Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

CHƯƠNG V_ĐỜI PHIÊU LƯU CỦA TUẤN


CHƯƠNG V


Đi Nhật về được ít lâu, tàu nam Hải lại được xem xét kỹ lưỡng, để chở hàng sang Ấn Độ. Tuấn được tin ấy, cậu vui mừng khấp khởi.
 
Trước đây, Tuấn đọc báo Thế giới Tự do, thấy nói ở xứ Marát ( Madras ) bên Ấn Độ, người ta bắt rắn độc để lấy nọc của nó, bào chế thành một thứ thuốc chữa trị những người bị rắn độc cắn.
 
Cái chết oan uổng của ba Tuấn làm cho Tuấn nuôi một ước mộng : Phải chi vùng Tuấn ở, mà có thuốc đó, chắc cứu được nhiều người thoát chết vì tai họa rắn cắn. Ước mộng đó, Tuấn chưa hề nói ra cho ai biết, dù với má Tuấn.
 
Khi biết chắc chắn mình sẽ được đi theo tàu, Tuấn đêm ngày ôn lại Anh ngữ, để có thể nói cho người ta hiểu được. Đồng thời, cậu cũng mua một bản đồ Ấn Độ, để xem cho biết đường. Từ Bombay, là nơi tàu nam Hải cập bến, đến Marát khá xa. Bombay ở miền Tây Bắc Ấn Độ, còn xứ Marát lại nằm về phía Đông Nam Ấn Độ.
 
Muốn biết cho thấu đáo, Tuấn làm quen với mấy chú Chà để hỏi. Họ cho Tuấn biết :
 
- Từ Bombay đi Marát, gần một ngàn cây số, có xe lửa tốc hành đi và về, mỗi ngày đêm có 6 chuyến. Cách 4 giờ có một chuyến khởi hành. Tính ra phải mất hơn mười giờ đồng hồ mới tới nơi. Còn đi xe hơi thì nhanh hơn, nhưng mất nhiều tiền.
 
Tuấn thử làm một bài tính : Nếu ông Thái Phong cho đi chơi trọn ngày, chưa chắc mình đi về kịp. Huống chi có nhiều lần, ông chỉ cho xả hơi nửa ngày thì biết làm sao ?
 
Suốt mấy đêm, Tuấn không ngủ yên giấc vì bài tính không đáp số đó. Có lần cậu định bụng :
 
- Hay là mình cứ nói sự thật ra, để xin phép bác ?
 
Nhưng rồi cậu lại tự nhủ :
 
- Biết bác ấy có cho phép không, hay là bác lại cho là mình mơ mộng như trẻ con thì hỏng việc hết !
 
Một ý nghĩ liều lĩnh hiện ra trong đầu óc Tuấn :
 
- Thôi, tới đâu hay đó ! Dù thế nào, mình cũng đi Marát cho kỳ được.
 
Bài toán đã có đáp số, không biết đúng hay sai, nhưng đã làm cho Tuấn trở nên vui vẻ hăng hái.
 
*
 
Đường biển từ Sàigòn đi Ấn Độ xa gấp ba Sàigòn đi Nhật Bản, nhưng Tuấn cảm thấy vui thích hơn.
 
Thành phố Bombay toạ lạc trên một hòn đảo dựa vào rặng núi Western Ghâts sừng sững đàng xa. Chung quanh là làn nước xanh biếc của vịnh Oman bao bọc. Bờ biển đầy cây dừa cao ngất, tập hợp thành một bức tường thành tuyệt đẹp.
 
Đến Bombay , việc trước tiên của Tuấn là làm quen với mấy thủy thủ Ấn Độ, để hỏi xem các giờ xe lửa tốc hành đi Marát và các giờ xe hơi. Họ cho biết :
 
- Xe lửa tốc hành từ Bombay đi Marát, mỗi ngày và đêm có 6 chuyến : 8 giờ sáng, 12 giờ trưa, 16 giờ chiều, 20 giờ tối, 24 giờ đêm và 4 giờ sáng. Ở Marát đi Bombay cũng khởi hành cùng giờ như vậy.
 
