Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

CHƯƠNG IX_TƯƠNG TƯ

IX
 
 
Như một viên sỏi được ném xuống mặt hồ đã phẳng lặng từ lâu, những gợn sóng bộc khởi, xao xuyến trong lòng Trúc và tiếp tục xao xuyến không ngừng vì sự xuất hiện của Bình.
 
Hôm nay là sáng chủ nhật, Bình đến một cách bất ngờ làm Trúc ngỡ là nàng đang mơ. Trúc đứng sững ở cửa mấy giây mới mời Bình vào nhà ngồi. Trông Bình gầy hẳn đi, có lẽ vừa khỏi bệnh. Trúc nhớ hôm đến thăm Bình, anh không gầy thế này.
 
- Giáo sư có nhà không hở cô ?
 
- Cha tôi đi khỏi thưa ông.
 
Trúc đáp và đi vào trong lấy nước. Có lẽ vì Bình vừa trải qua một cơn bệnh hay sao mà Trúc nghe giọng nói của anh khao khao, là lạ. Nàng mang nước ra ngồi đối diện với Bình và hỏi :
 
- Ông Bình tìm cha tôi có việc chi không ạ ?
 
Bình thong thả ngẩng lên nhìn Trúc :
 
- Không cô ạ ! Hôm nay tôi rỗi nên tạt sang đây với hy vọng sẽ được gặp cô.
 
Trúc không ngờ Bình nói thẳng ra như vậy. Tuy nhiên, Trúc cũng vờ ngạc nhiên :
 
- Gặp tôi ?
 
- Vâng !
 
Trúc định hỏi thêm “để chi vậy, thưa ông ?”, nhưng thấy làm sao ấy, nên thôi. Bình nói :
 
- … Tôi rất cám ơn thịnh tình của cô Trúc và các bạn đã đến thăm trong lúc tôi bệnh, nay thì tôi đã khỏi hẳn và đã đi học lại.
 
- Thưa vâng, tôi có biết.
 
Bình nhìn Trúc một thoáng, hình như có cái gì bất bình thường đã xảy ra hay sao mà trông Trúc không được tự nhiên. Tuy thế, anh cũng làm ra vẻ điềm tĩnh, tươi cười nói :
 
- Thời gian qua mau quá cô Trúc nhỉ ? Thấm thoát mà lễ Giáng sinh đã qua mất mấy hôm.
 
Vừa nói, Bình vừa cầm cuộn giấy bọc bức tranh trên tay nói :
 
- Tôi có một món quà Giáng sinh… đến trễ, xin cô vui lòng nhận cho.
 
Nói xong, Bình trao ngay cuộn giấy cho Trúc. Trúc đón nhận với một tâm trạng vô cùng mâu thuẫn. Trúc biết, đã quyết định xa Bình thì không nên nhận tặng vật của anh. Nhưng Bình tặng quà cho nàng trong một trường hợp hết sức tế nhị. Nếu nàng từ chối chẳng hóa ra coi rẻ Bình. Lâu nay, Bình vẫn coi trọng nàng trong tình bạn, và trên thực tế, tình bạn giữa hai người vẫn chưa có gì sứt mẻ cả. Cuối cùng, Trúc đành quyết định nhận món quà và nói :
 
- Xin cám ơn ông Bình, ông khách sáo quá làm tôi ngại. Chính tôi đã sơ sót đến đỗi chưa nghĩ đến việc chọn một tặng vật biếu ông trong dịp lễ Giáng sinh.
 
Bình cười :
 
- Nếu cô cũng chọn quà Giáng sinh cho tôi, chả hóa ra chúng ta đổi quà chứ không phải tặng quà?
 
- Lệ thường thì phải thế ông ạ !
 
Bình trầm ngâm một lát, nói :
 
- Cô Trúc, tôi hy vọng cô sẽ thích món quà Giáng sinh của tôi biếu. Tôi cũng mong cô đừng tặng lại gì cho tôi cả. Nếu cô có quan niệm “lệ thường vãng lai” thì tôi hy vọng cô giúp tôi một điều…
 
- Điều chi thế, thưa ông ?
 
