Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

CHƯƠNG II_TƯƠNG TƯ


II
 
 
Giáo sư Hiền quần áo chỉnh tề sắp sửa bước ra cửa thì Trúc chợt đến. Trông thấy Thư Trúc, ông nói :
 
- Hê lô ! Thư Trúc, good morning !
 
Giáo sư Hiền là bạn vong niên của cha Trúc, cũng hành nghề dạy học, nhưng ông Hiền theo tây học nên nếp sống của ông văn minh và… thượng lưu hơn cha của Trúc nhiều. Ông Hiền dạy sinh ngữ, còn giáo sư Chi thì chuyên dạy lịch sử và quốc văn (Trung Hoa). Tính tình của hai ông này khác nhau như hai thái cực, thế mà hai ông chơi rất thân với nhau.
 
Giáo sư Hiền có tất cả ba người con, một trai, hai gái. Hai cô con gái của ông là Mộ Dung và Niệm Từ, đều là bạn học chung trường với Trúc.
 
Trước năm 1954, cả hai gia đình giáo sư Chi và giáo sư Hiền đều ở Hà Nội. Sau khi vào Nam, tổng thống Ngô Đình Diệm ký nghị định Việt hóa Hoa kiều ở miền Nam, thế là họ nhập Việt tịch và trở thành người Việt gốc Hoa.
 
Giáo sư Hiền là mẫu người hoạt bát, văn minh thế đấy. Tuy nhiên, không phải là với ai, ông cũng trổ tài nói tiếng Tây, tiếng Mỹ, cũng không phải vì Trúc giỏi tiếng Mỹ mà ông đặc biệt nói với nàng. Lý do chính là vì Trúc chơi rất thân với con gái ông, thứ đến là ông có dạy kèm Anh văn cho Trúc và vài cô bạn khác của chị em Mộ Dung vào những chiều chủ nhật mỗi tuần. Đây là một nghĩa cử rất đẹp của ông, vì ông dạy miễn phí và bắt buộc họ phải học để có căn bản phát âm với một trình độ quốc tế như ông.
 
Trúc vui vẻ chào lại giáo sư Hiền :
 
- Chào bác ạ !
 
Trúc luôn luôn không dùng Anh văn để đáp trả lời giáo sư Hiền, điểm này có hơi phức tạp. Chẳng phải là Trúc không nói được tiếng Anh, mà là Trúc cảm thấy, trước một người đồng chủng, đồng ngôn ngữ, và đáng tuổi hơn mình mà nói tiếng ngoại quốc thì nghe nó vô lễ và phạm thượng hay thế nào ấy !
 
- Sao cả tuần nay không thấy cháu đến ? Hai con chó con của bác ngóng dài cả cổ ra !
 
Giáo sư Hiền vừa nói, vừa vò đầu Niệm Từ, cô con gái út của ông, vừa cười. Mộ Dung giẫy nẩy nói :
 
- Trời đất ơi ! Cha bảo tụi con là chó con à ? Con chẳng chịu đâu !
 
Niệm Từ cố tình trêu chị, nói :
 
- Trông cái mặt của chị giống hệt như con lợn con ấy, thế mà con làm bộ. Chó con còn đẹp hơn lợn con nhiều nhỉ, cha nhỉ ?
 
Ông Hiền cười hì hì. Mộ Dung đứng phắt lên, bẹo tai Niệm Từ mắng :
 
- Con bé này hỗn quá ta ! Này hỗn, tao cho mày hỗn !
 
Mộ Dung vừa nói, vừa bẹo mạnh tai Niệm Từ, cô bé đau quá la lên oai oái :
 
- Chao ơi ! Cái con lợn con này đói bụng quá xá, cứ cắn bừa lên tai của người ta, ái ! Ui cha !
 
Giáo sư Hiền cười, can gián :
 
- Thôi, đừng có cấu nhau nữa. Ba đi Sàigòn đây, có đứa nào muốn ba mua quà thì bảo ?
 
Niệm Từ nói :
 
- Thôi, khỏi cần ba mua đi ! Quà của ba toàn là thức ăn tay thay cơm cả. Không sanwiches nướng thì là mì khô. Ba mà “quà” về thì chắc chắn là chúng con phải mất món tiền ăn sáng.
 
Giáo sư Hiền cười, nói với Trúc :
 
- Thư Trúc, cháu xem đấy, lớn cả rồi mà cứ còn vòi vĩnh. Thôi bác đi đây. Cháu có thì giờ phải đến thường, chơi với chị em chúng nó nhá ! Không khéo chúng nó buồn quá, cứ cấu nhau mãi.
 
