ĐỀ THI:
Tục ngữ có câu "Phúc đức tại mẫu", "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Hãy giải thích, bình luận các câu trên rồi định rõ vai trò của người phụ nữ Việt Nam phải như thế nào trong giai đoạn hiện tại.
BÀI LÀM
Trong một gia đình, người đàn ông luôn luôn là kẻ hướng ra ngoài nhiều hơn hướng về gia đình. Nhưng không phải hướng ra ngoài là bỏ phế gia cang. Chính vì nhờ người phụ nữ quán xuyến việc nhà, nam nhi mới có cơ hội lo toan đại sự. Như vậy bổn phận của người phụ nữ là việc nhà, chăm lo bếp núc nội trợ, cai quản gia nhân lại thêm gánh nặng giáo dục con cái. Nói đúng hơn, người phụ nữ đã đỡ bớt sức nặng trên vai người trụ cột gia đình. Con cái chính là mầm non của Tổ Quốc, là măng non sẽ thay thế tre già.
Sự giáo dục này sẽ được chia xẻ cho đôi bên: người phụ nữ dạy con việc nhà, người nam nhi dạy con đại sự. Trách nhiệm của đôi bên về con cái gần như được đồng ý phân chia như thế. Nhưng khi con hư, sự giáo dục đã thiếu sót, hoặc đã không áp dụng đúng mức thì người ta hay bảo: "Phúc đức tại mẫu" hoặc "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Chúng ta sẽ đứng vào cương vị một người con, một người mẹ và một kẻ khách quan để giải thích, bình luận câu trên với mục đích định rõ vai trò của người phụ nữ trong giai đoạn hiện tại.
Thông thường theo quan niệm xưa, người phụ nữ hay đúng hơn người mẹ trong gia đình phải là người luôn nêu gương tốt cho con. Do đó, tục ngữ mới có câu "Phúc đức tại mẫu". Phúc đức chính là cái tương lai sáng lạn mà người mẹ nào cũng mong muốn con người có được. Đã là một người mẹ, ai cũng muốn con mình sung sướng. Họ có thể bố thí người nghèo để cầu cho được tròn quả phúc hầu mai sau nhờ đức của mình mà con không bị khổ nhọc. Họ làm điều tốt để cho con bắt chước, để chúng trở thành một người có danh thơm tiếng tốt trong xã hội. Luôn luôn mẹ vì con, vì gia đình mà làm việc này, việc nọ, đi xin xăm, xin quẻ, đi khấn vái đền chùa cũng chỉ mong có được phúc đức cho con cháu hưởng. Nhưng từ đó ta cũng có thể suy ra "Phúc đức tại mẫu" thì sao lại không có "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà"? Thật ra ảnh hưởng của mẹ đối với con cái cũng có phần nặng nề. "Mẹ sao con vậy", người xưa cũng thường nói thế. Mẹ làm việc tốt mong con theo để không hổ danh là người thì con sẽ tốt nếu được giáo dục trong một môi trường lương hảo. Nhưng giả sử xã hội loạn lạc, đồi trụy, ảnh hưởng của mẹ có đủ để phá vỡ thứ ảnh hưởng tai hại kia không? Dĩ nhiên, ảnh hưởng xấu sẽ xâm lấn tâm hồn thơ dại của con ngay lập tức. Đôi khi sống trong một xã hội hỗn loạn, chính người mẹ cũng không tự kiểm soát được mình. Sống trong xã hội, tốt xấu thường do ở sự bắt chước. Nếu mẹ đã sa chân thì sớm muộn con cũng đi theo bước đó. Như vậy nếu con không mẹ, con sẽ dễ hư hỏng? Không đâu, không hẳn như thế. Con sẽ còn có bà, và ảnh hưởng của bà thay vì truyền qua mẹ đến con, sẽ ảnh hưởng thẳng đến con như mẹ giáo dục con vậy. Bởi vì sự giáo dục chỉ là sự truyền đạt một số tư tưởng, quan niệm được đa số chấp nhận là đúng. Thành thử thiếu mẹ, con sẽ được bà dạy dỗ. Do đó người đời lại bảo: "Cháu hư tại bà".
