu tại sao tôi lại giữ cái gói này cẩn thận như thế.

Rồi nhà sư pha trò bằng một câu ngạn ngữ:

- “Người nào mang một kho vàng là mang một tai họa”.

Nhưng nhà sư lại nói thêm để tỏ sự thân mật với bạn đồng hành:

- Đi cùng với một võ sĩ hiên ngang như ông, tôi sẽ không còn lo sợ gì nữa.

Tajima Shume nghiêng mình rất lễ phép. Nhưng cử chỉ này không trả lời đúng với lòng tin cậy của nhà sư. Bỗng nhiên chàng ta có vẻ thay đổi. Chàng đi bước dài, mặt cau lại, ba vệt răn nổi trên trán. Chàng suy nghĩ miên man: “Mình đã luôn luôn hy sinh tính mạng vì chủ, mình đã trung thành hơn ai hết và cũng đã can đảm nhất trong số những chiến sĩ như mình; trong cuộc đời luân lạc của mình đã bao phen giúp đỡ kẻ yếu cũng như kẻ mạnh, rút cục không bao giờ có được số tiền bằng một phần mười số tiền mà ông sư gàn kia có để đúc một pho tượng kỳ quái. Kể đã bao lần đổi chủ, và bây giờ lại sống cảnh thất nghiệp, đang ở thời kỳ nghèo khổ nhất, đáng buồn hơn nữa, mình lại già bốn mươi tuổi rồi! (Thời ấy ở Nhật coi như bắt đầu về già).

Nghĩ vậy chàng thở dài và tự nhủ: “Ta hiện nay đang ở thời kỳ vô chủ, và cũng không chắc có tìm được một chủ mới nào đáng kính, đáng phục cho mẩu đời còn lại của ta… Số tiền mang theo của nhà sư gàn này sẽ giúp ta được một việc lớn. Nhưng ông ta không có ý định giúp mình, và nếu cái ý nghĩ đó đến ông ta cũng sẽ xua đuổi đi một cách ghê tởm. Ông ta sẽ thấy nó trái với lời nguyện, vì không bao giờ ông ta có ý định dùng một phần nhỏ số tiền đó để làm việc khác ngoài pho tượng”.

Sự ghen tức đã bắt đầu làm bận rộn trong lòng Tajima Shume.

Đôi khi, chàng cầu mong cho nhà sư đánh mất hay bỏ quên khăn gói đó, để chàng có dịp chiếm lấy và chuồn đi với số bạc quí kia.

Có lần, lòng ham muốn rất mạnh đối với chàng. Sau hết chàng nghĩ: “Cuộc đời chỉ là một chuỗi ngày phiêu lưu tốt hay xấu; người ta phải biết nắm lấy cơ hội khi nó tới và đôi khi phải tạo ra hoàn cảnh để nắm lấy cơ hội…”

Lúc đầu Tajima Shume đã định gạt bỏ những tư tưởng phạm tội đó. Nhưng sau, lòng ham muốn cứ mỗi lúc một hơn lên, trong tư tưởng của chàng luôn luôn nghĩ đến chuyện chiếm đoạt số bạc của nhà sư mà không bị trả thù cũng như không bị trừng phạt. Chàng nghĩ mãi mà chưa ra kế.

Trong khi đó, nhà sư chất phác nào có biết đâu sự thay lòng đổi dạ của chàng võ sĩ gian manh mà ông ta đã coi là người bạn đường đáng mến.

Khi hai người đến Kuana, đường đi phải qua một cửa bể bằng thuyền buồm. Người lái đò đợi chừng 30 hành khách cùng qua một chuyến mới chịu chở.

Khi lên thuyền, nhà sư bị bước hụt một cẳng, suýt ngã xuống nước. Tajima Shume chợt nghĩ ra ngay một kế để hại nhà sư. Sự ham muốn chiếm đoạt số bạc thúc đẩy quá mạnh đến nỗi chàng ta không kìm hãm nổi nữa.