Còn xe hơi thì vô chừng, hành khách đầy xe thì họ chạy. Nếu mình muốn nhanh, thì bao luôn cả chuyến.
 
Tuấn vừa lo dở hàng xuống, vừa suy tính :
 
- Thường khi bác Thái Phong cho thủy thủ nghỉ ngày mai, thì bác báo cho biết tối hôm trước. Như vậy, mình sẽ đi xe lửa ban đêm, sáng ngày đến Marát, mình sẽ ở lại Marát vài giờ. Độ 9 giờ sáng, mình bao xe hơi trở về Bombay . Nếu bác ấy chỉ cho đi chơi nửa ngày, thì mình sẽ cố về sớm hơn !
 
Nghĩ đến việc trốn đi cả đêm mà không cho bác Thái Phong biết, Tuấn thấy không ổn. Cậu phân vân không biết tính cách nào. Cuối cùng, cậu định viết một lá thư dài, trình bày cho bác rõ, và để thư ấy lại trên bàn.
 
Hàng dở xuống xong, các thủy thủ được đi dạo phố một buổi chiều, để hôm sau lại bốc hàng lên tàu.
 
Khác hẳn với dân Nhật, người xứ Ấn Độ phần nhiều mặc màu trắng, có lẽ cho bớt nóng. Phụ nữ Ấn Độ còn choàng đầu và vấn quanh người bằng một tấm vải dài, có cô chỉ còn thấy hai con mắt và một chấm đỏ giữa trán.
 
Nước Ấn Độ có vẻ nghèo nàn, không có gì đặc biệt. Khi bước chân vào thành phố, Tuấn lấy làm lạ, vì có nhiều con bò đi nghênh ngang, có con nằm nghỉ ngay giữa đường, xe cộ qua lại phải tránh chúng nó. Dũng cắt nghĩa cho Tuấn :
 
- Tại vì dân Ấn Độ coi con bò là một con vật linh thiêng, nên không dám chạm tới chúng. Tuấn biết, dân Ấn không ăn thịt bò đâu, nghe !
 
Rồi Dũng che miệng cười :
 
- Phân bò, họ cũng quý lắm. Họ cung kính hốt về, trét lên tường cho khô để làm than đun bếp !
 
Tuấn cũng cười theo :
 
- Phong tục cũng lạ nhỉ ?
 
Dũng khoát tay :
 
- Đi một quãng nữa, anh sẽ thấy đời sống dân chúng ở đây, chia hẳn thành hai thái cực rõ rệt : giàu thì giàu sụ, nghèo thì nghèo xác, nghèo xơ, chớ không xô bồ như ở nước ta.
 
Ấn Độ dân cư đông mà tài nguyên ít, nên nhiều người đói khổ. Những năm mất mùa, số người chế đói có khi lên hàng vạn !
 
Ấn Độ là một nước có chế độ giai cấp duy nhất trên thế giới. Chế độ này phát sinh bởi đạo Bà-la-môn tức là Ấn-độ-giáo bày đặt ra. Lúc đầu chỉ có 4 giai cấp chính, nhưng về sau lại chia ra nhiều giai cấp phụ, tính ra có đến 3.000 giai cấp !
 
Tuấn cười :
 
- Giai cấp gì mà nhiều dữ vậy ?
 
Dũng cũng cười, nói tiếp :
 
- Ấy, Tuấn để yên tôi kể cho mà nghe : Giai cấp nhiều thế đó, vậy mà mỗi giai cấp lại có luật lệ phong tục riêng biệt. Người ở giai cấp này không được kết hôn với giai cấp kia, không được ngồi ăn cùng bàn với giai cấp kém hơn mình. Họ phải triệt để tuân theo luật lệ của giai cấp mình, không thì bị trục xuất. Kẻ bị trục xuất khỏi giai cấp, sẽ sống bơ vơ, không ai dám cưu mang, giúp đỡ !
 
Trong các giai cấp thì giai cấp cùng đinh thường bị khinh rẻ, có khi còn bị coi kém hơn cả súc vật. Họ chỉ sống chui rúc, cực khổ ở những nơi dành riêng cho họ. Họ không được may mặc những thứ vải của giai cấp trên, không được vào các đền chùa !
 