Nhưng chúng ta không thể phiến diện mà nói theo mọi người như thế được. Có quả thật "Phúc đức tại mẫu", "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà" hay không? Chúng ta hẳn đồng ý rằng:
"Thiếp trong cánh cửa,
Chàng ngoài chân mây"
Bổn phận của người phụ nữ là tại gia. Tại sao người phụ nữ không đi lo quốc gia đại sự như nam nhi? Có phải chăng vì phụ nữ thường dùng tình cảm hơn lý trí? Thật vậy, đa số phụ nữ thường dùng tình cảm để giải quyết mọi việc. Nước mắt gần như là một lối giải quyết của họ. Vậy thì khi giáo dục con cái, người phụ nữ đã dùng cái tình cảm mềm yếu của mình mà dạy con, con thường thương mẹ và sợ cha là vì thế. Cũng vì dùng tình cảm, lời nói ngọt mềm mà mẹ có một ảnh hưởng lớn nơi con. Mẹ sẽ dễ dạy răn con theo khuôn phép hơn là những lời quát tháo, những roi vọt đòn hằn. Nhưng cũng vì có quá nhiều tình cảm, mẹ khó dạy được con như ý muốn. Mẹ thương con bao la như trời biển. Có người mẹ nào không mong con được sung sướng đâu. Do đó, họ dễ xiêu lòng trước những đòi hỏi của con cái, của cháu chắt. Có áy náy chăng họ cũng chỉ tặc lưỡi biện minh rằng một lần này rồi thôi và cứ hết lần này đến lần nọ con đã sa vào bùn và mẹ thì cuống quít vừa kéo vừa vô tình làm con sa thêm mà không biết. Tình cảm quá đáng không phải là một điều tốt như bà mẹ của Dịch Nhân trong "Khói lửa kinh thành" của Lâm Ngữ Đường. Bà vì thương con mà đẩy con một cách gián tiếp vào tội lỗi. Như vậy vì thương con mà làm hại con. Cũng có nhiều khi mẹ đã thiếu sót sự giáo dục mà không hay biết. Có nhiều người mãi lo làm điều thiện, mãi lo việc bác ái với tha nhân mà tưởng rằng mình đã để phúc cho con, là đã chu toàn bổn phận. Nhiều người lại tin tưởng rằng tự nhiên rồi nó cũng sẽ tốt, sao cây kia không ai bón, ai rào mà vẫn xum xê cành lá tốt tươi? Họ đã mắc bệnh tưởng, đã lo dạy con bằng lý thuyết mà thiếu thực hành và kiểm soát.
Theo như trên, chúng ta đã luận, vậy có phải chăng tục ngữ đã đúng hoàn toàn? Không hẳn thế, mọi sự việc ở đời biến thiên muôn hình vạn trạng. Lời nói đó đúng ở hôm nay nhưng chưa chắc đúng với ngày mai. Nếu con dễ hư vì tại mẹ, bà dễ dãi, nuông chìu thì làm sao có được Mạnh Tử, một triết gia, một nhà giáo dục quần chúng đại tài. Nếu mẹ Mạnh Tử không cứng rắn, không kiểm soát lại con thì nay ông chỉ là một tên đồ tể vô danh tiểu tốt hay một kẻ đạo tỳ. Việc dùng tình cảm để giáo dục con cái cũng là một điều hay nếu áp dụng đúng chỗ. Mẹ không thể thương con mà chìu con những điều xét ra không thể chấp thuận được. Mẹ nhiều tình cảm, mềm yếu để bổ khuyết cho một cha quá lý trí, cứng rắn. Sự hòa hợp giữa hai yếu tố trên sẽ giúp cho việc dạy dỗ con cái được hoàn hảo. Con hư không hoàn toàn tại mẹ. Bởi việc giáo dục không phải chỉ riêng người phụ nữ gánh vác, và chúng ta cũng đã nói ở trên, người phụ nữ chỉ thay thế cho kẻ nam nhi khi họ bận lo Quốc Gia đại sự thôi. Như thế con hư sẽ có nhiều lý do tùy vào từng trường hợp mà chúng ta xét. Con có thể hư vì xã hội đồi trụy mà con đã ra khỏi vòng kềm tỏa của gia đình. Con có thể hư vì cha mẹ bận lo sinh kế. Con có thể hư vì chung quanh đầy kẻ xấu xa mà ảnh hưởng của cha mẹ quá yếu. Nói chung thì trách nhiệm con hư không phải riêng ở người phụ nữ, mà ta phải kể đến cả nam nhi. Người đàn ông ra ngoài xã hội lo việc nước mà để xã hội đồi trụy, hỗn loạn, thử hỏi người phụ nữ làm sao lo cho con được vẹn toàn? Họ không thể đi theo con đến trường, đến nơi giải trí của chúng. Họ chỉ có thể kiểm soát bằng lời lẽ ôn nhu, bằng tình mẫu tử êm đềm để khuyến cáo con mình. Người đàn ông thường xét mọi việc bằng lý trí, do đó đôi khi không hiểu được con mình rồi lại vô tình đưa nó đi sâu vào con đường hư hỏng. Mẹ lúc nào cũng gần gũi con, dễ hiểu tánh tình cùng là sở thích của nó. Bà sẽ dễ dạy con vì hiểu điều nó mong muốn nhưng bà cũng dễ xiêu lòng trước những đòi hỏi quá đáng của nó. Như vậy, dù người đàn ông hay người đàn bà cứ đã lập gia đình thì bổn phận cùng là trách nhiệm đã được phân định kỹ lưỡng. Mỗi người đều có phần việc phải làm và phải chịu trách nhiệm về những điều mình đã làm. Đã làm rồi thì phải chịu, tục ngữ ta cũng có nói: "Bụng làm dạ chịu chớ khá than van". Không thể đổ rằng việc tề gia nội trợ là của người phụ nữ để khi con hư thì đổ: "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Đành rằng cũng có "Con hư tại mẹ", nhưng ta phải khách quan để nhận xét mọi vấn đề.
Vấn đề trách nhiệm đã phân chia, ta cũng cần để ý xét coi bổn phận người phụ nữ có quá đáng hay không? Từ xưa đến nay, người phụ nữ luôn luôn công, dung, ngôn, hạnh đầy đủ. Lúc nào cũng phải lo toan riêng mình được đức hạnh đoan trang, dung nhan đẹp đẽ. Phụ Nữ phải được tam tòng: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Đó là về riêng cá nhân người phụ nữ, phải giữ mình tiết sạch giá trong, phải giữ danh thơm tiếng tốt. Khi lập gia đình, phải lo cho gia đình của riêng mình. Người phụ nữ phải lo cho chồng từ miếng ăn giấc ngủ, lại phải lo cho gia đình được êm ấm thuận hòa. Đối với con cái, phải làm sao cho chúng được đầy đủ về cả hai phương diện vật chất và tinh thần, song song với việc giáo dục chúng, lại phải chăm nom săn sóc khi ốm đau. Nói chung thì bổn phận căn bản của người phụ nữ dù ở thời đại nào cũng là chăm nom, săn sóc gia đình. Bổn phận tuy nặng nhọc, họ vẫn vui mà gánh vác, họ vẫn đòi được gánh vác. Xã hội càng ngày càng tiến bộ, người phụ nữ lần lần bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình. Họ góp mặt với xã hội chính là để phụ lực và chen vai thích cánh với nam nhi. Không phải họ đòi được như nam nhi, hay thay thế nam nhi. Họ chỉ mong chia sớt gánh nặng xã hội như bổn phận xưa nay, như điều mong ước giản dị là phụ giúp chồng con. Ngày xưa bổn phận phụ nữ nằm trong phạm vi gia đình nhưng ngày nay nó bao trùm cả xã hội. Trong một quốc gia loạn lạc chiến tranh như nước ta, nhân lực đang thiếu hụt vì sự cuốn hút khổng lồ của guồng máy chiến tranh. Xã hội sẽ sụp đổ, nếu không còn ai lo điều động hậu phương, và tiền tuyến cũng sẽ nản lòng vì bị chi phối quá nhiều. Không thể đứng yên nhìn sự đổ vỡ lan tràn, người phụ nữ đã vén khéo trong công việc nhà, lại còn chứng tỏ khả năng mình ngoài xã hội. Đó là vì con vì chồng. Người phụ nữ biết rằng xã hội xấu thì gia đình cũng bị ảnh hưởng, xã hội lung lay thì gia đình cũng chẳng yên mà nước non cũng bị xáo trộn. Và cuối cùng người phụ nữ ngày nay cũng có một địa vị ưu đãi, quan trọng trong xã hội.
