2
Thành phố Mỹ Tho hẹp, người tản cư về nhiều nên chật
ních. Có người ở lại đó tìm phương kế tạm sinh sống, kẻ khác còn đi về
các miền xa hơn nữa. Một người buôn bán ở đây, trước vẫn thường lên Sàigòn cất hàng nơi hiệu Đức Hợp, nay thấy hai gia đình quen biết tản cư
về, họ tiếp đón rất tử tế. Họ thu xếp xuống ở tầng dưới, nhường trên gác
cho hai gia đình ở tạm. Hai gia đình gồm bốn người lớn và năm đứa con,
chen chúc trong một cái gác, kể cũng chật chội, nhưng hoàn cảnh tản cư
được như thế này là đáng mừng rồi.
Chỗ ở tạm yên, bà Nghĩa Hưng và bà Đức Hợp bàn tính với nhau, buôn bán vặt vãnh để kiếm tí lời, chớ ăn không ngồi rồi thì bạc tiền bao nhiêu cũng sẽ hết. Nhờ có ông bà chủ nhà giúp ý kiến, nên vài hôm sau, mỗi buổi sáng, cơm nước xong, hai bà về Cai Lậy mua trái trăng, thịt cá từ miền quê đưa ra, đem về Mỹ Tho bán lại. Lời lãi ngày ít ngày nhiều đắp đổi. Nhờ đó mà tiền vốn mang đi không đến nỗi hao hụt.
Việc sinh sống hàng ngày tạm yên, hai bà lại lo lắng về nỗi con cái : chúng nó không có chỗ học hành, ăn rồi nghịch phá, nhiều khi làm cho chủ nhà cũng phải khó chịu. Hai bà đi dọ hỏi, biết có một cô giáo cũng tản cư về đây, hai bà liền đến nhờ cô mỗi ngày dạy cho tụi trẻ vài giờ, để cho chúng khỏi quên sách vở và cũng để cho chúng bớt nghịch phá, làm phiền lòng kẻ khác. Cô giáo cũng đang tìm việc, liền vui vẻ nhận lời. Từ hôm đó, buổi sáng hai giờ, buổi chiều một giờ, các cô cậu Thu Thảo, Thúy Hạnh, Thanh và Hùng phải cắp sách đến nhà cô giáo để học. Chỉ có Thông học cao, không có lớp, nên được đi chơi lang thang cả ngày.
Phần các ông Nghĩa Hưng và Đức Hợp thì thật là nhàn hạ. Không có việc gì làm, các ông họp nhau đánh tổ tôm và uống rượu. Nhà ông bà Đức Hợp có người ở lo cơm nước, còn nhà Nghĩa Hưng không có, nên buổi sáng, trước khi đi mua hàng, bà phải nấu luôn cơm trưa sẵn đó rồi mới đi, đến chiều về, dẫu mệt mỏi hết sức, bà cũng phải chúi đầu vào bếp làm cơm tối ; ông Nghĩa Hưng chẳng đỡ đần bà được việc gì cả. Tuy vậy, bà vẫn vui lòng chịu đựng; bà biết ông đang buồn về thằng Thái. Trong mấy đứa con, ông thương thằng Thái hơn hết. Mới 18 tuổi, nó đã đậu tú tài toàn phần, ông hy vọng về sau đứa con đầu lòng ông sẽ trở thành một nhà luật sư tài giỏi. Tương lai nó được rạng rỡ, mà ông cũng được nó đỡ đần khi về già. Bây giờ nó bỏ nhà đi biệt tích, không biết sẽ ra thế nào cho nên ông đâm ra chán nản, chẳng thiết làm ăn gì nữa. Hằng ngày ông chỉ đánh cờ, uống rượu rồi ngủ, bỏ mọi sự mặc bà lo lắng.
Một buổi chiều, Thông dẫn em Thanh đi chơi với chúng bạn Thông vừa quen biết. Các cậu vào phố mua một ít kẹo rồi dẫn nhau ra khỏi thành phố chơi cho mát. Đi ngang qua một lùm rậm rạp, có nhiều cây cao, cành lá rườm rà, Thông đề nghị chúng bạn vào đó chơi. Một cậu lắc đầu quầy quậy:
- Anh có gan thì vào, chớ tụi tôi thì sợ lắm!
Thông ngạc nhiên hỏi lại:
- Lùm cây có gì mà anh sợ? Có rắn hả?
