Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

CHƯƠNG X_TƯƠNG TƯ

X
 
 
Cũng con đường Hồng Bàng, cũng hàng me già, cũng lá me rơi, và cũng như mới ngày nào, Trúc và Bình cùng bước song song bên lề đại lộ, chỉ khác một điểm là lần này họ đang trên đường đến nhà Mộ Dung. Đó là một sự nhận xét khái quát về phương diện “ngoại tại”, còn “nội tại” thì là cả một vấn đề rất phức tạp. Không ai có đủ tự hào đi nhận xét một tâm trạng được tiềm phục bên trong mỗi con người, ngay cả chính bản thân họ cũng thế.
 
Bình phủi những lá me bay bám trên áo nói :
 
- Cô Trúc này !
 
- Dạ ?
 
- Tôi có một điều thắc mắc không biết có tiện hỏi cô không ?
 
- Ông Bình cứ thử nói ra xem.
 
- Tôi biết là tôi rất dốt nên mới thắc mắc điểm này, nói ra xin cô đừng cười tôi nhé ! Tôi không hiểu sao tên cô là Trúc mà lại ghép với chữ Thư ?
 
Trúc trầm ngâm :
 
- Ông Bình có nhớ tên của cha tôi không ?
 
- Thưa có, húy danh của giáo sư là Ẩn Chi.
 
- Cha tôi họ Lâm, lâm cũng có nghĩa là rừng, cả tên lẫn họ của ông là ẩn ở trong rừng.
 
- Thế thì có liên can gì đến tên của cô đâu ?
 
- Có đấy chứ ! Ông cụ tự ví mình là một kẻ sĩ. Đã là một kẻ sĩ thì sống ở đâu cũng không thể thiếu sách và trúc. Trong văn hóa Trung Hoa, trúc được đại biểu cho tác phong của người quân tử. Lòng dạ của người quân tử luôn luôn quang minh lỗi lạc như sự trống rỗng, thông suốt của ống trúc. Vì thế, ngày xưa người ta luôn luôn trồng trúc trước sân nhà để làm kiểng. Các cổ nhân thường nói : “Ninh khả thực vô nhục, bất khả cư vô trúc”. (1)
 
Sở dĩ Trúc dài dòng như thế vì nàng biết Bình thắc mắc là vì quan tâm đến nàng một cách thật sự. Trong quyển sổ tay của anh đã nói lên điều đó. Bình gật gù nói :
 
- Ý nghĩa !
 
- Tên của ông Bình cũng có ý nghĩa lắm.
 
- Nhưng là một ý nghĩa quá lộ liễu.
 
Trúc im lặng nhìn xuống mặt đường. Một làn gió thổi lùa những chiếc lá me bay lướt trên mặt đất. Chợt Trúc nhớ lại một việc, ngày gặp Bình lần đầu tiên, nàng đã mơ một giấc mơ có bối cảnh trước mắt : một con đường nằm dưới hai hàng me già râm bóng, và một người con trai. Bất chợt, Trúc quay sang nhìn người con trai bên cạnh. Cũng vừa lúc ấy, Bình quay sang định nói gì với Trúc, nhưng trông thấy Trúc ngẩng nhìn anh, ngỡ là Trúc định nói gì, Bình vội nói :
 
- Cô Trúc định nói gì thì nói trước đi.
 
Thực ra thì Trúc không định nói gì cả, nhưng đã lỡ để Bình bắt gặp nàng lẻn nhìn anh, thì làm sao Trúc cũng phải tìm một câu gì để nói cho đỡ ngượng :
 
- Tôi… gọi ông Bình bằng “ông” hoài, ông có giận không ?
 
- Không, cô Trúc thích gọi tôi sao thì tôi thích nghe vậy, tôi đâu dám giận cô.
 
- Gọi bằng ông nghe hơi kỳ kỳ, ông Bình nhỉ ?
 
- Sao mà kỳ ?
 
- Ông còn trẻ quá mà !
 
Bình phì cười :
 
- Cô Trúc hiểu lầm rồi. Tiếng ông chỉ dùng để gọi những người lạ hay quen mà chưa thân thế thôi, chứ không có nghĩa là “ông già”.
 
Trúc cúi mặt ngượng ngùng. Bình nói tiếp :
 
- Cô Trúc, cô có coi tôi như là một người bạn thân không ?
 
- Thưa có !
 
- Tôi rất hân hạnh được biết điều này, vì lâu nay tôi rất quí mến cô, và trong thâm tâm tôi đã tự coi cô như là một người bạn thân nhất đời tôi vậy. Vì thế, tôi mong rằng cô sẽ nói ra những điều gì mà cô không được vừa ý về tôi, nếu có.
 