- Tôi hy vọng được học tiếng Quảng Đông với cô đấy ạ !
 
Trúc cười :
 
- Việc ấy rất dễ, có chi đâu mà ông Bình trịnh trọng thế. Còn món quà của ông, nhất định là tôi sẽ thích lắm.
 
- Cô chưa biết món quà ấy là gì mà đã thích rồi cơ à ?
 
- Tôi thì tôi nghĩ rằng, trước bất cứ một món quà gì, mình có thích thì mới nhận chứ, thưa ông. À, để tôi xin phép ông mở quà ra xem nhé !
 
- Vâng, cô cứ tự tiện.
 
Trúc mở cuộn giấy ra và ngẩn người trước món quà mất mấy giây. Nàng không ngờ Bình tặng cho nàng một món quà quí hóa như vậy. Giá biết trước chắc Trúc không dám nhận. Giờ đã lỡ nhận quà tức là đã nhận một nỗi lòng gói ghém trong món quà của người ta. Trúc hiểu, mỗi một con người trong xã hội này, làm một việc gì cũng đều ấp ủ một dụng tâm trong ấy. Chỉ khác nhau ở chỗ, cái “dụng tâm” của mỗi người một khác : Người thì bất lương gian ác, kẻ thì lương thiện và sâu sắc thâm trầm.
 
Nhan đề của món quà vỏn vẹn một chữ Trúc trên góc bên phải. Bình không đề tặng mà chỉ ký một cái tên thật nhỏ dưới góc bên trái bức tranh. Đó chính là cái “dụng tâm” sâu sắc, thâm trầm của Bình. Anh đã mượn tên của bức tranh để xưng hô với Trúc một cách thân mật hơn, gần gũi hơn. Nhưng điểm này chỉ có Trúc mới hiểu được. Ông họa sĩ nào đó đã vừa bán một bức tranh, vừa làm một nghĩa vụ cho xã hội loài người, trong đó có Bình và Trúc.
 
- Đẹp quá !
 
Trúc buột miệng khen ngợi và nói tiếp :
 
- Ông Bình tặng cho tôi một món quà quí hóa thế này, tôi biết lấy gì…
 
- Tôi xin nhắc để cô nhớ, đó là điều tôi vừa yêu cầu cô dạy tôi học tiếng Quảng Đông.
 
Trúc cười nói :
 
- Nhưng tôi xin nói trước, tôi không biết cách “dạy” đâu đấy, ông Bình ạ ! Hay là có gì thắc mắc ông cứ nêu câu hỏi, tôi sẵn sàng phúc đáp những điều mà tôi hiểu, được không ông ?
 
- Vâng, được lắm cô ạ.
 
Bình đáp và lục trong túi áo tìm quyển sổ tay vừa nói :
 
- Hôm qua, tôi học được một câu. Đậu xanh, tiếng Quảng Đông có phải gọi là… là…
 
Bình quên mất vì lật trong sổ tay tìm chưa ra trang anh có ghi chú. Trúc nối lời :
 
- Là “lục tàu” thưa ông.
 
Bình đã tìm ra trang sổ ấy, nhưng nghe Trúc nói, ngẩn người ra. Sao lại kỳ quái thế này, hay lão chủ quán không phải là người Quảng Đông ? Nghĩ thế nên Bình hỏi Trúc :
 
- Ông chủ quán bán thức ăn ngọt ở trước đầu ngõ này có phải là người Quảng Đông không cô Trúc ?
 
- Có lẽ phải ông ạ ! Tôi nghe ông ta nói tiếng Quảng Đông.
 
- Lạ nhỉ ? Thế mà tôi nghe ông ta nói hai tiếng “đậu xanh” không giống như cô vừa nói.
 
- Ông ta nói như thế nào, thưa ông ?
 
Bình chỉ trang sổ nói :
 
- Là… “tál xí” thì phải.
 
