Thứ Ba, 6 tháng 7, 2021

Đầu Năm Tỵ Nói Chuyện Rắn

 Trong một lúc nhàn cư vi "buồn tình", các ngài Con Trời đã bịa ra hệ thống Thiên-can Địa-chi để đo năm tháng ngày giờ. Mười hai cái mốc chính gọi là Thập Nhị Địa Chi, Tỵ ở cung thứ sáu, do một chú Rắn làm chủ.

Thế gian này đâu thiếu gì muông thú, nên cái việc để cho loài Rắn được lọt vào chung kết rồi nghiễm nhiên chiếm cứ một cung, đã làm những kẻ hậu sinh nghĩ ngợi không ít. Các ngài Con Trời xôi thịt? Hay Rắn "giỏi ăn khéo ở"? Chịu! Ấy là "xắc mắc" tí chơi vậy thôi ; vụ đó thuộc kiếp nảo kiếp nao rồi, Hà này là đứa hậu sinh biết làm sao được! Vậy xin gác chuyện đó lại. Nhân đầu năm Tỵ, mời quí vị nghe chuyện rắn đông tây kim cổ.
 

Rắn và cục tội của các ông


Truyện cổ tích của phần đông các nước trên thế giới đều kể rằng xưa kia đã có thời loài người và loài vật sống chung hòa bình bên nhau, thông cảm được nhau qua tiếng nói.

Thế rồi những mối bất hòa cũng phải xảy ra khiến con người  xa lánh dần giống vật - hoặc ngược lại. Khi đã ít tiếp xúc thì sự thông cảm không còn, tiếng nói biến trại lần lần tùy thủy thổ từng nơi, cho đến một lúc "ngôn ngữ" bất đồng hẳn. Người và vật không hiểu nhau được nữa. Một số lại trở thành thù địch, hễ giáp mặt nhau là sinh chuyện, không mất đầu thì mẻ tay sứt mình. Cũng có nhiều con vật tâm địa vốn tốt được loài người "chiêu hồi" trở về và trở thành những tay chân đắc lực. Duy có tiếng nói thì vẫn khác nhau lắm lắm...

Sách vở đã chứng minh rằng loài vật phản bội trước. Vụ lường gạt trên quả đất này đã xảy ra giữa tổ-mẫu loài người và một con Rắn, mà nạn nhân chính là bà Evà. Truyện được ghi trong Kinh thánh Cựu ước, một cuốn sách cổ nhất và rất đáng tin cậy.

Theo đó, sau khi dựng nên trời đất, cây cỏ, cá mú, muông chim... Thượng đế mới năn ra loài người vào ngày thứ Sáu, một người nam là A-đam, người nữ là Evà. Thượng đế cho hai ông bà sống trong vườn Ê-den đầy cây lành trái ngọt, và cho ăn thả cửa, - chỉ trừ một cây "Biết lành Biết dữ" thì Người cấm ngặt ông bà "... Chớ hề ăn đến ; vì một mai ngươi ăn chắc chắn hoạn nạn sẽ đổ lên đầu các ngươi..."

Chỉ ít lâu sau một con Rắn mò tới xúi dại bà Evà: "... Cứ ăn đi chẳng chết đâu. Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái cây đó, mắt mình mở ra sẽ tốt lành như Đức Chúa Trời"

Thấy trái cây thơm ngon lại "quí hóa" đến thế, E-và nghe bùi tai liền hái ăn, xong đi tìm A-đam đưa cho chồng cùng ăn nữa. A-đam vừa chớm nuốt thì Thượng Đế chợt hiện ra, chàng giựt mình kinh hãi, và trái cây tắc luôn ở cổ họng.

Cho nên, con cháu (trai) của A-đam về sau đều phải mang "cục tội" nơi cổ.

Từ buổi đó loài người hết thân thiện với Rắn, cho rằng Rắn là hiện thân của Satan, của tội lỗi. Rồi do sự thiếu thiện cảm đó mà sinh ra lắm dị đoan, nhất là dân Á Châu mình.

Có rất nhiều cuộc hôn nhân bất thành vì chàng tuổi Dậu còn nàng sinh năm Tỵ ; hoặc chàng đẻ năm Tí, nàng ra đời năm Tỵ v.v... Chả là vì các cụ tin là tuổi đó kỵ nhau, xung khắc nhau, Gà với Chuột có đời nào ở chung được với Rắn! "Chúng nó" có nên vợ chồng thì rồi cũng đến "đĩa bay mâm vù" suốt đời. Thế là các cụ cho mỗi đứa đi một ngả!

