Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

CHƯƠNG VI_MỘT CUỘC HỒI SINH


CHƯƠNG VI

MỘT NÀNG TIÊN

Sau bữa cơm tối, ông Thúc mới mở tờ báo ra coi đã nghe có tiếng gọi cửa.

- Lạ nhỉ! bà Thúc nói nhỏ. Nhà mình xưa nay có ai lại chơi giờ này đâu cà. Tề, ra coi xem ai.

- A, chú Bộc ! Tề reo lên, nửa ngạc nhiên, nửa mừng rỡ.

Bộc bước vào, tay mang một gói quà lớn hơn kỳ trước.

Ông Thúc hơi lấy làm lạ, bảo :

- Chú Bộc nghĩ tình xưa nghĩa cũ thỉnh thoảng tới thăm chúng tôi là quý rồi. Sao cứ bầy vẽ quà bánh làm chi cho tốn kém. Chú xử như vậy làm chúng tôi thêm áy náy.

Bộc khúm núm trình bầy :

- Thưa ông bà, đây là cái lộc của con. Cái lộc tự nhiên trời cho, nhờ gặp cậu hai với cô ba mà được. Vì thế cọn mới dám mang lại để cùng hưởng với ông bà,

Mọi người đều ngạc nhiên. Ông Thúc hỏi lại:

- Chú nói thế nghĩa là thế nào?

- Thưa, đầu đuôi câu chuyện thế này. Con vốn làm gác dan cho trường Thành Nhân ở Phú thọ như hôm nọ con đã thưa với ông bà. Ở cái đất Saigon này, con không có họ hàng bà con nên cả mấy năm nay con không hề xin nghỉ một ngày nào để đi thăm viếng người thân. Chỉ có hôm nọ, lại đây thăm ông bà, con mới nghỉ một buổi chiều. Ông chủ lấy làm lạ có hỏi chuyện con. Con cũng cứ thực khoe vừa gặp gia đình chủ cũ. Vui miệng, con đọc cả tên cậu Tề, cô Bình. Ai ngờ con gái ông chủ có mặt ở đấy cứ phăng phăng hỏi tới... Nghe đến tên ông bà, cổ nói là có quen...

- Ủa! Quen chúng tôi? Bà Thúc hỏi. Ai vậy cà?

- Con cũng lấy làm lạ. Hỏi lại thì cô ấy nói chỉ mới biết tên thôi chứ chưa quen. Và cô ấy muốn tìm gặp ông bà.

- Ai thế chú Bộc? Ở Saigon, chúng tôi có quen biết ai đâu!

- Cô ấy là cô Tiên Hương, con gái út của ông bà chủ trường. Cổ nói ba cổ có một ông bạn già qua sinh sống ở bên Mên đã lâu vẫn biên thư nhờ cổ tìm giùm gia đình một người thân. Cổ không tìm ra được vì không có địa chỉ đích xác. Vừa nghe con nói đến tên cậu Tề, cô Bình, cổ mừng quá vì đó chính là tên những người trong cái gia đình cổ muốn kiếm.

Ông bà Thúc nhìn nhau, nửa mừng nửa lo.

- Thế cô ấy có nói tên cái ông già ở bên Mên là ai không? Ông Thúc hỏi.

- Thưa không, con có hỏi, nhưng cô ấy giấu.

- Lạ nhỉ! Má thằng Tề à, tôi nghi đó là anh Hai của chúng mình cũng chưa biết chừng.

- Tôi cũng nghĩ vậy.

Bộc nói tiếp:

- Cô Tiên Hương hỏi lại con một lượt nữa rồi vỗ tay reo :

- Thế thì đúng rồi! Trời xếp đặt hay thật! Lúc định kiếm thì kiếm mãi không ra, khi không tìm thì lại gặp. Chú Bộc hên lắm đó. Đây thưởng cho chú một ngàn uống cà phê chơi. Bữa nào rảnh, chú dẫn tôi lại thăm ông bà Thúc nhé...

Bộc chăm chú quan sát những nét biến đổi trên gương mặt hai người đối thoại trước khi tiếp tục:

- Vì thế con mới nói là con có cái lộc tự nhiên, cái lộc do ông bà mà có. Con không dám đường đột dẫn cô Tiên Hương đến đây. Con phải hỏi ý ông bà trước.

