Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

CHƯƠNG I_TƯƠNG TƯ

I
 
 
Trúc miên man chợp mắt trong từng cơn gió lồng lộng mang theo hơi nắng gay gay của một buổi chiều tháng hạ. Tiếng gió ào ạt lướt  qua từ những nóc phố cao, lùa vào cửa sổ. Hòa lẫn với tiếng gió có tiếng nhạc trầm bổng thoát ra từ chiếc radio. Trong điệu nhạc guitar độc tấu tiêu điều, dường như có tiếng suối reo, tiếng nước chảy, và tiếng chim hót líu lo ở một cánh rừng lá gió xào xạc nào đó.
 
Trong giấc ngủ êm đềm, Trúc mơ thấy mình đi đến một cánh rừng có nhiều hoa thơm cỏ lạ với những bước đi nhẹ nhàng như mây khói. Rồi Trúc dừng lại, hình như ở một ngọn đồi hay một chóp núi gì đó. Trúc chỉ có ý thức là mình đang ở trên một đỉnh cao, cao tuyệt vời và xa biệt trần thế, xa biệt cả căn gác hoang vu như kim tự tháp của nàng. Trúc ý thức xung quanh nàng toàn là suối, là đá và hàng hàng lớp lớp một loài cây tương tư (1). Dưới mắt Trúc là trần gian (nàng ý thức như thế) và trần gian hoàn toàn là những vực thẳm nghìn trùng. Nhìn xuống những vực sâu ấy, Trúc rảo mắt kiếm tìm. Nàng mơ hồ trông thấy có bóng thành phố Sàigòn và Chợ Lớn với những con đường nằm dưới hai hàng me già râm bóng trên mặt đường phủ lác đác những lá xanh, lá úa loáng thoáng sắc màu tuyệt diễm và có bóng một người con trai quay lưng về phía Trúc đang lang thang dưới đó.
 
Bỗng, có tiếng gọi Trúc từ đâu vọng lại, tiếng gọi mỗi lúc một rõ, và cuối cùng, nàng mở bừng mắt. Ánh nắng chiều chói chang tỏa sức nóng gay gắt lên vùng ánh sáng nơi Trúc đang nằm. Trúc đưa tay dụi mắt. Việc đầu tiên của nàng là hồi tưởng giấc mơ kỳ quái vừa rồi. Cánh rừng, tiếng nhạc, vực thẳm, và một người con trai… lạ ! Một giấc mơ chưa từng có trong đời Trúc.
 
- Thư Trúc ! Thư Trúc !
 
Có tiếng gọi và tiếng gõ cửa dưới nhà, tiếng gọi tên Trúc giống như tiếng gọi trong mơ. Bất chợt, Trúc rùng mình một cái và cảm thấy hơi sợ. Tuy nhiên, Trúc biết rõ là hiện nàng đang tỉnh. Dù sao, nàng bắt buộc phải đáp trả lời một tiếng gọi khi biết rằng mình đang ở trong thế giới người tỉnh, mặc tiếng gọi xuất phát từ một thế giới nào.
 
Trúc vội sửa lại nếp áo và mái tóc rồi đi nhanh xuống thang gác. Lúc mở cửa, thấy giáo sư Thế bạn đồng nghiệp dạy chung trường với cha Trúc đang chờ với một người đàn ông trẻ khác. Bấy giờ, Trúc mới hoàn toàn “tỉnh” hẳn.
 
- A ! Chào bác ạ !
 
Trúc mở lời chào giáo sư Thế và gật đầu chào người đàn ông xong, lách người nhường cho cả hai đi vào trong nhà. Giáo sư Thế nói :
 
- Lúc đầu, bác ngỡ nhà đi vắng cả, sau nghe thấy có tiếng nhạc bác mới gọi cửa.
 
- Dạ thưa, xin lỗi bác ạ ! Vì cháu ở trên gác nên làm bác phải chờ lâu.
 