Vì thuyền rộng, còn phải chờ thêm khách, nên hai người ra ngồi phía cuối thuyền, hơi xa chỗ mọi người, khăn gói có đựng gói bạc của nhà sư để ở giữa. Khi thuyền đủ khách, đã ra xa bờ, Tajima Shume chỉ một con cá đẹp cho nhà sư coi, sự tò mò đã làm cho ông ta cúi xuống nhìn. Được dịp, Tajima Shume đẩy mạnh làm cho nhà sư mất thăng bằng lộn nhào xuống biển. Chàng đợi một chút rồi mới kêu:

- Dừng lại! Dừng lại! Người đi cùng với tôi vừa ngã xuống biển.

Lúc ấy, gió đang thổi mạnh, buồm căng phồng, thuyền lướt sóng vun vút như tên, khi ngừng lại được thì nhà sư đã mất dạng.

Tajima Shume khóc sướt mướt:

- Trời ơi! Nhà sư xấu số đó là anh họ tôi. Ông ta đi Kyoto để đến chỗ hội đạo của ông. Tôi cùng đi, bây giờ thành đơn độc, khổ thay. Bây giờ ông ấy chết đuối rồi, biết làm thế nào?

Những khách sang ngang khác đều thở dài, cũng tỏ lời buồn với chàng võ sĩ.

Để mọi người khỏi nghi ngờ, trước khi thuyền tới bờ, chàng ta bàn với mọi người rằng:

- Lẽ ra chúng ta phải khai tai nạn xảy ra với nhà cầm quyền tại đây, nhưng biết bao sự phiền phức lúc họ điều tra, và sẽ có sự chậm trễ đến với chúng ta! Tôi lại có việc vội… Biết đâu, lỡ ra người ta lại buộc tội ông chủ thuyền không cẩn thận thì oan uổng cho ông ấy lắm. Hay là chúng ta cùng im thì hơn, và tôi sẽ khai báo với chính quyền địa phương mà anh họ tôi ở, khi tôi tới Kyoto.

Chủ thuyền và các hành khách đều nhận thấy cách giải quyết ấy rất thuận lợi, tránh được mọi sự rắc rối cho mọi người, nên đều đồng ý không báo cáo với ai về tai nạn vừa xẩy ra, mặc cho Tajima Shume sẽ trình báo sau thế nào tùy ý.

Sau khi thuyền cập bến, Tajima Shume lên bờ, đem theo cả cái khăn gói của nhà sư có gói bạc quý ở trong mà chàng ao ước từ mấy ngày qua.

Buổi chiều hôm đó, ở nhà trọ, khi không có ai, Tajima Shume mới mở cái khăn gói ra, quả nhà sư nói không sai, thực có hai trăm lạng bạc ở trong.

Bây giờ số tiền này là của chàng, nó thuộc về chàng rồi, nó sẽ đem đến sự giàu sang cho chàng.

Tajima Shume nghĩ rằng: “Bây giờ ta chỉ cần làm lời số vốn này cũng đủ trở nên giàu sang một cách chắc chắn”.

Chàng vội vã đến Kyoto, đổi tên họ và từ giã cuộc đời “lang bạt kỳ hồ” mà trở thành một thương gia.

Tại Kyoto, Tajima đã trở thành ông Tokubei, một doanh thương về lúa gạo. Để kỷ niệm quãng đời giang hồ, Tokubei lấy vải tốt gói cẩn thận đôi kiếm trận trước kia và cất vào tủ kín.

Nhà doanh thương Tokubei hết sức khôn khéo kinh doanh nên càng ngày càng phát tài. Rồi ông lấy vợ và năm sau sinh được một con trai. Hạnh phúc đã hoàn toàn mỹ mãn với ông.

Tuy nhiên, một đôi khi nghĩ lại, ông thấy hối hận. Ông nghĩ lại rằng, mình có được địa vị giàu sang ngày nay là nhờ ở một tội lỗi đê hèn nhất. Muốn xua đuổi kỷ niệm xấu xa đó, muốn trấn áp sự hối hận đó, ông càng lao đầu vào công việc hàng ngày. Sự nhanh nhẹn vô bờ, cùng sự phồn thịnh về kinh doanh đã giúp ông quên đi.

Ba năm qua, từ khi lập nghiệp tại Kyoto, Tokubei đã trở nên một đại phú. Ông thấy cần phải nghỉ ngơi, bèn mua một ngôi biệt thự đồ sộ, xung quanh có vườn đẹp, có nhiều hạnh đào đầy hoa nở và điểm thêm một vài cây thông.