Trúc suýt bật cười lên. Nhưng nàng kịp dằn lại vì sợ Bình hiểu lầm. Trúc chỉ buồn cười cho óc khôi hài của giới thương buôn. Bình không hiểu đó là tiếng có tính cách khôi hài nên mới hỏi Trúc, chứ nếu Bình biết được thì không bao giờ anh hỏi thế. Trúc hiểu tính Bình không lấy việc ấy làm ngại, nàng tiếp :
 
- Có lẽ ông ta nói đùa đấy. Tôi biết, đậu xanh chỉ có một tên chính gọi là “lục tàu” mà thôi ông ạ !
 
- Thế còn chữ “tál xí” này theo đúng nghĩa nó là gì thế hở cô ?
 
- Là… tương tư, thưa ông.
 
- Ồ ! Sao lại có việc lạ thế nhỉ ? Cô có biết tại sao họ lại đặt cho đậu xanh cái danh từ ấy không ?
 
Trúc ngần ngại một chút, song cứ tình thật mà nói :
 
- Theo tôi nghĩ thì có lẽ tại vì đậu đỏ còn có tên là đậu tương tư nên những người có óc khôi hài mới chế ra một cái tên cho đậu xanh cho vui vậy mà.
 
- Thế tại sao đậu đỏ lại là đậu tương tư hở cô ? Tôi nghe lạ hết sức.
 
- Tại vì có một điển tích như thế này : Tục truyền ngày xưa có một đôi vợ chồng rất thương yêu nhau. Khi người chồng chết đi, bên mộ có mọc cây đậu đỏ. Người vợ tưởng nhớ chồng ngày đêm than khóc bên mộ rồi cũng chết. Người sau cho rằng cây đậu đỏ đã chứng kiến một người chết vì thương nhớ kẻ khác nên gọi là cây tương tư.
 
- Ồ, chuyện nghe hay và cảm động quá cô nhỉ ? Thế người sau chắc có nhiều áng văn ca tụng câu chuyện tình này lắm hở cô ?
 
- Văn thì tôi chưa được đọc qua, nhưng thơ thì tôi có biết một bài nói về đề tài này.
 
- Nếu cô thuộc bài thơ ấy xin cô làm ơn đọc cho tôi nghe.
 
Trúc thấy anh tỏ ra chăm chú nghe và vẻ hứng thú hiện rõ trên nét mặt. Nàng thong thả đọc bài thơ “Tương Tư” của Vương Duy cho Bình nghe. Bình nghe xong bảo Trúc đọc lại từ câu cho anh chép vào sổ, xong hỏi :
 
- Cái chữ quân trong câu “khuyến quân đa thải kiệt” có phải dùng được cho cả phái nam lẫn phái nữ không cô Trúc ?
 
- Theo nguyên văn bài thơ thì chỉ dùng cho phái nam ông ạ, vì ông Vương Duy dùng chữ quân gọi một người bạn thơ và bài thơ này cũng để tặng cho người bạn ấy.
 
Bình suy gẫm một lát, chợt hỏi Trúc :
 
- Thế, nếu gọi phái nữ thì phải dùng chữ nào cho nó hợp hở cô ?
 
Trúc hơi cúi đầu, giả vờ đăm chiêu suy nghĩ. Nàng đã hiểu ngay chữ ấy là chữ gì rồi, nhưng nhất thời cảm thấy hồi hộp một cách vô căn cớ nên không dám nói ngay ra, cũng không dám ngẩng nhìn Bình. Do dự một lát, cuối cùng Trúc chỉ đành e dè nói :
 
- Có lẽ nên dùng chữ “Khanh” thưa ông !
 
Bình lẩm bẩm :
 
- “Khuyến khanh đa thải kiệt”
 
Xong, hình như còn thắc mắc nên Bình hỏi lại :
 
- Chữ “khanh” này còn là vua chúa xưng hô với quân thần ấy mà, có phải không cô ?
 
- Vâng ạ.
 
- Nếu thế thì cũng dùng để gọi phái nam rồi.
 