Tuấn ngạc nhiên :
 
- Thế họ bằng lòng chịu số phận hẩm hiu như vậy mãi sao ? Họ không tranh đấu gì hết à ?
 
Dũng lắc đầu :
 
- Giai cấp cùng đinh này đông lắm, có lẽ hơn 60 triệu, so với tổng số dân Ấn là 450 triệu. Nhưng hạng cùng đinh này mặc cảm rằng : giai cấp họ là ti tiện, đáng khinh, nên họ chỉ âm thầm chịu đựng không hề than trách !
 
Nhiều nhà lãnh tụ Ấn đã tìm cách phá tan thành kiến đối với giai cấp cùng đinh, nhưng vẫn không mấy kết quả.
 
Chắc anh đọc sách, cũng biết ở Ấn Độ có ông Gandhi, mà dân Ấn kính tôn như một vị đại thánh. Hồi sanh tiền, ông Gandhi đã từ bỏ giai cấp quý phái để hòa mình với giai cấp cùng đinh. Ông gọi họ là con của Thượng Đế và hô hào toàn dân Ấn xử đãi với giai cấp khốn khổ này như anh em, nhưng kết quả vẫn còn mong manh lắm.
 
Muốn phá tan thành kiến đó, thiết tưởng phải cách mạng tư tưởng tất cả dân Ấn mới mong kết quả !
 
Dũng kéo Tuấn vào quán nước bên vệ đường, mua nước uống, rồi tiếp tục kể :
 
- Ấn Độ có nhiều tôn giáo. Dân họ lại cuồng tín, sẵn sàng hy sinh tính mạng mình vì tôn giáo, vì thế thường có những cuộc nội chiến do các tôn giáo gây ra.
 
Hai tôn giáo chính của Ấn Độ là Ấn-độ-giáo hay là đạo Bà-la-môn, có độ 250 triệu tín đồ. Và Hồi-giáo có độ 50 triệu tín đồ.
 
Ngoài hai tôn giáo đó, còn có nhiều tôn giáo khác.
 
Đa số dân Ấn ở Decan theo đạo Parsi, một tôn giáo thờ đa thần : Thần Đất, thần Sông, thần Lửa, nên các tín đồ phải tránh làm uế tạp các vị Thần này. Khi có người chết, họ không dám chôn xuống đất, vì sợ phạm đến Thổ thần. Họ không dám quăng xác chết xuống sông, vì sợ Thủy thần, cũng không dám hỏa thiêu, vì sợ Hỏa thần nổi giận.
 
Bởi thế, họ phải xây một cái tháp cao ở một nơi xa làng xóm. Tang gia đưa thi hài người chết phơi trên tháp cho đàn chim kên kên và quạ đến rỉa thịt.
 
Vì tháp này ở xa làng xóm, suốt ngày không có một tiếng người, chỉ có tiếng kên kên và quạ, nên dân chúng gọi là Tháp Yên Lặng.
 
Theo lời người gác Tháp Yên Lặng, mỗi lần có một xác người chết đem bỏ vào Tháp, thì chỉ trong vòng mấy phút là đàn chim đến rỉa hết thịt, còn trơ lại bộ xương. Sau khi làm xong công việc, đàn chim lại bay lượn trên trời, mắt nhìn về phía con đường từ làng đến tháp, hình như chúng nóng ruột chờ đợi một đám tang khác !
 
Tuấn chắt lưỡi than :
 
- Tôn giáo gì mà có những điều luật kỳ lạ quá !
 
Hai người vào trung tâm thành phố. Phố xá khá đẹp, hai bên san sát các cửa hàng bán tơ lụa. Dũng cắt nghĩa cho Tuấn rõ :
 
- Bombay chia ra nhiều khu. Khu này là khu thương mãi nằm dọc theo bờ biển. Nhưng đẹp nhất là khu Marine Drive và khu Malabar Hill. Khu Marine Drive cũng nằm dọc theo bờ biển, phố xá xây thật đẹp và ăn khớp với nhau theo một chương trình xây cất, nên coi như là một khối đồ sộ, hùng vĩ. Khu Malabar Hill thì nằm trên một dãy đồi. Ban đêm ở ngoài biển nhìn vào, thấy đèn điện như sao sa, thiệt đẹp. Khu này, có nhiều công viên xem không chán mắt. Dưới chân đồi là một bãi cát rộng chạy dọc theo bờ biển. Chiều chiều người ta tấp nập kéo nhau ra đây ngồi hóng mát.
 