"Niềm tin" đó của các cụ vẫn được các ngài "giữ chặt" tới bây giờ, cũng như tục ra đường nhỡ xe cán phải rắn thì dù vội dù cần cũng mau mau hồi gia mà cúng quẩy đã...

Cổ tích Việt-nam có ghi một chứng tích lật lọng của loài Rắn như sau:

Có anh chàng bắt Rắn về nuôi cho ăn ở trong nhà. Chẳng may gặp phải tiết đại hạn đào không ra ếch nhái cho nó ăn, Rắn bèn trở mặt đòi xực luôn kẻ nuôi mình. Anh chàng ức lắm, trả lời:

- Được rồi, chú muốn ăn tôi cũng được. Nhưng trước khi chết để tôi đi hỏi hàng xóm xem như thế có phải không.

Cả hai sang hỏi Hạc ở bên kia đường. Hạc đáp: "Người ta thương nuôi mày từ nhỏ, bây giờ mới thiếu ăn mà mày đã đòi giết người ta. Còn gì là đạo lý lễ nghĩa nữa không?"

Rắn chưa chịu, đi hỏi Rùa. Rùa ngủng ngoẳng đáp: "Đem người ta về nhà mà không nuôi nổi thì thịt đi là phải!"

Đến lượt anh nhà quê không chịu. Vừa lúc đó quạ bay ngang, anh đem tự sự trình bày cho quạ nghe. Chẳng nói chẳng rằng, quạ nhào tới mổ ngay sọ.

Con Rắn chết không kịp ngáp.
 

Đời sống


Trong thực tế rắn chẳng mang lợi lộc gì cho chúng ta cả. Dăm ba trăm con chuột đồng được loài rắn "tiêu thụ" hàng năm không đáng kể nếu chúng ta biết có những đàn chuột cả trăm ngàn con dọn sạch một cánh đồng lúa nội trong nửa đêm. Cái họa của nó mới thật là thấm thía: riêng miền Đông nam Á mỗi năm rắn đã "giải thoát" cho từ 25 đến 35 ngàn mạng người được được xuống ngủ với giun dế!

Công đầu là của hai giống rắn tối nguy hiểm trong vùng này: Krait (9 người bị nó mổ có 8 người chết, 88,9%) và Sawscaled Viper (một loại rắn lục, tỷ lệ chết là 36,4%)

Hàm trên của rắn có mấy móc cứng như răng, phía trong rỗng dẫn tới tuyến nọc độc. Khi cắn nọc độc tiết ra theo ống dẫn thấm vào máu nạn nhân làm máu đông đặc lại, nghẹt thở và... hết sống.

Người ta nghiệm rằng khi bị rắn độc cắn nếu thấy máu không chảy rỉ sẽ dễ bề cứu chữa hơn, vì nọc rắn chưa "chạy" kịp vào mạch máu ; chỗ cắn chỉ bầm tím. Nếu máu rỉ ra nhiều là triệu chứng nguy hiểm: nó đã "tiêm" trúng mạch, nọc độc sẽ trực tiếp đi thẳng vào tim: đến đây thì vô phương cứu chữa.

Trường hợp biết chắc bị rắn tối độc cắn (như mai gầm, rắn lục, vài giống hổ mang v.v...) mà ở quá xa làng hoặc các trạm y tế, nếu không thể cột được thật chặt phía trên vết cắn (quãng giữa gần vết cắn và tim) thì "tốt nhất" là lấy dao khoét ngay miếng thịt chỗ đó hoặc (can đảm lên tí chút nào) chặt phăng ngón chân hoặc ngòn tay bị cắn đi. Đầu năm không xui bậy đâu nhé. Thà bị một tí sẹo, cụt một ngón chân còn hơn là cảnh này xảy ra: "sau vài phút dãy dụa nạn nhân thở hơi cuối cùng, các chân lông đều rớm máu."

Mọi giống rắn đều ăn thịt sống. Trứng cũng là món thích khẩu không kém. Ban đêm rắn mò lên các ngọn cây (như dừa, cau...) đớp chim ăn, dọn luôn mấy quả trứng nếu có, hoặc rình mổ mấy chú dơi săn muỗi bay ngang. Phần đông rắn thích xực những con mồi bé hơn mình, chừng dăm bảy con là đủ bữa. Tuy nhiên không vì thế mà Rắn tha cho những con thịt sáu bảy lần lớn hơn chiều ngang của nó.

