Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

CHƯƠNG III_TƯƠNG TƯ

III
 
 
Nam Quốc, ngày… tháng… năm…
 
“Khâm,
 
Mấy tuần nay không nhận được thư anh, Trúc chả biết viết gì cho anh bây giờ. Dạo này anh bận lắm ư ? Trúc không biết chi về những việc gần đây trong đời sống của anh. Trúc thì vẫn thế. Duy có một việc dạo này cha dạy thêm cho một người Việt…
 
Thư viết đến đây, Trúc phân vân không biết có nên tiếp tục viết về người Việt ấy không. Cuối cùng, nàng xé bỏ bức thư đang viết dở và thay một tờ giấy khác. Lần này, Trúc thay đổi lời thư ở câu chót :
 
… Duy có một điều, dạo này Trúc ít đi đâu vào những chiều cuối tuần. Thời giờ rỗi rãi nhiều và trống vắng quá. Không đọc và viết thư cho anh Trúc chả biết làm gì. Đọc sách mãi đau đầu, nghe nhạc mãi ồn tai. Buồn quá anh nhỉ ?
 
Mong tin anh  
Trúc.        
 
Trúc đọc lại bức thư và cảm thấy bi quan nên nàng gấp thư lại cho vào ngăn kéo chứ không đem đi gửi. Bức thư này Trúc viết trong lúc quá cô đơn và rảnh rang, vì không có tính cách hồi âm nên gửi hay không chả thành vấn đề.
 
Khâm là một thanh niên Đài Loan, Trúc quen Khâm qua sự giới thiệu của một ông bạn của cha nàng, ông Lưu. Ông Lưu là một kỹ sư canh nông Đài Loan, được chính phủ phái sang Việt Nam phục vụ và Khâm là em kết nghĩa của ông.
 
Ông Lưu kể hoàn cảnh Khâm là một thanh niên mồ côi từ lúc còn bé, một mình “tự lực cánh sinh” vừa làm vừa học. Đến nay chỉ còn một năm nữa là Khâm tốt nghiệp về ngành duyên hải. Ông Lưu nhận thấy Khâm rất hợp với Trúc về nhiều phương diện. Ông đề nghị với giáo sư Chi để Khâm và Trúc làm quen bằng thư tín qua sự giới thiệu của ông. Để đến khi Khâm tốt nghiệp, ông sẽ vận động chỗ làm và giúp phương tiện cho Khâm sang Việt Nam .
 
Lúc đầu Trúc không tích cực mấy về vấn đề này. Nhưng sau khi đọc bức thư… trình diện của Khâm, Trúc mến Khâm ngay. Chỉ một tờ giấy trắng tinh anh với vài hàng chữ viết thẳng nếp, sạch sẽ, lời văn gẫy gọn, đơn giản và nội dung lễ độ, chân thành, Khâm đã chiếm được cảm tình của Trúc.
 
Cho đến bây giờ, Trúc vẫn không hiểu tại sao nàng lại chấp nhận loại tình cảm không có thực chất ấy được. Có lẽ tại vì hồi ấy Trúc mới lớn, lại chưa biết yêu, tình cảm dễ bồng bột và điểm thiết yếu là Trúc vừa mất mẹ. Trúc cô đơn nên chấp nhận Khâm như người lữ hành chấp nhận quán trọ. Nói như vậy là vì tự Trúc, nàng không hiểu chuyện nàng và Khâm sẽ kết thúc ra sao ? Biết đâu khi họ gặp nhau sẽ phải xa nhau vì những lý do tế nhị như : không đồng quan điểm, phát giác ở đối phương những thực tế tương phản với ấn tượng cho nhau trong thư và ảnh. Những điểm này rất quan trọng. Chẳng thà mình biết tất cả những khuyết điểm của người yêu trên thực tế, rồi chấp nhận hay không là thuộc quyền tiên quyết ở mình. Còn hơn là hiểu quá nhiều về những cái hay cái đẹp ở người yêu, để đến lúc gặp nhau mới vỡ lẽ đó chỉ là những lớp mạ bên ngoài. Lúc ấy, chẳng những tình yêu bị đổ vỡ mà lòng thất vọng về mộng đẹp bị ảo diệt biết sẽ gây nên hậu quả như thế nào ?
 
Trúc phân vân rất nhiều về những vấn đề này, nên trong thư viết cho Khâm, Trúc luôn luôn tránh dùng những từ ngữ tha thiết, nhiệt tình, mà chỉ hỏi nhau về sức khỏe, sự học, đời sống hay những chuyện về thời tiết, nắng mưa, thế thôi.
 