Trúc nói xong xin phép vào trong rót nước. Vào đến nhà bếp, Trúc mới chợt nhớ là vào giờ này, nhà không có nước trà nóng. Lâu nay, khách của giáo sư Chi không đến vào chiều thứ bảy nên Trúc đợi đến lúc làm cơm mới đun nước pha trà.
 
Trúc bưng hai ly nước lọc ra phòng khách, nàng định giải thích với giáo sư Thế về việc mời ông uống nước lọc nhưng lại thôi, nàng nghĩ tại sao lại phải chú trọng đến những chi tiết nhỏ nhặt ấy nhỉ ? Nếu là cha Trúc, ông sẽ áy náy giải thích ngay, vì ông luôn luôn uống trà nóng. Bạn bè của ông ai cũng biết ông là tay uống trà sành điệu, mỗi khi đi đâu về, nhà hết nước nóng là ông phải tự tay đun lấy để pha trà. Trúc cảm thấy ông có cái thói quen này thật là phiền phức. Nhưng ông lại cho đó là một cái thú tuyệt nhất.
 
- Cha cháu đi khỏi hở Trúc ?
 
Giáo sư Thế hỏi.
 
- Vâng ạ.
 
- Nhứt định là đi đánh cờ đấy thôi !
 
- Thưa đúng đấy ạ ! Cha cháu đến đằng bác Hiền để đánh cờ.
 
- Chắc cháu đánh cờ tướng cũng giỏi lắm ?
 
Trúc cúi đầu, cười đáp :
 
- Dạ cháu đánh cờ tệ lắm, thưa bác !
 
Giáo sư Thế cười, nâng ly nước trên tay :
 
- Mời cháu !
 
Rồi ông quay sang mời người đàn ông trẻ nọ, người này cùng bưng ly nước lên nói :
 
- Xin phép giáo sư.
 
Rồi quay sang Trúc, người đàn ông trẻ nói :
 
- Mời cô dùng nước.
 
Người thanh niên nói bằng tiếng Việt, làm Trúc ngạc nhiên đến quên cả đáp lại lời mời của ông ta.
 
Giáo sư Thế vừa bưng ly nước lên môi, chưa kịp uống vội nói :
 
- Ấy chết ! Bác quên giới thiệu với cháu, đây là ông Lê Thanh Bình.
 
Rồi ông quay sang người thanh niên nọ :
 
- Và đây là cô Lâm Thư Trúc, ái nữ của giáo sư Lâm Ẩn Chi.
 
Người thanh niên lịch sự nghiêng người. Giáo sư Thế nói tiếp với Trúc :
 
- Ông Bình đây là người Việt, một người bạn giới thiệu ông ấy đến bác để học chữ Trung Hoa, nhưng bác thì chuyên dạy về môn toán nên bác dẫn ông ấy đến đây giới thiệu với cha cháu.
 
Trúc mỉm cười, gật đầu, tỏ vẻ đã hiểu và nhìn phớt qua người thanh niên. Thảo nào, lúc mới trông thấy ông ta, Trúc đã có cái cảm giác là lạ, vì những cử chỉ của ông ta không có vẻ giống một người Trung Hoa, song cũng không xác định được một sự dị biệt hiển nhiên nào. Một cái nhìn rất khái quát đủ để Trúc có một nhận xét tạm thời về Bình. Dáng người hơi cao, nhưng không gầy, nước da ngâm ngâm đen, nét mặt Bình thoáng nhìn trông có vẻ suy tư, nhưng với đôi mắt hơi nhỏ qua làn kính không quá 5 độ lại  biểu hiện những nét uy nghiêm và “có thần”.
 
Trong lúc chờ đợi, giáo sư Thế nói qua loa với Trúc về những học vụ của ông và cha nàng ở trường.
 
Bình, trong một tư thế điềm nhiên, vẫn im lặng lắng nghe từ đầu đến cuối, mặc dù nghe thì nghe chứ anh chẳng hiểu gì cả. Tuy nhiên, anh cũng không cảm thấy khó chịu vì chẳng ai nói chuyện với mình. Thực ra thì cả giáo sư Thế và Trúc đều chỉ mới gặp anh lần đầu.
 