Bà Thúc hơi ngần ngại :

- Gia đình chúng tôi bây giờ không được như trước, bà nói. Thực tình chúng tôi chẳng muốn tiếp rước hay làm quen với ai.

- Con nghĩ, Bộc nói, cô Tiên Hương tuy là người lạ, nhưng biết đâu cổ lại chẳng là đại diện cho một người thân nào của ông bà. Vả lại, con xem ý cổ là người tử tế, chắc chỉ mang những điều tốt lành tới cho ông bà mà thôi.

- Tôi cũng mong vậy, ông Thúc nói. Tôi nghĩ chú cứ dẫn cô ấy lại đây chơi xem sao.

- Vâng. Ông bà cho cô ấy được gặp vào hôm nào ạ ?

Bà Thúc hỏi chồng :

- Có lẽ vào ngày nào mọi người trong gia đình mình có nhà cả thì hơn nhỉ ?

- Ờ! Ông Thúc đáp. Nhưng ngày nào má nó cũng đi bán cả sáng lẫn chiều. Chã lẽ để cô ấy lại tối.

- Thưa, chú Bộc vội xen vào, đàn bà con gái đi khuya e bất tiện.

- Thôi được, bà Thúc nói, chủ nhật tới, tôi nghỉ một bữa cũng chẳng sao.

Ông Thúc tươi cười kết luận :

- Phải đó, sáng chủ nhật tới, chú mời cô Tiên Hương lại đây chơi. Bữa ấy, nhà tôi nghỉ chợ và tụi trẻ cũng nghỉ học.


*


Sáng chủ nhật nắng ráo. Với suối tóc mun bao quanh khuôn mặt trái soan, với đôi mắt đen lay láy có tia nhìn thông minh và thành thực, với nụ cười nở hoa trên đôi môi hồng không thoa sáp, với tà áo trắng tinh khiết may bằng thứ vải tầm thường, nàng xuất hiện trong căn nhà tối tăm chật hẹp như những nàng tiên thường xuất hiện trong những chuyện truyền kỳ.

Tiên Hương được cảm tình ngay của những người đối thoại trước khi nàng cất tiếng :

- Thưa hai bác, bây giờ cháu mới tìm gặp hai bác thật là có lỗi. Nhưng nếu không có chú Bộc tình cờ gặp được cậu Tề thì không biết đến bao giờ cháu mới làm tròn được nhiệm vụ.

Ông Thúc hỏi:

- Cô có thể cho biết vị nào đã giao cho cô nhiệm vụ ấy không ?

- Thưa bác, cháu rất tiếc chưa thể tiết lộ danh tính vị ấy bây giờ được. Cháu đã hứa giữ kín, xin bác vui lòng thông cảm cho cháu.

- Nhưng chắc cô có thể cho biết đại khái nhiệm vụ ấy ra sao chứ ?

- Dạ được. Nhiệm vụ của cháu là tìm hiểu cận trạng của hai bác, liệu tìm cách giúp đỡ nếu cần, và báo cáo cho ông bạn mà cháu xin tạm gọi là ông X (ông Ích) để cho dễ xưng hô...

Nàng nói tiếp :

- Ông Ích cẩn thận và chu đáo lắm. Ổng không muốn làm phiền ba má cháu nên đã giao sẵn cho cháu một số tiền để cháu tùy tiện chi dùng khi cần thiết.

Ông Thúc hỏi gặng :

- Đã đành ông Ích chưa muốn để lộ tính danh. Nhưng chắc ông ấy cũng cho cô biết ít nhiều về mối liên hệ giữa ổng và gia đình chúng tôi ?

- Thưa không. Ổng chỉ nói bác là một người thân của ổng. Cháu không dám hỏi kỹ. Cháu cũng đoán có thể là có liên hệ gia đình mật thiết. Song cháu không dám tọc mạch tìm hiểu, và cháu tin chắc sẽ có một ngày ổng phải tự ý nói ra.

- À, thế cô có thấy ổng nói bao giờ về nước không ?

- Thưa có, Tiên Hương đáp, nhưng không rõ ràng đích xác lắm.

- Nghĩa là sao hả cô ?

- Nghĩa là ổng sẽ về nước một năm nào đó, vào ngày 31 tháng 8.

- 31 tháng 8 ? Ông Thúc kinh ngạc la lên và đưa mắt nhìn vợ cũng ngạc nhiên không kém.

- Vâng, ông có ghi rõ ràng ngày tháng ấy, nhưng không nói năm nào.