Rồi ông quay sang Mộ Dung :
 
- Thôi đừng dỗi nữa, em nó đùa tí có sao đâu nào ! Ba đi nhé ! good bye !
 
Nói xong, ông Hiền cúi người hôn phớt lên trán Mộ Dung, rồi đến Niệm Từ. Mộ Dung vùng vằng nói :
 
- Chúng con lớn cả rồi mà ba còn hôn hoài, may mà chỉ có Thư Trúc ở đây thôi chứ nếu có ai khác người ta cười chết !
 
Giáo sư Hiền cười hì hì vẫy vẫy tay chào vừa quay lưng đi.
 
Niệm Từ lân la lại gần Mộ Dung nói :
 
- Đố chị biết, bố đi đâu hôm nay ?
 
- Tôi không biết ! Bố thích đi đâu là quyền của bố !
 
- Ơ hơ ! Cái bà này, dỗi chi mà dai quá xá ! Chị Trúc, chị ngồi đây chơi nhá, để em xuống bếp xem còn tí cám nào không !
 
Niệm Từ bé nhất nhà, nên được cả nhà nuông chiều, thành thử, cô rất quá quắt. Mộ Dung tuy tính hay hờn dỗi, nhưng được cái là rất thương chiều em, nên Niệm Từ thường có những câu bông đùa quá đáng. Thấy Mộ Dung vẫn ngồi sịu mặt ra đấy, Trúc vội khuyên giải :
 
- Thôi đừng giận nữa Dung. Tình con bé khỉ quen rồi, hơi sức đâu mà cậu giận.
 
- Vờ đấy chứ ! Chiều hắn quá hắn chỉ khỉ chịu không nổi.
 
Thư Trúc và Mộ Dung chuyện trò được một lát thì có tiếng bà Hiền từ trong phòng vọng ra :
 
- Trả áo đây cho mẹ ! Nhanh lên nào ! Con khỉ, mày quá quắt lắm !
 
Niệm Từ từ trong phòng chạy ra, trên tay cầm chiếc áo dài Việt Nam của bà Hiền quơ qua quơ lại nói :
 
- Con nhất định không trả, trừ phi mẹ mặc áo xẩm xong con sẽ trả lại cho.
 
Thư Trúc đứng lên chào bà Hiền :
 
- Thưa bác ạ !
 
- Cháu đến bao giờ thế, Thư Trúc ?
 
- Thưa, lúc bác đang bận lễ Phật trên lầu đấy ạ !
 
- Thế à, cháu ở đây chơi với chúng nó, bác sửa soạn đi chùa lễ Phật. À mà này ! Ba cháu có còn dạy cho cái cậu gì người Việt ấy học nữa không ?
 
- Thưa bác còn ạ !
 
Niệm Từ chêm :
 
- Mẹ, nói cho mẹ nghe cái này, bác Chi bác ấy chọn chồng tương lai cho chị Trúc đấy, mẹ ạ !
 
Trúc cuống lên nói :
 
- Không phải thế đâu, thưa bác, bác đừng có tin cái con nhỏ này, nó hay nói…
 
- Bác biết rồi, con bé này láo lắm !
 
Rồi bà quay sang Niệm Từ :
 
- Trả áo đây cho mẹ, nhanh lên không trễ mất giờ của người ta !
 
- Con không trả ! Mẹ mặc áo dài đi ra đường người ta tưởng mẹ là người Việt Nam , hôm khác, trông thấy mẹ đi với con người ta sẽ bảo con là con của… bà già Việt Nam !
 
- Ừ thì con của bà già Việt Nam đã sao ?
 
Bà Hiền cười nói. Niệm Từ ngúng nguẩy :
 
- Con không chịu, con không chịu đâu !
 
Mộ Dung không nhịn được, lên tiếng :
 
- Úi chà, coi cái bộ tịch đỏng đảnh dễ ghét chưa kìa !
 
- Không ai nói với chị, đừng có lắm mồm !
 
Trong lúc Niệm Từ đôi co với Mộ Dung thì bà Hiền đã giựt phắt chiếc áo dài mặc vào người. Niệm Từ lồng lên :
 
- Mẹ, mẹ không cởi chiếc áo ấy ra, con sẽ gọi mẹ là… là cái bà già này cho mà coi !
 
Bà Hiền vừa khâu khuy áo vừa đủng đỉnh nói :
 
- Ừ, cô thích thì cô cứ việc gọi.
 
- Mẹ nghĩ là con không dám gọi thế đấy à ? Mẹ không cởi cái áo ấy ra con sẽ gọi ngay bây giờ.
 
Bà Hiền chẳng nói với cô ả nữa, bà lo thu xếp bánh quả vào giỏ. Niệm Từ tức quá dậm chân kêu to :
 
- Cái bà già này !
 