Cũng ngày mà Tokubei đến ở ngôi nhà mới, ông không thể nào không nghĩ đến tội ác xưa kia là đầu mối cho sự giàu sang ngày nay. Ông thường nhắc tới câu châm ngôn: “Sự nghèo nàn là lời khuyên xấu”. Rồi ông tự nghĩ: “Đáng trách cho số phận mình, sinh ra bị nghèo khổ! Chính định mạng đã thúc đẩy ta làm điều gian ác giết người.”

Nhưng dù lúc nào cũng nhắc tới lời trần tình đó, tâm hồn ông vẫn không được yên tĩnh. Ông cảm thấy và biết rằng khi ấy ông cố chống cự lại với lòng ham muốn thì hơn. Ông nhớ lại tình bạn và sự tin cậy mà nhà sư đã tin ở ông, kỷ niệm đó càng làm ông hối hận hơn lên.

Đêm hôm sau khi đến ở ngôi nhà mới, ông đi dạo chơi trong huê viên, dưới ánh trăng trong êm dịu đang tỏa khắp khu vườn. Bỗng như có điện lực, mắt ông như dán vào một cây thông. Một sự lạ lùng đã xảy ra? Một bóng người như ẩn, như hiện lẫn trong thân cây, cành cây. Phải rồi, một hình người mỗi lúc một rõ hơn. Ồ! Hình như có cái đầu cạo trọc, hai má gầy gò, lõm và răn; một thân hình ốm yếu mang cái đầu đó. Người ta có thể bảo, đó là một người chết gượng đứng dậy. Mặt tái nhợt, mắt sâu lõm xuống, người chết đó có lẽ là bị chết đuối… Nhưng hình như tử thi đó cử động? Hình như nó cười…?

Tokubei hoảng sợ! Vô cùng hoảng sợ! Có lẽ nhà sư hay oan hồn của nhà sư.

Cái bóng ma tiến tới, tiến tới phía Tokubei, sự sợ hãi làm cho ông ta như bị chôn chân tại chỗ.

Bóng ma lớn dần và lớn mãi, những cánh tay khẳng khiu không có thịt ôm lấy chàng võ sĩ quen thuộc trước kia và cúi xuống nhìn một cách buồn thảm.

Trước cảnh ngộ ghê rợn đó, dù là chiến sĩ đi nữa cũng đến chết khiếp đi vì sợ hãi.

Nhưng, sự nguy hiểm đã đánh thức lòng can đảm trước kia của Tokubei. Ông ta chợt hồi tưởng thời mình còn là chiến sĩ đã từng hạ sát biết bao nhiêu người, nay chỉ có một cái bóng ma, sá gì mà sợ. Ông ta vùng thoát khỏi tay con ma, rồi chạy vào nhà lấy đôi kiếm trận trước kia ra chém lia lịa vào cái bóng ma. Rồi ông chặt đứt nó ra từng mảnh. Cái bóng ma tan đi như sương mù gặp ánh mặt trời. Nhưng lạ chưa, nó lại hợp vào thành nguyên hình trước, rồi lại bắt đầu bao vây kẻ thù của nó bằng đôi cánh tay khẳng khiu và dài nghệu. Một nhát kiếm hạ xuống thật mạnh, Tokubei chém rụng được cái đầu con ma, nhưng rồi cái đầu đó lại tự dính mình. Rồi nó lại tiếp tục tấn công…

Suốt đêm trường chiến đấu, mãi đến sáng cái bóng ma mới biến đi.

Hôm sau, hôm sau nữa, vẫn cái hồn oan nhà sư đó xuất hiện từ cây thông ra. Cuộc chiến đấu lại bắt đầu, mà Tokubei thì rất mệt mỏi.

Ông bèn cho chặt cây thông có bóng ma xuất hiện. Nhưng đến đêm, cái bóng ma lại hiện ra ở một cây khác.

Chàng võ sĩ gian manh năm xưa đã phải sống những đêm trường sợ hãi.

Ông ta định buổi tối sẽ chỉ ở trong nhà, không ra huê viên nữa, và cũng không ra khỏi phòng ngủ.

