Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Cá Mập: Cái Đáng Sợ Của Biển Cả


1/ Một lần lặn sâu xuống biển tại hòn đảo Djerba thuộc Tunisia, J.Y Cousteau diện kiến cá mập lần đầu tiên trong đời. Có thể nói đó là những sinh vật bọc da đồng, lộng lẫy, tráng lệ, dài 2,4m, từng cặp một lội nhởn nhơ sau những chú cá ép đầy tớ. Chúng giương giương tự đắc bơi qua mặt Cousteau và cô bạn đồng hành – Simone. Cá mập ở Djerba thế là ít ; ở Hồng Hải thì phải biết, chúng xuất hiện đông đảo, người đếm không xuể.

Từ những kinh nghiệm rút tỉa qua trên 100 con cá mập, ông Cousteau tìm ra chân lý :

Quen với cá mập nhiều chừng nào, lại biết nó ít chừng ấy, và cũng không thể đoán trước được việc sắp làm của cá mập.

2/ Lớp da trơn láng, nổi lên những lớp nhăn lớn như gợn sóng, để lộ những bắp thịt rắn chắc. Cái đầu lắc lư chậm chạp, từ trái qua phải, từ phải qua trái. Nó lướt mình nhẹ nhàng, uyển chuyển với một vận tốc đều đặn. Chỉ có đôi mắt là đứng yên, tập trung mọi tia sáng vào con mồi trước mặt, không! Kẻ thù của nó thì đúng hơn. Không khí chết chóc bao trùm làn nước trong xanh ấy.

Sâu 30 thước dưới Ấn Độ Dương, chú cá mập dừng lại, đứng yên như bất động. Con vật quả là to lớn, dài 2m,1 và đặc biệt, hàm nó mang 7 hàng răng sắc như dao cạo mới mài.

Con vật có thể bơi với tốc độ trung bình 30 hải lý, nhưng hiện giờ nó đang bao vây Cousteau khi ông định trồi lên mặt nước. Cousteau biết rằng có thể vòng vây sẽ thu hẹp nhỏ dần, nhỏ dần… một cách tàn nhẫn, và dù cho ông có thành công trong việc đẩy lui đợt tấn công đầu đi chăng nữa, ông biết chắc sự thành công này sẽ không làm nản lòng nó. Mấy đợt tấn công sau sẽ mỗi lúc một tới tấp hơn và có thể cuối cùng nó sẽ phá thủng hàng rào phòng thủ yếu ớt của ông, rồi nó sẽ tiến lại táp một miếng thịt ở người Cousteau… Nhưng đấy chỉ là giả thuyết đặt ra khi Cousteau là kẻ giao chiến.

Cousteau trở vô thuyền kiểm soát, sau cái liếc mắt cuối cùng vào bóng đen không một khuyết điểm và đôi mắt mở lớn đang nhìn chòng chọc vào ông. Cousteau nhìn lại những người bạn đồng hành với đôi mắt biết ơn. Họ nhìn ông, tất cả đều hiểu dù không ai nói một tiếng : họ là kẻ giao chiến!

3/ Một ngày trời nắng, ngoài khơi giữa hai hòn đảo Boavista và Maio, chiếc tàu khảo cứu đưa nhóm thợ lặn tới một bờ đá ngầm cheo leo nguy hiểm. Tàu được neo lại để mọi người lặn xuống vùng biển hoang dã. Nơi nào có đá ngầm, nơi ấy có cuộc sống phong phú.

Một số cá mập nhỏ bơi tới khi họ định thả neo. Thay vì thả neo, họ thả móc buộc cá thu làm mồi xuống nước, đợi một lát, họ đã bắt được 10 con cá mập. Tạt ngang việc câu để lặn, họ đã bỏ lại 2 chú chưa dính mồi. Trong cơn sóng mạnh ào tới, 2 chú mắc câu vội vã gỡ…

Dưới mô đá ngầm, một thế giới cá mập hiện ra trước mắt nhóm thợ. Một vài chú cá mập to lớn dị thường, trông có vẻ vô hại đối với loài người. Họ trông thấy 3 chú cá mập đang say ngủ trong khi máy chụp hình lại đòi hỏi những tấm hình sống động. Damas và Tailliez bơi vào động, lay đuôi kêu chúng dậy. Ba chú phóng ra ngoài rồi mất hút trong làn nước trong xanh.

Kế đó, họ trông thấy một con cá mập da nhám dài hơn 4,5m. Cousteau vẫy Didi lại, ra dấu với anh ta dùng súng gắn lao giết con mồi. Đó là một ngọn lao dài 1,8m, đầu nhọn mang chất nổ. Ở vị trí cách xa con mồi 3,6m, Dumas “khai hỏa”. Ngọn lao nặng 1kg,8 đâm thẳng vào đầu chú cá mập to lớn dị thường kia. Hai giây sau, đầu lao phát nổ. Họ lắc đầu thảm não : con vật không hề hấn gì!

Thật bình tĩnh, cá mập ta lặng lẽ bỏ đi, với ngọn lao cắm ngay đỉnh đầu trông tựa cột cờ. Một vài mũi lao bồi theo nữa, nhưng lao đi trệch, phóng xuống đáy bể. Con vật tiếp tục di chuyển. Nhóm thợ lặn vội vã bơi theo sau để xem nó ra sao.

Chẳng sao cả! Nó chứng tỏ những dấu hiệu bình thường rồi tăng tốc độ nhanh dần, nhanh dần rồi mất hút, bỏ lại sau lưng nhóm thợ chắc lưỡi tiếc rẻ.