Trong một cuốn sách nói về xứ Ba Tây, ông George Gardner cho biết một lần gặp xác một con Anaconda (loại rắn lớn nhất miền Nam Mỹ) treo lủng lẳng ở một chạc cây ven bờ sông. Chiều dài của nó đo được 11 mét hơn. Khi mổ xác ông tìm thấy những đốt xương của một con ngựa, vài khúc bị bẻ gãy, còn thịt ở trạng thái tiêu hóa dở chừng. Đặc biệt bộ xương sọ vẫn còn nguyên vẹn! Chắc chắn con Anaconda này đã nuốt lửng một chú ngựa con và chết vì bội thực.

Một vụ khác ở Ấn: Một con mãng xà Ấn-độ (Indian Python) dài trên dưới bốn thước tây đã lăn đùng ra chết sau khi "điểm tâm" một con nai dực ba tuổi. Trong cuộc khảo sát sau đó, người ta thấy chỉ có xương đùi sau bị gãy, xương sườn, xương chân trước và sọ không hề sứt mẻ. Duy cặp gạc non thì bị gãy d8ôi, có lẽ con rắn đã siết chặt.

Hai trường hợp kể trên hơi đặc biệt, vì cả hai đều chết khi nuốt hết con mồi lớn quá khổ. Xin hiểu cho rằng không phải chú Rắn nào cũng vụng về kiểu đó. Trự nào nuốt có nghệ thuật thì chỉ cần làm ba hoặc bốn vố như thế chia đều trong năm là đủ sống rồi.

Tấn công những con thịt cỡ đó hơi vất vả. Phải mổ xuống thật nhanh mạnh, quấn vài vòng quanh rồi siết thật chặt cho tới lúc địch thủ bất động hẳn. Khi con thịt đã dãn dài ra, mềm nhũn, Rắn bắt đầu nuốt. Lúc đó nước bọt mới tiết ra thật nhiều.

Nhờ xương hàm dưới rất dài nối với xương đầu bởi một đoạn xương thứ ba nên miệng rắn có thể há được rất rộng. Cả hai hàm đều có răng nhưng không thể nghiền đồ ăn mà để giữ mồi.

Cũng như một vài con vật khác rắn có thể ăn thịt đồng loại, ngay cả con của nó nữa. Một số rắn coi con "King Suake" là một kẻ thù nguy hiểm vì nó hay ăn đồng loại nhất.

Rắn có một cách "bảo vệ" con rất kỳ lạ: khi gặp biến nó nuốt cả đàn con vào bụng để cứu chúng. Miệng rắn chỉ có hai lối vào bụng là khí quản và thực quản. Khí quản rất nhỏ, chỉ có thứ rắn vừa mới sinh nở mới chui lọt ; tuy nhiên nếu chúng vào bằng đường đó thì bố mẹ chúng sẽ ngộp thở mà chết. Còn qua thực quản để xuống cơ quan tiêu hóa thì rắn con sẽ bị "tiêu" luôn là cái chắc. Các nhà động vật học vẫn "bó tay" không giải thích được hành động lạ lùng này.

Hầu hết loài rắn đều đẻ trứng. Tùy từng giống, mỗi ổ có từ 2 đến 100 trứng và có thể hơn. Có một điều chúng ta khó tưởng tượng được: ngoài những giống chỉ sinh đẻ trong hang, các bộng cây, hoặc đi chiếm tổ của loài chim, một vài con biết làm lấy tổ để đẻ. Phải nhớ là rắn không có tay chân đấy nhé. Năm 1956, tại vườn thú Nữu Ước ông James A. Oliver thu vào phim màu trọn công cuộc "kiến thiết" tổ của con "King Cobra". Trong vòng 2 ngày, con rắn mái dài 4 thước này kết được một cái tổ thật gọn ghẽ, 40 phân chiều cao và đường kính hơn 90 phân. Vật liệu do ông Oliver (giám đốc sở thú này) cung cấp gồm cọng sậy và lá khô. Có nhiều chi tiết thật tài tình thú vị trong hai ngày dựng tổ của nó, tiếc rằng dài quá nên không thể kể ra đây hầu quí bạn. Xin cứ tưởng tượng một con Rắn cuộn quanh đống cọng sậy mà đẩy, kéo, nghẹo cổ lại thành một góc nhọn để ủi như chiếc cày, rồi chun vào giữa mà nới rộng miệng tổ để nằm... nghĩa là dùng hết mọi cách "sẵn có" (!) của nó.