Phương pháp này cũng vô hiệu. Cái bóng ma lại hiện ngay phòng và xông đến bắt Tokubei.

Chàng võ sĩ càng sợ hãi, rồi ốm nằm liệt giường, mình đắp một tấm chăn. Đôi khi ông hoảng hốt sợ hãi và trùm chăn kín cả đầu. Người ta thấy ông rên rỉ: “Khổ thay! Khổ thay! Ông sư! Ông sư! Tội lỗi và hình phạt! Tội lỗi và hình phạt!”

Vợ nhà đại doanh thương cho mời các danh y đến chạy chữa. Các danh y đều thấy Tokubei nói toàn chuyện mê sảng, cho đơn uống thuốc thảy đều vô hiệu.

Tất cả khu đó đều đồn đại về nhà phú thương Tokubei bị một bệnh lạ mà các bậc danh y đều thúc thủ.

Ở khu đó có một vị Hòa thượng nổi tiếng tài cao và giàu lòng từ bi bác ái. Nhiều người thường đến hỏi ông về những vấn đề khó giải quyết.

Một hôm, trong số đầy tớ gái của Tokubei có người đến kể cho vị Hòa thượng này nghe câu chuyện bất thường xẩy ra tại nhà đại doanh thương.

Vị Hòa thượng hết sức chú ý đến câu chuyện đau thương kỳ quái này, và hỏi thêm nhiều chi tiết khác về bệnh tình của chủ nhân cô gái. Rồi Hòa thượng nói:

- Chị về hỏi bà chủ chị xem, bà ấy có muốn sau khi đã mời biết bao nhiêu danh y tới chữa bệnh cho ông chủ vẫn vô hiệu, nay có bằng lòng nhận sự giúp đỡ của một nhà sư nghèo không? Thuốc không có kết quả, biết đâu những lời cầu xin lại có kết quả hơn chăng?

Cô gái về thưa lại với bà chủ về những lời nói của vị sư già.

Vợ Tokubei nghe nói cả mừng. Bà ta bèn cho người đến mời vị Hòa thượng đến nhà, kể cho vị Hòa thượng nghe tất cả những sự xẩy ra làm cho chồng bà sinh rối trí, thụ bệnh, khiến cho cả gia đình bà lo sợ và đau khổ. Rồi bà dẫn vị Hòa thượng vào phòng chồng bà để thăm bệnh.

Lạ thay! Lúc vị Hòa thượng bước vào phòng, một sự kinh hãi hơn bao giờ hết làm rung chuyển toàn thân Tokubei. Ông ta kêu lên:

- Nó kia kìa! Ông sư kia kìa! Ông sư kia kìa! Trời ơi! Chưa bao giờ tôi lại trông thấy rõ như thế… chưa bao giờ, từ ngày mà… ông ấy đến hành hạ tôi. Hãy giữ ông ấy lại! Cứu tôi với! Cứu tôi với!

Run lên vì sợ hãi, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập, Tokubei kêu cứu rồi, kéo chăn trùm kín mặt.

Nhà sư bảo mọi người ra khỏi phòng, chỉ để một mình ông ở lại với bệnh nhân. Rồi ông lại gần giường và sẽ nói với Tokubei rằng:

- Phải rồi, chính tôi đây! Tôi là nhà sư mà ông đã xô xuống biển gần Kuana khoảng ba năm trước đây.

Tokubei lại càng run lên, chân tay lẩy bẩy như người lên cơn sốt nặng. Chưa bao giờ cái hồn mà lại nói với ông. Chắc một hình phạt trả thù sắp diễn ra?

Nhà sư tiên đoán ý nghĩ của Tokubei nên nói:

- Tôi không phải là oan hồn đâu. Tôi là một nguồn sống. Tôi nhắc lại cho ông hay, tôi là nhà sư đã đi cùng với ông cách đây ba năm ở Tokaido. Chính tôi vì ông mà suýt bị chết đuối, hay nói đúng hơn là ông định làm tôi chết đuối. May sao, từ nhỏ tôi biết bơi, biết lặn. Khi bị đẩy xuống nước, tôi đã lặn và bơi được vào bờ. Tôi đã đi tìm ông để xin lại số tiền của tôi, số tiền dự định đúc tượng Phật đó, nhưng tôi không tìm thấy ông đâu.

