Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

CHƯƠNG IV_TƯƠNG TƯ

IV
 
 
Trúc ghi tên học lớp kế toán đêm đã hơn một tháng nay. Nàng bỏ trường kế toán ở gần nhà nàng nhất, có thể đi bộ đến trường, để học ở một trường khác, xa hơn, phải đi bằng xe lam.
 
Trúc không phủ nhận nàng làm thế là vì tò mò, muốn đi xe lam mỗi tối với hy vọng sẽ gặp Bình, để xác nhận lời của Niệm Từ là đúng hay sai.
 
Hơn một tháng nay, Trúc không gặp Bình, cũng không gặp một ông tài xế xe lam nào giống Bình. Trúc hơi thất vọng, định bụng học hết khóa kế toán sơ khởi hai tháng, nếu vẫn không gặp Bình, nàng sẽ kết luận lời của Niệm Từ là sai.
 
Rốt cuộc, chưa hết khóa học, nàng đã phải xoay ngược chiều kết luận, vì Trúc đã gặp Bình trong vai anh tài xế xe lam. Lúc bước lên xe, Trúc không dám nhìn thẳng Bình, vì sợ Bình ngượng (?). Suốt quãng đường từ trường học đến đầu con đường dẫn đến nhà Trúc, Trúc quan sát thái độ làm việc của Bình. Nàng cảm thấy Bình vẫn mang nét điềm nhiên cố hữu trong bất cứ trường hợp hoặc giờ khắc nào.
 
Hình như Bình chưa nhận ra Trúc đã lên xe của anh. Trúc cũng mong thế, vì nếu nhận ra nàng có lẽ Bình sẽ thấy khó xử. Nghĩ thế nên Trúc cố tình quay mặt ra phía sau xe.
 
Lúc xuống xe, Trúc nhờ một hành khách ngồi chung xe bảo Bình dừng lại và gửi luôn tiền xe cho người hành khách.
 
Xuống khỏi xe rồi, Trúc chợt cảm thấy nàng cư xử với Bình như thế có vẻ không được đàng hoàng. Chẳng hiểu một bản năng vô hình nào đó, xui nàng ngoảnh đầu nhìn lại, vừa đúng lúc bắt gặp Bình đang dõi trông theo nàng. Thấy Trúc quay lại, Bình vội đưa tay vẫy vẫy. Trúc đi trở lại thản nhiên gật đầu chào Bình. Đáng lẽ Trúc phải vờ ngạc nhiên mới đúng, vì lúc lên xe nàng đã trót vờ không trông thấy anh. Nhưng Trúc nhận thấy nàng không thể giả dối mãi trước sự chân chính của Bình. Bình điềm nhiên trao trả tiền xe lại cho Trúc với nụ cười thật tươi và cho xe chạy. Anh không nói một lời, cũng không để Trúc kịp nói tiếng cảm ơn.
 
Trúc ngẩn người trông theo cho đến khi chiếc xe mất hút sau một khúc quanh.
 
Trong khoảng khắc, Trúc thấy nàng đã đánh giá trị con người Bình quá thấp. Ít ra, Trúc đã hiểu về Bình quá nhiều trong cách cư xử, thế mà nàng vẫn nghĩ quẩn về anh.
 
Bây giờ Trúc mới kịp nhận thấy, nàng kém xa Bình trong việc xử thế, nhất là đối với những việc đột ngột, Bình có thừa điềm tĩnh để ứng phó. Còn Trúc, nàng chỉ có tài nghĩ quẩn, đoán mò. Có lẽ tại Trúc thông minh quá, hoá ra nhạy cảm trong việc xét đoán mọi vấn đề.
 
Thật ra thì Bình đã nhận ra Trúc từ khi trông thấy nàng đứng bên đường đón xe và anh đã tự động dừng xe lại để rước nàng. Điểm này quá rõ rệt, vì Trúc chưa đưa tay vẫy, xe đã ngừng lại. Đối với một anh tài xế kênh kiệu (nhận xét của Niệm Từ) như Bình làm gì có việc cầu cạnh hành khách như thế ?
 