Tuy nhiên, có được một bạn lòng như Khâm để hỏi han, săn sóc bằng… bút, cũng lấp vá được rất nhiều những thời giờ trống vắng của Trúc.
 
Dần dà, việc viết thư cho Khâm trở thành nguồn hạnh phúc duy nhất của Trúc. Đôi lúc, Trúc vơ vẩn ước ao, giá nàng có một người bạn lòng hiện diện bằng xương bằng thịt để hỏi han bằng lời nói, săn sóc bằng hành động và biểu lộ lòng nàng bằng ánh mắt thiết tha trìu mến thì sung sướng và hạnh phúc biết mấy !
 
“Tại sao tôi lại nghĩ nhiều đến vấn đề này thế nhỉ ?” Trúc thầm hỏi. Có phải chăng đó là hiện tượng khao khát yêu đương ở lứa tuổi dậy thì ? Có thể trả lời như thế, song Trúc không thể nhìn nhận câu đáp số… thẹn người ấy ! Vì thực ra, trong thâm tâm Trúc, nàng rất lấy làm thẹn khi có những ý nghĩ thầm kín liên quan đến trai gái yêu đương trong đầu. Thế nhưng nàng luôn luôn không ngăn chặn được những ý nghĩ tương tự tuôn tràn như dòng thác lũ khi nó chợt đến với nàng.
 
Đồng hồ gõ đúng ba tiếng, Trúc đoan chắc rằng ngay lúc ấy, nàng từ trên gác đi xuống tới dưới nhà thì vừa đúng lúc để mở cửa cho Bình. Con người này đúng giờ như một cái máy. Quả vậy, vừa xuống khỏi thang gác đã thấy Bình đứng ở cửa. Anh nghiêng người chào Trúc một cách lễ phép. Trúc gật đầu chào lại và mở cửa. Bình nói lời cám ơn và đi thẳng lại bàn học. Trúc nói :
 
- Ông Bình chịu phiền chờ một lát, cha tôi đi khỏi chưa về.
 
- Vâng, cám ơn cô !
 
Trúc đi đến bên bình trà nóng định rót cho Bình một ly, chợt nàng nhớ đến một chi tiết nhỏ. Có lần, giáo sư Chi và Bình uống trà đàm đạo sau giờ học. Trúc nghe ông hỏi Bình sao uống trà ít thế? Bình trả lời vì quen uống nước lọc nên uống trà vào thấy xót ruột. Trúc biết là Bình nói đúng, chính Trúc cũng có cái cảm giác ấy khi uống loại trà đặc biệt của cha nàng. Nghĩ thế nên Trúc đổi ý đi vào trong rót một ly nước lọc cho Bình, hình như hành động này của Trúc đem đến cho Bình một sự kinh ngạc nên anh vội vã nói một cách gần như… cuống quít lên :
 
- Cảm ơn… cảm ơn cô !
 
Trúc đáp lại Bình bằng một cái mỉm cười chợt thoáng. Trúc cảm thấy Bình đang nhìn nàng, và đây là cái nhìn đầu tiên có đầy đủ ý nghĩa của một cái “nhìn” chứ không như những lần trước, Trúc chỉ bắt gặp ở Bình những cái nhìn thoạt qua rất mơ hồ. Đối với Trúc, đó là những cái nhìn ngạo nghễ.
 
Trong lúc chờ đợi giáo sư Chi, Bình đem tập ra chép bài. Trúc ngồi ở salon đọc sách. Từ ngày Bình đến học tới nay, đây là lần đầu tiên giáo sư Chi đi vắng vào chiều chủ nhật. Nhất định là phải có chuyện gì đó, chứ không thể là đi đánh cờ. Lúc ông đi Trúc đang ngủ trưa nên nàng không biết ông đi đâu.
 
3 giờ rưỡi, giáo sư Chi vẫn chưa về. Trúc chợt nhớ đến cái hẹn với chị em Mộ Dung. Quá 3 giờ rồi, nhất định nàng không còn kịp thời giờ sang bên ấy được nữa. Có lẽ hai chị em đã lên đường đi sang đây. Quả đúng thế, vài phút sau đấy đã nghe tiếng họ vừa đi vừa nói chuyện ngoài hành lang. Trúc đi ra mở cửa thấy chỉ có Mộ Dung với hai cô bạn học khác, Diệu Nga và Diễm Minh. Hai cô này cũng học với giáo sư Hiền vào chiều chủ nhật. Trúc hỏi :
 
- “Tiểu Hầu Tử” (1) không đến à ?
 