Từ bấy giờ, tôi lại một lần nữa đi quyên giáo. Tôi đã quyên được đủ số tiền và đúc pho tượng Phật bằng đồng theo ý muốn rồi. Nay, một sự tình cờ đã dẫn tôi đến khu phố này. Chính vì thế mà tôi được nghe tin ông bị bệnh mà tôi đã đoán ra nguyên nhân. Tôi nghĩ rằng, thực tôi không lầm. Ông đã làm một tội ác ghê tởm. Nhưng tôi là một nhà tu hành, tôi phải tha thứ cho ông. Phật đã dạy rằng: “Thù oán nếu trả bằng thù oán thì không bao giờ hết được oán thù”. Sự thù oán phải hết, và chỉ có sự tha thứ mới làm hết được oán thù mà thôi. Tôi không làm gì ông đâu. Ông yên trí, nhìn tôi đây.

Tokubei nghe nói đỡ sợ, mở chăn nhìn nạn nhân của mình trước và thấy ông ta đang cười với mình. Sự khoan dung của nhà sư làm cho Tokubei quá cảm động sinh ra bối rối và khóc nức nở. Biết nhà sư quả không có ý định trả thù, Tokubei cố nén lòng, gạt nước mắt rồi lắp bắp tỏ lời biết ơn và hối hận:

- Xin tha thứ cho tôi!... Như Người đã nói… Đó chỉ là trong lúc loạn óc, tôi đã đẩy Người xuống nước để ăn cướp số bạc cũa Người. Tôi đã rất khổ sở từ bấy đến giờ…

Nhà sư đáp:

- Được, ông đừng lo. Người ta sinh ra ở đời với một tấm lòng trong sạch, nhưng trường đời đã làm cho nó hư hỏng. Sự nghèo nàn là lời khuyên xấu: nó lôi cuốn kẻ nghèo khổ làm những tội lỗi mà họ phải hối hận về sau, khi đã được sung sướng…

- Ồ! Tôi rất hối hận. Sự hối hận đã giày vò tôi, càng ngày càng nhiều. Bây giờ tôi đã hiểu, một đêm tôi tưởng như nhìn thấy bóng ma của Người. Từ đêm đó tâm hồn tôi lúc nào cũng rối loạn.

- Lương tâm của kẻ tội lỗi sinh ra ma quỷ cắn rứt trí não của kẻ đó… Vì vậy kẻ có tội sinh ra run sợ dù chỉ nghe thấy tiếng động của lá cây.

- Người hãy cho phép tôi được tỏ lòng hối hận bằng cách trả lại cho Người số tiền mà tôi đã cướp của Người.

- Không, không, tôi không cần đến số tiền đó nữa. Tôi đã đúc được tượng Phật bằng đồng rồi!

- Tôi lạy Người… Người không nhận số tiền tôi hoàn lại, khiến tôi có cảm tưởng như Người chưa hẳn tha thứ cho tôi… Hay là Người dùng số tiền đó để bố thí vậy.

- Được rồi, nếu bố thí cho người nghèo thì tôi nhận… Và bây giờ, tôi xin phép ra về. Nếu ông muốn cho tôi vui lòng nhận thì từ giờ về sau ông nên ăn ở cho có nhân đức. Nên khoan dung những lỗi lầm của kẻ khác, và đối xử quảng đại với những người nghèo. Thôi! Xin từ giã ông!



Nhà phú thương Tokubei, từ bữa gặp nhà sư, tâm hồn được thanh thản, sức khỏe được phục hồi. Từ ngày đó, ông ta trở nên một người nhân đức, rất giàu lòng bác ái. Không một ai ủng hộ cho những nhà sư đi quyên giáo nhiều bằng ông.

Thỉnh thoảng người ta nghe thấy ông cầu nguyện: “Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật!”.


QUỐC CHÍNH        
(trong Truyện cổ Nhật Bản)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 89, ra ngày 13-5-1973)



Bìa của Vi Vi : BẠCH LIÊN (Sen Trắng)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>