Trúc cười :
 
- Vua chúa gọi quân thần hay hoàng hậu, cung phi gì cũng dùng chữ khanh cả. Trừ trường hợp này ra, chữ khanh chỉ dùng cho phái nam gọi ý trung nhân hay thê thiếp của họ mà thôi. Tuy nhiên, ngày xưa cũng có trường hợp người vợ gọi người chồng là khanh, nhưng chỉ gọi trong lúc không có mặt kẻ thứ ba, vì ngoài đời không có tục gọi như thế.
 
Bình gật gù :
 
- Kể cũng hay ho nhỉ, cô Trúc nhỉ ?
 
Trúc không nói gì. Nàng chỉ mỉm cười quay sang ngắm bức tranh. Bình cũng im lặng ngắm tranh với nàng. Chợt, Bình nghĩ ra một điều hỏi :
 
- Thế, có… trúc tương tư không hở cô ?
 
Bình hối đã hỏi câu trên, nhưng đã quá muộn. Thực ra thì anh không có ngụ ý gì cả. Trong lúc ngắm bức tranh, anh nghĩ lan man đến việc trên đời này lại có những việc thích thú như thế ư ? “Đậu tương tư” ! Trong lúc đầu anh nghĩ thế thì mắt anh đang ngắm cành trúc trên tranh, thế là câu hỏi đến với anh một cách thật bất chợt. Buột miệng thốt ra rồi, Bình cứ nơm nớp lo sợ Trúc nỗi giận vì sự sỗ sàng của anh. Bình chưa hề toát mồ hôi vì một lời nói vô ý thức của mình. Anh chờ đợi câu trả lời của Trúc với một nỗi thấp thỏm lo âu như đang chờ đợi một hình phạt.
 
- Thưa có đấy ông ạ !
 
Trúc đáp một cách thư thả với vẻ điềm tĩnh trên sắc mặt. Bình nghe xong nhẹ nhõm người như một tội đồ vừa nghe mình được ân xá. Tuy nhiên, anh không thể không đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác cho được. Không hiểu có phải Trúc cố tình nói đùa với anh không mà nàng cứ tiết lộ những việc lạ lùng, đến đỗi anh không thể nào ngờ được. Nhưng xét cho chính, Trúc không đến đỗi khiếm nhã đi nói đùa với một kẻ luôn luôn nể trọng nàng. Cuối cùng, Bình dè dặt hỏi :
 
- Chắc là cũng có điển tích gì đấy phải không cô ?
 
Trúc dừng ngắm tranh, ngồi ngay người lại đối diện với Bình :
 
- Theo tôi đọc trong một quyển sách thì ở Trung Hoa có một cái núi tên là “Tấn Vân”. Trên núi có một ngôi miếu gọi là “Tấn Vân Tự” mà xưa kia còn có tên là “Tương tư Tự”. Ngoài miếu có “Sườn núi tương tư” và trên sườn núi có mọc loại “Trúc Tương Tư”. Nhà thủ pháp (chuyên tài viết bút lông) Trung Hoa cận đại Vu Hữu Nhậm đã sáng tác một danh khúc khi đến viếng thắng cảnh ở đấy.
 
- Nếu thế thì chắc chắn là cô phải thuộc làu danh khúc ấy ?
 
Trúc gật đầu. Dĩ nhiên là nàng thuộc, vì bài hát này có ghi trong tập Hồi Ký của Tưởng Bích Vi (một nữ danh nhân Trung Hoa cận đại) và chính Khâm đã gửi tặng tập Hồi Ký ấy cho Trúc. Đồng thời Khâm cũng có rút một câu trong bài hát, dùng bút lông viết trên một tấm liễn gửi cho Trúc. Hiện nàng đang treo tấm liễn ấy trên gác.
 
Bình xoa tay cười nói :
 
- Thế thì lại xin phiền cô vui lòng đọc cho tôi chép, cô nhé ?
 