Nhưng nếu muốn biết Ấn Độ thuần túy, phải đến xóm gần phố chợ. Ở đây, nhà cửa chật hẹp, thấp lè tè, chỗ nào cũng có đền chùa. Ngoài đường, người qua lại chen chúc như nêm cối và thuộc đủ mọi hạng người khác sắc tộc. Người nào người nấy giữ nguyên bản sắc địa phương mình, từ y phục đến ngôn ngữ, phong tục và tôn giáo…


Dũng che miệng ngáp :
 
- Nói chuyện về Ấn Độ thật không cùng. Thôi chúng ta vào xem ngôi chùa gần đây một lát !
 
Dũng dẫn Tuấn vào viếng một ngôi chùa. Vừa vào khỏi cổng, cả hai chợt thấy một ông già, 1 tay xách cái giỏ, 1 tay cầm ống sáo. Dũng khẽ bảo Tuấn :
 
- Chúng ta đi theo ông già này mà xem sự lạ !
 
Tuấn chưa hiểu gì nhưng cũng rảo bước theo bạn. Ông già vào cạnh một gốc cây bỏ giỏ xuống lấy sáo ra thổi. Một điệu nhạc buồn buồn vang lên. Độ mươi người đang viếng cảnh chùa, nghe tiếng sáo cũng kéo đến xem. Ông già đột nhiên thay điệu nhạc vui nhộn, tức thì cái giỏ động đậy và một con rắn màu loang lổ, nhô đầu lên cao, lên cao dần. Đầu con rắn hình tam giác, hơi dẹp, hai mắt có hai vòng tròn trắng, lắc lư theo điệu nhạc, lưỡi nó ngo ngoe, tiết ra một tiếng huýt nho nhỏ. Mọi người đều lộ vẻ kinh hoàng, nín thở, vì con rắn này chính là con hổ mang có tên là cobra, nọc độc nó thật khủng khiếp. Kẻ nào bị nó cắn, chắc khó sống ! Cả bọn lùi xa một bước, nhưng vẫn dán cặp mắt vào đầu rắn đang lắc lư như khiêu vũ theo điệu nhạc. Ông già lại thổi điệu nhạc buồn buồn. Con rắn từ từ thu mình cuộn tròn vào đáy giỏ. Bấy giờ, mọi người mới thở phào ra, như trút được một gánh nặng. Họ bỏ tiền thưởng vào cái thau ông già để sẵn trước mặt. Dũng kéo Tuấn đi chỗ khác :
 
- Ông già vừa rồi thuộc hạng tương tự như thầy phù thủy, người Ấn gọi là Fakir. Đời sống mấy ông nầy kỳ lắm. Ông thì nuôi rắn hổ mang đi biểu diễn như chúng ta thấy đó. Có ông ngồi yên một chỗ, một chân vắt lên vai, suốt đêm ngày như thế. Ai cho gì thì ăn, không thì nhịn đói. Mà họ nhịn đói rất tài.
 
Có ông lại nằm, tháng này qua tháng khác, trên một tấm ván đóng đầy đinh nhọn lởm chởm.
 
Tôi còn nghe kể một truyện kỳ lạ khác nữa : Có một lão Fakir ngồi chống tay vào má, lâu ngày đến nỗi móng tay dài ra đâm thủng cả má, thế mà ông ta không hề cựa quậy. Câu truyện chả biết thật hư thế nào, mà nghe có vẻ thần thoại quá !
 
Tuấn trầm ngâm :
 
- Trước đây, tôi đọc sách nói về Ấn Độ là một xứ đầy huyền bí, mà quả thật, Ấn Độ huyền bí đến dễ sợ !


______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VI
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>