Thế là chúng tôi giận nhau – Lan thì nhất định chọn màu hồng may áo tết. Tôi lại rất ghét cái màu không hạp nhãn đó – Chị em chúng tôi đi hết khắp phố một buổi chiều mà không mua được gì. Mỗi đứa hình như thấy chán ghét nhau thậm tệ. Về nhà má tôi hỏi:
- Sao tụi bây không mua gì cả?
Lan được dịp:
- Tại chị Thu, con bảo chị mua màu hồng, chị không chịu – Chị đòi may áo trắng – Trong lúc con có những hai chiếc áo trắng rồi.
Tôi tức đến muốn khóc.
- Sao lại tại chị Thu? – Cái màu gì nhìn như xoáy vào con mắt người ta mà vẫn thích – Tao có...
- Kệ em! Sắp mua được chị lại bảo thôi, chị muốn làm độc tài hở...
Rồi nó bật khóc... Con bé thật đáng ghét, mới một tí đã chảy nước mắt – Mẹ tôi nhìn Lan, nhìn tôi rồi khẽ lắc đầu.
- Sao con không chìu em một chút. Vả lại may áo cho em chứ có phải cho con đâu!
- Nhưng...
Tôi không nói thêm được. Tôi hằn học nhìn Lan và nghĩ thầm: "Được thể hổng thèm chơi với mầy nữa đâu"!
Buổi cơm tối tôi thấy thật nhạt nhẽo, vô vị. Thằng Dũng em chúng tôi, hết nhìn Lan rồi lại nhìn tôi, những hạt cơm trệu trạo trên đầu lưỡi. Mẹ tôi thỉnh thoảng ho nhẹ. Vắng ba tôi càng buồn hơn, một mình mẹ tôi không tạo được không khí vui vẻ cho mâm cơm. Mẹ tôi lại không rành về khoa pha trò. Chúng tôi vẫn cắm cúi ăn như cóc cần biết có đứa nào trước mặt. Thỉnh thoảng chân chúng tôi tình cờ gặp nhau dưới gầm bàn. Không hẹn, mỗi đứa đều rút lại thật nhanh, như sợ dính cái tính khó thương của đứa khác.
Tôi nghĩ đến lúc phải rửa bát mới thấy khó xử. Vì chúng tôi thường làm chung một công việc nặng – Không lẽ nhắm mắt lại, làm vỡ bát thì nguy to. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy, chúng tôi ngồi xây lưng vào nhau và con Lan chia đôi số chén bát của bữa ăn. – A! Con nầy khôn dữ! Nó lấy toàn bát không dính mỡ – Nó chơi trội hơn mình – Tôi ấm ức nhưng vẫn không biết phải làm sao.
Ba ngày qua rồi, Lan và tôi vẫn không thèm nhìn nhau, tôi bắt đầu thấy hối, nghĩa là bắt đầu bại trận. Mọi lần, Lan thường giảng huề trước, và ký hiệp ước bằng một nụ cười trước khi đi ngủ, nhưng lần nầy sao lại lâu thế – Chắc con bé có trò gì mới đây - Tôi nghĩ thầm và thấy hoang mang – Khung giấy chia đôi giường ngủ vẫn còn hiện diện làm chứng tích một sự chia rẽ, ngay từ tối hôm ấy tôi lấy một mảnh tre gác lên song, chia đôi chiếc giường, Lan lại dán thêm hai tờ báo cũ, thành một bức tường. Mẹ tôi bảo:
- Chúng mầy làm gì như xây tường Bá-linh vậy.
Nhưng vẫn không đứa nào chịu dẹp.
Đến tối, mỗi đứa càng cố nhích xa "ranh giới" càng hay – Tôi sung sướng khi nghĩ ra rằng con Lan không chịu nổi tình trạng nầy lâu đâu, vì nó vốn rất sợ chuột, tôi yên trí đợi nó đầu hàng vô điều kiện như mọi lần: Chắc con Lan sẽ cử thằng Dũng làm "trưởng phái đoàn" đi thương nghị. Có thể là một quả ổi: "Chị Lan bảo đem chị Thu" hay một tập Tuổi Hoa: – "Chị Lan nói bài ni hay lắm, chị Thu đọc chưa – Và trong những trường hợp đó, tôi không dại gì mà từ chối.
Bây giờ cũng gần 11 giờ khuya, con Lan có lẽ ngủ ngon rồi, tôi không nghe một tiếng động nào bên kia ranh giới. Thế mà tết nầy nó phải chịu mặc áo cũ vì còn quá ít ngày không thợ nào dám nhận hàng. Tôi thấy thương nó, rất thương nó là đằng khác, tôi thử dò phản ứng của con bé. Chắc nó còn giận tôi nhiều lắm.
Tôi lần mò để tay xâm phạm biên giới và tỉnh bơ:
- Mình thò tay qua bên ni mình chơi!
Vẫn không có gì, con bé ngủ say thế. Tôi lại bỏ nốt chân qua:
- Mình thò chân qua bên ni mình chơi!
Sao tôi vẫn không thấy đụng đến nó, con bé nằm xa thật. Tôi đưa nốt đầu qua, mắt vẫn nhắm:
- Mình thò đầu qua bên ni mình chơi!
Con bé gan lì thật, đến nước nầy mà nó vẫn không cười, tức quá tôi lăn hẳn mình qua.
- Mình qua bên ni mình chơi!
Và tôi quàng tay ôm nó: – Ủa! Sao trống trải thế nầy? Tôi bỗng thấy sờ sợ. Con Lan không nằm trên giường, tôi hốt hoảng tung chăn ngồi dậy nhìn ra cửa sổ, có tiếng ồn ào ở phía giếng. Tiếng mẹ tôi chới với:
- Vớt nó lên! Vớt nó lên giúp tôi chú Tư...
- Chết cha không lẽ con Lan...
Tôi hốt hoảng chạy ra. Hình như có tiếng cười rúc rích ở trong phòng, nhưng tôi không để ý, tôi lo quá, con Lan tức mình nhảy xuống giếng cũng nên – Tôi mếu máo:
- Mẹ!... Mẹ... Vớt... được chưa... con Lan...
Mẹ tôi ngơ ngác: – Con Lan sao?
Đúng lúc đó chú Tư kéo lên con mèo đen của tôi.
Không hiểu cu cậu làm thế nào để rớt xuống giếng. Tôi thẹn thùng:
- Con Lan đâu rồi mẹ?
Có tiếng cười của Lan sau lưng, nó nhái giọng tôi:
- Mình thò tay qua bên ni mình chơi!... Mình thò...
Tôi đổ cáu nhưng không nín được cười:
- Khỉ! Làm người ta hết hồn.
Mẹ nhìn chúng tôi mỉm cười, khi đó tiếng pháo bắt đầu vọng đến. Và chúng tôi biết một mùa Xuân mới đang điểm bước...
PHẠM THỊ MÙA THU
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Bính Ngọ, 1966)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.