Quốc gia chúng ta đã trải qua bao năm chinh chiến, người phụ nữ ngày càng đắc lực trong việc phụ giúp nam nhi. Chúng ta hiện ở trong một giai đoạn mà xã hội đang đi đến chỗ đồi trụy, gia đình cũng sắp sụp đổ. Hầu hết chúng ta cũng nghĩ một cách giản dị tại chiến tranh. Có thật vậy hay không? Tại sao Do Thái cũng chiến tranh mà họ vẫn phát triển, giáo dục vẫn tốt đẹp? Nhờ ai? Và do đâu? Chính là nhờ ở phụ nữ, chính là nhờ ở nỗ lực của những người chân yếu tay mềm, dáng liễu thướt tha. Trước tiên muốn xã hội bớt đồi trụy, gia đình phải lương hảo. Chúng ta cần phải giáo dục con cái kỹ lưỡng hơn và gấp đôi ngày trước. Con cái, sẽ là những trụ cột gia đình ngày sau, mà gia đình là nền tảng của xã hội. Chúng có tốt thì gia đình mới đứng vững và xã hội mới đứng vững thêm lên. Người phụ nữ cần làm nhiều gương tốt cho con noi theo, cần chu toàn nhiều bổn phận trong xã hội. Xã hội và gia đình liên hệ chặt chẽ với nhau. Xã hội càng lương hảo, Quốc Gia sẽ thêm nhiều mầm non tươi sáng, gia đình càng bền vững, hạnh phúc hơn.
Trong một xã hội của một quốc gia chiến tranh, việc phải làm là giáo dục con trẻ. Không phải chỉ giáo dục riêng con mình là đủ, còn biết bao cô nhi đang bơ vơ, lạc lõng cần đến sự giúp đỡ của phụ nữ. Chúng phải được học hành, giáo dục, nuôi sống để gầy dựng một thế hệ mới, một xã hội tươi trẻ, tốt đẹp hơn. Người phụ nữ trong xã hội phải chú ý đến điều này. Nước sẽ mất nếu tiền tuyến nản lòng chiến đấu. Người chiến sĩ sẽ thất vọng nếu họ biết mình khi chết đi con cái sẽ bơ vơ thiếu giáo dục, vợ con đói khổ trăm bề. Vì nước non, vì cảnh "Quốc phá gia vong", vì tình bác ái, vì tình nhân loại, người phụ nữ sẽ ra tay giúp đỡ bao quả phụ cô nhi. Đó là việc cần ích nhất hiện nay. Vì hơn phân nửa nhân lực ta đã đổ vào cuộc chiến, biết bao là mầm non con của những người đã, đang và sẽ hy sinh cho Tổ Quốc, những măng tre này nếu bỏ phế sẽ hư hỏng, sẽ làm băng hoại cả một thế hệ son trẻ, làm sụp đổ cả một xã hội. Muốn xã hội tiến triển, muốn Quốc gia càng ngày càng bền vững, chúng ta phải giúp chiến sĩ bằng cách phụ đỡ cho vợ con, cha mẹ của họ. Chúng ta đã có Hội Bảo Trợ Gia Đình Binh Sĩ, thì chúng ta phải phát triển thêm tầm mức hoạt động của Hội. Chúng ta phải mở thêm trường, để giáo dục cô nhi, chúng ta phải thêm phụ cấp cho Thương Phế Binh, cho thân nhân tử sĩ. Chúng ta phải làm vì đó là điều cấp thiết không thể thiếu được. Người phụ nữ ngày nay phải biết sống không riêng cho gia đình mà con cho Quốc Gia xã hội. Xã Hội, Quốc Gia đang cần mọi bàn tay, mọi nỗ lực đóng góp. Quốc Gia sẽ tiến nếu xã hội hứa hẹn đem lại một thế hệ đàn em trẻ, khỏe và đầy nghị lực can đảm. Đó là công khó mà người phụ nữ chúng ta cần đóng góp trong giai đoạn hiện tại nếu việc giáo dục nơi gia đình, học đường và ngoài xã hội được đầy đủ và tốt đẹp thì không thể có sự băng hoại tuổi trẻ, không thể có cảnh nước mất nhà tan.