- Không phải sợ rắn, mà sợ cái khác. Anh thấy phía sau trong lùm cây có cái miếu thờ nho nhỏ đó không? Miếu này thiêng lắm. Tôi nghe ba tôi kể chuyện : Ngày xửa ngày xưa, ở vùng này có một ông phú hộ thọt chân, ông rất thương người nghèo khó. Thường ngày, ông chống gậy đi quanh trong xóm làng, ai túng cực, ông kêu đến cho lúa thóc đem về nuôi con cái. Nhân dân trong vùng, ai cũng cảm mến ân đức của ông. Khi ông mất, họ lập miếu này để thờ ông. Cái gậy ông dùng lúc sinh thời, họ để trên bàn thờ như một báu vật. Lúc đầu người ta tới kính viếng, cầu khấn luôn. Về sau này, ít người biết truyện ông, nên thỉnh thoảng mới có người tới. Miếu ông vì thế mới vắng vẻ, âm u, dễ sợ!
Thông bĩu môi “xì” một cái :
- Vậy mà dễ sợ cái gì?
Cả bọn nhao nhao :
- Anh không cho là dễ sợ à ? Thế thì tụi tôi đố anh vào trong miếu một mình xem. Miếu lúc nào cũng mở cửa, anh vào thử đi !
Thông hơi chột dạ, nhưng đã lỡ làm gan, cũng nói liều luôn :
- Được rồi để tôi vào đó một mình cho các anh xem !
Một cậu bảo :
- Nhưng lấy gì làm chứng là anh có vào trong miếu đó mới được chứ ? Anh chưa vào, mà anh bảo đã vào rồi thì sao ? Thôi thế này : Anh lấy chiếc gậy trên bàn thờ ra đây cho tụi tôi tin.
Cả bọn vỗ tay tán thành. Thấy Thông ngần ngại, một cậu lớn hơn cả, tươi cười bảo :
- Chắc là anh Thông sợ rồi, thôi chịu thua đi cho xong !
Chạm tự ái, Thông cương quyết:
- Nhất định tôi sẽ vào lấy chiếc gậy ấy về nhà cho các anh xem. Nhưng mà các anh cuộc gì mới được chứ?
- Tụi tôi cuộc thế này: từ đây cho đến 8 giờ sáng mai, nếu anh lấy chiếc gậy ấy về nhà, thì tụi tôi đãi anh một chầu phở no nê. Còn như anh không lấy được thì anh phải đãi lại tụi tôi, chịu không?
Thông biết mình đi quá đà, không thể thối lui được nữa bèn giơ ngón tay ra bảo :
- Được rồi, sáng mai các anh đến nhà tôi mà xem !
Hai bên “ngoéo” tay nhau rồi giải tán. Trên đường về, Thông mới cảm thấy cái dại của mình. Trong một phút bốc đồng, cậu đã tỏ ra mình can đảm. Nhưng bây giờ, cơn hăng nồng lắng xuống, cậu lo lắng chưa biết làm cách nào để lấy chiếc gậy trong miếu thờ ấy. Ban ngày thì sợ người gác, ban đêm thì, eo ơi ! Tối tăm hoang vắng như thế làm sao mà vào ! Rủi ông Phú hộ ấy linh thiêng, ổng hiện ra bóp cổ thì còn gì ?
Thằng Thanh thì khác, nó tưởng anh Thông nó cũng “chì” lắm. Nó hỏi liến thoắng :
- Anh Thông này, khi nào anh đi vào trong miếu đó, cho em đi với !
Nghe em nói, Thông mừng rỡ như người chết đuối vớ được tấm ván :
- Ừ, cơm tối xong có trăng, anh em mình kiếm cớ xin phép ba má đi chơi rồi đi thẳng vào miếu, nghe Thanh !
Cơm tối xong, ông Nghĩa Hưng và ông Đức Hợp lại đi đánh tổ tôm. Hai bà ngồi nói chuyện với nhau. Thu Thảo, Hùng và Thúy Hạnh sắp đồ ra chơi. Thông nháy mắt làm hiệu cho Thanh, rồi cả hai nhẹ nhàng xuống cầu thang. Ra khỏi thành phố, hai anh em đi đến trước lùm cây hồi chiều. Trống ngực Thông đập mạnh hơn trống làng, nhưng cậu vẫn làm bộ tỉnh táo bảo em :
- Thanh nè, cả hai đứa cùng vào không tiện, lỡ có ai ngoài này đi vào bắt được thì sao? Bây giờ em vào một mình để anh gác ngoài này. Có ai, anh sẽ hú cho em biết mà nấp đi.
