Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Màu Xanh Học Trò (II)


Bọn học trò thấy thầy vui, được thể, hỏi chuyện nhau ầm lên. Thầy phải gõ thước mấy tiếng, lớp mới tạm im. Và bắt đầu bài viết mới. Cả lớp, đứa nào cũng tay viết bài nhưng óc nghĩ đâu đâu.

Hết giờ vạn vật, cô công dân còn chưa tới. Thầy vạn vật mới lấy giấy bút ghi tên “cầu thủ” :
 
- Ê, Lộc, mầy đá không ?
 
- Đá là cái chắc, ghi tên tao vào đi, ghi luôn thằng Phu nữa.
 
- Biết rồi, mầy với nó mà. Còn thằng Ngọc nữa, đá không ?
 
- Còn lâu mới không, tao đi hậu vệ đó.
 
Bọn khác, không là “cầu thủ” thì bàn tán về hội banh của lớp mình.
 
- Thằng Lê gôn hả ?
 
- Chớ còn thằng nào. Tay nhựa, bắt banh là dính…
 
- Thằng Tưởng tao ưng nhất đó, nó sút thiệt ác, cú nào cũng đáng giá…
 
- Thằng Phu thì suya ngón lừa, cừ ghê.
 
Chợt cả lớp im thin thít, đứng cả dậy. Cô công dân vừa vào tới. Cô hiền nhưng rất ghét lớp ồn ào. Bọn lục hai khôn, biết vậy, không nói chuyện trong giờ công dân bao giờ. Chỉ khi nào cô vui, không còn bài giảng, cho nói chuyện, chúng nó mới nói. Thành ra cô cưng lớp lục hai nhất. Kỳ đệ nhất lục cá nguyệt rồi, cô cho điểm hạnh kiểm hai mươi tới hơn nửa lớp, những đứa còn lại cũng mười tám, mười chín.
 
Hôm nay cô không hỏi bài, chỉ giảng bài mới và hứa sẽ kể chuyện cho nghe. Gì chớ kể chuyện thì cô nhất rồi, giọng cô hay và thường, truyện cô lựa để kể cũng hay nữa. Gần trăm con mắt nhìn cô, lắng nghe.
 
Nắng dịu đi nhiều, nhưng chút nữa tới giờ về, chắc thế nào cũng gắt lên. Bọn trẻ bây giờ ngồi im vậy đó, vì ham nghe cô công dân kể chuyện, nhưng rồi tới giờ về, đố khỏi chúng nó không trở lại chuyện đá banh. Tâm hồn bọn trẻ như cơn nắng.
 
 
Ba
 
Nằm ở đầu con dốc “kỷ niệm” trong một khu đất rộng, thấp, về phía phải, trường N.Q có hai dãy, cả thảy gần hai mươi lớp học. Ngoài cùng, gần lộ, là phòng thí nghiệm, ít được sử dụng lắm, hay dùng làm lớp sinh ngữ. Văn phòng đặt ở phòng đầu dãy trước, cạnh là phòng giáo sư. Dãy trước toàn lớp lớn, đệ tứ tới đệ nhất (có lẽ để khỏi làm ồn đến văn phòng). Bọn nhỏ học ở dãy sau, cách dãy trước một khoảng sân rộng, trải đá vụn xanh. Giữa sân là cột cờ, chung quanh trồng bông.
 
Lớp lục hai ở phòng bìa tầng dưới dãy sau. Lớp lục ba kế cận. Buổi con trai thường thứ hai, ba, tư học chiều ; năm, sáu, bảy học sáng ; buổi con gái ngược lại. Hôm nay là thứ sáu.
 
Còn sớm lắm, mới chừng bảy giờ rưỡi. Bọn lục hai đã có mặt gần đủ trong lớp. Thằng Tưởng lo sắp xếp đội cầu :
 
- Thằng Hạ mới vô cho đi tiền vệ nghe, tụi mày ưng không ?
 