Trúc cắn môi thật chặt như để áp đảo tinh thần mình trong phút giây quan trọng cuối cùng của một ván cờ. Đã từ lâu lắm, Trúc đã có cảm giác là nàng sẽ thua cuộc, nhưng không ngờ lại thua cuộc một cách quá sớm, sớm hơn sự dự liệu trong lòng tự tin của nàng. Làm sao đây ? Trong phút giây ấy, hình bóng Khâm chợt xuất hiện một cách rực rỡ trong tim nàng. Trong lúc Trúc chưa biết trả lời Bình như thế nào thì đã nghe tiếng anh nói tiếp :
 
- Một mặt khác, tôi hy vọng cô Trúc sẽ không ngần ngại gì về việc cho tôi biết những điều mà cô cảm thấy khó xử. Đứng trên cương vị một người bạn, tôi xin hết lòng giúp cô những việc mà tôi có thể giúp.
 
Trúc phải công nhận là Bình khôn ngoan và cẩn mật một cách khó thể tưởng tượng. Trúc có cảm tưởng là Bình đã nhìn xuyên qua nàng và đã thấu hiểu chu đáo những gì tiềm ẩn trong tâm hồn sâu kín của nàng. Tuy nhiên, đó chỉ là một sự xét đoán. Trúc không tin Bình lại có thể “toàn năng” như sự xét đoán của nàng.
 
- Theo sự nhận xét của ông Bình thì tôi đang có việc khó xử ư ?
 
- Tôi không dám quả quyết như thế, nhưng hình như cô đang có tâm sự gì thì phải ?
 
“Tâm sự” ư ? Trúc có cảm tưởng như Bình đã dày công tìm hiểu nàng từ lâu lắm. Trúc thường nghĩ, tâm sự của nàng thì trùng trùng điệp điệp, mà kẻ hiểu tâm sự nàng thì chả thấy có ai, ngay cả Khâm cũng thế ! Chẳng phải là Trúc giấu giếm tâm sự của nàng, việc gì phải giấu giếm mới được kia chứ ! Chỉ vì từ trước đến nay, chưa một ai cho Trúc có một cơ hội để nàng bày tỏ tâm sự, như Bình vậy.
 
- Tôi sẽ kể cho ông Bình nghe một câu chuyện. Câu chuyện này, đối với ông, có thể là một tâm sự.
 
Trúc bình thản nói, nói như để giãi bày tâm sự của nàng và để gỡ một cái gút trong lòng Bình, để hai người càng hiểu nhau thêm :
 
- Tôi có một người bạn thân, ở rất xa. Chúng tôi chưa được gặp nhau lần nào…
 
Trúc ngừng nói, quay sang quan sát trên sắc mặt Bình. Không một phản ứng gì hiện trên gương mặt ấy cả. Gần như anh đang lắng tai nghe, cũng gần như không nghe thấy gì cả.
 
- Ông Bình có thích nghe câu chuyện của tôi không ?
 
- Xin cô tiếp tục.
 
- Người bạn ấy tên Khâm, Vương Chiêu Khâm ! Chúng tôi quen nhau qua sự giới thiệu của một người bạn của cha tôi. Khâm mồ côi, ông Bình ạ ! Anh ấy tranh đấu một mình với sự sống từ lúc bé.
 
Bình gật gù, trầm ngâm. Trúc nói tiếp :
 
- Tôi quen Khâm vào lúc vừa mồ côi mẹ không được bao lâu. Hồi ấy, tôi rất tiêu cực. Vì đối với tôi, mất mẹ là mất tất cả. Mặc dù tôi còn có cha, nhưng cha chỉ là hiện diện trong lòng tôi với địa vị hiên ngang của một người cha mà thôi. Ông không dịu dàng, từ tốn và… vạn năng như mẹ. Mẹ tôi vừa là mẹ, vừa là thầy, vừa là một bảo mẫu dễ tính, nhân từ như trong các truyện cổ tích Trung Hoa. Đôi khi vừa là một y sĩ hay là một người bạn tri âm của tôi nữa.
 
Bình chép miệng :
 
- Như thế thì Khâm xuất hiện rất đúng lúc.
 
- Vâng, sau khi quen Khâm, tôi thấy mình có phúc hơn Khâm nhiều. Khâm lớn lên ở viện mồ côi nên không biết cha mẹ mình là ai. Sau này, rời viện mồ côi sống tự lập, Khâm được một người nhận làm em nuôi và Khâm coi người nghĩa huynh là kẻ thân nhất trên đời.
 
