Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

Lịch Sự Khi Ra Đường


Các em thân mến,

Hôm nay, chúng tôi nói chuyện với các em về phép lịch sự khi các em bước ra đường.

Khi đi ngoài đường, nơi chỗ đông người, các em chớ nên chen lấn, xô đẩy người khác. Các em nên nhường bước cho những người già cả, những người bịnh tật, nhất là các thương phế binh, những người đã hy sinh một phần thân thể mình cho đất nước. Các em cũng nên nhường bước cho những người có địa vị hay tuổi tác hơn các em. Đi chung với họ trên đường, các em nên dành cho họ lối đi bên phải của các em.

Khi các em va đụng người nào hay đạp lên chân ai, các em nên xin lỗi họ ngay. Các em cũng nên nhớ chớ bao giờ cho rằng cứ đụng bừa hay đạp bừa lên chân người ta rồi xin lỗi là xong chuyện.

Nếu có người lỡ đụng phải các em, các em nên giữ cử chỉ bình tĩnh, thản nhiên và im lặng là điều hay hơn cả. Các em không có phận sự khuyên dạy hay giáo dục bất cứ ai, ngoài những đứa em của các em. Với người xin lỗi các em, các em nên trả lời bằng một nụ cười thông cảm.

Đi ngoài đường, các em chớ nên nói chuyện ồn ào, huýt sáo hay ca hát om sòm trừ trường hợp hát chung với đoàn thể. Những cử chỉ này chỉ là của những người mất trí.

Người lịch sự không vứt rác và khạc nhổ xuống đường. Khi các em gặp mảnh chai bể hay những vật khác có thể làm hại người đi đường như vỏ chuối, đá, gạch vụn, các em nên lượm và bỏ vào nơi kín đáo hơn, để người khác khỏi đạp phải.

Trong các công viên, các em đừng đi trên bồn cỏ hoặc hái hoa. Các cây cỏ, hoa lá này dành để trang điểm, làm đẹp thêm thành phố của chúng ta.

Mỗi khi các em đi cắm trại ở một nơi nào, trước khi ra về, các em chớ quên lượm hết rác mà các em đã vứt trong khi vui đùa.

Khi các em đi sau người nào, các em chớ có nói chuyện thì thầm hay cười khúc khích làm cho người đi trước hiểu lầm các em đang bàn tán về họ hay chế nhạo người ta.

Người lịch sự không nhìn chòng chọc người nào và dòm một cách tò mò vào nhà ai, nhất là không gây gổ ngoài đường.

Khi các em gặp đám tang, đoàn quân diễn hành có quốc kỳ, những lúc chào cờ, các em nên dừng bước và nghiêm chỉnh chào. Đấy là cử chỉ của con người giáo dục.

Có lúc các em cần đợi ai các em nên đứng chờ dưới bóng cây hay ngồi ở ghế công cộng. Các em không nên đi lượn qua lượn lại với cử chỉ đầy sốt ruột trông không được trang nhã cho lắm.

Cuối cùng, chúng tôi khuyên các em mỗi khi bước ra đường, các em nên ăn mặc sạch sẽ, gọn ghẽ, đi đứng đàng hoàng, nhất là đừng ngậm tăm dù các em vừa ăn xong.

Đấy là những cử chỉ nhỏ nhặt nhưng không kém quan trọng, mà các em cần nhớ để được mọi người quí mến và kính trọng.

Ông La Bruyère, một nhà văn hào Pháp ở thế kỷ 17 đã có nói: "Những cử chỉ, cách điệu mà ta coi thường cho là điều nhỏ nhặt không đáng chú ý, song thường chính lại là cái làm cho kẻ khác định đoạt khi họ phán đoán về sự xấu tốt của ta."


Thân mến,                 
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 82, ra ngày 25-3-1973)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>