Mộ Dung đáp :
 
- Có đến nhưng đi tới đầu ngõ gặp bác Chi, nó kéo bác ấy đi chợ mua vật liệu về làm bánh xếp hấp.
 
Trúc phàn nàn :
 
- Chết chưa ! Thế người ta đến học chờ đấy thì làm sao ?
 
- Bác Chi bảo Trúc bảo ông ấy làm bài và viết chính tả (2), chờ bác về dạy ông ấy học.
 
Trúc kéo ba người vào giới thiệu với Bình :
 
- Xin giới thiệu với ông Bình, đây là các bạn học của tôi, cô Lý Mộ Dung, Chu Diệu Nga và cô Trương Diễm Minh.
 
Trúc chỉ từng người để giới thiệu, rồi quay sang các bạn :
 
- Ông Lê Thanh Bình !
 
Diệu Nga nói khẽ với Trúc :
 
- Tên nghe “nhã” quá !
 
Trúc cười :
 
- Thế à ? Mời các cậu ngồi đi đã !
 
Mộ Dung nói :
 
- Chắc ông ta ghét đi lính !
 
Diệu Nga nối lời :
 
- Hẳn rồi, tên nghe phản chiến đáo để !
 
Mộ Dung đưa tay lên môi :
 
- Suỵt ! Ông ta biết nghe tiếng bọn mình không ?
 
Trúc nói :
 
- Yên tâm, ông ấy chỉ học quan thoại.
 
Diễm Minh nói :
 
- Nghe Niệm Từ nói…
 
Trúc ngắt lời :
 
- Tớ lạy cậu, đừng có nghe lời con bé ấy, mình khổ thân với hắn không ít.
 
Mộ Dung nói :
 
- Thư Trúc, bảo người ta làm bài đi chứ !
 
- Ừ nhỉ !
 
Trúc đáp và đi đến bên Bình :
 
- Thưa ông, cha tôi nhắn bảo ông làm bài và viết chính tả trước, tí nữa ông về sẽ học bài.
 
Bình đẩy quyển vở đến trước mặt Trúc nói :
 
- Đây tôi đã làm xong hết cả, mời cô xem lại hộ.
 
Trúc đọc qua bài chính tả và không thấy có chữ nào viết sai, duy có nét bút là viết không được thẳng nếp cho lắm. Nhưng mới học mà viết như thế thì phải thông minh và chịu khó lắm ! Nàng xếp tập lại nói :
 
- Ông Bình học rất giỏi.
 
- Xin cảm ơn sự khích lệ của cô, tiện đây nhờ cô chỉ hộ tôi đọc vài chữ ở bài thứ mười này, lát nữa khỏi phải làm phiền giáo sư.
 
Trúc chỉ Bình cách đọc và giải thích xong một bài thì giáo sư Chi và Niệm Từ về đến. Giáo sư một tay xách cái bắp cải, một tay ôm gói bột, Niêm Từ thì xách một xâu thịt nạc và một gói vật liệu khác. Giáo sư trao bắp cải và bột cho Trúc xong nói với Bình :
 
- Xin lỗi cậu Bình nhé, bây giờ thì chúng ta bắt đầu học.
 
Bình đứng lên nói :
 
- Thưa giáo sư, cô Thư Trúc vừa mới chỉ cháu học bài xong. Nếu giáo sư bận thì cháu xin phép đi về.
 
- Nếu thế thì cậu phải ở lại chơi và dùng bánh xếp hấp với chúng tôi đã.
 
Rồi ông quay sang nói với bọn Trúc :
 
- Mấy chị em bắt tay ngay vào việc là vừa đấy các con.
 
Niệm Từ hích khẽ Trúc :
 
- Không giới thiệu à ?
 
Trúc nói :
 
- Lại đây, vẽ vời !
 
Niệm Từ phản kháng :
 
- Sao lại vẽ vời ? Nghi lễ đấy chứ !
 
- Ừ, thì nghi lễ, có cần phải rót rượu và mời cô nương an tọa không ?
 
- Ừm… mà thôi khỏi !
 
