Thứ bẩy (tiếp theo):
Hằng tuần, vào tối thứ bẩy,
tờ Thiếu Nhi
đã được thực hiện xong hoàn toàn bản chính với đầy đủ phần sắp chữ, hình ảnh và
minh họa. Công việc còn lại sau cùng là anh chị em trong tòa soạn phân chia
nhau ngồi đọc lại từ trang đầu tới trang chót để sửa những lỗi morasse còn sót
lại. Với những lỗi nhỏ như chấm, phẩy, hỏi, ngã thì sửa bằng tay, những lỗi
nặng hơn như sai cả chữ, cả đoạn thì cắt, dán, đắp vá sao cho được êm đẹp. Nhờ
công việc tỉ mỉ này mà tờ báo tương đối không bị nhiều lỗi lầm về mặt kỹ thuật.
Chúng tôi chỉ dám nói là tương đối, vì nhân vô thập toàn, người sửa bài nhiều
khi đọc tờ báo với sự chủ quan, không thể nhìn thấy hết những lỗi rành rành
trước mắt nhất lại là những bài mình đã quen thuộc đọc đi, đọc lại mấy lần qua
lần sửa thứ nhất, thứ nhì ở giai đoạn xếp chữ. Trong giới ấn loát, người ta đã
thường kể một câu chuyện về sửa lỗi morasse như sau: Có một cơ sở ấn loát (tất
nhiên là ở ngoại quốc) muốn ấn hành một quyển Kinh Thánh không bị một lỗi ấn
công nào, nên quyết định sau khi xếp chữ và sửa lỗi xong một trang, sẽ dán
trang đó ở chỗ mọi người qua lại và ra điều lệ hễ ai tìm thấy một lỗi xếp sai
nào sẽ được trọng thưởng. Trang thứ nhất được dán lên trong vòng cả tuần lễ, ai
đi qua cũng đọc, ai đi qua cũng soi mói để tìm ra lấy một lỗi, nhưng rút cục
chẳng ai nhìn thấy một lỗi nào. Tình cờ vào phút chót, lúc trang sách sắp sửa
được đem in, thì một ấn công khám phá ra có một lỗi ở hàng chữ tít to nhất,
chiếm một chỗ lớn nhất trên trang sách
mà bao nhiêu người đã đọc nhưng không ai tìm ra. Đó là chữ BIBLE (Kinh Thánh)
được xếp sai là BILBE! Thì ra do sự chủ quan, ai cũng đã quá quen thuộc với chữ
Bible nên nhìn chữ Bilbe vẫn cho là đúng. Tâm lý của những người sửa bài ở T.N
cũng là như vậy. Cho nên, nếu khi đọc từng bài báo, nếu có gặp phải những sơ
xuất nào, mong bạn đọc cũng dễ dãi mà tha thứ, trong khi tòa soạn cũng sẽ cố
gắng để đạt tới mức tốt đẹp hơn.
Ít tuần nay, anh chị em
trong tòa soạn đã bàn luận rất nhiều về vấn đề tăng giá báo. Đó là một vấn đề
gây điên đầu không ít cho tất cả mọi người. Kể từ khi các nhật báo từ 25 đồng
một tờ lên đến 35 đồng, thì hầu hết các báo định kỳ cũng đã nhất loạt lên giá.
Trong lãnh vực báo học trò, tờ Tuổi Ngọc đã bán 80 đồng một số. Báo Thằng Bờm
từ 40 đồng đã lên 50 đồng. Báo Tuổi Hoa từ 40 đồng lên 45 đồng. Trong khi đó, Thiếu Nhi
vẫn cắn răng chịu đựng ở giá 50 đồng. Không phải là tờ T.N giầu sang gì, nhưng
tòa soạn hy vọng sự lỗ lã sẽ được bù đắp bằng số báo bán ra nhiều, chứ không
phải ở chỗ đề giá cao. Hơn nữa, độc giả của T.N phần lớn là các em còn cắp sách
đi học. Hằng tuần, việc bỏ ra 50 đồng (ở tỉnh xa 55 đồng hay 60 đồng) để mua
một số báo hàng tuần là cả một vấn đề khó khăn, nhất là đối với các học sinh
nghèo (số lượng này chiếm một tỷ lệ khá lớn trong số các độc giả của T.N)
Nhưng chủ trương không tăng
giá báo, mà chú trọng vào mặt phát triển thêm độc giả của tòa soạn trong thực
tế hầu như không thực hiện được. Theo thống kê của Ban Quản Lý, những
số báo gần đây, ra vào dịp các trường tổ chức thi cá nguyệt, số độc giả đã sút
giảm đi rõ rệt. Rồi nhìn vào tương lai 3 tháng nghỉ hè sắp tới, trường học đóng
cửa, một số báo tiêu thụ ở văn phòng các trường sẽ không còn bán được nữa. Đàng
khác, giá giấy vẫn tiếp tục lên vù vù,
mỗi lần nhận được điện thoại của nhà giấy gọi tới là mọi người choáng váng cả
mặt mày. Xin đưa ra vài con số để độc giả so sánh:
– Về giá giấy in ruột, kể từ khi T.N đề giá 50 đồng
thì mỗi rame (500 tờ) từ 840 đồng lên 1.200 đồng. Rồi từ đó giấy đã lên giá
thêm 2 lần nữa: 1.400 đồng và hiện nay là 1.600 đồng mỗi rame.
– Về giá giấy bìa còn mệt hơn: từ 1.900 đồng mỗi rame,
lên 2.350 đồng, và mới cách đây hai tuần, đã lên 4.300 đồng mỗi rame.
Trong tương lai, không biết
giá giấy còn leo thang đến đâu nữa. Điều này đã làm cho hy vọng hòa vốn của T.N
cứ mỗi lúc một thêm xa vời, và vấn đề đặt ra cho tòa soạn bây giờ là có nên
tăng giá báo không?
Bác Chủ Nhiệm,
con người hiền hòa, từ xưa đến nay vốn tế nhị không muốn chen vô khía cạnh tiền
bạc (mặc dù báo lỗ, bác vẫn phải gánh chịu) nên không đưa ra ý kiến nào và để
Tòa soạn hoàn toàn tìm lấy một quyết định đúng.
______________________________________________________________________
______________________________________________________________________
Xem tiếp KỲ VIII
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 88, ra ngày 6-5-1973)