Thanh cho là phải, bằng lòng đi một mình. Cậu theo đường mòn vào đến trước miếu. Cửa chỉ đóng chớ không khóa. Cậu xô một cái là cửa mở. Trong miếu tối om phảng phất mùi hương. Cậu bật một que diêm : ánh sáng bùng lên, cậu thấy ngay chiếc gậy để trên bàn thờ. Cậu bước lại run run cầm lấy và chạy một mạch ra đường cái. Nghe chân em chạy thình thịch, Thông đi vào một quãng đón em. Thấy chiếc gậy trong tay em, Thông mừng hết sức.
Thế là nhờ em mà Thanh và Thông được cuộc, được tụi bạn phục là can đảm. Thông định bụng đến chiều tối lại nhờ Thanh đưa vào miếu trả lại, nhưng chưa kịp thi hành thì mọi chuyện vỡ lở: ông Từ lo sạch sẽ trong miếu, sáng hôm đó vào quét dọn, thấy mất chiếc gậy thờ, liền tri hô lên. Ông chạy về thành phố, gặp ai ông cũng kể chuyện. Tin mất chiếc gậy thờ đồn từ người này sang người khác, và cuối cùng nhờ tụi trẻ kháo láo với nhau, họ tìm ra thủ phạm. Ông Từ liền đến tìm ông Nghĩa Hưng và trình bày tự sự. Ông Nghĩa Hưng điếng người: ông không dè con cái ông lại nghịch đến thế. Ông giận con run người lên, nhưng “con dại cái mang”, lại vì có người ngoài nên ông cố cầm mình, lấy lời từ tốn tạ lỗi, và đem chiếc gậy trả lại cho ông Từ. Ông Từ là người hiểu biết, ông cho là trẻ con dại dột, chứ không phải là chúng nó có ý xúc phạm đến thần linh.
Chờ cho ông Từ ra về một lúc, ông Nghĩa Hưng mới gọi Thông, Thanh ra tra hỏi. Thông sợ tái mặt, đổ lỗi cho em. Ông Nghĩa Hưng lâu nay vốn không ưa thằng Thanh, vì bản tính nó gan góc, liều lĩnh. Nghe nói thế, ông liền chụp lấy cổ thằng Thanh, đè nằm sấp xuống sàn nhà, trói tay chân nó lại, rồi lấy chiếc roi mây vừa quất vừa thét:
- Mày là thằng con vô phúc! Mày bêu xấu, bêu hổ cho tao, tao phải đánh chết mày mới được!
Thằng Thanh đau quá, lăn lộn trên sàn nhà, khóc la om sòm. Ông bà chủ nhà và ông Đức Hợp chạy lên can ông, nhưng thấy ông hung dữ quá, không ai dám vào. Hai mắt ông đỏ kè như hai cục than lửa, mình mẩy ông nóng rực. Thu Thảo sợ ba đánh chết em, vội vàng chạy ra chợ kêu mẹ. Bà Nghĩa Hưng giao hàng cho bà Đức Hợp, tất tả chạy về. Bà vừa lên đến gác thấy chồng đang mím môi, mím lợi đánh con chí tử. Bà xông vào ôm choàng lấy chồng,vừa khóc vừa nói:
- Ông ơi, con dại dột thì đánh nó vài roi đủ rồi, chớ ông định giết con hay sao mà đánh con dữ tợn thế này?
Ông Nghĩa Hưng như điên cuồng, xô vợ ra và quát:
- Bà đừng bênh con, lui ra, không tôi đánh cả bà!
- Thôi xin ông bớt giận, ông đánh con đau lắm rồi, xin ông tha cho con!
Miệng bà nói, hai tay bà giữ chặt lấy ông, mặc cho ông xô đẩy. Lòng thương con thêm sức mạnh cho bà. Cuối cùng ông đành chịu thua, ông vất roi, bỏ đi xuống dưới nhà. Trước khi ông đi, ông còn đe:
- Tối nay, tôi cấm bà không được cho nó ăn một hột cơm nào. Cái thứ con vô phúc đó phải trị cho mạt kiếp nó đi!