Ông Thúc lẩm nhẩm :

- Đúng rồi ! Đúng rồi ! Không thể nào sai được !...

Rồi ông lảng sang chuyện khác :

Cô Tiên Hương hiện giờ còn đi học hay đã đi làm ?

- Thưa, cháu còn đi học.

Bà Thúc hỏi :

- Cô học ở đâu, năm nay có đi thi không?

- Cháu mới học năm thứ nhứt Trường Thuốc. Mỗi năm mỗi thi đó bác. May quá, cháu vừa qua được năm dự bị.

Bà Thúc khen nức nở :

- Trời ơi ! Cô còn nhỏ tuổi quá mà học đã cao như vậy, chắc ông bà ở nhà sung sướng lắm nhỉ ?

Tiên Hương cười, trả lời khiêm tốn :

- Cháu có tài giỏi gì đâu, bác. Nhờ ba cháu có chỉ dậy thêm cho cháu nên cháu may mắn không bị chậm trễ năm nào.

Rồi nàng lựa lời nói :

- Thưa hai bác, ông Ích căn dặn trong thư phải chú ý đặc biệt đến việc học của cậu Tề và bé Bình. Vì thế cháu nghĩ việc phải lo trước nhất là tính sao cho các em có đủ thì giờ học hành...

Ông Thúc gật đầu, sốt sắng đỡ lời :

- Vâng, ông Ích nghĩ đúng. Đó là mối bận tâm chính của chúng tôi. Bây giờ cô cũng như người thân trong nhà, tôi nói chắc cô cũng chẳng nỡ chê cười. Đời chúng tôi vất vả khốn đốn đến thế nào, chúng tôi cũng ráng chịu được nhưng nếu việc học hành của chúng nó bị dở dang, lỡ cỡ thì chúng tôi ân hận vô cùng.

Tiên Hương mừng rỡ thốt :

- Vậy cháu có thể kết luận rằng ông bà đã chấp nhận ý kiến của ông Ích là phải ưu tiên tạo điều kiện cho các em được yên tâm học hành. Ông Ích có giao sẵn cho cháu một số tiền như cháu đã thưa lúc nãy. Tiền ấy, cháu có mang theo đây. Nay cháu xin nộp lại cho hai bác để đóng học phí dần cho hai em. Và từ nay trở đi, hai em cần để tất cả thì giờ vào việc học.

Năm chục ngàn đồng lúc này là một số tiền khá to tát. Nó có thể cứu vớt một gia đình kiệt quệ và làm đà cho mọi người tiến tới.

Hy vọng tóe sáng trong đầu óc người gia trưởng cùng lúc với những ý tưởng chua chát.

- Xưa kia, ông Thúc tự nhủ, hai vợ chồng đua nhau phá tán, coi đồng tiền như rơm như rác nên mới ra nông nỗi. Thật cũng đáng đời! Nay trời thương có người cứu giúp, nếu không biết tu tỉnh làm ăn thì đến kiếp nào mới thoát khỏi cảnh bệ rạc này !...

Vợ ông cũng vui sướng như mở cờ trong bụng.

Bà cầm gói tiền, rơm rớm nước mắt, lòng biết ơn pha trộn với niềm tủi nhục, và thẳng thắn nói:

- Dù cô chỉ là người trung gian như cô nói, chúng tôi cũng mang ơn cô không biết bao nhiêu mà kể. Chúng tôi ráng dùng số tiền này sao cho khỏi phụ lòng tốt của cô và của ông Ích.

Trước khi đứng dậy ra về, Tiên Hương kéo bé Bình lại gần, vuốt ve và bảo :

- Chị để chiếc xe gắn máy của chị lại cho em nghe.

- Em đã có xe đạp rồi chị, bé Bình vội đáp. Anh Tề em cũng có xe đạp nữa. Đi học như vậy đủ rồi, chị.

- Chị biết. Dùng xe đạp đi học rất tốt. Nhưng những lúc cần chở má đi chợ hay đi giao hàng, có cái xe gắn máy cũng đỡ tốn thì giờ và sức khoẻ...

Bà Thúc và bé Bình tiễn chân Tiên Hương ra tận đầu hẻm. Bộc dắt chiếc xe gắn máy của chú theo sau.

Bé Bình bỗng ôm lấy tay Tiên Hương hỏi :

- Chị Tiên Hương ơi! Em thấy chú Bộc kêu chị là cô Hương, chắc mọi người cũng kêu chị như vậy. Em muốn gọi khác đi một chút, được không chị ?