Nhiều đứa bằng lòng, nhưng cũng nhiều đứa không chịu, lấy cớ chưa biết tài thằng Hạ ra sao. Thằng Tưởng phải lấy biểu quyết, kết quả là thằng Hạ được như ý. Hạ sướng ra mặt, cười nói không thôi. Tụi bạn đứng cạnh nó căn dặn :
 
- Nhớ sút cho ngon nghe mày. Tụi lục ba cũng cừ lắm. Lần trước, mình suýt thua nó đó, gần hết giờ thằng Tưởng mới sút được…
 
- Bên đó thằng Cường ưa chơi xấu lắm đó, coi chừng nó đá cẳng…
 
Hạ nghe tất cả. Nó nhủ sẽ hết sức cố gắng, cố gắng như đã cố gắng học. Mới thi quốc văn đệ nhị lục cá nguyệt tuần trước, hôm qua cô trả bài thi, Hạ được nhất. Nó mơ sẽ thành người hùng của trận banh chủ nhật này. Thằng vẫn ưa vậy, mơ mộng.
 
Thằng Tưởng sắp xếp đội cầu xong, thở nhẹ nhõm. Nó hẹn :
 
- Chiều thứ bảy đi tập nghe.
 
Tất cả cùng đồng ý. Những đứa khác hứa ủng hộ tinh thần. Thằng Thông ỷ nhà giàu, nói bao cả đội cầu một chầu nước đá chanh. Cả bọn vỗ tay hoan nghênh. Xong cả lớp ùa ra sân, chờ giờ chào cờ, vào lớp.
 
Thằng Tưởng khoác vai bạn cùng bước ngược ra phía cổng trường. Thằng Hạ, hai tay ôm cặp đặt sau lưng (thằng ưa ôm cặp vậy) thong thả đếm bước. Buổi sáng, trời trong không một sợi mây. Hai đứa bạn đi bên nhau im lặng. Tiếng xào xạo của bước chân chúng nó trên lớp đá xanh vang nhẹ, hòa lẫn muôn ngàn tiếng động khác, cũng tiếng chân trên đá, hoặc tiếng trò chuyện, cười đùa.
 
Đến ngang phòng Tổng giám thị thì hai đứa đụng đầu với hai thằng Hiểu, Lên đi vòng phía ngược lại. Bộ bốn rảo ngang dảy trước. Chúng nó trở nên bé nhỏ hẳn giữa các anh lớp lớn. Thằng Lên chỉ vào một phòng học, nói :
 
- Biết chừng nào mình lên tới lớp này, tụi mày hé ?
 
Thằng Hạ :
 
- Còn lâu lắm…
 
Tưởng phụ họa :
 
- Phải chi tới hồi đó vẫn bốn đứa học chung thì vui ghê.
 
- Ừa… cầu trời…
 
Thầy vạn vật đi ngang, bốn đứa cúi chào. Thầy cười, nói :
 
- Tuần tới về học bài nghe, làm bút vấn đó.
 
Bốn đứa cùng dạ. Thầy vạn vật đi về phía phòng giáo sư. Thằng lên ngoái nhìn thầy, nói :
 
- Ổng vui ghê tụi mày hé ?
 
- Ừa, nhưng chắc không bằng thầy Tuyên được…
 
“Bằng thầy Tuyên”. Cả bốn đứa, không đứa nào, vào một lúc nào đó, lại nghĩ rằng có một giáo sư chúng đã và đang học bằng Thầy Tuyên, vị giáo sư lý hóa đã cho chúng thật nhiều kiến thức, không chỉ trong phạm vi môn học, mà còn nhiều phạm vi khác. Thằng Hạ nghĩ nhiều về thầy Tuyên.
 
