Mạ
ngồi đan mũ, đôi tay nhanh thoăn thoắt. Bàn tay mạ – bàn tay làm việc
nhiều suốt cả nửa đời người – đã hơi nhăn, nhưng không hề mất đi vẻ dịu
dàng và mềm mại. Chiếc mũ nho nhỏ bắt mối lúc nãy, giờ đã gần xong. Mạ
đan nhanh thế đấy! Chiếc mũ này, và cả những đôi vớ đã đan xong, những
chiếc áo, những tấm tã may sẵn rồi, là của đứa con của mạ sắp sửa ra
đời. Mạ đặt bàn tay lên bụng. Con của mạ cựa quậy trong đây! Đứa con thứ
chín của ba và mạ! Mạ đưa mắt nhìn đàn con đang lớn. Lũ nhỏ nô giỡn với
nhau nghe thật vui. Ở một góc, Mỵ ngồi chăm chú đan chiếc vớ. Cô bé
thích đan giỏi như mạ nên cứ đòi mạ dạy đan cả ngày. Mạ
nhìn con mân mê nửa chiếc vớ đan được, nhìn bàn tay con vụng về làm sút
mũi, và mạ nhớ về thời xa xôi, thời ấu thơ của mạ – đầy nhọc nhằn và
đôi khi buồn tủi như quê hương của mạ bấy giờ.
Hồi
đó, ngoại thì nghèo, đâu có tiền nuôi cho mạ đi học đến nơi đến chốn.
Mười ba tuổi đầu mạ đã biết đan. Đó là nhờ mạ học hỏi ở bà con, chị em
bạn. Nhưng họ không muốn truyền hết nghề cho mạ, lại ra điều kiện là
phải đan cho họ một vạt áo để học một kiểu. Họ sợ ma đan đẹp hơn, nên cố
tình dấu diếm. Nhưng tính mạ kiên nhẫn, nên dần rồi mạ biết đan tất cả.
“Cái khó” không “bó cái khôn” của mạ, trái lại đã làm cho mạ khôn ra và
lớn lên.
Thời
mạ còn bé là thời Pháp thuộc. Các cơ sở phần lớn đều nằm trong tay
người Pháp. Mạ được vào làm trong hãng len của một “bà đầm”. Hàng ngày
mạ đến, ngồi đan áo cho bà đầm bán, và ăn công theo cuộn len. Tánh bà
đầm đã khó, lại thêm có mặc cảm tự tôn của kẻ đi cai trị nước khác, nên
bà ta càng hách dịch với người làm công. Có lần mạ đan đã gần xong một
vạt áo, bà đầm đến xem, và tìm thấy một chỗ nối len không vừa ý, bắt mạ
phải đan lại. Thế là mạ vừa khóc vừa tháo vạt áo mà cả buổi mạ mới đan
được, mất cả tiền công lại thêm đau xót cho số phận dân nghèo nước nhược
tiểu.
Những
thường dân hầu hết đều làm việc cho Tây mới đủ ăn. Ngoại cũng thế. Đôi
lúc ngoại đau, mạ phải đến làm thay cho ngoại. Bọn Tây cay nghiệt thường
dùng những câu chửi rủa bằng tiếng Việt chúng học được để mắng lại
người Việt khi họ làm gì trái ý. Mạ đã bị như thế một lần. Nhưng cũng
phải cắn răng chịu đựng, nếu không: mất chỗ làm, đói khổ! Mạ đã dấn thân
ngoài đời từ năm mười ba tuổi, nên mạ biết cay, biết nhục, biết khổ sớm
hơn con mạ bây giờ. Sống như vậy, mạ luôn cố gắng chịu đựng và có được
một ý hướng vươn lên, như đồng bào của mạ đã từng nô lệ, từng đau tủi và
từng tranh đấu thoát gông
cùm.
Khi
mạ lớn lên, khi mạ lấy ba, và khi mạ có con, mạ cũng lại chịu gian khổ
không ít. Những chuyến tàu mạ đi một mình đầy nguy hiểm, những ngày
tháng nghèo khó nuôi con khi ba bị động viên…, mạ đã vượt qua bằng sức
cố gắng vô cùng. Những đứa con của mạ, đứa nào cũng làm khổ mạ vì khó
nuôi. Mạ phải “cúng bán” các con để an tâm. Mạ kiêng cữ đủ thứ khi mang
thai. Mạ không cho ai bước qua chân mạ để con ra đời khỏi ốm đau yếu
đuối. Mạ cữ ăn chuối chát, sợ con khóc “dạ đề”. Sanh con ra, mạ không
cho ai khen con mạ mập mạp, bụ bẫm, vì sợ khen là “quở”. Con của mạ được
đội mũ, mang vớ, và mặc áo len đủ thứ kiểu do bàn tay khéo léo
và tài đan của mạ mà thành.
Kỷ
niệm đau xót nhất của mạ là ngày mạ mất đứa con thứ tư – em của Mỵ – Đó
là thời gian ba ở Ban mê Thuột vì động viên. Nhà lâm cảnh nghèo túng.
Em của Mỵ bệnh nặng. Sáng hôm ấy mạ đi vay tiền để chích thuốc cho em.
Khi về đến nhà, mạ vội vàng giở mùng để bồng em ra. Nhưng các con – lúc
ấy còn bé lắm – nghe mạ thốt lên:
-
Trời ơi! Con tôi sao vầy nè?... rồi mạ đứng sững. Một phút sau, mạ ôm
lấy em, khóc không thành tiếng. Em đã chết! Các con đứng nhìn nhau, mếu
máo. Mạ biết trách ai bây giờ? Mạ chỉ trách mạ nghèo!