Ngừng một lát, Trúc tiếp :
 
- Dù sao, sự bất hạnh của Khâm đã gầy dựng cho anh một ý chí bất khuất. Nghĩ cho cùng thì tạo hóa cũng chưa đến nỗi bất công trong việc an bài một sinh mệnh bất hạnh.
 
Trúc ngừng nói. Thấy Bình vẫn im lặng, Trúc hỏi :
 
- Ông Bình đang nghĩ gì thế ?
 
- À, tôi… tôi đang nghĩ đến cái hôm ta đi viếng trại mồ côi, không biết cô Trúc đã nghĩ thế nào ?
 
Thật ra thì Bình đã không nghĩ thế, anh đang chìm trong một cảm giác bùi ngùi, thất vọng hay là sao ấy, anh cũng không hiểu rõ. Chỉ biết là Trúc đã tiết lộ một sự thật, một sự thật mà anh sợ biết được. Đã từ lâu, Bình có cái cảm giác như đang đi trong sương mù, hy vọng được thoát ra một vùng có ánh sáng. Một mặt khác, lại sợ vùng ánh sáng bên ngoài đám sương mù kia sẽ là một bãi sa mạc mênh mông. Bây giờ, nỗi lo âu ấy đã thành sự thật. Tuy nhiên, Bình vẫn chưa vội thất vọng. Anh nghĩ, chỉ cần kiên tâm, trì chí, sẽ có một ngày anh vượt qua được bãi sa mạc trước mắt. Chỉ cần anh còn hơi thở, còn nghị lực, là anh còn đủ kiên tâm để chờ đợi cái ngày ấy. Cái ngày mà… định mệnh sẽ ban cho anh một sự an bài.
 
- Như tôi vừa mới nói đấy, tạo hóa chưa đến đỗi bất công. Tôi nghĩ là trong tương lai, những sinh mệnh đáng thương mà chúng ta đã gặp ấy sẽ được dịp hãnh diện vì đã trưởng thành trong sự bất hạnh.
 
Trúc ngẫm nghĩ và trả lời Bình. Bình hỏi :
 
- Chẳng hạn như Khâm ?
 
Trúc gật đầu. Bình lại hỏi :
 
- Nếu thế thì chúng ta không nên oán trách chiến tranh đã gây nên những bất hạnh ?
 
Trúc mím môi, nàng không muốn nói về chiến tranh trong bất cứ trường hợp nào, vì nó đã trở thành một đề tài cũ nát từ đời cha Trúc, cho tới đời Trúc. Nó đã làm cho con người trở nên chai lỳ, không còn mang cái cảm giác rung động, kinh hoàng, khi nghe nhắc tới hai chữ “chiến tranh” nữa.
 
- Cô Trúc đang nghĩ gì thế ?
 
- À, tôi đang nghĩ đến một câu mà Tôn Dật Tiên tiên sinh đã nói : “Đa nạn khả dĩ hưng bang” (2).
 
Bình không nói gì cả. Anh biết Trúc không thích nói về chiến tranh nên đã xoay sang nói câu trên. Có lẽ câu nói ấy là của người Trung Hoa nên anh không thấy xảy ra trên quê hương anh.
 
Hai người im lặng đi được một quãng, Bình hỏi Trúc :
 
- Bao giờ thì cô Trúc mời tôi uống rượu mừng nhỉ ?
 
Trúc nhìn Bình thật nhanh và đáp thật khẽ :
 
- Thưa, tôi không biết ! Làm thế nào mà biết được những chuyện quá xa vời ấy ạ ?
 
- Thế cô và… Khâm, không có kế hoạch gì cho tương lai cả hay sao ?
 
Lại kế hoạch, lại tương lai. Sao mà Bình có những ý nghĩ giống Diễm Minh lạ. Trúc đáp :
 
- Thưa không ! Thế còn ông Bình ?
 
- Tôi ấy à ? Hiện giờ thì tôi không có kế hoạch gì cả.
 
- Hiện giờ ?
 
- Vâng !
 
- Thế đến bao giờ thì ông mới bắt đầu có những kế hoạch ?
 
- Chưa biết được ! Nhưng ít nhất, tôi cũng chờ uống xong rượu mừng của cô trước đã.
 
“Chờ uống xong rượu mừng của cô trước đã”. Thật thế ư ? Liệu chúng ta sẽ chờ đến bao giờ ? Ai biết được những việc xa vời ấy ? Ai biết được “tiệc rượu mừng” trong tương lai ai sẽ mời ai ?
 