Lần đầu tiên Trúc thấy tinh thần sảng khoái khi nghĩ đến những điều liên quan đến Bình, nhất là khi nghĩ đến nụ cười tươi tắn của anh trong bóng đêm mờ ảo. Lần đầu tiên Trúc phát giác ra Bình có một hàm răng vừa đều đặn vừa trắng tinh khiết và… có duyên lạ. Trúc vẫn thường có cảm giác hàm răng tinh khiết của người đàn ông không hút thuốc lá vẫn là món lợi khí duyên dáng nhất để chinh phục đàn bà. Trên đường về nhà, đầu óc Trúc chở đầy ăm ắp những nụ cười, khỏa lấp rất nhiều ý nghĩ.
 
Giáo sư Chi đang ngồi ở bàn viết chấm bài. Ông vừa xem một bài luận văn hay chi đó, vừa gật gù tỏ vẻ thưởng thức. Trúc ngồi ở salon đọc báo. Tuy mắt nàng dán trên mặt báo, đầu óc nàng đang đang tập trung về phía giáo sư Chi. Nàng hy vọng ông hoàn tất chóng vánh công việc để tìm cách gợi chuyện với ông. Trúc rất ít khi gợi chuyện với cha, nhưng dạo này hình như nàng có quá nhiều vấn đề thắc mắc cần phải giải đáp ở cha nàng. Thời gian chầm chậm trôi qua, hình như giáo sư Chi vẫn còn mải mê làm việc. Thư Trúc cảm thấy một nỗi bất bình dâng lên trong lòng nàng. Cha nàng thì lúc nào cũng thế, ông mải lo thưởng thức khen tặng các học trò ngoan của ông, chưa bao giờ Trúc nghe ông khen nàng lấy một tiếng.
 
Đồng hồ gõ báo hiệu thiếu 15 phút 10 giờ. Trúc chán nản đứng lên sửa soạn lên gác, khuya thế này mà ông chưa chấm xong bài, nàng không còn thời giờ để chờ đợi ông nữa.
 
- Thư Trúc, con lại đây mà xem cái này.
 
Giáo sư Chi gọi Trúc đến trao cho nàng một quyển vở. Lại một cậu học trò ngoan nào được lòng ông đây, Trúc nghĩ, và lướt qua bài luận văn có nét chữ đều đặn. Nàng không chăm chú đọc nên không hiểu nội dung ra sao. Lúc trao trả quyển vở lại cho cha, ông hỏi :
 
- Khá đấy chứ ?
 
Trúc chỉ đáp lại bằng vài tiếng khen tặng cho có lệ chứ thực ra nàng không còn tâm trí đâu để đọc những kiệt tác của những kẻ nàng chỉ nghe tên mà không biết mặt ấy. Lúc Trúc quay gót đi lên gác, nàng nghe tiếng giáo sư Chi nói :
 
- Bây giờ cha mới biết, người Việt hiếu học hơn người Trung Hoa ta nhiều.
 
Trúc đứng dừng lại, cùng một lúc, tim nàng cũng ngưng đập trong tích tắc. Thì ra bài luận văn lúc nãy là của Bình, sao cha nàng không nói sớm. Nếu biết thế, nhất định Trúc phải chăm chú đọc cho thật kỹ và sẽ gợi chuyện với cha nàng về đề tài “Bình”. Nàng vẫn mong mỏi được biết ít nhiều về Bình qua sự thuật lại của cha, thế mà nàng đã bỏ lỡ cơ hội sau mấy giờ đồng hồ ngồi chờ cơ hội ấy đến. Càng nghĩ Trúc càng thấy tiếc nuối. Nàng muốn quay trở lại yêu cầu cha nàng cho phép nàng đọc lại bài luận văn của Bình, nhưng làm như thế cha nàng sẽ đoán biết được tâm ý của nàng. Chợt Trúc nảy ra một ý nghĩ, nàng quay trở lại nói với giáo sư Chi :
 
- Hình như hoàn cảnh ông ấy không được khá, cha ạ ! Con thấy ông ấy lái xe lam vào buổi tối.
 
- Con bảo cậu Bình ấy à ?
 
- Vâng, cha không biết việc này ư ?
 
- Có, vì thế nên cha mới bảo là cậu ấy hiếu học.
 
Giáo sư Chi cầm ly nước uống một ngụm và trao chiếc ly cho Trúc :
 
- Con rót cho cha một ly nữa.
 