Trúc mỉm cười, bắt đầu đọc chậm chậm :
 
“Tương tư nhai thượng tương tư tự
Tương tư thụ kết tương tư tử
Tương tư điểu quán song song thùy
Tương tư trúc tự niên niên thúy
Tự thiện bạch vân phi
Cảm tác lao nhân kế
Canh lâm phong tư hoán cao tăng khởi”.
 
Tạm dịch :
 
“Miếu tương tư ở trên sườn núi tương tư
Cây tương tư kết hạt tương tư
Chim tương tư quen đứng song song khi ngủ
Trúc tương tư tươi thắm muôn đời
Như ngưỡng mộ mây trắng bay trên trời
Dám nhờ ai đó tá
Đứng trong gió lộng mà nghĩ đến việc gọi chào vị cao tăng trong miếu
 
Đọc cho Bình chép xong bài hát, Trúc nói :
 
- Danh từ “Tương Tư Trúc” do đấy mà ra. Tôi nghĩ chắc không có điển tích nào khác, vì ít ai biết đến lắm.
 
Bình mỉm cười, anh đang nghĩ đến câu “Tương tư trúc tự niên niên thúy”. Đối với anh, câu này có một ý nghĩa thật tuyệt vời.
 
*
 
Bình cáo từ không được bao lâu thì giáo sư Chi về đến. Trông thấy bức tranh trên bàn, ông lại gần ngắm nghía một lát, đoạn hỏi Trúc :
 
- Tranh của ai thế Thư Trúc ?
 
- Thưa, của ông Bình ạ.
 
Giáo sư Chi nhìn con gái :
 
- Bình tặng cho con đấy phải không ?
 
Trúc cúi đầu :
 
- Vâng, thưa cha !
 
Giáo sư Chi không hỏi gì thêm nữa. Ông đặt bức tranh trả lại ở bàn cho Trúc và lặng lẽ đi vào phòng. Ván cờ gần như sắp đến hồi kết cuộc. Con gái ông đã chấp nhận để mất một con cờ quan trọng. Dù sao kỹ thuật của nó cũng còn yếu. Một nhân chứng công minh không bao giờ chỉ vẽ cho một tay cờ nào cả, dù cho nhân chứng ấy có là cha của một trong hai tay cờ
 
Trúc không hiểu cha nàng đã nghĩ gì ? Và hậu quả những ý nghĩ của ông sẽ ra sao ? Nàng thong thả cuốn bức tranh mang lên gác.
 
*
 
Trúc tưới hết phần nước còn lại bên bụi Vạn Niên Thanh như trút đổ những ưu phiền còn lại trong lòng nàng để ban cho chúng sự sống, một sự sống vô vị từ ngày này sang ngày khác. Trúc không làm sao có cảm tình với bụi Vạn Niên Thanh do cha nàng trồng trước cửa. Nếu ông trồng một bụi hoa hồng hay hoa gì khác có lẽ Trúc đỡ cảm thấy nhạt nhẽo hơn. Cuộc sống của Trúc đã bình dị đến nhạt nhẽo. Trúc không muốn nhìn sự vật chung quanh cùng chung số phận với nàng. Cứ như bụi Vạn Niên Thanh vô duyên này luôn luôn làm cho Trúc trông thấy hiện thân của nàng mỗi khi đối diện với nó. Tuy nhiên, Trúc nghĩ sẽ có một ngày nào đó tình yêu mang nàng rời bỏ hiện hữu để tìm đến một chân trời hoa mộng. Chỉ tội nghiệp bụi Vạn Niên Thanh suốt đời sẽ không bao giờ nở một đóa hoa, cuộc sống vô vị đến thế dù cho nó thanh xuân đến vạn nghìn năm nữa vẫn là một kiếp khổ hình.
 
Khổ hình ? Nếu bụi Vạn Niên Thanh có tri giác, có tình cảm và biết tiếng nói của loài người có lẽ nó sẽ nói với Trúc : “Một tình yêu được đóng khung, không lối thoát càng bi đát hơn sự khổ hình gấp vạn nghìn lần”. Nhưng đối với Trúc, nàng chưa công nhận là nàng đã yêu. Hay nói đúng hơn, nàng đang nhu nhược chạy trốn một sự tự thú trong tình yêu. Trúc thường có ý nghĩ : định mệnh đã an bài cho nàng một cảnh ngộ và cảnh ngộ ấy đã tước đoạt quyền yêu của nàng.
 