Bà Nghĩa Hưng mở trói cho con, rồi bồng vào giường. Cởi áo con ra, trời ơi! Bà thấy vô số lằn roi rướm máu, sưng vù, ngang dọc trên thân con. Bà khóc tấm tức:
- Con ơi, sao con dại dột thế! Con làm cho ba con càng ghét con thêm!
Bà lấy dầu xoa các vết lằn cho con và nhờ bà chủ đi mua thuốc an thần cho con uống. Nghe Thu Thảo thuật truyện lại, bà hiểu nguyên do là tại Thông. Bà gọi Thông vào bảo:
- Chính con đã xúi em con làm bậy, chớ đâu phải tại nó! Thế mà con sợ, lại đỗ lỗi cho nó! Má bỏ qua đi, chớ má phân tích ra thì ba con cũng cho con một trận đòn nên thân. Có điều là cách con xử sự với em út như thế rất hèn hạ, rất đáng khinh bỉ!
Thông biết lỗi xấu hổ cúi đầu làm thinh. Tội nghiệp thằng Thanh, sau trận đòn hung dữ ấy, em liệt giường liệt chiếu mất 3, 4 ngày mới ngồi dậy được. Bà Nghĩa-Hưng bỏ cả buôn bán để săn sóc con. Thu-Thảo, Hùng và Thúy-Hạnh cũng không đi học, ở nhà chơi với Thanh. Thông xem ra hối hận lắm, cậu dốc hết tiền dành dụm lâu nay, đi mua kẹo bánh và đồ chơi về cho em để chuộc lỗi. Bản tính Thanh hay quên, em chẳng oán hận gì anh, chỉ xuýt xoa :
- Ba đánh em đau quá ! Nếu không có má can, chắc ba đánh em chết mất !
Sau cơn nóng giận, ông Nghĩa-Hưng cũng tự nhận mình đã quá tàn nhẫn với con, ông cố vui vẻ hiền từ, để hàn gắn lại tình cha con. Tuy vậy, trong thâm tâm, ông vẫn không ưa thằng con út của ông : ông cho rằng nó nghịch ngợm, cứng đầu, không ngoan ngoãn như các anh chị nó.
Nghỉ học mất một tuần, Thu-Thảo, Thanh, Hùng và Thúy Hạnh đi học lại. Cô giáo đã biết chuyện mới xảy ra, cô sợ liên lụy nên không chịu dạy các em ấy nữa. Bà Nghĩa Hưng phải năn nỉ hết lời, cô mới dạy lại.
Chỗ ở tạm yên, bà Nghĩa Hưng và bà Đức Hợp bàn tính với nhau, buôn bán vặt vãnh để kiếm tí lời, chớ ăn không ngồi rồi thì bạc tiền bao nhiêu cũng sẽ hết. Nhờ có ông bà chủ nhà giúp ý kiến, nên vài hôm sau, mỗi buổi sáng, cơm nước xong, hai bà về Cai Lậy mua trái trăng, thịt cá từ miền quê đưa ra, đem về Mỹ Tho bán lại. Lời lãi ngày ít ngày nhiều đắp đổi. Nhờ đó mà tiền vốn mang đi không đến nỗi hao hụt.
Việc sinh sống hàng ngày tạm yên, hai bà lại lo lắng về nỗi con cái : chúng nó không có chỗ học hành, ăn rồi nghịch phá, nhiều khi làm cho chủ nhà cũng phải khó chịu. Hai bà đi dọ hỏi, biết có một cô giáo cũng tản cư về đây, hai bà liền đến nhờ cô mỗi ngày dạy cho tụi trẻ vài giờ, để cho chúng khỏi quên sách vở và cũng để cho chúng bớt nghịch phá, làm phiền lòng kẻ khác. Cô giáo cũng đang tìm việc, liền vui vẻ nhận lời. Từ hôm đó, buổi sáng hai giờ, buổi chiều một giờ, các cô cậu Thu Thảo, Thúy Hạnh, Thanh và Hùng phải cắp sách đến nhà cô giáo để học. Chỉ có Thông học cao, không có lớp, nên được đi chơi lang thang cả ngày.