Đến con đường rẽ vào nhà Mộ Dung, Trúc và Bình định chuyển hướng đi thì nghe tiếng của một người con trai chào Bình :
 
- Thưa thầy ạ !
 
- A, Đỗ Vinh ! Anh đi đâu đấy ?
 
Trúc quay nhìn anh học trò của Bình. Nàng nhớ lại một việc xảy ra cách đây không lâu ở nhà Mộ Dung. Đó là bài từ và bức thư của anh chàng M. David. “Tôi là đứa con trai ngồi ở hàng ghế thứ sáu, bên dãy bàn phía tay phải, dáng cao, gầy, đeo kính cận”. Sau vài lần để ý nhìn sang hàng ghế thứ sáu, Trúc và Mộ Dung đã quả quyết M. David chính là Đỗ Vinh. Dẫu thế, Trúc và Mộ Dung vẫn giả vờ coi như không biết có gã trong lớp học, mặc dù gã vẫn viết thư cho Mộ Dung mỗi ngày.
 
- Đây là cô Lâm Thư Trúc.
 
Tiếng Bình giới thiệu. Đỗ Vinh gật đầu chào Trúc :
 
- Lâm tiểu thư !
 
- Và đây là anh Đỗ Vinh. Anh Vinh học với tôi ở trường X. Cậu tú tương lai đấy, cô Trúc ạ !
 
Trúc mỉm cười. Chẳng hiểu sao, trong đầu Trúc thoáng hiện hình bóng Mộ Dung và tiếng nói của Niệm Từ : “Vớ vẩn ? Vớ vẩn cái nỗi gì mà ngày nào cũng đọc thư của người ta”. Trong khoảnh khắc, Trúc nghĩ ngay đến một việc : Biết đâu Mộ Dung đã chẳng để ý yêu gã, nhưng chỉ vì lòng tự tôn nên… Nghĩ đến đây, Trúc đã có một quyết định. Nàng cũng gật đầu chào Đỗ Vinh :
 
- Đỗ tiên sinh ! Hay Mr. David cũng thế ?
 
Thoạt đầu, Bình hơi ngạc nhiên, vì anh giới thiệu bằng tiếng Việt mà Đỗ Vinh chào Trúc bằng tiếng Trung Hoa. Bây giờ anh mới vỡ lẽ :
 
- Thì ra cô Trúc và anh Vinh đã quen nhau từ trước ?
 
Đỗ Vinh nói :
 
- Thưa thầy, em học cùng lớp với cô Trúc ở ban sinh ngữ.
 
Rồi Đỗ Vinh ngập ngừng :
 
- Thầy và cô Trúc đi đến nhà cô… Mộ Dung có phải không ạ ?
 
- À á ! Sao anh biết ?
 
Bình ngạc nhiên hỏi. Mặt Đỗ Vinh ửng đỏ lên vì mất tự nhiên. Trúc biết Đỗ Vinh hiểu rõ con đường này đến nhà Mộ Dung nên nhất thời đã nói hớ lời, nàng vội “giải cứu” Đỗ Vinh :
 
- Bạn học cả, ông Bình ạ ! Ông Vinh rất mến cô Mộ Dung.
 
Nàng quay sang Đỗ Vinh :
 
- Nếu Đỗ tiên sinh không bận việc gì, xin mời cùng đi với chúng tôi.
 
Ánh mắt Đỗ Vinh chợt sáng ngời, rực rỡ hy vọng. Tuy nhiên, anh vẫn e dè nói :
 
- Thưa, tôi rảnh lắm… Nhưng không biết có tiện không, Lâm tiểu thư ?
 
Trúc mỉm cười :
 
- Xin yên tâm !
 
Thế là Đỗ Vinh tháp tùng với Trúc và Bình đi đến nhà Mộ Dung. Bình hơi khó hiểu, vì trông Trúc và Đỗ Vinh không có vẻ gì quen thân nhau lắm. Nhưng trong câu “xin yên tâm” của Trúc, hình như hàm ẩn một bí mật mà chỉ có hai người mới hiểu được.
 