Đợi mãi đến 5 giờ chiều giáo sư Chi vẫn chưa về, giáo sư Thế cáo từ trước, vì ông có hẹn, ông bảo Bình ở lại chờ, Bình tỏ vẻ ái ngại đứng lên thì giáo sư Thế nói :
 
- Ông Bình đừng ngại gì cả, cứ ở nán lại mà chờ nhất định là ông Chi sắp về đến đấy, tôi rất tiếc là vì có hẹn nên không thể ở lại cùng chờ với ông. Xin ông cảm phiền nhé !
 
- Dạ thưa không có chi, xin cảm ơn sự giúp đỡ của giáo sư nhiều lắm ạ !
 
Giáo sư Thế đi rồi, Trúc và Bình trở vào phòng khách ngồi đối diện với nhau. Trúc cảm thấy hơi ái ngại vì sự đơn độc đối diện với một người lạ. Trúc lo Bình sẽ gợi chuyện với nàng để phá tan bầu không khí im lặng thì nguy. Vì Trúc chưa nói chuyện “tay đôi” với con trai bao giờ. Hơn nữa, Bình lại là một người không đồng ngôn ngữ.
 
Riêng Bình, anh cũng cảm thấy bầu không khí không được tự nhiên cho lắm, song anh không dám nói gì vì anh biết người Trung Hoa, nhất là thiếu nữ Trung Hoa không thích nói nhiều trước một người lạ mặt. Sở dĩ Bình biết được điều này là vì anh có dạy Việt Văn ở một trường Việt Hoa và các cô bạn đồng nghiệp người Trung Hoa đã cho anh kinh nghiệm ấy. Lúc đầu, Bình ngỡ là họ tự kiêu, về sau anh mới vỡ lẽ đó là một tập quán trong sự giao thiệp của người Trung Hoa. Gần đây, Bình lại học được một câu thành ngữ Trung Hoa “Phùng nhân chỉ thuyết tam phân thoại”. Câu thành ngữ này đã dựng lên tập quán ít nói của người Trung Hoa. Bình nghĩ, ít nói hay là không nói cũng chẳng khác nhau bao xa, và dù có muốn nói ít câu cho phù hợp phép xã giao, anh cũng không biết nên nói như thế nào, vì trông cái vẻ cô chủ nhà này hình như không thích nói chuyện. Vì vậy nên trong khi ngồi chờ, Bình im lặng nhìn bâng quơ ra cửa sổ.
 
Trúc có một thói quen rất là trẻ con : khi lo ngại điều gì, nàng thường đưa ngón tay lên miệng cắn một cách vô ý thức. Lúc Trúc phát giác ra là mình đang cắn ngón tay trước một kẻ khác phái, lạ mặt, nàng hốt hoảng buông vội tay xuống và len lén nhìn sang Bình xem có bị anh bắt gặp không. Trúc yên tâm ngay, vì ánh mắt Bình đang hướng về những nhánh vạn niên thanh trồng bên ngoài cửa sổ. Sắc mặt Bình điềm nhiên cố hữu. Nhất là lúc anh chàng trầm mặc, sự điềm nhiên ấy càng làm nổi bật một vẻ gì đôn hậu, nhu hòa, hay là một nét buồn phảng phất vương mang chút rắn rỏi.
 
Danh ngôn tây phương có câu “Trầm mặc là cao cả”, dường như Trúc vừa phát giác ra cái gì cao cả ở Bình, cùng một lúc, nàng lại cảm thấy có cái gì thất thường ở con người này. Tại sao anh chàng lại có thể mặc nhiên đi thưởng thức cái đẹp vô tri của những nhánh vạn niên thanh trước sự hiện diện của một người con gái ? Ngớ ngẩn ! Đối với anh con trai này, Trúc chữa sai câu nói của người tây phương “trầm mặc là ngớ ngẩn”.
 