Phần các ông Nghĩa Hưng và Đức Hợp thì thật là nhàn hạ. Không có việc gì làm, các ông họp nhau đánh tổ tôm và uống rượu. Nhà ông bà Đức Hợp có người ở lo cơm nước, còn nhà Nghĩa Hưng không có, nên buổi sáng, trước khi đi mua hàng, bà phải nấu luôn cơm trưa sẵn đó rồi mới đi, đến chiều về, dẫu mệt mỏi hết sức, bà cũng phải chúi đầu vào bếp làm cơm tối ; ông Nghĩa Hưng chẳng đỡ đần bà được việc gì cả. Tuy vậy, bà vẫn vui lòng chịu đựng; bà biết ông đang buồn về thằng Thái. Trong mấy đứa con, ông thương thằng Thái hơn hết. Mới 18 tuổi, nó đã đậu tú tài toàn phần, ông hy vọng về sau đứa con đầu lòng ông sẽ trở thành một nhà luật sư tài giỏi. Tương lai nó được rạng rỡ, mà ông cũng được nó đỡ đần khi về già. Bây giờ nó bỏ nhà đi biệt tích, không biết sẽ ra thế nào cho nên ông đâm ra chán nản, chẳng thiết làm ăn gì nữa. Hằng ngày ông chỉ đánh cờ, uống rượu rồi ngủ, bỏ mọi sự mặc bà lo lắng.
Một buổi chiều, Thông dẫn em Thanh đi chơi với chúng bạn Thông vừa quen biết. Các cậu vào phố mua một ít kẹo rồi dẫn nhau ra khỏi thành phố chơi cho mát. Đi ngang qua một lùm rậm rạp, có nhiều cây cao, cành lá rườm rà, Thông đề nghị chúng bạn vào đó chơi. Một cậu lắc đầu quầy quậy:
- Anh có gan thì vào, chớ tụi tôi thì sợ lắm!
Thông ngạc nhiên hỏi lại:
- Lùm cây có gì mà anh sợ? Có rắn hả?
- Không phải sợ rắn, mà sợ cái khác. Anh thấy phía sau trong lùm cây có cái miếu thờ nho nhỏ đó không? Miếu này thiêng lắm. Tôi nghe ba tôi kể chuyện : Ngày xửa ngày xưa, ở vùng này có một ông phú hộ thọt chân, ông rất thương người nghèo khó. Thường ngày, ông chống gậy đi quanh trong xóm làng, ai túng cực, ông kêu đến cho lúa thóc đem về nuôi con cái. Nhân dân trong vùng, ai cũng cảm mến ân đức của ông. Khi ông mất, họ lập miếu này để thờ ông. Cái gậy ông dùng lúc sinh thời, họ để trên bàn thờ như một báu vật. Lúc đầu người ta tới kính viếng, cầu khấn luôn. Về sau này, ít người biết truyện ông, nên thỉnh thoảng mới có người tới. Miếu ông vì thế mới vắng vẻ, âm u, dễ sợ!
Thông bĩu môi “xì” một cái :
- Vậy mà dễ sợ cái gì?
Cả bọn nhao nhao :
- Anh không cho là dễ sợ à ? Thế thì tụi tôi đố anh vào trong miếu một mình xem. Miếu lúc nào cũng mở cửa, anh vào thử đi !
Thông hơi chột dạ, nhưng đã lỡ làm gan, cũng nói liều luôn :
- Được rồi để tôi vào đó một mình cho các anh xem !
Một cậu bảo :
- Nhưng lấy gì làm chứng là anh có vào trong miếu đó mới được chứ ? Anh chưa vào, mà anh bảo đã vào rồi thì sao ? Thôi thế này : Anh lấy chiếc gậy trên bàn thờ ra đây cho tụi tôi tin.
Cả bọn vỗ tay tán thành. Thấy Thông ngần ngại, một cậu lớn hơn cả, tươi cười bảo :
- Chắc là anh Thông sợ rồi, thôi chịu thua đi cho xong !
Chạm tự ái, Thông cương quyết:
- Nhất định tôi sẽ vào lấy chiếc gậy ấy về nhà cho các anh xem. Nhưng mà các anh cuộc gì mới được chứ?
- Tụi tôi cuộc thế này: từ đây cho đến 8 giờ sáng mai, nếu anh lấy chiếc gậy ấy về nhà, thì tụi tôi đãi anh một chầu phở no nê. Còn như anh không lấy được thì anh phải đãi lại tụi tôi, chịu không?
