Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Một tuần lễ ở Tòa Soạn (V)


Thứ Sáu…

Hằng tuần, cứ vào buổi tối thứ sáu thì bài vở của số báo mới đã gần hoàn tất. Đó là số báo sẽ phát hành vào 2 tuần lễ sau. Nghĩa là luôn luôn tòa soạn phải đi trước thời gian tới 2 tuần lễ. Thí dụ hôm nay các sạp báo bắt đầu bầy bán số 84, thì máy trên nhà in đã đang in dở dang số 85 và tòa soạn đang hoàn tất số 86 để trong vòng 2 ngày nữa, tức là tới chủ nhật, phải giao đi chụp phim. Như chú Bách Khoa đã trình bầy về kỹ thuật ấn loát ở số 51, tờ Thiếu Nhi đã phải trải qua nhiều giai đoạn:

1) Lựa bài đăng và ghi các kiểu chữ trên bản thảo.

2) Chuyển bản thảo xuống phòng xếp chữ.

3 Ấn công xếp chữ xong, lăn bài trên giấy rồi trả lại tòa soạn để sửa lỗi lần thứ nhất (première morasse).

4) Sau khi sửa lỗi xong, tòa soạn hoàn bài vỗ xuống phòng chữ. Ấn công sửa những lỗi sai rồi lại lăn lên giấy, trả lại cho tòa soạn để kiểm soát lần thứ hai (deuxième morasse).

5) Ấn công sửa nốt những lỗi còn sót rồi lăn bài trên những tờ giấy tốt bằng một cái máy lăn bằng tay.

6) Bài lăn trên giấy trắng sẽ trả lại tòa soạn. Đến đây là hết giai đoạn xếp chữ.

7) Ở tòa soạn, các bài đã lăn, được đem dán thành từng trang. Mỗi kỳ phải có đủ 32 trang. Lúc dán có chừa những khoảng trống để họa sĩ Vi Vi minh họa.

8) Họa sĩ Vi Vi đã dành mỗi tuần, nguyên một buổi tối để vừa đọc nội dung vừa vẽ những bức hình cho thích hợp với bài.

9) Khi 32 trang đã đầy đủ, chừng đó mới làm mục lục (in ở trang 1 mỗi số).

10) Tòa soạn đọc lại từng trang báo đã dán để sửa bằng tay những lỗi còn sót lại. Khi đã sạch hết lỗi rồi, thì công việc của tòa soạn được coi là hoàn tất để chuyển qua giai đoạn ấn loát.

11) Tờ báo đã hoàn tất, được giao đi chụp phim (chụp nguyên từng trang một). Phim chụp được mới là âm bản (négatif) phải rửa lại lần thứ hai để có những phim dương bản (positif).

12) Những trang phim dương bản này được một nhóm chuyên viên “mise” trên một bảng nylon lớn bằng kích thước tờ nhật báo. Trên mỗi bảng nylon có thể dán được 8 trang Thiếu Nhi.

13) Các bảng nylon ấy lại được chuyển xuống phòng phim để rửa lên mặt kẽm, gọi là đem ép kẽm.

14) Bản kẽm được gắn lên máy in và để cho máy tự động điều khiển in ra trên giấy báo.

15) Số lượng tờ báo khi được in xong, sẽ đem chở về nhà đóng sách. Ở đây, tờ bìa có trả lời hộp thư của chị ĐPK đã chờ sẵn để những người thợ ghép ruột vào với bìa, đem đóng kim rồi đưa vào máy xén, cắt cho tươm tất. Những số báo thế là thành hình, được gói ghém kỹ lưỡng để giao cho các nhà phát hành đem phổ biến trên toàn quốc. Nhà phát hành sau đó 4 tuần sẽ thanh toán với quản lý về số báo bán được. Nghĩa là khi báo ra tới số 4 thì nhà phát hành sẽ tính toán kiểm kê để thanh toán tiền cho số 1. Do đó, số vốn điều hành cho 1 tờ báo, tối thiểu là phải đủ tiền in 4 số, đó là chưa kể tiền quảng cáo, và cho rằng báo bán ra thu được hòa vốn (Điều này ít khi xảy ra, nhất là với các báo Thiếu Nhi lành mạnh). Trường hợp báo số 1 chỉ thu về nửa vốn, thì tòa soạn vẫn phải bù đắp thêm vào chỗ lỗ lã để tiếp tục in số 6, số 7, số 8…v.v… như Thiếu Nhi đã phải bù đắp liên tục cho đến nay là đã tới số ngoài 80 rồi. Như thế, nếu không có trường vốn để chịu đựng thì tờ báo sẽ chết ngay khi mới chập chững ở ngay sau vài bước đầu.

Nhiều em đã viết thư về thắc mắc, hỏi nếu báo bán lỗ thì tại sao ta không in chỉ vừa đủ số bán thôi, như vậy có phải đỡ lỗ vốn vì tiền in, tiền giấy của các số còn ế không? Nhưng đi vào thực tế, thì làm sao ta có thể phân phối được số báo vào đúng những tay người mua để cứ hễ có 3000 độc giả thì chỉ in đúng 3000 số. Khi giao báo, nhà phát hành sẽ giao theo hệ thống sạp. Không phải sạp nào cũng biết chắc mình bán được bao nhiêu số để chỉ lấy đúng từng ấy số. Có tuần lấy 10 số chỉ bán được có hai (trả về 8 số). Có tuần lấy 5 số lại bán được cả 5 số, đòi lấy thêm 5 số nữa nhưng rồi chỉ bán thêm được 1 số (ế 4 số). Số bán ế ấy sẽ giao trả về cho tòa soạn. Như vậy, để có thể phát hành báo được dồi dào, nhà báo nào cũng thế, bắt buộc phải in một số lượng cao hơn là số báo thực sự bán được. Thường thường muốn bán 6000 số bắt buộc phải in 10.000 hay 12.000 số. Theo kinh nghiệm của các nhà phát hành thì tờ báo nào bán được 50% số báo phát hành là tờ báo đã thuộc vào loại khá. Có nhiều tờ in 5000 số chỉ bán được không tới 200 tờ (họ sống vào nguồn tài trợ khác). Tờ Yết Kiêu số 1 của Lê Tất Điều in 20.000 số chỉ bán được vỏn vẹn có 80 số! (Bây giờ tình trạng tương đối đã khá hơn, nhưng cũng vẫn còn lỗ lã không thua gì Thiếu Nhi cả).

_____________________________________________________________________
Xem tiếp KỲ VI 


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 86, ra ngày 22-4-1973)

Bìa của Vi Vi : Hoa Bất Tử (Immortel)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>