Hình như Mộ Dung đã xét thấy cái quan niệm về định mệnh của Trúc, đã làm cho nàng điêu đứng không ít trong mấy lúc gần đây nên đã nói với Trúc : “Thư Trúc ! Ta phải khống chế định mệnh chứ đừng dại dột để cho định mệnh khống chế ta. Cậu hãy cẩn thận, đừng để định mệnh hại cho dở khóc dở cười, dở yêu dở hận. Chừng đó, tôi ngại tôi cũng sẽ bó tay, không giúp được gì cho cậu cả.”
 
Đối với Trúc, không chế định mệnh không dễ bằng khống chế con tim mình, hãy làm những gì dễ làm trước đã.
 
- Cô Trúc !
 
Tiếng gọi thật khẽ. Không quay đầu lại, Trúc cũng thừa hiểu là Bình đã đến. Anh luôn luôn đúng hẹn. Hôm nay Mộ Dung có tổ chức một bữa ăn họp bạn và có mời Bình, nên anh đến để cùng đi với Trúc lại nhà Mộ Dung. Trúc hiểu Mộ Dung làm thế chỉ vì nàng, nhưng Dung không nói ra, nàng cũng không tiện hỏi. Dù sao, nàng vẫn cảm kích Mộ Dung đã dành tất cả lòng ưu ái trong tình bạn cho nàng. Đứng trên cương vị của Trúc, nàng đã không biểu lộ sự cảm kích trước Mộ Dung thì thôi, chứ không lý do gì nàng lại ngỏ lời từ khước. Không từ khước tức là đã chấp nhận thêm một thử thách quan trọng trong đời nàng. Đành chịu vậy. “Vạn sự quí hồ tự nhiên”. Có miễn cưỡng quản thúc mình cũng chẳng được nào !
 
Trúc quay lại đối diện với nụ cười tươi tắn của Bình. Nàng cũng mỉm cười đáp lại anh. Nhưng có lẽ ưu phiền chưa dứt hẳn trong lòng Trúc nên nàng không sao có được một nụ cười tươi như Bình.
 
Trúc mở cửa mời Bình vào phòng khách và nói :
 
- Ông Bình chờ tôi một chút nhá !
 
Bình chưa kịp nói gì thì giáo sư Chi xuất hiện. Trong lúc hai người đang chào hỏi nhau, Trúc đi vào trong rót nước. Trúc đã cho giáo sư Chi biết là sáng nay Bình đến để cùng đi với nàng tới nhà Mộ Dung nên đem nước ra xong Trúc liền lên gác thay áo. Nàng không dám ngắm nhìn bức tranh của Bình như mọi hôm, vì nó có mãnh lực làm cho nàng ngã lòng.
 
Lúc xuống dưới nhà, Trúc vào bếp xem lại nồi cháo và đĩa cá mặn hấp mà nàng đã nấu sẵn cho cha từ sáng sớm. Giáo sư Chi rất thích ăn cháo, nhất là vào những ngày nghỉ. Ông có thể ăn cháo cả ngày thay cơm. Đây cũng là một thói quen thông thường của những người Trung Hoa xuất thân từ Đại Lục. Trúc thì không làm thế nào ăn theo cha được. Thiếu nửa bát cơm trong một bữa ăn đủ làm Trúc khó chịu cả buổi. Tuy nhiên, ở những buổi ăn họp bạn, không có một hạt cơm nào vào ruột Trúc cũng cảm thấy no cả ngày với những thức ăn tạp nhạp, nửa tây, nửa ta. Đôi khi có cả những món ăn Ấn Độ.
 
Sáng nay, hình như bọn Mộ Dung định làm món ăn thuần Việt để thết Bình.
______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG X
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>