Ngắm chán những nhánh vạn niên thanh, Bình quay vào lật xem những quyển điện ảnh Hồng Kông để ở gần đấy, vẫn với vẻ điềm nhiên như không có Trúc ở trước mặt. Chẳng hiểu sao, Trúc thấy cái con người này thật là… ngạo nghễ đến dễ ghét. Trúc chỉ thấy ghét sự trầm mặc ngạo nghễ của Bình, nhưng lại không mảy may nhận thấy được sự mâu thuẫn rõ rệt ở chính mình. Lúc nãy, cứ sợ người ta gợi chuyện, bây giờ thì lại thấy ghét cái thái độ im lặng của người ta. Theo Trúc, nàng xét đoán rằng tại vì Bình kiêu ngạo nên chẳng thèm nói chuyện với mình. Ít ra, anh chàng cũng nên hỏi một câu xã giao, chẳng hạn : “Thưa cô, sách này có phải từ Hồng Kông sang không ạ ?”. Chứ người đâu mà lại kiêu căng đến thế ? Nghĩ thế nên Trúc nghe tức tức trong bụng. Dù không biết đích thực có phải Bình trầm mặc vì kiêu căng không, Trúc cũng cứ tức, và cứ kiêu căng lại bằng cách chả thèm chú ý đến Bình nữa.
 
Trúc cố bắt buộc đầu óc mình nghĩ ngợi để khỏi bực dọc về Bình. Bỗng, nàng sực nhớ đến cây tương tư trong giấc mộng. Thực ra, trên thực tế, Trúc chưa hề trông thấy loại cây này lần nào. Nhưng trong giấc mơ, nàng lại ý thức rất rõ rệt về tên và hình dáng của loài cây ấy. Bất giác, Trúc nghĩ đến bài thơ “Tương tư” của Vương Duy trong “Đường thi tam bách thủ” :
 
“Hồng đậu sinh Nam quốc
Xuân lai phát kỷ chi
Khuyến quân đa thải kiệt
Thử vật tối tương tư”.
 
Tạm dịch :
 
“Đậu đỏ mọc đất Nam
Xuân sang mầm nẩy lộc
Xin người hái để dành
Nhớ nhau trông kỷ vật”.
 
Người xưa dùng hai chữ tương tư một cách rất hàm súc. Thi sĩ Đỗ Phủ thời Đường, lúc đi thăm bạn không được gặp mặt vì bạn đi vắng, trên đường về ông đã ngâm “Hồng đậu từ” để tỏ lòng tưởng nhớ bạn của ông. Ngày nay, thiên hạ lạm dụng hai chữ tương tư một cách thái quá, đến nỗi nhiều người nghe nói đến tương tư thì chỉ nghĩ ngay đến việc tình tự giữa nam nữ, làm cho định nghĩa của danh từ này không còn thuần túy và trong sáng như ý của tác giả “Tương tư” nữa.
 
Sáu giờ kém năm phút thì giáo sư Chi về tới, ông bước vào nhà gật đầu chào Bình rồi đi thẳng luôn vô trong. Trúc vội vã kêu :
 
- Cha ! Cha ! Ông khách này đến tìm cha đấy !
 
- Thế à ? Cha tưởng ông ấy là bạn của con đấy chứ ?
 
Rồi quay sang Bình, ông nói :
 
- Xin lỗi cậu nhé ! Cậu cho biết quý danh.
 
Giáo sư Chi nói bằng tiếng Quảng Đông làm Bình ngơ ngẩn. Thư Trúc vội giải thích :
 
- Ông ấy là người Việt, thưa cha !
 
- Ơ hay ! Cái con bé này, việc gì cũng chẳng chịu cho cha biết trước cả.
 
Trúc cúi đầu im lặng lui xuống bếp để làm cơm, nàng cảm thấy ngạc nhiên về sự ngớ ngẩn của mình. “Quái ! Hôm nay mình làm sao thế này ?”. Trúc tự nhủ và tự lắc đầu, không thể giải thích.
 
Buổi tối, lúc dùng cơm, giáo sư Chi bảo cho Trúc biết, Bình là một sinh viên Văn Khoa, hiện Bình vừa học vừa dạy thêm ở các trường tư. Bình học thêm chữ Trung Hoa là để trau dồi về môn mà anh đang học. Vì không có thì giờ nên Bình chỉ nhờ ông dạy vào chiều thứ bảy và chủ nhật mỗi tuần.
 