Ngày mới đến học, Hạ đã nghe bạn bè xầm xì về thầy lý-hóa, bảo đó là ông thầy khó nhất trường. Thầy Tuyên không phải giáo sư đệ nhất cấp, thầy dạy đệ tam, nhị, nhất lận nhưng thấy lớp lục có giờ lý hóa trống, thầy lại muốn tiếp xúc với học trò nhỏ, tình nguyện xin dạy. Hạ sợ ghê, mà chẳng riêng gì nó, đứa nào cũng sợ thế cả. Đứa nào cũng nghĩ thầy dạy lớp lớn là phải khó, mà đã khó thì…
 
Hồi chưa thi đệ nhất lục cá nguyệt thầy Tuyên hỏi bài lu bù. Mà có hỏi bài theo lối thường đâu, kỳ nào cũng bắt phải học từ đầu. Đứa nào đứa nấy xanh mặt hết. Một lần, Hạ bị kêu trả bài, thầy hỏi tận bài đầu, nó quên. Thầy vo tròn một con không trong sổ chờ sẵn, may, nó đáp đúng câu thứ hai, nên mới được chín điểm trên hai mươi. Sau lần đó, Hạ sợ luôn, về học bài thật kỹ. Học kỹ, thầy lại ít hỏi, lâu thật lâu mới kêu một lần. Dần dần, cả lớp đều khá lý-hóa. Nhưng khá thì khá, học thuộc thì thuộc, chứ tới giờ thầy kêu trả bài, đứa nào cũng vẫn xanh mặt. Có khi thuộc mà trả ấp úng ; sợ quá mà.
 
Kỳ đệ nhất lục cá nguyệt, thầy cho bài hơi khó – Hạ có đem đố bọn lục ba, tụi này giải không được – nhưng lớp lục hai chỉ có một đứa dưới trung bình. Thằng Hạ những mười tám, hạng nhất. Cả lớp bắt đầu thấy sự ích lợi của cái khó của thầy Tuyên. Thầy cũng tự nhiên bớt khó khăn, ít hỏi bài, nhưng chẳng có đứa nào dám bỏ bài không học, chỉ sợ thầy kêu trả bài bất kỳ mà không thuộc thì… số không là cái chắc ! Cho đến thằng Hiểu, thằng Lên thầy quen biết từ trước niên học mà còn có lần bị điểm không nữa là.
 
Thi lục cá nguyệt rồi, gần tết, bọn lục hai mới rõ thầy Tuyên. Vui lắm. Thầy hay đi bơi, lần nào cũng ghé nhà thằng Lên. Bọn thằng Tưởng, thằng Hiểu, và mới đây, Hạ, thường đi theo. Đứa nào cũng thích cả. Và tự nhiên, chúng hết thấy thầy Tuyên là khó, cả môn lý hóa của thầy nữa. Dễ ợt. Một lần, thằng Hạ bậm gan hỏi thầy vì sao dạo này thầy ít kêu trả bài, thầy Tuyên hỏi lại : “Mà các em có học bài không ?”, Hạ đáp có. Thầy Tuyên cười, nói : “Đó, mục đích tôi chỉ có thế, là mong các em chịu học bài. Từ đầu năm, tôi đã khó khăn bắt các em làm việc hết sức, sự cố gắng làm các em quen dần, để bây giờ, các em chịu học đều. Các em học bài hết thì tôi còn bắt trả bài làm chi”. Hạ phục thầy ghê. Và nó mới hiểu được ý thầy. Thầy khó là chỉ mong cho học trò khá.
 
Tuần tới thi toán lý hóa đệ nhị lục cá nguyệt rồi đây, nhất định Hạ phải đứng nhất mới được. Nó quyết giật cho được không những phần thưởng hạng nhất lớp lục hai mà còn cả phần thưởng đặc biệt của trường nữa. Phần thưởng dành cho học sinh nào từ đệ thất đến đệ tứ đứng nhất nhiều môn hơn cả. Có cả thẩy chín môn, thằng Hạ nó đã nhất tới bảy, nhì vẽ, năm nhạc, kỳ đệ nhất lục cá nguyệt rồi. Nghĩ đến ngày được lãnh phần thưởng đặc biệt, thằng Hạ cười một mình.
 