Thông biết mình đi quá đà, không thể thối lui được nữa bèn giơ ngón tay ra bảo :
- Được rồi, sáng mai các anh đến nhà tôi mà xem !
Hai bên “ngoéo” tay nhau rồi giải tán. Trên đường về, Thông mới cảm thấy cái dại của mình. Trong một phút bốc đồng, cậu đã tỏ ra mình can đảm. Nhưng bây giờ, cơn hăng nồng lắng xuống, cậu lo lắng chưa biết làm cách nào để lấy chiếc gậy trong miếu thờ ấy. Ban ngày thì sợ người gác, ban đêm thì, eo ơi ! Tối tăm hoang vắng như thế làm sao mà vào ! Rủi ông Phú hộ ấy linh thiêng, ổng hiện ra bóp cổ thì còn gì ?
Thằng Thanh thì khác, nó tưởng anh Thông nó cũng “chì” lắm. Nó hỏi liến thoắng :
- Anh Thông này, khi nào anh đi vào trong miếu đó, cho em đi với !
Nghe em nói, Thông mừng rỡ như người chết đuối vớ được tấm ván :
- Ừ, cơm tối xong có trăng, anh em mình kiếm cớ xin phép ba má đi chơi rồi đi thẳng vào miếu, nghe Thanh !
Cơm tối xong, ông Nghĩa Hưng và ông Đức Hợp lại đi đánh tổ tôm. Hai bà ngồi nói chuyện với nhau. Thu Thảo, Hùng và Thúy Hạnh sắp đồ ra chơi. Thông nháy mắt làm hiệu cho Thanh, rồi cả hai nhẹ nhàng xuống cầu thang. Ra khỏi thành phố, hai anh em đi đến trước lùm cây hồi chiều. Trống ngực Thông đập mạnh hơn trống làng, nhưng cậu vẫn làm bộ tỉnh táo bảo em :
- Thanh nè, cả hai đứa cùng vào không tiện, lỡ có ai ngoài này đi vào bắt được thì sao? Bây giờ em vào một mình để anh gác ngoài này. Có ai, anh sẽ hú cho em biết mà nấp đi.
Thanh cho là phải, bằng lòng đi một mình. Cậu theo đường mòn vào đến trước miếu. Cửa chỉ đóng chớ không khóa. Cậu xô một cái là cửa mở. Trong miếu tối om phảng phất mùi hương. Cậu bật một que diêm : ánh sáng bùng lên, cậu thấy ngay chiếc gậy để trên bàn thờ. Cậu bước lại run run cầm lấy và chạy một mạch ra đường cái. Nghe chân em chạy thình thịch, Thông đi vào một quãng đón em. Thấy chiếc gậy trong tay em, Thông mừng hết sức.
Thế là nhờ em mà Thanh và Thông được cuộc, được tụi bạn phục là can đảm. Thông định bụng đến chiều tối lại nhờ Thanh đưa vào miếu trả lại, nhưng chưa kịp thi hành thì mọi chuyện vỡ lở: ông Từ lo sạch sẽ trong miếu, sáng hôm đó vào quét dọn, thấy mất chiếc gậy thờ, liền tri hô lên. Ông chạy về thành phố, gặp ai ông cũng kể chuyện. Tin mất chiếc gậy thờ đồn từ người này sang người khác, và cuối cùng nhờ tụi trẻ kháo láo với nhau, họ tìm ra thủ phạm. Ông Từ liền đến tìm ông Nghĩa Hưng và trình bày tự sự. Ông Nghĩa Hưng điếng người: ông không dè con cái ông lại nghịch đến thế. Ông giận con run người lên, nhưng “con dại cái mang”, lại vì có người ngoài nên ông cố cầm mình, lấy lời từ tốn tạ lỗi, và đem chiếc gậy trả lại cho ông Từ. Ông Từ là người hiểu biết, ông cho là trẻ con dại dột, chứ không phải là chúng nó có ý xúc phạm đến thần linh.
Chờ cho ông Từ ra về một lúc, ông Nghĩa Hưng mới gọi Thông, Thanh ra tra hỏi. Thông sợ tái mặt, đổ lỗi cho em. Ông Nghĩa Hưng lâu nay vốn không ưa thằng Thanh, vì bản tính nó gan góc, liều lĩnh. Nghe nói thế, ông liền chụp lấy cổ thằng Thanh, đè nằm sấp xuống sàn nhà, trói tay chân nó lại, rồi lấy chiếc roi mây vừa quất vừa thét:
- Mày là thằng con vô phúc! Mày bêu xấu, bêu hổ cho tao, tao phải đánh chết mày mới được!