Hai ngày sau khi xong nhà mới, cô nàng cho ra đời một lô trứng, đoạn phủ lên một ít củi và lá khô rồi nằm cuộn tròn trên đó.

Cũng có giống rắn đẻ con 9 như các loại Rắn lục...). Thực ra thì trứng của chúng nở trong bụng trước khi sinh.
 

Rắn đầu và rắn tru di...


Trở về Việt Nam, Văn học sử còn ghi lại một truyện Rắn thật ngộ nghĩnh.

Tương truyền ông Lê Quí Đôn khi còn nhả đã nổi tiếng thông minh, đĩnh ngộ, nhưng mắc phải bệnh... lười và nghịch ngơm thì không ai bằng...

Lần kia chú bé họ Lê đang tắm ở bể cạn trước sân thì có ông bạn của bố lại chơi. Lê lúc đó trần như nhộng, đứng dang tay dạng chân ra  nói với khách:

"Cháu đố cụ đồ... chữ này là chữ chi?"

Ông khách bất bình nhưng thấy thằng bé tuy láu lỉnh mà thông minh, bèn vào kể lại với bạn.

(Chữ cậu bé đố cụ đồ là chữ thái (tiếng Tàu) có hình tượng như một người đứng dang tay chân, có thêm cái... "dấu phẩy" ở phần phía dưới.

Ông bố thẹn với bạn, điệu Lê Quí Đôn lên định cho ăn chạch. Khách thương tình xin tha ; bố họ Lê liền bắt làm bài thơ để tạ tội với khách, ra đề là "Rắn đầu". Không làm được thì phải đòn. Cậu bé xuất khẩu đọc ngay một bài thất ngôn bát cú. Thơ rằng:

Rắn đầu biếng học.

Chẳng phải liu điu, vẫn giống nhà.
Rắn đầu biếng học chẳng ai tha.
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối
Lằn lưng cam chịu vết roi tra.
Từ đây Châu, Lỗ chăm nghề học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

Bố và bạn bố nghe xong khoái quá khen lấy khen để, quên cả tội cậu bé.

Vì ngoài tài xuất khẩu thành chương, Lê Quí Đôn còn chơi chữ thật lý thú. Một chữ "Rắn" ở đầu đề chỉ có nghĩa là khó bảo khó dạy (ta thường mắng rắn mày rắn mặt, hay cứng đầu cứng cổ...) thế mà tác giả đã khéo tìm toàn tên những con rắn ghép vào: liu điu, hổ lửa, mai gầm, (rắn) ráo, (thằn) lằn, hổ mang, thành một bài thơ vừa miêu tả được tính rắn đầu cứng cổ củ mình vừa chứa được mỗi câu... một con rắn.

*

Chắc các bạn chưa quên được cái chết oan khiên của Nguyễn Trãi và ba họ. Ông là bậc văn chương mưu lược lỗi lạc, tác giả những bài văn khét tiếng: Bình Ngô đại cáo, Thư dụ Vương Thông, và gần với chúng ta hơn là cuốn Gia huấn Ca. Nguyễn Trãi còn là nhà chính trị và quân sự đại tài. Trong 10 năm kháng chiến chống quân Minh ông là cánh tay phải của Lê Lợi bao lần bày mưu lập kế, vào sinh ra tử, giúp Lê Lợi bình định được xứ sở.

Vậy trong trường hợp nào một vị công thần mở nước, văn võ toàn tài như Nguyễn Trãi lại bị mang đại án tru di tam tộc được?

Sử Việt ghi rằng sau khi Bình định Vương Lê Lợi thăng hà, con thứ là Nguyên Long lên ngôi (tức vua Lê Thái Tông). Vì không "hợp ý" bọn hoạn quan quanh Vua mới, ông từ quan xin về ở Côn Sơn làm nhà dạy học.

Sau học trò cứ ngày một đông, ông bèn sai dọn khu vườn kế nhà để làm thêm lớp học.
 