Trúc cầm ly đi vào trong và nghĩ ngợi tìm cách để gợi chuyện với cha. Cuối cùng, nàng đã nghĩ ra được một cách. Lúc mang nước ra cho cha, Trúc thuận tay kéo chiếc ghế đẩu ngồi xem ông chấm bài. Giáo sư Chi đã hiểu thấu tâm lý của Trúc, trên thế gian nầy có bậc làm cha mẹ nào lại không hiểu con mình ? Vì hiểu Trúc nên ông đã im lặng từ đầu đến cuối, để cho cái gì đến nó sẽ phải đến trong vòng kiểm soát âm thầm của ông. Là một con người đã từng sống dưới sự chi phối giữa lý trí và tình cảm, ông thấy rõ con gái của ông cũng mang trong người dòng máu di truyền ấy, và sẽ có một lối xử thế như ông vậy, nghĩa là phàm việc gì cũng ứng biến một cách thuận hồ tự nhiên, không cưỡng ý trời cũng không nghịch ý người. Mọi sự tự nhiên sẽ được giải quyết, dù thỏa đáng hay không thì cũng sẽ đi đến một kết cuộc.
 
Giáo sư Chi ngừng tay chấm bài. Ông mồi thuốc hút và thong thả nói về Bình cho Trúc nghe.
 
Thì ra, Trúc đã đoán đúng phần nào về gia cảnh của Bình. Quả tình anh phải mang một trọng trách lớn lao đối với gia đình. Tuy nhiên, anh không phải thuộc vào thành phần “một vợ sáu con” như Trúc đã ước đoán.
 
Bình là con út trong một gia đình có ba người con trai. Hai người anh của Bình đều ở trong quân đội. Một năm trước đây, người anh cả của Bình tử trận, để lại một vợ và bốn con thơ. Hiện Bình cùng chị dâu lo việc sinh kế cho các cháu và một người cha già. Thỉnh thoảng, Bình lại phải phụ cấp khoản chi tiêu cho người anh thứ hai trong quân ngũ. Chiếc xe lam mà Bình đang lái là do số tiền tử của anh cả, cộng với số tiền dành dụm của chị dâu mua được. Ban ngày, xe để cho mướn, ban đêm Bình chạy để kiếm thêm.
 
Trong lúc ngồi nghe cha kể, Trúc cố làm ra vẻ thản nhiên, chứ thực ra lòng Trúc xôn xao với những cảm xúc bồi hồi. Trúc muốn hỏi thêm cha về những chi tiết khác xung quanh sinh hoạt của Bình, nhưng nghĩ lại, nàng không có tư cách hay lý do gì để tìm hiểu đời tư của Bình nên ngồi yên nghe và cố giữ thái độ điềm tĩnh từ đầu đến cuối.
 
Kể ra thì Bình có đủ đức tính về mọi mặt…
 
Giáo sư Chi vươn vai, đứng lên nói tiếp :
 
- Cha xem anh ta rất có tương lai.
 
Trúc cũng đứng lên, vì đã đến giờ đi nghỉ. Giáo sư Chi chừng nhớ ra điều gì :
 
- À, con có đọc thư của Khâm chưa, Thư Trúc ?
 
- Thưa cha, gần hai tháng nay, con không được cái thư nào của Khâm cả.
 
- Sáng nay mới có cái thư đấy thôi, cha để trên đầu tủ ăn, con không trông thấy à ?
 
Trúc chạy vội xuống bếp, bật đèn tìm được cái thư. Trúc cảm thấy cha nàng gần như lạ lùng. Ông nhắc Khâm sau khi vừa kể chuyện về Bình cho nàng nghe, làm Trúc có cảm tưởng như ông đang điều khiển bộ não của nàng, vừa bắt nàng nghĩ về Bình một cách mãnh liệt, vừa xoay sang bắt nàng phải nghĩ về Khâm. Tại sao ông không đưa thư của Khâm cho nàng từ lúc ban sáng ? Tại sao ông không nói về Bình những ngày trước đây ?
 
Trúc cảm thấy buồn bực vô cùng. Nàng mang thư lên gác ngồi phệt xuống giường không buồn bóc thư ra đọc ngay. Ngồi như thế được một lát, Trúc cảm thấy nàng trách cha một cách vô lý không chi bằng. Tự Trúc nghĩ quanh nghĩ quẩn hết người nầy đến người kia, chứ ông có biết nàng nghĩ hay bảo nàng nghĩ thế này hay thế nọ bao giờ đâu ?
 