Thằng Tưởng đi cạnh Hạ, thấy bạn cười, mới hỏi :
 
- Cười gì vậy mày ?
 
Hạ đáp :
 
- Tao nghĩ tới chủ nhật nầy…
 
- Bọn mình sẽ hạ tụi lục ba hai bàn trắng phải không ?
 
- Đâu có, ba bàn lận.
 
- Không, năm bàn mới được…
 
Bốn đứa tranh nhau nói, rồi cùng cười. Mỗi đứa theo một ý nghĩ.
 
 
Bốn
 
Bỏ hai tuần không hỏi bài, hôm nay, thầy Tuyên lại giở sổ “ngắm” tên học trò. Cả lớp ngồi im thin thít. Có đứa cúi dò bài, có đứa ngồi im dáng tin tưởng. Thầy Tuyên lướt cây bút đỏ dọc theo cuốn sổ từ từ ! Cây bút dừng lại một chỗ đầu sổ. Những đứa có tên ở khoảng đó muốn đứng tim luôn, xanh mặt nhìn thầy. Tiếng thầy Tuyên thật rõ :
 
- Nguyễn Sơn Đông.
 
Có tiếng sột soạt chỗ thằng Đông, nó cầm tập len ra đầu bàn, lên bàn thầy. Những đứa vần A, B, C, D thở phào, chúng biết thầy Tuyên chỉ gọi xuống, không bao giờ gọi ngược lên. Vài đứa gấp tập ngồi nghe thằng Đông trả bài. Tiếng nó đều :
 
- Một vật dìm trong một chất lỏng bị chất lỏng ấy đẩy từ dưới lên trên theo đường thẳng đứng với một sức bằng trọng lượng của thể tích chất lỏng bị di chuyển…
 
Tiếng thầy Tuyên hỏi :
 
- Sức đẩy của chất lỏng có phụ thuộc trọng lượng vật và bề sâu chất lỏng không ?
 
Thằng Đông ngần ngừ rồi đáp :
 
- Dạ… không…
 
- Chắc không ?
 
Đông cười nhẹ :
 
- Dạ… chắc…
 
Thầy Tuyên cười, trả tập nó. Đông về chỗ, quay xuống, le lưỡi cười. Thế là “thoát nạn”. Cây bút đỏ của thầy Tuyên lại di chuyển xuống.
 
- Trần Thiếu Hạ.
 
Mới nghe đến Thiếu, thằng Hạ đã đứng lên, len qua thằng Huỳnh lên bàn thầy. Thầy Tuyên nhìn nó cười nhưng Hạ cười không được. Dù học khá, Hạ vẫn thấy run.
 
- Em nói định luật Mariotte xem nào.
 
Hạ nghĩ nhanh rồi đáp :
 
- Dạ… khi nhiệt độ không đổi, thể tích của một trọng khối tỉ lệ nghịch với áp suất…
 
Thầy Tuyên tiếp :
 
- Công thức V trên VI bằng P trên PI…
 
Thằng Hạ biết thầy hay cố ý hỏi sai, đáp :
 
- Dạ không. V trên VI bằng PI trên P.
 
Thầy Tuyên gật đầu, rồi lại hỏi tiếp :
 
- Lý tính của clor.
 
Rồi, hóa học rồi, môn tủ của thằng Hạ. Nó đọc ro ro, bọn bạn ngồi dưới nghe mà thèm :
 
- Clor là một chất khí màu vàng, mùi khó ngửi, tỉ trọng…
 
Mỗi đứa chỉ hai câu hỏi, thằng Hạ coi như thoát. Nó trở lại chỗ, cười. Đứa nào cũng thế, trả bài xong, thấy thuộc là cười. Và lúc nó cười là lúc nó quên tuốt hết, có khi hỏi lại nó rằng thầy vừa hỏi gì, chưa chắc nó đã nhớ nữa. Thằng Hạ thì chuyên môn vậy, nó nhớ bài chứ ít chịu nhớ những chuyện nhỏ nhặt như thế. Thằng Hiểu khen bạn :
 
- Mầy nói lẹ ghê, câu V VI, P PI đó…
 
Hạ ngớ ngẩn :
 
- V, P cái gì ?
 