Tiên Hương cười tươi, cúi xuống vuốt tóc Bình hỏi :

- Em muốn đổi tên cho chị hả ? Được, muốn gọi chị là gì đây ?

- Em muốn gọi chị là chị Tiên. Chị đẹp như một nàng tiên. Chị cũng ban phép lạ như một nàng tiên nữa. Sáng nay, từ ngoài nắng bước vào, chị mang cả một trời ánh sáng vào căn nhà tối tăm của em. Chị hiện ra đúng như một nàng tiên đẹp tuyệt vời vậy đó!

Tiên Hương nói đùa để che giấu sự cảm động :

- May mà chị mặc áo trắng và đến lúc ban ngày. Nếu bận quần áo đen và tới vào lúc ban đêm, chắc em trông chị ra mụ phù thủy mũi khoằm rồi!

- Không bao giờ! Bé Bình cãi. Chị luôn luôn xinh đẹp và hiền từ như một nàng tiên. Chị chịu cho từ nay em kêu chị là chị Tiên nhé.

- Ờ, cũng được!... Phải rồi, tên Tiên nhắc lại cho chị nhớ những kỷ niệm đẹp thời còn ở Trung học. Lớp chị có ba đứa tên Hương. Mai Hương này, Thanh Hương này, và chị là Tiên Hương. Muốn cho gọn, các bạn chị lấy chữ đệm gọi thay tên. Thành thử bây giờ vẫn có nhiều bạn kêu chị bằng tên Tiên đó...

"Thôi, chị về nghe. Bữa nào rảnh, Bình xin phép ba má lại chị chơi nghe.

Quay sang bà Thúc, nàng chào :

- Thưa bác, cháu về. Mai mốt có thư của ông Ích, cháu sẽ tới thăm hai bác.


*


Cả gia đình ông Thúc mừng như trong lòng mở hội và linh cảm thấy những ngày cơ cực sắp chấm dứt.

Bà Thúc cười, mấy năm nay bà mới có nụ cười tươi thắm như sáng hôm nay :

- Ai ngờ vợ chồng mình cũng có số được quý nhân phù trợ nhỉ ?

- Tôi nghi quý nhân đây không ai khác hơn là anh Hai quá, ông Thúc vui vẻ nói.

- Tôi cũng nghi vậy. Đáng chú ý nhất là cái hẹn về nước vào ngày cuối tháng tám.

- Phải rồi. Cái hẹn ấy, ngoài vợ chồng con cái mình ra, chỉ có anh Hai và thằng Di biết mà thôi. Thẳng Di thì đã đi biệt tích mất rồi. Vậy chỉ còn có anh Hai. Cứ suy ra cũng đủ rõ ! Đích thị anh Hai rồi! Ở đời chỉ có anh Hai là thương vợ chồng mình hết lòng, chứ còn ai vào đó nữa !

Bà Thúc băn khoăn thực sự :

- Nhưng càng nghĩ, tôi lại càng lo. Lo ngày anh Hai về không thấy thằng Di, vợ chồng mình biết ăn nói làm sao cho ổn?

Ông chồng thở dài ảo não :

- Anh Hai đối với vợ chồng mình như bát nước đầy. Ngược lại, vợ chồng mình xử với anh quá tệ! Thật không còn mặt mũi nào trông thấy anh hai nữa !

Người vợ bỗng thấy loé lên một tia hy vọng :

- Tôi có cảm tưởng như thằng Di đã sang bên ấy gặp ba nó rồi. Hiện nó đang sống bên cạnh anh Hai cũng chưa biết chừng. Cho nên cô Tiên Hương không hề đá động đến thằng Di. Nếu không, chắc anh Hai phải thắc mắc xem thằng Di đang sinh sống học hành ra sao chứ ! Lý đâu trong thư chỉ hỏi thăm cháu mà không hỏi đến con !

- Ờ, bà nói có lý. Tôi cũng mong sự thật là như vậy. Vái trời cho nó được sống bình yên bên ba nó. Để một ngày kia, ba nó về đây, tội của vợ chồng mình được nhẹ bớt một phần nào.