Chẳng ai lên tiếng cả, cô ả lồng lên :
 
- Cái bà già này, cái bà già n… ày !
 
Bà Hiền sửa soạn xong xách giỏ đứng lên nói :
 
- Nào, bà già này đi đây, có còn gì nói nữa không ?
 
Niệm Từ nói :
 
- Cái bà già này… kỳ quá xá !
 
Bà Hiền cười xòa, Trúc và Mộ Dung cũng không nhịn được cười theo. Bà Hiền đi rồi, Mộ Dung mắng em :
 
- Mày hỗn láo quá nhé Niệm ! Thấy được chiều rồi mày chẳng kiêng nể ai cả. Cha về tao sẽ mách cha cho coi !
 
- Cho chị mách, nhiều lắm là em bị cha mắng cho một trận. Nhưng chị coi chừng, em sẽ trả thù đấy !
 
- Cô trả thù chi tôi, tôi đâu có hỗn láo như cô mà hòng !
 
- Ai mà dám bảo chị hỗn ! Chị có hiếu thấy mồ ! Em sẽ mách cha chuyện khác cơ, việc gã con trai vô danh gọi điện thoại tống tình ấy mà !
 
Trúc đưa mắt nghi vấn nhìn Mộ Dung ngầm hỏi. Mộ Dung hội ý lắc đầu nguầy nguậy :
 
- Đừng tin cái mồm láo khoét của con khỉ chúa ấy, nó mới vừa vu oan giá họa cho cậu xong mà còn tin nó sao ?
 
Niệm Từ nói :
 
- Sức mấy mà em dám vu oan. Vụ “chồng tương lai” của chị Trúc sờ sờ ra đó. Bác Chi còn ra công dạy dỗ chàng rể tương lai đến quên cả thú đánh cờ cuối tuần, chả tin chiều nay chị đến nhà chị Trúc mà xem !
 
Trúc đầu hàng trước những lời trẻ con của Niệm Từ. Nhưng chẳng hiểu sao, dù biết những lời của Niệm Từ hoàn toàn chỉ có tính cách bông đùa Trúc cũng nghe lòng chợt thoáng bồi hồi.
 
*
 
Trưa hôm ấy giáo sư Hiền gọi điện thoại về bảo ông bận, không thể về để dạy bọn Trúc học được. Trúc cảm thấy một niềm vui của hồi còn ở tiểu học chợt đến với nàng. Hồi ấy, khi vào lớp học xong, được biết hôm ấy thầy bị ốm hay bận việc bất ngờ, cả lớp vui mừng như vỡ chợ. Song le sự vui mừng của thời thơ ấu khác xa với lúc đã lớn khôn. Bây giờ, không phải vì lười mà Trúc mừng khi nghe tin thầy bận, mà là vì một lý do thầm kín khác, khiến Trúc thích được nghỉ học để ở nhà vào buổi chiều thứ bẩy và chủ nhật. Dĩ nhiên chỉ có Trúc mới hiểu được lý do thầm kín ấy, chủ yếu là ở nhà có sự hiện diện của anh con trai Việt. Dù anh ta đến không phải vì Trúc, và Trúc cũng không công nhận nàng thích ở nhà vì anh ta. Bởi lẽ, mối tương quan giữa hai người chỉ thể hiện vỏn vẹn qua những cái gật đầu chào trong những lúc anh đến và đi, thế thôi ! Ngoài ra thì họ hoàn toàn như hai kẻ xa lạ.
 
Lúc Trúc rời nhà giáo sư Hiền ra về, chị em Mộ Dung căn dặn Trúc, đến chiều trở lại cùng đi xem chiếu bóng. Giá trước kia thì Trúc đã nhận lời ngay, nhưng lần này Trúc chỉ đáp một cách úp mở :
 
- Để xem đã, chiều nay quá 3 giờ không thấy mình đến thì các cậu cứ đi đi nhé !
 
Niệm Từ phàn nàn :
 
- Đi thì bảo đi, không đi thì bảo không đi, làm như người ta bức chị đi chả bằng.
 
Mộ Dung nói :
 
- Cứ quyết định thế đã, chiều nay Trúc đến thì đi, không đến thì chúng mình lại đằng ấy khao bác Chi một chầu bánh xếp hấp.
 
Niệm Từ reo lên :
 
- Ô kê ! Đề nghị tuyệt cú mèo. Nhân dịp chiều nay bọn mình… xem mắt chàng rể tương lai của bác Chi nữa chứ !
 
- Lại khỉ !
 
Trúc nói và từ giã ra về.

______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG III 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>