Niệm Từ khoác tay nói với giọng kẻ cả, trông y hệt như bà cụ non. Trúc kéo Niệm Từ đến trước Bình giới thiệu :
 
- Đây là cô Lý Niệm từ, em của Mộ Dung.
 
Rồi quay sang Niệm Từ :
 
- Ông Bình.
 
Trúc cố tình không đọc cả họ lẫn chữ tên lót của Bình vì sợ Niệm Từ cũng có ý nghĩ như Diệu Nga về cái tên vừa “nhã” vừa “phản chiến” của Bình và nói thẳng ý nghĩ ấy ra trước mặt anh thì thật là rắc rối. Trong khi Trúc giới thiệu, Bình chỉ gật đầu chào. Niệm Từ hé môi dợm nói câu gì đó thì bị Trúc kéo đi vào trong bếp, vừa phàn nàn :
 
- Định ba hoa gì đấy ? Mới gặp người ta lần đầu tiên, nên hàm súc một tí, hiểu không “tiểu hầu tử”?
 
- Biết rồi, em không làm mất mặt chị đâu mà hoảng cả lên.
 
- Thế lúc nãy cậu định nói gì ?
 
Niệm Từ nhíu mày ra chiều suy nghĩ :
 
- Xem nào, lúc nãy em thấy ông ta có bộ mặt hơi quen, mà không biết đã gặp ở đâu ?... A, thôi đúng rồi ! Nhà ông ta làm nghề chạy… xe lam phải không ?
 
Trúc suýt bật cười thành tiếng. Mộ Dung đang đứng gần đấy nhồi bột  nói :
 
- Ác khẩu vừa thôi chứ, người ta là giáo sư văn chương đấy !
 
- Kỳ quái, để Niệm ra xem lại cái đã !
 
Trúc kéo Niệm Từ lại nói :
 
- Thôi đi, bảo đảm cậu lầm trăm phần trăm. Lo mà làm bánh không lát lại kêu đói.
 
Niệm Từ quay vào bếp thấy Diễm Minh đang lăng xăng trước mớ nào là củ hành, lá hành, tỏi, ớt  v.v… Diệu Nga thì đang xắt cải, cô vội la lên :
 
- Ơ hay, cái chị Diệu Nga này, giành mất phần xắt cải của người ta. Em chả thèm băm thịt đâu, mỏi tay đến chết. Chị Trúc giữ phần này đi, em đi rửa chảo nhóm bếp.
 
- Cậu ngồi chơi không cũng chẳng sao, miễn đừng phá phách là được rồi.
 
- Chị Trúc làm như em là khỉ không bằng !
 
Mộ Dung nói :
 
- Lơ mơ mà đoán đúng đấy !
 
Diệu Nga chêm :
 
- Tự biết nhận thức mình mới là người tự trọng.
 
Cả bọn đồng cười xòa, duy có Niệm Từ hình như đang… lo ra nên không có phản ứng gì. Cô ả vừa nhóm bếp vừa lầm bầm :
 
- Nhất định, không nhầm vào đâu được.
 
Trúc hỏi Niệm Từ :
 
- Cậu nhớ được mặt bao nhiêu bác tài xế xe lam nhỉ ?
 
Diệu Nga nói :
 
- Phải gọi là “anh tài xế” mới đúng. Tiểu Hầu Tử nhà ta chỉ nhớ mặt những anh nào đẹp trai thôi.
 
Niệm Từ giọng đứng đắn :
 
- Đừng giỡn, nói thật đấy, em chỉ nhớ mặt mỗi mình ông ta thôi.
 
Diệu Nga nói :
 
- Thế đủ chán rồi, anh ta cũng đẹp trai ra phết chứ lị !
 
Niệm Từ giãy nảy lên :
 
- Đã bảo người ta nói thật mà mấy chị cứ bêu xấu người ta hoài… hu hu…
 
Cả bọn ngỡ rằng Niệm Từ vờ khóc, không ngờ lát sau nghe thấy tiếng hít mũi mới biết là cô nàng khóc thật. Nước mắt còn đang loanh quanh trên đôi khóe mắt của cô. Diễm Minh bất nhẫn an ủi :
 
- Thôi, đừng khóc nữa Niệm, các chị ấy đùa chút có sao đâu. Lại đây, bọn ta học xếp bánh.
 
Niệm Từ vừa lau nước mắt vừa thút thít nói :
 
- Chị biết tại sao mà em nhớ mặt ông ta không ?
 
Diễm Minh lắc đầu. Niệm Từ tiếp :
 
- Vì ông ta làm em… muối mặt mấy lần.
 