Nói tóm lại người phụ nữ trong giai đoạn hiện tại lãnh nhiều trọng trách đối với gia đình, xã hội lẫn Quốc Gia. Tuy nặng nề, người phụ nữ vẫn chu toàn bổn phận, vì họ đã ý thức được trách nhiệm của giới mình. Xã hội sẽ đứng vững, Quốc Gia sẽ phát triển nếu còn những người phụ nữ đầy nhiệt tâm, đầy lòng thương người và lòng yêu nước, họ sẽ tạo dựng nên cả một thế hệ, một xã hội tốt đẹp xứng đáng với lòng kỳ vọng của tiền nhân. Người phụ nữ không còn đơn thuần lo cho gia đình, họ đã là một trong những nguồn nhân lực giúp cho Tổ Quốc thêm phát triển và tiến bộ. Họ cũng cần ích như bao nam nhi trong việc xây dựng đất nước.
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 221, ra ngày 1-4-1974)
Vấn đề trách nhiệm đã phân chia, ta cũng cần để ý xét coi bổn phận người phụ nữ có quá đáng hay không? Từ xưa đến nay, người phụ nữ luôn luôn công, dung, ngôn, hạnh đầy đủ. Lúc nào cũng phải lo toan riêng mình được đức hạnh đoan trang, dung nhan đẹp đẽ. Phụ Nữ phải được tam tòng: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Đó là về riêng cá nhân người phụ nữ, phải giữ mình tiết sạch giá trong, phải giữ danh thơm tiếng tốt. Khi lập gia đình, phải lo cho gia đình của riêng mình. Người phụ nữ phải lo cho chồng từ miếng ăn giấc ngủ, lại phải lo cho gia đình được êm ấm thuận hòa. Đối với con cái, phải làm sao cho chúng được đầy đủ về cả hai phương diện vật chất và tinh thần, song song với việc giáo dục chúng, lại phải chăm nom săn sóc khi ốm đau. Nói chung thì bổn phận căn bản của người phụ nữ dù ở thời đại nào cũng là chăm nom, săn sóc gia đình. Bổn phận tuy nặng nhọc, họ vẫn vui mà gánh vác, họ vẫn đòi được gánh vác. Xã hội càng ngày càng tiến bộ, người phụ nữ lần lần bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình. Họ góp mặt với xã hội chính là để phụ lực và chen vai thích cánh với nam nhi. Không phải họ đòi được như nam nhi, hay thay thế nam nhi. Họ chỉ mong chia sớt gánh nặng xã hội như bổn phận xưa nay, như điều mong ước giản dị là phụ giúp chồng con. Ngày xưa bổn phận phụ nữ nằm trong phạm vi gia đình nhưng ngày nay nó bao trùm cả xã hội. Trong một quốc gia loạn lạc chiến tranh như nước ta, nhân lực đang thiếu hụt vì sự cuốn hút khổng lồ của guồng máy chiến tranh. Xã hội sẽ sụp đổ, nếu không còn ai lo điều động hậu phương, và tiền tuyến cũng sẽ nản lòng vì bị chi phối quá nhiều. Không thể đứng yên nhìn sự đổ vỡ lan tràn, người phụ nữ đã vén khéo trong công việc nhà, lại còn chứng tỏ khả năng mình ngoài xã hội. Đó là vì con vì chồng. Người phụ nữ biết rằng xã hội xấu thì gia đình cũng bị ảnh hưởng, xã hội lung lay thì gia đình cũng chẳng yên mà nước non cũng bị xáo trộn. Và cuối cùng người phụ nữ ngày nay cũng có một địa vị ưu đãi, quan trọng trong xã hội.
Quốc gia chúng ta đã trải qua bao năm chinh chiến, người phụ nữ ngày càng đắc lực trong việc phụ giúp nam nhi. Chúng ta hiện ở trong một giai đoạn mà xã hội đang đi đến chỗ đồi trụy, gia đình cũng sắp sụp đổ. Hầu hết chúng ta cũng nghĩ một cách giản dị tại chiến tranh. Có thật vậy hay không? Tại sao Do Thái cũng chiến tranh mà họ vẫn phát triển, giáo dục vẫn tốt đẹp? Nhờ ai? Và do đâu? Chính là nhờ ở phụ nữ, chính là nhờ ở nỗ lực của những người chân yếu tay mềm, dáng liễu thướt tha. Trước tiên muốn xã hội bớt đồi trụy, gia đình phải lương hảo. Chúng ta cần phải giáo dục con cái kỹ lưỡng hơn và gấp đôi ngày trước. Con cái, sẽ là những trụ cột gia đình ngày sau, mà gia đình là nền tảng của xã hội. Chúng có tốt thì gia đình mới đứng vững và xã hội mới đứng vững thêm lên. Người phụ nữ cần làm nhiều gương tốt cho con noi theo, cần chu toàn nhiều bổn phận trong xã hội. Xã hội và gia đình liên hệ chặt chẽ với nhau. Xã hội càng lương hảo, Quốc Gia sẽ thêm nhiều mầm non tươi sáng, gia đình càng bền vững, hạnh phúc hơn.