Thằng Thanh đau quá, lăn lộn trên sàn nhà, khóc la om sòm. Ông bà chủ nhà và ông Đức Hợp chạy lên can ông, nhưng thấy ông hung dữ quá, không ai dám vào. Hai mắt ông đỏ kè như hai cục than lửa, mình mẩy ông nóng rực. Thu Thảo sợ ba đánh chết em, vội vàng chạy ra chợ kêu mẹ. Bà Nghĩa Hưng giao hàng cho bà Đức Hợp, tất tả chạy về. Bà vừa lên đến gác thấy chồng đang mím môi, mím lợi đánh con chí tử. Bà xông vào ôm choàng lấy chồng,vừa khóc vừa nói:
- Ông ơi, con dại dột thì đánh nó vài roi đủ rồi, chớ ông định giết con hay sao mà đánh con dữ tợn thế này?
Ông Nghĩa Hưng như điên cuồng, xô vợ ra và quát:
- Bà đừng bênh con, lui ra, không tôi đánh cả bà!
- Thôi xin ông bớt giận, ông đánh con đau lắm rồi, xin ông tha cho con!
Miệng bà nói, hai tay bà giữ chặt lấy ông, mặc cho ông xô đẩy. Lòng thương con thêm sức mạnh cho bà. Cuối cùng ông đành chịu thua, ông vất roi, bỏ đi xuống dưới nhà. Trước khi ông đi, ông còn đe:
- Tối nay, tôi cấm bà không được cho nó ăn một hột cơm nào. Cái thứ con vô phúc đó phải trị cho mạt kiếp nó đi!
Bà Nghĩa Hưng mở trói cho con, rồi bồng vào giường. Cởi áo con ra, trời ơi! Bà thấy vô số lằn roi rướm máu, sưng vù, ngang dọc trên thân con. Bà khóc tấm tức:
- Con ơi, sao con dại dột thế! Con làm cho ba con càng ghét con thêm!
Bà lấy dầu xoa các vết lằn cho con và nhờ bà chủ đi mua thuốc an thần cho con uống. Nghe Thu Thảo thuật truyện lại, bà hiểu nguyên do là tại Thông. Bà gọi Thông vào bảo:
- Chính con đã xúi em con làm bậy, chớ đâu phải tại nó! Thế mà con sợ, lại đỗ lỗi cho nó! Má bỏ qua đi, chớ má phân tích ra thì ba con cũng cho con một trận đòn nên thân. Có điều là cách con xử sự với em út như thế rất hèn hạ, rất đáng khinh bỉ!
Thông biết lỗi xấu hổ cúi đầu làm thinh. Tội nghiệp thằng Thanh, sau trận đòn hung dữ ấy, em liệt giường liệt chiếu mất 3, 4 ngày mới ngồi dậy được. Bà Nghĩa-Hưng bỏ cả buôn bán để săn sóc con. Thu-Thảo, Hùng và Thúy-Hạnh cũng không đi học, ở nhà chơi với Thanh. Thông xem ra hối hận lắm, cậu dốc hết tiền dành dụm lâu nay, đi mua kẹo bánh và đồ chơi về cho em để chuộc lỗi. Bản tính Thanh hay quên, em chẳng oán hận gì anh, chỉ xuýt xoa :
- Ba đánh em đau quá ! Nếu không có má can, chắc ba đánh em chết mất !
Sau cơn nóng giận, ông Nghĩa-Hưng cũng tự nhận mình đã quá tàn nhẫn với con, ông cố vui vẻ hiền từ, để hàn gắn lại tình cha con. Tuy vậy, trong thâm tâm, ông vẫn không ưa thằng con út của ông : ông cho rằng nó nghịch ngợm, cứng đầu, không ngoan ngoãn như các anh chị nó.
Nghỉ học mất một tuần, Thu-Thảo, Thanh, Hùng và Thúy Hạnh đi học lại. Cô giáo đã biết chuyện mới xảy ra, cô sợ liên lụy nên không chịu dạy các em ấy nữa. Bà Nghĩa Hưng phải năn nỉ hết lời, cô mới dạy lại.
__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 3
Nguồn : http://tuoihoa.hatnang.com