Bởi không chán sao được, khi ở một trường
trước bán được 78 số, nay sụt xuống còn 2 số, ở một trường khác bán 42 số nay
còn 4 số, và đặc biệt ở một trường lớn khác, sĩ số học sinh trên 10.000 mà liền
3 kỳ báo (73, 74+75, 76) mỗi kỳ gửi 150 số, đều không bán được lấy một số nào!
Điều này khiến tôi chạnh nghĩ đến các em ở xa. Một tờ T.N về đến tỉnh đã lên giá
tới 60đ (vì thêm tiền cước phí), có chỗ, nhiều em đã phải mua tới giá 70đ. Ấy
vậy mà nhiều khi chậm chân, báo còn hết không có để mua nữa. Trước hiện tượng
ấy, nhiều em viết thư về thắc mắc không tin là tờ báo đang ở đà suy sụp. Nhưng
các em đã không biết rằng dù ở tỉnh xa, báo có chạy, nhà phát hành cũng chỉ gởi
ra một số giới hạn (để khỏi còn báo ế trả lại đỡ tốn tiền cước phí chuyên chở).
Nhà phát hành có thể tăng số lượng báo gửi đi xa, nhưng với điều kiện là các
sạp báo ở tỉnh phải viết thư com-măng, hoặc chính độc giả ở tỉnh nhờ sạp báo
com-măng hộ. Nhưng không có ai làm như thế cả. Tâm lý chung là “có thì mua, hết
thì thôi”. Ai cũng nghĩ mình chỉ là thiểu số, rắc rối chi cho thêm phiền. Tình
trạng ấy cứ thế kéo dài và hậu quả là ở tỉnh báo có thể thiếu, nhưng ở tòa soạn
báo cũ trả về tới gần ba phần tư!
Bao
nhiêu biện pháp cứu gỡ cho tờ báo đều đã được tòa soạn đem lên bàn mổ xẻ và cho
thực hiện. Phương châm thực tế của luật thương mại là “hãy đem sản phẩm đến tận tay khách hàng” cũng đã được tòa soạn
triệt để thi hành.
Quí
vị Hiệu Trưởng, Quí vị Tổng Giám Thị, Quí vị Giáo Chức cũng đã mở rộng cửa để
cho T.N tự do tràn ngập. Vấn đề cuối cùng chỉ còn là sự lựa chọn của người đọc.
Nhưng độc giả phần đông vẫn còn thích chú Thoòng hơn. Hiện tượng chú Thoòng
giảm xuống thì đa số lại đổ xô đi mua các loại truyện tranh can lại của ngoại
quốc với bản dịch khác xa nguyên tác
ở chỗ ngôn ngữ đối thoại nhảm nhí hơn, thô tục hơn, và đó là thị hiếu của độc
giả. T.N như liều thuốc đắng. Truyện nhảm nhí như viên kẹo ngọt. Thuốc đắng dù
có bọc đường cũng không thể bằng kẹo ngọt nếu không có sự tiếp tay của các phụ
huynh.
Hẳn
nhiên nội dung của T.N còn nhiều khiếm khuyết, nhưng anh chị em trong tòa soạn
đã cố gắng thường xuyên duy trì chủ trương đã vạch sẵn. Tờ báo bớt khô khan hơn
rất nhiều so với số đầu tiên. Và nó vẫn còn đang nỗ lực hơn nữa. Nỗ lực trong
buồn chán và suy sụp tinh thần. Tôi có thể khóc được khi nghe Bác Văn Việt than
lên:
-
Tôi cố gắng hết mức rồi mà không giúp được gì hơn, thật đã muốn bỏ cuộc.
Trong
hai tháng lăn xả vào với Thiếu
Nhi, bác sụt gần 4 kí. Cuối cùng,
kết quả là sự ngao ngán bất lực. Chúng tôi đã dựa vào bác để lấy niềm tin. Bây
giờ, chính chúng tôi lại phải tiếp sức cho niềm tin của Bác. Nực cười thay. Tôi
đã cố trấn tĩnh để cười to làm yên lòng bác:
-
Còn nước còn tát. Lo gì mà lo. Hơn nữa Bác chủ nhiệm bao giờ cũng thiết tha với
nhu cầu sách báo của tuổi thơ. Nhờ bác, mình còn có thể cựa quậy thêm một thời
gian nữa. Ta sẽ vùng lên một lần cuối.