Thằng Hiểu định nhạo bạn, thì có tiếng thầy Tuyên. Nó hoảng, lấy tập lên. Hú hồn, mới dò bài tối qua. Rồi cũng hai câu hỏi, Hiểu đáp xong, trở xuống. Một đứa khác lên, kế, là thằng Lên. Lúc thằng Lên bị gọi tên, mấy đứa bạn thân hôm nọ đi tắm với thầy Tuyên cùng hiểu ý thầy. Nhất định sẽ đến lượt thằng Tưởng. Đừng tưởng là được đi chơi với thầy mà không bị kêu trả bài. Thầy Tuyên là vậy đó, đi chơi là một chuyện, học là một chuyện.
 
Quả nhiên, một lúc sau, đến lượt thằng Tưởng. Tưởng biết trước dò bài lại một lần cho chắc, trả lời suông sẻ. Lúc nó trở về, thầy Tuyên cũng gấp sổ điểm lại. Tiếng nói chuyện bắt đầu. Những đứa không bị gọi trả bài thở phào mừng. Sách vở lật nghe sột soạt.
 
Giữa những tiếng động ồn ào, tiếng thầy Tuyên vang lên :
 
- Vật lý thầy đã dạy hết, giờ sang phần sau của hóa học. Rán nghe, quan trọng lắm đó. Các em viết đi… Khái niệm về acid, baz…
 
Bọn học trò thôi nói chuyện, cúi xuống, nắn nót viết tựa bài. Và bài học mới bắt đầu.
 
Lớp im, chỉ có tiếng giảng. Thỉnh thoảng, một đứa đứng lên hỏi điều không hiểu. Lớp học với giáo sư và học trò hiểu nhau, học thật tiến bộ. Không khí nghiêm nhưng cởi mở. Tất cả như quên mất thời gian.
 
Nhưng thời gian cứ trôi, hai giờ lý hóa hết. Tiếng chuông kéo tất cả khỏi bài học. Thầy Tuyên xoa tay, gấp sổ, viết tựa bài giảng. Học trò cất tập, sách, nhưng chưa ra. Vài đứa ngóng nhìn ra sân, bấy giờ đã có khá đông học sinh các lớp khác. Thầy Tuyên bước khỏi bục gỗ, đứng ở bàn đầu, khoác tay ra hiệu cho học trò im rồi hỏi :
 
- Chiều mai đá banh phải không mấy em ?
 
Bọn học trò tranh nhau trả lời :
 
- Đá với lục ba đó thầy…
 
- Chiều nay tụi em tập đó thầy…
 
Thầy Tuyên lại hỏi :
 
- Thầy Sơn có đi không, mấy em ?
 
- Dạ có, thầy Sơn đi với lục ba. Thầy đi với bọn em thầy.
 
Thầy Tuyên gật đầu :
 
- Được rồi, tôi đi ủng hộ mấy em…
 
Bọn trẻ reo mừng, những câu nói vang lên không biết tự đứa nào làm thầy Tuyên thấy… kỳ kỳ… nhưng vui :
 
- Thầy đi tụi bay ơi… Thầy ủng hộ mình…
 
- Thầy bao nước đá cho đội banh nữa…
 
- Đâu có, thầy bao cả lớp lận.
 
Thầy Tuyên cười hoài, cho cả lớp ra, còn nói :
 
- Mấy em nghe nè, tôi không có hứa gì đâu nghe…
 
Thầy nói rõ ràng vậy mà tụi học trò vẫn làm bộ :
 
- Đó, tụi mày nghe không, thầy hứa đó…

______________________________________________________________________________
Xem tiếp Phần III

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 118, ra ngày 15-11-1969) 

 
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>