Kết quả mà họ ghi nhận được là sự khác thường của cá mập. Ăn một ngọn lao ghim qua đầu mà vẫn sống nhăn răng. Rõ ràng khó ai chê nổi sức chịu đựng phi thường của loài cá này.

4/ Cách xa Dumas và Cousteau khoảng 12m, xuất hiện lờ mờ một khối trắng di động : một con cá mập lai cá đuối ( Carcharodon carcharias) dài trên 7,5m. Đây là giống cá mập ăn thịt người kinh niên duy nhất. Dumas, tay vệ sĩ, tiến lại sát bên Cousteau. Con thú dữ bơi với vẻ lười biếng. Nó nhìn thấy họ. Trong niềm lo sợ khủng khiếp trộn với một tinh thần sáng suốt cao độ, con vật đại tiện ra một đống phân rồi phóng mình đi với tốc độ kinh hồn : Dumas và Cousteau nhìn nhau cười chảy nước mắt!

Câu chuyện trên đây xẩy ra khiến họ không còn khiếp sợ trước cá mập nữa. Họ không còn cần đến vệ sĩ theo bên mình. Cá mập mũi nhọn, cá mập khát máu, cá mập lai cá thu, cá mập ở sâu đáy biển…, tất cả, không, hầu hết đều chạy xa họ. Sau nhiều tuần nghiên cứu tại mũi Verdes, nhóm thợ lặn quả quyết rằng : hầu hết mấy chú cá mập đều nhát gan, nhát như thỏ đế! Chính vì yếu tố này, bạn khó lòng quay phim với diễn viên cá mập được.

5/ Một lần nọ, mải mê chụp hình, Cousteau không để ý đến một chú cá mập đang tiến tới gần. Khi Cousteau thấy cái miệng dẹp phẳng của diễn viên hiện lên to dần, rõ dần… Mới chợt thức tỉnh, nhiếp ảnh viên chợt lạnh người… Nhưng Cousteau vẫn còn kịp thì giờ ném chiếc máy ảnh va vào miệng nó. Cảm thấy đau, con thú dữ quay trở lui. May mắn sao, cuộn phim không hư nên bạn đọc còn được trông thấy 4 bức ảnh chụp kế tiếp nhau, chứng tích còn lại, trước khi chú cá mập hậm hực bỏ đi…

6/ Con người chưa hề biết loài cá mập này có di chuyển từ vùng này sang vùng kia không, nhưng chắc chắn hầu hết phải bơi không ngừng, ngày lẫn đêm.

Có hai lý do để giải thích:

Cá mập không có cơ quan cho phép chúng giữ thăng bằng ở mọi độ sâu. Nếu ngừng bơi, con vật lập tức chìm.

Cá mập không có thứ máy bơm nước – chẳng hạn, một cái miệng luôn cử động – để chuyển dưỡng khí vào máu. Chúng bắt buộc phải dựa vào việc di chuyển thường xuyên để thở.

7/ Sau cuộc nghiên cứu tại Hồng Hải, nhóm thợ lặn nhận thấy rằng mỗi chú cá mập thường chọn cho mình một bờ đá ngầm đặc biệt. Hằng ngày, khi họ lặn xuống chỗ cũ, họ lại trông thấy những chú cá mập cũ. Quyền sở hữu một nơi, không có nghĩa là chủ nhân từ chối tiếp đón các chú cá mập khác. Chú cá mập còn tỏ ra hài lòng với cái địa vị chủ nhân ông ấy lắm. Kẻ ở nhờ phải ăn trước mặt chủ nhân và cũng chỉ ăn những gì thừa thãi sau bữa no lòng của chủ nhân mà thôi. Hoặc khi con mồi quá lớn chủ nhân ăn không xuể, bấy giờ mới đến lượt kẻ ở nhờ hẩu xực. Nếu các điều kiện này không được tôn trọng, lập tức một cuộc chiến chớp nhoáng xảy ra.

8/ Một chú cá mập đang đói vớ được cái gì cũng ngoạm, một phiến gỗ, mấy cánh quạt một động cơ hay ngay cả một chú cá mập khác. Nhưng đặc biệt, cá mập chết chúng không bao giờ dám mó tới. Thính giác chúng bén nhậy và rất kỵ cái mùi đồng loại chết. Lạ! Bữa ăn ngon miệng thường khiến chúng no lòng rất mau. Món chính là cá. Bữa nào ăn phình bụng là bữa đó cho phép chúng sống trong nhiều tuần, mà không phải lo miếng ăn. Một khả năng khó tin nhưng có thật đáng ghi nhận nơi đây : bao tử loài cá mập chỉ tiêu hóa một phần nhỏ thức ăn lúc này, phần còn lại để nguyên vẹn đến lúc khác.

9/ Cách che chở hữu hiệu nhất của một người thợ lặn là trạng thái bơi trong yên lặng và chậm chạp, tránh mọi sự thay đổi vị trí thình lình. Nếu trông thấy một chú cá mập bơi về phía mình, tốt hơn hết là đừng hoảng hốt hay sợ hãi. Hãy nhìn tới với nét mặt bình tĩnh. Giả dụ trong tay mang một vật gì cứng – một cây súng bắn lao, một chiếc máy chụp hình – đừng tiếc của, hãy nghĩ đến sinh mạng và dùng nó làm một vũ khí, dù thô sơ. Ném thẳng vào mặt, tất nó phải sợ. Thông thường là như thế, trường hợp nó trở chứng thì… hết đường chạy!

Vậy chứ cái gì, ngoài mùi máu tươi, làm con cá mập mát lên bất tử?

Đó chính là những gì con người còn thắc mắc và là lý do khiến cá mập vẫn còn được gọi là… cái đáng sợ của biển cả.


ÁNH MINH     


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 225, ra ngày 1-8-1974)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>