Trong một xã hội của một quốc gia chiến tranh, việc phải làm là giáo dục con trẻ. Không phải chỉ giáo dục riêng con mình là đủ, còn biết bao cô nhi đang bơ vơ, lạc lõng cần đến sự giúp đỡ của phụ nữ. Chúng phải được học hành, giáo dục, nuôi sống để gầy dựng một thế hệ mới, một xã hội tươi trẻ, tốt đẹp hơn. Người phụ nữ trong xã hội phải chú ý đến điều này. Nước sẽ mất nếu tiền tuyến nản lòng chiến đấu. Người chiến sĩ sẽ thất vọng nếu họ biết mình khi chết đi con cái sẽ bơ vơ thiếu giáo dục, vợ con đói khổ trăm bề. Vì nước non, vì cảnh "Quốc phá gia vong", vì tình bác ái, vì tình nhân loại, người phụ nữ sẽ ra tay giúp đỡ bao quả phụ cô nhi. Đó là việc cần ích nhất hiện nay. Vì hơn phân nửa nhân lực ta đã đổ vào cuộc chiến, biết bao là mầm non con của những người đã, đang và sẽ hy sinh cho Tổ Quốc, những măng tre này nếu bỏ phế sẽ hư hỏng, sẽ làm băng hoại cả một thế hệ son trẻ, làm sụp đổ cả một xã hội. Muốn xã hội tiến triển, muốn Quốc gia càng ngày càng bền vững, chúng ta phải giúp chiến sĩ bằng cách phụ đỡ cho vợ con, cha mẹ của họ. Chúng ta đã có Hội Bảo Trợ Gia Đình Binh Sĩ, thì chúng ta phải phát triển thêm tầm mức hoạt động của Hội. Chúng ta phải mở thêm trường, để giáo dục cô nhi, chúng ta phải thêm phụ cấp cho Thương Phế Binh, cho thân nhân tử sĩ. Chúng ta phải làm vì đó là điều cấp thiết không thể thiếu được. Người phụ nữ ngày nay phải biết sống không riêng cho gia đình mà con cho Quốc Gia xã hội. Xã Hội, Quốc Gia đang cần mọi bàn tay, mọi nỗ lực đóng góp. Quốc Gia sẽ tiến nếu xã hội hứa hẹn đem lại một thế hệ đàn em trẻ, khỏe và đầy nghị lực can đảm. Đó là công khó mà người phụ nữ chúng ta cần đóng góp trong giai đoạn hiện tại nếu việc giáo dục nơi gia đình, học đường và ngoài xã hội được đầy đủ và tốt đẹp thì không thể có sự băng hoại tuổi trẻ, không thể có cảnh nước mất nhà tan.
Nói tóm lại người phụ nữ trong giai đoạn hiện tại lãnh nhiều trọng trách đối với gia đình, xã hội lẫn Quốc Gia. Tuy nặng nề, người phụ nữ vẫn chu toàn bổn phận, vì họ đã ý thức được trách nhiệm của giới mình. Xã hội sẽ đứng vững, Quốc Gia sẽ phát triển nếu còn những người phụ nữ đầy nhiệt tâm, đầy lòng thương người và lòng yêu nước, họ sẽ tạo dựng nên cả một thế hệ, một xã hội tốt đẹp xứng đáng với lòng kỳ vọng của tiền nhân. Người phụ nữ không còn đơn thuần lo cho gia đình, họ đã là một trong những nguồn nhân lực giúp cho Tổ Quốc thêm phát triển và tiến bộ. Họ cũng cần ích như bao nam nhi trong việc xây dựng đất nước.
NGUYỄN THỊ NGỌC NHUNG
Trường Lê văn Duyệt Sàigòn
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 221, ra ngày 1-4-1974)