Mạ
có con đông. Và mạ chỉ mong ước có đủ ăn và con của mạ mạnh khỏe. Mạ
không đi xem hát, không ăn tiệm đều đều như thiên hạ. Mạ không ao ước
sang giàu. Các con của mạ! – đó là quà của Trời ban cho mạ và là niềm
vui của mạ suốt đời. Mạ khóc mỗi lần nhớ đến chuyện mất đứa con. Mạ sợ
việc đó, cũng như mạ sợ các con khổ như mạ ngày xưa. Mỗi lần đan vớ, Mỵ
bảo với mạ:
- Con nhất định đan giỏi như mạ hồi trước.
Mạ cười và đôi mắt xa xăm:
- Nhưng đừng cực khổ như mạ con ơi!
Các
con của mạ không khổ – đúng là niềm mơ ước của mạ – Con của mạ được
sống trong nguồn hạnh phúc do mạ và ba tạo nên. Ba mạ cho các con học
hành đầy đủ và mong đứa nào cũng phải học hết đại học. Những gì ba mạ
thêu dệt mà không thực hiện được thì dành lại cho các con nối tiếp sau
này. Mạ đã sống thời gian đất nước nô lệ, nên mạ khao khát rằng con của
mạ phải được mở mắt và lớn dậy nhìn quê hương huy hoàng. Ôi đó là hoài
bão của mạ!
Con
của mạ mỗi đứa một tánh. Đứa hay nói đùa, đứa hay giận, đứa lại hay cắn
móng tay đến nỗi móng tay không dài được. Nhất là Mỵ thì hay ngồi trên
gác cả buổi trưa để “tối tác”, “sáng tác” gì đó (?) Mạ la rầy, nhưng đến
khi đọc những bài thơ đăng trên báo của các con viết về mạ, thì mạ lại
cười. Mạ thích có con đông – có lẽ vì kỷ niệm đau buồn ngày xưa – nên
mỗi lần có thai, mạ mừng hơn bắt được vàng. Mỗi đứa con của mạ là một
hạt ngọc quí vô cùng. Mạ chẳng tiếc gì sang sớt những thứ bổ dưỡng trong
người mạ cho con. Tám đứa con rồi, nhưng đứa nào cũng đều bú sữa mạ. Mạ
không cho con bú sữa bò, vì sợ con không
mập, vì mạ muốn tình mạ cho con được trọn vẹn…
… Cu Tiến từ ngoài sân chạy vào, đến lay tay mạ, nũng nịu:
- Mạ ơi! Đừng đan nữa, vô ru con ngủ…
Mạ bật cười:
- Hư rứa? Lớn đầu rồi còn bắt mạ ru ngủ. Rồi bữa nào có em bé thì làm sao?
- Không! Mạ ngủ với con hà!
Mạ bế cu Tiến lên, âu yếm:
- Bộ con không thương em bé hở?
- “Hương” chớ sao không “hương”!
Tiếng
nói ngọng nghịu của con làm mạ cười dòn. Mạ hôn cu Tiến, và sung sướng
nghĩ đến ngày mạ – với ba – với các con – cùng đón một bông hoa vô giá
khác hiện diện đến trong đời.
2
Mạ
bừng mở mắt sau cơn mê. Màu trắng bệnh viện và mùi thuốc vây quanh mạ.
Mạ đưa mắt nhìn sang chiếc nôi đặt bên kia. Con của mạ nằm trong đó phải
không? Lần này mạ sanh khó, nên mạ lo cho con của mạ quá! Con của mạ có
nguyên vẹn như anh chị nó không? Con của mạ có mập mạp xinh đẹp không?
Con của mạ có mệt mỏi như mạ bây giờ không? Mạ muốn ngồi dậy bước xuống
đất nhưng chân tay mạ nhấc không lên. Mạ lo lắng bồn chồn quá!
Cánh cửa phòng sịch mở: cô y tá vào. Mạ không để ý cô y tá nói gì, bảo:
- Cô làm ơn đẩy chiếc nôi đến gần đây giùm tôi.
Cô
y tá “dạ”, và mạ ngẩng đầu lên khi chiếc nôi được kéo đến bên giường.
Mạ vén mùng nhìn vào. Con của mạ đây! – Con trai – Ôi con của mạ mập mạp
trắng trẻo quá! Con của mạ thở thật đều và lâu lâu “mụ dạy” con của mạ
lại mấp máy đôi môi nhoẻn cười, hay bàn tay giơ lên quơ trong không khí.
Mạ bỗng nghe thân mạ nhẹ đi, cơn mệt mỏi biến đâu mất, mạ chỉ còn một niềm vui mênh mông.
Tiếng ríu rít của các con vang lên ở cửa phòng. Bầy con của mạ ùa vào. Chúng đứng trước nôi, reo lên:
- A! Em bé! Mạ sanh thằng cu dễ thương quá!
- Suỵt! Im cho em bé ngủ, tụi bây!
Lũ
trẻ xì xào bên tai nhau. Trong khi Mỵ lục cặp tìm bài thơ mới được đăng
báo để khoe mạ, chị Thúy và cu Tiến đến bên giường. Mạ vuốt tóc cu
Tiến, và hỏi chị Thúy:
- Cu Tiến ngủ với chị có đòi mạ không?
- Dạ không, cu ngoan ghê lắm mạ!
Mỵ cầm tờ báo có đăng bài thơ viết cho mạ, đem đến tính đọc mạ nghe, nhưng nhìn thấy vẻ xanh xao của mạ, Mỵ hỏi:
- Mạ có mệt không mạ?
Mạ đưa mắt nhìn qua chiếc nôi – trong đó, con của mạ đang ngủ say giữa tiếng bàn tán của anh chị nó – rồi mạ cười:
- Mạ không thấy mệt tí nào cả…
Nguyễn thị Mỹ Thanh
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 94, ra ngày 15-8-1968)