Và
chúng tôi đang sửa soạn để vùng lên một lần cuối cùng. Chúng tôi sẽ tổ chức một
thuyết trình đoàn tình nguyện đi khắp các trường để kêu gào về vấn đề “sách báo
cho thiếu nhi”. Chúng tôi sẽ trực diện kêu gọi sự thức tỉnh của chính các em
trước cơn xâm lăng nguy ngập của các sách báo nhàm nhí. Bạn bè ta, anh em ta,
các bạn đồng lứa tuổi quanh ta đang bị đầu độc tinh thần bằng đủ loại văn nghệ
phẩm.
Các
truyện tranh với ngôn ngữ đối thoại nhảm nhí. Các Feuilleton nội dung thiếu
lành mạnh rải rác trên các báo hàng ngày. Các phim Tầu tràn ngập coi mạng người
bằng một giá rẻ mạt, coi nhân phẩm không bằng một con sâu, cái kiến, và trước
mắt khán giả những pha giết người, phanh bụng, moi tim, bay đầu, dập phổi đã
được khai thác tận tình. Thế hệ thiếu nhi này lớn lên trong môi trường vẩn đục
ấy. Tâm hồn trong sáng của các em hẳn nhiên như một tờ giấy trắng bị hoen ố bởi
biết bao nghịch cảnh diễn ra thường xuyên, hàng ngày. Đó là một mối nguy cơ,
không ồn ào, không cụ thể, không có hậu quả trước mắt, nhưng sẽ gieo nguy hại
lớn lao cho xã hội ngày mai. Trước chúng tôi, đã có nhiều tiếng chuông nhắc nhở
gióng lên mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm công việc ấy, trước khi tiêu hết
khả năng, vốn liếng của mình sau gần 2 năm trời hoạt động bằng tim óc, thì giờ
và cả tiền bạc.
Trước
đống bài ngổn ngang và những lá thư chứa bao tâm tình thương mến của độc giả
trên toàn quốc, tôi chợt nghĩ đến ngày mai và những mơ ước của các bác, các cô
chú trong tòa soạn đã dành cho tuổi thơ.
Rồi
ngày mai sẽ ra sao với đà suy sụp này. Tôi không thể trả lời.
Thứ
ba 27-2-1973.
Nhà
in điện thoại lại, báo tin cho tòa soạn đến chở bìa báo. Ông Giám Đốc cười vang
trong ống nói:
-
Các anh nóng nẩy quá. Bìa đâu có hư. Lại coi thì biết.
Tôi
mừng húm, xách xe chạy bổ xuống nhà in. À, thì ra vì yêu mên Thiếu Nhi
nên nhà in đã cho sửa chữa kịp thời. Hai cái máy tự động được sử dụng suốt đêm
để cho in thêm một mầu nữa. Mầu vàng. Các khuôn mặt trong hình như tươi thêm.
Hai vành khăn của Hai Bà Trưng không còn mầu nâu bạc nhược như trước. Vẻ mặt
của Hai Bà mất đi vẻ tím ngắt u sầu. Thế là loạt bìa kỳ này đã chạy tới 5
khuôn, cũng như loạt bìa số Xuân cũng phải chạy tới 5 lần (thêm 1 mầu đỏ tía để
cứu vãn cái nền của số Tết).
Xin
cám ơn ông Giám Đốc. Xin cám ơn anh em ấn công. Ít ra trong thời buổi khó khăn
này, vẫn còn nhiều tấm lòng yêu mến Thiếu
Nhi và không vụ lợi. Bìa báo bị
trễ mất hơn một ngày, nhưng các bộ phận khác sẽ làm thêm giờ. Anh ấn công in
Hộp Thư ở mặt trong lụi hụi với cái máy in cũ kỹ mãi tới gần giờ giới nghiêm
mới xách xe đạp ra về. Đường vắng hoe chẳng biết anh có kịp về hỏi thăm con cái
trước khi chúng nó lên giường đi ngủ. Trong gần hai năm làm việc ở tòa soạn,
tất cả mọi người, mọi bộ phận đều có một niềm tự hào. Đó là báo không bao giờ
bị ra trễ. Kỷ lục âm thầm ấy đã phải trả giá bằng biết bao cố gắng, tận tụy
không tên tuổi. Âm thầm như vành bánh xe đạp của người ấn công trở về trên
đường vắng.
______________________________________________________________________
Xem tiếp KỲ III