Trúc nghe xong hỏi cha :
 
- Thế cha có nhận dạy cho ông ấy không ?
 
- Có, bắt đầu từ ngày mai, cậu ấy sẽ đến để học.
 
- Thế… chiều thứ bảy cha còn thì giờ đâu để đi đánh cờ nữa nhỉ ?
 
Giáo sư Chi trầm ngâm :
 
- Thì cha… bỏ hẳn, không đánh cờ nữa.
 
Trúc im lặng, nàng có vẻ không tin. Cái nhà ông Bình ấy có… mãnh lực gì làm cho cha nàng bỏ hẳn đánh cờ để dạy ông ta ? Nếu bảo là ông ấy trả học phí cao ư ? Đối với một người cương trực như cha nàng, cái giả thuyết ấy không thể đứng vững, đánh cờ là thú tiêu khiển duy nhất của ông cơ mà ? Trúc càng nghĩ càng thắc mắc, nên hỏi cha :
 
- Thế cha thu ông ấy bao nhiêu học phí mỗi tháng hở cha ?
 
- Không, cha chẳng thu đồng nào cả !
 
Trúc ngẩng đầu nhìn cha, nỗi nghi hoặc càng lúc càng gia tăng trong lòng nàng. Hình như giáo sư Chi đã đọc được ý nghĩ của Trúc qua ánh mắt nàng nên ông chậm rãi nói tiếp :
 
- Coi như là, cha với ông ấy dạy lẫn nhau và cùng nhau học tập, thế thôi !
 
- Trời ơi ! Cha mà cũng còn học tập nữa cơ à ?
 
- Chứ sao lại không ? “Học vô chỉ cảnh” mà lại ! Vả, cha với cậu ấy cùng làm nghề giáo, âu cũng là ngẫu phùng tri kỷ.
 
Giáo sư Chi nói và nghĩ lan man đến cuộc đàm thoại giữa ông và Bình. Người thanh niên Việt này gợi cho ông nhớ lại thời niên thiếu đã qua. Thuở ông còn bằng tuổi Bình, thanh niên Trung Hoa cũng nho nhã, khiêm tốn và tất cung tất kính như Bình vậy, đó mới là cái phong độ truyền thống của người dân Trung Hoa. Sau thế chiến, tất cả các việc đã dần dà phôi phai theo làn sóng cách mạng. Thanh niên và giới trí thức đua nhau xả thân cung phụng cho các triều lưu văn minh, phóng túng. Thế là dân tộc Trung Hoa từ xã hội, văn hóa, giáo dục, cho đến đời sống gia đình, nhất nhất, đều không còn thuần túy nữa. Ông nhìn tất cả sự vật biến thiên như nhìn sự luân chuyển tất yếu của bánh xe thời gian. Dĩ nhiên, chiếc bánh có lăn thì chiếc xe mới có thể tiến tới để đưa ông rời bỏ quê hương lang bạt đến chỗ này. Khách trú tha hương trên hai mươi năm trời nay, lắm lúc chạnh nhớ cố hương ông đã tự trách mình tại sao lúc bấy giờ không đủ can đảm ở lại, để bây giờ, lâu lâu, ông lại mắc phải chứng bệnh “sầu nhớ cố hương”.
 
Suốt bữa cơm, hai cha con không nói gì với nhau nữa. Trong sự im lặng của cha, Trúc không bao giờ xét đoán được ông có nghĩ gì hay không. Riêng Trúc, đầu óc nàng xôn xao với những ý nghĩ : Coi bộ cha nàng… mê cái ông Bình ấy quá. Từ ngày mẹ Trúc qua đời đến nay, không gì có đủ mãnh lực làm ông bỏ đánh cờ cả. Thế mà con người có bộ mặt lầm lì như Bình lại khắc phục được ông, thì cái anh chàng ắt hẳn chẳng vừa gì.
 
­­­_________________
(1) Cây đậu đỏ (Xin xem điển tích về danh từ này ở phần sau).

________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>