Trúc giận Khâm hai tháng mới gửi cho nàng một cái thư, làm nàng chờ đợi mỏi mòn đến nghĩ vơ nghĩ vẩn. Càng nghĩ Trúc càng cảm thấy cơn giận sôi lên sùng sục trong lòng. Trúc ném thư sang một bên và tắt đèn lên giường nằm. Nàng trả thù Khâm bằng cách không đọc ngay thư anh và định bụng sẽ viết cho Khâm bảo rằng vì anh gửi thư trễ nên nàng phạt anh bằng cách để trễ thêm vài hôm mới đọc thư và trả lời Khâm.
 
Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, Trúc không tài nào chợp mắt ngủ đi được, đầu óc nàng lại cứ mải mê suy nghĩ. Đến lúc Trúc chợt phát giác ra là mình đang suy nghĩ về Bình. Trúc thở dài nghĩ thầm : “Tôi làm sao thế này ?” Trúc tự biết, từ mấy tháng nay, nàng đã để hết tâm trí vào việc suy luận và xét đoán những vấn đề thuộc về Bình. Trong khi ấy nàng lại không hề mảy may thắc mắc hay xét đoán vì lẽ gì Khâm ít thư cho nàng. Hơn nữa, trong khoảng thời gian vắng thư Khâm, Trúc cũng không có cái thư nào gửi đi hỏi thăm nguyên do. Nghĩ đến nguyên do vì đâu Khâm không viết cho nàng, Trúc ngồi bật dậy, bật đèn xé thư Khâm ra đọc :
 
Thư Trúc,
 
Giải thích chỉ là một việc quá thừa, nên anh không giải thích vì sao hơn một tháng nay, anh không có thư cho Trúc. Mong Trúc tha lỗi cho anh, anh có lỗi với Trúc nhiều quá.
 
Tháng vừa qua anh và một nhóm bạn có tổ chức một cuộc cắm trại ở núi Dương Minh và, bãi bể Dã Liễu. Trong suốt hai tuần lễ cắm trại, anh không có lấy một chút thì giờ để viết thư cho Trúc. Ban ngày thì lo tham dự cuộc vui đùa của đám thanh niên nam nữ trong tổ chức, đêm đến rúc vào trong lều tập thể của các bạn trai. Phần thì không đèn đuốc, phần thì vì đông người không khí ồn ào nên anh không thể làm gì được. Đây là lần đầu tiên anh tham dự cuộc cắm trại đầy thích thú nhưng cũng khá mệt mỏi này nên về đến trường anh đâm uể oải và lười biếng đến hơn nửa tháng sau anh mới viết thư này cho Trúc. Xin Trúc tha lỗi cho anh. Mong thư Trúc.
 
Khâm.      
 
Trúc cảm thấy có một sự đổ vỡ âm thầm nào đó, sắp sửa xảy ra chung quanh nội dung bức thư của Khâm. Thì ra, Khâm đã vì mải mê chơi đùa nên quên lãng Trúc. Trúc cảm thấy những lý lẽ của Khâm viết trong thư đều không đứng vững. Có lẽ Khâm đã thay đổi hẳn tính tình khi tiếp cận lớp người trẻ có cuộc sống vui cuồng sống vội ấy. Ý nghĩ này làm Trúc chua xót. Giá trước kia Khâm đã tỏ ra là một con người ham chơi, đua đòi có lẽ Trúc đã không dễ gì chấp nhận tình cảm của anh và bây giờ sẽ không đến đỗi chua xót vì sự thay đổi của anh.
 
Trúc xếp thư lại và lên giường nằm suy nghĩ. Trước kia cũng có những lần Khâm đi xa. Mỗi lần như thế, Trúc đều nhận được thư Khâm viết trên xe hỏa với những dòng chữ ngoằn ngoèo in trên tờ giấy tí hon xé từ sổ tay làm Trúc cảm động. Thế mà lần này, chẳng những khi đi Khâm không viết một dòng cho nàng, đến lúc về, lại lười biếng để đến nửa tháng sau mới viết. Càng nghĩ Trúc càng thấy giận Khâm. Hai hàng nước mắt tuôn ướt cả chiếc khăn lông phủ trên mặt gối. Đến lúc quá mỏi mệt, Trúc mới chợp mắt ngủ thiếp đi.

_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG V
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>