Đêm đó trong mộng ông thấy một người đàn bà tới năn nỉ với mình rằng "Xin thầy thương tình hãy khoan dọn vườn, cho mẹ con tôi náu lại vài ngày. Khi mẹ con tôi cứng cáp rồi sẽ xin đi ngay"
 
Tỉnh dậy thì trời đã sáng rõ, ông thấy đám học trò của mình đang phở đất dọn dẹp khu vườn. Ông ngờ vực, cho gọi học trò vào hỏi xem có gặp sự gì lạ ngoài vườn không . Họ cho biết có gặp một con Rắn mẹ và hai Rắn con. Họ đã đập chết đôi Rắn nhỏ, còn con Mẹ chạy thoát được.

Ngày tháng qua. Một đêm kia khi ngồi đọc sách tới khuya, ông chợt thấy một con rắn trườn tới bàn, há miệng nhỏ một giọt máu xuống cuốn sách ông đang đọc, thấm suốt ba trang. Nguyễn Trãi chợt liên tưởng tới giấc mộng dọa nào và quyết đoán đại họa sắp xảy đến cho mình, không chừng cả ba họ.

Quả nhiên đến năm Đại Bảo, Nhâm Tuất (1442)* Vua Thái Tông bị chết bất ngờ trong giờ vợ Nguyễn Trãi là Thị Lộ đang hầu đêm. Triều đình xúm vào đổ tội cho Nguyễn Trãi và vợ đầu độc Vua, rồi bị kết án phải giết ba họ.

Một người thiếp của ông, đang có thai, may mắn trốn thoát và sinh con trai là Anh Vũ. Hơn hai mươi năm sau, án của ông được Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) duyệt lại và được minh oan. Vua truy tặng tước Tế văn hầu. Lại còn sai tìm Anh Vũ ban ruộng nương và cho làm một chức quan huyện.

Người ta còn truyền tụng rằng sau đó Anh Vũ được vua sai đi sứ bên Tàu. Khi qua hồ Động Đình bỗng có một con rắn lớn hiện lên gieo sóng gió làm thuyền của Anh Vũ chòng chành dữ dội. Biết là rắn lại tìm đến báo oán, chàng chỉ xin cho được làm tròn sứ mệnh đã, xong việc nước sẽ xin chịu tội. Sóng gió liền im.

Trên đường về, thuyền của Anh Vũ bị đắm ở giữa Động Đình hồ ; chàng chết chìm ở đó.

Nói về Nguyễn thị Lộ, sách "Lịch Triều Hiến chương Loại chí" của Phan Huy Chú chép: Đời truyền rằng trong gò lớn ở làng ông (Nguyễn Trãi) có con rắn lớn. Chỗ ấy cây cối um tùm, người làng không dám chặt. Người ông nội của ông thích về phong thủy, mới dựng nhà học trên đó, sai người dọn dẹp, nhỡ giết phải con rắn ấy. Con rắn thành tinh ngầm mang thù oán, mới đầu thai vào Thị Lộ. Nàng sinh ra dưới sườn có vảy. Ông lúc nhỏ đi đường gặp nàng ở Vũ Lăng, yêu về tài sắc mới lấy làm vợ. Khi ông lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh nàng đều được dự nhuận sắc. Thái Tông nghe tiếng, vời nàng vào hầu cho làm Lễ nghi học sĩ. Bấy giờ ông đã già (trên 60 tuổi), muốn về dưỡng nhàn ở Côn Sơn mấy lần xin không được, mới lưu nàng lại hầu Vua, Vua mới cho. Ngày Vua đi đông tuần, nàng hầu đêm, bol64ng Vua chết một cách bất ngờ. Kịp khi kết tội, làm hình, Thị Lộ chạy gieo mình xuống nước, người ta cho là rắn báo oán".

Truyện có vẻ hơi hoang đường gần như "ngoài rìa" lịch sử. Tin hay không tùy... từng người. Ta có thể giải thích một cách khác... d6ẽ tin hơn: Nguyễn Trãi gặp Thị Lộ tuy là ả bán chiếu (thao bài thơ của ông: "Ả ở đâu nay bán chiếu gon..." khi "tán" Thị Lộ) nhưng tài (thi phú) và sắc vẹn toàn. Vua Thái Tông mới 20 tuổi động lòng yêu, ép về làm thiếp. Vì rượu chè trác táng quá độ, chết bất tử trong lúc có Thị Lộ hầu bên cạnh. Bọn hoạn quan vốn sẵn ghét Nguyễn Trãi vin vào dịp đó cho rằng ông thù về chuyện "cướp vợ" nên âm mưu đầu độc vua. Kết quả cả giòng họ nhà ông bị giết một cách oan uổng.