*


Sáng chủ nhật hai tuần lễ sau, Tiên Hương lại tới. Nàng khoe từ ngoài cửa khoe vào :

- Hai bác ơi! Ông Ích khen ngợi cháu không để đâu cho hết. Vì cháu thi hành đúng ý ổng quá xá ! Giai đoạn một đã xong. Bây giờ phải lo đến giai đoạn hai là vừa.

- Giai đoạn hai là sao cô ? Bà Thúc hỏi.

- Thưa bác, giai đoạn hai là vấn đề sức khoẻ của bác trai, ông Ích dặn phải lo mọi cách giúp bác trai "cai" cho kỳ được.

- Đúng đó ! Ông Thúc vội nói, tay chỉ vào mấy cái đồ nghề của ổng. Cô Tiên à, tôi vẫn thường nói với nhà tôi đó, tâm nguyện của tôi là phải dứt khoát hẳn với cái của nợ này. Không gì bê tha, bệ rạc, mất tư cách bằng hút xách, nghiện ngập. Nếu có sức khoẻ đầy đủ và có phương tiện, tôi nhất quyết bỏ thuốc phiện cho kỳ được, dù có phải vì thế mà chết tôi cũng cam tâm.

- Thưa bác, cháu nghĩ bây giờ thời cơ đã tới. Một mặt, bác có thể yên tâm tĩnh dưỡng một thời gian cho có đủ sức chịu đựng. Mặt khác, anh hai cháu hiện đang làm sinh viên nội trú ở nhà thương Chợ Quán, có thể trông nom cho bác hết lòng về chuyện thuốc men.

- Ồ, thế thì quý hóa quá. Tôi chỉ sợ thuốc phiện nó vật, mình yếu sức không chịu nổi mà thôi. Nhưng nếu có cậu hai chiếu cố giùm cho thì khỏi lo về mặt ấy nữa.

Tiên Hương hớn hở tiếp lời :

- Vâng, bác khỏi lo về mặt thuốc men và săn sóc khi ở nhà thương. Ngoài anh hai cháu ra, cháu còn có thể sở cậy vào một anh bạn cùng lớp nữa. Ảnh đang thực tập ở đó. Ảnh sẽ luôn luôn túc trực để không có gì đáng tiếc xẩy ra cho bác.

Ông Thúc thở phào nhẹ nhõm, tưởng chừng như hiện đã thoát khỏi tay cô ả phù dung :

- Nếu phen này tôi "cai" được, có thể nói cô Tiên đã cải tử hoàn sinh cho tôi đó. Ơn của cô, gia đình tôi sẽ ghi nhớ suốt đời!

- Xin bác đừng dậy thế, cháu không dám nhận đâu. Vả lại, nói cho ngay, cháu chỉ làm theo lời chỉ dẫn của ông Ích mà thôi.

Lập tâm đưa ra một đòn đột ngột để may ra biết được một phần nào sự thật, ông Thúc hỏi một câu thật bất ngờ :

- Thằng cháu Di tôi vẫn được bình yên ở bên ấy với anh Hai tôi đấy chứ, cô ?

Tiên Hương trả lời tỉnh như thường :

- Chắc bác muốn nói đến ông Ích đấy phải không ạ ? Thưa bác, có một điều chắc chắn cháu có thể tiết lộ ngay với bác là trong thư của ông Ích, cháu không hề thấy đá động đến ai tên là Di cả.

- Thế ạ ! Ông Thúc thẫn thờ đáp. Anh Hai tôi tính rất kín đáo. Cách xử sự lại thường ra ngoài sự dự đoán của mọi người.

- Dạ. Bây giờ cháu tính thế này, hai bác nghĩ có được không. Từ ngày mai chú Bộc sẽ về đây giúp việc cho hai bác.

Bà Thúc vội ngắt lời:

- Không được đâu cô. Trước đây chú ấy đã có ý đó nhưng chúng tôi thấy không tiện chút nào.

Tiên Hương giảng giải cặn kẽ để trấn an :

- Hai bác đừng bận tâm điều đó. Chú Bộc vẫn được trả lương đàng hoàng y như khi giúp việc cho ba cháu. Cháu chỉ ứng tiền ra thôi vì ông Ích sẽ hoàn lại đầy đủ cho cháu. Ý của ông Ích là muốn có người tiếp tay cho bác gái chẳng những trong việc bếp núc mà còn cả trong việc nuôi người bệnh khi bác trai đi nằm nhà thương nữa. Nếu không, nhà neo người, làm sao bác yên tâm đi chữa trị lâu ngày cho được!

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>