Dọc đường, Trúc thấy Đỗ Vinh có vẻ hoang mang, như đang phân vân, lo ngại điều gì. Trúc nghĩ, anh chàng coi thế mà… nhát gan. Dù sao thì sự việc hôm nay do nàng mà ra cả. Nàng có bổn phận phải… trấn tĩnh Đỗ Vinh cũng như phải chịu mọi trách nhiệm về phía Mộ Dung.Trúc muốn gợi một câu gì nói cho Đỗ Vinh yên tâm hơn, nhưng nghĩ mãi chẳng ra, vì dù sao, đây là lần đầu tiên, nàng chính thức tiếp xúc với Đỗ Vinh. Cuối cùng, Trúc nghĩ đến bài từ của Đỗ Vinh viết cho Mộ Dung. Trong ấy có hai câu mà Trúc còn nhớ, đó là : “Tuệ nguyệt thành si. Tố dĩ thu phong tổng bất tri”. Trúc nhìn sang Đỗ Vinh. Quả là một thi nhân, nhưng rất tiếc là thi nhân cổ điển nên không được mạnh dạn cho lắm. Trúc thấy rõ là nàng cần phải chủ động trong việc “đứng trung gian” cho Đỗ Vinh và Mộ Dung mới được. Nghĩ thế nên Trúc dùng tiếng Quảng Đông nói với Đỗ Vinhh (vì Trúc ngại Đỗ Vinh không muốn Bình biết chuyện riêng của anh) :
 
- Đỗ tiên sinh này !
 
- Dạ ?
 
- Ông thường hay làm thơ ?
 
Mặt Đỗ Vinh ửng hồng như con gái. Anh cúi đầu lí nhí nói :
 
- Thưa không… không thường lắm đâu ạ !
 
Rồi Đỗ Vinh ngửng nhìn Trúc, dè dặt hỏi :
 
- Chắc Lâm tiểu thư chơi thân với Lý tiểu thư lắm thì phải ?
 
Việc ấy là lẽ dĩ nhiên. Anh chàng đã biết tỏng ra rồi mà còn phải hỏi. Tuy nhiên, vì lễ mạo Trúc cũng đáp một tiếng “vâng” và đi thẳng vào đề :
 
- Theo tôi thấy thì… than thở với gió thu là một điềm bất thường.
 
- À á !
 
Đỗ Vinh tròn xoe đôi mắt. Sau làn kính cận, Trúc thấy mắt của Đỗ Vinh hơi giông giống mắt Bình. Mắt của những người cận thị gần như là tương đối giống nhau. Ngẩn ra mất một lúc, Đỗ Vinh mới lấy lại tự nhiên. Anh bình thản hỏi :
 
- Tại sao thế, Lâm tiểu thư ?
 
- Tại vì tất cả cảnh vật của mùa thu đều buồn, nhất là gió thu.
 
Đỗ Vinh cười, lần này anh cười một cách cởi mở, không còn đỏ mặt nữa.
 
- Nếu thế thì xin Lâm tiểu thư chỉ giáo cho.
 
Đỗ Vinh nói với giọng thành khẩn. Trúc mỉm cười :
 
- Không dám.
 
Trúc ngẩng nhìn dãy lầu trước mặt. Nàng chỉ một căn nhà có cửa sơn màu vàng ở tầng lầu thứ 2 hỏi Đỗ Vinh :
 
- Ông có biết căn nhà ấy là nhà của ai không ?
 
Đỗ Vinh đáp :
 
- Có ạ, là nhà của Lý tiểu thư !
 
- Đúng đấy, ta sắp đi vào căn nhà ấy, vậy tôi xin báo cho ông biết trước một việc là trong căn nhà ấy rất kỵ một điều.
 
- Điều gì thế, Lâm tiểu thư ?
 
Đỗ Vinh hỏi dồn. Trúc đáp :
 
- Kỵ… mắc cỡ !
 
Đỗ Vinh cúi đầu bẽn lẽn. Trúc cười nói :
 
- Đấy, ông cần tập tính dạn dĩ ngay lúc này là vừa.
 
Đỗ Vinh cũng không vừa gì, anh quay sang Bình nói :
 
- Thưa thầy, em xin báo cho thầy biết một việc !
 
- Việc gì cơ ?
 
- Lâm tiểu thư vừa mới bảo là nhà của Mộ Dung “cấm mắc cỡ”, thầy…
 
Bình cười xòa vỗ vai Vinh nói :
 
- Tôi nghĩ là tôi không có tính hay mắc cỡ.
 
Rồi Bình quay sang Trúc hỏi :
 
- Có phải thế không, cô Trúc ?
 
Trúc cười, cúi đầu nhìn xuống chân. Con đường đến nhà Mộ Dung càng lúc càng ngắn hơn, ngắn hơn.
 
_____________________
 
(1) Chẳng thà ăn cơm không có thịt, chứ không thể ở nơi không có trúc.
 
(2) Một nước có bị chiến tranh đe dọa, tàn phá, người dân mới ý thức được sự phấn đấu quật cường để xây dựng quốc gia cường thịnh.
 
____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XI
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>