- Ồ !
 
Cả bọn đồng kêu lên với vẻ kinh ngạc. Trúc hỏi :
 
- Thế là thế nào ?
 
Niệm Từ giải thích một thôi dài, đại khái mỗi tối cô đi học thêm bằng xe lam, và có vài lần vẫy phải xe của cái “nhà ông ta” ấy. Trong lúc cô đang dằng co với các bạn về vấn đề xe chật, xe rộng thì ông ta đã rồ máy vọt đi với dáng điệu bất cần. Vài lần như thế, có lẽ ông ta đã nhận diện được Niệm Từ, nên có một hôm nàng đứng đón xe một mình, gặp lúc ông ta lái xe trống chạy ngang, thấy cô vẫy định ngừng lại. Nhưng đến lúc chợt nhận ra là Niệm Từ ông ta bỏ chạy mất.
 
Rồi Niệm Từ kết thúc:
 
- Người chi mà kênh kiệu thế, thật là tức chết đi được.
 
Cả bọn nghe xong đều cho là có lẽ Niệm từ nhận lầm người. Thế rồi không ai bảo ai, tất cả đều yên lặng lo làm bánh. Riêng Trúc, đề tài này làm nàng suy nghĩ không ít. Rất có thể đó là sự thật, vì đối cới Trúc, Bình là một con người tương đối dị thường. Thế thì, bất cứ một sự việc “bất tầm thường” nào xảy ra ở con người dị thường ấy đều quá… tầm thường. Ý nghĩ trên đây cho Trúc một ý thức mới về Bình : Tại sao anh làm thêm ban đêm bằng nghề chạy xe lam trong khi ban ngày anh làm nghề dạy học ? Đành rằng bất cứ nghề gì không hắc ám, không hổ thẹn với lương tâm đều đáng được tôn trọng. Song le, ít ra giới giáo dục và văn hóa so với giới lao động ở Việt Nam còn là hai cực đoan trong tư tưởng mọi từng lớp. Trúc lại nghĩ, rất có thể Bình đang chịu trách nhiệm với một gánh nặng gia đình, nếu không tận tâm dốc lực, anh không đủ điều kiện để giải quyết thỏa đáng. Bằng chứng là anh đang ở vào hạng tuổi đi lính nhưng anh được hoãn dịch. Càng nghĩ, Trúc càng thấy dự đoán của mình gần như đúng hoàn toàn, duy có “hình thức” của cái gánh nặng gia đình và lý do hoãn dịch là hơi phúc tạp và mơ hồ, Trúc không sao cả quyết được. Rất có thể, Bình được hoãn dịch với lý do… một vợ sáu con cũng chưa biết chừng. Bất giác, Trúc cảm thấy mồ hôi rịn ra ướt cả trán, đồng thời Trúc nhận thấy nàng hoàn toàn vô lý trong những giả thuyết về Bình. Tại sao nàng lại đi để cả tâm trí vào những ảo giác đâu đâu đối với một con người không có tí tương quan nào đến nàng ?
 
Trúc cố rứt bỏ tất cả những tư tưởng liên quan đến Bình ra khỏi đầu óc. Tuy nhiên, Trúc mơ hồ ý thức một nỗi buồn nản hay thất vọng nào đó nhen nhúm trong đầu óc trống không của nàng.
 
Trọn một giờ đồng hồ ngồi ở bàn ăn, Trúc không dám nhìn Bình, dù chỉ một cái nhìn thoáng qua. Cơ hồ như những giả thuyết về Bình đã đem đến cho nàng một nhận thức mới và nàng sợ… phạm tội. Đã đành Trúc hoàn toàn vô căn cứ dưới bất cứ một ý nghĩ nào, nhưng Trúc không hiểu sao nàng lại như thế !
 
Trong suốt bữa ăn, nỗi buồn nản vô hình đã khiến Trúc trầm mặc, hay nói đúng nàng lười biếng trong việc nói năng.
 
Trúc biếng nhác đến không buồn để ý bữa ăn đã kết thúc dưới không khí nào, dù biết nàng là gia chủ, có bổn phận gây dựng một không khí thoải mái cho bữa ăn.
__________________
(1) Tiểu hầu tử là con khỉ con, biệt danh của bọn Trúc dành cho Lý Niệm Từ.
(2) Người Trung Hoa viết chính tả phải học thuộc lòng và tự viết lấy.

_____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>