Rắn sống chung hòa bình


Không lẽ cứ nói xấu về Rắn mãi. Cũng phải tìm cho ra một "sự tích" hay một hành động khả dĩ có thể gỡ lại chút xíu danh dự cho loài rắn chứ? Khổ nỗi moi óc mãi chỉ nhớ được máng máng một truyện rắn trả ơn. Không biết có đúng chăng? Đại khái có người giúp rắn được việc chi đó, rắn bèn nhả biếu một hòn ngọc quí, hễ ngậm vào thì nghe được tiếng loài vật.
 
Nghe một đàn chim sẻ  chí chóe, anh biết kho thóc của vua bị hư một phía vách, chim chóc đã phá hoại khá nhiều. Anh liền trình tấu cho vua biết. Một lần khác đàn kiến rì rào tính cách chạy lụt vì nước dâng cao. Anh cũng đến báo để vua biết mà đề phòng v.v... và v.v.Có lẽ chúng ta phải tự động hiểu ngầm rằng sau đó anh ta được vua ban chức tước, ruộng đất. Hay muốn ly kỳ hơn thì thêm rằng anh chàng từ chối về sống ẩn dật nơi quê nhà... cho ra vẻ "cổ tích".

Nhiều giống rắn lành như rắn nước, rắn rồng, hổ hành v.v... Một vùng ở miền núi Bắc Trung phần người ta nuôi rắn rồng trong nhà để bắt chuột. Giống nầy mình có nhiều màu rất đẹp, đầu và trên lưng có vi.

Vùng đông Châu Phi có loại rắn mù (blind snake) thuộc giòng Typhlops thường sống chung với giống kiến đàn tên Dorylus, hộ tống cho chúng khi kiến dời tổ. Người ta đã chứng kiến một con rắn đi gần đầu đàn, với vài con kiến dẫn đầu (chắc là những  tên hướng đạo dò đường), một số cưỡi trên lưng rắn. Cả đàn đi sau đó khiêng tổ. Khoa sinh vật học chưa hiểu gì nhiều về giống rắn này. Có lẽ nó là một loại nô lệ chuyên quét dọn rác rưởi và "tiêu thụ" xác chết của kiến trong tổ chúng.

Ở Mã Lai Á có một ngôi chùa đầy rắn độc, vắt vẻo khắp nơi trong chùa. Bực thềm, chậu kiểng, sà nhà, trên bệ thờ... đâu đâu cũng có rắn, mà toàn loại rắn độc xanh lè. Điều lạ là chúng chưa hề cắn ai bao giờ. Nhà chùa phải đài thọ trứng gà, vịt hàng ngày vì chúng nhất định đóng đô ở đó. Người ta gọi luôn là chùa rắn.

Cuối cùng phải nhắc tới một món nhậu đại bổ của dân "ve chai". Một hôm nào đó bạn thấy ở chợ Đuổi hay chợ cũ Hàm Nghi những bác nhà quê thò tay vào giỏ mây lôi ra những con rắn hổ đất còn sống nhăn, mời chào loạn xạ. Hổ đất là loại rắn dữ, họ dám cầm lên bằng tay không như thế vì tay họ đã thoa một loại thuốc ngải, làm rắn đờ đẫn ngây dại, trở nên hiền khô.

Dân nhậu mua về lột da, làm ruột, đoạn bằm thêm gia vị đem chiên lên rồi chén thù, chén tạc. Một giống rắn hổ còn có huyết rất bổ. Người ta treo lên, chặt một tí phía đuôi và hứng lấy huyết vào trong chai đã có sẵn ba-xi-đế. "Bổ hơn bất cứ món rượu bổ nào trên thế giới". - Dân nhậu quả quyết thế đấy!

Và để chấm dứt bài này xin mượn lời "một nhà chuyên môn" nói về món cháo đậu xanh nấu với rắn hổ đất: "... ăn vô rồi mình mẩy nghe mát rượi, đánh một giấc thẳng tấp tới sáng!".

Hấp dẫn chưa!


HÀ TĨNH     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Ất Tỵ, 1965)

__________ 
* Vua Lê Thái Tông ở ngôi chín năm, đặt niên hiệu hai lần: Thiệu Bình (1434-39) và Đại Bảo (1440-42)


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>